Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 21 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ÁP DỤNG THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA TẠI SỞ TƯ PHÁP TỈNH BẮC NINH

CHỦ TỊCH UBND TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26.11.2003;

Căn cứ Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22.6.2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

Xét Tờ trình số 06/TTr-SNV ngày 14.1.2011 của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định về lĩnh vực, thời gian giải quyết các công việc áp dụng thực hiện theo cơ chế một cửa tại Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh, cụ thể như sau:

1. Lĩnh vực công việc và thời gian giải quyết:

- Đăng ký khai sinh: Trong ngày

- Đăng ký khai tử: Trong ngày.

- Đăng ký kết hôn: 30 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trong trường hợp có yêu cầu cơ quan Công an xác nhận, thì thời hạn được kéo dài thêm 20 ngày.

- Nhận cha, mẹ, con: 45 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ; nếu cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài thêm 20 ngày.

- Đăng ký giám hộ: 05 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; nếu cần phải xác minh thêm thì thời hạn được kéo dài không quá 05 ngày.

- Ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài: Trong ngày.

- Đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nuôi con nuôi: 05 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; nếu cần phải xác minh thêm thì thời hạn được kéo dài không quá 05 ngày.

- Cấp lại bản chính giấy khai sinh: Trong ngày.

- Cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ gốc: Trong ngày.

- Đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch: 05 ngày; nếu cần xác minh thêm thì thời hạn có thể kéo dài thêm 05 ngày.

- Đăng ký việc thay đổi, chấm dứt giám hộ: 05 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Công nhận việc kết hôn đã được tiến hành ở nước ngoài (ghi chú kết hôn): Trong ngày.

Trong trường hợp công dân Việt Nam vắng mặt khi làm thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì khi có yêu cầu công nhận việc kết hôn đó tại Việt Nam, Sở Tư pháp tiến hành phỏng vấn các bên kết hôn để làm rõ sự tự nguyện kết hôn của họ. Thời hạn phỏng vấn các bên do Sở Tư pháp xác định.

- Ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam: 13 ngày.

- Cấp phiếu lý lịch tư pháp: 10 ngày

Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật lý lịch tư pháp, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật lý lịch tư pháp thì thời hạn không quá 20 ngày.

- Thành lập Văn phòng Công chứng: 20 ngày

- Cấp đăng ký hoạt động Văn phòng Công chứng: 10 ngày

- Cấp giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng Luật sư: 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Cấp Giấy đăng ký hoạt động của công ty luật hợp danh hoặc công ty luật trách nhiệm hữu hạn: 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Cấp giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư: 07 ngày

- Chuyển đổi công ty luật TNHH một thành viên sang công ty luật TNHH hai thành viên trở lên, chuyển đổi công ty luật TNHH hai thành viên trở lên sang công ty luật TNHH một thành viên: 07 ngày.

- Đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân: 07 ngày

- Cấp Giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài: 10 ngày.

- Cấp Giấy đăng ký hoạt động cho công ty luật nước ngoài: 10 ngày

- Cấp Giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh của công ty luật nước ngoài: 10 ngày.

- Cấp lại Giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh, công ty luật nước ngoài do bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác: 10 ngày.

- Cấp lại Giấy đăng ký hoạt động do thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động của công ty luật nước ngoài: 10 ngày

- Cấp lại Giấy đăng ký hoạt động do thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài: 10 ngày

- Đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật: 07 ngày

- Đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài: 10 ngày

- Nhập quốc tịch Việt Nam: 115 ngày (thời gian giải quyết thực tế tại các cơ quan có thẩm quyền từ tỉnh đến Trung ương).

- Thôi quốc tịch Việt Nam: 80 ngày (thời gian thực tế giải quyết hồ sơ tại các cơ quan có thẩm quyền).

- Trở lại quốc tịch Việt Nam: 85 ngày (thời gian thực tế giải quyết hồ sơ tại các cơ quan có thẩm quyền)

- Cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam: 15 ngày (thời gian thực tế giải quyết hồ sơ tại các cơ quan có thẩm quyền).

- Cấp giấy xác nhận người gốc Việt Nam: 20 ngày

2. Tổ chức, công dân có yêu cầu được giải quyết những công việc thuộc các lĩnh vực quy định tại điều 1 của văn bản này, nộp hồ sơ trực tiếp cho “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” của Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh để được giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm hướng dẫn, nhận hồ sơ, trả kết quả theo quy định của pháp luật

3. Những hồ sơ của tổ chức, công dân không thuộc lĩnh vực công việc thực hiện theo cơ chế một cửa quy định tại Điều 1 của văn bản này, nhưng thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp thì tổ chức, công dân nộp hồ sơ trực tiếp cho cán bộ, công chức hoặc phòng chuyên môn có liên quan của Sở Tư pháp để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 2. Phí và lệ phí

Việc thu phí và lệ phí được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 3. Mọi tổ chức, công dân khi đến liên hệ giải quyết những công việc thực hiện theo cơ chế “một cửa” tại Sở Tư pháp có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh những quy định tại văn bản này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 4. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm:

1. Bố trí cán bộ, công chức đúng chuyên môn, nghiệp vụ làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả;

2. Ban hành quy chế quy định quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký, trả lại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; trách nhiệm của các bộ phận, cơ quan liên quan trong thực hiện cơ chế một cửa; trách nhiệm của cán bộ, công chức làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả;

3. Niêm yết công khai các quy định, thủ tục hành chính, giấy tờ, hồ sơ, mức thu phí, lệ phí và thời gian giải quyết các loại công việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả;

4. Tập huấn về nghiệp vụ và cách giao tiếp với tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết công việc đối với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả;

5. Thông tin, tuyên truyền để tổ chức, cá nhân biết về hoạt động của cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Điều 5. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, tổ chức thực hiện cơ chế một cửa theo quy định tại quyết định này và quy định của pháp luật, đạt kết quả cao; tổng hợp tình hình, định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Sở Tư pháp có trách nhiệm kịp thời báo cáo Sở Nội vụ để xem xét, giải quyết, hoặc trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Quyết định này thay thế Quyết định số 65/2006/QĐ-UBND, ngày 01/6/2006 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc áp dụng thực hiện cơ chế “một cửa” tại Sở Tư pháp.

Điều 7. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tư pháp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Văn Túy