Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 75/2009/QĐ-UBND

Vinh, ngày 25 tháng 8 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH TIÊU THỤ HÀNG NÔNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN HẾT NĂM 2011

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội;
Căn cứ Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh;
Căn cứ Nghị quyết số 267/2009/NQ-HĐND ngày 23/7/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XV, kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 23 tháng 7 năm 2009;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Công văn số 802/SCT-XNK ngày 18 tháng 8 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định “Một số chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng nông sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến hết năm 2011”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Công thương, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị liên quan; Giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Thái Văn Hằng

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH TIÊU THỤ HÀNG NÔNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN HẾT NĂM 2011
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 75/2009/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2009 của UBND tỉnh Nghệ An)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng:

Chính sách tại quy định này hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến xuất khẩu, hỗ trợ lãi suất tiền vay thu mua dự trữ hàng nông sản, khuyến khích chế biến, nâng cấp và tái chế hàng nông sản, hỗ trợ chi phí vận tải quốc tế và trong nước, khen thưởng các đơn vị có thành tích tiêu biểu tiêu thụ hàng nông sản sản xuất trên địa bàn Nghệ An, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản sản xuất tại Nghệ An, tạo công ăn việc làm cho người lao động trên cơ sở tận dụng những ưu đãi mà WTO cho phép Việt Nam được hưởng trong 5 năm đầu kể từ khi nước ta là thành viên của Tổ chức này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (không bao gồm chi nhánh của doanh nghiệp ngoại tỉnh), các hợp tác xã, các tổ hợp ... đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thành lập theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) có tham gia xuất khẩu hàng nông sản sản xuất tại Nghệ An.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu hàng nông sản

1. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu hàng nông sản thông qua việc hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp khảo sát nghiên cứu, tìm kiếm bạn hàng, thị trường xuất khẩu nông sản (không bao gồm các hoạt động thuộc Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của tỉnh được phê duyệt tại Quyết định số 73/2008/QĐ-UBND ngày 05/11/2008 của UBND tỉnh).

2. Điều kiện hỗ trợ.

Có quyết định của Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc doanh nghiệp (nêu tại Điều 2) cử đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài trong năm kế hoạch, để khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác tiêu thụ hàng nông sản, được UBND tỉnh chấp thuận bằng văn bản, kết quả của chuyến đi có ký được hợp đồng ngoại thương.

3. Mức hỗ trợ:

Hỗ trợ 50% chi phí xúc tiến xuất khẩu thực tế của doanh nghiệp tính theo mức quy định hiện hành của nhà nước, nhưng tổng chi phí hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu không quá 50 triệu đồng/doanh nghiệp/năm.

Điều 4. Hỗ trợ lãi suất tiền vay thu mua dự trữ hàng nông sản

1. Điều kiện hỗ trợ:

Các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh thực tế có vay vốn qua ngân hàng thương mại để thu mua dự trữ hàng nông sản xuất khẩu sản xuất tại Nghệ An, bao gồm: lạc, vừng, cà phê, chè búp tươi để chế biến xuất khẩu.

2. Mức hỗ trợ:

Đối với sản phẩm lạc, vừng và cà phê, mức hỗ trợ dự trữ tối đa là 1 tháng tiền lãi suất theo mức lãi suất vay ngân hàng tại thời điểm doanh nghiệp vay mua hàng nông sản dự trữ. Riêng chè búp tươi chỉ hỗ trợ lãi vay cho tháng mua cao điểm nhất trong năm.

Điều 5. Hỗ trợ chi phí chế biến, nâng cấp, tái chế sản phẩm hàng nông sản.

1. Điều kiện hỗ trợ:

Doanh nghiệp có đầu tư nhân lực, dây chuyền phục vụ công tác tái chế, chế biến để tăng giá trị hàng nông sản xuất khẩu, như: Lạc nhân loại super (cỡ loại 180 hạt/100gr Max), lạc bọc đường, dầu lạc, dầu vừng, sản phẩm chè túi lọc tinh chế, sản phẩm hoa quả chế biến, sản phẩm cà phê hoà tan.

2. Mức hỗ trợ:

a) Lạc nhân loại super, lạc bọc đường, sản phẩm dứa chế biến: 50.000 đồng/tấn;

b) Các sản phẩm còn lại tại khoản 1 Điều này: 100.000 đồng/tấn.

Điều 6. Hỗ trợ cước phí vận tải quốc tế và trong nước

1. Danh mục sản phẩm được hỗ trợ:

Lạc nhân, lạc vỏ, lạc bọc đường, sản phẩm chè búp khô, vừng, cao su, cà phê, sản phẩm dứa chế biến, cam.

2. Mức hỗ trợ (cho các mặt hàng nêu tại khoản 1 Điều này):

a) Cước phí vận tải quốc tế:

Mức hỗ trợ được quy định là 50.000 đồng/tấn, nhưng tối đa 30% cước phí thực trả của doanh nghiệp.

b) Cước phí vận tải trong nước:

Mức hỗ trợ được quy định là 10% cước phí thực trả của doanh nghiệp, tính từ kho hàng của doanh nghiệp tại Nghệ An tới cửa khẩu/cảng xuất hàng, nhưng tối đa 500.000 đồng/container chuẩn 20 feet xếp đầy hoặc 30.000 đồng/tấn nếu vận chuyển bằng phương thức khác.

Điều 7. Thưởng thành tích cho các doanh nghiệp tiêu biểu

Hàng năm sẽ lựa chọn một số doanh nghiệp tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong việc tiêu thụ hàng nông sản, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh khen, thưởng; mức thưởng tối đa không quá 10 triệu đồng/doanh nghiệp/năm, từ nguồn kinh phí khen thưởng của tỉnh.

Điều 8. Sử dụng tiền hỗ trợ và tiền thưởng

1. Tiền hỗ trợ khuyến khích tiêu thụ hàng nông sản quy định tại các Điều 3, 4, 5 và 6 trên đây, doanh nghiệp phải hạch toán giảm chi phí kinh doanh, không được sử dụng cho mục đích khác.

2. Tiền thưởng quy định tại Điều 7 trên đây doanh nghiệp được quyền sử dụng để lập quỹ khen thưởng, thưởng cho cán bộ công nhân viên có thành tích trong sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Nguồn kinh phí

Nguồn vốn hỗ trợ khuyến khích tiêu thụ hàng nông sản được ngân sách tỉnh bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm.

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Giao Sở Tài chính

Chủ trì phối hợp với Sở Công thương xây dựng dự toán kinh phí khuyến khích tiêu thụ hàng nông sản hàng năm, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

2. Giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Tài chính

a) Hướng dẫn thực hiện và kiểm tra đôn đốc thực hiện quyết định này.

b) Thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Trong quá trình thực hiện, có gì khó khăn vướng mắc, các ngành, doanh nghiệp báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Công thương để tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.