Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 810/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 20 tháng 4 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VIỆC ÁP DỤNG QUY TRÌNH THỰC HÀNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỐT (VIETGAP) TRONG NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 16 tháng 10 năm 2013 liên Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thông tư số 53/2012/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 10 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp, thủy sản được hỗ trợ theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 94/TTr-SNN ngày 13 tháng 4 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Khoa học và Công nghệ, Công thương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- TT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Lưu: VT, Mạnh KTN, 58 bản.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lò Mai Kiên

 

ĐỀ ÁN

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VIỆC ÁP DỤNG QUY TRÌNH THỰC HÀNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỐT (VIETGAP) TRONG NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 20 tháng 4 năm 2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La)

Phần I

                                           SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN              

Trong những năm qua sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về quy mô diện tích và sản lượng sản phẩm, đa dạng về chủng loại cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu phát triển về số lượng, các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản chưa quan tâm đúng mức tới chất lượng, an toàn thực phẩm. Đặc biệt việc sử dụng tùy tiện hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt; việc sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn diễn ra, do đó thực phẩm khi đưa ra thị trường như: Rau, chè, quả; thịt gia súc, gia cầm; thủy sản… còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nguyên nhân chính là do việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, số cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được cấp giấy chứng nhận VietGAP chiếm tỷ lệ rất ít so với tổng số cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Nhằm đẩy mạnh việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh từ đó hình thành các vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản bền vững, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng thì việc lập "Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020” là rất cần thiết.

Phần II

CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;

2. Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 16 tháng 10 năm 2013 liên Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg;

3. Thông tư số 53/2012/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 10 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp, thủy sản được hỗ trợ theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg;

4. Quyết định số 3067/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2013 của UBND tỉnh Sơn La quy định một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh.

5. Quyết định số 3148/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020.

Phần III

THỰC TRẠNG VIỆC ÁP DỤNG QUY TRÌNH THỰC HÀNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỐT (VIETGAP) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỜI GIAN QUA

I. THỰC TRẠNG VIỆC ÁP DỤNG VIETGAP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Việc áp dụng VietGAP trong sản xuất rau, quả, chè, cà phê, lúa

a) Việc áp dụng VietGAP trong sản xuất rau

- Diện tích rau các loại toàn tỉnh năm 2014 đạt 6.156 ha, sản lượng đạt 82.546 tấn. So với năm 2010 diện tích tăng 1.238 ha, sản lượng tăng 14.677 tấn.

- Hiện nay toàn tỉnh có 02 cơ sở sản xuất rau (Tổ hợp tác sản xuất rau Ta Niết xã Chiềng Hắc, Tổ sản xuất rau bản Tự Nhiên xã Đông Sang huyện Mộc Châu) được cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích sản xuất 12 ha chiếm 0,2% tổng diện tích rau toàn tỉnh, sản lượng 320 tấn/năm chiếm 0,38% tổng sản lượng rau toàn tỉnh.

b) Việc áp dụng VietGAP trong sản xuất quả

- Diện tích cây ăn quả các loại toàn tỉnh năm 2014 đạt 18.398 ha; diện tích, sản lượng một số loại quả chủ yếu:

+ Diện tích Mận hậu đạt 2.784 ha, sản lượng đạt 24.036 tấn.

+ Diện tích Cam đạt 371 ha, sản lượng đạt 462 tấn.

+ Diện tích Xoài 3.440 ha, sản lượng đạt 10.950 tấn.

+ Diện tích Nhãn đạt 7.569 ha, sản lượng đạt 40.478 tấn.

- Trên địa bàn tỉnh hiện có 03 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong sản xuất quả (trang trại ông Đỗ Văn Ích xã Mường Thải huyện Phù Yên sản xuất quả Cam, Công ty TNHH MTV MCI Saga Mộc Châu xã Phiêng Luông huyện Mộc Châu trồng Dâu tây, Hợp tác xã Nông nghiệp dược liệu Mộc Châu xanh xã Đông Sang huyện Mộc Châu sản xuất quả Bơ) với diện tích 9,2 ha chiếm 0,05% diện tích quả toàn tỉnh.

c) Việc áp dụng VietGAP trong sản xuất chè

- Diện tích chè toàn tỉnh năm 2014 đạt 4.003 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 33.138 tấn. So với năm 2010 diện tích tăng 216 ha, sản lượng tăng 7.416 tấn.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 doanh nghiệp (Công ty chè Mộc Châu, DNTN Mộc Sương xã Tân Lập huyện Mộc Châu) được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong sản xuất chè búp tươi với diện tích 47,55ha chiếm 1,24% diện tích chè toàn tỉnh, sản lượng 594 tấn/năm chiếm 2,23% sản lượng chè toàn tỉnh.

d) Việc áp dụng VietGAP trong sản xuất cà phê

- Diện tích Cà phê toàn tỉnh năm 2014 đạt 11.296 ha, sản lượng đạt 12.102 tấn. So với năm 2010 diện tích tăng 4.037 ha, sản lượng tăng 4.558 tấn.

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất cà phê được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

đ) Việc áp dụng VietGAP trong sản xuất lúa

- Diện tích lúa toàn tỉnh năm 2014 đạt 54,304 nghìn ha, sản lượng đạt 183,332 nghìn tấn. So với năm 2010 sản lượng tăng 36,332 nghìn tấn.

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất lúa được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

2. Việc áp dụng VietGAP trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, ong mật

a) Việc áp dụng VietGAP trong chăn nuôi gia súc

- Số lượng đàn Trâu toàn tỉnh năm 2014 đạt 153,048 nghìn con, sản lượng trâu hơi xuất chuồng đạt 4.216 tấn. So với năm 2010 sản lượng trâu hơi xuất chuồng tăng 285 tấn.

- Số lượng đàn Bò toàn tỉnh năm 2014 đạt 214,065 nghìn con, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 4.768 tấn, sản lượng sữa tươi đạt 54.158 nghìn lít. So với năm 2010 số lượng bò tăng 22,765 nghìn con, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng 760 tấn, sản lượng sữa tươi tăng 34.204 nghìn lít.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 01 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong chăn nuôi bò sữa (Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu) với sản lượng sữa 49.375 nghìn lít chiếm 91,16%.

- Số lượng đàn Lợn toàn tỉnh năm 2014 đạt 514,364 nghìn con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 33.256 tấn. So với năm 2010 số lượng lợn tăng 72,124 nghìn con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 13.954 tấn.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 01 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong chăn nuôi lợn (DNTN Minh Thúy xã Cò Nòi huyện Mai Sơn) với số lượng 2.500 con chiếm 0,48% tổng số đàn lợn toàn tỉnh, sản lượng lợn hơi xuất chuồng 450 tấn/năm chiếm 1,35% tổng sản lượng lợn hơi xuất chuồng toàn tỉnh.

b) Việc áp dụng VietGAP trong chăn nuôi gia cầm

- Số lượng đàn gia cầm toàn tỉnh năm 2014 đạt 5.245,146 nghìn con, so với năm 2010 tăng 354,866 nghìn con.

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 01 cơ sở chăn nuôi gà được cấp Giấy chứng nhận VietGAP (Công ty TNHH Hồng Long, trại chăn nuôi tại đèo Lũng Lô huyện Phù Yên) với số lượng đàn gà 11.000 con chiếm 0,21% tổng số đàn gà toàn tỉnh.

c) Việc áp dụng VietGAP trong nuôi ong mật

- Sản lượng mật ong toàn tỉnh năm 2014 đạt 336 nghìn lít, so với năm 2010 tăng 182 nghìn lít.

- Trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có cơ sở nuôi ong mật được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

3. Việc áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản

- Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh năm 2014 đạt 2.558 ha, sản lượng đạt 6.548 tấn. So với năm 2010 diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 155 ha, sản lượng tăng 1.295 tấn.

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

4. Việc áp dụng VietGAP trong sản xuất lâm sản thực phẩm

- Diện tích sản xuất măng tre toàn tỉnh ước đạt 30 ha, sản lượng ước đạt từ 80 - 90 tấn/năm.

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất lâm sản thực phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

II. NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG VIỆC ÁP DỤNG VIETGAP

1. Khó khăn

- Nhận thức về lợi ích của việc áp dụng VietGAP trong sản xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản của một số cấp quản lý, đặc biệt là người sản xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản còn nhiều hạn chế do đó việc tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng gặp nhiều khó khăn.

- Chi phí chứng nhận VietGAP cao nên nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản muốn áp dụng VietGAP nhưng thiếu kinh phí nên ngại không áp dụng.

- Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng của đa số cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản (điện lưới, hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất…) chưa đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn VietGAP.

2. Những nguyên nhân chính

- Một số cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, do đó sản phẩm nông, lâm, thủy sản khi đưa ra thị trường còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, không truy xuất được nguồn gốc khi có sự cố mất an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra.

- Đa số cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh quy mô hộ gia đình, nguồn lực thấp, khả năng tự đầu tư xây dựng, cải tạo kết cấu hạ tầng (điện lưới, hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất…) còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn VietGAP.

- Công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm ở một số địa phương còn bất cập; kiến thức của một bộ phận cán bộ quản lý và người sản xuất nông, lâm, thủy sản về quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP còn hạn chế.

Phần IV

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VIỆC ÁP DỤNG QUY TRÌNH THỰC HÀNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỐT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Từng bước nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh trong việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).

- Hình thành các vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2020 90% người sản xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản được tập huấn, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về an an toàn vệ sinh thực phẩm; quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).

- Đến năm 2020 toàn tỉnh có 15 - 20% số cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

II. NHIỆM VỤ

1. Tập huấn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP

a) Nội dung

- Hàng năm tổ chức từ 10 - 12 lớp tập huấn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho cán bộ kỹ thuật, chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất nông lâm thủy sản, mỗi lớp 30 - 35 học viên.

- Mức hỗ trợ thực hiện theo Khoản 3 Điều 6 Quyết định số 3067/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Cơ quan chủ trì

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

c) Thời gian thực hiện

Năm 2015 - 2020.

2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ áp dụng VietGAP

a) Nội dung

- Hàng năm điều tra cơ bản, khảo sát, đánh giá thực trạng từ 7- 10 cơ sở sản xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản dự kiến hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).

- Lập kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm nông, lâm, thủy sản áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được cấp giấy chứng nhận VietGAP trên địa bàn tỉnh.

+ Danh mục sản phẩm được hỗ trợ thực hiện theo Điều 4 Quyết định số 3067/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

+ Điều kiện tổ chức, cá nhân được hỗ trợ thực hiện theo Điều 5 Quyết định số 3067/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

+ Mức hỗ trợ thực hiện theo Khoản 1, 2, 4, 5 Điều 6 Quyết định số 3067/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Cơ quan chủ trì

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản; cơ quan phối hợp: UBND các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị có liên quan.

c) Thời gian thực hiện

Năm 2015 - 2020.

3. Hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP

a) Nội dung

- Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm đã được chứng nhận VietGAP.

- Thực hiện hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

- Mức hỗ trợ thực hiện theo Khoản 6 Điều 6 Quyết định số 3067/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Cơ quan chủ trì

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản; cơ quan phối hợp: Các phòng chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

c) Thời gian thực hiện

Năm 2015 - 2020.

III. NHỮNG GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhất là cấp huyện, xã đối với công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu quả, lợi ích của việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong sản xuất nông, lâm, thủy sản thực phẩm.

2. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nhằm đẩy mạnh việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trên địa bàn.

3. Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm những mô hình áp dụng thành công quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP để nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.

4. Huy động tối đa nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp, HTX, trang trại và cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn VietGAP.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của pháp luật, gắn với lộ trình hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân đẩy mạnh áp dụng VietGAP.

Phần V

KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

- Thực hiện theo dự toán kinh phí hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Nguồn kinh phí thực hiện theo Điều 7 Quyết định số 3067/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Phần VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hàng năm xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ tổ chức, cá nhân áp dụng VietGAP trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ kinh phí xây dựng, cải tạo kết cấu hạ tầng cho vùng triển khai chuỗi sản xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn theo VietGAP.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh lập quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn.

3. Sở Tài chính

- Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch dự toán hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Công thương

Chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP trên địa bàn tỉnh.

6. Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, báo Sơn La

Phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản xây dựng bản tin, chuyên đề quảng bá việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh phát trên sóng Đài PTTH tỉnh và đăng tải trên báo Sơn La.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Sơn La

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

8. Cơ sở sản xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản

- Chủ động triển khai áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong quá trình sản xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

- Tuân thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; đối ứng đầy đủ khi được hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)./.