CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 80-CT | Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 1991 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRONG QUAN HỆ VIỆN TRỢ VỚI CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng trưởng ngày 4-7-1981;
Xét đề nghị của các cơ quan có liên quan,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định trong quan hệ viện trợ với các tổ chức phi Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hoà bình, đoàn kết và hữu nghị của Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn thi hành Quyết định này.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
TRONG QUAN HỆ VIỆN TRỢ VỚI CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 80-CT ngày 28-3-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng).
Để nâng cao hiệu quả viện trợ của các Tổ chức phi Chính phủ (viết tắt là NGO);
Nhằm tăng cường mối quan hệ với các NGO, đồng thời bảo đảm yêu cầu về bảo vệ anh ninh chính trị;
Các Bộ, ngành, địa phương, đoàn thể quần chúng (dưới đầy viết tắt là các đơn vị) có quan hệ viện trợ với NGO cần chấp hành nghiêm chỉnh các quy định dưới đây:
1. Cơ quan đầu mối trong quan hệ viện trợ với các tổ chức phi Chính phủ là: Liên hiệp các tổ chức hoà bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam (viết tắt là: Liên hiệp hoà bình đoàn kết hữu nghị).
a/ Nhiệm vụ của cơ quan đầu mối.
- Nghiên cứu, tập hợp tư liệu về các NGO đã có quan hệ với ta và đề xuất đối sách; đối với các NGO chưa có quan hệ nhưng khả năng viện trợ cần chủ động tiếp xúc, vận động viện trợ.
- Có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ các đơn vị trong quan hệ với các NGO.
- Làm thủ tục đón các đoàn NGO đến Việt Nam làm việc về viện trợ theo Nghị định 184-HĐBT ngày 18-11-1989 của Hội đồng Bộ trưởng (trừ các đoàn NGO chỉ có quan hệ với một ngành, hoặc một địa phương, đoàn thể và đã được Nhà nước cho phép quan hệ trực tiếp), đón tiếp, bố trí chương trình làm việc, sau đó giới thiệu, hướng dẫn các đơn vị tự làm. Theo dõi việc thực hiện chương trình và kết quả làm việc của các đơn vị đón, làm việc với khách.
- Trực tiếp vận động viện trợ NGO trên cơ sở các dự án đã được Uỷ ban kế hoạch Nhà nước chuẩn bị (sẽ nêu ở điểm 2 dưới đây).
- Hướng dẫn các đơn vị nhận viện trợ làm các thủ tục đối ngoại cần thiết, gửi thư cảm ơn, tranh ảnh, tổ chức tiếp nhận tượng trưng...
- Phối hợp, thông báo cho các NGO về tình hình thiệt hại khi có thiên tai, tai hoạ lớn và yêu cầu viện trợ khẩn cấp khi được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giao nhiệm vụ (sẽ nêu rõ ở điểm 2).
- Hướng dẫn, giúp đỡ các Văn phòng đại diện NGO tại Việt Nam hoạt động theo đúng các qui chế, văn bản đã ký với Bộ Ngoại giao.
b/ Lề lối công tác.
- Là cơ quan đầu mối, Chủ tịch Liên hiệp hoà bình đoàn kết hữu nghị có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cần thành lập nhóm công tác về NGO, gồm đại diện có thẩm quyền của uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Ban Tôn giáo Chính phủ và Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, do Chủ tịch Liên hiệp hoà bình đoàn kết hữu nghị chủ trì, định kỳ họp hàng tháng hoặc 3 tháng để xác định các vấn đề thuộc chính sách, chủ chương, kế hoạch dài hạn với NGO.
Chi phí hoạt động của cơ quan đầu mối: do Ngân sách Nhà nước cấp.
2. Lập dự án và phân cấp quyết định viện trợ NGO.
a/ Lập dự án.
Các dự án tranh thủ viện trợ NGO do các đơn vị xây dựng, căn cứ vào:
- Nhu cầu và khả năng tiếp nhận viện trợ (vật tư, tiền vốn...) của ngành, địa phương và đơn vị.
- Hướng dẫn của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (bằng văn bản).
Trước khi gửi đến cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, các dự án phải có xác nhận, chấp thuận của Bộ hoặc Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu.
Vào tháng 10 hàng năm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng Bộ Tài chính và Liên hiệp hoà bình đoàn kết hữu nghị lựa chọn, sắp xếp thành "Bản danh mục các dự án đề nghị viện trợ NGO" cho năm sau, trên cơ sở các dự án của các đơn vị gửi đến.
- Liên hiệp hoà bình đoàn kết hữu nghị đảm nhiệm gửi bản danh mục các dự án đề nghị viện trợ này cho các cơ quan, đoàn thể trong nước và các NGO, sau khi có sự nhất trí của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và Ban Tôn giáo của Chính phủ.
(Riêng bản danh mục dự án của năm 1991 có thể công bố chậm hơn quy định nói trên, vào tháng 4 năm 1991).
Bản danh mục các đề án đề nghị viện trợ nói trên là cơ sở chủ yếu để các cơ quan, đơn vị vận động viện trợ của NGO.
b/ Các dự án, các khoản viện trợ đột xuất hoặc do các NGO chủ động đề nghị, hoặc Việt kiều, người nước ngoài gửi tặng, được phân cấp xử lý như sau:
- Trị giá dưới 50.000 USD, do Bộ trưởng, hoặc Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố quyết định và chịu trách nhiệm việc phân phối, sử dụng.
- Từ 50.000 USD đến 200.000 USD: do Bộ Tài chính (trao đổi thống nhất với Liên hiệp hoà bình đoàn kết hữu nghị) quyết định kế hoạch phân phối, sử dụng.
- Trị giá trên 200.000 USD: Bộ Tài chính bàn thống nhất với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Liên hiệp hoà bình đoàn kết hữu nghị trình Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng quyết định.
c/ Về vận động viện trợ khẩn cấp.
- Trường hợp thiên tai hoặc tai hoạ khác gây hậu quả lớn: Liên hiệp hoà bình đoàn kết hữu nghị chủ trì cùng các cơ quan liên quan (Ban chỉ huy chống lụt, bão Trung ương, Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh...) cân nhắc việc thông báo tình hình và nêu yêu cầu viện trợ khẩn cấp với những NGO có nhiều khả năng viện trợ. Tránh việc vận động viện trợ một cách tuỳ tiện, tràn lan.
- Trường hợp thiên tai và các tai hoạ khác gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xét thấy cần kêu gọi quốc tế viện trợ khẩn cấp thì Bộ Ngoại giao và Uỷ ban kế hoạch Nhà nước kiến nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
- Quản lý mọi nguồn viện trợ, gồm cả viện trợ NGO trong tổng thể tài chính quốc gia.
- Tham gia cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xem xét khả năng về vật tư, tiền vốn... của các đơn vị trong nước đối với các dự án viện trợ NGO.
- Thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát tài chính đối với các khâu viện trợ. Hướng dẫn các đơn vị về các thủ tục giao nhận viện trợ, ghi chép ban đầu, lập sổ sách, thanh quyết toán, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tiền, hàng viện trợ NGO.
4. Quản lý các hoạt động của NGO tại nước ta.
- Đơn vị đứng ra làm thủ tục xin đón khách NGO vào làm việc sẽ chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của họ tại nước ta theo đúng chương trình xác định trước, không được để khách tự tiếp xúc, hoạt động ngoài chương trình.
- Việc làm thủ tục đón đoàn phải theo đúng Nghị định số 184-HĐBT ngày 18-11-1989 của Hội đồng Bộ trưởng. Đối với các đoàn NGO phức tạp, hoặc thuộc tôn giáo nhất thiết phải có ý kiến nhất trí của Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ mới được đưa đón. Nếu ý kiến chưa thống nhất thì trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét quyết định.
- Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ và kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ an ninh chính trị trong tiếp xúc, làm việc của các đơn vị với các NGO. Ban Tôn giáo của Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ và kiểm tra việc thực hiện đường lối, chính sách tôn giáo của Nhà nước trong quan hệ với các NGO thuộc tôn giáo.
5. Thủ trưởng các Bộ, ngành, địa phương, đoàn thể chịu trách nhiệm chỉ đạo và điều hành công tác tranh thủ và quản lý viện trợ NGO của đơn vị mình trên các mặt công tác sau:
- Lập và phê duyệt các chương trình, dự án tranh thủ viện trợ NGO.
- Chỉ đạo thực hiện các dự án này, quản lý việc sử dụng viện trợ theo đúng cam kết với NGO và các quy định của Nhà nước về quản lý tiền, hàng viện trợ.
- Quản lý các hoạt động của các đoàn NGO làm việc với các đơn vị thuộc ngành, địa phương mình.
6. Chế độ báo cáo.
Định kỳ 6 tháng một lần, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tổ chức quần chúng liên quan có báo cáo tổng hợp tình hình viện trợ NGO; Liên hiệp hoà bình đoàn kết hữu nghị và Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ hàng tháng có báo cáo tóm tắt số liệu, tình hình, 6 tháng có báo cáo tổng hợp và cuối năm có báo cáo tổng kết, phân tích tình hình, rút kinh nghiệm và đề xuất các chủ trương mới.
Các báo cáo này gửi về Văn phòng Hội đồng bộ trưởng để tổng hợp trình Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng.
- 1 Thông tư 87-TC/VT năm 1994 hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ (NGO) do Bộ Tài chính ban hành
- 2 Quyết định 142-HĐBT năm 1990 thành lập Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ trực thuộc Bộ Tài chính do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3 Nghị định 184-HĐBT năm 1989 Quy định quản lý các đoàn của nước ta ra nước ngoài và các đoàn của nước ngoài vào nước ta do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4 Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng 1981