Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC
*******

Số: 745-QĐ

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 1963

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ THI VÀ KIỂM TRA CÁC MÔN HỌC Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Căn cứ Quyết định số 198-CP ngày 07/11/1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 285-QĐ ngày 12/6/1961 của Bộ giáo dục ban hành thể lệ tạm thời về tổ chức thi tốt nghiệp ở các trường đại học;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng vụ Đại học và trung học chuyên nghiệp;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành quy chế tạm thời về thi và kiểm tra các môn học áp dụng cho các trường và lớp đại học tập trung ban ngày, đính theo quyết định này.

Điều 2. Các ông Chánh văn phòng Bộ Giáo dục, Vụ trưởng vụ Đại học và trung cấp chuyên nghiệp, Vụ trưởng vụ Quản lý sinh viên, học sinh các trường Đại học và trung cấp chuyên nghiệp, Vụ trưởng Vụ Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên và các ông hiệu trưởng các trường đại học chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ THI VÀ KIỂM TRA CÁC  MÔN HỌC Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Chương 1:

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Điều 1. Các kỳ thi và kiểm tra được tổ chức ở các trường đại học với mục đích, yêu cầu sau đây:

1. Để sinh viên củng cố, tổng hợp và hệ thống hóa kiến thức, phát huy tính độc lập, suy nghĩ, phát huy khả năng vận dụng lý luận vào thực tế, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ học tập ở trường.

2. Để nhà trường đánh giá thành tích học tập của sinh viên, trên cơ sở đó cuối năm học kết hợp với việc nhận xét sinh viên về toàn diện, quyết định việc cho lên lớp, học lại hay thôi học, đồng thời rút kinh nghiệm cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, và đề ra các biện pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Chương 2:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 2. Chế độ thi và kiểm tra ở các trường đại học gồm có:

1. Kiểm tra thường xuyên trong học kỳ.

2. Kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học.

3. Thi cuối học kỳ, cuối năm học.

4. Thi tốt nghiệp.

Quy chế tạm thời về thi tốt nghiệp do Quyết định số 285-QĐ ngày 12/6/1961 quy định. Bản quy chế tạm thời này quy định chế độ kiểm tra và thi cuối học kỳ, cuối năm học.

Việc thường xuyên theo dõi và kiểm tra kết quả học tập của sinh viên là nhiệm vụ của mỗi cán bộ giảng dạy. Mỗi trường đại học căn cứ vào những đặc điểm của trường, vào các phương thức giảng dạy áp dụng ở trưởng và vào yêu cầu học tập đối với các môn học mà quy định chế độ kiểm tra thường xuyên tiến hành nhẹ nhàng, bằng những hình thức linh hoạt và không dồn dập quá nhiều.

Điều 3. Chế độ thi và kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học là chế độ bắt buộc, không một sinh viên nào được miễn.

Điều 4. Tất cả các môn học ghi trong kế hoạch giảng dạy đều phải thi hoặc kiểm tra cuối học kỳ hay cuối năm học để đánh giá kết quả học tập của sinh viên về các môn đó.

Nói chung, thi khi môn học kết thúc, kiểm tra khi môn học chưa kết thúc. Đối với những môn học quan trọng, học nhiều giờ và kéo dài trong nhiều học kỳ, có thể tổ chức thi nhiều lần vào cuối học kỳ hay cuối năm học khi đã kết thúc những phần độc lập của chương trình môn học.

Đối với những môn mà phần thực hành, thực tập là quan trọng (thể dục thể thao, vẽ kỹ thuật,…), với những món thứ yếu hay môn tự nguyện, có thể chỉ tiến hành kiểm tra không tổ chức thi.

Điều 5. Cần điều hòa, bố trí các môn thi và các môn kiểm tra ở mỗi học kỳ cho hợp lý, không quá ít, không dồn dập vào cùng một học kỳ.

Số môn thi của mỗi học kỳ không quá năm môn.

Điều 6. Kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học tiến hành trước thời gian thi.

Khi tiến hành thi, sinh viên được nghỉ học để ôn tập. Thời gian ôn tập dành cho mỗi môn căn cứ vào tổng số thời gian thi quy định trong kế hoạch giảng dạy, vào số lượng các môn thi, vào số giờ học và trình độ khó dễ của mỗi môn mà quy định cho thích hợp.

Khi tiến hành kiểm tra, không bố trí cho sinh viên nghỉ học.

Điều 7. Muốn được dự thi hay kiểm tra môn học nào cuối học kỳ hay cuối năm, sinh viên phải:

a) Học đầy đủ chương trình đã giảng dạy về môn đó trong học kỳ hay trong năm học.

b) Hoàn thành tất cả các bài làm, bài tập bắt buộc, bài thí nghiệm,… đã quy định về môn đó.

Những sinh viên không đủ các điều kiện trên chỉ được thi hay kiểm tra khi đã học bù lại và làm đủ các bài làm, bài tập, bài thí nghiệm… bị thiếu. Nếu không học bù lại đủ các bài thị thiếu hay không làm đủ các bài làm, bài tập, bài thí nghiệm… đã quy định, sẽ coi như thi hay kiểm tra không đạt yêu cầu và sẽ ở trong diện xử lý cuối năm.

Đối với những sinh viên nghỉ học nhiều có lý do chính đáng (ốm đau, công tác đột xuất, nữ sinh viên nghỉ đẻ,…) sẽ căn cứ vào kết quả học tập trong học kỳ hay trong năm và vào tinh thần, thái độ học tập mà quyết định, có thể chiếu cố cho thi hay kiểm tra, không bắt buộc phải có đủ các điều kiện quy định ở trên.

Chương 3:

TỔ CHỨC THI VÀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ, CUỐI NĂM HỌC

Điều 8. Các kỳ thi và kiểm tra cuối học kỳ cuối năm học được tổ chức dưới sự lãnh đạo thống nhất của hiệu trưởng.

Điều 9. Các môn thi, lịch thi và hình thức thi phải công bố cho sinh viên và các bộ môn biết, chậm nhất là một tháng trước khi ở thi mỗi học kỳ.

Điều 10. Chương trình thi về mỗi môn là toàn bộ chương trình đã học về môn đó từ khi bắt đầu môn học (nếu chưa thi lần nào hay chỉ mới kiểm tra) hay từ sau lần thi trước (nếu đã có thi rồi).

Điều 11. Hình thức thi áp dụng trong các kỳ thi: viết, vấn đáp hay thực hành, thực tập, tùy theo tính chất từng môn và khả năng thực hiện của nhà trường mà quy định cho thích hợp.

Điều 12.  Đề thi do tổ bộ môn căn cứ vào chương trình các môn học mà soạn ra. Đề thi do hiệu trưởng duyệt hoặc ủy nhiệm cho các chủ nhiệm khoa duyệt và phải tuyệt đối giữ bí mật.

Điều 13. Cán bộ phụ trách giảng dạy môn nào là người chấm thi chính về môn đó. Để thực hiện nguyên tắc chấm thi tập thể; ngoài người chấm thi chính phải có người chấm thi phụ và khi cho điểm thi cùng một điểm chung.

Trường hợp một môn học chia ra nhiều phần do nhiều cán bộ phụ trách thì số người chấm thi chủ yếu không quá hai người và khi cho điểm thi cùng cho một điểm chung.

Điều 14. Thi vấn đáp tiến hành theo lối rút thăm. Mỗi phiếu thi gồm từ hai đến ba câu hỏi về các vấn đề khác nhau trong chương trình đã học. Khi hỏi thi, ngoài các câu hỏi ghi trong phiếu thi, người chấm thi chính có quyền đặt câu hỏi bổ sung trong phạm vi chương trình đã học, nhằm mục đích đi sâu vào những vần đề thuộc về các câu hỏi ghi trong phiếu thi.

Điều 15. Kiểm tra cuối học kỳ hay cuối năm học đối với những môn không thi mục đích chủ yếu là kiểm tra kiến thức và trình độ tiếp thu của sinh viên hoặc là kiểm tra việc thực hiện các công tác thực hành, thực tập, thí nghiệm, thiết kế môn học… đã đề ra trong học kỳ hay trong năm học. Khi kiểm tra, có thể dùng hình thức viết hay vấn đáp nhẹ nhàng hơn thi, hoặc dùng cách cho điểm tổng kết căn cứ vào kết quả các kỳ kiểm tra thường xuyên hay kết quả các bài thí nghiệm, bài tập lớn, thiết kế môn học… đã tiến hành trong học kỳ hay trong năm.

Điều 16. Các môn kiểm tra, lịch kiểm tra, hình thức kiểm tra công bố cho sinh viên biết chậm nhất là nửa tháng trước khi kiểm tra.

Điều 17. Chương trình kiểm tra đối với những môn không thi là chương trình đã học trong học kỳ hay trong năm học về các môn đó, có thể hạn chế trong những phần chủ yếu.

Điều 18. Cán bộ giảng dạy môn nào phụ trách kiểm tra môn đó. Kiểm tra về thực hành; thực tập, bài tập lớn, thiết kế môn học, do cán bộ hướng dẫn làm các công tác đó phụ trách.

Điều 19. Các bài thi cho điểm theo chế độ 5 bậc: giỏi (điểm 5), khá (điểm 4), trung bình (điểm 3), kém (điểm 2) và rất kém (điểm 1).

Ở những trường hiện nay cho điểm trên 10, tạm thời có thể giữ chế độ đó. Để thống nhất việc phân loại sinh viên khá, kém, khi đánh giá kết quả các bài thi thì phân loại như sau:  giỏi (điểm 9 và 10), khá (điểm 7 và 8), trung bình (điểm 5 và 6), kém (điểm 3 và 4) và rất kém (điểm 1 và 2).

Cách đánh giá các bài kiểm tra do mỗi trường quy định, hoặc cho điểm như các bài thi hoặc chỉ ghi “đạt yêu cầu” hay “không đạt yêu cầu”.

Điều 20. Kết quả thi và kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học, phải công bố cho sinh viên biết sau khi hiệu trưởng duyệt, hay ủy nhiệm cho các chủ nhiệm khoa duyệt, và phải ghi vào học bạ và vào sổ theo dõi kết quả học tập của sinh viên. Riêng danh sách những sinh viên phải loại ra khỏi trường hay phải thôi học sẽ chỉ công bố sau khi bộ có trường và Bộ giáo dục duyệt.

Điều 21. Thi và kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học tiến hành theo lịch đã quy định trước. Đến ngày thi hay kiểm tra những sinh viên vắng mặt không có lý do sẽ coi như thi hay kiểm tra không đạt yêu cầu.

Những sinh viên vắng mặt có lý do và được nhà trường cho phép hoãn thi hay kiểm tra sẽ được thi hay kiểm tra riêng vào thời gian khác do hiệu trưởng quyết định.

Điều 22. Trong các kỳ thi và kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học, sinh viên phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy thi và kiểm tra do nhà trường quy định và phổ biến chu đáo trước khi thi và kiểm tra.

Đối với những sinh viên vi phạm nội quy; kỷ luật thi, sẽ tùy theo lỗi nặng nhẹ mà thi hành kỷ luật, căn cứ vào quy chế khen thưởng kỷ luật đối với sinh viên, học sinh các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp do Bộ giáo dục đã ban hành.

Điều 23. Những sinh viên có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi và kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học, sẽ được khen thưởng theo chế độ chung.

Chương 4:

NGUYÊN TẮC XÉT CHO LÊN LỚP, THI LẠI, HỌC LẠI HAY THÔI HỌC

Điều 24. Sinh viên thi hay kiểm tra cuối học kỳ hay cuối năm học không đạt yêu cầu về môn nào sẽ được thi hay kiểm tra lại môn đó một lần trong vòng hai tuần lễ đầu của học kỳ sau. Kiểm tra lại có thể tiến hành ngay sau khi kiểm tra lần đầu không đạt yêu cầu.

Điều 25. Việc xét cho sinh viên lên lớp mỗi năm tiến hành một lần vào cuối năm học, trước khi nghỉ hè, và một lần vào đầu năm học, sau khi đã tổ chức thi và kiểm tra lại.

Điều 26. Để đánh giá thành tích học tập của sinh viên về toàn diện, khi xét cho lên lớp sẽ xét về cả ba mặt: đạo đức, học tập (lý thuyết và thực hành, thực tập) và sức khỏe (bao gồm cả mặt rèn luyện thân thể).

Những sinh viên có đủ các điều kiện sau đây thì được lên lớp:

1) Có tư cách đạo đức tốt (xếp loại từ trung bình trở lên).

2) Đạt điểm từ trung bình trở lên về tất các các bài thi của cả hai học kỳ và đạt yêu cầu về tất cả các bài kiểm tra của cả hai học kỳ.

3) Có đủ sức khỏe để tiếp tục học.

Điều 27. Những sinh viên là người dân tộc thiểu số hay là phụ nữ có con mọn từ một tuổi trở xuống, những sinh viên thường xuyên đạt kết quả tốt trong quá trình học tập có thể được xét vớt cho lên lớp sau kỳ thi lại ở đầu năm học sau, nếu có tư cách đạo đức tốt, có đủ sức khỏe để tiếp tục học và chỉ có tối đa một môn thi và một môn kiểm tra, hoặc hai môn kiểm tra không đạt yêu cầu.

Điều 28. Đối với những sinh viên đạt yêu cầu về học tập và về sức khỏe, nhưng về tư cách đạo đức xếp loại kém hay quá kém, sẽ căn cứ vào mức độ sai lầm khuyết điểm mà xử lý, hoặc cho lên lớp sau khi đã kiểm điểm sâu sắc, hoặc đình chỉ học tập có thời hạn, hoặc loại ra khỏi trường nếu phạm sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng.

Điều 29. Cuối năm học, những sinh viên có quá một nửa số môn thi của cả năm học dưới điểm trung bình, sẽ không được thi lại ở đầu năm học sau. Căn cứ vào quá trình học tập trong năm và vào sự tiến bộ về mặt tư cách đạo đức, hiệu trưởng xét và quyết định, hoặc cho học lại lớp đó hoặc cho thôi học.

Điều 30. Những sinh viên không đủ các điều kiện quy định ở trên để được lên lớp sẽ phải học lại lớp đó, trừ các trường hợp phải đình chỉ học tập có thời hạn, cho thôi học và  loại ra khỏi trường.

Điều 31. Trong cả khóa học, nếu không đủ điều kiện lên lớp, mỗi sinh viên chỉ được học lại lớp một lần, trừ trường hợp ốm đau, được nhà trường cho phép nghỉ dài hạn để điều dưỡng.