Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 791/2001/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 791/2001/QĐ-BGTVT NGÀY 26 THÁNG 3 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định 22/CP ngày 22/3/1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 267/CP ngày 19 - 7 - 1979 của Hội đồng Chính phủ về việc chuyển Ty Đăng kiểm thành lập Cục Đăng kiểm Việt Nam và Quyết định số 75/TTg ngày 03/02/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Cục Đăng kiểm Việt Nam;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và lao động, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Điều 2. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, Ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan thực hiện bản Điều lệ này nhằm đảm bảo hiệu lực quản lý chuyên ngành đăng kiểm trong phạm vi cả nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Các quy định trước đây trái với Điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ trưởng các Vụ, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính), Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

Lê Ngọc Hoàn

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
( Ban hành kèm theo quyết định số 791/2001/QĐ-BGTVT ngày 26 tháng 3 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Cục Đăng kiểm Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải được thành lập theo Quyết định số 267/CP ngày 19.7.1979 của Hội đồng Chính phủ, có nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy quy định tại Quyết định 75/TTg ngày 03/02/1997 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về đăng kiểm an toàn kĩ thuật và chứng nhận chất lượng hàng hóa các loại phương tiện và thiết bị giao thông vận tải đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, giàn khoan biển, công trình biển, công trình nổi, phương tiện nổi và những thiết bị khác liên quan đến an toàn giao thông vận tải nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng con người, tài sản và bảo vệ môi trường sau này gọi chung là hoạt động đăng kiểm.

Tên giao dịch quốc tế viết bằng tiếng Anh: VIETNAM REGISTER

Viết tắt : VR

Điều 2. Cục Đăng kiểm Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Ngân hàng, có trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.

Chương 2

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM

Điều 3. Về lĩnh vực pháp luật

1. Xây dựng và tham gia xây dựng các dự án luật, các văn bản dưới luật, các chế độ chính sách liên quan đến hoạt động đăng kiểm để trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.

2. Tham gia soạn thảo, đàm phán để trình cấp có thẩm quyền ký kết các Điều ước quốc tế về hoạt động đăng kiểm; kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc tham gia, ký kết hoặc sửa đổi, gia hạn, bãi bỏ những Điều ước quốc tế về hoạt động đăng kiểm mà phía Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

3. Tổ chức và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và các Điều ước Quốc tế có liên quan đến hoạt động đăng kiểm về chất lượng và an toàn kỹ thuật đối với các loại phương tiện, thiết bị giao thông vận tải, công trình dầu khí biển và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường do phương tiện, thiết bị giao thông vân tải, công trình dầu khí biển gây ra.

4. Tham gia và đề xuất các biện pháp giải quyết hoặc giải quyết theo thẩm quyền các tranh chấp có liên quan đến hoạt động đăng kiểm.

5. Tổ chức việc phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội về các hoạt động đăng kiểm.

Điều 4. Về lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch và đầu tư phát triển

1. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm về phát triển hoạt động đăng kiểm trong cả nước để trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

2. Thực hiện quản lý thống nhất trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản đối với các đơn vị trực thuộc Cục theo các quy định hiện hành của Nhà nước và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

3. Xây dựng kế hoạch thu chi tài chính, kế hoạch mua sắm tài sản, trang thiết bị, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch đã được duyệt.

Điều 5. Về lĩnh vực khoa học công nghệ và xây dựng quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật

1. Tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ liên quan đến hoạt động đăng kiểm.

2. Xây dựng, tham gia xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và chứng nhận chất lượng hàng hoá các loại phương tiện và thiết bị giao thông vận tải, tàu cá, công trình dầu khí biển, công trình nổi, các thiết bị liên quan đến an toàn thuộc lĩnh vực giao thông vận tải để trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hoặc cấp có thẩm quyền ban hành.

3. Xây dựng và ban hành các biểu mẫu, chứng chỉ, các hướng dẫn áp dụng quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật và Điều ước Quốc tế liên quan đến hoạt động đăng kiểm mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

4. Hợp tác với các tổ chức Đăng kiểm, các cơ quan khoa học trong và ngoài nước để thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động đăng kiểm.

5. Tổ chức thông tin khoa học công nghệ về hoạt động đăng kiểm.

6. Tham gia Hội đồng khoa học công nghệ và môi trường cấp ngành.

Điều 6. Về lĩnh vực đăng kiểm phương tiện và thiết bị giao thông vận tải đường biển, đường thuỷ nội địa, công trình dầu khí biển

1. Thẩm tra thiết kế kỹ thuật để đóng mới, chế tạo, hoán cải, sửa chữa tàu biển, phương tiện thuỷ nội địa, các công trình dầu khí biển, công trình nổi và các hệ thống, thiết bị có liên quan.

2. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho tàu biển, phương tiện thuỷ nội địa, các công trình dầu khí biển, công trình nổi và các hệ thống, thiết bị có liên quan trong đóng mới, chế tạo, sửa chữa và đang khai thác trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật của Việt Nam và các tiêu chuẩn nước ngoài.

3. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho tàu biển, công trình dầu khí biển và các hệ thống, thiết bị có liên quan theo quy định của Công ước Quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS 74/78), Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm biển do tàu gây ra (MARPOL 73/78), Công ước Quốc tế về mạn khô tàu biển (LOADLINES 66), Công ước Quốc tế về dung tích tàu biển (TONNAGE 69), Quy tắc Quốc tế về tránh va trên biển (COLREG 72) và các điều ước Quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Được uỷ quyền cho Đăng kiểm nước ngoài thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho tàu biển, công trình dầu khí biển theo các công ước quốc tế kể trên khi chủ phương tiện yêu cầu.

4. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các tàu biển nước ngoài theo sự uỷ quyền cuả Chính phủ mà tàu treo cờ hoặc của các tổ chức đăng kiểm nước ngoài hoặc theo lệnh của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và khi chủ tàu yêu cầu.

5. Trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc cho phép các tổ chức đăng kiểm tàu biển nước ngoài được phép hoặc không được phép hoạt động đăng kiểm tàu biển tại Việt Nam.

6. Tham gia giám định về mặt kỹ thuật các sự cố tai nạn do thiết bị, phương tiện và công trình dầu khí biển gây ra.

7. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động đăng kiểm phương tiện nghề cá theo quy định của Nghị định số 72/1998/NĐ-CP ngày 15/9/1998 của Chính phủ về đảm bảo cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển và hướng dẫn thực hiện của liên Bộ Giao thông vận tải và Bộ Thuỷ sản.

Điều 7. Về lĩnh vực đăng kiểm phương tiện và thiết bị giao thông vận tải đường bộ và đường sắt

1. Thẩm tra thiết kế kỹ thuật liên quan đến việc chế tạo, lắp ráp, cải tạo phương tiện cơ giới đường bộ, thiết bị thi công và chuyên dùng, các hệ thống, thiết bị có liên quan.

2. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thiết bị thi công và chuyên dùng, các hệ thống, thiết bị có liên quan trong chế tạo, lắp ráp, cải tạo và xuất, nhập khẩu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

3. Định kỳ kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thiết bị thi công và chuyên dùng đang hoạt động theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

4. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động đăng kiểm đường sắt theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

5. Định kỳ kiểm tra và cấp giấy chứng nhận về độ chính xác của các thiết bị đo - kiểm tra sử dụng trong nghiệp vụ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các phương tiện cơ giới đường bộ.

Điều 8. Về lĩnh vực kiểm tra kỹ thuật các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn sử dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải

1. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các thiết bị xếp dỡ, nâng tải, vận thăng trong chế tạo, lắp ráp, sửa chữa và trong sử dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải.

2. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các loại nồi hơi, thiết bị chịu áp lực trong tất cả lĩnh vực vận tải, sản xuất công nghiệp cơ khí, xây dựng công trình thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.

Điều 9. Về lĩnh vực kiểm tra kỹ thuật các sản phẩm công nghiệp giao Thông vận tải

1. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng cho vật liệu, cấu kiện xây lắp, máy móc, trang thiết bị chế tạo trong nước và nhập khẩu chuyên dùng trong ngành giao thông vận tải để đóng mới, chế tạo, sửa chữa phương tiện, thiết bị giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, công trình dầu khí biển, thiết bị bảo vệ môi trường giao thông vận tải.

2. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận hoặc công nhận các cơ sở chế tạo, các Phòng thí nghiệm, các Trạm thử phục vụ kiểm tra các sản phẩm công nghiệp của các cơ sở sản xuất liên quan đến chất lượng và an toàn thuộc lĩnh vực quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

3. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn cho các loại Container sử dụng trong việc vận chuyển hàng hoá.

Điều 10. Về lĩnh vực đánh giá và cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng và an toàn

1. Đánh giá và cấp giấy chứng nhận phù hợp cho các hệ thống quản lý chất lượng, bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng ( ISO 9000 ) và quản lý môi trường ( ISO 14000 ) của Việt Nam hoặc quốc tế có liên quan.

2. Đánh giá và cấp giấy chứng nhận phù hợp cho các hệ thống quản lý an toàn của các doanh nghiệp và phương tiện thuộc phạm vi kiểm tra kỹ thuật của Cục Đăng kiểm Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và Quốc tế liên quan (ISM Code) mà Việt Nam tham gia

Điều 11. Về lĩnh vực tư vấn và dịch vụ khoa học kỹ thuật

Cục Đăng kiểm Việt Nam được tổ chức các dịch vụ khoa học kỹ thuật, dịch vụ tư vấn phù hợp với khả năng của Cục và nhu cầu của thị trường được Bộ Giao thông vận tải hoặc cấp có thẩm quyền cho phép.

Điều 12. Về lĩnh vực kinh tế tài chính

1. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Cục thực hiện đúng chính sách, chế độ tài chính, kế toán thống kê theo quy định của Nhà nước và Bộ Giao thông Vận tải.

2. Chỉ đạo, tổ chức bộ máy kế toán của Cục và các đơn vị trực thuộc Cục thực hiện các quy định về chế độ quản lý tài chính đối với hoạt động đăng kiểm; kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ về công tác tài chính kế toán cho phù hợp với đặc thù của ngành.

3. Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Cục lập kế hoạch thu, chi tài chính, tổng hợp trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Giao và kiểm tra các đơn vị trực thuộc Cục thực hiện kế hoạch thu chi tài chính theo quy định Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải và phân cấp của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

4. Xây dựng các biểu giá, phí và lệ phí có liên quan đến hoạt động đăng kiểm để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

5. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, phê duyệt báo cáo tài chính năm của các đơn vị trực thuộc; lập báo cáo tổng hợp quyết toán toàn ngành, trình Bộ Giao thông vận tải.

6. Tổ chức thực hiện các quy định có liên quan về quản lý vốn đầu tư khi được Chính phủ hoặc Bộ Giao thông vận tải giao là chủ đầu tư các dự án phát triển liên quan đến lĩnh vực hoạt động đăng kiểm.

7. Quản lý cơ sở vật chất, tài sản, kinh phí được giao theo quy định và phân cấp của Bộ Giao thông vận tải.

8. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê theo quy định.

Điều 13. Về lĩnh vực quan hệ quốc tế

1. Xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế, đàm phán, soạn thảo văn bản về quan hệ hợp tác với các tổ chức đăng kiểm quốc tế và các tổ chức đăng kiểm nước ngoài trong lĩnh vực hoạt động đăng kiểm trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

2. Gia nhập các tổ chức đăng kiểm quốc tế sau khi được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Được ký kết hợp tác với các cơ quan đăng kiểm hoặc các tổ chức nước ngoài có liên quan đến công tác đăng kiểm theo quy định của pháp luật.

3. Quản lý các dự án quốc tế tài trợ cho ngành đăng kiểm theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đồng thời giúp Bộ Giao thông vận tải xem xét các dự án hợp tác đầu tư với nước ngoài có liên quan đến hoạt động đăng kiểm.

Điều 14. Về lĩnh vực tổ chức, cán bộ và lao động

1. Lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sử dụng đội ngũ công chức, viên chức và lao động trực thuộc Cục để trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Xây dựng các chức danh tiêu chuẩn viên chức, định mức lao động và chế độ lao động đặc thù thuộc chuyên ngành đăng kiểm để trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành và tổ chức thực hiện.

3. Tổ chức kiểm tra, thanh tra các đơn vị thuộc Cục và tham gia cùng các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra các đơn vị trong ngành đăng kiểm để thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm và bảo hộ lao động chuyên ngành.

4. Quản lý tổ chức, định biên theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh lãnh đạo do Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quản lý.

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam được bổ nhiệm, miễm nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh còn lại thuộc quyền quản lý trực tiếp của Cục theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

5. Tổ chức việc đào tạo và bổ nhiệm Đăng kiểm viên, nghiên cứu viên và đánh giá viên chuyên ngành đăng kiểm theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

6. Chỉ đạo và tham gia với các cấp có thẩm quyền triển khai công tác bảo vệ chính trị nội bộ tại các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.

7. Thành lập, tổ chức lại, giải thể các Phòng, Ban nghiệp vụ và các tổ chức trực thuộc theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 15. Về lĩnh vực thanh tra Nhà nước

1. Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra các hoạt động đăng kiểm thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam theo quy định của Pháp Luật.

2. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo pháp lệnh về khiếu nại, tố cáo và quy chế hoạt động của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải.

3. Tổng hợp hoạt động thanh tra và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các đơn vị do Cục quản lý trực để báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Chương 3

TỔ CHỨC CỦA CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM

Điều 16. Tổ chức của Cục Đăng kiểm Việt Nam bao gồm:

1. Tổ chức bộ máy của Cục gồm có:

a. Các cơ quan giúp việc của Cục trưởng gồm có: Văn phòng, các Ban, các Phòng và các tổ chức tương đương.

b. Các Chi cục, Chi nhánh, Trạm Đăng kiểm, Trung tâm.

2. Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các Chi cục, Chi nhánh, các Trạm Đăng kiểm, các cơ quan giúp việc của Cục trưởng thực hiện theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

3. Cục trưởng là người đứng đầu và lãnh đạo Cục theo chế độ thủ trưởng; các Phó Cục trưởng giúp việc Cục trưởng đảm nhiệm phần công việc theo phân công của Cục trưởng. Khi Cục trưởng vắng mặt có một Phó Cục trưởng được ủy quyền thay mặt.

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Chương 4

MỐI QUAN HỆ GIỮA CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ LIÊN QUAN VÀ CÁC CƠ QUAN GIÚP VIỆC BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Điều 17. Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và chịu sự quản lý Nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về lĩnh vực liên quan.

Điều 18. Theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam được quyền quan hệ trực tiếp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các địa phương để giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động đăng kiểm.

Điều 19.

1. Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu sự hướng dẫn và kiểm tra nghiệp vụ quản lý của các cơ quan tham mưu giúp việc Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2. Cục Đăng kiểm Việt Nam có quan hệ phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan khác có liên quan trong việc thanh tra hoạt động đăng kiểm.

3. Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp với các Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) trong việc tổ chức quản lý hoạt động đăng kiểm ở địa phương; Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác đăng kiểm ở địa phương theo thẩm quyền.