Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 746/QĐ-TCTK

Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐIỀU TRA CHI PHÍ BẢO HIỂM, CHI PHÍ VẬN TẢI HÀNG NHẬP KHẨU CỦA CÁC DOANH NGHIỆP - NĂM 2012

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ

Căn cứ Luật Thống kê ngày 26 tháng 6 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 803/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình điều tra thống kê quốc gia;

Để đáp ứng yêu cầu thu thập thông tin về chi phí vận tải và bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu quản lý, lập bảng cán cân thanh toán quốc tế và các chỉ tiêu thống kê liên quan;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Tổ chức điều tra chọn mẫu về chi phí bảo hiểm, vận tải hàng hóa nhập khẩu trong năm 2012 của các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hàng hóa trực tiếp từ nước ngoài thuộc 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo phương án ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Giám đốc các doanh nghiệp quy định ở Điều 1 có trách nhiệm cung cấp chính xác, kịp thời và đầy đủ những thông tin theo phiếu điều tra.

Điều 3. Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn thực hiện điều tra có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra theo đúng phương án quy định.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 5. Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ Thống kê và Công nghệ thông tin, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Chánh Văn phòng Tổng cục Thống kê và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3; Điều 5;
- Lãnh đạo Tổng cục;
- Lưu: VT, Vụ TMDV.

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Đỗ Thức

 

PHƯƠNG ÁN

ĐIỀU TRA CHI PHÍ BẢO HIỂM, VẬN TẢI HÀNG HÓA NHẬP KHẨU CỦA CÁC DOANH NGHIỆP - NĂM 2012
(Ban hành kèm theo Quyết định số 746/QĐ-TCTK ngày 09 tháng 7 năm 2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)

1. Mục đích điều tra

1.1. Mục đích: Thu thập thông tin về chi phí bảo hiểm (Insurance) và chi phí vận tải (Freight) hàng hóa nhập khẩu của một số doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu trực tiếp hàng hóa trong năm 2012, từ đó suy rộng tỷ lệ hai loại chi phí này trong tổng trị giá hàng nhập khẩu (tính theo giá CIF) của toàn quốc, tính toán định kỳ tổng giá trị nhập khẩu dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ vận tải của Việt Nam, phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách xuất nhập khẩu dịch vụ của Chính phủ, các bộ ngành, tính toán các chỉ tiêu thống kê tài khoản quốc gia, cán cân thanh toán quốc tế và các chỉ tiêu liên quan.

1.2. Yêu cầu: xác định rõ đơn vị điều tra và cách thức thu thập thông tin đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế; thông tin thu thập được phản ánh xác thực chi phí vận tải và bảo hiểm đối với hàng hóa nhập khẩu; rút ngắn thời gian xử lý và tổng hợp kết quả; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dùng tin.

2. Đối tượng, đơn vị và phạm vi điều tra

2.1. Đối tượng, đơn vị điều tra: là các doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập được thành lập và chịu sự điều tiết bởi Luật Doanh nghiệp được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005, đang hoạt động sản xuất kinh doanh, có hoạt động nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ nước ngoài trong năm 2012, gồm:

- Doanh nghiệp nhà nước

- Hợp tác xã

- Doanh nghiệp tư nhân

- Công ty hợp danh

- Công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân (kể cả công ty TNHH có vốn nhà nước ≤ 50%)

- Công ty cổ phần không có vốn nhà nước

- Công ty cổ phần có vốn nhà nước ≤ 50%

- Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài

- Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khác trong nước liên doanh với nước ngoài.

2.2. Phạm vi điều tra: điều tra chọn mẫu một số doanh nghiệp thuộc đối tượng điều tra thuộc 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chọn ở Mục 6.1.   

3. Thời gian điều tra và thời kỳ thu thập số liệu.

- Thời gian điều tra: thực hiện điều tra thu thập thông tin tại các đơn vị điều tra từ ngày 15/7/2013 đến ngày 15/8/2013

- Thời kỳ thu thập số liệu: thu thập số liệu phát sinh từ 1/1/2012 đến 31/12/2012

4. Nội dung điều tra, phiếu điều tra:

4.1. Nội dung điều tra

a) Thông tin chung về doanh nghiệp:

- Tên doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại, Fax, Email của doanh nghiệp;

- Mã số thuế của doanh nghiệp;

- Tên, số điện thoại của người ghi phiếu điều tra.

b) Thông tin về trị giá nhập khẩu trực tiếp hàng hóa năm 2012

- Theo điều kiện CIF;

- Theo điều kiện FOB và mua bảo hiểm, vận tải của doanh nghiệp nước ngoài;

- Theo điều kiện FOB và mua bảo hiểm, vận tải của doanh nghiệp Việt Nam.

c) Thông tin về chi phí bảo hiểm, vận tải hàng hoá nhập khẩu trực tiếp

- Tên mặt hàng/nhóm hàng;

- Mã số mặt hàng/nhóm hàng;

- Phương thức vận tải: máy bay, tàu biển, ô tô, đường sắt;

- Nước (hoặc châu lục) xuất khẩu hàng hóa cho Việt Nam;

- Chi phí bảo hiểm (Insurance - gọi tắt là I - ghi số tiền hoặc tỷ lệ % so với trị giá hàng nhập khẩu trực tiếp);

- Chi phí vận tải hàng hóa (Freight - gọi tắt là F - ghi số tiền hoặc tỷ lệ % so với trị giá hàng nhập khẩu trực tiếp);

- Tổng số phí bảo hiểm và vận tải hàng nhập khẩu (gọi tắt là I + F - ghi số tiền hoặc tỷ lệ % so với trị giá hàng nhập khẩu trực tiếp).

4.2. Phiếu điều tra: nội dung điều tra được thể hiện chi tiết trong 01 phiếu điều tra áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hàng hóa trực tiếp trong năm 2012.

5. Phân loại, danh mục sử dụng trong điều tra

- Danh mục các đơn vị hành chính ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Thủ trướng Chính phủ, được cập nhật theo danh sách các đơn vị hành chính đến thời điểm điều tra;

- Danh mục nhóm/mặt hàng nhập khẩu ban hành kèm theo Phương án;

- Danh mục nước và vùng, lãnh thổ phân theo khu vực địa lý kèm theo Phương án.

6. Loại điều tra, phương pháp thu thập thông tin

6.1. Loại điều tra: Cuộc điều tra này là loại điều tra chọn mẫu, mẫu điều tra được chọn có chủ đích và được tiến hành theo các bước:

Bước 1: Tổng cục Thống kê chọn mẫu 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tiến hành điều tra;

Bước 2: Căn cứ vào danh sách và trị giá nhập khẩu hàng hóa trực tiếp của toàn bộ các doanh nghiệp thuộc 15 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (do Tổng cục Hải quan cung cấp). Trên cơ sở trị giá nhập khẩu hàng hóa trong năm 2012 của doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê thực hiện chọn mẫu các doanh nghiệp có tổng giá trị nhập khẩu chiếm 75 – 80% kim ngạch nhập khẩu của địa phương để điều tra. Số lượng mẫu điều tra của từng tỉnh, thành phố như sau:

Tỉnh, thành phố

Số lượng DN

Tỉnh, thành phố

Số lượng DN

Tổng số

4 500

8. Đà Nẵng

80

1. Hà Nội

1 000

9.  Khánh Hòa

50

2. Hải Phòng

200

10. Bà Rịa - Vũng Tàu

80

3. Hải Dương

80

11. Đồng Nai

450

4. Quảng Ninh

50

12. Bình Dương

600

5. Hưng Yên

100

13. T.P Hồ Chí Minh

1 500

6. Bắc Ninh

100

14. Long An

100

7. Vĩnh Phúc

60

15. Cần Thơ

50

Bước 3: Tổng cục Thống kê gửi danh sách các doanh nghiệp được chọn điều tra ở bước 2 và danh sách các doanh nghiệp dự phòng để các Cục Thống kê tiến hành điều tra thay thế trong trường hợp không điều tra được doanh nghiệp ở danh sách được chọn.

6.2. Phương pháp thu thập thông tin: cuộc điều tra này kết hợp cả hai phương pháp phỏng vấn trực tiếp và phương pháp điều tra gián tiếp

- Phỏng vấn trực tiếp: căn cứ vào danh sách, điều tra viên đến từng đơn vị điều tra để trực tiếp phỏng vấn, hướng dẫn doanh nghiệp khai thác các thông tin từ tờ khai hải quan hàng nhập khẩu, sổ sách, chứng từ kế toán, hợp đồng nhập khẩu ký với nước ngoài, vận đơn, hóa đơn hoặc lấy thông tin từ đối tác nước ngoài,... để điền số liệu về chi phí bảo hiểm, vận tải hàng nhập khẩu cho từng mặt hàng, nhóm hàng, theo từng nước xuất khẩu hàng hóa cho Việt Nam.

- Điều tra gián tiếp: Cục Thống kê tổ chức hội nghị, mời đại diện các doanh nghiệp thuộc diện điều tra và các điều tra viên để trực tiếp hướng dẫn nội dung, cách ghi phiếu điều tra, cách gửi phiếu điều tra để doanh nghiệp tự ghi số liệu rồi gửi cho cơ quan Thống kê theo đúng nội dung và thời gian quy định của phương án điều tra.

Trong thực tế, cần kết hợp chặt chẽ cả hai phương pháp nhằm đảm bảo thu thập đủ, chính xác nội dung thông tin, đảm bảo về thời gian và tiết kiệm về kinh phí.

7. Phương pháp xử lý thông tin, tổng hợp và biểu đầu ra

7.1. Nhập tin, kiểm tra, xử lý và tổng hợp số liệu:

- Nhập tin số liệu từ phiếu điều tra được thực hiện tại các Cục Thống kê theo một phần mềm thống nhất do Tổng cục Thống kê biên soạn. Chương trình nhập tin, kiểm tra, nghiệm thu số liệu sẽ được gửi tới Cục Thống kê qua mạng GSO;

- Nghiệm thu số liệu đã nhập tin: các Cục Thống kê tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương truyền số liệu gốc đã nhập tin về địa chỉ e-mail: ngoaithuong@gso.gov.vn để Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ phối hợp với Trung tâm Tin học Thống kê Khu vực I thực hiện nghiệm thu qua mạng máy tính. Số liệu sau khi đạt yêu cầu sẽ được đưa vào khai thác, tổng hợp tại Tổng cục;

- Suy rộng kết quả: từ kết quả điều tra, tính toán tỷ lệ chi phí bảo hiểm và vận tải hàng hóa nhập khẩu, sau đó dùng tỷ lệ tính toán được kết hợp với tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa năm 2012 để suy rộng tổng số chi phí về vận tải và bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu trong năm 2012 của Việt Nam.

7.2. Phân tích, công bố kết quả: thực hiện tại Tổng cục Thống kê.

8. Kế hoạch tiến hành

8.1. Chuẩn bị điều tra:

Tổng cục Thống kê thực hiện các công việc, bao gồm:

- Xây dựng phương án điều tra;

- Lập danh sách đơn vị điều tra;

- Ban hành phương án, quyết định điều tra;

- Xây dựng chương trình phần mềm (nhập tin, xử lý, tổng hợp kết quả);

- Chuẩn bị tài liệu và hướng dẫn thực hiện phương án điều tra.

8.2. Triển khai điều tra:

- Thời gian thực hiện từ 15/7/2013 đến 15/8/2013 (riêng 4 tỉnh/thành phố: Hà Nội, T.P.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương thời gian quy định đến 5/9/2013), các công việc thực hiện gồm:

- Tổng cục Thống kê gửi tài liệu và danh sách đơn vị điều tra cho 15 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn điều tra;

Các Cục Thống kê được chọn điều tra:

+ Rà soát danh sách và chuẩn bị công văn, tài liệu liên hệ với đơn vị điều tra, tuyển chọn điều tra viên, giám sát viên theo tiêu chuẩn quy định, tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên và hướng dẫn cán bộ của doanh nghiệp về nội dung và phương pháp ghi phiếu điều tra do Tổng cục Thống kê quy định. Công việc này cần được thực hiện trước thời điểm triển khai điều tra.

+ Triển khai thu thập thông tin tại các đơn vị điều tra từ 20/7/2013;

+ Kiểm tra, chỉnh sửa số liệu, hoàn thiện thông tin phiếu điều tra, đánh mã tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

8.3. Nhập tin, kiểm tra, xử lý và tổng hợp số liệu:

- Nhập tin số liệu từ phiếu điều tra được thực hiện tại các Cục Thống kê theo phần mềm thống nhất do Tổng cục Thống kê xây dựng và gửi các Cục Thống kê qua mạng GSO. Thời gian nhập tin, kiểm tra, làm sạch số liệu từ 20/8/2013 đến 20/9/2013 (riêng 4 tỉnh/thành phố nêu ở mục 8.2, thời gian quy định đến 10/10/2013);

- Nghiệm thu số liệu đã nhập tin: ngày 20/9/2013 các Cục Thống kê tỉnh/thành phố truyền số liệu gốc đã nhập tin về Tổng cục để nghiệm thu (riêng 4 tỉnh/thành phố nêu ở mục 8.2, thời gian quy định đến 10/10/2013);

- Tổng hợp, suy rộng kết quả: thực hiện tại Tổng cục Thống kê, thời gian thực hiện: tháng 11, 12 năm 2013.

9. Tổ chức thực hiện

- Ở cấp trung ương: Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ là đơn vị thường trực chỉ đạo điều tra, có trách nhiệm: phối hợp với Vụ Phương pháp chế độ thống kê và Công nghệ thông tin xây dựng phương án điều tra; phối hợp với Trung tâm Tin học Thống kê Khu vực I xây dựng và phổ biến chương trình phần mềm nhập tin, xử lý kết quả điều tra; trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát điều tra ở các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương được chọn điều tra; tổng hợp và phân tích kết quả cuộc điều tra.

- Ở cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương: Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương được chọn điều tra giao phòng Thống kê Thương mại (hoặc Phòng Thống kê Công-Thương) làm đầu mối, phối hợp với các phòng có liên quan chịu trách nhiệm triển khai, thu thập, kiểm tra chỉnh lý, đánh ký mã hiệu, nhập tin và kiểm tra số liệu đã nhập tin, sau đó gửi về Tổng cục Thống kê để xử lý tổng hợp và suy rộng.

10. Kinh phí điều tra

- Cuộc điều tra này được thực hiện bằng ngân sách nhà nước. Kinh phí cuộc điều tra này được Tổng cục Thống kê phân bổ một lần theo kế hoạch kinh phí điều tra hàng năm gửi các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nội dung phương án điều tra, kinh phí đã được phân bổ và chế độ tài chính hiện hành quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả để tổ chức thực hiện tốt cuộc điều tra, bảo đảm chất lượng thông tin./.