- 1 Quyết định 34/2007/QĐ-TTg về Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 3 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 4 Nghị quyết 57/NQ-CP năm 2022 về nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội do Chính phủ ban hành
- 5 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 6 Nghị quyết 30-NQ/TW năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 826/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2023 |
VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG ĐIỀU PHỐI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thành lập tổ chức hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 4357/TTr-BKHĐT ngày 09 tháng 6 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng Sông Hồng (gọi tắt là Hội đồng điều phối vùng) nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Điều 2. Chức năng của Hội đồng điều phối vùng
Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng đồng bằng Sông Hồng.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức Hội đồng điều phối vùng
1. Hội đồng điều phối vùng bao gồm:
- Chủ tịch Hội đồng: Thủ tướng Chính phủ;
- Phó Chủ tịch Thường trực: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Phó Chủ tịch: Bộ trưởng Bộ Xây dựng;
- Phó Chủ tịch: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Phó Chủ tịch: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Phó Chủ tịch: Bộ trưởng Bộ Công Thương.
- Các Ủy viên:
Thứ trưởng và tương đương của các Bộ và cơ quan ngang Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình.
2. Hội đồng điều phối vùng có thể thành lập các tiểu ban làm đầu mối điều phối theo ngành, lĩnh vực hoặc theo các tiểu vùng. Tiểu ban được tổ chức và hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng quy định.
3. Bộ máy tham mưu, giúp việc của Hội đồng điều phối vùng, các bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Văn phòng Hội đồng điều phối vùng, Tổ điều phối cấp bộ, Tổ điều phối cấp tỉnh và Tổ chuyên gia tư vấn.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối vùng, sử dụng bộ máy giúp việc để thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng điều phối Vùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thành lập Văn phòng Hội đồng điều phối vùng. Biên chế công chức của Văn phòng Hội đồng điều phối vùng thuộc biên chế công chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng
1. Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Điều phối các hoạt động lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện các Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng Sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng Sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
3. Nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.
4. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), thúc đẩy đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP), nhất là trong phát triển hạ tầng chiến lược, quan trọng của vùng.
5. Điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng.
6. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng.
7. Phối hợp với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội có tính chất liên kết giữa các vùng.
8. Điều phối các bộ, ngành trung ương có ý kiến về đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư xây dựng và bố trí nhà ở, các công trình văn hóa, phúc lợi tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; giải quyết các tệ nạn xã hội, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội.
9. Điều phối các bộ, ngành trung ương trong việc phối hợp sử dụng lao động, hỗ trợ giới thiệu việc làm, hợp tác bố trí nguồn lao động và xử lý các vấn đề tranh chấp về lao động (nếu có).
10. Thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển Hiệp hội doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội liên minh, liên minh hợp tác xã của toàn vùng đồng bằng sông Hồng.
11. Quyết định sử dụng nguồn lực tài chính, nguồn lực khác được giao để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng vùng.
12. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định của pháp luật.
1. Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ trong các văn bản khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng và nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng.
2. Các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng điều phối vùng sử dụng con dấu của cơ quan mình để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
1. Kinh phí hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, bao gồm cả kinh phí hoạt động của các tiểu ban điều phối (nếu có), Văn phòng Hội đồng điều phối vùng được tổng hợp trong dự toán ngân sách chi thường xuyên hằng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nguồn tài trợ của các tổ chức trong nước, quốc tế và được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Văn phòng Hội đồng điều phối vùng được sử dụng tài khoản và bộ máy tài vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Kinh phí hoạt động của các tổ điều phối cấp bộ, ngành được tổng hợp trong dự toán ngân sách chi thường xuyên hằng năm của bộ, ngành, từ nguồn tài trợ của các tổ chức trong nước, quốc tế và được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Tổ điều phối cấp bộ, ngành được phép sử dụng tài khoản và bộ máy tài vụ của bộ, ngành.
3. Kinh phí hoạt động của các Tổ điều phối cấp tỉnh được tổng hợp trong dự toán ngân sách chi thường xuyên hằng năm của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ nguồn tài trợ của các tổ chức trong nước, quốc tế và được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Tổ điều phối cấp tỉnh được phép sử dụng tài khoản và bộ máy tài vụ của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
1. Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng phê duyệt danh sách các Phó Chủ tịch, các Ủy viên của Hội đồng điều phối vùng.
3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Hội đồng vùng đồng bằng Sông Hồng được hoạt động cho đến khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định chấm dứt hoạt động.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng đồng bằng Sông Hồng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| THỦ TƯỚNG |
- 1 Quyết định 999/QĐ-TTg năm 2022 về thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 986/QĐ-TTg năm 2022 về thành lập và Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 91/QĐ-HĐĐPTDMNPB năm 2022 về Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2025