Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 82/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 82/2001/QĐ-TTG NGÀY 24 THÁNG 5 NĂM 2001 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CHỦ YẾU VÀ DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM CẤP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 5 NĂM 2001 - 2005

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 9 tháng 6 năm 2000;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại tờ trình số 1144/TTr-BKHCNMT ngày 27 tháng 4 năm 2001,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu và danh mục các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 5 năm 2001 - 2005 kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm :

1. Hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và huy động lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ trong cả nước để thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu nói ở Điều 1 của Quyết định này, theo quy định của Luật khoa học và công nghệ;

2. Xác định và phê duyệt mục tiêu, nội dung cụ thể của các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước; hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình này.

3. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ và hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ và các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước.

Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xác định và bố trí các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nói trên vào kế hoạch 5 năm và hàng năm của Bộ, ngành, địa phương và tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả của việc sử dụng kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai ở Bộ, ngành và địa phương.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CHỦ YẾU VÀ DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM CẤP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 5 NĂM 2001 - 2005
(Kèm theo Quyết định số 82/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ)

I. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

1. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trên cơ sở vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng, phát triển và từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

2. Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, chú trọng các nghiên cứu cơ bản có định hướng gắn với phát triển công nghệ, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu có hệ thống các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; nghiên cứu dự báo phòng tránh thiên tai; điều tra nghiên cứu biển theo hướng phục vụ phát triển mạnh kinh tế biển.

3. Thúc đẩy việc đổi mới công nghệ của các ngành kinh tế theo hướng hiện đại hoá từng khâu, từng ngành bằng việc chủ động tiếp thu, ứng dụng, làm chủ, và phát triển công nghệ nhập, gắn với công tác nghiên cứu khoa học và phát triển các công nghệ tiên tiến, hiện đại ở trong nước nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng hoá và hiệu quả của nền kinh tế.

4. Triển khai rộng rãi việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ thích hợp vào khu vực nông thôn và miền núi, đặc biệt chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc để hình thành một số ngành nghề và đưa vào sản xuất các sản phẩm mới dựa trên lợi thế đặc thù của Việt Nam, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho người lao động.

5. Tập trung xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ theo hướng hiện đại hoá cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, chú trọng phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao. Mở rộng xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.

6. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ quốc phòng và an ninh.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

1. Phấn đấu đạt tới trình độ của các nước trong khu vực và quốc tế ở một số lĩnh vực khoa học và công nghệ mà Việt Nam có thế mạnh. Nâng cao đáng kể tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

2. Đổi mới về căn bản cơ chế quản lý khoa học và công nghệ. Tạo ra một bước phát triển mới, có hiệu quả trong nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học và công nghệ, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của sản xuất và đời sống.

3. Cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.

4. Tư vấn, hỗ trợ đắc lực cho các ngành, các cấp, các địa phương và doanh nghiệp tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, đề xuất được các giải pháp để tạo được đột phá trong phát triển sản xuất và sản phẩm chủ yếu ở một số ngành công nghiệp quan trọng.

5. Hình thành thị trường khoa học và công nghệ, triển khai các hoạt động tư vấn, dịch vụ khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ theo các quy định của Luật khoa học và công nghệ, trong đó tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ cho một số ngành kinh tế - kỹ thuật trọng điểm, bảo đảm tương đương với trình độ khu vực vào năm 2005.

6. Xây dựng và đưa vào hoạt động sớm các khu công nghệ cao Hoà Lạc, thành phố Hồ Chí Minh và các phòng thí nghiệm trọng điểm đã được phê duyệt, đạt trình độ khu vực và quốc tế.

7. Mở rộng việc đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao tại các cơ sở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến. Chú ý đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ cho các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên.

8. Hoàn thiện mạng lưới thông tin khoa học và công nghệ quốc gia và kết nối với hệ thống thông tin khoa học và công nghệ thế giới.

III. CÁC NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CHỦ YẾU

1. Khoa học xã hội và nhân văn

- Nghiên cứu vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam nhằm xác định rõ con đường, bước đi và các giải pháp chính trị, kinh tế, pháp lý để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới của đất nước, rút ra bài học kinh nghiệm cho quá trình xây dựng một Nhà nước pháp quyền do Đảng lãnh đạo.

- Dự báo xu hướng phát triển của thế giới trong những năm đầu của thế kỷ 21; những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của toàn cầu hoá; những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc xác định đường lối chiến lược của Việt Nam về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

- Nghiên cứu xác định bản chất và mô hình của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các biện pháp đồng bộ trong tổ chức quản lý, các giải pháp tạo động lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

- Nghiên cứu toàn diện các vấn đề về văn hoá, dân tộc, tôn giáo. Tập trung tổng kết và phát triển các giá trị văn hoá dân tộc; nghiên cứu chính sách và các biện pháp bảo vệ và phát huy hệ thống các giá trị văn hoá.

- Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục, xác định các mục tiêu chiến lược và biện pháp phát triển toàn diện con người Việt Nam trong 20 năm đầu của thế kỷ 21.

- Nghiên cứu, biên soạn một số công trình khoa học lớn của quốc gia như bộ Thông sử Việt Nam; bộ Lịch sử văn hoá Việt Nam; tổng tập văn học Việt Nam 10 thế kỷ; từ điển bách khoa.

2. Khoa học tự nhiên

- Nghiên cứu, đánh giá các nguồn tài nguyên phục vụ quy hoạch, khai thác, bảo vệ và sử dụng hợp lý từng loại tài nguyên ở từng khu vực.

- Nghiên cứu nâng cao khả năng dự báo khí tượng, thủy văn, dự báo thiên tai một cách có hệ thống.

- Điều tra cơ bản, tổng hợp cơ sở dữ liệu có hệ thống về các vùng biển của nước ta phục vụ cho việc đánh giá các tiềm năng biển; lập quy hoạch, xây dựng các phương án khai thác và phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia.

- Nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học mới trên thế giới tạo cơ sở cho việc định hướng, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới, phát triển các lĩnh vực công nghệ cao và góp phần tạo ra những tri thức khoa học mới.

3. Khoa học công nghệ

a) Công nghệ thông tin và truyền thông

- Nghiên cứu tiếp thu các công nghệ tiên tiến để phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, tin học đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế - xã hội, an ninh và quốc phòng, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia trong lĩnh vực này.

- Nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo các sản phẩm điện tử có chất lượng cao dùng trong viễn thông, điều khiển công nghiệp, y tế, nghiên cứu khoa học, các khí tài đặc biệt, các thiết bị xử lý thông tin và các thiết bị ngoại vi.

- Nghiên cứu phát triển công nghiệp phần mềm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Nghiên cứu triển khai thử nghiệm các công nghệ tiên tiến và áp dụng trong điều kiện Việt Nam đối với thu phát thanh và thu phát hình kỹ thuật số, internet thế hệ 2, thông tin di động thế hệ 3, thương mại điện tử, phóng vệ tinh viễn thông VINASAT.

b) Công nghệ sinh học

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ gien, công nghệ tế bào, công nghệ phôi trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi (kể cả thuỷ sản); tiếp thu các kỹ thuật sinh học tiên tiến của thế giới.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các loại phân bón sinh học, các chế phẩm bảo vệ cây trồng, vật nuôi và xử lý ô nhiễm môi trường.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym phục vụ phát triển kỹ thuật bảo quản chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ gien trong chẩn đoán và điều trị bệnh; đổi mới công nghệ sản xuất vacxin, kháng sinh, bộ dụng cụ chẩn đoán (KIT) và chế phẩm y sinh học cho người; công nghệ gien trong giám định pháp y.

c) Công nghệ vật liệu mới

- Nghiên cứu chế tạo các vật liệu cao cấp từ nguồn tài nguyên sẵn có ở Việt Nam.

- Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ chế tạo và gia công gang, thép đặc biệt và hợp kim nhôm.

- Hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm gốm, sứ, thủy tinh cao cấp.

- Nghiên cứu ứng dụng và gia công các vật liệu pôlyme cômpôzit thông thường, pôlyme nanô - cômpôzit, các loại pôlyme tổ hợp.

- Nghiên cứu vật liệu và công nghệ bảo vệ chống ăn mòn.

- Nghiên cứu vật liệu quang điện tử và quang tử, vật liệu biến đổi năng lượng, vật liệu từ tính cao cấp, vật liệu cấu trúc nanô, vật liệu có tính năng đặc biệt phục vụ an ninh quốc phòng.

d) Công nghệ tự động hoá

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hệ thống trợ giúp điều khiển và thiết kế (SCADA) chuyên sâu và diện rộng.

- Nghiên cứu thiết kế chế tạo các bộ phận và hệ thống điều khiển số bằng máy tính (CNC).

- Thiết kế chế tạo các thiết bị, hệ thống đo lường và xử lý thông tin tự động.

- Thiết kế chế tạo các rôbốt.

- Nghiên cứu thiết kế chế tạo một số linh kiện và cấu kiện tự động hoá thay cho nhập ngoại: các máy tính công nghiệp chuyên dụng (IPC), các bộ điều khiển lập trình (PLC) công nghiệp, các hệ phối ghép, các thẻ chuyên dụng, các cụm điều khiển theo thời gian thực (RTU), các phần tử thủy khí.

đ) Công nghệ chế tạo máy

- Nghiên cứu nắm vững và làm chủ các công nghệ cơ bản tiên tiến trong chế tạo máy.

- Nghiên cứu ứng dụng các thành quả của các công nghệ cao trong chế tạo máy.

- Nghiên cứu thiết kế chế tạo các máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế.

- Nghiên cứu các vấn đề về khoa học và công nghệ về chẩn đoán tình trạng kỹ thuật của máy móc, thiết bị và hệ thống.

e) Lĩnh vực năng lượng

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, thích nghi và làm chủ công nghệ nhập trong thăm dò, đánh giá trữ năng, tiềm năng, trong khai thác, sàng tuyển, tận thu than vỉa mỏng và khí mỏ, chế biến than. Nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ khắc phục ô nhiễm môi trường trong khai thác, vận chuyển than.

- Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ bảo đảm vận hành tối ưu, hợp lý hệ thống điện, tiết kiệm điện năng.

- Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ và vật liệu mới để sử dụng các dạng năng lượng mới. Chuẩn bị luận cứ khoa học, các điều kiện kỹ thuật và pháp lý để phát triển điện hạt nhân.

- Nghiên cứu hạn chế ảnh hưởng xấu của các công trình thủy điện đến môi trường.

- Nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ điện từ trường mạnh đến môi sinh.

- Nghiên cứu tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở các vùng nước sâu; nghiên cứu nâng cao hệ số thu hồi các mỏ dầu khí đang khai thác, nghiên cứu phát triển các mỏ dầu khí tới hạn (mỏ nhỏ); nghiên cứu khả năng sử dụng các nguồn khí có hàm lượng CO2 cao; nghiên cứu chuyển đổi nguồn năng lượng từ dầu sang khí.

g) Lĩnh vực xây dựng và giao thông

- Nghiên cứu ứng dụng, tiếp thu và làm chủ các công nghệ nhập, kết hợp với cải tiến và hiện đại hoá công nghệ xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thống.

- Làm chủ công nghệ xây dựng các công trình biển, công trình thuỷ điện, công trình ngầm dạng phức tạp, kể cả dạng tuyến để giải quyết giao thông đô thị : tàu điện ngầm, hệ côlêctơ, hầm vượt sông.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức, áp dụng công nghệ thông tin, tự động hoá trong quản lý, điều hành, khai thác vận tải và trong một số công đoạn sản xuất vật liệu xây dựng.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất vật liệu có tính năng đặc biệt phục vụ xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong thiết kế, thi công các công trình cơ sở hạ tầng như cầu, đường, sân bay, bến cảng và công nghệ sản xuất các phương tiện, công trình giao thông.

- Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để chủ động quản lý cơ sở hạ tầng, quản lý quy hoạch và phát triển kiến trúc tại các đô thị, kiểm soát chất lượng, giá thành hàng hoá và dịch vụ xây dựng, đảm bảo cạnh tranh quốc tế.

h) Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp

- Phấn đấu đưa đóng góp của khoa học và công nghệ vào giá trị gia tăng của sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đạt 30 - 40%.

- Tập trung nghiên cứu chọn, tạo giống cây trồng, vật nuôi (chú trọng giống đặc thù bản địa và ưu thế lai) có năng suất, chất lượng cao phù hợp với các vùng sinh thái phục vụ cho mục tiêu an ninh lương thực, thực phẩm và xuất khẩu.

- Nghiên cứu ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến trong canh tác nông lâm nghiệp, thủy lợi, nuôi trồng thủy hải sản, nhằm phát huy tối đa tiềm năng giống, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên nước.

- Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại máy móc, thiết bị và công nghệ trong cơ giới hóa, bảo quản và chế biến trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp.

- Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

i) Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng

- Nghiên cứu nâng cao chất lượng sản xuất vacxin, chế phẩm sinh học, các trang thiết bị y tế và khai thác có hiệu quả nguồn dược liệu trong nước để sản xuất thuốc, đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

- Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại và công nghệ thích hợp với từng tuyến phục vụ đa số cộng đồng trong cấp cứu, chẩn đoán, điều trị và y học dự phòng nhằm giảm tỷ lệ chết trong 24 giờ đầu, khống chế và ngăn chặn các bệnh dịch nguy hiểm.

- Tiếp thu chọn lọc các thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới nhằm kế thừa, phát huy, nâng cao và hiện đại hoá nền y học dân tộc, phấn đấu đưa trình độ y học dân tộc ngang tầm với một số nước phát triển trong khu vực.

- Nghiên cứu khắc phục ảnh hưởng của các hoá chất độc hại dùng trong công nghiệp và nông nghiệp, các chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

- Nghiên cứu các biện pháp bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Nghiên cứu, đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về y tế để thực hiện xã hội hoá y tế nhằm bảo đảm công bằng xã hội trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

IV. DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM CẤP NHÀ NƯỚC

A. LĨNH VỰC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN, GỒM 8 CHƯƠNG TRÌNH:

1. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa - con đường và bước đi.

3. Xây dựng Đảng trong điều kiện mới.

4. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân.

5. Phát triển văn hoá, con người và nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

6. Dự báo về chiến tranh kiểu mới của địch, đề xuất các chủ trương, giải pháp đối phó.

7. Âm mưu, ý đồ chiến lược và hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch trong thời gian tới - Đối sách của ta.

8. Những đặc điểm chủ yếu, những xu thế lớn của thế giới và khu vực trong hai thập niên đầu thế kỷ 21 - Tiền đồ cách mạng thế giới.

Mục tiêu, nội dung và nhiệm vụ chủ yếu của các chương trình khoa học xã hội và nhân văn do Hội đồng lý luận Trung ương xác định và trình Bộ Chính trị quyết định.

B. LĨNH VỰC KHOA HỌC TỰ NHIÊN, GỒM 1 CHƯƠNG TRÌNH :

Nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên.

C. LĨNH VỰC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, GỒM 10 CHƯƠNG TRÌNH:

1. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông.

2. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vật liệu mới.

3. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tự động hoá.

4. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sinh học.

5. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chế tạo máy.

6. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm chủ lực.

7. Khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

8. Bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai.

9. Điều tra cơ bản và nghiên cứu ứng dụng công nghệ biển.

10. Khoa học và công nghệ phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Ngoài các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước nói trên, các đề tài độc lập cấp Nhà nước (nếu có) do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn và phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành tổ chức thực hiện.