Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------

Số: 75/2008/QĐ-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH MẪU BẰNG TỐT NGHIỆP CAO ĐẲNG NGHỀ, MẪU BẰNG TỐT NGHIỆP TRUNG CẤP NGHỀ, MẪU CHỨNG CHỈ NGHỀ, MẪU BẢN SAO VÀ VIỆC QUẢN LÝ, CẤP BẰNG, CHỨNG CHỈ NGHỀ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành mẫu Bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề, mẫu Bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, mẫu Chứng chỉ sơ cấp nghề (sau đây gọi tắt là mẫu bằng, chứng chỉ nghề) và mẫu bản sao bằng, chứng chỉ nghề để cấp cho người tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề tương ứng với trình độ đào tạo.

Điều 2. Mẫu Bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề

1. Bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề được in trên giấy Couché 250gms, kích thước 210mm x 297mm, nền màu trắng, hoa văn trống đồng màu vàng nhạt, trên cùng có hình Quốc huy gồm hai màu đỏ, vàng; dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”“HIỆU TRƯỞNG” màu đen, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, đậm, cỡ chữ 16; dòng chữ “BẰNG TỐT NGHIỆP CAO ĐẲNG NGHỀ” màu đỏ tươi, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, đậm, cỡ chữ 20; các chữ khác màu đen, kiểu chữ Times New Roman, cỡ chữ 14.

2. Nội dung cụ thể thực hiện theo mẫu số I ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Mẫu Bằng tốt nghiệp Trung cấp nghề

1. Bằng tốt nghiệp trung cấp nghề được in trên giấy Couché 250gms, kích thước 210mm x 297mm, nền màu trắng, hoa văn trống đồng màu vàng nhạt, trên cùng có hình Quốc huy gồm hai màu đỏ, vàng; dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” và “HIỆU TRƯỞNG” màu đen, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, đậm, cỡ chữ 16; dòng chữ “BẰNG TỐT NGHIỆP TRUNG CẤP NGHỀ” màu đỏ tươi, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, đậm, cỡ chữ 20; các chữ khác màu đen, kiểu chữ Times New Roman, cỡ chữ 14.

2. Nội dung cụ thể thực hiện theo mẫu số II ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 4. Mẫu Chứng chỉ sơ cấp nghề

1. Chứng chỉ sơ cấp nghề được in trên giấy Couché 250gms, kích thước 210mm x 297mm, nền màu trắng, hoa văn trống đồng màu vàng nhạt, trên cùng có hình Quốc huy gồm hai màu đỏ, vàng; dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” màu đen, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, đậm, cỡ chữ 16; dòng chữ “CHỨNG CHỈ SƠ CẤP NGHỀ” màu đỏ tươi, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, đậm, cỡ chữ 20; các chữ khác màu đen, kiểu chữ Times New Roman, cỡ chữ 14.

2. Nội dung cụ thể thực hiện theo mẫu số III ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 5. Mẫu bản sao bằng, chứng chỉ nghề

1. Mẫu bản sao Bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quyết định này; dòng chữ “BẢN SAO” màu đỏ, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, không đậm, cỡ chữ 20. Nội dung cụ thể thực hiện theo mẫu số IV ban hành kèm theo Quyết định này.

2. Mẫu bản sao Bằng tốt nghiệp trung cấp nghề thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quyết định này; dòng chữ “BẢN SAO” màu đỏ, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, cỡ chữ 20. Nội dung cụ thể thực hiện theo mẫu số V ban hành kèm theo Quyết định này.

3. Mẫu bản sao Chứng chỉ sơ cấp nghề thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quyết định này; dòng chữ “BẢN SAO” màu đỏ, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, không đậm, cỡ chữ 20. Nội dung cụ thể thực hiện theo mẫu số VI ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 6. Quản lý mẫu bằng, chứng chỉ nghề

1. Mẫu bằng, chứng chỉ nghề quy định tại các Điều 2, 3, 4 và 5 Quyết định này được áp dụng thống nhất trong cả nước. Cơ sở dạy nghề gửi mẫu phôi bằng, phôi chứng chỉ nghề, mẫu phôi bản sao bằng và chứng chỉ nghề (mỗi loại 03 bản) về Tổng cục Dạy nghề để được xác nhận. Sau khi được Tổng cục Dạy nghề xác nhận, cơ sở dạy nghề tổ chức in và sử dụng để cấp bằng, chứng chỉ nghề cho người học nghề. Mẫu phôi bằng, phôi chứng chỉ nghề, mẫu phôi bản sao bằng và chứng chỉ nghề được lưu giữ tại Tổng cục Dạy nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi có trụ sở chính của cơ sở dạy nghề và tại cơ sở dạy nghề để quản lý.

2. Bằng, chứng chỉ nghề và bản sao bằng, chứng chỉ nghề khi cấp phải được dán ảnh của người học nghề chụp theo kiểu làm chứng minh nhân dân, cỡ 4 x 6 cm, ảnh chụp không quá 6 tháng trước khi tốt nghiệp và phải được đóng dấu nổi của cơ sở dạy nghề trên ảnh ở góc phải bên dưới.

3. Bản chính bằng, chứng chỉ nghề chỉ cấp một lần, không cấp lại; bản sao được cấp theo yêu cầu của người học nghề.

Điều 7. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở dạy nghề

1. Gửi mẫu phôi bằng, phôi chứng chỉ nghề, mẫu phôi bản sao bằng và chứng chỉ nghề về Tổng cục Dạy nghề theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Quyết định này.

2. Cấp bằng, chứng chỉ nghề và bản sao bằng, chứng chỉ nghề cho người học nghề theo đúng quy định của pháp luật.

3. Lập sổ quản lý phôi bằng, chứng chỉ nghề; sổ cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề, sổ cấp bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, sổ cấp chứng chỉ sơ cấp nghề và sổ quản lý phôi, sổ cấp bản sao các bằng và chứng chỉ nghề tương ứng.

4. Ghi đầy đủ và chính xác các nội dung trong bằng, chứng chỉ nghề.

5. Ra quyết định và thực hiện việc thu hồi bằng, chứng chỉ nghề trong các trường hợp sau:

a) Người được cấp bằng, chứng chỉ nghề bị phát hiện có hành vi gian lận trong học tập, trong thi cử, tuyển sinh hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp bằng, chứng chỉ nghề;

b) Bằng, chứng chỉ nghề cấp cho người không đủ điều kiện;

c) Bằng, chứng chỉ nghề do người không có thẩm quyền cấp;

d) Bằng, chứng chỉ nghề bị tẩy xóa, sửa chữa;

đ) Người được cấp bằng, chứng chỉ nghề để cho người khác sử dụng bằng, chứng chỉ nghề của mình.

6. Định kỳ vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm báo cáo tình hình in, quản lý, cấp bằng, chứng chỉ nghề về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi cơ sở dạy nghề đóng trụ sở chính để tổng hợp báo cáo Tổng cục Dạy nghề.

Điều 8. Trách nhiệm của Tổng cục Dạy nghề  

1. Xác nhận mẫu phôi bằng, chứng chỉ nghề của cơ sở dạy nghề để thực hiện quản lý; gửi mẫu phôi bằng, chứng chỉ nghề đã được xác nhận về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi cơ sở dạy nghề đóng trụ sở chính để thực hiện quản lý trên địa bàn và gửi cơ sở dạy nghề để thực hiện.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc in, quản lý, cấp bằng, chứng chỉ nghề và tổng hợp việc cấp bằng, chứng chỉ nghề trên phạm vi cả nước báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

1. Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc in, quản lý, cấp bằng, chứng chỉ nghề của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn.

2. Tổng hợp việc in, quản lý, cấp bằng, chứng chỉ nghề của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn báo cáo Tổng cục Dạy nghề vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm.

Điều 10. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Quyết định số 15/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 29 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành mẫu bằng, chứng chỉ nghề.

Bằng, chứng chỉ nghề ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 29 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã được cơ sở dạy nghề in sẽ được tiếp tục sử dụng để cấp cho người học nghề đã được tuyển sinh trước ngày Quyết định này có hiệu lực.

Điều 11. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Người đứng đầu cơ quan Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; Hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, Giám đốc trung tâm dạy nghề; Hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp; Người đứng đầu cơ sở giáo dục khác, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có đăng ký hoạt động dạy nghề; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đàm Hữu Đắc