THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 761/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 23 tháng 05 năm 2014 |
PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TRƯỜNG NGHỀ CHẤT LƯỢNG CAO ĐẾN NĂM 2020”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020” với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Phát triển trường nghề chất lượng cao để đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp cao, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của người lao động và của quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Phát triển trường nghề chất lượng cao trên cơ sở kế thừa, phát huy thành tựu và những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về đào tạo nghề của thế giới; bảo đảm tính hệ thống, dài hạn với các giải pháp đồng bộ, khả thi, có lộ trình, bước đi phù hợp.
3. Phát triển trường nghề chất lượng cao theo hướng “mở”. Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù và hỗ trợ đầu tư đồng bộ cho các trường nghề được lựa chọn để đạt các tiêu chí của trường nghề chất lượng cao; đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa để những trường nghề khác xây dựng đạt các tiêu chí của trường nghề chất lượng cao và được đánh giá, công nhận.
1. Mục tiêu tổng quát
Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường nghề chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nghề ở Việt Nam và đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2014 - 2016
Từng bước thí điểm đào tạo 34 nghề theo các chương trình đào tạo nghề được chuyển giao từ nước ngoài theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy mô tối thiểu 25 học sinh, sinh viên mỗi nghề một năm. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ cho những trường nghề đã được lựa chọn có năng lực đào tạo tốt, gần với các tiêu chí của trường nghề chất lượng cao.
b) Giai đoạn 2017 - 2020
Từng bước mở rộng đào tạo các nghề đã thí điểm đào tạo có học sinh, sinh viên tốt nghiệp được đánh giá, công nhận văn bằng, chứng chỉ bởi các tổ chức giáo dục đào tạo có uy tín của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế. Phấn đấu đến năm 2018 có khoảng 15 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao; đến năm 2019 có thêm khoảng 15 trường và đến năm 2020 có khoảng 40 trường chất lượng cao.
III. TIÊU CHÍ CỦA TRƯỜNG NGHỀ CHẤT LƯỢNG CAO
Trường được công nhận là trường nghề chất lượng cao khi được cơ quan kiểm định chất lượng dạy nghề đánh giá đáp ứng đủ các tiêu chí sau đây:
1. Về quy mô đào tạo: Quy mô đào tạo tối thiểu là 2.000 học sinh, sinh viên hệ trung cấp nghề, cao đẳng nghề (tính theo số học sinh, sinh viên quy đổi), trong đó có ít nhất 30% học sinh, sinh viên học các nghề trọng điểm.
2. Về việc làm sau đào tạo: Có ít nhất 80% số học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng nghề được đào tạo trong vòng 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp, trong đó các nghề trọng điểm đạt ít nhất là 90%.
3. Về trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo: 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp nghề đạt bậc 2/5, hệ cao đẳng nghề đạt bậc 3/5 của tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và có trình độ tin học đạt tiêu chuẩn IC3 hoặc tương đương trở lên, trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt 300 điểm TOEIC hoặc tương đương trở lên. Trong đó, học sinh, sinh viên tốt nghiệp các nghề trọng điểm theo chương trình đào tạo được chuyển giao từ nước ngoài có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt 450 điểm TOEIC hoặc tương đương trở lên và được các tổ chức giáo dục, đào tạo có uy tín của khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận văn bằng, chứng chỉ.
4. Về kiểm định chất lượng: Trường đạt cấp độ 3 tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường cao đẳng nghề; 100% nghề đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.
5. Về giáo viên, giảng viên: 100% giáo viên đạt chuẩn quy định, có trình độ tin học IC3 hoặc tương đương trở lên, trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt 350 điểm TOEIC hoặc tương đương trở lên. Trong đó, giáo viên dạy các nghề trọng điểm được chuyển giao có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt 450 điểm TOEIC hoặc tương đương trở lên.
6. Về quản trị nhà trường: 100% cán bộ quản lý của trường được cấp chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ quản lý dạy nghề. Các hoạt động quản lý của trường và chương trình đào tạo các nghề trọng điểm được số hóa và mô phỏng hóa theo các công nghệ phần mềm tiên tiến trên thế giới.
IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Lựa chọn một số trường nghề có năng lực đào tạo nghề tốt và có phương án, lộ trình hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ theo quy định để đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao vào năm 2020 (danh sách trường nghề được lựa chọn tại Phụ lục kèm theo).
2. Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, đổi mới công tác quản lý và giảng dạy theo hướng tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và quốc tế đối với các trường nghề được lựa chọn, cụ thể:
a) Đối với nghề đào tạo theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài: Triển khai có hiệu quả Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” giai đoạn 2012 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hỗ trợ đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo được chuyển giao;
b) Đối với các nghề đào tạo khác: Xây dựng và ban hành chương trình, giáo trình dạy nghề trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn cho giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; hỗ trợ đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị, phần mềm, học liệu dạy nghề theo yêu cầu của chương trình đào tạo;
c) Đào tạo ngoại ngữ, tin học cho giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh, sinh viên học các nghề trọng điểm có đủ năng lực, trình độ quản lý, giảng dạy, học tập và nghiên cứu theo tiêu chí của trường nghề chất lượng cao.
3. Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đào tạo ở các trường nghề được lựa chọn; triển khai số hóa các hoạt động quản lý đào tạo, quản lý chất lượng, quản lý cán bộ, giáo viên và mô phỏng hóa các chương trình đào tạo, trước hết là các nghề trọng điểm theo các công nghệ phần mềm tiên tiến trên thế giới.
4. Về cơ chế, chính sách phát triển trường nghề chất lượng cao
a) Có cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích các trường nghề (công lập và tư thục) tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo theo tiêu chí của trường nghề chất lượng cao, bao gồm:
- Ưu đãi về tín dụng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề theo quy định của pháp luật;
- Ưu đãi về thuế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo theo quy định của pháp luật;
- Hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề; sử dụng chương trình, giáo trình dạy các nghề trọng điểm;
- Thí điểm đào tạo các nghề trọng điểm từ ngân sách nhà nước.
b) Ngoài cơ chế theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các trường nghề được lựa chọn đầu tư để trở thành trường nghề chất lượng cao được thí điểm áp dụng, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và quản lý tài chính, tài sản, bao gồm:
- Xây dựng và quy định mức thu học phí, lệ phí thi và tuyển sinh và báo cáo Bộ, ngành, địa phương là cơ quan chủ quản của trường phê duyệt và công khai mức thu trước khi thực hiện;
- Quyết định các nội dung và mức chi từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên (bao gồm cả kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và thu sự nghiệp) trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả theo yêu cầu về chất lượng và tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao;
- Tự chủ quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo (kể cả liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật); tự chủ về tiền công, tiền lương đối với giáo viên, cán bộ và học sinh, sinh viên trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo.
c) Khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp trực tiếp cùng với nhà trường tổ chức đào tạo một số nghề trọng điểm gắn với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
d) Các trường nghề được công nhận đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao được Nhà nước ưu tiên đặt hàng thực hiện các dịch vụ dạy nghề từ ngân sách nhà nước.
5. Chủ động, tích cực triển khai hội nhập quốc tế về dạy nghề theo “Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
6. Tổ chức kiểm định, đánh giá, công nhận
a) Việc đánh giá, công nhận trình độ của học sinh, sinh viên tốt nghiệp các nghề đào tạo theo chương trình được chuyển giao phải được tổ chức giáo dục, đào tạo có uy tín trên thế giới có chức năng đánh giá, thẩm định và công nhận bằng cấp thực hiện.
b) Việc kiểm định, đánh giá, công nhận chương trình đào tạo của từng nghề và trường nghề chất lượng cao do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
V. CƠ CHẾ TÀI CHÍNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Ngân sách Trung ương thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015 và các chương trình, dự án trọng điểm trong giai đoạn 2016 - 2020 theo cơ chế hỗ trợ có mục tiêu từ Ngân sách Trung ương, bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ cho các trường được lựa chọn với các nội dung:
a) Phát triển hệ thống thông tin, số hóa và mô phỏng hóa các hoạt động quản lý và chương trình đào tạo các nghề trọng điểm;
b) Phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề;
c) Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề;
d) Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phần mềm, học liệu dạy nghề;
đ) Đào tạo các nghề trọng điểm theo cơ chế Nhà nước đặt hàng;
e) Phát triển các hoạt động kiểm định, đánh giá và công nhận.
2. Các Bộ, ngành, địa phương chủ quản trường nghề có trách nhiệm huy động các nguồn lực từ kinh phí chi thường xuyên, vốn đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình, dự án trong và ngoài nước, nguồn thu sự nghiệp của các trường và các nguồn vốn hợp pháp khác để cùng với hỗ trợ của ngân sách Trung ương đầu tư đồng bộ cho các trường được lựa chọn nhằm đạt các tiêu chí của trường nghề chất lượng cao; bảo đảm chi phí đào tạo nghề của các trường.
3. Đẩy mạnh việc huy động và lồng ghép các nguồn lực tài chính từ các chương trình, dự án ODA, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ đầu tư tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của các trường.
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Đề án, cụ thể:
a) Ban hành Thông tư quy định chi tiết về tiêu chí, cách thức và quy trình đánh giá, công nhận trường nghề đạt tiêu chuẩn chất lượng cao; hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương và các trường nghề tổ chức thực hiện;
b) Xây dựng phương án, lộ trình hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ cho các trường nghề được lựa chọn phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ;
c) Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các cơ chế, chính sách để phát triển trường nghề chất lượng cao;
d) Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, dự toán và tổng hợp nhu cầu kinh phí đầu tư trường nghề chất lượng cao, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung vào kế hoạch, dự toán ngân sách 5 năm và hàng năm; tổ chức thực hiện đầu tư tập trung, đồng bộ cho các trường nghề chất lượng cao được lựa chọn theo quy định;
đ) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm về phát triển các trường nghề chất lượng cao gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung vào quy hoạch phát triển nhân lực chung của cả nước;
e) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức sơ kết việc thực hiện Đề án sau 3 năm thực hiện và tổng kết vào năm 2020.
2. Bộ Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan bố trí kinh phí sự nghiệp theo phân cấp ngân sách hiện hành và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể các cơ chế, chính sách để phát triển trường nghề chất lượng cao; kiểm tra và giám sát tình hình thực hiện.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan bố trí vốn đầu tư phát triển, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ (nếu có), vốn ODA và các chương trình, dự án, đề án trọng điểm quốc gia để thực hiện Đề án theo phân cấp ngân sách hiện hành và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển nhân lực và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ;
b) Phối hợp với Bộ Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, hướng dẫn các cơ chế, chính sách để phát triển trường nghề chất lượng cao; phối hợp kiểm tra và giám sát tình hình thực hiện.
4. Các Bộ, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan chủ quản của các trường được lựa chọn đầu tư:
a) Hướng dẫn, chỉ đạo các trường căn cứ vào tiêu chí của trường nghề chất lượng cao và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xây dựng dự án đầu tư theo lộ trình;
b) Phê duyệt dự án đầu tư trường nghề chất lượng cao theo quy định (sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở Trung ương) và gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, theo dõi và xây dựng kế hoạch, kinh phí hàng năm;
c) Huy động và phân bổ các nguồn kinh phí hàng năm cho các trường theo lộ trình thực hiện dự án và đồng bộ với nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương, bảo đảm đủ vốn thực hiện dự án đã phê duyệt;
d) Bảo đảm các điều kiện về đất đai, biên chế, kinh phí chi thường xuyên để các trường triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao;
đ) Hàng năm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
DANH SÁCH TRƯỜNG NGHỀ ĐƯỢC ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TẬP TRUNG, ĐỒNG BỘ THEO TIÊU CHÍ TRƯỜNG NGHỀ CHẤT LƯỢNG CAO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”)
TT | Tên trường | Thuộc Bộ, Ngành, Tỉnh/Thành phố | Nằm trên địa bàn Tỉnh/Thành phố |
1 | Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn | Bình Định | Bình Định |
2 | Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh | Thành phố Hồ Chí Minh | Thành phố Hồ Chí Minh |
3 | Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Xây dựng Việt Xô | Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn | Ninh Bình |
4 | Trường Cao đẳng nghề Cơ khí Nông nghiệp | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Vĩnh Phúc |
5 | Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội | Thành phố Hà Nội | Hà Nội |
6 | Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội | Hà Nội |
7 | Trường Cao đẳng nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu | Bà Rịa - Vũng Tàu | Bà Rịa - Vũng Tàu |
8 | Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức Vĩnh Phúc | Vĩnh Phúc | Vĩnh Phúc |
9 | Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc | Nghệ An | Nghệ An |
10 | Trường Cao đẳng nghề số 3 | Bộ Quốc phòng | Hải Phòng |
11 | Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội | Thành phố Hà Nội | Hà Nội |
12 | Trường Cao đẳng nghề Nha Trang | Khánh Hòa | Khánh Hòa |
13 | Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ | Cần Thơ | Cần Thơ |
14 | Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng | Đà Nẵng | Đà Nẵng |
15 | Trường Cao đẳng nghề số 8 | Bộ Quốc phòng | Đồng Nai |
16 | Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Xây dựng và Nông Lâm Trung Bộ | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Bình Định |
17 | Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức Hà Tĩnh | Hà Tĩnh | Hà Tĩnh |
18 | Trường Cao đẳng nghề Giao thông Vận tải Trung ương II | Bộ Giao thông Vận tải | Hải Phòng |
19 | Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tp Hồ Chí Minh | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội | Thành phố Hồ Chí Minh |
20 | Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế | Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch | Thừa Thiên Huế |
21 | Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2 | Bộ Xây dựng | Đồng Nai |
22 | Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Phú Thọ | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Phú Thọ |
23 | Trường Cao đẳng nghề Du lịch và dịch vụ Hải Phòng | Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch | Hải Phòng |
24 | Trường Cao đẳng nghề Yên Bái | Yên Bái | Yên Bái |
25 | Trường Cao đẳng nghề số 4 - BQP | Bộ Quốc phòng | Nghệ An |
26 | Trường Cao đẳng nghề Hải Dương | Hải Dương | Hải Dương |
27 | Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương | Thành phố Hồ Chí Minh | Thành phố Hồ Chí Minh |
28 | Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Hà Nội |
29 | Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt | Lâm Đồng | Lâm Đồng |
30 | Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên | Đắk Lắk | Đắk Lắk |
31 | Trường Cao đẳng nghề Cơ giới và Thủy lợi | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Đồng Nai |
32 | Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang | Bắc Giang | Bắc Giang |
33 | Trường Cao đẳng nghề Giao thông Vận tải Trung ương I | Bộ Giao thông Vận tải | Hà Nội |
34 | Trường Cao đẳng nghề Giao thông Vận tải Trung ương III | Bộ Giao thông Vận tải | Thành phố Hồ Chí Minh |
35 | Trường Cao đẳng nghề Nam Định | Nam Định | Nam Định |
36 | Trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Ninh Bình |
37 | Trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu | Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch | Bà Rịa - Vũng Tàu |
38 | Trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương Mại Nghệ An | Nghệ An | Nghệ An |
39 | Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh | Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam | Hà Tĩnh |
40 | Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang | Kiên Giang | Kiên Giang |
41 | Trường Cao đẳng nghề số 1 | Bộ Quốc phòng | Thái Nguyên |
42 | Trường Cao đẳng nghề số 20 | Bộ Quốc phòng | Nam Định |
43 | Trường Cao đẳng nghề số 5 | Bộ Quốc phòng | Đà Nẵng |
44 | Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Bắc Ninh | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Bắc Ninh |
45 | Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore | Bình Dương | Bình Dương |
- 1 Quyết định 2632/QĐ-BGTVT năm 2012 phê duyệt Dự án "Đổi mới và phát triển dạy nghề" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015 của trường Cao đẳng nghề Giao thông Vận tải Đường thủy I do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành
- 2 Quyết định 2535/QĐ-BGTVT năm 2012 phê duyệt Dự án "Đổi mới và phát triển dạy nghề" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015 của trường Trung cấp nghề Cơ giới Đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành
- 3 Quyết định 2537/QĐ-BGTVT năm 2012 phê duyệt Dự án "Đổi mới và phát triển dạy nghề" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015 của Trường Cao đẳng nghề Giao thông Vận tải Trung ương II do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành
- 4 Quyết định 630/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 579/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Luật Dạy nghề 2006
- 7 Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 1 Quyết định 2537/QĐ-BGTVT năm 2012 phê duyệt Dự án "Đổi mới và phát triển dạy nghề" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015 của Trường Cao đẳng nghề Giao thông Vận tải Trung ương II do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành
- 2 Quyết định 2632/QĐ-BGTVT năm 2012 phê duyệt Dự án "Đổi mới và phát triển dạy nghề" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015 của trường Cao đẳng nghề Giao thông Vận tải Đường thủy I do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành
- 3 Quyết định 2535/QĐ-BGTVT năm 2012 phê duyệt Dự án "Đổi mới và phát triển dạy nghề" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015 của trường Trung cấp nghề Cơ giới Đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành
- 4 Quyết định 982/QĐ-LĐTBXH năm 2021 về Kế hoạch thực hiện Quyết định 1363/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025” do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành