ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 77/2000/QĐ-UB | Đà Nẵng, ngày 07 tháng 7 năm 2000 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
ỦY BAN NHÂN DÂN
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;
- Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ v/v ban hành và sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
- Căn cứ Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 1999 và Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ v/v ban hành và sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu;
- Theo đề nghị của Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính-Vật giá và Chánh Văn phòng UBND thành phố,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số vấn đề về quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn thành phố.
Điều 2.Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các văn bản trước đây của UBND thành phố có nội dung trái với Quyết định này đều không còn hiệu lực thi hành.
Điều 3.Giao Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá, và các Sở, ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thi hành Quy định một số vấn đề về quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 4.Chánh Văn phòng UBND thành phố, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi gửi: | TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG |
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 77/2000/QĐ-UB ngày 07 tháng 7 năm 2000 của UBND thành phố)
1. Tăng cường quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư do Nhà nước quản lý đạt hiệu quả cao nhất, chống tham ô, lãng phí đồng thời thực hiện một bước về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng.
2. Bảo đảm xây dựng theo quy hoạch xây dựng, kiến trúc, đáp ứng yêu cầu bền vững, mỹ quan, bảo vệ môi trường sinh thái; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong xây dựng, áp dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng với chi phí hợp lý.
3. Phân định rõ chức năng quản lý của Nhà nước và phân cấp, uỷ quyền về đầu tư và xây dựng phù hợp với từng loại nguồn vốn đầu tư và chủ đầu tư. Thực hiện quản lý dự án đầu tư và xây dựng theo dự án, quy hoạch và pháp luật.
Điều 2. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh
Tất cả các dự án đầu tư thuộc nhóm B và C sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn khai thác quỹ đất, vốn Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp (công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm), vốn tín dụng được Nhà nước bảo lãnh do UBND thành phố (hoặc các Sở ban ngành và UBND các quận, huyện) quản lý và quyết định đầu tư thực hiện theo quy định này.
TRÌNH TỰ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG
Điều 3. Trình tự các bước triển khai đầu tư và xây dựng
1. Lập và xin chủ trương về quy mô đầu tư;
2. Tiến hành chọn địa điểm;
3. Lập và phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng (nếu có);
4. Lập dự án đầu tư;
5. Thanh toán chi phí lập dự án, thẩm định và phê duyệt dự án;
6. Lập thiết kế, tổng dự toán;
7. Đăng ký, bố trí vốn đầu tư và xây dựng;
8. Đền bù thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu (hoặc chỉ định thầu) để chọn đơn vị thi công;
9. Tổ chức thi công, quản lý chất lượng trong thi công;
10. Cấp phát vốn đầu tư và xây dựng;
11. Nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng;
12. Quyết toán vốn đầu tư và xây dựng;
Điều 4. Nhiệm vụ của chủ đầu tư và cơ quan điều hành dự án
1. Nhiệm vụ của chủ đầu tư
a) Tổ chức lập hoặc thuê tổ chức tư vấn lập quy mô đầu tư, chọn địa điểm và lập quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng (nếu có) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Ký uỷ quyền và tự thực hiện
- Đối với các dự án có mức vốn từ 500 triệu đồng trở lên (sau khi được UBND thành phố duyệt quy mô đầu tư): tuỳ theo chuyên ngành xây dựng của dự án, chủ đầu tư ký uỷ quyền với cơ quan điều hành dự án chuyên ngành thực hiện từ công tác chọn địa điểm, lập và phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng (nếu có), lập dự án đầu tư, thiết kế, tổng dự toán, giải phóng mặt bằng, chọn đơn vị thi công, quản lý chất lượng trong thi công, nghiệm thu đến công tác quyết toán vốn đầu tư và xây dựng bàn giao cho đơn vị sử dụng.
- Đối với các dự án có mức vốn đầu tư nhỏ hơn 500 triệu đồng, (sau khi được UBND thành phố duyệt quy mô đầu tư): UBND thành phố uỷ quyền cho Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện được thành lập Ban quản lý công trình do lãnh đạo đơn vị sử dụng công trình trực tiếp làm Trưởng ban (kiêm nhiệm), được sử dụng con dấu của đơn vị đó để thực hiện nhiệm vụ được giao; nhất thiết phải có cán bộ giám sát công trình đủ trình độ chuyên môn. Khi kết thúc công trình, Ban quản lý công trình tự giải thể.
c) Kiểm tra, giám sát cơ quan điều hành dự án thực hiện những nhiệm vụ được chủ đầu tư uỷ quyền.
2. Nhiệm vụ của cơ quan điều hành dự án và Ban quản lý công trình:
a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về những nội dung công việc do chủ đầu tư uỷ quyền hoặc chỉ định, bao gồm cả số lượng, chất lượng, thời gian thực hiện, tính chính xác của sản phẩm và chất lượng sản phẩm.
b) Báo cáo chủ đầu tư về những thay đổi, phát sinh trong dự án đầu tư, thiết kế và tổng dự toán được duyệt.
c) Định kỳ hàng tháng, báo cáo chủ đầu tư về kết quả đầu tư và những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Điều 5. Xin chủ trương quy mô đầu tư
1. Chủ đầu tư lập Tờ trình kèm hồ sơ (2 bộ) nêu sự cần thiết phải đầu tư, quy mô, nguồn vốn, địa điểm xây dựng và tổng mặt bằng (có ý kiến của Giám đốc các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, trình UBND thành phố phê duyệt. Riêng việc sửa chữa lớn, đập phá làm mới các công trình thuộc diện công sản phải có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về công sản hiện trạng và niên hạn sử dụng của công trình đó.
2. Giám đốc các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện; hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về công sản phải có ý kiến trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra trình UBND thành phố phê duyệt với thời gian kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:
- Không quá 07 ngày đối với dự án có tổng mức đầu tư trên 100 triệu đồng đến dưới 02 tỷ đồng.
- Không quá 10 ngày đối với dự án có mức vốn còn lại của nhóm C.
- Không quá 15 ngày đối với dự án có mức vốn nhóm B.
4. UBND thành phố uỷ quyền cho Giám đốc các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện quyết định đầu tư các dự án có mức vốn từ 100 triệu đồng trở xuống, bao gồm cả việc phê duyệt qui mô đầu tư, thiết kế và tổng dự toán, quyết toán vốn đầu tư.
Điều 6. Chọn địa điểm đầu tư và xây dựng
Trên cơ sở quy mô đầu tư được duyệt tại Điều 5, chủ đầu tư hoặc Ban quản lý dự án lập đầy đủ thủ tục về chọn địa điểm theo quy định, gửi Sở Xây dựng thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt không quá 15 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Điều 7. Lập và phê duyệt riêng quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng (nếu có)
1. Việc lập và phê duyệt riêng quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng chỉ áp dụng cho các công trình có tính chất khu vực như các dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, công viên và một số công trình đặc biệt khác có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.
2. Đối với những công trình công cộng xây dựng độc lập, riêng lẽ như đường giao thông, nhà làm việc, trường học, trạm xá, bệnh viện; sau khi được UBND thành phố duyệt quy mô đầu tư và cho phép chọn địa điểm thì tiến hành lập dự án đầu tư, phần quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng được đưa chung vào dự án.
3. Chủ đầu tư hoặc Ban quản lý dự án gửi Sở Xây dựng thẩm định riêng quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng (đối với những dự án nói tại khoản 1 Điều này), trình UBND thành phố phê duyệt không quá 10 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
1. Đối với những dự án có mức vốn từ 01 tỷ đồng trở lên: Ban quản lý dự án thuê các tổ chức tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt.
2. Đối với những dự án nhóm B, nếu xét thấy cần thiết phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì UBND thành phố sẽ có yêu cầu bằng văn bản.
3. Đối với dự án có qui mô từ 500 triệu đồng đến dưới 01 tỷ đồng: Ban quản lý dự án lập hoặc thuê các tổ chức tư vấn lập Báo cáo đầu tư và trình UBND thành phố phê duyệt.
4. Đối với dự án có mức vốn dưới 500 triệu đồng: Chủ đầu tư không cần lập báo cáo đầu tư mà chỉ cần xin chủ trương quy mô đầu tư là đủ, như quy định tại Điều 5.
Điều 9. Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và dự thảo quyết định trình UBND thành phố phê duyệt theo quy định hiện hành, trong quyết định có nêu rõ kế hoạch đấu thầu (phân chia gói thầu, giá ước tính, hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu, thời gian tổ chức, phương thức và thời gian thực hiện hợp đồng).
2. Thời gian thẩm định dự án đầu tư kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ như sau:
- Không quá 15 ngày đối với dự án có mức vốn từ 01 tỷ đồng đến 02 tỷ đồng;
- Không quá 20 ngày đối với các dự án có mức vốn còn lại của nhóm C;
- Không quá 30 ngày đối với dự án có mức vốn nhóm B.
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư ghi kế hoạch vốn danh mục chuẩn bị đầu tư chung cho công tác chọn địa điểm, quy hoạch, công bố quy hoạch, khảo sát, lập và thẩm định dự án, thiết kế, tổng dự toán hằng năm ở mức 3% trong tổng vốn đầu tư và xây dựng, không phân riêng cho từng dự án.
2. Những dự án đã có quyết định phê duyệt báo cáo đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng chưa được Sở Tài chính-Vật giá thẩm tra chi phí lập dự án, chỉ được thanh toán không quá 80% giá trị thực hiện.
3. Những dự án đã có quyết định phê duyệt báo cáo đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi đã được thẩm tra chi phí lập dự án của Sở Tài chính-Vật giá, được thanh toán 100% chi phí được thẩm tra.
Điều 11. Thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán
Khi đã có quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (đối với dự án có mức vốn từ 1 tỷ đồng trở lên), Báo cáo đầu tư (đối với dự án có mức vốn từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng), chủ trương quy mô đầu tư (đối với dự án có mức vốn dưới 500 triệu đồng); Chủ đầu tư hoặc Ban quản lý dự án ký hợp đồng với tổ chức tư vấn lập thiết kế và tổng dự toán gửi Sở Xây dựng hoặc Sở có xây dựng chuyên ngành thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tổng dự toán không được lớn hơn tổng mức vốn đầu tư được duyệt.
Điều 12. Thẩm định dự án quy hoạch, dự án chuyên ngành, thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán
1. Sở Xây dựng và các Sở có xây dựng chuyên ngành thẩm định các dự án sau:
a) Sở Xây dựng thẩm định các dự án quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn, quy hoạch xây dựng vùng trọng điểm, quy hoạch khu dân cư, cấp thoát nước đô thị (trừ cống qua đường), cây xanh, san nền, vỉa hè, các công trình xây dựng dân dụng, nhà làm việc, nhà xưởng, kho tàng, bệnh viện, trường học và các dự án tương tự.
Các dự án cấp nước khi trình thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán phải có văn bản thoả thuận đấu nối của Công ty Cấp nước (nếu sử dụng nguồn nước do Công ty Cấp nước cung cấp), cơ quan quản lý nguồn nước (nếu sử dụng nguồn nước do các cơ quan khác quản lý). Văn bản thoả thuận phải ghi rõ vị trí và chi phí đấu nối (phần này do cơ quan quản lý nguồn nước thi công, lắp đặt).
b) Sở Giao thông-Công chính thẩm định các dự án cầu cống (kể cả cống qua đường), đường giao thông.
c) Sở Thuỷ sản-Nông Lâm thẩm định các dự án xây dựng thuỷ lợi, nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng - đánh bắt thuỷ sản, định canh định cư.
d) Sở Công nghiệp thẩm định các dự án điện, điện chiếu sáng, khoáng sản, dây chuyền công nghệ phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Các dự án cấp điện khi trình thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán phải có văn bản thoả thuận đấu nối của Cơ quan điện lực. Văn bản thoả thuận phải ghi rõ vị trí và chi phí đấu nối (phần này do cơ quan quản lý điện thi công, lắp đặt).
2. Nội dung thẩm định theo đúng Quyết định số 35/1999/QĐ-BXD ngày 12 tháng 11 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Ban hành quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng.
3. Thời gian thẩm định kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:
- Không quá 10 ngày đối với dự án có mức vốn dưới 500 triệu đồng.
- Không quá 20 ngày đối với dự án có mức vốn còn lại của nhóm C.
- Không quá 30 ngày đối với dự án có mức vốn nhóm B.
Điều 13. Phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán
1. UBND thành phố uỷ quyền cho Giám đốc Sở Xây Dựng, Giám đốc Sở Giao thông - Công chính, Giám đốc Sở Thuỷ sản-Nông lâm, Giám đốc Sở Công nghiệp phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán các dự án quy định tại khoản 1, Điều 12 có mức vốn từ trên 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tổng dự toán không được vượt tổng mức vốn đầu tư được duyệt trong chủ trương qui mô dự án.
2. Hằng tháng (từ ngày 01 đến ngày 05 của tháng sau), cấp được uỷ quyền phê duyệt nêu tại khoản 1 Điều này báo cáo về UBND thành phố những dự án đã phê duyệt của tháng đó gồm các nội dung: số thứ tự, tên dự án, giá trị dự án được duyệt, chủ đầu tư, địa điểm xây dựng, giá trị dự toán được duyệt.
Điều 14. Giao đất và chuẩn bị mặt bằng xây dựng
1. Chủ đầu tư hoặc cơ quan điều hành dự án có nhu cầu sử dụng đất phải lập hồ sơ xin giao đất hoặc thuê đất theo quy định của pháp luật và phối hợp với UBND quận, huyện và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án đền bù, kế hoạch giải phóng mặt bằng, kinh phí, tiến độ thực hiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (trừ những dự án UBND thành phố giao Ban Giải toả đền bù các dự án đầu tư và xây dựng thành phố thực hiện).
2. Sở Địa chính - Nhà đất là cơ quan chủ trì, thẩm tra trình UBND thành phố ra Quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất. Thời gian thẩm định không quá 10 ngày đối với dự án thuộc thẩm quyền của UBND thành phố kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
3. Sở Tài chính-Vật giá là cơ quan chủ trì, thẩm tra việc kiểm định đền bù, ráp giá trình UBND thành phố phê duyệt. Thời gian thẩm tra không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Việc thanh toán chi phí khảo sát, thiết kế và tổng dự toán, thẩm tra hồ sơ thiết kế và tổng dự toán sử dụng nguồn 03% ghi chung cho danh mục chuẩn bị đầu tư nêu tại khoản 1 Điều 10.
1. Những dự án đã có thiết kế và tổng dự toán được duyệt, thanh toán không quá 50% chi phí khảo sát, thiết kế và tổng dự toán.
2. Những dự án đã xây dựng hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được Sở Tài chính- Vật giá thẩm tra chi phí khảo sát, thiết kế và tổng dự toán thì thanh toán không quá 80% giá trị thực hiện.
3. Những dự án đã xây dựng hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng và được Sở Tài chính-Vật giá thẩm tra chi phí khảo sát, thiết kế và tổng dự toán thì thanh toán 100% theo giá trị thẩm định.
Điều 16. Đăng ký, bố trí vốn đầu tư và xây dựng
1. Trên cơ sở thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán, chi phí đền bù giải toả được duyệt, Giám đốc các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện gửi 02 bản đăng ký cho UBND thành phố và Sở Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch vốn đầu tư và xây dựng trong tháng 10 trước năm kế hoạch. Nội dung đăng ký gồm 8 cột: số thứ tự, tên dự án, chủ đầu tư, địa điểm xây dựng, giá trị tổng dự toán được duyệt, năng lực thiết kế, luỹ tiến vốn đã cấp phát, số vốn đề nghị ghi trong năm kế hoạch.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính-Vật giá, Văn phòng UBND thành phố tổng hợp và cân đối vốn đầu tư và xây dựng hằng năm để Uỷ ban nhân dân thành phố trình Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua.
3. Bắt đầu từ kế hoạch năm 2001, những dự án nào có thiết kế và tổng dự toán, chi phí đền bù giải toả (nếu có) được duyệt mới được ghi vốn đầu tư và xây dựng. Trường hợp đặc biệt phải có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.
Điều 17. Giải phóng mặt bằng, chọn đơn vị thi công
Những dự án được ghi kế hoạch vốn mới được giải phóng mặt bằng và chọn đơn vị thi công. Trường hợp đặc biệt phải có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.
1. Đền bù giải toả
a) Đối với dự án có tính chất sản xuất, kinh doanh: chủ đầu tư hoặc cơ quan điều hành dự án báo cáo UBND quận, huyện để chủ trì tổ chức thực hiện việc đền bù thiệt hại, giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt theo quy định tại Điều 14 nêu trên.
b) Đối với các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và các dự án quan trọng quốc gia: UBND quận, huyện chủ trì, cùng với Ban quản lý dự án và các cơ quan có liên quan tổ chức việc đền bù thiệt hại, giải phóng mặt bằng theo tiến độ, thành lập khu tái định cư và thực hiện việc tái định cư theo quy định của Nhà nước.
2. Chọn đơn vị thi công
a) Các dự án có mức vốn dưới 500 triệu đồng
UBND thành phố uỷ quyền cho Giám đốc các Sở, Chủ tịch UBND các quận, huyện tự quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND thành phố về Quyết định của mình trong việc công nhận đơn vị thi công trên cơ sở xem xét kỹ năng lực tài chính, năng lực thi công của đơn vị xin nhận thầu theo đề nghị của cơ quan điều hành dự án và đơn xin nhận thầu của đơn vị nhận thầu.
Trường hợp thấy không cần thiết chỉ định thầu thì tổ chức đấu thầu theo quy định. Nghiêm cấm việc tuỳ tiện chia dự án thành nhiều gói thầu nhỏ để chỉ định thầu.
b) Các dự án có mức vốn từ 500 triệu đồng trở lên: chủ đầu tư hoặc Ban quản lý dự án lập Tờ trình kèm hồ sơ mời thầu trình UBND thành phố (thông qua Văn phòng UBND thành phố) phê duyệt hồ sơ mời thầu. Hồ sơ cần nêu rõ giá trị gói thầu, thời gian dự kiến mở thầu, địa điểm bán hồ sơ, thời gian thi công và kèm theo quyết định phê duyệt thiết kế và dự toán gói thầu. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định kết quả đấu thầu trình UBND thành phố phê duyệt, thời gian không quá 05 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Riêng gói thầu có giá trị nhỏ hơn 01 tỷ đồng thì thời gian thẩm định không quá 03 ngày, kể từ khi nhận đủ hò sơ hợp lệ.
c) Hằng tháng (từ ngày 01 đến ngày 05 tháng sau), cấp được uỷ quyền chỉ định thầu báo cáo về UBND thành phố những dự án đã chỉ định thầu trong tháng đó gồm các nội dung: số thứ tự, tên dự án, chủ đầu tư, cơ quan điều hành dự án, địa điểm xây dựng, giá trị tổng dự toán được duyệt, giá trị phần chỉ định thầu được duyệt, đơn vị được chỉ định thầu và tiến độ thi công.
Điều 18. Tổ chức thi công, quản lý chất lượng trong thi công
1. Trên cơ sở Quyết định công nhận đơn vị thi công hoặc Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, chủ đầu tư hoặc cơ quan điều hành dự án ký hợp đồng với đơn vị thi công và tổ chức giám sát chất lượng công trình.
2. Việc giám sát và nghiệm thu chất lượng công trình thực hiện theo đúng Quyết định số 35/1999/QĐ-BXD ngày 12 tháng 11 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng.
3. Nhật ký công trình phải ghi đầy đủ, cụ thể. Những chi tiết che khuất phải được nghiệm thu trước khi thi công phần tiếp theo. Xong mỗi giai đoạn phải tiến hành nghiệm thu từng phần (bóc lớp phong hoá, san lấp mặt bằng, móng, phần thô, phần hoàn thiện).
Điều 19. Cấp phát vốn xây dựng công trình
1. Chủ đầu tư hoặc Ban quản lý dự án lập Tờ trình kèm hồ sơ khối lượng hoàn thành (có xác nhận của A+B), trình UBND thành phố ra Quyết định cấp phát vốn theo quy trình cấp phát vốn đầu tư và xây dựng hiện hành.
a) Cấp không quá 80% giá trị khối lượng hoàn thành.
b) Cấp không quá 100% giá trị khối lượng hoàn thành nếu đã được Sở Tài chính-Vật giá thẩm định quyết toán. Riêng bảo hành công trình thực hiện theo quy định hiện hành.
2. Những thay đổi thiết kế trong quá trình thi công (không tăng kinh phí) phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Về nguyên tắc không chấp nhận phát sinh, không cho sử dụng dự phòng phí. Trường hợp đặc biệt phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
KẾT THÚC XÂY DỰNG ĐƯA DỰ ÁN VÀO KHAI THÁC SỬ DỤNG
Điều 20. Nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng
1. Trên cơ sở các biên bản nghiệm thu từng phần, chủ đầu tư hoặc Ban quản lý dự án tổ chức nghiệm thu hoàn thành giai đoạn xây lắp trước khi mời nghiệm thu đưa công trình đã hoàn thành vào sử dụng.
2. Thành phần nghiệm thu hoàn thành giai đoạn xây lắp gồm: chủ đầu tư, cơ quan điều hành dự án (nếu có), đơn vị tư vấn giám sát (nếu có), đơn vị thi công, cơ quan thiết kế và cơ quan thẩm định thiết kế và tổng dự toán.
3. Thành phần nghiệm thu đưa công trình đã hoàn thành vào sử dụng (nghiệm thu cơ sở) gồm: chủ đầu tư, cơ quan điều hành dự án (nếu có), đơn vị tư vấn giám sát (nếu có), đơn vị thi công, cơ quan thiết kế, cơ quan thẩm định thiết kế và tổng dự toán, cơ quan phê duyệt thiết kế và tổng dự toán, cơ quan quản lý sử dụng hoặc vận hành khai thác công trình.
4. Hồ sơ nghiệm thu theo đúng các biểu mẫu ban hành kèm theo Quyết định số 35/1999/QĐ-BXD ngày 12 tháng 11 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Điều 21. Quyết toán vốn đầu tư
Chủ đầu tư hoặc cơ quan điều hành dự án lập hồ sơ quyết toán công trình theo Thông tư số 136/1999/TT-BTC ngày 19 tháng 11 năm 1999 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư, gửi Sở Tài chính-Vật giá thẩm tra.
1. UBND thành phố uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá phê duyệt quyết toán vốn đầu tư những dự án có mức vốn dưới 500 triệu đồng.
2. Những dự án có mức vốn từ 500 triệu đồng trở lên, Sở Tài chính Vật giá thẩm tra và dự thảo văn bản trình UBND thành phố phê duyệt quyết toán vốn đầu tư.
- Thời gian lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư chậm nhất là 03 tháng sau khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.
- Thời gian thẩm tra quyết toán không quá 02 tháng đối với dự án nhóm B và 01 tháng đối với dự án nhóm C sau khi nhận đủ hồ sơ báo cáo quyết toán vốn đầu tư hợp lệ.
- Thời gian phê duyệt quyết toán vốn đầu tư không quá 15 ngày.
2. Hằng tháng (từ ngày 01 đến ngày 05 tháng sau), Giám đốc Sở Tài chính -Vật giá báo cáo về UBND thành phố những dự án được uỷ quyền phê duyệt quyết toán của tháng trước gồm các nội dung: số thứ tự, danh mục công trình, giá trị dự toán được duyệt, giá trị quyết toán được duyệt, số vốn đã cấp phát, số vốn còn nợ.
Giao Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá, và các Sở, ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thi hành Quy định một số vấn đề về quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Quyết định này.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo về UBND thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Điều 23.Quy định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các văn bản trước đây của UBND thành phố có nội dung trái với Quy định này đều không còn hiệu lực thi hành./.
- 1 Quyết định số 57/2007/QĐ-UBND về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành đã hết hiệu lực thi hành do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 2 Quyết định 155/2001/QĐ-UB ban hành Quy định về mua sắm, quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 3 Quyết định 155/2001/QĐ-UB ban hành Quy định về mua sắm, quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 1 Nghị định 12/2000/NĐ-CP sửa đổi Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-Cp
- 2 Nghị định 14/2000/NĐ-CP sửa đổi Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định 88/1999/NĐ-CP
- 3 Thông tư 136/1999/TT-BTC hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư do Bộ Tài chính ban hành
- 4 Quyết định 35/1999/QĐ-BXD Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 5 Nghị định 88/1999/NĐ-CP về Quy chế Đấu thầu
- 6 Nghị định 52/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng