HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 78-CP | Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 1974 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN ĐẠI DIỆN HÀNH CHÍNH TIỂU KHU THUỘC THÀNH PHỐ HÀ NỘI VÀ HẢI PHÒNG
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ vào điều 74 của Hiến pháp quy định nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng Chính phủ;
Để tăng cường một bước công tác quản lý Nhà nước ở đường phố trong tình hình mới;
Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 26 tháng 11 năm 1973.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Chia các khu phố thuộc thành phố Hà Nội và Hải Phòng ra nhiều khu vực, gọi là tiểu khu, với quy mô từ hai đến năm nghìn nhân khẩu.
Ở mỗi tiểu khu thành lập một cơ quan đại diện của Ủy ban Hành chính khu phố, gọi là Ban đại diện hành chính tiểu khu.
Ban đại diện hành chính tiểu khu đựơc Ủy ban Hành chính khu phố ủy nhiệm thực hiện thường xuyên một số công tác quản lý Nhà nước ở tiểu khu, trực tiếp phục vụ nhân dân và xử lý tại chỗ những việc xảy ra ở đường phối trong phạm vi trách nhiệm được giao nhằm đẩy mạnh công tác chính quyền đến tận đường phố và giúp nhân dân chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Điều 2. – Nhiệm vụ quyền hạn của Ban đại diện hành chính tiểu khu là:
1. Thay mặt Ủy ban Hành chính khu phố, tổ chức và động viên nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, luật pháp, chế độ, thể lệ của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của Ủy ban Hành chính thành phố, khu phố, theo sự hướng dẫn của Ủy ban Hành chính khu phố: theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo lên Ủy ban Hành chính khu phố về kết quả của sự thực hiện đó;
2. Thống kê số liệu, nắm vững và báo cáo tình hình mọi mặt của từng người dân, từng hộ gia đình, từng việc xảy ra trong tiểu khu để phục vụ sự lãnh đạo của Ủy ban Hành chính khu phố;
3. Trực tiếp thực hiện một số việc cụ thể do Ủy ban Hành chính khu phố giao như: công tác quản lý lao động, quản lý thị trường, công tác quân sự và hậu phương quân đội, công tác trật tự trị an, vệ sinh công cộng và phục vụ đời sống nhân dân trong tiểu khu, v.v..;
4. Đựơc Ủy ban Hành chính khu phố giao một số quyền hạn cụ thể trong việc chứng nhận giấy tờ của nhân dân, việc lập biên bản và xử lý tại chỗ đối với một số vụ phạm pháp quả tang ở đường phố;
5. Các nhiệm vụ, quyền hạn chung trên đây của Ban đại diện hành chính tiểu khu sẽ do Ủy ban Hành chính khu căn cứ vào sự hướng dẫn của Phủ Thủ tướng và tình hình của địa phương mà quy định cụ thể, thiết thực, hợp lý, không gây trở ngại cho sự chỉ đạo và quản lý thống nhất của Ủy ban Hành chính khu phố và việc phục vụ nhân dân trong tiểu khu. Ban đại diện hành chính tiểu khu được sử dụng con dấu để làm nhiệm vụ, theo Nghị định số 56-CP ngày 17-3-1966 của Hội đồng Chính phủ.
Điều 3. – Tổ chức và chế độ làm việc của Ban đại diện hành chính tiểu khu:
1. Ban đại diện hành chính tiểu khu có từ 2 đến 5 cán bộ chuyên trách thuộc biên chế của Nhà nước, gồm một trưởng ban, một hoặc hai phó ban và ủy viên, do Ủy ban Hành chính khu phố bổ nhiệm; nơi nào thiếu cán bộ, Ủy ban Hành chính khu phố có thể mời thêm một số người ngoài biên chế Nhà nước có năng lực, có uy tín và có nhiệt tình đối với công việc đường phố, tình nguyện tham gia làm cán bộ chuyên trách không lương của Ban đại diện hành chính tiểu khu, nhưng hàng tháng có thể được phụ cấp một ít thù lao cần thiết để hoạt động;
2. Tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ chuyên trách của Ban đại diện hành chính tiểu khu là:
a) Gương mẫu, liêm khiết, có nhiệt tình công tác, có tác phong đi sâu, đi sát quần chúng, đoàn kết được với cán bộ và nhân dân;
b) Có tinh thần kiên trì đấu tranh bảo vệ chính sách của Đảng, luật lệ của Nhà nước và tích cực phục vụ nhân dân;
c) Có trình độ nắm được chủ trương, chính sách, am hiểu công việc ở đường phố (trình độ cán sự).
3. Để thực hiện các nhiệm vụ công tác trên đây, Ban đại diện hành chính tiểu khu tổ chức ra một số tiểu ban chuyên môn giúp việc như tiểu ban bảo vệ dân phố, tiểu ban đời sống và xã hội, tiểu ban văn hóa, vệ sinh, phòng bệnh … một số tổ dân phố và đội công tác như: đội dân phòng, đội tự vệ. Nơi nào có chợ hoặc tiểu thương hoạt động thì lập thêm tiểu ban quản lý thị trường.
Cán bộ họat động trong các tổ chức này là cán bộ tự nguyện tham gia vào công tác không có lương, được Ủy ban Hành chính khu phố công nhận. Các tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố do đại biểu các hộ trong tổ cử ra và được Ủy ban Hành chính khu phố công nhận;
4. Ban đại diện hành chính tiểu khu có chế độ thường trực để tiếp dân hàng ngày phù hợp với điều kiện sinh hoạt của nhân dân, phải đi sâu nắm vững từng người dân, từng gia đình sẵn sàng giải quyết kịp thời các yêu cầu của nhân dân trong phạm vi trách nhiệm của mình;
- Ban đại diện hành chính tiểu khu tổ chức và chỉ đạo công tác của các tiểu ban chuyên môn, các tổ dân phố và các đội trực thuộc;
- Ban đại diện hành chính tiểu khu chịu sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên của nhân dân trong tiểu khu và thường kỳ báo cáo công tác, tổ chức, phê bình và tự phê bình trước các đại biểu nhân dân trong tiểu khu. Nhân dân ở tiểu khu giám sát bằng cách cử đại biểu đến trực tiếp góp ý kiến thường xuyên với Ban đại diện hành chính tiểu khu hoặc phát biểu ý kiến trong các cuộc họp thường kỳ của Ban này. Ban đại diện hành chính tiểu khu còn chịu sự kiểm tra và giám sát thường xuyên của đại biểu Hội đồng nhân dân khu phố.
Điều 4. – Đối với các thành thị khác thuộc tỉnh có dân số chừng vài vạn nhân khẩu nếu xét thấy cần thiết thì cũng có thể cho thành lập các Ban đại diện hành chính tiểu khu. Việc thành lập các Ban đại diện hành chính tiểu khu của các thành phố, thị xã này do Ủy ban Hành chính tỉnh quyết định theo sự hướng dẫn của ông Bộ trưởng Phủ Thủ tướng.
Điều 5. - Quyết định này thay thế những văn bản trước đây quy định về tổ chức ở đường phố. Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh có trách nhiệm thi hành nghiêm chỉnh quyết định này.
Ông Bộ trưởng Phủ Thủ tướng chiụ trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi và báo cáo kết quả lên Hội đồng Chính phủ việc thi hành quyết định này.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |