
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 756/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2025 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA ĐẶC BIỆT ĐÔI BỜ HIỀN LƯƠNG - BẾN HẢI, TỈNH QUẢNG TRỊ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Căn cứ Nghị định số 67/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 361/TTr-BVHTTDL ngày 27 tháng 12 năm 2024,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị với những nội dung sau:
I. PHẠM VI, QUY MÔ VÀ MỤC TIÊU QUY HOẠCH
1. Quy mô và ranh giới quy hoạch
a) Quy mô quy hoạch: Tổng diện tích lập quy hoạch là 104,96 ha, thuộc địa bàn xã Hiền Thành và xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh), xã Trung Hải (huyện Gio Linh), tỉnh Quảng Trị và khu vực cảnh quan, không gian mặt nước và cây xanh có liên quan; trong đó:
- Khu vực bảo vệ của di tích có diện tích là: 21,99 ha; bao gồm các điểm di tích thành phần của Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
- Khu vực cảnh quan thiên nhiên, làng xã dọc hai bên bờ sông Hiền Lương (có ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới quần thể các điểm di tích thành phần), không gian mặt nước sông Sa Lung, sông Bến Hải chảy qua di tích và khu vực mở rộng nhằm hoàn chỉnh tổng thể không gian cảnh quan lịch sử về khu vực “giới tuyến quân sự tạm thời và vùng phi quân sự”, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, có diện tích là 82,97 ha.
b) Ranh giới quy hoạch được xác định: Phía Bắc và phía Đông giáp xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh; phía Nam giáp xã Trung Hải, huyện Gio Linh; phía Tây giáp xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh.
2. Mục tiêu lập quy hoạch
a) Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử về cuộc đấu tranh cách mạng vĩ đại và hào hùng của dân tộc thông qua các di tích, điểm di tích hiện còn của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; góp phần hình thành địa điểm tham quan về nguồn, nghiên cứu, tìm hiểu, giáo dục truyền thống cách mạng, cũng như tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình của Nhân dân ta cho các thế hệ mai sau.
b) Xây dựng khu vực di tích trở thành công viên lịch sử - văn hóa đặc sắc, điểm du lịch về nguồn hấp dẫn, góp phần tôn tạo cảnh quan sinh thái hai bờ sông Bến Hải, đưa di tích trở thành một trong những trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Quảng Trị; gắn kết đồng bộ với hệ thống di tích cách mạng của tỉnh Quảng Trị, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và cả nước.
c) Xác định và điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ di tích; làm cơ sở để cắm mốc giới và quản lý khoanh vùng bảo vệ di tích. Xác định các khu chức năng, khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích. Quy hoạch, tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
d) Làm căn cứ pháp lý cho công tác quản lý và lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai các dự án thành phần về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích theo quy hoạch được phê duyệt. Xây dựng quy định quản lý, bảo vệ di tích và kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan theo Đồ án quy hoạch được duyệt, bảo đảm phù hợp với quy hoạch có liên quan trong khu vực.
đ) Định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình và các giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
II. NỘI DUNG QUY HOẠCH
1. Quy hoạch phân vùng chức năng
a) Phân vùng chức năng: Tại mỗi di tích thành phần phân thành 02 vùng chức năng chính là: Vùng bảo vệ di tích và Vùng bảo vệ cảnh quan, phát huy giá trị di tích và phục vụ du lịch. Trong đó:
- Vùng bảo vệ di tích là diện tích Khu vực bảo vệ I và II của các công trình di tích thành phần thuộc khu vực phía Bắc (bờ Bắc) và khu vực phía Nam (bờ Nam) của di tích cầu Hiền Lương thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
- Vùng bảo vệ cảnh quan, phát huy giá trị di tích và phục vụ du lịch là phần diện tích mở rộng, bổ sung để hoàn chỉnh không gian cảnh quan và tái hiện lại hình ảnh của Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải trước đây: khu vực phía Tây và không gian chung.
b) Vùng bảo vệ di tích có tổng diện tích là 21,99 ha, gồm:
- Cụm di tích bờ Bắc, diện tích 13,25 ha: Là khu vực phía Bắc của di tích Cầu Hiền Lương, thuộc địa bàn xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh; trong đó:
+ Khu vực bảo vệ I (diện tích 4,84 ha): Là khu vực có các yếu tố gốc cấu thành di tích cần bảo vệ nghiêm ngặt; bao gồm các công trình di tích: cầu Hiền Lương, nhà Liên hợp, cột cờ Hiền Lương, hệ thống loa phóng thanh bờ Bắc, đồn Công an Hiền Lương, quảng trường Thống Nhất và cổng chào 1968;
+ Khu vực bảo vệ II (diện tích 8,41 ha): Là khu vực cảnh quan, sân vườn và các công trình phụ trợ phía Đông Bắc của khu vực bảo vệ I; bao gồm các công trình: bãi đỗ xe, nhà dịch vụ, ban quản lý di tích, rừng cây lưu niệm, đồi Ngưỡng Vọng, nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất”, cụm công trình dịch vụ và giao thông nội bộ, đường dạo.
- Cụm di tích bờ Nam, diện tích 8,74 ha: Là khu vực phía Nam của di tích Cầu Hiền Lương, thuộc địa bàn xã Trung Hải, huyện Gio Linh; trong đó:
+ Khu vực bảo vệ I (diện tích 5,88 ha): Là khu vực có các yếu tố gốc cấu thành di tích cần bảo vệ nghiêm ngặt; bao gồm các công trình di tích: Trạm Cảnh sát bờ Nam, cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất”, giàn loa phóng thanh bờ Nam, sân Lễ hội thống nhất non sông, tháp canh Bờ Nam và vườn hoa;
+ Khu vực bảo vệ II (diện tích 2,86 ha): Là khu vực bao quanh khu vực bảo vệ I, bao gồm: khu vực đất dự trữ và bến thuyền bờ Nam.
c) Vùng bảo vệ cảnh quan, phát huy giá trị di tích và phục vụ du lịch có tổng diện tích là 82,97 ha. Cụ thể:
- Vùng bảo vệ cảnh quan, phát huy giá trị di tích và phục vụ du lịch của Cụm di tích bờ Bắc, diện tích 15,46 ha: Là khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu dân cư bao quanh khu vực bảo vệ II của di tích bờ Bắc, bao gồm: Làng Hiền Lương, hồ sen cảnh quan làng Hiền Lương, không gian làng nghề làm bún truyền thống Hiền Lương, cánh đồng lúa hữu cơ và đất ở chỉnh trang.
- Vùng bảo vệ cảnh quan, phát huy giá trị di tích và phục vụ du lịch của Cụm di tích bờ Nam, diện tích 13,86 ha: Là khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu dân cư làng Xuân Hòa và đất ở chỉnh trang, các công trình phục vụ du lịch, bao gồm: khu dịch vụ đón tiếp; khu nghỉ dưỡng thấp tầng, khu nghỉ dưỡng du lịch cộng đồng và du lịch nông trại; cây xanh mặt nước; giao thông đường dạo; rừng sinh thái ngập mặn; giếng làng, giếng cổ.
- Khu vực phía Tây di tích, diện tích 12,20 ha (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh): Là không gian hoạt động văn hóa thể chất, quy hoạch xây dựng khu Công viên Hòa Bình; gồm các hạng mục: Tháp Hòa Bình, khu dịch vụ, cắm trại, khu thể dục thể thao đa năng có mái che, khu biểu diễn nghệ thuật, phim trường, không gian cây xanh và mặt nước, vườn tượng, giao thông đường dạo, bến thuyền và bãi đỗ xe.
- Khu vực không gian chung, có diện tích 41,45 ha: Là không gian mặt nước sông Sa Lung, Sông Bến Hải; rừng cây ngập mặn, cây bản địa; đất giao thông thuộc Quốc lộ 1A đoạn đi qua di tích, giao thông khu ở mới; đường và cầu Trung Hải - Vĩnh Sơn.
2. Quy hoạch tổ chức tổng thể không gian kiến trúc, cảnh quan di tích
a) Tổ chức tổng thể không gian kiến trúc, cảnh quan: Quy hoạch tổ chức không gian của các khu vực chức năng của di tích thành các điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan; trong đó:
- Cụm di tích bờ Bắc, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh: Tập trung các công trình kiến trúc lớn đáp ứng vai trò là Trung tâm đón tiếp với các công trình được xây dựng mới (Quảng trường Thống nhất, nhà trưng bày, khu quản lý và điều hành...) thực hiện chức năng đón tiếp, tổ chức sự kiện, dịch vụ hậu cần và hình thành một số không gian cây xanh.
- Cụm di tích bờ Nam, xã Trung Hải, huyện Gio Linh: Xây dựng các công trình kiến trúc thấp tầng đáp ứng vai trò là Trung tâm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương và vùng cảnh quan sinh thái.
- Khu vực phía Tây di tích: xây dựng Công viên văn hóa với một số công trình công cộng mới mang tính biểu tượng cho khát vọng Hòa Bình (Biểu tượng, khu cắm trại, Thể dục thể thao, bãi đỗ xe, sân tổ chức sự kiện...).
- Khu vực không gian chung: Thực hiện bảo vệ, giữ gìn cảnh quan và môi trường bao quanh di tích; xây dựng một số công trình bảo vệ bờ sông, bến thuyền du lịch và các công trình hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cảnh quan.
b) Về hình thức kiến trúc và vật liệu
- Các công trình di tích được tu bổ, phục hồi dựa trên căn cứ khoa học và tư liệu lịch sử; mang phong cách kiến trúc tương đồng về tính chất và thời kỳ lịch sử, phù hợp bản sắc truyền thống của địa phương.
- Các công trình biểu tượng, tượng đài cần có tính mỹ thuật cao, phù hợp với giá trị di tích; hài hòa với cảnh quan chung.
- Các công trình kiến trúc xây mới cần khai thác bản sắc kiến trúc truyền thống của địa phương: chủ yếu là hình thức nhà vườn, nhà ba gian, kết cấu gỗ hoặc giả kết cấu gỗ, mái dốc lợp ngói, gianh hoặc các vật liệu tự nhiên.
- Các công trình kiến trúc của thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh và thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh tiếp giáp trực tiếp với khu vực bảo vệ di tích có chiều cao không quá 03 tầng, khuyến khích các công trình xây dựng mới mang bản sắc kiến trúc truyền thống.
c) Về quy hoạch sử dụng đất trong khu vực di tích: Các loại đất nuôi trồng thủy sản, đất chưa sử dụng được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất dịch vụ và đất cây xanh công viên; đất trồng lúa 1 vụ kém hiệu quả, chuyển đổi mục đích thành loại đất dịch vụ phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
3. Định hướng quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo kiến trúc cảnh quan vùng bảo vệ di tích
a) Nguyên tắc: Bảo tồn các di tích gốc và toàn bộ không gian cảnh quan bao quanh các di tích, bảo đảm tính kết nối giữa các di tích, đồng bộ và thống nhất với các quy hoạch có liên quan.
b) Định hướng quy hoạch:
- Bảo quản và tu bổ các công trình kiến trúc hiện còn gắn với yếu tố gốc của di tích. Phục hồi các hạng mục công trình, di tích trên cơ sở khoa học và tư liệu lịch sử. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững.
+ Tại Khu vực bảo vệ I, chú trọng bảo quản, tu bổ các công trình hiện hữu, di dời các công trình không phải yếu tố gốc của di tích; trường hợp sử dụng để phát huy giá trị cần nghiên cứu, chỉnh trang bảo đảm phù hợp về không gian, phong cách kiến trúc của các công trình di tích gốc; phục hồi, phục dựng các công trình kiến trúc (khi có đủ cơ sở khoa học và tài liệu chứng minh), với hình thức kiến trúc tương đồng với từng thời kỳ lịch sử của di tích; tôn tạo, trồng bổ sung cây xanh cảnh quan;
+ Tại Khu vực bảo vệ II, được phép xây dựng một số công trình mới phục vụ phát huy giá trị di tích, bảo đảm phù hợp về quy mô và không gian cảnh quan.
- Đối với di tích là các công trình tại địa điểm gốc trong chuỗi di tích quốc gia đặc biệt, thực hiện tu bổ, tôn tạo công trình và cảnh quan di tích. Đối với các điểm di tích chỉ còn dấu vết nền móng, thực hiện việc phục hồi công trình và tôn tạo cảnh quan theo các tài liệu lưu trữ lịch sử và ảnh tư liệu. Đối với các di tích không còn dấu tích, xây dựng biểu tượng kỷ niệm tại các địa điểm liên quan đến sự kiện; cắm mốc đặt bia, biển di tích.
- Các khu vực hạn chế xây dựng: là các khu vực cảnh quan thiên nhiên bao quanh di tích và khu vực bảo vệ di tích. Tại các khu vực này chủ yếu giữ gìn cảnh quan thiên nhiên ven sông, rừng ngập mặn, cánh đồng và chỉ xây dựng một số công trình nhỏ phục vụ nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
c) Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích
- Đối với Cụm di tích bờ Bắc: Thực hiện tu bổ, phục hồi các điểm di tích:
+ Sân đường nội bộ, cây xanh cảnh quan;
+ Kỳ đài: Cải tạo, sửa chữa lối lên cho người khuyết tật, thay thế toàn bộ lan can bằng lan can bê tông ốp đá màu sắc phù hợp; thay thế hệ thống cửa gỗ đã mục; thay thế hệ thống cáp và các mối liên kết cột cờ bị hư hỏng; nâng cấp hệ thống kéo cờ; thay mới phần đá lát bậc cấp; thay mới đá lát, ốp lan can khu vực bậc cấp; tu bổ bản đồ Việt Nam trước kỳ đài; hoàn thiện cây xanh tạo cảnh quan khu vực kỳ đài; lát đá đường dạo khu vực kỳ đài và các hạng mục phụ trợ khác; cải tạo công năng tầng hầm thành phòng chiếu phim tư liệu...;
+ Nhà Liên hợp: Hạ giải từ mái tới sàn công trình, các cấu kiện gỗ đánh giá mức độ hư hỏng đưa ra giải pháp cải tạo, tu bổ, nâng cấp phù hợp;
+ Cầu Hiền Lương: Bảo quản, tu bổ, thay thế một phần khung kết cấu sắt, thép cấu tạo cầu đã hư hỏng; thay thế phần gỗ bề mặt cầu nguyên bản; sửa chữa các mố cầu; cải tạo và nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng nghệ thuật...;
+ Xây dựng mới Nhà làm việc Ban quản lý di tích;
+ Đồn công an giới tuyến: Chống mối, thay thế hệ thống cửa và mái ngói;
+ Hệ thống loa phóng thanh: Sơn chống han gỉ.
- Đối với Cụm di tích bờ Nam: Thực hiện tu bổ, phục hồi các điểm di tích:
+ Nhà đón tiếp: Bổ sung lối lên dành cho người khuyết tật; thay mới toàn bộ cửa đi, cửa sổ; thay mới toàn bộ vì kèo mái; thay mới, bổ sung hệ thống cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước và công trình vệ sinh...;
+ Cải tạo, nâng cấp bổ sung công năng cho các công trình công cộng khác, bổ sung hệ thống cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước và thiết bị vệ sinh,...
d) Quy hoạch phát triển không gian vùng bảo vệ cảnh quan, khu vực phát huy giá trị di tích và phục vụ du lịch
- Hình thành Trung tâm du lịch của Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đặt tại 02 đầu Bắc - Nam di tích cầu Hiền Lương: Là đầu mối đón tiếp khách du lịch, trưng bày giới thiệu về di tích, tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội, quản lý và điều hành các hoạt động du lịch.
+ Thiết lập trục cảnh quan kết hợp giao thông đi bộ và xe điện theo hướng Bắc - Nam để khai thác lộ trình tham quan qua tất cả các di tích khu trung tâm;
+ Nghiên cứu, điều chỉnh hướng tuyến giao thông Quốc lộ 1A đoạn đi qua khu vực di tích về phía Tây qua đường tránh, nhằm hạn chế giao cắt qua các không gian nội bộ của khu trung tâm du lịch; chỉnh trang, điều chỉnh một số tuyến đường dân sinh tránh ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động sản xuất chung tới khu di tích;
+ Hình thức kiến trúc của các công trình xây dựng mới bảo đảm hài hòa với không gian cảnh quan và không gian các di tích; các công trình xây dựng thấp tầng; khuyến khích sử dụng vật liệu bản địa và hình thức kiến trúc mang bản sắc văn hóa địa phương.
- Tại các điểm di tích thành phần khác:
+ Thiết lập trục cảnh quan sông Bến Hải và sông Sa Lung theo hướng Đông - Tây, kết nối các di tích thành: Đồn Công an Cửa Tùng, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh; bến đò Tùng Luật (bến đò B), xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh; bến đò Cửa Tùng (bến đò A), thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh; bến đò Lũy (bến đò C), xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh và bến đò Thượng Đông, Dục Đức, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh;
+ Bố cục không gian tự do, đường nét quy hoạch tự nhiên; hình thức kiến trúc của các công trình xây dựng mới bảo đảm hài hòa với không gian cảnh quan bản địa và không gian các di tích; các công trình xây dựng thấp tầng; khuyến khích sử dụng hình thức kiến trúc mang bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn, tôn tạo, chỉnh trang cảnh quan, không gian cây xanh, mặt nước;
+ Xây dựng một số công trình dịch vụ, bán hàng lưu niệm; không gian tái hiện và ca ngợi công lao, thành tựu của các cơ quan, các đồng chí lãnh đạo và các chiến sỹ đã từng sống và làm việc tại địa điểm có di tích; tổ chức lại giao thông đường vào và hệ thống hạ tầng kỹ thuật kèm theo;
+ Các khu vực dân cư hiện trạng; Tổ chức lại hoặc bố trí tại các vị trí phù hợp với quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt. Chỉnh trang cảnh quan chung; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường; quản lý hoạt động xây dựng và kiến trúc trong khu vực. Khuyến khích xây dựng các cơ sở dịch vụ, lưu trú du lịch theo hình thức lưu trú tại nhà dân.
4. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
a) Kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tại các xã trong khu di tích, đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị.
b) Tăng cường tuyên truyền về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cho người dân, kết hợp với lồng ghép vào các chương trình giảng dạy trong nhà trường, tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng hay tại nhà trưng bày trong di tích; có giải pháp bảo quản tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể phù hợp.
c) Tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với di sản văn hóa phi vật thể của địa phương; tổ chức trình diễn các loại hình nghệ thuật của đồng bào dân tộc; giới thiệu, bán các sản phẩm truyền thống do cư dân địa phương sản xuất.
5. Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
a) Định hướng thị trường khách du lịch: Thị trường khách du lịch đến với di tích gồm khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa; trong đó khách nội địa là thị trường trọng điểm.
b) Về phát triển sản phẩm du lịch
- Tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc gắn với tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, trong đó lấy điểm di tích cột cờ Hiền Lương, nhà Liên hợp, đồn Công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh là trung tâm; hoạt động du lịch về nguồn, thăm chiến trường xưa, tham quan cảnh quan sinh thái nông nghiệp vùng ven sông Hiền Lương và khu vực phụ cận; du lịch đêm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - Thành cổ Quảng Trị - Bến thả hoa sông Thạch Hãn...; du lịch sinh thái biển - đảo; du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn...
- Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên các hoạt động văn hóa truyền thống gắn với di tích, như: Lễ hội Thống nhất non sông; lễ hội Vì Hòa bình; lễ hội Hoa đăng; đua thuyền trên sông; hội Bài Chòi; trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể, tìm hiểu phong tục tập quán, trò chơi dân gian và phát triển sản phẩm lưu niệm gắn với các đặc sản của địa phương.
c) Định hướng tuyến du lịch: Lấy di tích cầu Hiền Lương - Bến Hải là hạt nhân để hình thành các tuyến du lịch.
- Tuyến du lịch nội vùng kết nối Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với các điểm di tích lân cận: Tìm hiểu văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, thưởng thức các món ăn đặc sản và tham quan trải nghiệm các làng nghề thủ công truyền thống và các điểm di tích nổi tiếng của địa phương.
- Tuyến du lịch đường bộ kết nối Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với các di tích lịch sử - cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị như: Thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang liệt sỹ Đường 9, sân bay Tà Cơn, hàng rào điện tử Mc Namara, di tích Khe Sanh, căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu, căn cứ Làng Vây, nhà tù Lao Bảo, địa đạo Vịnh Mốc...
- Tuyến du lịch bằng đường thủy kết nối các điểm di tích dọc sông Bến Hải từ Cửa Tùng đến cầu treo Bến Tắt, nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn...
- Tuyến du lịch chuyên đề: “Thăm Chiến trường xưa” (du lịch DMZ); “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”; “Khám phá đảo tiền tiêu Cồn Cỏ từ vùng phi quân sự”; tuyến du lịch liên vùng kết nối di tích với tuyến du lịch “Con đường Di sản miền Trung” và tuyến du lịch “Theo dấu đường Hồ Chí Minh huyền thoại”...
- Tuyến du lịch liên tỉnh kết nối Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với các di tích quốc gia đặc biệt ở các địa phương lân cận, như: Quần thể di tích kiến trúc Cố đô Huế; Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng...
- Tuyến du lịch quốc tế: Kết nối Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và các điểm di tích khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với các di tích tại tỉnh Savannakhet (CHDCND Lào), tỉnh Mukdahan (Thái Lan); tuyến du lịch kết nối các điểm di tích theo hành lang kinh tế Đông - Tây...
6. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật
a) Giao thông
- Giao thông đối ngoại: Thực hiện chỉnh trang, cải tạo mạng lưới đường giao thông hiện có; xây dựng tuyến đường tránh khu vực di tích đi Cửa Tùng; điều chỉnh, bổ sung bãi đỗ xe trung chuyển rước điểm vào Cụm di tích bờ Bắc; bổ sung tuyến đường gom cho khu tái định cư phía Đông Quốc lộ 1A và tuyến đường và cầu nối Trung Hải - Vĩnh Sơn.
- Giao thông nội bộ: Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới mạng lưới đường nội bộ di tích theo định hướng quy hoạch của địa phương.
- Giao thông tĩnh; Bố trí bãi đỗ xe tập trung ở khu vực phía Bắc di tích kết hợp với khu dịch vụ; các bãi đỗ xe của các khu nghỉ dưỡng phía bờ Nam di tích cầu Hiền Lương; xây dựng bãi đỗ xe và bến thuyền công viên Hòa Bình.
b) Chuẩn bị kỹ thuật, san nền
- Thiết kế san nền khu vực bảo đảm cao độ bằng cao độ của Quốc lộ 1A đoạn qua di tích; thoát nước ra hướng sông Bến Hải.
- Xây dựng các tuyến kè hồ sen cảnh quan hiện có tại thôn Hiền Lương, bảo đảm mỹ quan di tích.
- Thiết kế san nền Khu vực Công viên Hòa Bình bảo đảm cao hơn mức lũ hàng năm.
c) Cấp, thoát nước và vệ sinh môi trường
- Cấp nước: Nguồn nước sạch cấp cho khu vực quy hoạch lấy từ Xí nghiệp nước sạch Bến Hải và Xí nghiệp cấp nước Gio Linh.
- Thoát nước: Thiết kế hệ thống thoát nước riêng giữa nước mưa và nước thải; bảo đảm đấu nối đồng bộ với hệ thống thoát nước chung của khu vực. Nước mưa được thu gom để bổ sung cho các hồ cảnh quan trong khuôn viên khu di tích. Nước thải được thu gom, xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường.
- Chất thải rắn được thu gom, phân loại sau đó chuyển đến trạm xử lý chất thải tập trung theo quy định của địa phương. Bố trí các trạm thu gom, trung chuyển trong khu vực di tích bảo đảm vệ sinh, an toàn, phù hợp với không gian cảnh quan chung của khu vực.
d) Cấp điện: Nguồn điện cấp cho khu vực di tích lấy từ đường điện hiện có, bảo đảm công suất trạm biến áp; khuyến khích thiết kế ngầm hệ thống lưới điện, đảm bảo mỹ quan, an toàn và ổn định trong cung cấp điện. Bổ sung mạng lưới điện chiếu sáng, sử dụng đèn trang trí phù hợp với cảnh quan di tích.
đ) Thông tin liên lạc
- Bảo đảm đáp ứng nhu cầu về sử dụng dịch vụ viễn thông của người dân và các cơ quan, đơn vị trong khu vực quy hoạch.
- Bố trí các trạm thông tin liên lạc; phát triển hệ thống mạng không dây bảo đảm khả năng sử dụng mạng Internet băng rộng, tốc độ cao đến người dân và khách du lịch trong khu vực di tích; bảo đảm đấu nối đồng bộ với hệ thống cáp thông tin liên lạc khu vực và với tuyến cáp quốc gia.
7. Nhóm dự án thành phần và phân kỳ đầu tư
a) Các nhóm dự án thành phần: Bao gồm 05 nhóm dự án:
- Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo và bảo vệ di tích (DA-01), bao gồm các dự án: Khoanh vùng và cắm mốc bảo vệ di tích; xây dựng Công viên Thống nhất tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; xây dựng kè bờ Bắc; cải tạo Nhà trưng bày Hiền Lương; tổ chức hoạt động trưng bày; xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn, giới thiệu tại các điểm di tích.
- Nhóm dự án nghiên cứu, bảo tồn các di tích thành phần thuộc Di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (DA-02), bao gồm các dự án: Mở rộng, hoàn thiện, chỉnh lý hồ sơ khoa học các di tích thành phần: Đồn Công an Cửa Tùng, bến đò Tùng Luật (bến đò B), bến đò Cửa Tùng (bến đò A), bến đò Lũy (bến đò C), bến đò Thượng Đông - Dục Đức; Xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với khu vực di tích; Nghiên cứu, liên kết Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với các Di tích quốc gia đặc biệt Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Cảng quân sự Đông Hà và các di tích khác khu vực Bắc Trung Bộ.
- Nhóm dự án phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch (DA-03), bao gồm các dự án: Xây dựng Quảng trường Thống nhất (khu vực 2); xây dựng Cung đường Thống Nhất; xây dựng Nhà đón tiếp, Ban quản lý di tích; xây dựng quảng trường, bãi đỗ xe và nhà lưu niệm; xây dựng các khu dịch vụ; giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đoạn quốc lộ qua Cụm di tích bờ Bắc; đầu tư hệ thống xe điện vận chuyển khách tham quan; đầu tư xây dựng điểm du lịch, nghỉ dưỡng theo mô hình làng truyền thống, làng sinh thái và cây thảo dược Trung Hải, khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Trung Hải, khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn và giếng cổ, công viên Hòa Bình; phát triển sản phẩm du lịch; tuyên truyền quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực.
- Nhóm dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật (DA-04), bao gồm các dự án: Nâng cấp, mở rộng tuyến đường quốc lộ đi qua di tích, cầu Trung Hải-Vĩnh Sơn, đường dẫn hai đầu cầu; nâng cấp, cải tạo đường dọc sông qua thôn Huỳnh Hạ, san nền vượt lũ Công viên Hòa Bình; xây dựng cầu cảng sông và các bến thuyền du lịch; cải tạo giao thông nội bộ khu di tích; xây dựng bãi đỗ xe; cải tạo hệ sinh thái rừng ngập mặn; cải tạo hạ tầng kỹ thuật.
- Nhóm dự án bảo đảm sinh kế cộng đồng dân cư trong di tích (DA-05): Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư xã Hiền Thành, xã Vĩnh Sơn và xã Trung Hải.
b) Phân kỳ đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư
- Thời gian thực hiện quy hoạch: Từ năm 2025 đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể:
+ Giai đoạn 2025: Triển khai một số dự án thành phần thuộc các Nhóm dự án: DA-01, DA-02, DA-03, DA-04 bằng nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn sự nghiệp và các nguồn huy động khác;
+ Giai đoạn 2026 - 2030: Triển khai Nhóm dự án DA-05 và tiếp tục thực hiện các dự án thành phần còn lại thuộc Nhóm dự án: DA-01, DA-02, DA-03 và DA-04 bằng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác;
+ Giai đoạn sau 2030: Triển khai hoàn thành các dự án còn lại bằng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.
- Thứ tự, mức độ ưu tiên đầu tư hằng năm có thể được điều chỉnh, bổ sung căn cứ yêu cầu thực tế về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, khả năng huy động vốn, khả năng cân đối vốn và nguồn vốn cấp theo kế hoạch của Trung ương và địa phương:
+ Trên cơ sở các nhóm dự án thành phần, xác định các dự án có tính chất động lực để ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư. Kinh phí thực hiện được xác định cụ thể theo tổng mức đầu tư của từng dự án, tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng cân đối và huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ; bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về di sản văn hóa, đầu tư, xây dựng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đất đai và pháp luật có liên quan;
+ Việc triển khai thực hiện đầu tư theo các nhóm dự án thành phần thuộc quy hoạch được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định (từ việc trình phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư và tổ chức, triển khai thực hiện dự án).
c) Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch: Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch bao gồm vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước, trong đó:
- Vốn từ ngân sách Trung ương được bố trí căn cứ vào nội dung dự án đầu tư và khả năng cân đối của ngân sách Trung ương hằng năm, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành về đầu tư công, ngân sách nhà nước; ưu tiên các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi các hạng mục công trình di tích; đầu tư hệ thống giao thông kết nối đến và giao thông nội bộ của khu di tích.
- Vốn từ nguồn ngân sách địa phương bố trí cho việc thực hiện các dự án, nhiệm vụ về: bảo quản, tu bổ cấp thiết các hạng mục di tích; nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch, tuyên truyền quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch của Tỉnh, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc).
- Vốn xã hội hóa đầu tư vào các công trình dịch vụ, thương mại gắn với chức năng phát huy giá trị di tích và phát triển du lịch.
8. Giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch di tích
a) Giải pháp về quản lý
- Các quy hoạch xây dựng, quy hoạch khác có liên quan trong phạm vi quy hoạch cần thực hiện theo Quy hoạch này. Quản lý theo phân vùng quy hoạch.
- Kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường từ khách du lịch, đặc biệt là chất thải rắn, xem xét đánh giá về sự biến đổi môi trường, những ảnh hưởng tiêu cực của các hoạt động du lịch gây ra.
- Xây dựng quy chế quản lý xây dựng, bản Hướng dẫn xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực di tích.
b) Giải pháp về đầu tư
- Tập trung đầu tư các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích. Khuyến khích đầu tư và triển khai dự án phát triển một số loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, đặc trưng di tích. Xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư tổng thể cho di tích, kết hợp triển khai các chương trình dự án có liên quan và phù hợp trên địa bàn.
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo quy hoạch được duyệt; có giải pháp thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
c) Giải pháp về nguồn nhân lực quản lý và bảo vệ di tích
- Kiện toàn và nâng cao năng lực của Ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư tại địa phương trong việc giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái khu vực di tích.
- Bổ sung, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên tại di tích. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho Nhân dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
d) Giải pháp về huy động sự tham gia của cộng đồng
- Phát huy mối liên kết giữa người dân, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý có liên quan tạo sự thống nhất trong việc tổ chức triển khai hoạt động bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của địa phương.
- Kết nối cộng đồng dân cư trong khu vực di tích và vùng lân cận với các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích và trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch. Khuyến khích người dân tham gia vào lập kế hoạch quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích phù hợp với yêu cầu, năng lực và quy định pháp luật.
- Đẩy mạnh hợp tác với cơ quan giáo dục về bảo tồn di tích. Xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ môi trường và tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di tích; vận động Nhân dân địa phương tích cực tham gia tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.
đ) Giải pháp tuyên truyền, quảng bá
- Tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích thông qua mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các trang tin điện tử quảng bá về di tích; phát triển các chương trình, ứng dụng để giới thiệu di tích trên các phương tiện điện tử; thiết kế sách, bản đồ du lịch.
- Xây dựng hệ thống biển chỉ đường, biển quảng bá di tích tại những khu vực đông người qua lại.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị
a) Rà soát, hoàn thiện hồ sơ đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (thuyết minh, bản đồ, quy định quản lý...) bảo đảm thống nhất, đúng với nội dung Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; lưu giữ và lưu trữ hồ sơ đồ án quy hoạch được duyệt theo quy định của pháp luật.
b) Tổ chức công bố công khai Quy hoạch bằng các hình thức phù hợp, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong triển khai thực hiện. Tiến hành rà soát, cắm mốc ranh giới khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích theo mốc giới xác định trong quy hoạch; cập nhật ranh giới, diện tích Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải vào Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và Quy hoạch tỉnh Quảng Trị phù hợp với từng thời kỳ.
c) Phê duyệt các nhóm dự án thành phần trên cơ sở Quy hoạch được duyệt. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư trên cơ sở đồ án quy hoạch được phê duyệt. Thực hiện quản lý hoạt động bảo tồn, đầu tư, xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
d) Chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương; tổ chức tuyên truyền, vận động và huy động nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Quy hoạch.
đ) Chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường di tích và các khu vực phụ cận bên ngoài di tích; giáo dục tinh thần tự giác chấp hành tốt các quy định về quy hoạch và quản lý quy hoạch, về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa, về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên.
e) Thực hiện đầu tư xây dựng trong phạm vi bảo vệ của di tích trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Quy hoạch được phê duyệt tại quyết định này và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
g) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật đối với phạm vi, quy mô, ranh giới quy hoạch; về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, các ý kiến tiếp thu, giải trình, bảo lưu đối với ý kiến rà soát, góp ý của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan; về hệ thống bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, quy định của pháp luật liên quan; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch tỉnh Quảng Trị và các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không hợp pháp hóa các sai phạm (nếu có).
2. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị; chịu trách nhiệm về nội dung số liệu báo cáo và đề xuất kiến nghị tại Tờ trình số 361/TTr-BVHTTDL ngày 27 tháng 12 năm 2024.
b) Lưu giữ và lưu trữ hồ sơ quy hoạch được duyệt; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải bảo đảm đúng mục tiêu, đúng nội dung và đúng kế hoạch được phê duyệt; tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật liên quan.
c) Tổ chức thẩm định nội dung chuyên môn đối với các dự án thành phần liên quan đến bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và các dự án thành phần thuộc di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải thuộc nội dung quy hoạch được duyệt.
3. Trách nhiệm của Bộ Tài chính: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc cân đối, bố trí nguồn vốn để thực hiện các nội dung Quy hoạch phù hợp với kế hoạch thực hiện được duyệt và khả năng huy động nguồn lực, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan; kiểm tra việc thực hiện theo thẩm quyền.
4. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Kiểm tra việc thực hiện quản lý và sử dụng đất theo quy hoạch, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đất đai; hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cập nhật ranh giới diện tích quy hoạch vào phương án sử dụng đất trong Quy hoạch tỉnh Quảng Trị, phù hợp với thời kỳ quy hoạch.
5. Các Bộ, ngành, cơ quan trung ương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện Quy hoạch theo lĩnh vực ngành quản lý, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |