Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 788/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN PHÚC THỌ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050.
ĐỊA ĐIỂM: HUYỆN PHÚC THỌ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Thủ đô ngày 21/11/2012;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/6/2020;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018; Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017;

Căn cứ Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ Xây dựng về việc Quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn;

Căn cứ Chương trình 05-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về việc ban hành “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025" và Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 16/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội về triển khai thực hiện Chương trình 05-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy;

Căn cứ Thông báo số 926-TB/TU ngày 21/10/2022 của Thành ủy Hà Nội kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện, các huyện: Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Thông báo số 775-TB/BCSĐ ngày 22/8/2022 của Ban cán sự Đảng UBND thành phố về chủ trương đối với Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Phúc Thọ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại Văn bản số 279/QHKT-DL-HTKT ngày 17/01/2023 và Tờ trình số 51/TTr-UBND ngày 13/01/2023 của UBND huyện Phúc Thọ về việc đề nghị phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Phúc Thọ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Phúc Thọ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên nhiệm vụ, địa điểm:

- Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phúc Thọ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

- Địa điểm: Huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.

2. Vị trí, ranh giới, quy mô nghiên cứu và thời hạn quy hoạch:

a) Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch:

- Phạm vi lập quy hoạch: Toàn bộ địa giới hành chính của huyện Phúc Thọ, bao gồm 01 thị trấn Phúc Thọ và 20 xã.

- Ranh giới: Phía Đông giáp huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức; Phía Nam giáp huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai; Phía Bắc giáp huyện Yên Lạc và huyện Vĩnh Tường thuộc tỉnh Vĩnh Phúc; Phía Tây giáp thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.

b) Quy mô diện tích: Toàn bộ phạm vi, ranh giới hành chính huyện Phúc Thọ có quy mô diện tích khoảng 11.719,27ha.

c) Quy mô dân số:

- Quy mô dân số hiện trọng năm 2020 (*): khoảng 189.200 người.

- Dân số dự báo quy hoạch đến năm 2030: khoảng 224.000 người.

- Dân số dự báo quy hoạch đến năm 2040 - 2050: khoảng 260.000 ÷ 290.000 người.

(Quy mô dân số cụ thể sẽ được xác định trong quá trình nghiên cứu lập đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phúc Thọ, có xét đến quy mô dân số đáp ứng các yêu cầu phát triển về hạ tầng cơ sở khu vực đô thị và nông thôn, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với nội dung nghiên cứu Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; (*) Quy mô dân số hiện trạng lấy theo Niên giám thống kê huyện Phúc Thọ năm 2020 của Chi cục thống kê huyện Phúc Thọ).

d) Thời hạn quy hoạch: Đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (có dự báo giai đoạn 2040).

3. Tính chất, chức năng, vai trò:

a) Tính chất:

- Huyện Phúc Thọ là huyện ngoại thành phát triển kinh tế tổng hợp, đặc thù của huyện Phúc Thọ với tính chất cơ bản là nông nghiệp sinh thái, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Được sự quan tâm của Thành phố, kinh tế - xã hội của Huyện đã có bước phát triển nhanh, đặc biệt về kết cấu hạ tầng giao thông, như: Đường Quốc lộ 32, Trục phát triển kinh tế - xã hội Bắc - Nam, Trục Tây Thăng Long... đã và đang được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, sẽ là những nhân tố động lực tạo nên sự phát triển của Huyện trong giai đoạn tới, có môi trường đầu tư thuận lợi, chất lượng sống đô thị và nông thôn được nâng cao, phát triển ổn định và bền vững.

- Đặc thù của huyện Phúc Thọ với tính chất cơ bản là nông nghiệp sinh thái, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ.

b) Chức năng, vai trò:

- Huyện Phúc Thọ là một huyện phía Tây Bắc của thành phố Hà Nội. Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng huyện Phúc Thọ nằm trong vùng hành lang xanh dọc sông Đáy, sông Tích, phát triển cân bằng dựa trên bảo tồn, kiểm soát việc đô thị hoá cũng như đồng thời bảo tồn các làng hiện hữu.

- Là huyện có thế mạnh để phát triển kinh tế tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, làng nghề gắn với du lịch, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Phát triển gắn liền với bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa và bản sắc cảnh quan làng xã truyền thống.

4. Quan điểm, mục tiêu quy hoạch:

a) Quan điểm:

- Xác định quan điểm quy hoạch vùng huyện Phúc Thọ gắn với quá trình phát triển khu vực đô thị, khu vực nông thôn (điểm dân cư và sản xuất nông nghiệp) trong giai đoạn đến năm 2030 nhằm mục tiêu đảm bảo các tiêu chí về quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo chương trình mục tiêu Quốc gia gắn với phát triển đô thị của huyện Phúc Thọ.

- Đề xuất các khu chức năng phù hợp với định hướng của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và yêu cầu thực tế của huyện nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào quá trình đô thị hoá và phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phúc Thọ.

- Xây dựng định hướng và đề xuất các giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa giai đoạn đến năm 2030, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực; Xây dựng khu vực nông thôn mới các tiêu chí theo Bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới; Định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

b) Mục tiêu:

- Cụ thể hóa các định hướng của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Rà soát định hướng phát triển kinh tế xã hội của thành phố và khu vực, các quy hoạch chuyên ngành...; Bổ sung các khu vực phát triển đô thị, các khu chức năng... phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 05/4/2022 của Hội đồng nhân dân huyện Phúc Thọ đã thông qua Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phúc Thọ và đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được UBND Thành phố triển khai thực hiện.

- Phát triển vùng huyện Phúc Thọ thành vùng nông nghiệp và dịch vụ hỗ trợ cho khu vực đô thị trung tâm, định hướng phát triển kinh tế theo hướng cân bằng và bền vững giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn.

- Phát triển hệ thống hạ tầng khung đối với khu vực nông thôn, đảm bảo khớp nối với khu vực phát triển đô thị theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

- Làm cơ sở tổ chức lập các quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn, quy hoạch chi tiết cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư cũ nâng cao đời sống người dân; Kiểm soát phát triển và quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

5. Dự báo nhu cầu sử dụng đất, lựa chọn các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật:

Lựa chọn các chỉ tiêu về sử dụng đất theo từng giai đoạn cho khu vực đô thị, khu vực nông thôn và các khu vực đặc thù trên cơ sở tính toán, xác định cụ thể theo luận cứ và tham khảo, cập nhật số liệu của các quy hoạch có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự báo nhu cầu đất xây dựng đô thị, nông thôn, công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp... theo các giai đoạn lập quy hoạch.

- Đối với khu vực đô thị: Thực hiện nghiên cứu khớp nối với các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc đã xác định tại đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện Phúc Thọ; Quỹ đất phát triển đô thị chủ yếu dọc hai bên tuyến đường Quốc lộ 32 và trục cảnh quan Bắc - Nam dự kiến. Hạn chế sự phát triển lan tỏa, tránh tác động tiêu cực tới môi trường cảnh quan tự nhiên hiện có.

Đối với khu vực nông thôn: Áp dụng các Tiêu chuẩn thiết kế đối với khu vực ngoại thành, ngoại thị, trong đó:

+ Vùng dân cư nông thôn nội đồng: Quỹ đất dọc khung giao thông chính là Quốc lộ 32, đường Tây Thăng Long, trục phát triển Bắc - Nam, đường tỉnh 418, tuyến đê sông Đáy.

+ Vùng dân cư nông thôn ngoài bài: Quỹ đất theo lưu vực sông Đáy, hạn chế phát triển thành các mảng cắt ngang lưu vực sông Đáy; Khai thác cảnh quan tự nhiên hai bên bờ sông Đáy, sông Hồng phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái.

- Nghiên cứu và phân tích các cơ sở định hướng phát triển của cấp thẩm quyền đã ban hành, trọng tâm là Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phúc Thọ giai đoạn 2021 - 2025; Các Nghị quyết và chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Phúc Thọ khóa XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

6. Thành phần và nội dung hồ sơ sản phẩm:

Thực hiện theo quy định tại các Nghị định: số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 và số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ; Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn.

7. Dự toán kinh phí:

UBND huyện Phúc Thọ chịu trách nhiệm phê duyệt dự toán theo ủy quyền của UBND Thành phố tại công văn số 1340/UBND-QHKT ngày 08/3/2016 Ủy quyền phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch, phù hợp với ý kiến thẩm định của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các cơ quan có liên quan.

8. Tiến độ thực hiện:

- Thực hiện khi có đầy đủ cơ sở pháp lý như: Có các văn bản pháp lý khác có liên quan, bản đồ đo đạc hiện trạng theo đúng quy định hiện hành; Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.

- Thời gian hoàn thành hồ sơ: Không quá 12 tháng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: UBND huyện Phúc Thọ.

- Cơ quan thẩm định: Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

- Cơ quan trình duyệt: UBND huyện Phúc Thọ.

- Cơ quan phê duyệt: UBND thành phố Hà Nội.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa và Thể thao, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Thành ủy (để b/c);
- Chủ tịch UBND Thành phố (để b/c);
- Các PCT UBND Thành phố;
- VPUBTP: CVP; PCVPV.T.Anh; các phòng TH, ĐT;
- Lưu VT, ĐT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Đức Tuấn