Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 83-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 1993

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG ĐỔI MỚI DOANH NGHIỆP 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác đổi mới doanh nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Thành lập ban chỉ đạo trung ương đổi mới doanh nghiệp gồm các đồng chí sau:

Trần Đức Lương

Phó Thủ tướng Chính phủ: Trưởng ban

- Phan Văn Tiệm, Bộ trưởng phụ trách một số công tác của Chính phủ:

Phó trưởng ban thường trực

- 1 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Uỷ viên Thường trực

- Đại diện lãnh đạo các cơ quan làm uỷ viên:

+ Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước

+ Các Bộ Tài chính, Lao động - Thương binh và xã hội, Công nghiệp nhẹ, Công nghiệp nặng , Thương mại, Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thuỷ sản

+ Ngân hàng nhà nước.

- Mời đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đại diện lãnh đạo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tham gia uỷ viên.

Điều 2. Giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương có một bộ phận thường trực đặt tại Văn phòng Chính phủ gồm một số chuyên gia có năng lực do Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương chọn trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Trường hợp cần thiết, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương có thể mời một số chuyên gia giỏi trong nước và ngoài nước có kinh nghiệm về cải cách và quản lý doanh nghiệp để tư vấn trong những chuyên đề cụ thể. Kinh phí mời các chuyên gia tư vấn sẽ do Bộ Tài chính trực tiếp giải quyết theo đề nghị của Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương.

Điều 3. Ban chỉ đạo Trung ương đổi mới doanh nghiệp có nhiệm vụ chủ yếu:

1. Nghiên cứu và xây dựng chương trình tổng thể dài hạn và từng năm trình Chính phủ về tiếp tục đổi mới tổ chức và quản lý doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Tổ chức chỉ đạo thực hiện các chương trình đổi mới doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước, các đề án thí điểm trong từng ngành, từng vùng, sơ kết, tổng kết để đáp ứng rộng rãi.

2. Chỉ đạo việc chuẩn bị đúng yêu cầu về chất lượng và tiến bộ quy định đối với các văn bản pháp quy (dự luật, Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định) về đổi mới tổ chức và quản lý doanh nghiệp, rà soát, hoàn chỉnh nội dung các văn bản này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ.

3. Hướng dẫn và thực hiện các văn bản pháp quy đã ban hành về đổi mới doanh nghiệp: uốn nắn những lệch lạc trong quá trình thực hiện và kịp thời đề xuất chủ trương, biện pháp để Nhà nước hoàn chỉnh hệ thống luật pháp đối với việc quản lý doanh nghiệp.

4. Tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm, báo cáo đột xuất về việc thực hiện công tác đổi mới doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ.

Điều 4. Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương định quy chế độ hoạt động của Ban để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều 5. Để sự chỉ đạo được tiến hành sâu rộng và thống nhất cả nước, mỗi Bộ Quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có một Tiểu ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp do một Thứ trưởng hoặc một phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban ở các Bộ bao gồm các thành viên là Vụ trưởng (Vụ phó) các Vụ Kế hoạch, Tổ chức - Cán bộ, Tài vụ, một số Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp tiêu biểu, thành viên kiêm nhiệm và 2 - 3 chuyên gia giỏi làm thành viên chuyên trách. Tiểu ban ở tỉnh, thành phố gồm các đại diện lãnh đạo Uỷ ban Kế hoạch tỉnh, Thành phố, Sở Tài chính, Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp, Sở Thương mại làm thành viên kiêm nhiệm và 2 - 3 thành viên là những chuyên gia có năng lực chuyên trách. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch đổi mới chuyên nghiệp và sự hướng dẫn, chỉ đạo chung của ban chỉ đạo Trung ương, các Tiểu ban đổi mới doanh nghiệp ở các Bộ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân Tỉnh, thành phố xây dựng và thực hiện các chương trình đổi mới doanh nghiệp ở ngành và địa phương.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và các đồng chí có tên trong Điều 1 nêu trên có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)