Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 75/2000/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, SỬ DỤNG VÀ KHAI THÁC HỆ THỐNG CÁC TRẠM QUAN TRẮC LÚN MẶT ĐẤT HÀ NỘI DO THAY ĐỔI MỰC NƯỚC NGẦM TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ luật Tổ chức HĐND và UBND;

- Căn cứ công văn số 1609 CV/ĐC ngày 7/9/1998 của Tổng cục Địa chính về việc xác nhận chất lượng công trình tại các mốc chuẩn thuộc các trạm quan trắc lún mặt đất do hạ mực nước ngầm tại Thành phố Hà Nội, đạt yêu cầu mốc độ cao Nhà nước hạng 2 và đã được đo nối với lưới độ cao Nhà nước hạng 2;

- Căn cứ công văn số 485/ĐC-ĐĐBĐ ngày 6/4/2000 của Tổng cục Địa chính;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội tại tờ Trình số 674/TT-SXD ngày 8/8/2000,

QUYẾT ĐỊNH

Điều I: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về quản lý, vận hành, sử dụng và khai thác hệ thống các trạm quan trắc lún mặt đất do thay đổi mực nước ngầm tại Thành phố Hà Nội.

Điều II: Giao Giám đốc Sở Xây dựng ban hành quy trình kỹ thuật quan trắc, vận hành, sử dụng, bảo dưỡng các trạm quan trắc lún mặt đất do thay đổi mực nước ngầm tại Thành phố Hà Nội.

Điều III: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều IV: Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Giao thông Công chính, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính Vật giá, Kế hoạch và Đầu tư, Địa chính Nhà đất, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện và Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT/ CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Hoàng Ân

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, SỬ DỤNG VÀ KHAI THÁC HỆ THỐNG CÁC TRẠM QUAN TRẮC LÚN MẶT ĐẤT DO THAY ĐỔI MỰC NƯỚC NGẦM TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 75/2000/QĐ-UB ngày 23 tháng 8 năm 2000 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1:

Văn bản này quy định những nội dung chủ yếu về quản lý, vận hành, sử dụng và khai thác các trạm quan trắc lún mặt đất do thay đổi mực nước ngầm, nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy hiệu quả việc khai thác, sử dụng các trạm quan trắc lún mặt đất do thay đổi mực nước ngầm tại Thành phố Hà Nội, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào áp dụng có hiệu quả trong thực tế.

Điều 2:

Hệ thống các trạm quan trẵc lún mặt đất do thay đổi mực nước ngầm (dưới đây gọi tắt là các trạm quan trẵc lún mặt đất) là hệ thống các công trình quan trắc được thiết kế và xây dựng để thu thập các số liệu về sự thay đổi mực nước ngầm của tầng chứa nước dưới đất đang khai thác, sự thay đổi áp lực nước lỗ rỗng do tổng độ lún bề mặt đất do nguyên nhân thay đổi sự thay đổi mực nước ngầm gây ra.

Mối một trạm quan trẵc lún mặt đất được thiết kế và xây dựng gồm: 01 mốc chuẩn, các mốc đo lún hợp phần và các đầu đo áp lực nước rỗng. Các mốc chuẩn của các trạm quan trẵc lún mặt đất được đo nối với hệ thống lưới độ cao của Nhà nước theo tiêu chuẩn mốc độ cao Nhà nước hạng II.

Điều 3:

Hệ thống các trạm quan trắc lún mặt đất và các số liệu quan tắc thu được từ các trạm là tài sản của Nhà nước do UBND Thành phố thống nhất quản lý nhằm mục đích phục vụ công tác điều tra cơ bản, chỉ đạo xây dựng các quy hoạch và kế hoạch phát triển của các ngành, nghiên cúu khoa học, quan trắc lún các công trình trên địa bàn Thành phố.

Việc khai thác sử dụng các số liệu quan trắc và sử dụng các trạm quan trẵc lún mặt đất phải phù hợp với các mục đích nói trên và phải thực hiện theo bản quy định này.

Các tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ các công trình trạm quan trẵc lún mặt đất, chống hành vi vi phạm làm hư hỏng gây thiệt hại tài sản Nhà nước .

Chương II

PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÁC TRẠM QUAN TRẴC LÚN MẶT ĐẤT

Điều 4: UBND Thành phố uỷ quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện quản lý Nhà nước đối với hệ thống các trạm quan trẵc lún mặt đất.

Sở Xây dựng có trách nhiệm sau:

1- Phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan, xem xét kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính, kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hàng năm của hệ thống các trạm quan trẵc lún mặt đất, định mức và đơn giá áp dụng cho các hoạt động của các trạm, trình UBND Thành phố phê duyệt.

2- Đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch vận hành hệ thống các trạm quan trẵc lún mặt đất.

3- Định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá, thẩm định kết quả quan trắc và các kết quả xử lý số liệu quan trắc kịp thời có các hiệu chỉnh cần thiết để đảm bảo số liệu quan trắc được chính xác và khách quan.

4- Chủ trì nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển, mở rộng hệ thống các trạm quan trẵc lún mặt đất và mạng lưới mốc trung gian đáp ứng nhu cầu phát triển Thành phố, trình UBND Thành phố phê duyệt.

5- Chủ trì các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ tiến hành trên các trạm quan trẵc lún mặt đất.

6- Phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán; nghiệm thu các trạm quan trẵc lún mặt đất hoàn thành xây dựng và các thiết bị lắp đặt trên các trạm để đưa vào khai thác sử dụng.

Điều 5:

Viện Kỹ thuật Xây dựng Hà Nội là đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức bộ máy và phương tiện để bảo quản cơ sở vật chất, duy trì các hoạt động của các trạm quan trẵc lún mặt đất; quản lý việc khai thác sử dụng các kết quả quan trắc theo quy định, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khai thác liên quan do Sở Xây dựng giao.

Viện Kỹ thuật Xây dựng Hà Nội có nhiệm vụ sau:

1- Hàng năm xây dựng kế hoạch vận hành, duy tu, bảo dưỡng các trạm và các thiết bị lắp đặt tại các trạm quan trẵc lún mặt đất; tập hợp dự toán kinh phí cho hoạt động của hệ thống các trạm, trình Sở Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt.

2- Đào tạo và tổ chức đội ngũ cán bộ đủ năng lực, trình độ chuyên môn, nắm vững quy trình công nghệ để thực hiện công tác vận hành, sử dụng và khai thác các trạm.

3- Xây dựng các quy định cụ thể về quyền hạn trách nhiệm đối với từng cán bộ kỹ thuật được phân công quản lý, vận hành và khai thác các trạm trên cơ sở thực hiện quy trình kỹ thuật được Giám đốc Sở Xây dựng phê duyệt.

4- Tổ chức thực hiện quan trắc theo quy trình kỹ thuật quan trắc đã được phê duyệt; thu thập và phân tích xử lý các số liệu quan trắc; theo dõi chặt chẽ mọi biến động bất thường có liên quan đến hoạt động của các trạm để kịp thời có kế hoạch xử lý.

5- Tổ chức bảo dưỡng, duy tu các trạm và thiết bị gắn tại trạm đảm bảo sự hoạt động bình thường của các trạm quan trắc; quản lý các thiết bị đo đạc được giao để sử dụng trong quan trắc.

6- Lưu trữ, quản lý trực tiếp các số liệu quan trắc và bảo quản hồ sơ lý lịch từng trạm theo đúng chế độ bảo mật đối với thông tin tư liệu điều tra cơ bản.

7- Phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý nhà máy nước là nơi có đặt trạm trong việc tổ chức bảo vệ an toàn các trạm.

8- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng các kết quả quan trắc hoặc sử dụng các trạm thực hiện đúng theo các quy định; chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin số liệu quan trắc đúng quy định.

9- Thu, nộp và sử dụng lệ phí khai thác sử dụng các trạm và số liệu quan trắc theo đúng quy định của Nhà nước và UBND Thành phố.

10- Tổ chức triển khai thực hiện các nghiên cứu khoa học tiến hành trên các trạm theo kế hoạch được UBND Thành phố phê duyệt.

Điều 6: Thẩm quyền cho phép sử dụng các trạm và cung cấp kết quả quan trắc của các trạm quan trẵc lún mặt đất:

1- Đối với những tổ chức nước ngoài, dự án đầu tư nước ngoài (liên doanh, hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài), UBND Thành phố uỷ quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng xem xét, cho phép, căn cứ tờ trình của Viện trưởng Viện Kỹ thuật Xây dựng thuộc Sở Xây dựng Hà Nội.

2- Đối với tổ chức trong nước, dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư trong nước, Giám đốc Sở Xây dựng uỷ quyền cho Viện trưởng Viện Kỹ thuật Xây dựng thuộc Sở Xây dựng cho phép sử dụng mốc đo, cung cấp kết quả quan trắc của các trạm quan trắc lún mặt đất.

Viện Kỹ thuật Xây dựng phải báo cáo Giám đốc Sở Xây dựng, định kỳ 6 tháng một lần bằng văn bản về tình hình hoạt động của các trạm quan trẵc lún mặt đất (tình hình chung, tình hình các trạm, cung cấp số lịêu; danh mục các tổ chức và cá nhân được cung cấp số liệu hoặc cho sử dụng các trạm đo lún).

Chương III

KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG CÁC TRẠM QUAN TRẮC LÚN MẶT ĐẤT VÀ KẾT QUẢ QUAN TRẮC

Điều 7: Số liệu quan trắc và kết quả quan trắc:

* Các số liệu quan trắc bao gồm:

- Cao độ mốc chuẩn

- Số đo tổng độ lún bề mặt đất và độ lún các lớp đất hợp phần

- Mực nước ngầm

- Áp lực nước lỗ rỗng

- Các kết quả phân tích, tổng hợp, dự báo và các số liệu khác liên quan đến trạm, hoặc một số trạm hay toàn bộ hệ thống.

* Kết quả quan trắc là tập hợp các số liệu quan trắc thực hiện tại mỗi trạm trong một thời gian, theo một chu kỳ quy định.

Điều 8:

Trong các trường hợp tiến hành nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, xây dựng các dự báo, lập cơ sở khoa học cho các dự án tiền khả thi và khả thi hoặc các công việc khác có sử dụng số liệu về cao độ bề mặt đất, độ lún ... khác nhau do được cung cấp từ các nguồn khác nhau, khi cần thiết phải so sánh đánh giá sự chính xác thì các số liệu do Viện Kỹ thuật Xây dựng cung cấp từ hệ thống các trạm quan trẵc lún mặt đất là căn cứ chính thức, làm chuẩn để xem xét đánh giá.

Điều 9: áp dụng kết quả quan trắc của các trạm quan trẵc lún mặt đất.

Các dự án, công trình và hạng mục công trình xây dựng sau đây xây dựng tại địa bàn Hà Nội phải đưa số liệu quan trắc lún mặt đất vào để xem xét đánh giá tác động của môi trường, thẩm định dự án, tính toán nền móng và lựa chọn phương án thiết kế:

1- Các quy hoạch chi tiết phát triển các khu đô thị mới, khu công nghiệp và khu công nghệ cao.

2- Các quy hoạch và dự án phát triển Ngành như: quy hoạch và xây dựng đường giao thông quốc lộ, dự án quy hoạch hệ thống thoát nước, dự án công trình khai thác nước ngầm có công suất từ 50m3/h trở lên...

3- Các dự án có hạng mục xây dựng công trình cấp I và II quy mô từ 5 tầng trở lên. Các dự án công trình xây dựng có xử lý nền móng sâu (móng cọc, cọc khoan nhồi...)

4- Các dự án đánh giá tác động môi trường

Điều 10: Sử dụng mốc chuẩn của các trạm quan trẵc lún mặt đất:

1- Sử dụng mốc chuẩn để quan trắc lún công trình:

+ Đối với công trình đã xây dựng:

Được sử dụng các mốc chuẩn của các trạm quan trắc lún mặt đất để quan trắc theo dõi lún. Đối với công trình xây dựng bị lún nứt mà đã xác định được nguyên nhân do biến dạng nền móng, nên lấy mốc chuẩn của các trạm quan trắc lún mặt đất để quan trắc theo dõi lún nhằm kiểm tra, đối chiếu với các kết quả quan trắc lún đã có. Trường hợp Thành phố đã xây dựng xong hệ thống mốc quan trắc lún trung gian, chủ công trình được sử dụng hệ thống mốc trung gian để quan trắc theo dõi lún công trình, theo quy trình sử dụng các mốc quan trắc lún trung gian.

2- Sử dụng các mốc chuẩn để dẫn độ cao:

Được thực hiện theo quy định hiện hành của Tổng cục Địa chính.

Điều 11: Thủ tục khai thác sử dụng các kết quả quan trắc và các mốc chuẩn của các trạm quan trẵc lún mặt đất.

Các tổ chức và cá nhân (sau đây gọi chung là người sử dụng) muốn khai thác sử dụng các kết quả quan trắc, sử dụng các mốc chuẩn của các trạm quan trắc lún mặt đất phải làm thủ tục xin khai thác sử dụng theo quy định sau đây:

1- Đối với việc xin cung cấp kết quả quan trắc hoặc sử dụng mốc chuẩn một lần, hồ sơ xin khai thác nộp cho Viện Kỹ thuật Xây dựng gồm:

a- Công văn (hoặc đơn nếu là cá nhân) xin cung cấp số liệu quan trắc, nêu rõ:

- Tên tổ chức hoặc cá nhân sử dụng

- Mục đích sử dụng

- Số liệu xin cung cấp

- Sơ đồ, bản đồ vị trí công trình trong trường hợp cần có, để tiện cho việc cung cấp số liệu.

b- Nộp lệ phí khai thác và sử dụng cho Viện Kỹ thuật xây dựng theo quy định.

2- Đối với việc xin sử dụng các mốc để đo độ cao, quan trắc lún công trình hoặc đo đạc bản đồ, người sử dụng phải ký hợp đồng khai thác sử dụng trạm quan trắc với Viện KTXD theo quy định hiện hành của Nhà nước về khai thác sử dụng các mốc độ cao Nhà nước hạng 2.

3- Trường hợp xin cung cấp số liệu quan trắc hoặc sử dụng các mốc chuẩn của trạm quan trắc lún vào mục đích nghiên cứu khoa học phải có xác nhận của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường hoặc cơ quan quản lý khoa học cấp trên. Thủ tục xin khai thác thực hiện như quy định ở điều 11 khoản 1.

Điều 12:

Người sử dụng khi được cung cấp các số liệu quan trắc phải sử dụng đúng mục đích đã nêu trong công văn hoặc đơn xin cung cấp và chịu trách nhiệm bảo mật đối với tài liệu được cung cấp. Nghiêm cấm việc sao chép số liệu để sử dụng với mục đích khác hoặc cung cấp cho người khác.

Điều 13: Trách nhiệm của Viện Kỹ thuật Xây dựng trong việc cung cấp số liệu quan trắc.

1- Các số liệu cung cấp cho người sử dụng phải đảm bảo chính xác, đúng và đầy đủ theo yêu cầu; có dấu xác nhận của Viện kỹ thuật Xây dựng.

2- Viện Kỹ thuật Xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu sử dụng khai thác kết quả quan trắc. Trường hợp người sử dụng có yêu cầu, Viện Kỹ thuật Xây dựng có thể tổ chức những buổi mạn đàm khoa học, trao đổi về công nghệ thiết bị, quy trình công nghệ quan trắc, kết quả quan trắc.

Điều 14: Lệ phí khai thác sử dụng kết quả quan trắc và kinh phí khai thác sử dụng mốc chuẩn:

Lệ phí sử dụng kết quả quan trắc, và việc sử dụng kinh phí thu được trong sử dụng, vận hành, khai thác các trạm quan trẵc lún mặt đất thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá và Giám đốc Sở Xây dựng.

Số tiền thu được nói trên, được nộp vào Ngân sách Nhà nước, sau khi đã trích một phần để lại đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành nhằm mục đích chi phí bổ sung cho các hoạt động quản lý và nghiên cứu khoa học tiến hành trên các trạm.

Điều 15: Trách nhiệm của các Sở, Ngành, Thành phố và UBND các cấp:

1- Sở Tài chính - Vật giá:

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng xem xét các nội dung sử dụng kinh phí hàng năm cho hoạt động quản lý, vận hành duy trì các trạm quan trẵc lún mặt đất; hướng dẫn kiểm tra nội dung và các mức chi sử dụng số tiền lệ phí theo quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố.

2- Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường:

Xem xét các kế hoạch phát triển mở rộng hệ thống trạm, xây dựng hệ thống mốc quan trắc lún trung gian, chương trình nghiên cứu khoa học tiến hành trên các trạm sau khi đã có ý kiến của Sở Xây dựng cùng Sở Kế họach và Đầu tư trình UBND Thành phố phê duyệt.

3- Sở Kế hoạch và Đầu tư :

Xem xét các kế hoạch năm, kế hoạch dài hạn khai thác, vận hành các trạm quan trắc, kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, duy trì hoạt động của các trạm quan trẵc lún, sau khi có ý kiến của Sở Xây dựng, trình UBND Thành phố.

4- Sở Giao thông công chính:

Chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác và kinh doanh nước sạch phối hợp với Viện Kỹ thuật Xây dựng tổ chức bảo vệ các trạm quan trắc lún mặt đất, đảm bảo an toàn cho các trạm và thiết bị đặt tại trạm, phối hợp trong các đề tài nghiên cứu có liên quan đến hoạt động của các trạm quan trẵc lún mặt đất.

5- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

Phối hợp với Sở Xây dựng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin nhằm quản lý và kiểm soát được sự thay đổi của mực nước ngầm tại Hà Nội.

6- Sở Địa chính Nhà đất:

Phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện quản lý Nhà nước đối với việc sử dụng và phát triển hệ thống mốc đo đạc teo quy định hiện hành nhằm từng bước tiến tới hoàn thiện hệ thống các mốc đo đạc trên địa bàn.

7- Uỷ ban nhân dân quận huyện, UBND Phường, Xã,Thị trấn nơi có các trạm quan trắc, có trách nhiệm phối hợp với Viện Kỹ thuật Xây dựng bảo vệ, đảm bảo an toàn cho các thiết bị và công trình các trạm quan trẵc lún mặt đất.

Điều 16:

Xử lý vi phạm:

Mọi hành vi vi phạm quy định này hoặc làm hư hỏng các công trình trạm quan trắc, thiệt hại tài sản của Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường hoặc bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

Uỷ ban nhân dân Quận Huyện, nơi đặt trạm quan trắc lún, có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền đối với những vi phạm nêu trên.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17:

Quy định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế.

Điều 18: Uỷ ban nhân dân thành phố uỷ quyền cho:

- Giám đốc Sở Xây dựng nghiên cứu ban hành quy trình kỹ thuật về các vấn đề: quan trắc, vận hành, sử dụng bảo dưỡng các trạm quan trẵc lún mặt đất do thay đổi mực nước ngầm tại Thành phố Hà Nội.

- Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá chủ trì nghiên cứu, phối hợp cùng Giám đốc Sở Xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn việc thu lệ phí sử dụng kết quả quan trắc và việc sử dụng lệ phí, kinh phí thu được trong quá trình sử dụng, vận hành, khai thác các trạm quan trẵc lún mặt đất do thay đổi mực nước ngầm.

Điều 19: Giám đốc Sở Xây dựng phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá và các ngành có liên quan triển khai hướng dẫn thực hiện quy định này.

Điều 20: Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, Sở Xây dựng có trách nhiệm tập hợp ý kiến, giải đáp, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố để hiệu chỉnh, bổ sung khi cần thiết.

Điều 21: Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thuộc Thành phố; Chủ tịch UBND Quận, Huyện thuộc Thành phố Hà Nội, mọi tổ chức, cá nhân có liên quan, chịu trách nhiệm thi hành quy định này.