Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 79/2008/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐÁNH GIÁ VÀ XẾP LOẠI HỌC VIÊN HỌC CHƯƠNG TRÌNH XOÁ MÙ CHỮ VÀ GIÁO DỤC TIẾP TỤC SAU KHI BIẾT CHỮ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 13/2007/QĐ-BGDĐT ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định đánh giá và xếp loại học viên học Chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước (để b/c);
- Văn phòng Quốc hội (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội (để b/c);
- Ban Tuyên giáo TW (để b/c);
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GD&ĐT;
- Công báo;
- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDTX.

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển

 

QUY ĐỊNH

ĐÁNH GIÁ VÀ XẾP LOẠI HỌC VIÊN HỌC CHƯƠNG TRÌNH XOÁ MÙ CHỮ VÀ GIÁO DỤC TIẾP TỤC SAU KHI BIẾT CHỮ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 79/2008/QĐ-BGDĐT ngày 30  tháng 12  năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định việc đánh giá và xếp loại học viên học Chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, bao gồm: kiểm tra, đánh giá và xếp loại về học lực; sử dụng kết quả đánh giá và xếp loại về học lực.

2. Quy định này áp dụng cho học viên đang theo học Chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ ban hành kèm theo Quyết định số 13/2007/QĐ-BGDĐT ngày 03/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, được tổ chức tại các trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; các trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các lớp học xoá mù chữ và các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện Chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (dưới đây viết tắt là các cơ sở giáo dục).

Điều 2. Mục đích, yêu cầu của đánh giá và xếp loại

1. Đánh giá và xếp loại học viên nhằm giúp cho giáo viên và cơ sở giáo dục xây dựng được mức độ thực hiện mục tiêu, nội dung của Chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (dưới đây viết tắt là Chương trình); làm căn cứ để điều chỉnh quá trình dạy học, góp phần nâng cao chất lượng dạy học; động viên, khuyến khích học viên trong quá trình học tập.

2. Đánh giá và xếp loại học viên phải căn cứ vào mục tiêu và những yêu cầu về chuẩn kiến thức và kỹ năng các môn học được quy định trong Chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Điều 3. Nguyên tắc đánh giá và xếp loại

1. Đánh giá bằng điểm kiểm tra kết hợp với nhận xét của giáo viên đối với tất cả các môn học có trong Chương trình.

2. Việc đánh giá, xếp loại thực hiện công khai, khách quan, chính xác và công bằng; đảm bảo pah3n ánh đúng thực chất kết quả học tập của học viên.

3. Căn cứ vào đánh giá kết quả học tập các môn học, học lực của học viên được xếp thành hai loại: đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu.

Chương II

KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ VÀ XẾP LOẠI VỀ HỌC LỰC

Điều 4. Hình thức, điểm kiểm tra các môn học

Có hai hình thức kiểm tra: kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ.

1. Môn Tiếng Việt và môn toán:

a) Kiểm tra thường xuyên đối với mỗi lớp tối thiểu là bốn lần; trong đó có ít nhất hai lần kiểm tra miệng, còn lại là kiểm tra viết và làm bài tập thực hành. Thời gian kiểm tra viết không quá 20 phút;

b) Kiểm tra định kỳ đối với mỗi lớp được tổ chức hai lần vào giữa và cuối chương trình. Trong đó, bải kiểm tra cuối chương trình dùng để đánh giá kết quả học hết chương trình của mỗi lớp. Thời gian mỗi lần kiểm tra từ 35 đến 45 phút.

2.. Môn Tự nhiên và Xã hội, môn Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học:

a) Kiểm tra thường xuyên đối với mỗi lớp tối thiểu là ba lần; trong đó có ít nhất một lần kiểm tra miệng, còn lại là kiểm tra viết và làm bài tập thực hành. Thời gian kiểm tra viết không quá 20 phút;

b) Môn Tư nhiên và xã hội, môn Khoa học: Kiểm tra định kỳ đối với mỗi lớp được tổ chức hai lần vào giữa và cuối chương trình. Trong đó bài kiểm tra cuối chương trình dùng để đánh giá kết quả học chương trình của mỗi lớp. Thời gian mỗi lần kiểm tra từ 35 đến 45 phút.

c) Môn Lịch sử và Địa lý: Kiểm tra định kỳ đối với mỗi lớp được tổ chức ngay sau khi kết thúc từng phần của chương trình. Điểm trung bình cộng của hai lần kiểm tra dùng để đánh giá kết quả học hết chương trình của mỗi lớp.

3. Điểm kiểm tra  thường xuyên và kiểm tra định kỳ được tính theo thang điểm 10 và là một số nguyên.

Điều 5. Tổ chức kiểm tra

1. Kiểm tra thường xuyên do giáo viên thực hiện ở các tiết học nhằm mục đích theo dõi, động viên, khuyến khích, nhắc nhở học viên học tập; đồng thời giúp giáo viên có căn cứ để điều chỉnh quá trình dạy học. Kết quả kiểm tra được lưu trong sổ điểm.

2. Kiểm tra định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện nhằm đánh giá kết quả học tập của học viên và giúp cho giáo viên điều chỉnh quá trình dạy học. Thời điểm kiểm tra được quy định cụ thể trong phân phối chương trình từng môn học.

3. Đề kiểm tra, tổ chức coi kiểm tra và chấm bài kiểm tra kết thúc chương trình xóa mù chữ và chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ do Thủ trưởng cơ sở giáo dục thành lập các ban ra đề, coi và chấm bài kiểm tra để thực hiện dưới sự giám sát của đại diện phòng giáo dục và đào tạo.

4. Kết quả kiểm tra thường xuyên và định kỳ của học viên được lưu trong sổ điểm và học bạ.

Điều 6. Đánh giá và xếp loại học lực

1. Căn cứ vào điểm kiểm tra định kỳ của các môn học ở cuối mỗi lớp để xếp loại học lực của học viên. Điểm trung bình mỗi lớp là trung bình cộng của các điểm kiểm tra định kỳ của các môn học.

2. Học lực của học viên được đánh giá theo hai mức:

a. Đạt yêu cầu: Nếu điểm trung bình mỗi lớp đạt từ 5,0 điểm trở lên và không có môn nào bị điểm dưới 2,0.

b. Không đạt yêu cầu: Đối với các trường hợp còn lại.

Chương III

SỬ DỤNG KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ VÀ XẾP LOẠI VỀ HỌC LỰC

Điều 7. Tiêu chuẩn xét lên lớp

1. Việc xét lên lớp được thực hiện sau khi hoàn thành chương trình theo quy định và căn cứ vào kết quả xếp loại học lực của học viên.

2. Học viên được lên lớp khi học lực xếp loại: Đạt yêu cầu.

3. Đối với những môn học, học viên xếp loại học lực không đạt yêu cầu, các cơ sở giáo dục tổ chức cho học viên tham gia ôn tập và kiểm tra lại để xét lên lớp, nếu vẫn không đủ điều kiện để xét lên lớp thì phải học lại.

Điều 8. Xác nhận biết chữ và hoàn thành Chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ

1. Học viên học hết chương trình lớp 3 và được xếp loại học lực đạt yêu cầu thì được Thủ trưởng các cơ sở giáo dục tổ chức lớp học xóa mù chữ xác nhận vào học bạ: Xác nhận biết chữ.

2. Học viên học hết chương trình lớp 5 và được xếp loại học lực đạt yêu cầu thì được Thủ trưởng các cơ sở giáo dục tổ chức lớp học giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ xác nhận vào học bạ: Hoàn thành Chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

3. Những học viên được xác nhận “Hoàn thành Chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ” được xét vào học tiếp chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo

1. Hướng dẫn các phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện Quy định này.

2. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy định này đối với các phòng giáo dục và đào tạo và các cơ sở giáo dục có tham gia dạy Chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

Điều 10. Trách nhiệm của phòng giáo dục và đào tạo

1. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nằm trên địa bàn có tham gia dạy Chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ tổ chức thực hiện Quy định này.

2. Tổ chức lưu trữ và báo cáo sở giáo dục và đào tạo số lượng và danh sách học viên được xác nhận biết chữ và học viên được xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ của các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn quản lý.

Điều 11. Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ sở giáo dục có tổ chức thực hiện Chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ

1. Phổ biến và hướng dẫn giáo viên, học viên thực hiện Quy định này.

2. Tổ chức và kiểm tra việc thực hiện Quy định này của giáo viên và học viên.

3. Phê duyệt kết quả đánh giá, xếp loại học lực vào học bạ của học viên sau khi giáo viên đã ghi đầy đủ nội dung và ký xác nhận.

4. Tổ chức cho học viên tham gia ôn tập và kiểm tra lại các môn học không đạt yêu cầu. Duyệt và công bố danh sách những học viên được lên lớp sau khi thực hiện kiểm tra lại các môn học.

5. Xác nhận biết chữ và xác nhận việc hoàn thành Chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ vào học bạ cho học viên.

6. Quản lý hồ sơ (học bạ, danh sách và sổ điểm) của học viên.

Điều 12. Trách nhiệm của giáo viên

1. Chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, đánh giá và xếp loại học lực của học viên theo Quy định này.

2. Hoàn thành đầy đủ hồ sơ về đánh giá, xếp loại học lực của học viên theo từng lớp.