Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
TỔNG CỤC THỦY SẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 782/QĐ-TCTS-KHTC

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾT QUẢ ĐIỀU TRA DỰ ÁN ĐIỀU TRA CƠ BẢN “ĐIỀU TRA NĂNG LỰC KHAI THÁC THỦY SẢN”

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỦY SẢN

Căn cứ Quyết định số 57/2014/QĐ-TTg ngày 22/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 1350/QĐ-BNN-KH ngày 18/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy định về quản lý điều tra cơ bản ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 1588/QĐ-BNN-TCCB ngày 09/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phân cấp quản lý một số nhiệm vụ cho Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ các Quyết định: 620/QĐ-TCTS-KHTC ngày 31/10/2013; 206/QĐ-TCTS-KHTC ngày 26/5/2014; 426/QĐ-TCTS-KHTC ngày 27/8/2014; 593/QĐ-TCTS-KHTC ngày 21/11/2014 phê duyệt đề cương, dự toán thực hiện dự án “Điều tra năng lực khai thác thủy sản”;

Căn cứ Biên bản họp Hội đồng nghiệm thu Dự án điều tra cơ bản “Điều tra năng lực khai thác thủy sản” ngày 29 tháng 9 năm 2015;

Xét đề nghị của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản tại Tờ trình số 21/TTr-KTQH ngày 16/11/2015 về việc giải trình theo góp ý của Hội đồng thẩm định kết quả dự án “Điều tra năng lực khai thác thủy sản” kèm theo hồ sơ, sản phẩm dự án và xác nhận của Ủy viên phản biện của Hội đồng Nghiệm thu;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính tại Báo cáo số 221/BC-KHTC ngày 19/12/2015 về việc kiểm tra hồ sơ nghiệm thu hoàn thành dự án Điều tra năng lực khai thác thủy sản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kết quả điều tra dự án “Điều tra năng lực khai thác thủy sản” với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU ĐIỀU TRA

Điều tra năng lực khai thác thủy sản nhằm thu thập các thông tin cơ bản về năng lực tàu thuyền đánh bắt hải sản, cơ sở dịch vụ, hậu cần nghề cá, tình hình lao động, tình hình tiêu thụ... nhằm đánh giá năng lực khai thác biển, và tạo bộ dữ liệu cho việc hoạch định các chính sách phát triển khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

II. KẾT QUẢ ĐIỀU TRA

1. Năng lực khai thác

Số lượng tàu thuyền hiện có 113.283 chiếc, trong đó có 112.939 chiếc có đăng ký với tổng công suất là 11.336.817CV (Tổng công suất tăng so với năm 2010, nâng bình quân công suất từ 50CV/chiếc năm 2010 lên trên 100 CV/chiếc năm 2014).

Nghề lưới rê khai thác ven bờ vẫn hoạt động mạnh, chiếm tỷ trọng khá lớn (bằng 37%) trong cơ cấu nghề khai thác của cả nước.

Sản lượng khai thác thủy sản tăng (từ 2.193 nghìn tấn năm 2010 lên 2.712 nghìn tấn năm 2014). Năng suất khai thác tính theo công suất giảm (từ 0,364 tấn/CV năm 2010 xuống còn 0,257 tấn/CV vào năm 2014), việc tăng tổng công suất máy tàu chưa tương xứng với việc gia tăng sản lượng khai thác.

Lao động quản lý và lao động trực tiếp sản xuất ngày càng thiếu hụt trầm trọng: năm 2014, số cán bộ tham gia quản lý khai thác thủy sản là 948 người, trong đó, cán bộ quản lý có chuyên ngành khai thác thủy đạt trình độ từ trung cấp trở lên được đào tạo qua chuyên ngành khai thác là 187 người, (chiếm 21,8%). Lao động khai thác thủy sản trực tiếp là 431.764 người, trong tổng số lượng lao động khai thác thủy sản được đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng là 44.419 người (chiếm 10,3% tổng số lao động khai thác thủy sản). Phần lớn các lao động tham gia khai thác thủy sản trên tàu được đào tạo theo phương thức: ‘cha truyền, con nối’, làm theo kinh nghiệm,... ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả khai thác.

Công nghệ bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác lạc hậu, tỷ lệ nâng cấp và tiếp cận khoa học công nghệ mới trên các tàu khai thác còn thấp: 95% tổng số tàu khai thác thực hiện bảo quản sản phẩm khai thác được bảo quản bằng phương pháp ướp nước đá, tỷ lệ sản phẩm trên tàu được phơi khô chiếm khoảng 3%, và khoảng 1% số tàu có trang bị thiết bị để cấp đông sản phẩm.

2. Hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.

Các dịch vụ cung cấp nguyên liệu, nước ngọt đều do các cơ sở tư nhân cung cấp. Các cơ sở này hoạt động với quy mô nhỏ, nguồn vốn đầu tư hạn chế, nên chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá.

Thiếu hệ thống các cơ sở kinh doanh ngư cụ, lưới sợi (năm 2014 cả nước có 264 cơ sở; trung bình khoảng 9 cơ sở/tỉnh).

Đội tàu dịch vụ đã phát huy tốt vai trò của mình như: điều tiết giá cả, hàng hóa cho thị trường nội địa và xuất khẩu; là cầu nối và giải quyết mối quan hệ cung cầu, đáp ứng nhu cầu về đầu tư, vốn, chi phí, cung ứng nguyên, nhiên, vật liệu cho ngư dân; góp phần thúc đẩy khai thác thủy sản. Tuy nhiên, hệ thống này còn phân tán và manh mún, đội tàu dịch vụ phục vụ khai thác xa bờ dài ngày trên biển còn hạn chế.

Hệ thống thu mua, nậu vựa kinh doanh nguyên liệu thủy sản phát triển tương đối mạnh, tuy nhiên cơ sở vật chất kỹ thuật còn hạn chế, hậu cần dịch vụ thu mua trên biển phát triển tự phát, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ. Vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, công tác bảo quản sản phẩm và giảm tổn thất sau thu hoạch chưa được chú trọng, chưa được điều tra, đánh giá để đưa ra định hướng quản lý và phát triển hệ thống này.

3. Hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão

Sự hình thành hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão dọc bờ biển và tại các đảo bước đầu đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của công tác dịch vụ hậu cần cho tàu thuyền khai thác hải sản, làm cơ sở để phát triển các trung tâm nghề cá của các tỉnh và khu vực, thực hiện các hoạt động quản lý nghề cá như: quản lý tàu thuyền, nguồn lợi, môi trường, vệ sinh thủy sản...

- Tổng số cảng cá: 78 cảng. Trong đó, có 4 chợ cá gắn liền với cảng cá, 2 cảng cá kết hợp tránh trú bão, 1 cảng cá kết hợp) trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Các cơ sở hậu cần dịch vụ tại các cảng cá chưa được đầu tư đồng bộ, nguồn cung cấp nước ngọt không đủ, thiếu triền đà hoặc xưởng sửa chữa tàu, mỗi khi tàu bị hư hỏng phải đưa đến các địa phương khác để sửa chữa, chi phí rất tốn kém. Vấn đề bảo quản các sản phẩm khai thác tại các cảng cá chưa được quan tâm đúng mức.

- Tổng số bến cá: 46 bến cá, 80% là bến cá tự nhiên hoặc được đầu tư xây dựng với quy mô nhỏ.

- Tổng số khu neo đậu tránh trú bão: 149 khu neo đậu tránh trú bão. Trong đó, có 9 khu neo đậu kết hợp cảng cá, bến cá. Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Trường - Thanh Hóa, Rạch Gốc - Cà Mau, Cái Đôi Vàm - Cà Mau đang trong quá trình xây dựng. Vị trí xây dựng dễ bị bồi lắng, kinh phí nạo vét luồng lạch còn hạn chế, nên cản trở việc lưu thông của tàu thuyền.

4. Hình thức tổ chức khai thác.

Việc hình thành các tổ chức khai thác trên biển hiện nay rất đa dạng và phong phú:

- Nghiệp đoàn: Có 69 nghiệp đoàn với 1.905 tàu thuyền và 11.594 công đoàn viên tham gia.

- Tổ hợp tác: Có 2.501 tổ hợp tác với 16.121 tàu thuyền và 111.447 lao động tham gia.

- Hợp tác xã: Có 50 hợp tác xã với 539 tàu thuyền và 1.747 lao động tham gia hợp tác xã.

- Chi hội nghề cá: 11 chi hội, thu hút 554 tàu thuyền với 1.600 lao động.

- Đội tàu tự quản: 7 đội tàu tự quản với 157 tàu thuyền và 770 lao động.

- Tổ đồng quản lý: 2 tổ đồng quản lý với 148 tàu thuyền.

III. HỒ SƠ GIAO NỘP

- Báo cáo Tổng hợp “Điều tra năng lực khai thác thủy sản”,

- Báo cáo Điều tra khảo sát thử,

- 07 báo cáo chuyên đề, bao gồm:

+ Báo cáo sản lượng khai thác hải sản,

+ Hiện trạng các cảng cá, bến cá tại 28 tỉnh ven biển,

+ Sản lượng khai thác hải sản,

+ Đánh giá, phân tích hiệu quả kinh tế trong khai thác hải sản,

+ Hiện trạng hệ thống cơ sở hậu cần nghề cá tại 28 tỉnh ven biển

+ Hiện trạng khai thác hải sản xa bờ

+ Hiện trạng hoạt động của các cơ sở hợp tác xã khai thác hải sản

- Sổ tay hướng dẫn “Điều tra năng lực khai thác thủy sản”

- Đĩa CD ghi toàn bộ sản phẩm dự án điều tra.

Điều 2. Phân giao nhiệm vụ:

1. Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản:

- Hoàn thiện các hồ sơ chứng từ thanh toán, quyết toán chi phí thực hiện dự án điều tra theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Chuyển giao tài liệu đến các cơ quan, đơn vị để quản lý, theo dõi nghiên cứu, sử dụng các kết quả điều tra vào việc thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, xây dựng chính sách phục vụ phát triển khai thác thủy sản. Việc chuyển giao thực hiện trong 05 ngày kể từ ngày Quyết định phê duyệt nghiệm thu, mỗi đơn vị 01 bộ, bao gồm:

+ Các Vụ: Kế hoạch, Tài chính, Khoa học Công nghệ và Môi trường; Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

+ Vụ Kế hoạch Tài chính; Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế; Vụ Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản);

+ Trung tâm Thông tin Thủy sản (bao gồm cả bản mềm để lưu cơ sở dữ liệu trên Website của Tổng cục);

- Thực hiện lưu trữ tài liệu điều tra cơ bản theo quy định.

2. Trung tâm Tin học và Thống kê:

- Hoàn thiện các sản phẩm theo nội dung kết luận của Hội đồng nghiệm thu đối với công việc được giao tại Quyết định phê duyệt đề cương dự toán số Quyết định 1350/QĐ-BNN-KH ngày 18/6/2014.

- Trình phê duyệt nghiệm thu để làm cơ sở thanh toán, quyết toán các chi phí thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Chịu trách nhiệm đối với nội dung, hồ sơ, sản phẩm trình nghiệm thu, phục vụ công tác quyết toán kinh phí.

Điều 3. Chánh Văn phòng Tổng cục Thủy sản, Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch Tài chính; Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế; Khai thác Thủy sản; Giám đốc các Trung tâm: Tin học và Thống kê; Thông tin Thủy sản; Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Tổng cục trưởng (b/c);
- Bộ NN&PTNT: Vụ Kế hoạch; Vụ Tài chính; Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường;
- Lưu: VT, Vụ KHTC (5).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Thị Thu Nguyệt