Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 744-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI LAO ĐỘNG CẤP TỈNH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để thực hiện việc hoà giải và giải quyết tranh chấp lao dộng tập thể theo quy định của Bộ luật Lao động;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng, Trưởng Ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Hội đồng trọng tài lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) để hoà giải và giải quyết tranh chấp lao động tập thể.

Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ hoà giải, giải quyết các vụ tranh chấp lao dộng tập thể giữa tập thể lao dộng và người sử dụng lao động xẩy ra trên địa bàn cấp tỉnh sau khi Hội đồng giải hoà lao dộng cơ sở hoặc hoà giải viên lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là cấp huyện) hoà giải không thành.

Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh tổ chức việc hoà giải và giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo các nguyên tắc quy định của Bộ luật lao động về hoà giải và giải quyết tranh chấp lao động tập thể

Điều 2.

1. Thành phần của Hội đồng trọng tài lao dộng cấp tỉnh được hình thành theo số lẻ, tối đa không quá 9 thành viên, tối thiểu không dưới 5 thành viên, gồm có:

- Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Một thành viên là đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh.

- Một thành viên là đại diện của người sử dụng lao dộng.

- Một thư ký Hội đồng do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cử.

- Một hoặc một số thành viên là luật gia, nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội có hiểu biết về lĩnh vực lao động xã hội, có uy tín và công tâm.

Thư ký Hội đồng làm việc chuyên trách và làm nhiệm vụ thường trực của Hội đồng, các thành viên khác theo chế độ kiêm nhiệm.

Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng trọng tài lao đồng cấp tỉnh do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sau khi thống nhất với các ngành liên quan trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương quyết định.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi thống nhất với Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh.

Điều 4. Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh đặt trụ sở tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có con dấu riêng; kinh phí hoạt động do ngân sách cấp được tổng hợp trong dự toán kinh phí của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bố trí địa điểm, phương tiện làm việc và bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động của Hội đồng trọng tài.

Điều 5. Căn cứ Quyết định này và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra Quyết định cụ thể việc thành lập Hội đồng trọng tài lao động của tỉnh, thành phố mình.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)