Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 765/QĐ-BTTTT

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 07/CT-TTG NGÀY 21 THÁNG 3 NĂM 2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Nghị định số 48/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Báo chí.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Báo chí và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó TTCP Trần Hồng Hà (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm;
- Các đơn vị của Bộ TT&TT;
- Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, CBC, PQĐ (100).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Lâm

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 07/CT-TTG NGÀY 21 THÁNG 3 NĂM 2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH
(Kèm theo Quyết định số:      /QĐ-BTTTT ngày      tháng 4 năm 2023 của  Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông)

Ngày 21 tháng 3 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách (sau đây gọi tắt là Chỉ thị).

Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao có hiệu quả Chỉ thị trên, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Chương trình hành động như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Cụ thể hóa các hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2023 về tăng cường công tác truyền thông chính sách.

b) Tuyên truyền, phổ biến tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách của đối với lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.

2. Yêu cầu

a) Tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo kịp thời, chất lượng, hiệu quả và đúng thời hạn theo Chương trình được ban hành.

b) Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả của các cơ quan báo chí, truyền thông, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách.

- Đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện: Vụ Pháp chế, Cục Báo chí.

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

b) Văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện: Cục Báo chí.

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

- Thời gian thực hiện: Tháng 5/2023.

c) Phối hợp với đơn vị của Bộ Nội vụ hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức biên chế của công chức, viên chức làm công tác truyền thông, bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

- Đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện: Cục Báo chí.

- Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023.

d) Rà soát, sửa đổi danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định khác theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước đối với thể loại báo nói, báo hình, báo in và điện tử để làm cơ sở đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Vụ Kế hoạch - Tài chính.

- Đơn vị phối hợp: Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và những năm tiếp theo.

2. Công tác chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin

a) Ở Trung ương: Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và các ban, bộ, ngành, địa phương chủ động định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí, hệ thống thông tin cơ sở và các phương thức truyền thông khác về những vấn đề dư luận xã hội trong và ngoài nước quan tâm.

- Đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện: Cục Báo chí.

- Đơn vị phối hợp: Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại, Cục Thông tin cơ sở.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/liên tục.

b) Ở địa phương: Phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh/thành phố và các sở, ban, ngành ở địa phương chủ động định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí, hệ thống thông tin cơ sở và các phương thức truyền thông khác về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm tại địa phương.

- Đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan của địa phương.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/liên tục.

c) Theo dõi, rà quét, đo kiểm, giám sát, đánh giá và điều tiết thông tin về truyền thông chính sách trên báo chí, mạng xã hội, trang thông tin điện tử để phản ánh dòng chảy chính của xã hội, tạo ra năng lượng tích cực, lan tỏa niềm tin để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại, Cục An toàn thông tin.

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/liên tục.

3. Công tác truyền thông chính sách của Bộ

a) Xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách đối với lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Trung tâm thông tin.

- Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Báo VietNamNet, Tạp chí Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan.

- Thời gian: Định kỳ hàng năm.

b) Đẩy mạnh truyền thông liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trên nền tảng số và các hoạt động truyền thông của Bộ.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Văn phòng Bộ.

- Đơn vị phối hợp: Trung tâm thông tin, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Báo VietNamNet; Tạp chí Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/liên tục.

c) Tổ chức họp báo, cung cấp thông tin cho báo chí những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Trung tâm thông tin.

- Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Báo VietNamNet, Tạp chí Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan.

- Thời gian: Định kỳ/đột xuất.

d) Tăng cường, nâng cao chất lượng truyền thông chính sách, đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức truyền thông để tạo hiệu quả truyền thông chính sách trong ngành thông tin và truyền thông.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Báo VietNamNet; Tạp chí Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/liên tục.

e) Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí để làm tốt công tác truyền thông chính sách.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Báo chí.

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

- Thời gian thực hiện: Tháng 4/2023.

f) Phối hợp với Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp triển thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Báo chí, Vụ Pháp chế.

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/liên tục.

g) Thông tin, tuyên truyền các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Vụ Pháp chế.

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/liên tục.

4. Công tác quản lý và xử lý vi phạm

a) Quản lý chặt chẽ thông tin trên báo chí, mạng xã hội, trang thông tin điện tử đảm bảo những thông tin chính thống, tích cực về đời sống xã hội trên báo chí, mạng xã hội, trang thông tin điện tử phải là dòng chảy chính.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Thanh tra Bộ, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử;

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/liên tục.

b) Chủ động đấu tranh bóc gỡ, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ chính quyền với nhân dân, xuyên tạc chủ trương chính sách, gây mất đoàn kết trong xã hội; Phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục An toàn thông tin.

- Đơn vị phối hợp: Cục Báo chí và đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/liên tục.

c) Đôn đốc, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện quy định của Luật Báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Báo chí.

- Đơn vị phối hợp: Thanh tra Bộ, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/liên tục.

d) Đánh giá, xử lý các cơ quan báo chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích, giấy phép hoạt động báo chí.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Thanh tra Bộ, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên/ liên tục.

5. Công tác bồi dưỡng, tập huấn

a) Xây dựng và triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ truyền thông của các bộ, ngành và địa phương, các phóng viên, biên tập viên và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở thực hiện công tác truyền thông chính sách; kỹ năng cung cấp thông tin cho báo chí.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Báo chí, Cục Thông tin cơ sở.

- Đơn vị phối hợp: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Hình thức/số lượng: 02-03 khóa tập huấn/1 năm hoặc lồng ghép các khóa bồi dưỡng, tập huấn khác.

b) Xây dựng cẩm nang/sổ tay về truyền thông chính sách.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Báo chí.

- Đơn vị phối hợp: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Hình thức/số lượng: 01 cuốn.

- Thời gian: Năm 2023.

6. Xây dựng mạng lưới kết nối truyền thông

a) Văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi các bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin về đội ngũ truyền thông chính sách; người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để hình thành mạng lưới kết nối truyền thông trong toàn quốc.

+ 100% có đầu mối người phát ngôn của các bộ, ngành ở Trung ương.

+ 100% có đầu mối người phát ngôn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

+ 100% có đầu mối người phát ngôn các sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

+ 100% có đầu mối người phát ngôn cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố.

+ 100% có đầu mối người phát ngôn cấp xã, phường, thị trấn trực thuộc cấp quận, huyện, thị xã, thành phố.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và cập nhật các năm tiếp theo.

b) Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiện toàn, phát triển bộ phận truyền thông bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối, chủ động cung cấp thông tin và xử lý các vấn đề dư luận xã hội quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Đơn vị phối hợp: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và cập nhật các năm tiếp theo.

c) Thành lập Tổ công tác về truyền thông chính sách.

- Đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện: Cục Báo chí

- Đơn vị phối hợp: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại, Cục Thông tin cơ sở, Trung tâm thông tin, Báo VietNamNet, Tạp chí Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và cập nhật các năm tiếp theo.

d) Tham mưu cho Bộ kiến nghị cấp có thẩm quyền thành lập Tổ công tác xử lý sự cố, khủng hoảng truyền thông trong trường hợp cần thiết.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Báo chí

- Đơn vị phối hợp: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại và các đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Theo nhiệm vụ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Giao các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đầu mối, tham mưu cho lãnh đạo Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình này.

1. Cục Báo chí

Là đầu mối tham mưu cho lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc đôn đốc, theo dõi các bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan triển khai thực hiện Chỉ thị; triển khai các nhiệm vụ được giao chủ trì; định kỳ tổng hợp báo cáo trình Lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Chỉ thị.

2. Các đơn vị thuộc Bộ

Trưởng các đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch chi tiết, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt kế hoạch triển khai hoặc lồng ghép các nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được giao.

3. Vụ Kế hoạch - Tài chính

Hàng năm tổng hợp kinh phí của các đơn vị, trình Lãnh đạo Bộ cấp kinh phí để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ thực hiện Chương trình trên cơ sở thực tế tình hình quản lý ngân sách của Bộ và theo quy định của pháp luật.

Kinh phí thực hiện Chương trình này được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ và các nguồn tài chính phù hợp khác theo quy định của pháp luật.

4. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Căn cứ nhiệm vụ được phân công tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu kịp thời, hiệu quả về công tác truyền thông chính sách tại địa phương.

Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo công tác tuyên truyền, định hướng cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh thực hiện truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể thuộc Chương trình, các đơn vị đề xuất các nội dung điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn, gửi Cục Báo chí tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét quyết định.

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG