Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 790/QĐ-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH KÍCH CẦU DU LỊCH NĂM 2010 “VIỆT NAM - ĐIỂM ĐẾN CỦA BẠN”

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 63/2008/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt và ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình kích cầu du lịch năm 2010 “Việt Nam - Điểm đến của Bạn”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Giao Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (để b/c);
- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: CA, QP, NG, TC, GTVT, CT, TNMT;
- UB NN về Người VN ở nước ngoài:
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tổng cục Du lịch;
- Cục: HTQT, NTBD, DSVH, Vụ KHTC Bộ VHTTDL;
- Tổng Công ty HKVN, Cục XTTM (Bộ CT);
- Hiệp hội DLVN, Hiệp hội bán lẻ VN;
- Các Sở VHTTDL;
- Lưu: VT (1), TCDL (2), Nga (160).

BỘ TRƯỞNG




Hoàng Tuấn Anh

 

CHƯƠNG TRÌNH

KÍCH CẦU DU LỊCH NĂM 2010 “VIỆT NAM - ĐIỂM ĐẾN CỦA BẠN”
Ban hành theo Quyết định số 790/QĐ-BVHTTDL ngày 08 /3/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) dự báo, ngành Du lịch toàn cầu sẽ phục hồi mạnh trong năm 2010 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thiên tai và dịch cúm A/H1N1. UNWTO cho biết, trong năm 2009, du lịch thế giới đã giảm khoảng 4%, nhưng sẽ phục hồi khoảng 3 - 4% trong năm 2010. Trên thực tế, sự phục hồi này đã bắt đầu từ quý IV năm 2009. Tuy nhiên, năm 2010 vẫn là một năm đòi hỏi phải hết sức nỗ lực nhằm phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Nhiều nước đang tích cực thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng và kích thích quá trình phục hồi. Châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông được dự báo là hai khu vực có sự tăng trưởng cao trong năm 2010. Như vậy, Du lịch Việt Nam có cơ hội thuận lợi để phục hồi và tăng trưởng.

Trong nước, cùng với kết quả tăng trưởng tích cực của nền kinh tế đất nước, sự phục hồi tốc độ tăng trưởng khách du lịch trong những tháng cuối năm 2009 và ngay trong 2 tháng đầu năm 2010 là dấu hiệu đáng mừng đối với ngành Du lịch. Năm 2010 là năm đất nước ta tổ chức nhiều sự kiện trọng đại, đặc biệt là Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Do đó, cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch là rất lớn. Với lợi thế về ổn định chính trị, an ninh, an toàn xã hội được giữ vững, Du lịch Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút khách du lịch trong năm 2010. Tuy nhiên, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và bất ổn chính trị thế giới vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng tới Du lịch Việt Nam. Nguy cơ lạm phát, giá cả tăng cao sẽ tác động mạnh mẽ tới lĩnh vực du lịch. Tình hình thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường. Do đó, việc đề ra Chương trình nhằm kích thích tăng trưởng du lịch trong năm 2010 là cần thiết.

Trong bối cảnh đó, để vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tốt cơ hội để phục hồi tốc độ tăng trưởng, trên cơ sở kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai Chương trình “Ấn tượng Việt Nam”, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Chương trình kích cầu du lịch năm 2010 “Việt Nam - Điểm đến của Bạn” với mục đích và nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục đích:

- Tận dụng cơ hội, đối phó với những khó khăn, thách thức nhằm thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch trong năm 2010 và tạo đà tăng trưởng du lịch bền vững trong các năm tiếp theo.

- Nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành Du lịch và thúc đẩy nhận thức về du lịch như một ngành kinh tế quan trọng, mang lại hiệu quả tích cực về kinh tế và môi trường của đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa và tăng trưởng khách du lịch từ các thị trường trọng điểm, nhằm chủ yếu vào đối tượng khách chi tiêu cao và lưu lại dài ngày nhằm tăng thu nhập từ du lịch đóng góp vào ngân sách quốc gia. Mục tiêu là góp phần đạt được 4,2 triệu lượt khách quốc tế và 27-28 triệu lượt khách nội địa.

- Góp phần tạo dựng Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và chất lượng đối với khách du lịch.

- Thu hút sự quan tâm và làm tăng nhận thức của các ngành, các cấp, các nhà cung ứng dịch vụ và người dân về du lịch và sự đóng góp mà ngành Du lịch mang lại cho đất nước.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH:

Phát huy kết quả tích cực của Chương trình “Ấn tượng Việt Nam” đối với Ngành Du lịch trong năm 2009, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai Chương trình kích cầu du lịch trong năm 2010 mang tên “Việt Nam - Điểm đến của Bạn”, tên tiếng Anh là “Viet Nam - Your Destination”. Việc triển khai một Chương trình quảng bá mới nhằm thúc đẩy thu hút khách du lịch trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn ngành Du lịch vừa thoát khỏi khủng hoảng, bắt đầu phục hồi và tăng trưởng.

Dưới đây là một số nội dung của Chương trình kích cầu du lịch năm 2010:

2.1. Phát động Chiến dịch bán hàng giảm giá “Impressive Viet Nam Grand Sale 2010” vào mùa thấp điểm để thu hút khách du lịch, cả quốc tế và nội địa:

- Du lịch kết hợp mua sắm là một loại hình du lịch phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Nguồn thu từ mua sắm của khách du lịch là nguồn thu nhập chính của ngành Du lịch nhiều nước như Thái Lan, Malaysia và Singapore. Các nước này đã rất thành công trong việc tổ chức các chiến dịch bán hàng giảm giá trong suốt một thập kỷ qua.

- Tổng cục Du lịch phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam phát động chiến dịch này tại một số thành phố lớn và trung tâm du lịch chính ở Việt Nam, cụ thể là tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Các địa phương khác nếu có khả năng tổ chức sẽ đăng ký với Tổng cục Du lịch.

- Thời gian: 2 tháng, từ tháng 8 - 9/2010.

- Đối tượng tham gia là các siêu thị, cửa hàng mua sắm, cửa hàng thủ công mỹ nghệ, các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, hãng vận chuyển.

- Các đơn vị tham gia đăng ký với Sở Công Thương và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại 3 thành phố này. Sau đó, các Sở thông báo chính thức cho Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến Thương mại) và Tổng cục Du lịch.

- Lựa chọn tổ chức các phố mua sắm, phố nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ và phố ẩm thực tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tổ chức Chương trình bốc thăm trúng thưởng cho khách du lịch mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng đã đăng ký chính thức tham gia Chương trình.

- Tổ chức Hội chợ bán hàng giảm giá (Impressive Viet Nam Grand Sale Fair 2010) tại trung tâm Hội chợ triển lãm của 3 thành phố. Các tổ chức, cá nhân trong cả nước có thể đăng ký tham gia vào hoạt động này với mức giảm giá từ 10-50% trong 2 tháng khuyến mại.

- Chiến dịch bán hàng giảm giá được ủng hộ bằng nhiều cách như thẻ ưu đãi giảm giá (Tourist Privilege Card) hoặc vé mua sắm (shopping coupon). Các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch đăng ký cung cấp thẻ ưu đãi hoặc vé mua sắm cho khách du lịch. Khách du lịch chỉ cần xuất trình hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân để nhận thẻ ưu đãi này.

- Ưu đãi cho các đơn vị tham gia Chương trình:

+ Được giới thiệu miễn phí trên mạng Internet qua trang web của Tổng cục Du lịch và Bộ Công Thương.

+ Giới thiệu miễn phí trên các số của Báo Du lịch và Tạp chí Du lịch.

+ Được giới thiệu trong các ấn phẩm quảng bá của Tổng cục Du lịch và Bộ Công Thương.

+ Được giới thiệu tại các Hội chợ Du lịch quốc tế mà Tổng cục Du lịch tham gia và các sự kiện xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương.

+ Được giới thiệu tại các chương trình quảng bá chiến dịch trong và ngoài nước.

- Tham gia của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam:

+ Phối hợp với Tổng cục Du lịch và các đơn vị tham gia mời các đoàn Famtrip, Presstrip từ các thị trường trọng điểm tham gia khảo sát sản phẩm và viết bài khuyếch trương chiến dịch. Hàng không Việt Nam tài trợ vé máy bay cho các đoàn khách này.

+ Hàng không Việt Nam áp dụng chính sách giá đặc biệt đối với một số chương trình hợp tác chung với Tổng cục Du lịch và Bộ Công Thương trong quá trình triển khai chiến dịch này ở các địa phương.

+ Quảng bá chương trình trên trang web vietnamairlines.com và một số ấn phẩm của Hàng không Việt Nam.

Tổng cục Du lịch, Cục Xúc tiến Thương mại và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sẽ phối hợp xây dựng Kế hoạch triển khai cụ thể.

2.2. Chương trình đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế

2.2.1. Triển khai Chương trình “Việt Nam - Điểm đến của Bạn” với trọng tâm tập trung vào các hãng lữ hành và báo chí nước ngoài chuyên viết về du lịch ở các thị trường trọng điểm và tiềm năng để tăng cường quảng bá mạnh mẽ điểm đến Việt Nam trên thị trường quốc tế:

a. Đối tượng tham gia:

- Lựa chọn một số khách sạn từ 3 - 5 sao ở các vùng du lịch trong cả nước

- Lựa chọn một số nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch

- Lựa chọn một số doanh nghiệp lữ hành có uy tín

- Lựa chọn một số hãng vận chuyển có uy tín

- Lựa chọn một số điểm du lịch chất lượng và cửa hàng mua sắm đạt chuẩn

- Hàng không Việt Nam và một số hãng hàng không quốc tế khác

b. Nội dung tham gia:

- Cung cấp miễn phí các dịch vụ sẵn có của doanh nghiệp và đơn vị cho đoàn FAMTRIP.

- Tổ chức mỗi thị trường 1-2 tour làm quen (FAMTRIP) cho các Công ty lữ hành, các nhà báo du lịch ở các thị trường trọng điểm.

- Tổng cục Du lịch sẽ lựa chọn và chỉ định doanh nghiệp lữ hành làm đầu mối tổ chức chương trình Famtrip.

c. Lợi ích của các đơn vị tham gia:

- Được giảm 50% chi phí vé máy bay và 50% kinh phí tham dự các chương trình roadshow tại nước ngoài do Tổng cục Du lịch tổ chức.

- Được giảm 50% kinh phí tham gia gian hàng tại các Hội chợ du lịch quốc tế do Tổng cục Du lịch tổ chức.

- Được quảng bá miễn phí trên trang web của Du lịch Việt Nam.

- Được ưu tiên tham dự các sự kiện du lịch trong nước.

d. Các đơn vị đăng ký tham gia qua Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trên địa bàn, sau đó Sở gửi danh sách chính thức tới Tổng cục Du lịch (Vụ Lữ hành).

2.2.2. Tổ chức các Chương trình giới thiệu quảng bá về điểm đến Việt Nam thông qua khẩu hiệu “Việt Nam - Điểm đến của Bạn” tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng ở nước ngoài:

a. Triển khai tổ chức các sự kiện xúc tiến điểm đến Việt Nam tại 7 thị trường chính là Trung Quốc, Đông Bắc Á (Nhật và Hàn Quốc), Pháp và Tây Âu, Mỹ, Úc và Niu Di Lân, ASEAN, Đông Âu (Séc, Hungari) và Nga. Hàng không Việt Nam sẽ phối hợp tham gia các hoạt động của Tổng cục Du lịch. Hai bên sẽ trao đổi kế hoạch triển khai cụ thể.

b. Tổ chức Liên hoan du lịch Việt Nam kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tại Pháp vào tháng 6/2010.

- Tổng cục Du lịch và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chi phí tổ chức Chương trình này (thuê địa điểm tổ chức, tổ chức tiệc xúc tiến, chi phí vận chuyển mặt đất theo Chương trình).

- Các doanh nghiệp tham gia tự lo chi phí ăn ở, vé máy bay, visa.

- Tổng Công ty Hàng không Việt Nam hỗ trợ giảm giá một phần vé máy bay quốc tế cho các đại biểu tham gia, xem xét hỗ trợ miễn cước một phần hành lý theo Thoả thuận giữa Hàng không và Du lịch.

2.3. Tiếp tục đẩy mạnh du lịch nội địa nhân dịp các sự kiện lớn của dân tộc và các sự kiện của ngành Du lịch được tổ chức trong năm 2010 như 120 năm Ngày Sinh nhật Bác, 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Đại lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Năm Du lịch quốc gia 2010, Lễ cắm cờ 1000 năm Thăng Long trên đỉnh Fanxipan, Chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Thành lập Ngành Du lịch Việt Nam, Festival Huế 2010 và các hoạt động du lịch liên vùng Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ; Hà Giang – Tuyên Quang - Bắc Kạn - Cao Bằng; Đồng bằng sông Cửu Long; Đồng bằng sông Hồng.

- Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, vui chơi giải trí, các điểm mua sắm giảm giá dịch vụ cho khách du lịch từ 10 – 30% vào mùa thấp điểm.

- Khuyến khích các khu du lịch, khu vui chơi giải trí giảm 10-30% giá vé cho khách du lịch nội địa đi theo đoàn vào mùa thấp điểm.

- Khuyến khích các doanh nghiệp khách sạn áp dụng các chính sách khuyến mại khác để thu hút khách du lịch vào mùa thấp điểm như cung cấp miễn phí một phần dịch vụ (ví dụ, khách ở 3 đêm miễn phí một đêm, hoặc giảm giá các dịch vụ trong khách sạn cho khách lưu trú tại khách sạn).

- Khuyến khích người dân địa phương đăng ký cung cấp dịch vụ lưu trú tại nhà vào dịp tổ chức các sự kiện du lịch tại địa phương.

- Tổng Công ty Hàng không Việt Nam phối hợp xây dựng giá cho chương trình tour nội địa, sẽ có mức giảm giá theo tính mùa vụ của đường bay, chú trọng giảm giá vào các giai đoạn thấp điểm của đường bay. Tổng cục Du lịch (Vụ Lữ hành) tham gia cùng Tổng Công ty Hàng không Việt Nam lựa chọn danh sách các doanh nghiệp lữ hành được cung cấp vé khuyến mại cho khách nội địa để cùng quảng bá và phát động du lịch nội địa.

- Các doanh nghiệp lữ hành làm việc với các Văn phòng của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tại từng vùng để xây dựng kế hoạch phát động thị trường du lịch nội địa thông qua một số chương trình famtrip dành cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa và báo chí khảo sát xây dựng các tour khuyến mại mới cho khách du lịch.

- Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sẽ tham gia phối hợp tài trợ một số sự kiện du lịch trong năm trên cơ sở kế hoạch hành động cụ thể của Tổng cục Du lịch.

2.4. Phát động chiến dịch xúc tiến tại chỗ đối với khách du lịch đã đến Việt Nam với khẩu hiệu “Việt Nam thân thiện chào đón Bạn”

- Thân thiện chào đón khách trên mọi miền đất nước (có khẩu hiệu, có biểu ngữ, thể hiện sự thân thiện với khách du lịch). Tất cả nhân viên hàng không, xuất nhập cảnh và hải quan, nhân viên tại các khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, các điểm du lịch, các điểm mua sắm cũng như mọi người dân Việt Nam đều thể hiện sự thân thiện với khách du lịch.

- Cung cấp thông tin cho khách du lịch. Tổ chức cung cấp thông tin, bản đồ du lịch cho khách du lịch ngay tại các sân bay quốc tế lớn. Đề nghị Cụm cảng hàng không 3 miền bố trí địa điểm tại sân bay để đặt các quầy cung cấp thông tin du lịch.

- Tặng quà cho khách du lịch. Tất cả khách du lịch đến Việt Nam đi theo tour đều được tặng quà lưu niệm là biểu tượng của Hà Nội nghìn năm tuổi hoặc quà tặng là sản vật của địa phương.

- Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ chào mừng khách đến tại các trung tâm du lịch, và các điểm du lịch của địa phương.

- Phát động chiến dịch làm sạch môi trường du lịch với trọng tâm là Chiến dịch xây dựng nhà vệ sinh tiêu chuẩn du lịch và làm sạch nhà vệ sinh công cộng tại tất cả thành phố, các trung tâm du lịch, các tuyến quốc lộ và các điểm du lịch của Việt Nam. Xây dựng nếp sống văn minh, sạch sẽ tại nơi công cộng, không xả rác, đổ nước ra đường, phố, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các tuyến điểm du lịch trong cả nước. Kêu gọi tài trợ để có chính sách khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực Chiến dịch này.

2.5. Phát động chiến dịch hướng về cội nguồn giành cho Việt kiều:

- Khuyến khích Việt kiều về thăm quê hương làm tăng lòng tự hào dân tộc, mang lại ngoại tệ cho đất nước. Khuyến khích Việt kiều đóng góp cho đất nước bằng cách tham gia giới thiệu quảng bá về Việt Nam và vận động bạn bè nước ngoài tới thăm Việt Nam.

- Tổ chức các cuộc gặp gỡ với Hội Việt kiều tại Pháp, Mỹ, Anh, Ôtxtrâylia để thông báo về chiến dịch này và khuyến khích họ tham gia vào Chiến dịch và tổ chức vận động bạn bè nước ngoài tới thăm Việt Nam.

- Tổng cục Du lịch phối hợp chặt chẽ với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam để tổ chức các cuộc gặp gỡ và phát động Chiến dịch với cộng đồng Việt kiều ở 4 nước nêu trên. Hàng không Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng cục Du lịch tham gia một số sự kiện trên cơ sở kế hoạch cụ thể và thực hiện theo Thoả thuận hợp tác xúc tiến và quảng bá du lịch giữa Hàng không Việt Nam và Tổng cục Du lịch ký ngày 28/5/2007.

2.6. Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, phát triển sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch:

- Tăng cường tổ chức các hoạt động khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch mới nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch và tạo sản phẩm độc đáo thu hút khách du lịch. Khuyến khích các địa phương chủ động xây dựng sản phẩm du lịch và tổ chức giới thiệu cho các doanh nghiệp lữ hành và báo chí.

- Xúc tiến thu hút khách du lịch MICE: Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch MICE. Vì vậy, Tổng cục Du lịch khuyến khích các địa phương đăng cai tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo quốc tế. Có chính sách giảm giá địa điểm tổ chức các sự kiện và một số dịch vụ liên quan nhằm thu hút khách du lịch MICE đến địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng chào bán các tour cho khách du lịch MICE. Tổng cục Du lịch hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp trong công tác quảng bá thu hút khách du lịch MICE.

- Tổ chức phát động cuộc thi thiết kế quà tặng và hàng lưu niệm để bán cho khách du lịch. Tổng cục Du lịch làm việc với Bộ Công Thương để bàn biện pháp phối hợp giữa hai bên tổ chức phát động cuộc thi này. Các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Sở Công Thương để phát động cuộc thi ở các địa phương.

- Các địa phương tập trung tổ chức tốt các lễ hội dân gian để thu hút khách du lịch ngay trong dịp đầu xuân Canh Dần cũng như cả năm. Cần có các chương trình kết hợp tham dự lễ hội với các hoạt đông tham quan các điểm du lịch tự nhiên và văn hoá lịch sử của địa phương.

- Phát động chiến dịch nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trong toàn ngành. Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ du lịch tại các địa phương. Phát động chiến dịch nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển khách du lịch, đặc biệt là dịch vụ taxi trong toàn quốc để tăng tính văn minh, lịch sự trong dịch vụ này.

- Xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn xếp hạng đô thị du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, các cơ sở dịch vụ, hãng vận chuyển du lịch.

- Tổ chức các lễ hội ẩm thực và lễ hội trái cây tại các địa phương. Hình thành phố ẩm thực tại các thành phố, trung tâm đô thị để thu hút khách du lịch.

- Tổ chức tốt các Hội thi hướng dẫn viên, lễ tân khách sạn toàn quốc, qua đó khích lệ cán bộ nhân viên trong Ngành Du lịch nâng cao trình độ, kỹ năng theo hướng ngày càng chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch.

- Các doanh nghiệp lữ hành xây dựng nhóm các sản phẩm đặc trưng cho một số thị trường trọng điểm. Mỗi thị trường ít nhất có một tour khuyến mại đặc biệt, giới thiệu chào bán đến tận người tiêu dùng (đã có phí của các công ty du lịch nước ngoài), tạo điểm nhấn để thu hút khách. Lịch trình tour đề nghị sẽ bao gồm những chủ đề sau:

+ Văn hoá và lịch sử Việt Nam: các di tích lịch sử văn hoá và lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt.

+ Lối sống và nghệ thuật truyền thống: tập trung giới thiệu về lối sống, phong tục tập quán truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

+ Các di sản thế giới của Việt Nam: các địa điểm di sản thế giới của Việt Nam.

+ Tài nguyên và di sản thiên nhiên của Việt Nam (sinh thái, mạo hiểm và vẻ đẹp thiên nhiên): hoà nhập vào thiên nhiên, chữa bệnh bằng thuốc nam, y học cổ truyền.

+ Sự thân thiện và mến khách của người dân Việt Nam.

+ Phong cảnh làng quê Việt Nam.

+ Các điểm mua sắm của Việt Nam: tập trung vào các hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc và các sản vật địa phương.

+ Ẩm thực và trái cây Việt Nam: Tổ chức các hội chợ ẩm thực và trái cây ở các vùng miền.

+ Các bãi biển đầy cát trắng và quyến rũ bên bờ Thái Bình Dương của Việt Nam.

2.7. Đẩy mạnh chiến dịch bình chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên thế giới với thông điệp “Mỗi du khách một phiếu bầu cho Vịnh Hạ Long”, có giải pháp và đầu tư cần thiết cho hoạt động này. Phát động các Công ty lữ hành, khách sạn thu hút khách, bầu chọn qua hình thức uỷ quyền và bầu chọn trực tiếp. Đưa kết quả bầu chọn Vịnh Hạ Long của các doanh nghiệp du lịch vào tiêu chuẩn xếp hạng công nhận danh hiệu Topten.

III. KINH PHÍ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Kinh phí: Kinh phí triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2010 được phê duyệt trong Chương trình hành động quốc gia về du lịch và Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia. Ngoài ra, để tổ chức hiệu quả Chương trình, cần huy động thêm các nguồn tài trợ bên ngoài. Chương trình bán hàng giảm giá có thể kêu gọi tài trợ của hãng thẻ quốc tế Visa Card và một số Ngân hàng phát hành thẻ tham gia.

- Tổng cục Du lịch dự trù chi tiết kinh phí các hoạt động của Chương trình để trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt.

2. Tổ chức thực hiện:

2.1. Tổng cục Du lịch:

- Đầu mối trực tiếp làm việc với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2010 trên toàn quốc.

- Phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Hiệp hội bán lẻ Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai Chiến dịch bán hàng giảm giá và phát động cuộc thi thiết kế quà tặng và hàng lưu niệm.

- Phối hợp chặt chẽ với các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài và Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tốt Chiến dịch về nguồn giành cho Việt kiều.

- Phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam để triển khai các chương trình khuyến mại.

- Thành lập bộ phận nòng cốt triển khai gồm Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn, Vụ Thị trường Du lịch và Trung tâm Thông tin du lịch do Vụ Lữ hành làm thường trực và đầu mối triển khai. Các đơn vị khác thuộc Tổng cục Du lịch theo chức năng nhiệm vụ triển khai các nhiệm vụ thuộc chức năng theo Chương trình.

- Chỉ đạo Trung tâm thông tin du lịch tiếp tục hoàn thiện trang web www.impressivevietnam.vn để phục vụ cho Chương trình kích cầu du lịch mới. Trung tâm Thông tin Du lịch dự trù kinh phí hoàn thiện và vận hành trang web này.

- Đầu mối phối hợp, giải quyết tốt các vấn đề có tính liên ngành, liên địa phương trong quá trình triển khai Chương trình kích cầu du lịch mới.

2.2. Các đơn vị của Bộ:

- Cục Hợp tác quốc tế: Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch triển khai một số nội dung liên quan đến xúc tiến quảng bá ở nước ngoài nằm trong Chương trình kích cầu du lịch này.

- Cục Di sản văn hoá và Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch tham mưu chỉ đạo các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức tốt các lễ hội dân gian và sự kiện văn hoá ở địa phương để thu hút khách du lịch.

- Vụ Kế hoạch, Tài chính: Hướng dẫn lập, thẩm định dự toán và bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động trong Chương trình kích cầu du lịch này.

2.3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện triển khai hiệu quả Chương trình tăng trưởng du lịch ở địa phương:

+ Chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến dịch làm sạch môi trường du lịch với trọng tâm là xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn du lịch và làm sạch nhà vệ sinh công cộng dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, trung tâm đô thị và các tuyến điểm du lịch trên địa bàn;

+ Chỉ đạo triển khai Chiến dịch xúc tiến tại chỗ đối với khách du lịch, có quà tặng là sản vật của địa phương tặng cho khách du lịch tới tham quan du lịch tại địa phương. Chỉ đạo triển khai cuộc thi thiết kế quà tặng và quà lưu niệm cho khách du lịch;

+ Bãi bỏ quy định cấm hoặc cấp giấy phép con đối với xe vận chuyển khách du lịch (nếu có), tạo điều kiện cho xe vận chuyển khách du lịch được lưu thông thuận tiện trong và ngoài đô thị vào tất cả các giờ trong ngày.

- Đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai hiệu quả Chiến dịch bán hàng giảm giá tại Thành phố, làm cơ sở để tổ chức thường niên Chiến dịch này trong thời gian tới.

2.4. Các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

- Xây dựng kế hoạch hưởng ứng tham gia Chương trình kích cầu du lịch mới trên cơ sở các chính sách cụ thể của mỗi địa phương. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn tham gia tích cực vào Chương trình ở địa phương.

- Các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có tiềm năng du lịch nhưng còn ít khách du lịch đăng ký các Chương trình kích cầu du lịch cụ thể để thu hút khách đến địa phương. Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ quảng bá điểm đến của địa phương. Các Sở đăng ký các chương trình khuyến mại du lịch nội địa với Tổng cục Du lịch.

- Phối hợp với Sở Công Thương ở địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức cuộc thi thiết kế quà tặng và quà lưu niệm cho khách du lịch tại địa phương.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và Sở Tài nguyên môi trường ở địa phương xây dựng kế hoạch trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai Chiến dịch làm sạch môi trường du lịch với trọng tâm là chiến dịch xây dựng nhà vệ sinh tiêu chuẩn du lịch và làm sạch nhà vệ sinh công cộng tại địa phương.

- Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Công Thương ở địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến dịch bán hàng giảm giá tại địa phương, tổ chức đăng ký cho các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn tham gia Chiến dịch bán hàng giảm giá và gửi về Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) và Tổng cục Du lịch.

- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp du lịch và các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các cam kết khi đã đăng ký tham gia Chương trình này.

2.5. Hiệp hội du lịch:

- Chủ động tham gia cùng Tổng cục Du lịch tổ chức triển khai Chương trình kích cầu du lịch mới tới các doanh nghiệp thành viên, chỉ đạo các Hội du lịch tại địa phương hưởng ứng tham gia tích cực chương trình tăng trưởng này.

- Chỉ đạo Hiệp hội khách sạn phát động các khách sạn trong cả nước tham gia Chương trình tăng trưởng du lịch với các hình thức khuyến mại cụ thể và đăng ký chính thức với Tổng cục Du lịch.

2.6. Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương): Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch (Vụ Lữ hành), Hàng không Việt Nam và Hiệp hội bán lẻ Việt Nam xây dựng Kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai Chiến dịch bán hàng giảm giá.

2.7. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam: đề nghị phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch triển khai các nội dung Chương trình có sự tham gia của Hàng không Việt Nam.

2.8. Các doanh nghiệp du lịch:

- Các doanh nghiệp (lữ hành, khách sạn, vận chuyển, siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, khu điểm du lịch, cơ sở vui chơi giải trí...) đăng ký tham gia Chương trình kích cầu du lịch năm 2010 trước ngày 10/4/2010 và thực hiện nghiêm các cam kết, đảm bảo thực hiện tốt chương trình khuyến mại cho khách du lịch.

- Các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour khuyến mại gửi về Tổng cục Du lịch để công bố chính thức trên trang web của Chương trình.

- Các doanh nghiệp du lịch tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin, thông báo về dịch vụ và giá cả khuyến mại, thực hiện đúng cam kết để tạo thuận lợi cho khách du lịch, đồng thời tích cực nâng cao năng lực nghiệp vụ của đội ngũ quản lý, lao động tại doanh nghiệp, tăng cường xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới và nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ hiện có; tránh tình trạng bớt xén dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ thấp hơn chào giá khuyến mại; hưởng ứng tham gia tích cực bằng các hành động cụ thể trong việc triển khai Chiến dịch xây dựng nhà vệ sinh tiêu chuẩn du lịch và làm sạch nhà vệ sinh công cộng.

* * *

Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ và phối hợp của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự hưởng ứng tham gia của các doanh nghiệp du lịch, thương mại trong cả nước và các phương tiện truyền thông, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tin tưởng Chương trình kích cầu du lịch sẽ được triển khai thành công, góp phần phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới./.