Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 81/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 81/2005/QĐ-TTG NGÀY 18 THÁNG 4 NĂM 2005 VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DẠY NGHỀ NGẮN HẠN CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Quy định chính sách hỗ trợ kinh phí dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn với các nội dung sau:

1. Đối tượng:

Là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu học nghề, đủ điều kiện xét tuyển vào các khoá học nghề ngắn hạn.

Ưu tiên lao động bị mất đất sản xuất do Nhà nước thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; lao động thuộc diện chính sách, dân tộc thiểu số; lao động nữ và lao động chưa có việc làm.

2. Điều kiện hỗ trợ: các khoá dạy nghề ngắn hạn cho đối tượng nêu tại khoản 1 Điều này được hỗ trợ kinh phí dạy nghề khi có đủ các điều kiện sau:

a) Có thời gian dạy nghề từ 01 (một) tháng trở lên và khoá học đó được ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt trong kế hoạch hỗ trợ hàng năm.

b) Do các cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo có chức năng dạy nghề thực hiện theo chương trình, giáo trình được cấp có thẩm quyền ban hành; với các hình thức: dạy nghề tập trung tại cơ sở dạy nghề, tại doanh nghiệp, tại làng nghề, tại cơ sở sản xuất hoặc dạy nghề lưu động; tuân thủ quy định hiện hành về kiểm tra, đánh giá và cấp chứng chỉ nghề khi kết thúc khoá học.

3. Mức hỗ trợ tối đa 300.000 đồng/người/tháng và không quá 1.500.000 đồng/người/khoá học nghề.

Mức hỗ trợ cụ thể cho từng khóa học do ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định phù hợp với khả năng ngân sách và điều kiện của địa phương.

4. Kinh phí được phân bổ và cấp cho cơ sở dạy nghề, không cấp trực tiếp cho người học nghề.

Điều 2. Nguồn kinh phí, quản lý và sử dụng kinh phí:

1. Nguồn kinh phí:

a) Ngân sách địa phương bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề thường xuyên được giao hàng năm.

b) Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách và có số lượng lớn lao động nông thôn.

c) Lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án trên địa bàn.

d) Huy động từ doanh nghiệp, đóng góp của người học và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Quản lý, sử dụng kinh phíí

a) Bộ Tài chính chủ trì, thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định tổng mức kinh phí dự kiến bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; trên cơ sở tổng mức kinh phí được duyệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến phân bổ kinh phí cho từng địa phương, gửi Bộ Tài chính cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và có số lượng lớn lao động nông thôn thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn.

b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Hàng năm chủ động cân đối từ nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương.

- Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn huy động, đóng góp khác cho dạy nghề lao động nông thôn đúng mục đích, có hiệu quả và theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn quản lý:

a) Xây dựng kế hoạch, cân đối ngân sách và huy động nguồn lực.

b) Chỉ đạo các cơ quan có liên quan, các quận, huyện và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tổ chức thực hiện dạy nghề có hiệu quả.

c) Quy định đối tượng, mức đóng góp và chính sách miễn, giảm học phí phù hợp với thực tế ở địa phương, đảm bảo công bằng và khuyến khích xã hội hóa dạy nghề.

d) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện, đảm bảo các chính sách hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Hướng dẫn các địa phương xây dựng, tổng hợp kế hoạch và phân bổ ngân sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện.

b) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, giáo trình dạy nghề; quy định các hình thức đào tạo, đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ nghề.

3. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch, dự toán ngân sách dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn trình Chính phủ giao dự toán ngân sách cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện; hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)