Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 810/QĐ-NHNN

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NGÂN HÀNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 nám 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh toán.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Lưu: VP, TT(3b).

THỐNG ĐỐC




Nguyễn Thị Hồng

 

KẾ HOẠCH

CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NGÂN HÀNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

2. Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.

3. Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0.

4. Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

5. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030”.

6. Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 đến năm 2030.

7. Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.

8. Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT ngày 12 tháng 10 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Đề án “Xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia”.

9. Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 07 tháng 01 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

10. Quyết định số 528/QĐ-NHNN ngày 29 tháng 3 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.

11. Quyết định số 2655/QĐ-NHNN ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

12. Quyết định số 1238/QĐ-NHNN ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0.

13. Quyết định số 1345/QĐ-NHNN ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

14. Quyết định số 260/QĐ-NHNN ngày 04 tháng 3 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0, chương trình chuyển đổi số quốc gia và chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

3. Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng cung ứng sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu khách hàng là thước đo hiệu quả của quá trình chuyển đổi số.

4. Chuyển đổi số phải đi liền với công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và sự phát triển bền vững, hiệu quả của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam.

5. Áp dụng kinh nghiệm quốc tế về các giải pháp đột phá thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số ngành Ngân hàng ở Việt Nam.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

1.1. Đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ.

1.2. Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.

2. Một số mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025

2.1.1. Đối với Ngân hàng Nhà nước:

a) 100% các dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4;

b) 100% dịch vụ công mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia;

c) 90% hồ sơ công việc tại Ngân hàng Nhà nước được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

d) Ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước;

đ) 100% các chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước (không thuộc phạm vi bí mật nhà nước) được ký chữ ký số và gửi thông qua hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành;

e) 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của Ngân hàng Nhà nước được xác thực điện tử.

2.1.2. Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng):

a) Ít nhất 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số;

b) Ít nhất 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử;

c) Ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng internet);

d) Ít nhất 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%;

đ) Ít nhất 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động;

e) Ít nhất 70% hồ sơ công việc tại tổ chức tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

2.2. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030

Tiếp tục duy trì các mục tiêu cơ bản đến năm 2025 đã đạt được và hướng đến đạt các mục tiêu cụ thể như sau:

2.2.1. Đối với Ngân hàng Nhà nước:

a) Ít nhất 70% hoạt động kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước;

b) 100% hồ sơ công việc tại Ngân hàng Nhà nước được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

2.2.2. Đối với tổ chức tín dụng:

a) Ít nhất 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số;

b) Ít nhất 80% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử;

c) Ít nhất 80% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số;

d) Ít nhất 80% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%;

đ) Ít nhất 70% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động;

e) Ít nhất 90% hồ sơ công việc tại tổ chức tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng

1.1. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực được phụ trách; Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với chiến lược phát triển, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của từng cơ quan, tổ chức.

1.2. Công bố và tổ chức sự kiện “Ngày chuyn đổi số” hàng năm của ngành Ngân hàng.

1.3. Xây dựng các chương trình truyền thông, tổ chức các lớp bồi dưỡng, hoạt động, sự kiện nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số.

1.4. Triển khai các chương trình giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp để tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, hiệu quả.

1.5. Lồng ghép nội dung về thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng trong phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát động; vinh danh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số.

2. Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng

2.1. Nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề cần được Luật hóa để phù hợp với thực tiễn và xu hướng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng, từng bước tạo lập nền tảng pháp lý vững chắc cho việc hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số.

2.2. Rà soát, nghiên cứu, đề xuất ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, ưu tiên vào một số vấn đề sau:

2.2.1. Quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý giám sát hoạt động thanh toán, thanh toán trong nước và xuyên biên giới nhằm tạo thuận lợi cho cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

2.2.2. Quy định về hoạt động cho vay để cho phép thực hiện bằng phương thức điện tử và tự động hóa quy trình cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

2.2.3. Quy định nhằm khuyến khích, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng các công nghệ số (như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, học máy,...) trong hoạt động ngân hàng.

2.2.4. Quy định về thu thập, khai thác, xử lý và chia sẻ dữ liệu khách hàng với bên thứ ba, hướng tới việc phát triển ngân hàng mở (Open banking), đa dạng hệ sinh thái ngân hàng.

2.2.5. Quy định về giao dịch điện tử trong ngành ngân hàng.

2.2.6. Quy định về an ninh, an toàn bảo mật và cung ứng dịch vụ ngân hàng trên môi trường Internet trong ngành Ngân hàng.

2.2.7. Xây dựng và triển khai Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Fintech Sandbox).

2.2.8. Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung Ương.

2.3. Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành Ngân hàng nhằm phục vụ việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu trong ngành Ngân hàng và giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác.

3. Phát triển hạ tầng số

3.1. Hiện đại hóa hạ tầng thanh toán, nâng cao khả năng kết nối, liên thông:

3.1.1. Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS), hướng tới vận hành theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường khả năng kết nối liên thông với hệ thống khác trong nền kinh tế và sẵn sàng kết nối hệ thống thanh toán tổng tức thời (RTGS) của các quốc gia trong khu vực theo lộ trình phù hợp.

3.1.2. Mở rộng và phát triển Hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử cho các giao dịch thanh toán bán lẻ hướng tới thiết lập hạ tầng thanh toán thống nhất, đồng bộ, có khả năng: tích hợp, kết nối các ngành, lĩnh vực khác, từ đó mở rộng hệ sinh thái số và triển khai các dịch vụ thanh toán 24/7; hỗ trợ xử lý các phương thức thanh toán, mô hình kết nối mới (thanh toán thông qua mã phản hồi nhanh QR, các giao dịch Ví điện tử, tiền di động, thanh toán thẻ, tài khoản thanh toán,...); kết nối, liên thông cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới.

3.2. Triển khai mở rộng hạ tầng kết nối, cung cấp thông tin:

3.2.1. Nâng cấp cơ sở hạ tầng xử lý dữ liệu và phân loại, cung cấp thông tin tín dụng trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối,...

3.2.2. Nâng cấp cổng thông tin kết nối giữa Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia với hệ thống quản trị rủi ro, đánh giá tín dụng của các tổ chức tín dụng để cho phép khai thác, kiểm tra thông tin tín dụng khách hàng trực tuyến.

3.3. Nghiên cứu và triển khai hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng.

3.4. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước làm nền tảng triển khai Chính phủ điện tử tại Ngân hàng Nhà nước, kết nối, chia sẻ với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô từ trung ương tới địa phương của Chính phủ, các bộ ngành khác thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của Chính phủ.

4. Xây dựng và triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử tại Ngân hàng Nhà nước

4.1. Triển khai chuyển đổi số hoạt động của Ngân hàng Nhà nước theo Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0.

4.2. Triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước.

4.3. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát và vận hành nội bộ của Ngân hàng Nhà nước.

5. Hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số tại tổ chức tín dụng

5.1. Xây dựng và triển khai Kế hoạch/Chiến lược chuyển đổi số, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ ngân hàng số dựa trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, ngân hàng lõi hiện đại tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước, quốc tế, có khả năng kết nối liên thông, đáp ứng yêu cầu quản trị điều hành, phù hợp với nhu cầu, năng lực và tiềm lực của tổ chức tín dụng.

5.2. Nghiên cứu, xây dựng, triển khai các mô hình chi nhánh cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch tự động, tự phục vụ (self-service) trên cơ sở ứng dụng công nghệ số.

5.3. Thúc đẩy nghiên cứu và triển khai các ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (A.I) và các công nghệ số trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng: phân tích, dự đoán nhu cầu, tối ưu hóa hành trình, trải nghiệm khách hàng; phát hiện gian lận, lưu trữ thông tin, phân tích dữ liệu; tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ nội bộ, tiết giảm chi phí và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tức thời cho khách hàng thông qua trợ lý ảo, robot.

5.4. Nghiên cứu áp dụng giải pháp chấm điểm tín dụng với kho dữ liệu khách hàng, dữ liệu mở, dữ liệu bên thứ ba và mô hình chấm điểm đáng tin cậy để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay bằng phương thức điện tử.

5.5. Đẩy mạnh nghiên cứu tích hợp, kết nối mở rộng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ hướng đến các mô hình kinh doanh mới như Ngân hàng mở để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn tiện lợi với chi phí thấp.

5.6. Xây dựng và triển khai Khung quản lý rủi ro tổng thể bao gồm tối thiểu các rủi ro hoạt động, nghiệp vụ, công nghệ thông tin và pháp lý.

5.7. Triển khai các mô hình hoạt động, phương pháp phát triển sản phẩm theo hướng tinh gọn, linh hoạt.

5.8. Nghiên cứu, áp dụng các chính sách phí phù hợp cho các giao dịch nhỏ lẻ thực hiện trên môi trường số để khuyến khích khách hàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ ngân hàng trên các kênh số.

6. Phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số

6.1. Nâng cấp cơ sở dữ liệu tập trung của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng theo mô hình dữ liệu lớn và đẩy mạnh việc thu thập, làm sạch dữ liệu từ các điểm tiếp xúc số, từ các nguồn dữ liệu khác.

6.2. Đẩy mạnh phân tích, khai phá tri thức từ dữ liệu phục vụ nhu cầu cá nhân hóa sản phẩm, dịch vụ, tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động.

7. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng

7.1. Nâng cao năng lực bảo vệ hệ thống mạng, cơ sở dữ liệu và các hệ thống thông tin có trao đổi dữ liệu trên môi trường mạng, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

7.2. Thường xuyên rà soát, đánh giá rủi ro để có phương án phòng bị và giải pháp ứng phó kịp thời trong toàn bộ quy trình thiết kế, vận hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng.

7.3. Triển khai hiệu quả công tác kiểm soát nội bộ về an ninh, an toàn thông tin để kịp thời phát hiện, cảnh báo và có biện pháp ngăn chặn những rủi ro phát sinh trong hoạt động nghiệp vụ và vận hành nội bộ.

7.4. Tăng cường chia sẻ thông tin về các nguy cơ đe dọa an ninh mạng giữa các tổ chức trong ngành Ngân hàng.

7.5. Nghiên cứu xây dựng Trung tâm điều hành An ninh mạng (SOC) tập trung của Ngân hàng Nhà nước.

8. Phát triển nguồn nhân lực

8.1. Có chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức, trình độ về công nghệ thông tin và kỹ năng về chuyển đổi số.

8.2. Thường xuyên triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho nhân lực ngành Ngân hàng.

8.3. Sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo đại học, sau đại học chuyên ngành Ngân hàng - Tài chính về các nội dung nghiệp vụ ngân hàng gắn với hoạt động chuyển đổi số và mô hình ngân hàng số.

8.4. Thúc đẩy hợp tác, áp dụng kinh nghiệm quốc tế và thu hút lực lượng chuyên gia từ nước ngoài có kinh nghiệm triển khai tham gia đào tạo; tham gia mạng lưới chuyên gia về chuyển đổi số của ngành.

9. Một số giải pháp, nhiệm vụ khác

9.1. Tăng cường hợp tác, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác nước ngoài về chuyển đổi số ngành Ngân hàng; tham gia tích cực vào các diễn đàn hợp tác song phương, đa phương trong khu vực và quốc tế về đổi mới sáng tạo; chủ trì, dẫn dắt triển khai một số sáng kiến về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.

9.2. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng.

9.3. Hàng năm, tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp chuyển đổi số; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong triển khai chương trình tín dụng ưu đãi (chương trình cho vay kích cầu đầu tư, cho vay với lãi suất ưu đãi) cho các doanh nghiệp công nghệ số nhằm hỗ trợ các sản phẩm chuyển đổi số chủ lực và doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ các nguồn: Ngân sách nhà nước; vay ưu đãi, tài trợ của các tổ chức quốc tế và trong nước; kinh phí của các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và các nguồn vốn hợp pháp khác.

2. Ưu tiên kinh phí để phục vụ các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số, tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn an ninh mạng, hợp tác quốc tế, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số và chuyển đổi kỹ năng trong môi trường số và các nhiệm vụ, dự án do cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng thực hiện chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số và đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch. Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là Trưởng ban. Chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc và thành phần Ban Chỉ đạo do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

2. Phân công trách nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu

2.1. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chủ động tổ chức triển khai Kế hoạch này trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và Phụ lục nhiệm vụ trọng tâm ban hành kèm theo Quyết định này. Định kỳ hàng năm (trước ngày 15 tháng 11) báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả thực hiện Kế hoạch này (qua Vụ Thanh toán) để theo dõi, tổng hợp.

2.2. Vụ Thanh toán

2.2.1. Tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, đánh giá tình hình triển khai Kế hoạch và xây dựng các báo cáo tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch định kỳ hàng năm.

2.2.2. Đầu mối phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Vụ Truyền thông và các đơn vị liên quan tham mưu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc lựa chọn và công bố, tổ chức sự kiện “Ngày chuyển đổi số” hàng năm của ngành Ngân hàng. Đồng thời, phối hợp với Vụ Truyền thông triển khai các hoạt động truyền thông liên quan, góp phần chuyển đổi nhận thức, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

2.2.3. Đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan:

a) Năm 2025 tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, đề xuất xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu và bổ sung, sửa đổi các nhiệm vụ, giải pháp (nếu cần thiết) cho giai đoạn tiếp theo;

b) Năm 2030 tổ chức tổng kết đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

2.3. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đầu mối tham mưu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp chuyển đổi số định kỳ hàng năm và triển khai chương trình tín dụng ưu đãi (chương trình cho vay kích cầu đầu tư, cho vay với lãi suất ưu đãi) cho các doanh nghiệp công nghệ số nhằm hỗ trợ các sản phẩm chuyển đổi số chủ lực và doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.

2.4. Cục Công nghệ thông tin

Đầu mối phối hợp với Văn phòng Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số tại Ngân hàng Nhà nước.

2.5. Vụ Thi đua - Khen thưởng

Phối hợp với Vụ Thanh toán và các đơn vị liên quan lựa chọn, đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số nhân dịp sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

2.6. Vụ Tài chính - Kế toán

Bố trí kinh phí hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của Ngân hàng Nhà nước phục vụ cho việc nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Kế hoạch chuyển đổi số của Ngân hàng Nhà nước tại Quyết định này./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NGÂN HÀNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11 tháng 5 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

TT

Tên nhiệm vụ

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

Sản phẩm đầu ra dự kiến

1

Chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng

1.1

Công bố và tổ chức sự kiện “Ngày chuyển đổi số” hàng năm của ngành Ngân hàng.

Vụ Thanh toán (TT)

Văn phòng NHNN, Vụ Truyền thông (TTh) và các đơn vị liên quan

Hàng năm

Công bố và tổ chức sự kiện “Ngày chuyển đổi số

1.2

Xây dựng các chương trình truyền thông, tổ chức các lớp bồi dưỡng, hoạt động, sự kiện nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số.

Vụ TTh

Vụ TT, Thời báo Ngân hàng, Tạp chí Ngân hàng, các Vụ, Cục NHNN và tổ chức tín dụng (TCTD), trung gian thanh toán (TGTT).

Hàng năm

Chương trình truyền thông, Hội thảo, Hội nghị

1.3

Triển khai các chương trình giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp để tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, hiệu quả.

Vụ TTh

Viện Chiến lược ngân hàng (VCL), Vụ Hợp tác quốc tế (HTQT), Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, các đơn vị có liên quan khác, TCTD, TGTT.

2021- 2025

- Các chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Các cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo liên quan.

1.4

Lồng ghép nội dung về thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng trong phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát động; vinh danh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số.

Vụ Thi đua, khen thưởng (TĐKT)

Vụ TT và các đơn vị liên quan

Hàng năm

Hướng dẫn và các hình thức khen thưởng.

2

Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng

2.1

Nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề cần được Luật hóa để phù hợp với thực tiễn và xu hướng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng, từng bước tạo lập nền tảng pháp lý vững chắc cho việc hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số

Vụ TT, Vụ Pháp chế (PC), Cục CNTT

Vụ TT, Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Vụ Chính sách tiền tệ (CSTT), Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (TD), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) và các đơn vị liên quan; TCTD, TGTT.

2021- 2025

- Báo cáo/ văn bản rà soát góp ý nội dung đề xuất sửa đổi Luật TCTD, Luật NHNN, Luật Phòng, chống rửa tiền,.. sửa đổi, bổ sung.

- Văn bản góp ý, đề xuất của ngành Ngân hàng sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử và các văn bản Luật liên quan khác...

2.2

Sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý giám sát hoạt động thanh toán, thanh toán xuyên biên giới nhằm tạo thuận lợi cho cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Vụ TT

Vụ PC và các đơn vị liên quan

2021 - 2022

Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP và các Thông tư thay thế/ sửa đổi, bổ sung/ mới ban hành

2.3

Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế xác thực giao dịch theo hướng cân đối giữa xác thực khách hàng mạnh (Strong customer authentication) và trải nghiệm khách hàng xuyên suốt (seamless customer experience).

Cục CNTT

Vụ TT và các đơn vị liên quan

2021

Quyết định 630/QĐ-NHNN sửa đổi/ bổ sung.

2.4

Rà soát, nghiên cứu, đề xuất quy định về hoạt động cho vay để cho phép thực hiện bằng phương thức điện tử và tự động hóa toàn bộ quy trình cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng

Vụ CSTT

Vụ TT và các đơn vị liên quan

2021- 2022

Báo cáo rà soát và đề xuất ban hành (hoặc sửa đổi, bổ sung) các văn bản pháp luật có liên quan

2.5

Sửa đổi, bổ sung quy định kiểm soát nội bộ theo hướng cho phép thực hiện bằng phương thức điện tử và tự động hóa toàn bộ quy trình cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng

Cơ quan TTGSNH

Vụ TT, Vụ CSTT và các đơn vị liên quan

2022

Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 13/2018/TT-NHNN .

2.6

Sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn về nghiệp vụ bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng, tài trợ chuỗi cung ứng trên kênh số.

Vụ TD

Vụ TT, Vụ CSTT và các đơn vị liên quan

2022

Các Thông tư được sửa đổi/ bổ sung/ ban hành.

2.7

Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để cho phép ứng dụng công nghệ số trong các giao dịch ngoại hối.

Vụ Quản lý ngoại hối (QLNH)

Vụ PC, Vụ QLNH TTGSNH và các đơn vị liên quan

2021

Báo cáo rà soát và đề xuất ban hành (hoặc sửa đổi, bổ sung) các văn bản pháp luật có liên quan

2.8

Nghiên cứu, rà soát các quy định để cho phép ứng dụng các công nghệ số (như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, học máy,...) trong hoạt động ngân hàng.

Cục CNTT

Vụ PC, Vụ TT, TTGSNH và các đơn vị liên quan

2022

Báo cáo nghiên cứu.

2.9

Nghiên cứu, rà soát quy định về thu thập, khai thác, xử lý và chia sẻ dữ liệu khách hàng với bên thứ ba, hướng tới việc phát triển ngân hàng mở (Open banking), đa dạng hệ sinh thái ngân hàng.

Vụ TT

Cục CNTT và các đơn vị liên quan

2022

Báo cáo nghiên cứu.

2.10

Thông tư hướng dẫn về Open API

Cục CNTT

Vụ TT, Vụ PC và các đơn vị liên quan

2022

Thông tư được ban hành.

2.11

Xây dựng và triển khai Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Fintech Sandbox).

Vụ TT

Vụ PC, Cục CNTT, TTGSNH và các đơn vị liên quan

2021

Nghị định được phê duyệt và triển khai.

2.12

Rà soát, sửa đổi Nghị định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng

Cục CNTT

Vụ TT, Vụ PC và các đơn vị liên quan

2021-2023

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 35/2007/NĐ-CP

2.13

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về an ninh, an toàn bảo mật, cung ứng dịch vụ ngân hàng trên môi trường Internet,... trong ngành Ngân hàng.

Cục CNTT

Vụ TT, Vụ PC và các đơn vị liên quan

2021- 2023

Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2020/TT-NHNN , Thông tư 35/2016/TT- NHNN.

2.14

Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành Ngân hàng nhằm phục vụ việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu trong ngành Ngân hàng và giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác.

Cục CNTT

Vụ TT, Vụ PC và các đơn vị liên quan

2021- 2022

Quyết định của Thống đốc ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn dữ liệu.

2.15

Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án về thanh toán không dùng tiền mặt.

Vụ TT

Các đơn vị liên quan

2021- 2025 và 2026- 2030

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai

2.16

Nghiên cứu, xây dựng chiến lược dữ liệu của ngành Ngân hàng hướng đến các mô hình quản trị dữ liệu thông minh.

Cục CNTT

Vụ TT và các đơn vị liên quan

2025

Quyết định của Thống đốc NHNN phê duyệt chiến lược và tổ chức triển khai.

2.17

Nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán.

Vụ TT

Các đơn vị liên quan

2021

Quyết định của Thống đốc NHNN phê duyệt chiến lược và tổ chức triển khai

2.18

Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung Ương.

Vụ TT

Vụ CSTT, Cục CNTT và các đơn vị liên quan

2021- 2023

Báo cáo nghiên cứu.

3

Phát triển hạ tầng số

 

 

 

 

3.1

Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS), hướng tới vận hành theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường khả năng kết nối liên thông với hệ thống thanh toán khác trong nền kinh tế và sẵn sàng kết hệ thống thanh toán tổng tức thời (RTGS) của các quốc gia trong khu vực theo lộ trình phù hợp.

Cục CNTT

Sở Giao dịch, Vụ TT và các đơn vị liên quan

2021 - 2030

Dự án nâng cấp, hiện đại hóa IBPS giai đoạn 2021- 2025 và giai đoạn 2025- 2030.

3.2

Mở rộng và phát triển Hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử cho các giao dịch thanh toán bán lẻ hướng tới thiết lập hạ tầng thanh toán thống nhất, đồng bộ, có khả năng: tích hợp, kết nối các ngành, lĩnh vực khác, từ đó mở rộng hệ sinh thái số và triển khai các dịch vụ thanh toán 24/7; hỗ trợ xử lý các phương thức thanh toán, mô hình kết nối mới (thanh toán thông qua mã phản hồi nhanh (mã QR), các giao dịch Ví điện tử, tài khoản thanh toán); kết nối, liên thông cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới.

Đơn vị được NHNN cấp phép

Vụ TT, Cục CNTT, Sở Giao dịch và các đơn vị liên quan

Hàng năm

Hạ tầng chuyển mạch và bù trừ được mở rộng, phát triển

3.3

Nâng cấp cơ sở hạ tầng xử lý dữ liệu và phân loại, cung cấp thông tin tín dụng trên cơ sở ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối,...

Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC).

Cục CNTT và các đơn vị liên quan

Hàng năm

Hạ tầng xử lý dữ liệu được nâng cấp

3.4

Nâng cấp cổng thông tin kết nối giữa CIC với hệ thống quản trị rủi ro, đánh giá tín dụng của các TCTD để cho phép khai thác, kiểm tra thông tin tín dụng khách hàng trực tuyến.

CIC

Cục CNTT, TCTD và các đơn vị liên quan

2021- 2022

Cổng thông tin kết nối của CIC được nâng cấp

3.5

Xây dựng và triển khai hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng.

CIC

Vụ TT và các đơn vị liên quan

2021- 2025

Hạ tầng được triển khai

3.6

Xây dựng, hoàn thiện nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của NHNN làm nền tảng triển khai chính phủ điện tử của NHNN, kết nối, chia sẻ với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô từ trung ương tới địa phương của Chính phủ, các bộ ngành khác thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của Chính phủ.

Cục CNTT

Văn phòng NHNN và các đơn vị liên quan

2021- 2025

Hạ tầng dữ liệu được nâng cấp.

4

Xây dựng và triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử tại NHNN

4.1

Triển khai chuyển đổi số hoạt động của NHNN theo Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0.

Cục CNTT

Vụ TT, Văn phòng NHNN và các đơn vị liên quan

2021 - 2025

Thực hiện các nhiệm vụ theo Kiến trúc CPĐT 2.0

4.2

Triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin theo kế hoạch của NHNN.

Cục CNTT

Các đơn vị liên quan

2021- 2025

Thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định 260/QĐ-NHNN

4.3

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát và vận hành nội bộ của Ngân hàng Nhà nước

Cục CNTT

Các đơn vị liên quan

2021- 2025 và 2025 - 2030

Ứng dụng công nghệ trong các hoạt động của NHNN

5

Hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số tại TCTD

5.1

Xây dựng và triển khai Kế hoạch/ Chiến lược chuyển đổi số, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ ngân hàng số dựa trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, ngân hàng lõi hiện đại tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước, quốc tế, có khả năng kết nối liên thông, đáp ứng yêu cầu quản trị điều hành, phù hợp với nhu cầu, năng lực và tiềm lực của TCTD.

TCTD

TGTT, Công ty Fintech và các đơn vị liên quan.

Hàng năm

Kế hoạch/ Chiến lược chuyển đổi số được ban hành (hoặc lồng ghép trong Chiến lược phát triển kinh doanh/ Chiến lược CNTT) và triển khai.

5.2

Nghiên cứu, xây dựng, triển khai các mô hình chi nhánh cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch tự động, tự phục vụ (self-service) trên cơ sở ứng dụng công nghệ số.

TCTD

Các đơn vị liên quan

Hàng năm

Hình thành các mô hình chi nhánh tự phục vụ

5.3

Thúc đẩy nghiên cứu và triển khai các ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (A.I) và các công nghệ số trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng: phân tích, dự đoán nhu cầu, tối ưu hóa hành trình, trải nghiệm khách hàng; phát hiện gian lận, lưu trữ thông tin, phân tích dữ liệu; tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ nội bộ, tiết giảm chi phí và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tức thời cho khách hàng thông qua trợ lý ảo, robot.

TCTD

Các đơn vị liên quan

Hằng năm

Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số

5.4

Nghiên cứu áp dụng giải pháp chấm điểm tín dụng với kho dữ liệu khách hàng, dữ liệu mở, dữ liệu bên thứ ba và mô hình chấm điểm đáng tin cậy để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay bằng phương thức điện tử.

TCTD

CIC và các đơn vị liên quan

Hàng năm

Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số

5.5

Đẩy mạnh nghiên cứu tích hợp, kết nối mở rộng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ hướng đến các mô hình kinh doanh mới như Ngân hàng mở để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn tiện lợi với chi phí thấp.

TCTD

TCTD, TGTT, Công ty Fintech và các đơn vị liên quan

Hàng năm

Các sản phẩm, dịch vụ tiện ích, sáng tạo trên cơ sở hợp tác với các TGTT, công ty Fintech

5.6

Xây dựng và triển khai Khung quản lý rủi ro tổng thể bao gồm tối thiểu các rủi ro hoạt động, nghiệp vụ, công nghệ thông tin và pháp lý.

TCTD

Cục CNTT, TTGSNH và các đơn vị liên quan

2021- 2025

Ban hành và triển khai Khung quản lý rủi ro tổng thể.

5.7

Triển khai các mô hình hoạt động, phương pháp phát triển sản phẩm theo hướng tinh gọn, linh hoạt.

TCTD

 

Hàng năm

Mô hình hoạt động tinh gọn, linh hoạt

5.8

Nghiên cứu, áp dụng các chính sách phí phù hợp cho các giao dịch nhỏ lẻ thực hiện trên môi trường số để khuyến khích khách hàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ ngân hàng trên các kênh số.

TCTD

Các đơn vị liên quan

Hàng năm

Ban hành chính sách phí dịch vụ ngân hàng.

6

Phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số

6.1

Nâng cấp cơ sở dữ liệu tập trung của NHNN và các TCTD theo mô hình dữ liệu lớn và đẩy mạnh việc thu thập, làm sạch dữ liệu từ các điểm tiếp xúc số, từ các nguồn dữ liệu khác.

TCTD, Cục CNTT

Các đơn vị liên quan

Hàng năm

CSDL tập trung được nâng cấp

6.2

Đẩy mạnh phân tích, khai phá tri thức từ dữ liệu phục vụ nhu cầu cá nhân hóa sản phẩm, dịch vụ, tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động.

TCTD

Các đơn vị liên quan

Hàng năm

Các ứng dụng công nghệ dữ liệu được triển khai

7

Bảo đảm an toàn, an ninh mạng

7.1

Nâng cao năng lực bảo vệ hệ thống mạng, cơ sở dữ liệu và các hệ thống thông tin có trao đổi dữ liệu trên môi trường mạng, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Cục CNTT, TCTD

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

 

7.2

Thường xuyên rà soát, đánh giá rủi ro để có phương án phòng bị và giải pháp ứng phó kịp thời trong toàn bộ quy trình thiết kế, vận hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng

Cục CNTT, TCTD

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

 

7.3

Triển khai hiệu quả công tác kiểm soát nội bộ về an ninh, an toàn thông tin để kịp thời phát hiện, cảnh báo và có biện pháp ngăn chặn những rủi ro phát sinh trong hoạt động nghiệp vụ và vận hành nội bộ.

Cục CNTT, TCTD

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

 

7.4

Tăng cường chia sẻ thông tin đe dọa an ninh mạng giữa các tổ chức trong ngành Ngân hàng.

Cục CNTT, TCTD

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

 

7.5

Nghiên cứu xây dựng Trung tâm điều hành An ninh mạng (SOC) tập trung của NHNN.

Cục CNTT

Các đơn vị liên quan

2025

Thành lập và triển khai SOC tập trung của NHNN

8

Phát triển nguồn nhân lực

8.1

Thường xuyên triển khai các chương trình đào tạo và đào tạo lại kỹ năng, kiến thức gắn với chuyển đổi số cho cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng; có chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức, trình độ về công nghệ thông tin và kỹ năng về chuyển đổi số.

Vụ Tổ chức cán bộ (TCCB)

Học viện ngân hàng, Đại học Ngân hàng Tp. HCM, Trường bồi dưỡng cán bộ ngân hàng, các Vụ, Cục NHNN; TCTD

Hàng năm

Các chương trình đào tạo, tập huấn.

8.2

Sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo đại học, sau đại học chuyên ngành Ngân hàng - Tài chính về các nội dung nghiệp vụ ngân hàng gắn với hoạt động chuyển đổi số và mô hình ngân hàng số.

Học viện ngân hàng, Đại học Ngân hàng Tp. HCM

Vụ TCCB, Vụ TT và các đơn vị liên quan

Hàng năm

Các chương trình đào tạo.

8.3

Thúc đẩy hợp tác, áp dụng kinh nghiệm quốc tế và thu hút lực lượng chuyên gia từ nước ngoài có kinh nghiệm triển khai tham gia đào tạo; tham gia mạng lưới chuyên gia về chuyển đổi số của ngành

Vụ TCCB, TCTD

Các đơn vị liên quan

Hàng năm

Các chương trình đào tạo, tập huấn.

9

Một số giải pháp, nhiệm vụ khác

9.1

Tăng cường hợp tác, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác nước ngoài về chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Tham gia tích cực vào các diễn đàn hợp tác song phương, đa phương trong khu vực và quốc tế về đổi mới sáng tạo.

Vụ HTQT

Vụ TT và các đơn vị liên quan

Hàng năm

Các báo cáo hợp tác/ chương trình, diễn đàn trao đổi thông tin.

9.2

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng.

VCL

Vụ TT và các đơn vị liên quan

Hàng năm

Danh mục đề tài, dự án; báo cáo nghiên cứu

9.3

Hàng năm, tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp chuyển đổi số; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong triển khai chương trình tín dụng ưu đãi (chương trình cho vay kích cầu đầu tư, cho vay với lãi suất ưu đãi) cho các doanh nghiệp công nghệ số nhằm hỗ trợ các sản phẩm chuyển đổi số chủ lực và doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.

Vụ TD

Vụ TT, Vụ CSTT và các đơn vị liên quan

Hàng năm

- Hội nghị kết nối Ngân hàng.

- Doanh nghiệp chuyển đổi số.

- Văn bản chỉ đạo.