BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 803/QĐ-BVHTTDL | Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ĐẾN NĂM 2020”
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
Quan điểm chủ đạo xuyên suốt đối với phát triển du lịch Vùng đồng bằng sông Cửu Long là nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp thực sự quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vào nỗ lực xóa đói giảm nghèo cho người dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của cả nước, nâng cao vị thế ngành du lịch trên cơ sở khai thác có hiệu quả và bền vững những lợi thế về vị trí, tài nguyên của Vùng.
2. Mục tiêu phát triển
Phát triển du lịch dựa trên thế mạnh của từng khu vực, từng địa bàn trong Vùng, tạo sản phẩm đặc thù, độc đáo, tạo điểm đến đặc trưng khu vực, mở ra khả năng kết nối sản phẩm nội vùng, liên vùng, liên quốc gia, tạo hiệu quả kinh tế cao từ du lịch, góp phần cải thiện bộ mặt đô thị. Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch trong Vùng, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng gắn du lịch với xóa đói giảm nghèo, kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án về du lịch có quy mô và chất lượng quốc tế.
3. Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu
3.1. Về khách du lịch: Năm 2015 đạt 2,7 triệu lượt khách quốc tế và 5,2 triệu lượt khách nội địa. Năm 2020 đạt 3,9 triệu lượt khách quốc tế và 6,5 triệu lượt khách nội địa.
3.2. Về cơ sở lưu trú du lịch: Năm 2015 có tổng số 37.150 buồng khách sạn. Năm 2020 có 50.000 buồng khách sạn.
3.3. Về nguồn nhân lực du lịch: Năm 2015 có 154.700 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 54.100 lao động trực tiếp. Năm 2020 có 236.600 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 82.700 lao động trực tiếp.
3.4. Về thu nhập du lịch, giá trị GDP du lịch và nhu cầu đầu tư: Năm 2015 thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 723,1 triệu USD, giá trị GDP du lịch đạt 491,6 triệu USD. Năm 2020 thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 1.349,5 triệu USD, giá trị GDP du lịch đạt 877,1 triệu USD.
Nhu cầu đầu tư cho du lịch giai đoạn từ nay đến 2015 là 959,6 triệu USD. Nhu cầu đầu tư cho du lịch giai đoạn 2016-2020 là 963,7 triệu USD.
4. Các định hướng phát triển chủ yếu
4.1. Thị trường du lịch
Tập trung khai thác thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia và thị trường Việt kiều. Duy trì các thị trường Đông Bắc Á, Tây Âu, Bắc Mỹ.
Phát huy thị trường khách du lịch nội địa truyền thống của vùng là thị trường thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ. Khai thác thị trường khách từ Hà Nội.
4.2. Sản phẩm du lịch
Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của Vùng đồng bằng sông Cửu Long: du lịch tham quan sông nước, miệt vườn kết hợp nghỉ tại nhà dân, du lịch văn hóa tìm hiểu văn hóa các dân tộc trong Vùng, du lịch sinh thái, tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái đa dạng của vùng, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp (tại Phú Quốc, Hà Tiên).
Hình thành và phát huy các sản phẩm liên kết của từng khu vực tạo sức cạnh tranh cao cho các chương trình du lịch tổng hợp.
4.3. Tổ chức không gian du lịch vùng
Nhằm phát huy thế mạnh từng khu vực, xây dựng sản phẩm đặc thù trên cơ sở phân vùng sinh thái, văn hóa, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm liên kết, khai thác lợi thế về cơ sở vật chất của từng địa phương, phân vùng lãnh thổ du lịch đồng bằng sông Cửu Long được chia thành 4 cụm du lịch:
- Cụm trung tâm: gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang với sản phẩm nổi trội của vùng là du lịch tham quan sông nước, du lịch với mục đích thương mại, du lịch lễ hội và du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp.
- Cụm bán đảo Cà Mau: gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng với các sản phẩm du lịch quan trọng là tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer tại Sóc Trăng.
- Cụm duyên hải phía Đông: gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh với các sản phẩm chủ đạo là du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng.
- Cụm Đồng Tháp Mười: gồm 2 tỉnh Long An và Đồng Tháp với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước nội địa Đồng Tháp Mười.
4.4. Các tuyến du lịch vùng
* Tuyến du lịch đường bộ:
- Tuyến du lịch thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, từ trục này xuất phát các tuyến nhánh đi các địa phương khác trong vùng.
- Tuyến du lịch duyên hải theo quốc lộ 80.
- Tuyến N1 bám dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia.
* Tuyến du lịch đường hàng không:
Xuất phát từ vùng hiện có 4 sân bay Cần Thơ, Phú Quốc, Rạch Giá và Cà Mau tới các sân bay khác trong cả nước. Có khả năng kết nối với các tuyến hàng không quốc tế qua các sân bay Cần Thơ và Phú Quốc.
* Tuyến du lịch đường sông:
- Tuyến du lịch dọc sông Tiền, và sông Hậu.
- Tuyến kết nội đường sông với thành phố Hồ Chí Minh.
* Tuyến du lịch đường biển:
Các tuyến du lịch đường biển quốc tế kết nối đồng bằng sông Cửu Long với khu vực qua cảng An Thới, Phú Quốc.
4.5. Định hướng đầu tư
- Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành: khách sạn, các khu du lịch tổng hợp có chất lượng cao, cơ sở vui chơi giải trí và cung cấp các dịch vụ bổ sung đạt tiêu chuẩn quốc tế, các cơ sở đào tạo, tuyên truyền quảng bá du lịch.
- Đầu tư cho các ngành dịch vụ có liên quan đến tổ chức hoạt động du lịch.
- Đầu tư kết cấu hạ tầng đạt chất lượng cao, đặc biệt là trong các khu du lịch. Đầu tư các cảng du lịch (Mỹ Tho, Cần Thơ, Châu Đốc, Rạch Giá, Phú Quốc...), sân bay quốc tế ở Phú Quốc, Cần Thơ và các sân bay du lịch ở các trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Hàm Luông, mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1A và các tuyến N1, N2 cùng dự án đường sắt cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Đầu tư phát triển các điểm dịch vụ dọc các tuyến du lịch và các đầu mối giao thông.
- Đầu tư bảo tồn, tôn tạo để làm tăng giá trị tài nguyên và môi trường sinh thái cho các khu khai thác du lịch.
- Đầu tư phục hồi, phát triển các lễ hội nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của lễ hội.
- Đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch.
- Đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng công nghệ - khoa học trong quản lý và kinh doanh du lịch.
- Đầu tư cho nghiên cứu ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong hoạt động khai thác phát triển du lịch.
5. Các giải pháp thực hiện đề án
5.1. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực: Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương. Nâng cao năng lực cán bộ quản lý du lịch. Chú trọng phát triển hệ thống các cơ sở dạy nghề.
5.2. Chính sách về thuế và tài chính: Xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù về việc ưu đãi thuế. Ưu tiên, miễn giảm thuế, cho chậm tiền thuế có thời hạn, giảm tiền thuế đất, cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch ở các vùng đất còn hoang sơ, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, các điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Đề xuất các ưu đãi cụ thể về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với các doanh nghiệp du lịch.
5.3. Giải pháp về quy hoạch: Các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch phù hợp với định hướng phát triển chung của cả vùng nhằm đảm bảo hiệu quả và năng lực cạnh tranh du lịch. Xây dựng quy hoạch chi tiết các trọng điểm du lịch làm cơ sở kêu gọi vốn đầu tư.
5.4. Giải pháp về tổ chức quản lý: Nâng cao vai trò quản lý của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương. Phối hợp tốt với các hiệp hội du lịch các địa phương và Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường công tác quản lý phát triển theo quy hoạch. Chú trọng công tác thống kê và xây dựng hệ thống thông tin quản lý du lịch.
5.5. Giải pháp về đầu tư: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung đầu tư các khu du lịch quốc gia làm điểm đột phá thúc đẩy phát triển du lịch cả Vùng kết hợp phát triển các sản phẩm đặc thù, có chất lượng cao của từng địa phương, từng vùng, miền. Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch. Đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Tập trung nguồn vốn ngân sách cho các dự án phát triển hạ tầng. Kêu gọi các hình thức đầu tư cả trong và ngoài nước, khuyến khích người dân tự đầu tư khai thác phát triển du lịch.
5.6. Giải pháp thị trường, xúc tiến quảng bá: Điều tra đánh giá thị trường, từ đó xây dựng chiến lược thị trường - sản phẩm, xác định các thị trường ưu tiên cho từng giai đoạn. Xây dựng hệ thống điều tra phỏng vấn, thu thập thông tin phản hồi từ khách và các doanh nghiệp lữ hành làm cơ sở cho việc điều chỉnh hoạt động đầu tư khai thác, kinh doanh du lịch. Tổ chức các hoạt động đánh giá hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến. Sử dụng, khai thác mọi hình thức hiệu quả quảng bá xúc tiến du lịch đồng bằng sông Cửu Long tiến tới xây dựng hình ảnh du lịch đồng bằng sông Cửu Long thống nhất, hấp dẫn.
5.7. Giải pháp hợp tác phát triển: Tăng cường hợp tác phát triển giữa các địa phương trong vùng nhằm khai thác phát huy lợi thế của từng địa phương, tăng cường khả năng cạnh tranh chung của cả vùng. Phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long trong điều phối đầu tư, khai thác, kinh doanh du lịch cũng như đào tạo phát triển nguồn nhân lực và quảng bá, xúc tiến du lịch. Kết hợp chặt chẽ du lịch đồng bằng sông Cửu Long với du lịch thành phố Hồ Chí Minh và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tăng cường hợp tác phát triển với các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, đặc biệt là với Campuchia.
5.8. Nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ: Tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển du lịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kinh doanh và quảng bá, xúc tiến du lịch. Tăng cường nghiên cứu, áp dụng các công nghệ phục vụ cải thiện môi trường, thân thiện với môi trường. Học tập và áp dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trong phát triển du lịch.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Tổng cục Du lịch và các Vụ chức năng phối hợp với các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Vùng đồng bằng sông Cửu Long tổ chức triển khai thực hiện Đề án "Phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020", định kỳ cập nhật, đề xuất, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển.
2. Đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện các mục tiêu của Đề án, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Tổng cục Du lịch, các Vụ chức năng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |