Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

SỐ: 82/2002/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 07 năm 2002 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC HỌAT ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO 300 TIẾN SĨ, THẠC SĨ TRẺ GIAI ĐOẠN NĂM 2002 – 2005

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Quyết định số 209/QĐ/TU ngày 02 tháng 10 năm 2001 của Thành Ủy ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của chương trình đào tạo 300 Tiến sĩ, Thạc sĩ trẻ năm 2001 – 2005;
Tiếp theo quyết định 638/QĐ-UB ngày 18 tháng 02 năm 2002 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về thành lập Ban điều hành chương trình đào tạo 300 Tiến sĩ, Thạc sĩ trẻ giai đoạn 2002 – 2005;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tại Công văn số 979/SKHCNMT/VPCT ngày 27 tháng 5 năm 2002 và Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố tại Tờ trình số 65/TCCQ ngày 07 tháng 6 năm 2002 và số 384/TCCQ ngày 01 tháng 7 năm 2002 ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.Nay ban hành kèm theo quyết định này “Quy định về tổ chức hoạt động chương trình đào tạo 300 Tiến sĩ, Thạc sĩ trẻ giai đoạn 2002– 2005”.

Điều 2.Quyết địnhnày có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3.Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận – huyện và Trưởng Ban điều hành chương trình đào tạo 300 Tiến sĩ, Thạc sĩ trẻ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

Nơi nhận :
- Như điều 3  
- Thường trực Thành Ủy  
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố
- Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố
- Sở Tài chánh-Vật giá
- Kho bạc Nhà nước thành phố
- Ban Tổ chức chính quyền thành phố (2b)
- VPHĐ-UB: PVP/VX, KT, NC
- Lưu (TH)  

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thiện Nhân

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

TP.Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 07 năm 2002 

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO 300 TIẾN SĨ VÀ THẠC SĨ TRẺ NĂM 2001-2005.
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 82/2002/QĐ-UB ngày 08 tháng 7 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố).

Chương trình đào tạo 300 Tiến sĩ và Thạc sĩ trẻ trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2005 được triển khai nhằm góp phần xây dựng, tăng cường đội ngũ chuyên gia về khoa học công nghệ và quản lý trong các ngành kinh tế, cán bộ khoa học đầu đàn trong các trường đại học, viện nghiên cứu, cán bộ chủ chốt của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng và Đoàn thể.

Chương 1:

NGUYÊN TẮC VÀ NHIỆM VỤ CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Điều 1. Nguyên tắc của chương trình :

1.1. Chương trình này được tổ chức theo nguyên tắc chỉ đạo thống nhất của Ban Thường vụ Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh, do Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện trên cơ sở liên kết giữa các cơ quan chức năng : Ban Tổ chức Thành Ủy, Ban Tổ chức Chính quyền thành phố, Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản, các Sở : Kế hoạch và Đầu tư, Tài chánh-Vật giá, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại vụ, các Trường Đại học, Viện Nghiên cứu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, do Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm đầu mối.

1.2. Chương trình được đầu tư theo phương thức liên kết (một phần vốn từ ngân sách Nhà nước, một phần huy động từ các tổ chức, cá nhân), nhằm đào tạo cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác và nghiên cứu khoa học theo yêu cầu quy hoạch cán bộ của thành phố.

1.3. Chương trình thực hiện theo các nội dung của “Kế hoạch hoạt động chương trình” do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Điều 2. Nhiệm vụ của chương trình :

2.1. Xác định nhu cầu cụ thể về cán bộ các trường và cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc thành phố; cán bộ chủ chốt và chuyên gia đầu đàn cho các ngành kinh tế chủ lực của thành phố; cán bộ trong các cơ quan quản lý Nhà nước; cán bộ trong các cơ quan của Đảng, Đoàn thể của thành phố
Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2000 – 2020.

2.2. Xác định chỉ tiêu đào tạo cụ thể hàng năm.

2.3. Xác định và thiết lập quan hệ với các cơ sở đào tạo ở trong và ngoài nước.

2.4. Tổ chức đào tạo kiến thức bổ sung cho học viên.

2.5. Tổ chức thi tuyển và xét tuyển.

2.6. Sử dụng ngân sách của Thành phố dành cho công tác đào tạo trong khuôn khổ chương trình và tranh thủ sự trợ giúp tài chánh từ các nguồn khác như: học bổng của nước ngoài, tài trợ hoặc vốn vay ưu đãi từ các chương trình, các tổ chức quốc tế và đóng góp tự nguyện của các tổ chức hoặc cá nhân hảo tâm…

2.7. Hướng dẫn, tư vấn cho những người đi học các thông tin cần thiết về nơi học, thủ tục đi lại, ăn ở.

2.8. Thông qua các cơ quan ngoại giao của Việt nam ở nước ngoài hoặc các cơ quan của nước sở tại thực hiện sự quản lý thường xuyên đối với lưu học sinh của chương trình.

2.9. Tham mưu cho Thành Ủy và Ủy ban nhân dân thành phố cùng các cơ quan chức năng hướng bố trí công tác thích hợp cho những người đã hoàn tất chương trình đào tạo.

Chương 2:

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Điều 3. Ban điều hành chương trình đào tạo 300 Tiến sĩ và Thạc sĩ trẻ :

Ban điều hành chương trình đào tạo 300 Tiến sĩ và Thạc sĩ trẻ (gọi tắt là Ban điều hành chương trình) gồm các thành viên đã được đề cử từ các cơ quan quản lý trực tiếp và được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt theo Quyết định số 638/QĐ-UB ngày 18 tháng 02 năm 2002.

Điều 4. Nhiệm vụ của Ban điều hành chương trình được thực hiện theo các nhóm như sau :

4.1-Nhóm1:Xác định Nhu cầu Đào tạo : Nghiên cứu và lập báo cáo đánh giá về nhu cầu đào tạo, phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho các ngành trong từng năm.

Trưởng nhóm : Đại diện Ban Tổ chức Thành Ủy

Phó nhóm : Đại diện Viện Kinh tế

Thành viên :

1. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư

2. Đại diện Ban Tư tưởng Văn hoá Thành Ủy

3. Đại diện Ban Tổ chức chính quyền thành phố

4. Đại diện Thành đoàn Thanh niên Cộng sản

4.2-Nhóm 2 : Quan hệ Hợp tác và Đào tạo:Thiết lập các mối quan hệ, nghiên cứu và lập báo cáo đánh giá về chất lượng các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, lựa chọn nơi đào tạo; khai thác các nguồn tài trợ trong nước và ngoài nước cho chương trình; biên soạn nội dung đào tạo kiến thức bổ sung, tổ chức đào tạo, lên kế hoạch về xét tuyển, thi tuyển; báo cáo kết quả học tập của học viên.

Trưởng nhóm : Đại diện Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Phó nhóm : Đại diện Sở Ngoại vụ

Thành viên :

1. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo

2. Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên

3. Đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

4. Đại diện Trường Đại học Bách khoa

5. Đại diện Trung tâm Phát triển Công nghệ Thông tin, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

4.3-Nhóm 3: Tài chính: Tranh thủ các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; xây dựng và thực hiện các kế hoạch tài chính hàng năm.

Trưởng nhóm : Đại diện Sở Tài chánh -Vật giá

Phó nhóm : Đại diện Trường Đại học Kinh tế

Thành viên :

1. Đại diện Ban Đào tạo sau đại học Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

2. Trưởng Văn phòng Chương trình đào tạo 300 tiến sĩ và thạc sĩ

Điều 5. Phương thức hoạt động của Ban điều hành chương trình :

5.1. Ban điều hành chương trình tổ chức triển khai và thực hiện theo kế hoạch hoạt động đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

5.2. Mỗi nhóm xây dựng nội dung, kế hoạch, tiến độ và kinh phí thực hiện theo nhiệm vụ đã được phân công; triển khai hoạt động theo kế hoạch và tiến độ đã được Trưởng Ban điều hành chương trình duyệt, trong trường hợp có những phát sinh ngoài kế hoạch thì phải báo cáo cho Trưởng ban biết để kịp thời điều chỉnh nếu cần thiết; báo cáo kết quả thực hiện và nhận xét đánh giá định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Ban điều hành chương trình.

5.3. Các nhóm phối hợp chặt chẽ với Văn phòng chương trình trong quá trình triển khai thực hiện.

5.4. Ban điều hành chương trình họp định kỳ hàng tháng sơ kết công việc, gởi báo cáo cho Thành Ủy và Ủy ban nhân dân thành phố; họp đột xuất trong trường hợp cần thiết.

Điều 6. Văn phòng chương trình đào tạo 300 tiến sĩ và thạc sĩ trẻ :

Văn phòng chương trình đào tạo 300 tiến sĩ và thạc sĩ trẻ (được gọi tắt là Văn phòng chương trình) có nhiệm vụ tham mưu các công tác có liên quan đến chương trình 300 tiến sĩ, thạc sĩ và chịu trách nhiệm trực tiếp với Trưởng Ban điều hành chương trình.

Điều 7. Văn phòng chương trình có nhiệm vụ :

7.1. Là bộ phận thường trực giúp việc của Ban điều hành chương trình.

7.2. Tham gia xây dựng, tổng hợp kế hoạch và chỉ tiêu đào tạo hằng năm trình Ban điều hành chương trình xem xét và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

7.3. Tham gia xây dựng các quy định cụ thể về quy chế tuyển sinh trình Ban điều hành chương trình xem xét, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

7.4. Tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết, dự trù kế hoạch tài chính hằng năm chuyển Ban điều hành chương trình xem xét và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

7.5. Thiết lập quan hệ với các cơ quan hữu quan trong việc đưa học viên và nghiên cứu sinh đi đào tạo, tiến hành các thủ tục cụ thể về tuyển sinh, theo dõi và bàn giao sau đào tạo.

7.6. Thực hiện thanh quyết toán hàng năm theo đúng quy định nhà nước và định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình họat động của chương trình về Ban điều hành chương trình.

7.7. Quản trị tài sản Văn phòng chương trình, sử dụng kinh phí, vật tư đúng chế độ và kế hoạch.

Điều 8. Phương thức hoạt động của Văn phòng chương trình :

8.1. Văn phòng chương trình do một Trưởng Văn phòng phụ trách và một số nhân viên hợp đồng (theo sự thỏa thuận của Ban Tổ chức chính quyền thành phố) từ nguồn kinh phí của Chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ.

8.2. Văn phòng chương trình chịu sự chỉ đạo của Trưởng Ban điều hành chương trình và sự quản lý của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Chương 3:

NGÂN SÁCH VÀ TÀI CHÍNH

Điều 9. Hoạt động tài chính của chương trình theo các nguyên tắc :

9.1. Ngân sách của thành phố đảm bảo khoảng 50% chi phí đào tạo của chương trình, phần còn lại tranh thủ từ các nguồn tài trợ ngoài ngân sách.

9.2. Chỉ tiêu đào tạo, dự trù kinh phí đào tạo từ ngân sách, kế hoạch sử dụng kinh phí tài trợ từ các nguồn và kế hoạch hoạt động của chương trình hằng năm được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và thông báo cho Ban điều hành chương trình.

9.3. Trưởng Ban điều hành chương trình xem xét kế hoạch thu, chi, quyết toán kinh phí đào tạo và hoạt động hằng năm trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Thực hiện đúng nguyên tắc sử dụng ngân sách và công khai định kỳ với Ban điều hành chương trình và báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố theo yêu cầu.

9.4. Ban điều hành chương trình được sử dụng tài khoản của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường để giao dịch cho các hoạt động của chương trình.

Điều 10. Các khoản thu và chi của chương trình gồm :

10.1. Các khoản thu :

- Ngân sách do thành phố cấp

- Ngân sách đào tạo trên đại học của Trung ương dành cho thành phố theo chỉ tiêu được phân bổ hàng năm (nếu có).

- Các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Lệ phí của ứng viên tham gia chương trình vận dụng theo quy định đã áp dụng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

10.2. Các khoản chi :

- Chi phí cho học viên và nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước (học phí, sinh hoạt phí và kinh phí làm luận văn tốt nghiệp).

- Chi phí cho các giao dịch với các đối tác trong và ngoài nước trong khuôn khổ các hoạt động tìm kiếm học bổng, xác định cơ sở đào tạo, khai thác các tiềm năng trợ giúp.

- Chi phí cho các nghiên cứu xác định nhu cầu cán bộ khoa học công nghệ, cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt, chuyên gia đầu đàn của thành phố.

- Chi phí cho việc soạn thảo nội dung giảng dạy và thực hành giảng dạy tại lớp bồi dưỡng kiến thức bổ sung.

- Chi phí cho hoạt động xét tuyển, thi tuyển.

- Chi lương cho nhân viên Văn phòng chương trình và phụ cấp kiêm nhiệm cho các cán bộ tham gia chương trình.

- Chi phí phục vụ cho các hoạt động cần thiết của Văn phòng chương trình (như : thiết bị văn phòng, chi phí cho hội nghị và hội thảo…).

- Một số chi phí khác.

Điều 11. Quản lý tài chính :

11.1. Tất cả các khoản tài trợ và thu từ ngân sách sẽ được tập trung về tài khoản của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Mọi khoản chi của chương trình phải được Trưởng Ban điều hành phê duyệt và chi đúng theo quy định hoạt động của chương trình và đúng theo nguyên tắc tài chính.

11.2. Nhóm Tài chính của chương trình lập kế hoạch sử dụng kinh phí, báo cáo và công khai định kỳ các khoản thu và chi cho Ban điều hành chương trình và Ủy ban nhân dân thành phố.

Chương 4:

TỔ CHỨC TUYỂN SINH

Điều 12. Điều kiện và tiêu chuẩn dự tuyển :

12.1. Điều kiện và tiêu chuẩn chung :

12.1.1. Các ứng viên dự tuyển phải có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; yêu nước, có tinh thần xây dựng thành phố và đất nước.

12.1.2. Có thành tích xuất sắc trong học tập (đối với sinh viên mới tốt nghiệp đại học), trong công tác nghiên cứu (đối với những người đang làm việc)

12.1.3. Có triển vọng trở thành cán bộ chủ chốt, đầu đàn trong các lĩnh vực khoa học công nghệ và quản lý trong các ngành kinh tế; trong các trường đại học và viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố; trong các cơ quan Đảng, quản lý Nhà nước và các Đoàn thể.

12.1.4. Ưu tiên xét tuyển là cán bộ công chức thuộc diện quy hoạch dự bị các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý của thành phố và cán bộ quy hoạch dài hạn của Thành Ủy.

12.1.5. Nếu là công chức được tuyển chọn đi học theo chương trình này, thì khi kết thúc khóa đào tạo, làm việc theo sự bố trí của Thành Ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, được quản lý theo các quy định của Nhà nước về công chức.

12.1.6. Nếu là sinh viên mới tốt nghiệp, không phải là công chức Nhà nước, thì sau khi kết thúc đào tạo, chấp nhận cam kết làm việc theo yêu cầu bố trí của Thành Ủy và Ủy ban nhân dân thành phố trong thời hạn ít nhất bằng 3 lần thời gian được cử đi đào tạo theo chương trình này. Nếu thời gian chấp thuận làm việc theo phân công ít hơn thì phải bồi hoàn kinh phí đào tạo tương ứng theo quy định như đối với công chức.

12.1.7. Có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh (không áp dụng đối với sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường đại học trên địa bàn thành phố).

12.2. Điều kiện và tiêu chuẩn cụ thể.

a. Về độ tuổi:

- Đối với đào tạo thạc sĩ : tuổi dưới 35

- Đối với đào tạo tiến sĩ : tuổi dưới 40

b. Về trình độ :

* Đối với sinh viên mới ra trường chỉ đào tạo thạc sĩ :

- Kết quả các năm học tập phải đạt từ mức khá, giỏi trở lên (điểm 4 trở lên trên thang điểm 5, điểm 8 trở lên trên thang điểm 10). Kết quả thi hoặc luận văn tốt nghiệp đại học phải đạt loại khá trở lên.

c. Về trình độ ngoại ngữ :

+ Đối với các nước sử dụng ngôn ngữ giảng dạy là Anh văn, phải có bằng C hoặc tương đương (TOEFL 500 điểm, IELTS 5.0) và phù hợp yêu cầu của trường nhận đào tạo.

+ Ngoại ngữ khác phải có bằng C hoặc tương đương và phù hợp yêu cầu của trường nhận đào tạo ở nước sở tại.

- Là Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (nếu ở độ tuổi dưới 29 tuổi).

* Đối với những người đã làm việc trên 2 năm, có 2 mức đào tạo:

- Đào tạo thạc sĩ:

+ Có bằng đại học từ loại khá trở lên.

+ Về trình độ ngoại ngữ:

· Đối với các nước sử dụng ngôn ngữ giảng dạy là Anh văn, phải có bằng C hoặc tương đương (TOEFL 500 điểm, IELTS 5.0) và phù hợp yêu cầu của trường nhận đào tạo.

· Ngoại ngữ khác phải có bằng C hoặc tương đương và phù hợp yêu cầu của trường nhận đào tạo ở nước sở tại.

- Đào tạo tiến sĩ:

+ Có bằng thạc sĩ

+ Về trình độ ngoại ngữ:

· Đối với các nước sử dụng ngôn ngữ giảng dạy là Anh văn, phải có bằng C hoặc tương đương (TOEFL 500 điểm, IELTS 5.0) và phù hợp yêu cầu của trường nhận đào tạo.

· Ngoại ngữ khác phải có bằng C hoặc tương đương và phù hợp yêu cầu của trường nhận đào tạo ở nước sở tại.

+ Có đề cương nghiên cứu khoa học.

+ Phải có ít nhất 01 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học hoặc có tham gia đề tài khoa học đã được nghiệm thu.

+ Có thư giới thiệu của một nhà khoa học có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư hoặc học vị Tiến sĩ.

Điều 13. Hồ sơ dự tuyển :

Các cá nhân thỏa mãn các điều kiện và tiêu chuẩn đã nêu ở điều 12 đều được tham gia dự tuyển. Hồ sơ xin dự tuyển phải gửi về Văn phòng chương trình đúng thời gian quy định, gồm:

- Đơn xin dự tuyển (theo mẫu quy định)

- Sơ yếu lý lịch (có chứng nhận của địa phương hoặc nơi công tác).

- Giấy khai sinh.

- Hai bản sao các văn bằng (có chứng nhận của cơ quan cấp hoặc công chứng).

- Đề cương nghiên cứu (đối với nghiên cứu sinh).

- Bản sao bài báo, trang bìa và mục lục của tờ báo (nếu có, đối với nghiên cứu sinh).

- Bản sao bản đăng ký đề tài, báo cáo và biên bản nghiệm thu đề tài (nếu có, đối với nghiên cứu sinh).

- Giấy giới thiệu và đánh giá của trường hoặc cơ quan đang công tác.

- Giấy xác nhận là Đoàn viên Thanh niên Cộng sản (nếu còn tuổi đoàn).

- Bản sao hộ khẩu thành phố (có chứng thực) đối với những ứng viên đang làm việc.

- Giấy cam kết tham gia chương trình.

- Giấy đồng ý tiếp nhận học viên của cơ sở nhận đào tạo (trong trường hợp học viên muốn tự chọn trường).

- Bốn phong bì có dán tem và bốn ảnh (4x6) mới nhất (không quá 6 tháng).

Những người dự tuyển phải đóng một khoản lệ phí vận dụng theo quy định như thi Đại học và sau Đại học đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.

Điều 14. Hội đồng xét tuyển :

14.1. Chủ tịch Hội đồng :

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

14.2. Phó chủ tịch Hội đồng:

- Đại diện Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

- Đại diện Ban Tổ chức Thành Ủy.

14.3. Thành viên Hội đồng xét tuyển :

- Đại diện Ban Tổ chức Chính quyền thành phố

- Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo

Tuỳ từng lĩnh vực đào tạo, Hội đồng xét tuyển sẽ lấy ý kiến của các chuyên gia:

- Khoa học cơ bản: Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

- Khoa học ứng dụng: Đại diện Trường Đại học Bách khoa

- Khoa học xã hội và nhân văn: Đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hoặc Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn thành phố.

- Công nghệ thông tin: Đại diện Trung tâm Phát triển Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia thành phố hoặc các Khoa Công nghệ thông tin ở các Trường Đại học.

- Tổ chức quản lý: Đại diện Trường Đại học Kinh tế; Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư; Đại diện Sở Tài chánh – Vật giá, Học viện Hành chính Quốc gia (thành phố Hồ Chí Minh).

14.4. Thư ký Hội đồng:

Trưởng Văn phòng chương trình.

Điều 15. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tuyển:

Hội đồng xét tuyển hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ quyết định theo đa số. Khi có các ý kiến ngang nhau thì ý kiến của Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết định.

Điều 16. Quy trình xét tuyển và thi tuyển :

16.1. Trước khi đào tạo bổ sung:

16.1.1. Đánh giá phẩm chất đạo đức của ứng viên.

Sau khi nhận hồ sơ từ các học viên, Văn phòng chương trình sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ lý lịch của người dự tuyển cho Nhóm Xác định Nhu cầu Đào tạo để đánh giá tư cách đạo đức và phẩm chất chính trị của ứng viên. Nhóm có thể kết hợp với bộ phận chuyên trách của Ban Tổ chức Thành Ủy. Hồ sơ gồm:

- Sơ yếu lý lịch.

- Giấy khai sinh.

- Giấy cam kết tham gia chương trình.

- Giấy giới thiệu đánh giá của trường hoặc cơ quan công tác.

- Giấy xác nhận là đoàn viên (nếu có).

- Bản sao hộ khẩu thành phố (những người đang làm việc).

- Phiếu khám sức khỏe.

Việc đánh giá thực hiện tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày Văn phòng chương trình chuyển hồ sơ đến nhóm. Sau khi đã đánh giá hồ sơ, nhóm chuyển cho Văn phòng chương trình danh sách các ứng viên được tham gia chương trình và chuyển toàn bộ hồ sơ về Văn phòng chương trình.

16.1.2. Đánh giá năng lực học tập của ứng viên.

Song song với việc chuyển hồ sơ cho Nhóm xác định nhu cầu đào tạo, Văn phòng chương trình cũng chuyển hồ sơ về Nhóm Quan hệ Hợp tác và Đào tạo để đánh giá năng lực học tập của ứng viên. Hồ sơ gồm :

- Phiếu đăng ký dự tuyển.

- 02 bản sao bằng tốt nghiệp đại học (có công chứng).

- 02 bản sao bằng Thạc sĩ (có công chứng, đối với nghiên cứu sinh).

- 02 bản sao chứng nhận trình độ ngoại ngữ.

- Giấy xác nhận, bảng điểm, bổ túc kiến thức … (nếu có).

- Đề cương nghiên cứu (đối với nghiên cứu sinh).

- Giấy giới thiệu của Giáo Sư, Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ (đối với nghiên cứu sinh).

- Bản sao toàn văn bài báo, trang bìa và mục lục của tờ báo (nếu có, đối với nghiên cứu sinh).

Việc đánh giá thực hiện tối đa không quá 15 ngày kể từ ngày Văn phòng chương trình chuyển hồ sơ về nhóm. Sau khi đã đánh giá hồ sơ, nhóm sẽ chuyển cho Văn phòng chương trình danh sách các ứng viên được tham gia chương trình và chuyển toàn bộ hồ sơ về Văn phòng chương trình.

16.1.3. Công bố kết quả các ứng viên được tham gia đào tạo bổ sung.

Căn cứ vào hai danh sách đã nhận từ Nhóm Xác định Nhu cầu Đào tạo và Nhóm Quan hệ Hợp tác và Đào tạo,Văn phòng chương trình tổng hợp thành danh sách các ứng viên được tham gia lớp đào tạo kiến thức bổ sung và trình Hội đồng xét tuyển phê duyệt. Thời gian lập danh sách của Văn phòng chương trình không quá hai ngày.

Sau khi nhận được danh sách đã phê duyệt, Văn phòng chương trình sẽ công bố kết quả bằng thư thông báo cho các ứng viên tham dự đào tạo bổ sung.

16.2. Sau khi đào tạo bổ sung:

16.2.1. Nếu đào tạo trong nước:

Sau khi kết thúc khóa học đào tạo bổ sung, các ứng viên tham gia thi tuyển tại các trường Đại học ở Việt Nam. Các trường đại học sau khi chấm điểm sẽ gởi kết quả về Văn phòng chương trình.

Văn phòng chương trình tổng hợp danh sách trúng tuyển trình cho Hội đồng xét tuyển và Trưởng ban điều hành chương trình xem xét, sau đó gởi về Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt danh sách trúng tuyển.

Sau khi nhận được danh sách đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, Văn phòng chương trình sẽ công bố kết quả và gởi thư thông báo cho các ứng viên trúng tuyển.

16.2.2. Nếu đào tạo ở nước ngoài :

Sau khi kết thúc khóa học đào tạo bổ sung, các trường nhận đào tạo kiểm tra ứng viên dự tuyển. Từ kết quả kiểm tra, Văn phòng chương trình tổng hợp danh sách, báo cáo Hội đồng xét tuyển để tổ chức xét tuyển hoặc thi tuyển.

Văn phòng chương trình trình danh sách trúng tuyển (đã được Hội đồng xét tuyển thông qua) cho Trưởng ban điều hành để trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt danh sách trúng tuyển.

Sau khi nhận được danh sách đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, Văn phòng chương trình sẽ công bố kết quả và gởi thư thông báo cho các ứng viên trúng tuyển.

Chương 5:

TỔ CHỨC ĐÀO TẠO VÀ QUẢN LÝ:

Điều 17. Các loại hình đào tạo:

Việc đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ của chương trình được thực hiện tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, với chất lượng đào tạo ngang với các nước phát triển, có bằng tốt nghiệp do những trường đại học có uy tín ở nước ngoài cấp hoặc công nhận. Bao gồm :

17.1. Đào tạo toàn phần ở nước ngoài.

17.2. Đào tạo giai đoạn đầu trong nước, giai đoạn sau ở nước ngoài, do các trường đại học ở nước ngoài cấp bằng (theo khả năng liên kết đào tạo của các cơ sở đào tạo trong nước).

17.3. Đào tạo trong nước sau đó khảo sát, thực tập ở nước ngoài, làm luận văn ở trong nước, được các trường nước ngoài cấp bằng (ưu tiên áp dụng đối với một số ngành khoa học xã hội, theo khả năng liên kết đào tạo của các cơ sở đào tạo trong nước), hoặc trường trong nước cấp bằng.

Điều 18. Các chuyên ngành đào tạo:

Các chuyên ngành đào tạo hàng năm dựa theo định hướng qui hoạch của thành phố.

Từ cơ cấu các ngành đào tạo Nhóm Quan hệ Hợp tác và Đào tạo sẽ xác định các cơ sở đào tạo.

Các ứng viên tham gia chương trình cũng có thể tự tìm trường thích hợp với chuyên ngành và khả năng của mình nhưng phải phù hợp yêu cầu của chương trình.

Điều 19. Tổ chức đào tạo kiến thức bổ sung:

19.1. Nhóm Quan hệ Hợp tác và Đào tạo đề xuất các môn học bổ sung và cơ sở đào tạo, trình Trưởng Ban điều hành chương trình xem xét quyết định.

19.2. Văn phòng chương trình phối hợp với Đại học Quốc gia và Đại học Kinh tế tổ chức các lớp đào tạo kiến thức bổ sung.

Điều 20. Quản lý trong thời gian đào tạo ở nước ngoài :

Những người được đào tạo trong chương trình chịu sự quản lý của Ban điều hành chương trình, phải có báo cáo định kỳ hàng năm về kết quả học tập, nghiên cứu và rèn luyện phẩm chất cho Văn phòng chương trình. Những vấn đề phát sinh đột xuất cần phải được báo cáo kịp thời về Văn phòng chương trình để giải quyết nhằm tạo điều kiện cho các học viên hoàn tất chương trình học của mình.

Thông qua các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, Ban điều hành chương trình sẽ theo dõi tình hình học tập, nghiên cứu, đời sống của học viên và nghiên cứu sinh để tạo điều kiện cho học viên và nghiên cứu sinh đạt kết quả học tập và nghiên cứu tốt nhất.

Điều 21. Bố trí sau đào tạo :

Ban điều hành chương trình phối hợp với Ban Tổ chức Thành Ủy, Ban Tổ chức Chính quyền thành phố có trách nhiệm :

21.1. Tham mưu cho Ban Thường vụ Thành Ủy và Ủy ban nhân dân thành phố về việc bố trí công tác cho những người đã hoàn tất chương trình đào tạo theo đúng ngành nghề và mục tiêu đào tạo, tạo điều kiện cho họ phục vụ tốt nhất cho thành phố.

21.2. Thi hành các biện pháp có hiệu quả giúp những người được đào tạo thực hiện các cam kết ban đầu của mình.

Điều 22. Quyền lợi và nghĩa vụ của học viên và nghiên cứu sinh:

Những người trúng tuyển được đảm bảo tài chính cho việc học tập, thực tập, các sinh hoạt phí khác trong và ngoài nước theo phương thức sau đây :

22.1. Được vay trước kinh phí để thanh toán cho các chi phí đào tạo, đi lại và sinh hoạt. Quy mô cho vay cụ thể đối với từng trường hợp do Ban điều hành chương trình quyết định, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của nơi đào tạo.

22.2. Chương trình cho vay toàn bộ kinh phí của khoá học là 2 năm đối với đào tạo thạc sĩ và từ 2 đến 3 năm đối với đào tạo tiến sĩ. Sau mỗi năm học, các học viên và nghiên cứu sinh phải gửi kết quả học tập và nghiên cứu về Ban điều hành chương trình.

22.3. Nguyên tắc thanh toán: những người tốt nghiệp loại xuất sắc hoặc giỏi được miễn hoàn trả toàn bộ kinh phí đã vay. Những người tốt nghiệp đạt loại khá phải hoàn trả 30% kinh phí đã vay, những người tốt nghiệp loại trung bình phải hoàn trả 50% kinh phí đã vay.

Việc hoàn trả kinh phí giới hạn trong vòng 10 năm kể từ ngày kết thúc khóa học, trong trường hợp có quyết định nghỉ công tác thì việc chi trả thực hiện đầy đủ trước khi nghỉ việc.

22.4. Cán bộ công chức cam kết với Ban điều hành chương trình hoàn trả khoản kinh phí đào tạo theo quy định tại điều 22.3. Những học viên và nghiên cứu sinh chưa là cán bộ, công chức thì người đi học và thân nhân ở Việt Nam phải ký thỏa thuận cam kết mang tính pháp lý, chịu trách nhiệm hoàn trả kinh phí được vay theo quy định tại điều 22.3. Những người được vay kinh phí nếu sau khi hoàn tất chương trình đào tạo mà không trở về phục vụ đất nước thì người bảo lãnh sẽ phải bồi hoàn toàn bộ kinh phí mà học viên đã vay của chương trình.

Chương 5:

TRÁCH NHIỆM THI HÀNH

Điều 23.

23.1. Các đơn vị có liên quan phối hợp và đảm bảo kinh phí thực hiện chương trình theo quy định này để triển khai chương trình có kết quả và định kỳ hàng năm có báo cáo sơ kết cho Ban Thường vụ Thành Ủy và Ủy ban nhân dân thành phố.

23.2. Ban điều hành chương trình có trách nhiệm triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện quy định này.

Điều 24.

Căn cứ quy định này, Trưởng Ban điều hành chương trình quyết định những việc cụ thể trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình và kịp thời báo cáo xin ý kiến Ủy ban nhân dân thành phố quyết định đối với những vấn đề phát sinh mang tính nguyên tắc./.

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ