BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 784/QĐ-BNN-TCTL | Hà Nội, ngày 21 tháng 04 năm 2014 |
BAN HÀNH ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI HIỆN CÓ
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi hiện có.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI HIỆN CÓ
(Kèm theo Quyết định số 784/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
MỞ ĐẦU
Nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò và vị thế quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các thành tựu đạt được sau hơn 25 năm đổi mới trong nông nghiệp đã được nhiều nước trên thế giới thừa nhận. Từ một nước luôn thiếu lương thực, nước ta đã trở thành một trong những nước dư thừa gạo để xuất khẩu. Với nhiều chủ trương, chính sách về phát triển thủy lợi, đặc biệt sau ngày đất nước thống nhất và những năm đổi mới, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ở vùng Đông Nam Á có hệ thống thủy lợi phát triển tương đối hoàn chỉnh, với hàng ngàn hệ thống công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ để cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, phòng chống lũ lụt, úng ngập, hạn hán, góp phần bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, công tác thủy lợi đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Nguồn nước ngày càng khan hiếm do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng; thiên tai lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ngày càng khốc liệt; nhiều công trình thủy lợi chưa phát huy hết tiềm năng và hiệu quả theo thiết kế; cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thủy lợi còn nhiều tồn tại, bất cập, mang nặng tính bao cấp, chủ yếu trông chờ từ ngân sách Nhà nước; thiếu cơ chế chính sách phù hợp để tạo động lực và phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia đầu tư và quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đòi hỏi công tác thủy lợi phải có những thay đổi căn bản để đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp đa dạng và hiện đại, đặc biệt trong giai đoạn cả nước đang triển khai xây dựng nông thôn mới.
Quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư và Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình thủy lợi hiện có phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế- xã hội là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng nhất hiện nay. Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi hiện có đánh giá, phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi, phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và gắn với xây dựng Nông thôn mới.
Đề án gồm các nội dung sau:
· Mở đầu
· Sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi
Tập trung đánh giá những thành tựu cơ bản, những hạn chế và tồn tại chính trong quản lý khai thác công trình thủy lợi, đồng thời phân tích bối cảnh, các yếu tố sẽ tác động đến công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi ở nước ta.
· Quan điểm, Mục tiêu
Nêu rõ Quan điểm, Mục tiêu của việc nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi hiện có.
· Những nhiệm vụ chủ yếu
Năm nhiệm vụ chủ yếu được đặt ra gồm: (1) Củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi để đáp ứng phát triển nền nông nghiệp đa dạng và hiện đại; (2) Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi; (3) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; (4) Áp dụng rộng rãi tiến bộ khoa học công nghệ về thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; (5) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thủy lợi và nhận thức người dân.
· Một số giải pháp chính
Sáu nhóm giải pháp chính được đề xuất để tiến hành nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi, bao gồm: (1) Rà soát năng lực, nhiệm vụ của các hệ thống công trình thủy lợi; (2) Hoàn thiện thể chế, chính sách; (3) Củng cố cơ sở hạ tầng công trình thủy lợi theo hướng hiện đại hóa; (4) Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành hệ thống và tăng cường hợp tác quốc tế; (5) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thủy lợi; (6) Đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại và công tác thông tin, truyền thông.
· Tổ chức thực hiện
Nêu rõ cách thức triển khai và phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, tổ chức thực hiện Đề án này.
· Kết luận, kiến nghị
2. Căn cứ pháp lý xây dựng Đề án
Đề án được xây dựng dựa trên các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cụ thể:
- Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" do Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa X;
- Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Nghị quyết số 16/2012/NQ-CP ngày 8/6/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020;
- Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt định hướng Chiến lược Phát triển thủy lợi Việt Nam;
- Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020.
- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
- Các Chỉ thị, Nghị quyết và các cơ chế chính sách khác có liên quan.
3. Đối tượng, phạm vi của Đề án
3.1. Đối tượng của Đề án
- Các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, hợp tác xã, tổ hợp tác, tư nhân (sau đây gọi chung là các tổ chức, cá nhân) quản lý khai thác công trình thủy lợi.
- Tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; đầu tư, sản xuất các vật liệu, sản phẩm, thiết bị phục vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; đầu tư công trình thủy lợi theo hình thức hợp đồng hợp tác công - tư.
3.2. Phạm vi Đề án
Đề án tập trung nghiên cứu, đánh giá đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các công trình thủy lợi hiện có và các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tưới cho cây trồng cạn chủ lực, nuôi trồng thủy sản, dân sinh, kinh tế-xã hội, môi trường và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, phù hợp với tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
SỰ CẦN THIẾT PHẢI NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
I. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
1.1. Công tác thủy lợi đã góp phần quan trọng trong việc phục vụ sản xuất và dân sinh, bảo đảm an ninh lương thực, góp phần bảo vệ môi trường và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai
a) Nước ta có hệ thống thủy lợi tương đối phát triển[1], góp phần quan trọng để tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.
Theo thống kê năm 2012, tổng diện tích đất trồng lúa được tưới đạt trên 7,3 triệu ha (vụ Đông Xuân 2,99 triệu ha, Hè Thu 2,05 triệu ha, Mùa 2,02 triệu ha), góp phần đưa sản xuất lương thực tăng nhanh và ổn định. Ngoài ra, các hệ thống thủy lợi còn tưới cho 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp; tạo nguồn nước cho 1,3 triệu ha đất gieo trồng; cung cấp khoảng 6 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp; ngăn mặn cho 0,87 triệu ha; cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha và tiêu nước cho trên 1,72 triệu ha đất nông nghiệp. Các hệ thống công trình thủy lợi đã hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển đa dạng hóa cây trồng, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp.
Đến nay, đã xây dựng được hàng ngàn hệ thống công trình thủy lợi, gồm: 6.648 hồ chứa các loại, khoảng 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tưới tiêu lớn, 234.000 km kênh mương, 25.960 km đê các loại. Trong đó, có 904 hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu từ 200 ha trở lên. Nhiều hệ thống công trình thủy lợi lớn, như: Bắc Nam Hà, Bắc Hưng Hải, Núi Cốc, Cấm Sơn, Cửa Đạt, Sông Mực, Kẻ Gỗ, Tả Trạch, Phú Ninh, Định Bình, Đồng Cam, Sông Ray, Dầu Tiếng- Phước Hòa, Quản Lộ-Phụng Hiệp, Tứ Giác Long Xuyên, Ô môn-Xà no, Nam Măng Thít, v.v... đã mang lại hiệu ích lớn cho đất nước. Đặc biệt trong vòng 10 năm qua, nhiều hệ thống công trình thủy lợi quy mô lớn đã và đang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay ODA, như: các hồ chứa nước Cửa Đạt, Bản Mồng, Sông Sào, Ngàn Trươi, Rào Đá, Đá Hàn, Thác Chuối, Tả Trạch, Định Bình, Vân Phong, Nước Trong, Tân Mỹ; hệ thống thủy lợi Phan Rí - Phan Thiết, Phước Hòa, Easup Thượng, Quản Lộ - Phụng Hiệp để phục vụ cho các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
b) Hệ thống công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng trong phòng chống thiên tai, như: phòng chống lũ, chống úng, ngập cho khu vực đô thị và nông thôn, chống hạn, xâm nhập mặn. Cả nước đã xây dựng được khoảng 6.150 km đê sông, 2500 km đê biển; hệ thống các hồ chứa trên toàn quốc, trong đó có nhiều hồ chứa lớn (Cửa Đạt, Tả Trạch, Dầu Tiếng, v.v...) đóng vai trò quan trọng cho phòng, chống lũ các lưu vực sông. Hệ thống các trục tiêu lớn, các trạm bơm điện quy mô lớn đã được đầu tư, xây dựng đảm bảo chống ngập, úng cho các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn.
c) Hệ thống thủy lợi đã góp phần đảm bảo nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho đô thị, khu công nghiệp, khu vực nông thôn trên cả nước. Chỉ riêng hệ thống Dầu Tiếng-Phước Hòa đã quy hoạch, xây dựng để cấp nước cho 5 tỉnh, thành phố, gồm: Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh với lưu lượng khoảng 20 m3/s.
Các hệ thống công trình thủy lợi còn góp phần điều hòa dòng chảy cho các dòng sông, ổn định dòng chảy mùa kiệt, bảo vệ môi trường nước, phát triển dịch vụ, du lịch.
1.2. Hệ thống tổ chức quản lý thủy lợi từ Trung ương đến địa phương không ngừng củng cố, hoàn thiện
a) Tổ chức quản lý nhà nước
Bộ máy quản lý nhà nước về thủy lợi từ Trung ương đến địa phương tương đối đồng bộ, thống nhất để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy lợi.
Ở Trung ương, đã thành lập Tổng cục Thủy lợi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thủy lợi. Ở cấp tỉnh, có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Chi cục Thủy lợi (hoặc Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão). Ở cấp huyện, thành lập Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thủy lợi. Nhìn chung, các cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi đã thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp việc cho các cấp lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
b) Tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi
Về quản lý các công trình thủy lợi đầu mối lớn, hệ thống thủy lợi liên xã trở lên, cả nước hiện có 96 tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi là doanh nghiệp trực thuộc cấp tỉnh, 3 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh và 4 Chi cục Thủy lợi kiêm nhiệm.
Về quản lý các công trình thủy lợi nhỏ và hệ thống kênh mương nội đồng, cả nước có 16.238 Tổ chức dùng nước, bao gồm các loại hình chủ yếu là: Hợp tác xã có làm dịch vụ thủy lợi (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và Hợp tác xã chuyên khâu thủy nông), Tổ chức hợp tác (Hội sử dụng nước, Tổ hợp tác, Tổ, Đội thủy nông) và Ban quản lý thủy nông. Trong đó, Hợp tác xã và Tổ hợp tác là hai loại hình chính, chiếm 90% Tổ chức dùng nước.
Công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi đang từng bước đi vào nền nếp, phục vụ tốt sản xuất, dân sinh. Hoạt động của các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, dân sinh. Một số đơn vị ở địa phương và Trung ương đã chủ động đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế quản lý nhằm nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi, như: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Tiền Giang; Công ty TNHHMTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà, v.v...
2. Hạn chế, tồn tại trong quản lý khai thác công trình thủy lợi
2.1. Hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi còn yếu kém
Mặc dù được đầu tư lớn nhưng công tác quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi còn bộc lộ nhiều hạn chế, như: Hiệu quả quản lý thấp; bộ máy tổ chức cồng kềnh; đội ngũ cán bộ, nhân viên có xu hướng tăng; năng suất lao động thấp, chất lượng quản trị không cao, công trình xuống cấp nhanh, vi phạm công trình thủy lợi tăng và chưa được giải quyết; sử dụng nước lãng phí.
Cơ sở hạ tầng chậm được củng cố, tỷ lệ diện tích có tưới đạt 80%, tỷ lệ cung cấp nước cho các dịch vụ khác ít được quan tâm và phát huy hiệu quả; hạ tầng thủy lợi nội đồng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo quy trình tiên tiến hoặc khó chuyển đổi khi thay đổi cơ cấu cây trồng.
Cơ chế vận hành mang nặng tính bao cấp, thiếu động lực để nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng, đổi mới hệ thống quản trị của Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Hệ thống tài chính yếu kém, chủ yếu dựa vào nguồn thu từ ngân sách nhà nước, phương thức cấp phát và nghiệm thu không dựa vào chất lượng dịch vụ, các dịch vụ khai thác tổng hợp không được phát huy để tăng nguồn thu.
Tổ chức thủy nông cơ sở thiếu bền vững; năng lực của cán bộ quản lý yếu cả về tổ chức quản lý và kỹ thuật; tài chính của tổ chức thủy nông cơ sở rất khó khăn, theo báo cáo của địa phương, trên 52% tổ chức có nguồn thu chỉ đáp ứng 65-70% yêu cầu chi, thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa nạo vét kênh mương, dẫn đến công trình hư hỏng, xuống cấp nhanh. Một số địa phương có xu hướng giao công trình thủy lợi nội đồng cho Công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý, tiếp tục làm tăng gánh nặng đến ngân sách nhà nước.
Quản lý an toàn hồ đập chưa được coi trọng đúng mức, nhiều hồ đập bị xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, tổ chức quản lý hồ đập (đặc biệt là hồ đập nhỏ) chưa đáp ứng yêu cầu; năng lực cảnh báo, dự báo sớm phục vụ chỉ đạo điều hành và vận hành hồ chứa còn yếu.
2.2. Thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu của nền nông nghiệp đa dạng và hiện đại
Hệ thống công trình thủy lợi chủ yếu tập trung cung cấp nước cho cây lúa, phần lớn các cây trồng cạn chưa có tưới hoặc tưới bằng các biện pháp lạc hậu và lãng phí nước. Theo thống kê năm 2012, diện tích gieo trồng chè đạt 129 nghìn ha, cà phê 622,1 nghìn ha, cao su 910,5 nghìn ha, hồ tiêu 58,9 nghìn ha, điều 235,9 nghìn ha, cây ăn quả 675,9 nghìn ha, mía 297,9 nghìn ha, cây rau, đậu 1.004,9 nghìn ha (Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030) nhưng diện tích được áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hạn chế[2].
Đầu tư hạ tầng thủy lợi cho phục vụ nuôi trồng thủy sản rất thấp, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu nuôi.
3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
3.1. Nguyên nhân khách quan
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động bất lợi của quá trình phát triển kinh tế - xã hội gây ra (suy giảm chất lượng rừng, phát triển hồ chứa thượng nguồn, khai thác cát và lún ở vùng hạ du; phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, công nghiệp, giao thông cản trở thoát lũ...) tác động bất lợi cho hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt hệ thống lấy nước dọc các sông lớn trên toàn quốc, hệ thống thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long.
Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đòi hỏi yêu cầu cao hơn về thủy lợi; yêu cầu tiêu, thoát nước của nhiều khu vực tăng lên nhiều so với trước đây, nhu cầu nước cho sinh hoạt, công nghiệp từ hệ thống công trình thủy lợi tăng, mức đảm bảo an toàn tăng.
Tổ chức sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả sản xuất thấp khiến nông dân chưa quan tâm nhiều đến thủy lợi.
3.2. Nguyên nhân chủ quan
a) Chậm đổi mới theo cơ chế thị trường, duy trì quá lâu cơ chế bao cấp trong quản lý khai thác công trình thủy lợi
Hiện nay, trên 90% doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi trên cả nước hoạt động theo phương thức giao kế hoạch công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi. Cơ chế này một mặt thiếu công cụ giám sát cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, mặt khác hạn chế quyền tự chủ của doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân dẫn tới chất lượng quản trị của doanh nghiệp yếu kém, bộ máy cồng kềnh, năng suất lao động thấp, số lượng cán bộ, công nhân viên có xu thế ngày càng tăng; hệ thống công trình thủy lợi bị xuống cấp nhanh; chất lượng cung cấp dịch vụ thấp; thiếu cơ chế để phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, nước, cơ sở hạ tầng và các nguồn lực khác của tổ chức quản lý khai thác để tăng nguồn thu. Nhiều hệ thống công trình thủy lợi có tiềm năng khai thác để cấp nước sạch nông thôn, cấp và tiêu thoát nước đô thị, công nghiệp, dịch vụ cũng như cho nông nghiệp công nghệ cao... nhưng đã không được tận dụng triệt để. Phương thức hoạt động như vậy dẫn tới cơ chế tài chính thiếu bền vững, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, cơ chế bao cấp đã hạn chế thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, hạn chế cơ chế cạnh tranh cho đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình.
b) Quản lý thủy nông cơ sở chưa phát huy được vai trò chủ thể và quyết định của người dân, sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương
Việc thành lập và hoạt động của tổ chức thủy nông cơ sở còn mang nặng tính áp đặt, thiếu sự tham gia chủ động, tích cực của người dân. Đây là nguyên nhân quan trọng, cơ bản nhất khiến nhiều tổ chức thiếu bền vững.
Chưa làm rõ chủ trương miễn, giảm thủy lợi phí của nhà nước làm cho một bộ phận cán bộ, người dân coi công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi là nhiệm vụ của nhà nước dẫn tới tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nhà nước, sử dụng nước lãng phí.
Việc hỗ trợ người dân thông qua chính sách miễn, giảm thủy lợi phí là cần thiết nhưng phương thức chi trả theo hình thức gián tiếp (phần lớn cấp bù qua doanh nghiệp), nên chưa gắn kết được trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với người hưởng lợi, giảm tiếng nói, vai trò giám sát của người dân trong dịch vụ cung cấp nước đồng thời tạo tâm lý sử dụng nước lãng phí.
Mô hình tổ chức và cơ chế quản lý bất cập hiện nay đã hạn chế sự tham gia của các thành phần kinh tế và người hưởng lợi trong quản lý khai thác công trình thủy lợi. Các tổ chức thuộc các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là người dân chưa được tạo điều kiện, cơ chế để tham gia.
Chính quyền cấp xã và các tổ chức đoàn thể cơ sở chưa quan tâm đến quản lý công trình thủy lợi, mà coi đó là trách nhiệm của nhà nước, của các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn. Nhiều công trình thủy lợi phân cấp cho xã quản lý nhưng không có chủ quản lý thực sự.
c) Khoa học công nghệ chưa bám sát yêu cầu sản xuất, thiếu động lực áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nguồn nhân lực còn hạn chế
Khoa học công nghệ mặc dù được quan tâm đầu tư rất nhiều bằng nguồn lực trong nước và quốc tế nhưng việc áp dụng và hiệu quả hạn chế: Khoa học công nghệ chưa bám sát hoặc dự báo đúng nhu cầu thực tế, chậm áp dụng công nghệ tiên tiến trong dự báo hạn, úng, xâm nhập mặn, hỗ trợ ra quyết định trong phòng chống thiên tai; nguồn lực phân tán, dàn trải, năng lực công nghệ không được nâng cao, không được đơn vị sản xuất chấp nhận. Số lượng đề tài khoa học công nghệ có kết quả ứng dụng vào sản xuất rất thấp (20-30%), hoặc chỉ được áp dụng trong phạm vi hẹp, không có tác động lớn cho phát triển thủy lợi; còn nặng về công nghệ, xem nhẹ nghiên cứu nâng cao năng lực thể chế, làm luận cứ cho xây dựng cơ chế, chính sách. Hiệu quả hợp tác quốc tế trong việc ứng dụng, học tập kinh nghiệm quốc tế về quản lý khai thác công trình thủy lợi còn thấp.
Cơ chế quản lý không tạo được động lực và nhiều lúc còn là rào cản cho việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là các dự án đầu tư công. Việc nghiên cứu cơ chế, chính sách tạo động lực, đổi mới công tác quản lý khai thác, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý, vận hành công trình thủy lợi chưa được quan tâm đúng mức, nhất là kỹ thuật sử dụng nước tiết kiệm.
d) Cải cách thể chế, cải cách hành chính chậm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao
Quản lý khai thác công trình thủy lợi chủ yếu vẫn thực hiện theo cơ chế bao cấp, với hình thức giao kế hoạch, theo cơ chế cấp phát-thanh toán không gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm nên việc hạch toán kinh tế chỉ mang tính hình thức, gây nên sự trì trệ, yếu kém trong quản lý khai thác công trình thủy lợi. Vai trò của các cơ quan chuyên ngành mờ nhạt trong khi cơ quan cấp phát không chịu trách nhiệm đến kết quả cuối cùng, chưa tạo sự chủ động cho tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi. Phân phối lương không dựa vào kết quả làm bộ máy cồng kềnh, năng suất lao động thấp.
Thiếu cơ chế chính sách tạo động lực để người dân tham gia xây dựng, quản lý khai thác công trình thủy lợi nội đồng. Thiếu cơ chế, động lực để thu hút nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao. Thiếu thể chế ràng buộc quyền lợi và trách nhiệm của người đứng đầu với hiệu quả sử dụng tiền vốn, tài sản, lao động của nhà nước.
Phân giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước của cơ quan chuyên ngành và các cơ quan phối hợp trong quản lý tài nguyên nước, quản lý khai thác công trình thủy lợi thiếu tính khoa học và chưa phù hợp với xu hướng đổi mới quản lý dịch vụ công theo cơ chế thị trường.
Cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý khai thác công trình thủy lợi chưa phù hợp, nên hiệu lực và hiệu quả chưa cao.
e) Nhận thức về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi còn hạn chế
Nhận thức của một số lãnh đạo quản lý và người dân chưa đúng, chưa đủ về các chính sách hiện hành trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt là chính sách miễn, giảm thủy lợi phí. Phần lớn hiểu chính sách miễn, giảm thủy lợi phí là bỏ thủy lợi phí, trong khi đó thực chất đây là hỗ trợ của Nhà nước nhằm giảm gánh nặng chi phí sản xuất nông nghiệp cho người dân và có nguồn kinh phí để tu sửa, chống xuống cấp công trình. Do vậy, đã không phát huy được sự tham gia của người dân trong quản lý khai thác công trình thủy lợi, đặc biệt là công trình thủy lợi nội đồng. Ở một số địa phương, người dân không nộp thủy lợi phí nội đồng, coi công tác thủy lợi là trách nhiệm của Nhà nước. Tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước vẫn còn nặng nề, đặt nặng vấn đề đầu tư xây dựng công trình, xem nhẹ quản lý, chưa khơi dậy và huy động được sức mạnh toàn dân, toàn xã hội tham gia vào xây dựng, quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng chưa được coi trọng.
Quá trình phát triển kinh tế-xã hội cùng với việc công nghiệp hóa, đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã làm nhu cầu sử dụng nước và yêu cầu tiêu, thoát nước ngày càng cao, đối tượng sử dụng nước ngày càng đa dạng với yêu cầu chất lượng dịch vụ cao hơn. Mâu thuẫn về sử dụng nước giữa các ngành, lĩnh vực ngày càng gay gắt, trong khi nguồn nước ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước có nguy cơ gia tăng.
Trong những năm qua, thủy lợi đã giúp nông nghiệp có bước phát triển, nhưng chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng. Trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014-2020 và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Đề án của ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu công tác thủy lợi phải có đổi mới căn bản, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của ngành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Để phục vụ định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đòi hỏi công tác thủy lợi ngoài việc đáp ứng yêu cầu cấp, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tiên tiến, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, chè, điều... và phát triển thủy sản bền vững, còn phải bảo đảm yêu cầu phát triển thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của công trình thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả ngày càng cao.
III. TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ PHÁT TRIỂN THƯỢNG NGUỒN ĐẶT RA NHỮNG THÁCH THỨC LỚN
Biến đổi khí hậu và tác động của quá trình phát triển khu vực thượng nguồn và vùng hạ du các lưu vực sông đã tác động mạnh mẽ tới hệ thống thủy lợi. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, những hiện tượng cực đoan về thời tiết, khí hậu, như: lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra, đe dọa an toàn đập và tăng nguy cơ lũ lụt cho vùng hạ du, làm cho công tác quản lý khai thác công trình ngày càng trở nên khó khăn.
Công tác thủy lợi hiện đang phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến thời tiết, khí hậu. Theo dự báo, Việt Nam sẽ là một trong năm quốc gia sẽ phải chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Việc quản lý khai thác công trình thủy lợi có thể chịu tác động lớn bởi hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra. Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình giúp cho việc cung cấp dịch vụ thủy lợi đáp ứng linh hoạt hơn yêu cầu thực tiễn, đảm bảo an toàn công trình và chủ động thích nghi, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc hiện đại hóa quản lý công trình và áp dụng công nghệ dự báo, cảnh báo giảm thiểu rủi ro, thiên tai.
Tác động của biến đổi khí hậu, các tác động bất lợi của quá trình phát triển, những hiện tượng cực đoan về thời tiết, khí hậu, đe dọa an toàn đập và tăng nguy cơ lũ cho vùng hạ du, hạn hán và xâm nhập mặn sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Cùng với những tồn tại và hạn chế nội tại đã nêu trên, thủy lợi cần phải được đổi mới để đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
1. Đổi mới, hoàn thiện thể chế trong quản lý khai thác công trình thủy lợi phù hợp với cơ chế thị trường, tạo động lực để nâng cao hiệu quả quản lý khai thác, bảo đảm bền vững về tài chính, kỹ thuật và môi trường. Thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác vào công tác thủy lợi.
2. Đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống thủy lợi, trọng tâm là thủy lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Củng cố tổ chức thủy nông cơ sở đảm bảo hoạt động hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao nhận thức, phát huy nội lực và vai trò chủ thể của người dân trong công tác thủy lợi cơ sở.
3. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi bảo đảm đáp ứng yêu cầu nền nông nghiệp tiên tiến đồng thời đẩy mạnh khai thác tổng hợp, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và năng lực của các công trình thủy lợi.
4. Chuyển dịch mạnh mẽ đối tượng phục vụ của thủy lợi sang khu vực nông nghiệp khác, như: tưới cho cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, cấp nước cho thủy sản, v.v... Đảm bảo một nền nông nghiệp có tưới theo hướng hiện đại trên phạm vi rộng.
Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi hiện có, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế và ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nhằm: (i) Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các hệ thống công trình thủy lợi, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, phục vụ nền sản xuất nông nghiệp đa dạng và hiện đại, bảo đảm an toàn công trình, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; (ii) Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp có tưới theo hướng hiện đại, ưu tiên cho các cây trồng cạn chủ lực, phát triển thủy sản bền vững; (iii) Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ có thu từ công trình thủy lợi, phát huy tối đa tiềm năng và năng lực của công trình thủy lợi hiện có, đảm bảo tài chính bền vững cho các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi, giảm bao cấp từ ngân sách nhà nước.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
2.1. Với hệ thống thủy lợi nội đồng tưới lúa
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi thủy lợi, gắn với xây dựng đường giao thông nội đồng, dồn điền, đổi thửa, san phẳng đồng ruộng, phục vụ sản xuất theo quy mô lớn đảm bảo đến năm 2020 có 30% diện tích canh tác lúa được thực hiện các phương thức canh tác tiên tiến (SRI, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, Nông - Lộ - Phơi) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến năm 2017 có trên 50%, năm 2020 có trên 85% tổ chức thủy nông cơ sở hoạt động hiệu quả, bền vững trên cơ sở tự nguyện, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi.
2.2. Tưới cho cây trồng cạn
Áp dụng các hệ thống giải pháp đồng bộ để triển khai trên diện rộng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực có thị trường (cà phê, hồ tiêu, điều, mía, chè, cây ăn quả, rau, hoa) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Phát triển công nghệ sản xuất thiết bị phục vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Đến năm 2017 có 200.000 ha, năm 2020 có 500.000 ha diện tích cây trồng cạn chủ lực (cà phê, hồ tiêu, điều, mía, chè, cây ăn quả, rau, hoa) được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
2.3. Với hệ thống thủy lợi vừa và lớn do các doanh nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi
Nâng cấp bảo đảm an toàn, hoàn thiện hệ thống và các trang thiết bị quan trắc, công nghệ để nâng cao năng lực dự báo úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn, v.v..tăng cường năng lực điều hành hệ thống thủy lợi.
Củng cố các doanh nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi: Nâng cao hiệu quả quản lý, đổi mới cơ chế vận hành, mở rộng các hoạt động cung cấp dịch vụ có thu, ưu tiên cung cấp nước sạch cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng nguồn thu và giảm bao cấp từ ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống, từng bước hiện đại hóa, chống xuống cấp công trình.
Đến năm 2016 có 50%, đến năm 2020 có 100% các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi hoạt động theo phương thức đặt hàng hoặc đấu thầu quản lý khai thác.
2.4. Thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản
Áp dụng các giải pháp nuôi tiết kiệm nước và có xử lý nước đảm bảo môi trường nước cho các khu vực nuôi thủy sản tập trung, nuôi công nghiệp (trọng tâm là tôm nước lợ và cá da trơn).
Xây dựng hệ thống thủy lợi chủ động cấp nước (mặn, ngọt) ở khu vực ven biển gắn với tổ chức lại sản xuất, bảo đảm nguồn nước sạch để nuôi theo quy trình công nghệ tiên tiến, ưu tiên ở khu vực Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
1. Với hệ thống thủy lợi nội đồng do Tổ chức Hợp tác dùng nước quản lý
Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nội đồng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Với diện tích đất trồng lúa: Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng thủy lợi, gắn với xây dựng đường giao thông nội đồng, dồn điền, đổi thửa, san phẳng đồng ruộng để có thể áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến (SRI, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, Nông - Lộ - Phơi); tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, thúc đẩy cơ giới hóa. Với giải pháp này, góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao thu nhập của nhân dân.
Với diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hoặc canh tác kết hợp: Cần nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng, để có thể áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến thích hợp.
2. Với hệ thống thủy lợi có công trình đầu mối và hệ thống kênh chính do doanh nghiệp quản lý
Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống: Nâng cấp hệ thống kênh mương, công trình trên kênh, đầu tư xây dựng mới hệ thống kênh mương, trạm bơm để tăng tỷ lệ diện tích được cấp, tiêu thoát nước của hệ thống. Ưu tiên hệ thống công trình thủy lợi khu vực miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp tục đầu tư sửa chữa nâng cấp các hồ, đập hư hỏng, xuống cấp để bảo đảm an toàn công trình.
Đầu tư các hạng mục công trình để nâng cao năng lực cung cấp các dịch vụ cấp, thoát nước có thu, như: Cung cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ hoặc các sản xuất nông nghiệp có giá trị gia tăng cao nhằm tăng nguồn thu, giảm bớt bao cấp từ ngân sách nhà nước, tạo động lực để nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Ưu tiên đầu tư các trang thiết bị công nghệ để nâng cao năng lực dự báo úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn, v.v... trong hệ thống, nâng cao năng lực quản lý, vận hành hệ thống.
II. NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC QUẢN LÝ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
1. Đối với tổ chức thủy nông cơ sở
Rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức thủy nông cơ sở trên cơ sở tự nguyện, hợp tác, bình đẳng, đồng sở hữu, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên hợp tác xã nhằm mang lại lợi ích cho thành viên, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Căn cứ vào đặc thù của các vùng, miền về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và quy mô hệ thống công trình thủy lợi để đề xuất các mô hình tổ chức phù hợp: Hợp tác xã đa dịch vụ, hợp tác xã chỉ làm dịch vụ nước, tổ hợp tác... Xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ để hỗ trợ, củng cố tổ chức, năng lực quản lý, khả năng tham gia cung cấp các dịch vụ khác nhau, làm cho các tổ chức thủy nông cơ sở ngày càng bền vững.
2. Đối với các doanh nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi
Chuyển đổi căn bản phương thức hoạt động của các doanh nghiệp quản lý khai thác công trình từ cơ chế giao kế hoạch sang đặt hàng hoặc đấu thầu nhiệm vụ quản lý khai thác.
Bảo đảm cấp, tiêu nước phục vụ nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại đồng thời mở rộng cung cấp nhiều dịch vụ có thu, như: cung cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản để tăng nguồn thu, bền vững về tài chính, giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước cho quản lý vận hành, bảo trì và đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.
Mở rộng đối tượng sử dụng dịch vụ thủy lợi từ cây lúa sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiềm năng (cà phê, hồ tiêu, điều, mía, chè, cây ăn quả, rau, hoa), áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tưới cho nông nghiệp công nghệ cao.
III. NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Củng cố tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, quản lý nhà nước thủy lợi từ Trung ương đến địa phương; làm rõ tổ chức quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Miền núi, Tây Nguyên. Khẩn trương đào tạo đội ngũ cán bộ công chức, ưu tiên cán bộ thủy lợi ở cấp huyện và cấp xã. Củng cố về tổ chức, tăng cường đào tạo cho tổ chức quản lý thủy lợi nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác dùng nước, chủ quản lý đập. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức quản lý thủy nông cơ sở (hợp tác xã, tổ hợp tác dùng nước).
Kiện toàn, củng cố các hội đồng quản lý hệ thống thủy lợi liên tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Thành lập cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng. Nghiên cứu thành lập mô hình hội đồng quản lý hệ thống trong nội tỉnh (liên huyện, liên xã), thí điểm áp dụng mô hình hội đồng quản lý hệ thống quản lý đặt hàng nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Củng cố tổ chức thực hiện nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu quản lý khai thác công trình thủy lợi thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
IV. ÁP DỤNG TRÊN DIỆN RỘNG TIẾN BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG QUẢN LÝ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
Nghiên cứu luận cứ khoa học để hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách: Trọng tâm là chuyển các hoạt động trong ngành thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa trong quản lý khai thác công trình thủy lợi nhằm thúc đẩy phát triển thủy lợi hiệu quả, bền vững; nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách để huy động nguồn lực thông qua hợp tác công - tư, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và đẩy mạnh xã hội hóa trong quản lý khai thác công trình thủy lợi; nghiên cứu cơ chế, chính sách để phát huy quyền làm chủ (là chủ thể) của người dân, của nông dân trong quản lý, vận hành, bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi; nghiên cứu cơ chế, chính sách tạo động lực để áp dụng khoa học công nghệ vào phục vụ sản xuất.
Tập trung nghiên cứu, hướng dẫn thiết kế các hệ thống thủy lợi nội đồng, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chế tạo các cấu kiện, thiết bị cho xây dựng, gắn với xây dựng giao thông nội đồng để áp dụng phương thức canh tác nông nghiệp tiên tiến, nghiên cứu hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển thủy sản bền vững theo quy hoạch tái cơ cấu của từng hệ thống.
Đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp để thúc đẩy sản xuất các thiết bị, vật tư, hệ thống nhà lưới, nhà kính để tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Nghiên cứu, tích hợp thiết bị, tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo mưa, lũ, mặn, hạn; Nghiên cứu chế độ thủy văn, dòng chảy để nâng cao chất lượng quy trình vận hành hồ chứa, vận hành các hồ chứa trong tình huống khẩn cấp.
Tăng cường nghiên cứu dự báo, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn, tác động của phát triển kinh tế - xã hội khu vực hạ du tới hệ thống thủy lợi, đề xuất giải pháp thích ứng, giảm thiểu và biện pháp công trình phù hợp.
V. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC THỦY LỢI VÀ NHẬN THỨC NGƯỜI DÂN
Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại cho các đội ngũ quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi, quản lý vận hành hồ đập, quản lý thủy nông cơ sở.
Xây dựng các mô hình trình diễn: cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ về giống, phương thức canh tác tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa, v.v... phù hợp với từng vùng, miền và loại cây trồng để đào tạo người dân.
I. ĐIỀU CHỈNH NHIỆM VỤ CỦA CÁC HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
1. Đánh giá hệ thống công trình thủy lợi
Nội dung đánh giá gồm: Cơ sở hạ tầng, phương thức tổ chức quản lý, năng lực của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, hiện trạng và khả năng mở rộng cung cấp dịch vụ. Đổi mới phương pháp Điều tra cơ bản, sử dụng bộ công cụ đánh giá Rap/Masscote[3].
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy lợi) thực hiện đánh giá mẫu ở một số hệ thống công trình thủy lợi lớn, đại diện cho các vùng, miền và loại hình công trình thủy lợi; tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu ngành và hướng dẫn các địa phương đánh giá.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Công ty Khai thác công trình thủy lợi tổ chức đánh giá trên phạm vi do địa phương quản lý.
Kế hoạch đến năm 2015, rà soát 110 hệ thống thủy lợi lớn, đến năm 2017 rà soát xong 794 các hệ thống thủy lợi vừa, từ năm 2018 đến 2020, tiếp tục đánh giá toàn bộ các hệ thống công trình thủy lợi trên phạm vi toàn quốc.
Từ kết quả đánh giá, căn cứ vào Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thủy lợi và Đề án quy hoạch phát triển sản xuất của từng địa phương, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng để điều chỉnh nhiệm vụ của hệ thống công trình thủy lợi.
2. Rà soát quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản
Đối với khu vực duyên hải miền Trung: Xây dựng các hồ chứa trên các lưu vực sông để góp phần chống lũ và trữ nước cho mùa khô; liên kết các hồ chứa, tận dụng nguồn nước từ chuyển nước lưu vực sông Đồng Nai qua thủy điện Đại Ninh, sông Hinh, Đa Nhim, Kanak-An Khê, Hàm Thuận - Đa Mi, v.v... để tiếp nguồn nước cho các lưu vực sông. Nghiên cứu đầu tư theo phương thức hợp tác công-tư để dẫn và cung cấp nước cho khu công nghiệp, dịch vụ du lịch, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển. Tổ chức lại sản xuất nuôi trồng thủy sản theo quy mô công nghiệp, nuôi tiết kiệm nước và xử lý nước sau nuôi.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long: Rà soát quy hoạch thủy lợi cho thủy sản, khắc phục nguy cơ lây truyền dịch bệnh qua nguồn nước, tăng cường kiểm soát chất lượng nước. Đề xuất các giải pháp cung cấp nước mặn, ngọt chủ động, đảm bảo chất lượng nước cho khu vực nuôi công nghiệp, trọng tâm cho cá da trơn, nuôi tôm nước lợ.
3. Rà soát quy hoạch thủy lợi cho cây trồng cạn chủ lực
Tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp cấp nước tưới cho các cây trồng cạn có quy mô sản xuất lớn, như: cà phê ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Bắc; cây điều ở vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ; hồ tiêu ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Bắc Trung Bộ; chè ở trung du Miền Núi phía Bắc, Tây Nguyên; nghiên cứu tưới cho cây cao su ở một số vùng có điều kiện thuận lợi về nguồn nước; cây mía ở trung du Miền núi phía Bắc, duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; các loại cây ăn quả[4].
Điều chỉnh, bổ sung Chương trình an toàn hồ chứa, rà soát các hồ đập hư hỏng, xuống cấp và đề xuất biện pháp sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn; kiểm định đập, đánh giá lại khả năng xả lũ có xét đến biến đổi khí hậu và phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành, từng bước nâng mức đảm bảo theo chuẩn mực quốc tế cho hồ chứa lớn; tăng cường năng lực dự báo lũ và từng bước vận hành thời gian thực cho hồ chứa lớn; tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu trong trường hợp khẩn cấp.
II. HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế
1.1. Xây dựng Luật Thủy lợi, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới thể chế quản lý khai thác công trình thủy lợi, chú trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao vai trò chủ thể của người dân và các bên có liên quan trong thủy lợi. Trong đó tập trung theo hướng:
- Tạo lập môi trường thuận lợi, phát huy cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức quản lý khai thác, tạo cơ chế để các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi khai thác tổng hợp, phát huy tiềm năng, lợi thế của công trình để tạo nguồn thu ổn định, bảo đảm hoạt động bền vững về tài chính và kỹ thuật.
- Đa dạng hóa các loại hình tổ chức quản lý khai thác, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trong quản lý khai thác công trình thủy lợi. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động quản lý khai thác.
- Làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền và các tổ chức quản lý khai thác trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
1.2. Sửa đổi, thay thế Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập.
Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức trong quản lý an toàn đập.
1.3. Rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý khai thác công trình thủy lợi, chú trọng vận dụng các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường trong quản lý khai thác, nâng cao vai trò chủ thể của nhân dân và các bên có liên quan trong thủy lợi. Cụ thể như sau:
- Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về đặt hàng, đấu thầu trong quản lý khai thác công trình thủy lợi, bao gồm: Ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 130/2013/NĐ-CP về cung ứng, sản phẩm dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý khai thác công trình thủy lợi; sửa đổi Thông tư số 56/2010/TT-NNPTNT; sửa đổi, bổ sung hướng dẫn phương pháp xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật trong quản lý khai thác để chuyển đổi hình thức hoạt động của các tổ chức quản lý khai thác từ giao kế hoạch sang đặt hàng, đấu thầu.
- Sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý tài chính cho các tổ chức quản lý khai thác (bao gồm cả Tổ chức Hợp tác dùng nước) theo hướng áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đẩy mạnh cơ chế khoán, đảm bảo tài chính bền vững làm cơ sở cho việc tinh giản biên chế, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao (sửa đổi Thông tư số 11/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính, Thông tư số 75/2004/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
- Hoàn thiện cơ sở pháp lý để thúc đẩy, nhân rộng các hoạt động khai thác tổng hợp, cung cấp các dịch vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, các giải pháp tưới phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tăng nguồn thu, nâng cao tính tự chủ, bền vững về tài chính, tạo động lực để thu hút nguồn nhân lực.
- Nghiên cứu hoàn thiện thể để kiện toàn tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi, từ hệ thống liên tỉnh đến các hệ thống liên huyện, liên xã. Tách bạch chức năng quản lý nhà nước, quản lý khai thác công trình thủy lợi.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý để hướng dẫn hoạt động của các tổ chức thủy nông cơ sở (Hợp tác xã, Tổ hợp tác dùng nước) gắn với xây dựng nông thôn mới, có sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền cấp xã, hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao tính tự nguyện, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc xây dựng, quản lý khai thác công trình thủy lợi.
- Nghiên cứu, ban hành cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, tư nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi.
2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách
2.1. Chính sách khuyến khích đầu tư công – tư
Chuyển dịch vai trò của nhà nước từ cung cấp trực tiếp dịch vụ công sang xây dựng khung pháp lý, chính sách hỗ trợ, điều phối, giám sát thực hiện, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả vốn đầu tư công. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy đầu tư công tư trong các hoạt động sau:
- Tiếp tục nghiên cứu các chính sách để phát triển trạm bơm điện cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; chính sách để quản lý, nạo vét hệ thống công trình thủy lợi cho vùng đồng bằng, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.
- Nghiên cứu, đề xuất chính sách để thúc đẩy xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Nghiên cứu, đề xuất chính sách để đẩy mạnh áp dụng giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, xây dựng nhà lưới, nhà kính.
- Nghiên cứu, đề xuất chính sách để khai thác các hệ thống nước áp lực, kết hợp trữ và tưới tiết kiệm để cung cấp nước cho sinh hoạt, cho trồng trọt ở khu vực miền núi[5].
2.2. Hệ thống chính sách để củng cố, phát triển tổ chức thủy nông cơ sở
- Ngoài những chính sách đã được quy định trong Luật Hợp tác xã ngày 20/11/2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã cho các tổ chức của người dân và người trực tiếp sản xuất, cần đề xuất chính sách đặc thù, phù hợp với từng loại tổ chức, vùng, miền, hỗ trợ cho các loại hình tổ chức quản lý thủy nông cơ sở:
+ Chính sách hỗ trợ để thành lập, củng cố và ổn định tổ chức;
+ Hỗ trợ đào tạo kiến thức cho cán bộ quản lý và thành viên Tổ chức dùng nước (bao gồm cả quản lý và khoa học công nghệ);
+ Hỗ trợ tổ chức thủy nông cơ sở có thể cung cấp các dịch vụ, như: cung cấp nước sạch, cung cấp dịch vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, xây dựng nhà lưới, nhà kính, sản xuất các cấu kiện, thiết bị cho kiên cố hóa kênh mương;
+ Hỗ trợ thiết bị, công nghệ để chế tạo cấu kiện cho kiên cố hóa kênh mương, v.v...;
+ Hỗ trợ lồng ghép hoạt động của tổ chức thủy nông cơ sở với các hoạt động cung ứng dịch vụ đầu vào cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, liên kết nông dân với các tổ chức kinh tế, xã hội (nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - ngân hàng - nhà nước) theo hướng hợp tác cùng có lợi, tăng giá trị chuỗi sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với cơ chế thị trường.
- Chính sách thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng: Hỗ trợ để xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng theo quy mô canh tác tiên tiến, gắn với san phẳng, cải tạo đồng ruộng, kết hợp với giao thông nội đồng để đẩy mạnh cơ giới hóa, khuyến khích liên kết sản xuất, dồn điền đổi thửa, canh tác theo quy mô lớn. Các chính sách này bao gồm:
+ Đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế mẫu hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn, hướng dẫn thực hiện;
+ Chính sách hỗ trợ tín dụng, ưu đãi thuế, khoa học công nghệ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức thủy nông cơ sở sản xuất các cấu kiện, thiết bị công nghệ cho kiên cố hóa kênh mương, nhà lưới, nhà kính, v.v...
2.3. Chính sách để triển khai diện rộng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước
- Xây dựng các mô hình trình diễn về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ở khu vực cần ưu tiên (Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên hải Miền Trung, Miền núi phía Bắc, v.v...) cho các loại cây trồng chủ lực (cà phê, hồ tiêu, mía, chè, cây điều, cây ăn quả, rau, hoa, dược liệu), tăng cường đào tạo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, thiết kế mẫu, đào tạo lắp đặt, sử dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, làm nhà lưới, nhà kính, v.v..
- Chính sách về vay vốn ưu đãi cho hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp để áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;
- Chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, cá nhân (tín dụng ưu đãi, thuế, các chính sách khác) để sản xuất, cung ứng các vật tư thiết bị, cấu kiện, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính;
- Chính sách khuyến khích phát triển mạng lưới cung ứng thiết bị, vật tư, gắn với khuyến nông.
III. CỦNG CỐ CƠ SỞ HẠ TẦNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI HÓA
a) Tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp để hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi hiện có, đặc biệt là hệ thống đã có công trình đầu mối, thiếu kênh mương các cấp và kênh nội đồng để có thể áp dụng phương thức canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước và nâng cao hiệu quả công trình. Cụ thể là:
- Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng gắn với xây dựng nông thôn mới để áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến cho lúa (SRI, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, Nông - Lộ - Phơi) và công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ lực đang có thị trường.
- Hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, ưu tiên đối với dự án nuôi trồng thủy sản, cấp nước tưới cho cây trồng cạn chủ lực đang có thị trường, tưới cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao, cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ, v.v....
- Sửa chữa, nâng cấp các đập bị hư hỏng đảm bảo an toàn công trình đầu mối và vùng hạ du.
- Xây dựng hệ thống thông tin, dự báo, cảnh báo sớm phục vụ quản lý và chỉ đạo điều hành phòng, chống úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và vận hành công trình.
- Xây dựng mô hình trình diễn phù hợp với mục tiêu Tái cơ cấu nông nghiệp.
b) Thúc đẩy các dự án đầu tư công - tư thông qua rà soát, phân loại dự án đầu tư, như: Các dự án xây dựng hồ chứa và hệ thống dẫn nước, cung cấp nước cho công nghiệp, dịch vụ, kết hợp cung cấp nước cho thủy sản, nông nghiệp có giá trị cao; phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi, như: Trạm bơm điện ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống thủy lợi nội đồng; khai thác nguồn nước kết hợp phát điện ở khu vực Miền núi phía Bắc; các dự án cung cấp nước cho thủy sản, v.v...
IV. ÁP DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC QUỐC TẾ
a) Đổi mới phương pháp chuyển giao công nghệ và nhập khẩu công nghệ từ các nước phát triển, lấy chủ thể là các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng công nghệ, nhà nước hỗ trợ cho liên kết giữa cơ quan khoa học, các doanh nghiệp và tổ chức của người dân.
b) Xác định các nhiệm vụ khoa học trọng tâm trong quản lý khai thác, thực hiện các giải pháp đồng bộ để áp dụng hiệu quả trên diện rộng trong thời gian trước mắt và thực hiện các nhiệm vụ cơ bản lâu dài. Tập trung vào một số hướng chủ yếu như sau:
- Nghiên cứu cơ sở khoa học, luận cứ để hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để: thúc đẩy phát triển thủy lợi hiệu quả, bền vững; huy động nguồn lực thông qua hợp tác công - tư, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và đẩy mạnh xã hội hóa trong quản lý khai thác; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong quản lý khai thác công trình thủy lợi.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, như: công nghệ không gian, ảnh vệ tinh, viễn thám để tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm về lũ, hạn, mặn, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, bảo đảm an toàn công trình, giảm thiểu thiệt hại.
- Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn thiết kế phục vụ hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng, lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất, chế tạo cấu kiện, thiết bị cho xây dựng thủy lợi gắn với giao thông nội đồng để có thể áp dụng phương pháp canh tác nông nghiệp tiên tiến, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch tái cơ cấu của từng vùng, từng hệ thống.
- Nghiên cứu chế độ mưa, dòng chảy để nâng cao chất lượng xây dựng quy trình vận hành hồ chứa, vận hành hồ chứa trong các tình huống khẩn cấp, theo thời gian thực.
- Nghiên cứu, dự báo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn, tác động của phát triển kinh tế - xã hội khu vực hạ du tới hệ thống thủy lợi, đề xuất giải pháp quản lý, vận hành công trình thủy lợi phù hợp.
- Hướng dẫn các tổ chức quản lý thủy nông cơ sở, người dân phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước kết hợp các biện pháp canh tác khoa học, phục vụ mô hình “Cánh đồng lớn” trong sản xuất nông nghiệp.
- Nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức thủy nông cơ sở phù hợp với từng vùng, miền và giải pháp để phát triển bền vững, hiệu quả.
- Nghiên cứu cơ chế tài chính bền vững trong quản lý khai thác công trình thủy lợi.
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sử dụng nước cho nuôi trồng thủy sản (hệ thống lọc tuần hoàn trong nuôi trồng thủy sản - công nghệ không thay nước RAS).
c) Xây dựng một số mô hình trình diễn đổi mới một số nội dung, phương thức trong quản lý khai thác và hoạt động thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp:
- Mô hình Hội đồng quản lý hệ thống công trình thủy lợi thực hiện chức năng đặt hàng, đấu thầu và mô hình đổi mới phương thức thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm thủy lợi phí.
- Mô hình hoàn thiện tổ chức và cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng để phục vụ phương thức canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước cho vùng đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái, v.v....
- Mô hình thủy lợi tiên tiến đáp ứng phát triển nền nông nghiệp có tưới, canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
2. Tăng cường hợp tác quốc tế về thủy lợi
Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi, bao gồm:
- Mô hình tổ chức quản lý vận hành công trình thủy lợi.
- Chính sách thủy lợi phí, giá nước trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các hoạt động này.
- Công nghệ, giải pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước, công nghệ cao (viễn thám, công nghệ không gian).
- Việc áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành công trình thủy lợi; dự báo, cảnh báo sớm phục vụ vận hành hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại.
V. TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THỦY LỢI
- Hoàn thiện các quy định về tổ chức quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi từ trung ương đến các địa phương, làm cơ sở tăng cường năng lực của các cơ quan này. Tăng cường nguồn lực cho bộ phận tham mưu về quản lý khai thác công trình thủy lợi của Tổng cục Thủy lợi, Chi cục Thủy lợi ở địa phương. Đảm bảo cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về thủy lợi ở cấp huyện có ít nhất 1 cán bộ có chuyên môn về thủy lợi.
- Thành lập đơn vị thực hiện nhiệm vụ của cơ quan đặt hàng, đấu thầu nhiệm quản lý khai thác công trình thủy lợi thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
- Kiện toàn, củng cố các hội đồng quản lý hệ thống thủy lợi liên tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Thành lập cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng. Nghiên cứu thành lập mô hình hội đồng quản lý hệ thống trong nội tỉnh (liên huyện, liên xã).
- Hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành (Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương) trong quản lý rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm để quản lý, vận hành điều tiết hồ chứa.
- Rà soát, xây dựng, sửa đổi bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật về quản lý, vận hành đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt là an toàn hồ, đập. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên trong lĩnh vực quản lý khai thác công trình thủy lợi.
VI. ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, ĐÀO TẠO LẠI VÀ CÔNG TÁC THÔNG TIN, TRUYỀN THÔNG
a) Rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về thủy lợi, kể cả đội ngũ thanh tra chuyên ngành các cấp, xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao nghiệp vụ, nhận thức cho các đối tượng thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi và an toàn đập.
b) Xây dựng, ban hành khung chương trình và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân quản lý, vận hành công trình thủy lợi. Nội dung đào tạo cụ thể như sau:
- Tuyên truyền, giới thiệu về các chủ trương, chính sách trong quản lý khai thác công trình thủy lợi;
- Kỹ năng, phương pháp tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi;
- Kỹ thuật, phương pháp tưới tiết kiệm nước, sử dụng nước tiết kiệm;
- Hướng dẫn lồng ghép kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với kỹ thuật canh tác cây trồng;
- Các nội dung khác theo nhu cầu người học.
Về chủ quản lý các hồ đập, ngoài các nội dung như đã nêu, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về kỹ năng quản lý vận hành điều tiết hồ chứa, tiêu chí đảm bảo an toàn hồ đập; trình tự, biện pháp ứng phó trong các tình huống khẩn cấp, v.v...
Dự kiến: đào tạo khoảng 75.000-90.000 người.
c) Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ quản lý khai thác công trình thủy lợi từ Trung ương đến địa phương, ưu tiên cấp huyện, xã, hợp tác xã, tổ hợp tác dùng nước và chủ quản lý hồ, đập nhỏ.
d) Hàng năm, bố trí kinh phí thực hiện đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu quản lý, đội ngũ thanh tra chuyên ngành thủy lợi.
đ) Đẩy mạnh công tác khuyến thủy lợi, thông qua chương trình khuyến nông, nhà nước hỗ trợ một phần, người dân đóng góp là chính.
2. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông
a) Thực hiện tuyên truyền, truyền thông về chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt là chính sách miễn, giảm thủy lợi phí, thông qua các phương tiện phát thanh, truyền hình, báo chí để nâng cao ý thức bảo vệ công trình thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm qua đó nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi. Cụ thể như sau:
- Xây dựng kế hoạch, nội dung thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực quản lý khai thác công trình thủy lợi;
- Xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình để tuyên truyền, như: Báo Nông nghiệp Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, v.v..
- Lồng ghép các hoạt động thông tin, tuyên truyền về quản lý khai thác công trình thủy lợi trong nội dung thông tin tuyên truyền thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;
- Định kỳ tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, các chủ trương chính sách trong quản lý khai thác;
- Tổ chức trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thực tế.
b) Phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi trên phạm vi cả nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức đoàn thể để vận động toàn dân tham gia quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
c) Phổ biến các mô hình quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tiên tiến, hiệu quả, bền vững để phát triển và nhân rộng trên phạm vi cả nước.
1. Thời gian và lộ trình thực hiện:
a) Đề án triển khai thực hiện sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đến hết năm 2020.
b) Đến năm 2016 tổ chức tổ chức đánh giá, sơ kết (giữa giai đoạn) để rút kinh nghiệm.
c) Cuối năm 2020 tổng kết đánh giá Đề án và các chính sách.
2. Lộ trình thực hiện (Phụ lục kèm theo).
II. NGUỒN KINH PHÍ VÀ CƠ CHẾ THỰC HIỆN
1. Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương thông qua các chương trình, dự án trực tiếp và lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan.
2. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, các cơ chế, chính sách hiện hành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng ngân sách địa phương, nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác, quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho các nội dung quy định tại Quyết định này sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
3. Việc thực hiện hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng, kiên cố kênh mương, tưới tiết kiệm nước được áp dụng theo cơ chế của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN
a) Chủ trì xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Đề án trình Bộ. Định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ tình hình thực hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án khi cần thiết.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo quyết định chính sách về nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi, báo cáo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan trực thuộc Bộ, các cơ quan, đơn vị có liên quan, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để thực hiện Đề án.
d) Chủ trì tổ chức triển khai xây dựng Khung chương trình, tài liệu đào tạo cho các đối tượng quản lý vận hành công trình thủy lợi, đặc biệt cấp huyện, xã và chủ quản lý hồ, đập nhỏ.
2. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Vụ Kế hoạch: Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy lợi cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thủy lợi theo định hướng của Đề án tái cơ cấu thủy lợi, đáp ứng mục tiêu của Đề án nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi.
b) Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì thẩm định, trình Bộ phê duyệt Khung chương trình và tài liệu đào tạo cho các đối tượng trong lĩnh vực thủy lợi. Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy lợi kiện toàn và nâng cao năng lực cho các tổ chức trong lĩnh vực thủy lợi từ Trung ương đến địa phương.
c) Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt: Phối hợp với Tổng cục Thủy lợi tổ chức chỉ đạo rà soát quy hoạch thủy lợi toàn quốc phục vụ chuyển dịch cơ cấu, chuyển đổi cây trồng; thủy lợi phục vụ thủy sản sản phù hợp với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
d) Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực thủy lợi; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh/ thành phố:
a) Rà soát quy hoạch thủy lợi trên địa bàn phục vụ nuôi trồng thủy sản, phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quy hoạch thủy lợi nội đồng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và phù hợp với nội dung Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
b) Tổ chức đánh giá lại mục tiêu, nhiệm vụ của các hệ thống công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn để có giải pháp nâng cao hiệu quả phù hợp.
c) Xây dựng Kế hoạch triển khai các nội dung có liên quan trong Đề án trên địa bàn.
d) Huy động các nguồn lực kinh phí để tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung của Đề án. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện các nội dung của Đề án về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy lợi).
KẾT LUẬN
Đổi mới, nâng hiệu quả khai thác công trình thủy lợi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đề án xây dựng trong bối cảnh nguồn lực nhà nước rất hạn chế, vì vậy giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống công trình thủy lợi hiện có và ứng dụng khoa học công nghệ trong thủy lợi để thực hiện các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, bảo đảm yêu cầu phát triển nền nông nghiệp có tưới là quyết sách đúng đắn nhất hiện nay, trong đó đổi mới thể chế, chính sách là nội dung trọng tâm.
Đổi mới cơ chế, chính sách nhằm củng cố, tăng cường vai trò, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng quản lý khai thác công trình thủy lợi. Đổi mới nhằm xóa bỏ cơ chế bao cấp, chuyển các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi hoạt động phù hợp cơ chế thị trường để phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn trách nhiệm và quyền lợi của mỗi tổ chức, cá nhân với kết quả cuối cùng, tạo môi trường và động lực thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy phát triển thủy lợi.
LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
(Kèm theo Quyết định số 784/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
STT | NHIỆM VỤ | THỜI GIAN (TH - HT) |
I | HOÀN THIỆN ĐỀ ÁN |
|
1 | Hoàn thiện dự thảo Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi trình Bộ phê duyệt | 4/2014 |
2 | Xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Đề án trình Bộ phê duyệt | 4/2014 |
II | HOÀN THIỆN HỆ THỐNG THỂ CHẾ CHÍNH SÁCH |
|
1 | Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi. | 2014 |
2 | Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn đặt hàng, đấu thầu nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi theo Nghị định số 130/2013/NĐ-CP của Chính phủ. | 10/2014 |
3 | Xây dựng quy trình, thủ tục đặt hàng, đấu thầu đối với nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi | 2014-2015 |
4 | Sửa đổi bổ sung Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT, 7/2014/TT-BNN về tổ chức quản lý và phân cấp quản lý công trình thủy lợi | 2014-2015 |
III | ĐIỀU CHỈNH NHIỆM VỤ CỦA CÁC HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI |
|
1 | Rà soát, đánh giá hiện trạng, năng lực và Điều chỉnh nhiệm vụ các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, tái cơ cấu ngành | 2014-2020 |
2 | Rà soát an toàn đập | 2014-2015 |
IV | KHOA HỌC CÔNG NGHỆ |
|
1 | Xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về an toàn đập, quản lý, vận hành công trình thủy lợi | 2014-2014 |
2 | Xây dựng hướng dẫn thiết kế mẫu, mô hình canh tác tiên tiến, quản lý, vận hành công trình | 2014-2015 |
3 | Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành, vận hành công trình thủy lợi, dự báo, cảnh báo hạn, lũ, xâm nhập mặn | 2014-2018 |
4 | Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý, vận hành để nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi | 2014-2020 |
V | XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH TRÌNH DIỄN NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ KHAI THÁC |
|
1 | Xây dựng các mô hình trình diễn về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước | 2014-2016 |
2 | Xây dựng các mô hình điểm về đổi mới quản lý khai thác công trình thủy lợi phù hợp theo vùng, miền | 2014-2016 |
VI | HOÀN THIỆN CƠ SỞ HẠ TẦNG, CỦNG CỐ TỔ CHỨC QUẢN LÝ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI |
|
1 | Hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng tưới lúa | 2014-2020 |
2 | Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn | 2014-2020 |
3 | Sửa chữa, nâng cấp hiện đại hóa, bảo đảm an toàn hệ thống vừa và lớn | 2014-2020 |
4 | Củng cố tổ chức thủy nông cơ sở, doanh nghiệp quản lý khai thác CTTL | 2014-2020 |
VII | ĐÀO TẠO NÂNG CAO NĂNG LỰC |
|
1 | Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về thủy lợi từ Trung ương đến địa phương | 2014-2020 |
2 | Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý, vận hành công trình thủy lợi, trọng tâm về quản lý an toàn đập | 2014-2020 |
VIII | THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG |
|
1 | Xây dựng kế hoạch và thực hiện tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức trong quản lý khai thác công trình thủy lợi | 2014-2020 |
IX | TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THỦY LỢI |
|
1 | Củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cho bộ máy tổ chức thủy lợi từ Trung ương đến các địa phương, tập trung cấp huyện, xã. | 2014-2020 |
[1] Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Thế giới (FAO, 2011), diện tích canh tác được tưới của thế giới hiện khoảng 260 triệu ha. Diện tích đất trồng được tưới ở Việt Nam chiếm 85% tổng diện tích đất trồng trọt, so với 76% ở Trung Quốc, 70% ở Bangladesh, 65% ở Nhật Bản, 51% ở Ấn Độ, 38% ở Thái Lan và 25% ở Philippines.
[2] Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, cho tới năm 2013 cả nước có 16.547 ha cây trồng cạn được tưới bằng các công nghệ tiên tiến - tiết kiệm nước, trong số đó: Rau, hoa: 10.100 ha, cây ăn quả 1.200 ha, Mía: 1.375 ha; Chè: 710 ha, Hồ Tiêu: 250 ha, Cà phê 50 ha, Cao su 2.700 ha (công ty Hoàng Anh Gia Lai: 2.500 ha).
[3] Phương pháp Masscote là phương pháp đánh giá hiệu quả hoạt động và xây dựng kế hoạch hiện đại hóa hệ thống tưới được nghiên cứu và phát triển bởi tổ chức nông lương thế giới (FAO). Với nội dung tổng hợp tất cả các khía cạnh quản lý tưới (hạ tầng, quản lý, khai thác, vận hành, thể chế) thành một khung chuẩn, nhằm hiện đại hóa hệ thống quản lý theo hướng dịch vụ. Trong đó sử dụng phương pháp đánh giá RAP là phương pháp đánh giá nhanh, có trọng tâm, đánh giá chính xác hiện trạng hoạt động của hệ thống, cung cấp cơ sở để đưa ra khuyến nghị liên quan tới phần cứng và thực tế vận hành hệ thống. Phương pháp này đã sử dụng cho nhiều hệ thống tưới tiêu ở Việt Nam qua các dự án ODA).
[4] Tổng diện tích quy hoạch tới năm 2020, sơ bộ diện tích canh tác Cà phê: 500.000ha; cây Điều: 400.000ha; cây Hồ Tiêu: 50.000ha; cây Cao Su: 900.000ha; cây Chè: 140.000ha; cây Mía: 300.000ha; cây ăn quả: 900.000ha. (nguồn: Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp cả nước đến 2020 và tầm nhìn đến 2030) kèm theo Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
[5] Khảo sát ở một sổ huyện ở Hà Giang cho thấy có thể áp dụng tại 15 trạm thủy điện nhỏ, cấp nước cho diện tích hàng chục ngàn ha với chi phí thấp.
- 1 Quyết định 802/QĐ-BNN-TCTL năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Đề án: "Tái cơ cấu ngành Thủy lợi" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 do Chính phủ ban hành
- 3 Nghị định 199/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 4 Nghị định 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật hợp tác xã
- 5 Nghị định 130/2013/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích
- 6 Quyết định 2212/QĐ-BNN-TCTL năm 2013 về Bộ chỉ số đánh giá quản lý khai thác hệ thống công trình thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7 Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Quyết định 339/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Luật hợp tác xã 2012
- 10 Quyết định 1451/QĐ-BNN-KH năm 2012 phê duyệt phương án điều tra, dự toán dự án và giao nhiệm vụ điều tra về quản lý, khai thác và sử dụng công trình thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 11 Nghị quyết 16/NQ-CP năm 2012 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13-NQ/T.Ư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 12 Quyết định 124/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13 Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành
- 14 Quyết định 851/QĐ-BNN-HTQT năm 2011 về gia hạn thời gian thực hiện dự án tăng cường thể chế trung tâm tư vấn PIM và hỗ trợ triển khai quản lý khai thác công trình thủy lợi có sự tham gia của người dân ở Sơn La và Ninh Thuận do cơ quan phát triển pháp (AFD) tài trợ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành
- 15 Quyết định 286/QĐ-BNN-TC năm 2011 phê duyệt dự toán chi phí quản lý của Trung tâm quản lý khai thác công trình Thủy lợi Cửa Đạt thuộc Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 16 Thông tư 65/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 17 Quyết định 1590/QĐ-TTg năm 2009 về việc phê duyệt định hướng chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 18 Thông tư 11/2009/TT-BTC hướng dẫn đặt hàng, giao kế hoạch đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thuỷ lợi và Quy chế quản lý tài chính của Công ty Nhà nước làm nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi do Bộ Tài chính ban hành
- 19 Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 20 Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2008 về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Ban chấp hành Trung ương ban hành
- 21 Nghị định 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập
- 22 Thông tư 75/2004/TT-BNN hướng dẫn việc thành lập, củng cố và phát triển tổ chức hợp tác dùng nước do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn ban hành
- 1 Quyết định 286/QĐ-BNN-TC năm 2011 phê duyệt dự toán chi phí quản lý của Trung tâm quản lý khai thác công trình Thủy lợi Cửa Đạt thuộc Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Quyết định 851/QĐ-BNN-HTQT năm 2011 về gia hạn thời gian thực hiện dự án tăng cường thể chế trung tâm tư vấn PIM và hỗ trợ triển khai quản lý khai thác công trình thủy lợi có sự tham gia của người dân ở Sơn La và Ninh Thuận do cơ quan phát triển pháp (AFD) tài trợ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành
- 3 Quyết định 1451/QĐ-BNN-KH năm 2012 phê duyệt phương án điều tra, dự toán dự án và giao nhiệm vụ điều tra về quản lý, khai thác và sử dụng công trình thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Quyết định 802/QĐ-BNN-TCTL năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Đề án: "Tái cơ cấu ngành Thủy lợi" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5 Quyết định 2212/QĐ-BNN-TCTL năm 2013 về Bộ chỉ số đánh giá quản lý khai thác hệ thống công trình thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành