Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 747-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM BẮC BỘ THỜI KỲ 1996 - 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư tại Công văn số 5177/BKH-HĐTĐ ngày 22 tháng 8 năm 1997,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ bao gồm 5 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng và Quảng Ninh, trong thời kỳ 1996 - 2010 với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU

1. Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành một trong những vùng kinh tế phát triển nhanh, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với các vùng khác trong cả nước.

2. Phấn đấu đưa tỷ trọng GDP của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ so với GDP cả nước đạt 18 - 19% vào năm 2010.

3. Tổng giá trị xuất khẩu tăng với nhịp độ 28 - 30% thời kỳ 1995 - 2000 và khoảng 20% thời kỳ 2001 - 2010 và chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

4. Giải quyết cơ bản việc làm cho những người trong độ tuổi lao động cần có việc làm. Đến năm 2000 giảm 2/3 số hộ nghèo, tiến tới xoá bỏ hộ nghèo vào năm 2010.

5. Xây dựng xã hội văn minh, đảm bảo tốt các nhu cầu cung ứng điện, nước, đi lại, thông tin liên lạc cho nhân dân các đô thị hạt nhân và nâng mức sống của nhân dân khu vực nông thôn vượt mức trung bình cả nước, bảo vệ tốt và cải thiện môi trường sinh thái, giảm hẳn các tệ nạn xã hội.

6. Bảo đảm kỷ cương, trật tự an toàn xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU:

1. Về phát triển công nghiệp:

- Phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân 16,5%/ năm suốt cả thời kỳ 1995 - 2010.

- Nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, một phần để thay thế hàng nhập khẩu và một phần để xuất khẩu. Đồng thời phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực tạo nguyên vật liệu trên cơ sở tài nguyên và lợi thế của vùng.

- Song song với việc phát triển của ngành công nghiệp, yêu cầu tập trung, phát triển các ngành công nghiệp có khả năng bố trí phân tán nhằm giải quyết việc làm, phát triển những nhà máy có quy mô vừa và nhỏ với công nghệ tiên tiến, hiện đại.

- Xây dựng và phát triển các khu công nghiệp tập trung tại các khu vực ngoại vi thành phố lớn, dọc đường 18, đường 21 và đường 5.

- Những ngành công nghiệp trọng điểm cần được ưu tiến phát triển là: kỹ thuật điện, điện tử; sản xuất thiết bị máy móc, đóng và chữa tàu thuỷ, lắp ráp chế tạo ôtô, xe gắn máy; sản xuất vật liệu xây dựng, năng lượng, luyện cán thép; chế biến lương thực, thực phẩm, công nghiệp dệt, sa, may.

2. Về thương mại, dịch vụ, du lịch:

- Chuyển dịch cơ cấu các ngành thương mại, dịch vụ theo hướng ưu tiến phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ cảng, tài chính, ngân hàng, chuyển giao công nghê. Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng hàng năm các ngành dịch vụ đạt 13%/năm trong suốt thời kỳ đến năm 2010.

- Phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình du lịch, hình thành các tuyến du lịch hợp lý để thu hút khách, mở thêm các tuyến du lịch quốc tế nối Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long với các nước trên thế giới và trong khu vực. Xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, gắn khai thác với tôn tạo, duy trì, bảo dưỡng phát triển tài nguyên du lịch, truyền thống văn hoá dân tộc.

3. Về nông, lâm nghiệp, thuỷ sản:

- Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp: đưa tỷ trọng chăn nuôi từ 36% hiện nay tăng lên 45% vào năm 2010; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung, tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến sản phẩm cao cấp phục vụ cho xuất khẩu. Giữ vững nhịp độ tăng trưởng GDP trong nông nghiệp bình quân khoảng 4%/năm trong suốt thời kỳ đến năm 2010.

- Phát triển vùng rừng nguyên liệu gỗ trụ mỏ, vùng rừng ngập mặn ven biển. Phát triển trồng cây xanh trong các đô thị và các khu công nghiệp.

- Phát triển nuôi trồng thuỷ, hải sản nước ngọt, nước lợ. Phát triển đánh bắt hải sản xa bờ. Sớm hình thành một số trung tâm dịch vụ nghề cá Vịnh Bắc Bộ.

4. Phát triển kết cấu hạ tầng:

- Kết hợp cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ, đường thuỷ theo quy hoạch cùng với hệ thống cầu có ý nghĩa quyết định với việc giao lưu hàng hoá, phát triển kinh tế của vùng. Hoàn chỉnh hệ thống giao thông công cộng ở các thành phố lớn.

- Nâng cấp, xây dựng mới mạng lưới điện tương ứng với nguồn điện, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.

- Hiện đại hoá mạng lưới thông tin liên lạc. Đến năm 2000 đạt mức 12 - 15 máy điện thoại/100 dân (gấp 2 lần tỷ lệ chung của cả nước), mở rộng thông tin di động, mạng truyền số liệu, bưu chính, thông tin duyên hải, phủ sóng phát thanh, truyền hình toàn địa bàn.

- Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cấp nước ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp tập trung, đảm bảo nhu cầu về nước sạch cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, cải thiện điều kiện ăn ở, sinh hoạt và vệ sinh môi trường đô thị và nông thôn.

5. Phát triển các lĩnh vực văn hoá - y tế - xã hội:

- Phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống giáo dục và đào tạo để nâng cao dân trí, đáp ứng nguồn nhân lực cho nhu cầu công nghiệp hoá và hiện đại hoá của vùng và cả nước.

- Phát triển mạng lưới chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám chữa bệnh cho nhân dân, đầu tư nâng cấp các bệnh viện hiện có và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

- Nghiên cứu triển khai áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại làm nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

- Phát triển văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, phát thanh, truyền hình đạt trình độ cao và hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực và xứng đáng với vai trò là nguồn động lực phát triển.

III. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Để thực hiện quy hoạch, cần phải có một hệ thống biện pháp đồng bộ nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; trên địa bàn từng tỉnh, thành phố phải cụ thể hoá phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quy hoạch bằng các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, bằng các chương trình và dự án đầu tư phát triển cụ thể.

2. Các giải pháp về nguồn vốn, nhân lực, khoa học công nghệ, thị trường phải được cụ thể bằng các chính sách, cơ chế phù hợp với đặc điểm của vùng, của từng tỉnh, thành phố và những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, nhằm thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong quy hoạch.

3. Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, các tỉnh, thành phố trong vùng phải rà soát lại các chương trình dự án đầu tư, phát triển kinh tế để sắp xếp thứ tự ưu tiên một cách hợp lý, thể hiện cụ thể bằng các kế hoạch hàng năm của tỉnh, thành phố. Trong quá trình thực hiện quy hoạch cần phải theo dõi, sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm và có những bổ sung, điều chỉnh kịp thời.

Điều 2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi thực hiện Quy hoạch một cách chặt chẽ, có kế hoạch 5 năm, hàng năm và các chương trình, dự án đầu tư phát triển phù hợp với quy hoạch vùng.

Các Bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình và các dự án đã đề ra nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, thành phố với quy hoạch của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)