CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 84-CT | Hà Nội, ngày 28 tháng 2 năm 1985 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 84-CT NGÀY 28 THÁNG 02 NĂM 1985 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HỢP TÁC CHUYÊN GIA VỚI NƯỚC NGOÀI
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Để thực hiện thống nhất việc tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ và quản lý đối với chuyên gia đi hợp tác với nước ngoài;
Theo đề nghị của Trưởng ban Ban chuyên gia của Hội đồng Bộ trưởng,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế về tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ và quản lý đối với chuyên gia đi hợp tác với nước ngoài, gọi tắt là quy chế về hợp tác chuyên gia với nước ngoài.
Điều 2.- Trưởng ban Ban Chuyên gia của Hội đồng Bộ trưởng, thủ trưởng các Bộ, ngành ở Trung ương có liên quan đến công tác chuyên gia chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Tố Hữu (Đã ký) |
QUY CHẾ
VỀ HỢP TÁC CHUYÊN GIA VỚI NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 84-CT ngày 28-2-1985 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng)
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
Điều 1
Việc cử chuyên gia đi công tác nước ngoài nhằm mục đích:
1. Thực hiện cam kết giữa nước ta và các nước trong lĩnh vực hợp tác chuyên gia làm cơ sở đẩy mạnh sự hợp tác về kinh tế và khoa học kỹ thuật giữa nước ta và các nước.
2. Thông qua việc hợp tác chuyên gia, tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước bạn trên thế giới, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ta.
3. Nâng cao trình độ, kiến thức khoa học kỹ thuật của chuyên gia, học tập và tiếp thụ những kinh nghiệm của các nước bạn có thể áp dụng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.
4. Góp phần cải thiện đời sống cho chuyên gia và thu ngoại tệ cho Nhà nước.
II. TIÊU CHUẨN TUYỂN CHỌN CHUYÊN GIA
Điều 2
Chuyên gia được cử đi công tác tại nước ngoài phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tư cách tốt, có năng lực chuyên môn và trình độ ngoại ngữ, có sức khoẻ, đủ khả năng đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ, cụ thể là:
Về phẩm chất chính trị, các chuyên gia phải:
a) Có lý lịch gia đình và bản thân được cơ quan quản lý cán bộ xác nhận là rõ ràng và không có vấn đề phức tạp.
b) Có ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nhất trí với đường lối của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách của Nhà nước, nhiệt tình trong công tác, gương mẫu trong sinh hoạt, có nếp sống lành mạnh và trong sáng, có ý thức tổ chức và kỷ luật.
c) Không vi phạm luật pháp của Nhà nước, không đang trong thời kỳ bị thi hành kỷ luật, không có quan hệ bất minh với những phần tử phản động, gian thương và thoái hoá ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Về chuyên môn, chuyên gia phải có đủ trình độ chuyên môn, có bằng cấp đúng với ngành nghề do bạn yêu cầu:
a) Đối với chuyên gia đi dạy đại học phải có thâm niên nghề dạy học 7 năm trở lên.
b) Đối với chuyên gia đi dạy trung học phải có thâm niên nghề dạy học 5 năm trở lên.
c) Đối với chuyên gia dạy nghề phải có khả năng giảng dạy về lý thuyết và thực hành; phải có thâm niên nghề 5 năm. Đối với chuyên gia chưa làm giáo viên dạy nghề, phải thực tập dạy nghề tại các trường dạy nghề trong nước ít nhất là 6 tháng trước khi làm chuyên gia.
d) Đối với chuyên gia sẽ phụ trách một công trình cho bạn thì khi ở trong nước, ít nhất đã tham gia trong ban phụ trách của một công trình cỡ tương đương.
đ) Đối với công nhân kỹ thuật phải có trình độ tay nghề phù hợp với yêu cầu của ban.
e) Đối với bác sĩ, dược sĩ cao cấp và kỹ thuật viên các loại đều phải có thâm niên nghề là 5 năm trở lên.
Mọi loại chuyên gia nói trên đều phải kiểm tra trình độ chuyên môn bằng tiếng mà sẽ phải dùng tại nước bạn, với các mức độ khác nhau, theo quy định riêng.
Về ngoại ngữ, chuyên gia phải có giấy chứng nhận trình độ, thông qua kỳ kiểm tra ngoại ngữ. Yêu cầu về mức độ sử dụng ngoại ngữ phụ thuộc vào chức vụ, tính chất công tác của từng loại chuyên gia, các mức độ sẽ do các Bộ cử chuyên gia phối hợp với Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp quy định cụ thể cho từng loại.
Về sức khoẻ chuyên gia phải có sức khoẻ tốt, giấy chứng nhận sức khoẻ do Bộ Y tế cấp.
Điều 3
Nếu Bộ cử chuyên gia có yêu cầu lấy chuyên gia thuộc các Bộ khác, thì các Bộ này lập danh sách, giới thiệu cho Bộ cử chuyên gia. Bộ cử chuyên gia sẽ làm các thủ tục tuyển chọn, kiểm tra ngoại ngữ, chuyên môn, sức khoẻ và các thủ tục cần thiết khác.
Điều 4
Chuyên gia phải có giấy xác nhận của các cơ quan chức năng ở cấp có thẩm quyền về các tiêu chuẩn ghi trong Điều 2. Các danh sách tuyển chọn phải gửi đến Ban Hợp tác chuyên gia của Hội đồng Bộ trưởng trước khi trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Sau khi có quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, các Bộ cử chuyên gia tiến hành các thủ tục với Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính.
Điều 5
Sau khi được tuyển chọn, chuyên gia phải nắm được quy chế, các chế độ đối với các chuyên gia, ký kết các bản hợp đồng với Bộ cử chuyên gia để xác nhận sự tự nguyện và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ hợp tác với bạn và với Nhà nước ta.
Điều 6
Thủ trưởng các Bộ, ngành được thành lập Hội đồng tuyển chọn chuyên gia để phụ trách tuyển chọn chuyên gia. Thành phần Hội đồng gồm có:
- Một thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng ngành làm Chủ tịch.
- Một số vụ trưởng các vụ có liên quan đến công tác chuyên gia làm uỷ viên.
- Thủ trưởng cơ quan phụ trách công tác chuyên gia của Bộ, ngành làm uỷ viên thường trực.
III. NGHĨA VỤ CỦA CHUYÊN GIA
Điều 7
Chuyên gia phải:
a) Quán triệt mục đích và chủ trương của Nhà nước trong việc hợp tác với nước ngoài, thực hiện nghiêm chỉnh đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, hoàn thành với kết quả tốt những nhiệm vụ đã quy định trong hiệp nghị ký kết giữa hai nước, trên tinh thần tự giác cao, đúng thời hạn và kế hoạch hợp tác đã thoả thuận với bạn.
b) Không ngừng rèn luyện lập trường tư tưởng, luôn phấn đấu nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn và ngoại ngữ. Gương mẫu giữ gìn tư cách đạo đức, nếp sống lành mạnh, tư thế của người chuyên gia; quan hệ tốt và đúng đắn với bạn, giữ gìn đoàn kết tốt trong nội bộ.
Điều 8
Chuyên gia phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp xây dựng Tổ quốc, trích từ các khoản thu nhập hàng tháng do bạn trả đủ số lượng và đúng hạn theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều 9
Chuyên gia phải có ý thức cảnh giác cách mạng, giữ bí mật quốc gia, giữ đúng nguyên tắc về việc quan hệ với người nước ngoài, người địa phương, Việt kiều. Tôn trọng luật pháp, phong tục tập quán của nước sở tại, nội quy, quy chế của cơ quan bạn mà chuyên gia làm việc. Không bỏ dở công việc, tự ý thay đổi nhiệm vụ và nơi công tác; không tham gia những công việc thuộc nội bộ của bạn.
Điều 10
Chuyên gia không được tham gia các hoạt động buôn bán, kể cả buôn ngoại tế, và các việc nhằm mục đích kiếm lãi. Ngoài nhiệm vụ công tác chuyên môn đã quy định kể cả công tác nghiên cứu khoa học, chuyên gia không làm một nghề gì khác để tăng thêm thu nhập cá nhân.
Chuyên gia phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy chế của hải quan, của hàng không quốc tế, không mang các thứ quốc cấm và các thứ hàng có tính chất buôn bán trái phép.
Điều 11
Trong thời gian ở nước ngoài, nếu được mời đi tham quan, đi dự hội nghị hoặc đi nghỉ phép ở một nước khác, thì phải báo cáo với đoàn và cán bộ quản lý chuyên gia, và phải được phép của Đại sứ nước ta ở nước chuyên gia đang công tác. Trong những trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Bộ chủ quản và Bộ Ngoại giao,
Điều 12
Các tài liệu, số liệu, hiện vật cần cho công tác phải được phép của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước mới được mang sang nước bạn.
IV. QUYỀN LỢI CỦA CHUYÊN GIA
Điều 13
Cán bộ có tên trong danh sách dự tuyển được dự các lớp bồi dưỡng tại chức hoặc tập trung về ngoại ngữ và chuyên môn trong một thời gian tuỳ yêu cầu cụ thể và vẫn được hưởng mọi chế độ đãi ngộ như ở cơ quan cũ. Được phép dự kiểm tra trình độ hai lần.
Điều 14
Trước khi ra nước ngoài, chuyên gia được cấp phát trang phục theo chế độ chung. Chuyên gia được vay một số tiền để mua thêm trang phục (nếu có nhu cầu) để chi tiêu trên đường đi, số tiền này chuyên gia sẽ trả lại bằng ngoại tệ vào tài khoản của Ban Chuyên gia, có tính lãi theo quy định của Ngân hàng Ngoại thương.
Thời gian công tác ở nước ngoài của chuyên gia được coi như biệt phái. Biên chế, hộ khẩu, lương, hồ sơ nhân sự, đều lưu tại cơ sở nơi ở và làm việc cũ. Chuyên gia phải hoàn thành thủ tục cắt tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm trước khi lên đường. Tại cơ sở cũ chuyên gia vẫn được xét khen thưởng, nâng bậc lương, phong chức vụ khoa học và các quyền lợi khác nếu đúng kỳ hạn và đủ tiêu chuẩn.
Thời gian chuyên gia công tác tại nước ngoài được tính vào thâm niên công tác.
Gia đình chuyên gia được hưởng 60% lương và phụ cấp hàng tháng của chuyên gia như khi ở trong nước. Khoản này vẫn do quỹ lương của cơ quan có chuyên gia trả.
Điều 17
Khi ở nước ngoài, chuyên gia được hưởng một phần lương bằng tiền địa phương để chi tiêu trong ăn, ở, sinh hoạt, và một phần bằng ngoài tệ, để gửi về nước giúp gia đình.
Ở những nước mà bạn có khó khăn và yêu cầu ta cử chuyên gia theo hình thức viện trợ kỹ thuật, bạn chỉ trả phụ cấp sinh hoạt tại chỗ, thì Nhà nước sẽ phụ cấp thêm cho chuyên gia một khoản ngoại tệ tương đương, với khoản ngoại tệ được hưởng của chuyên gia ở một nước có mức lương tối thiểu. Bộ Tài chính quy định cụ thể về chế độ đãi ngộ nói ở điều này đối với chuyên gia từng nước.
Điều 18
Sau khi làm đầy đủ nghĩa vụ xây dựng đất nước, chuyên gia có quyền sử dụng phần còn lại trong số thu nhập hợp pháp, vào các nhu cầu sinh hoạt, mua sắm hàng tiêu dùng cho gia đình và bản thân.
Chuyên gia có quyền mang ngoại tệ về nước theo đúng thủ tục của ngân hàng và hải quan Việt Nam. Chuyên gia hoặc gia đình chuyên gia (nếu có uỷ quyền hợp lệ) có thể dùng số tiền đó mua hàng, theo chế độ ưu tiên, dành cho cán bộ đi công tác ở nước ngoài, tại các cửa hàng bán bằng ngoài tệ ở trong nước. Số ngoại tệ hợp pháp của mỗi chuyên gia phải được Bộ cử chuyên gia xác nhận.
Điều 19
Trong thời gian nghỉ phép hàng năm, chuyên gia được về nước hoặc không về nước tuỳ theo hiệp định ký kết với bạn. Chuyên gia có thể đi thăm một nước xã hội chủ nghĩa, sau khi được phép của Đại sứ ở nước chuyên gia công tác. Chi phí của chuyến đi (kể cả phụ cấp nếu có) được thanh toán theo những điều khoản ký kết về chế độ nghỉ phép hàng năm và theo quy định về tài chính đối với chuyên gia mà Nhà nước đã ban hành.
Điều 20
Chuyên gia bị ốm đau hoặc tai nạn thì được điều dưỡng tại các cơ sở y tế của nước bạn, chi phí do bạn trả theo hiệp định ký kết. Nếu vì sức khoẻ không bảo đảm được công việc, phải về nước trước thời hạn thì chuyên gia được tiếp tục chữa bệnh, điều dưỡng tại các cơ sở y tế trong nước, được hưởng các quyền lợi và làm nghĩa vụ xây dựng đất nước, tính đến tháng lương cuối cùng của chuyên gia do bạn trả.
Điều 21
Nếu chuyên gia bị chết vì ốm đau hoặc tai nạn thì được đưa thi hài về nước và gia đình được lĩnh phụ cấp theo chế độ quy định trong hiệp định đã ký với bạn.
V. TỔ CHỨC QUẢN LÝ CHUYÊN GIA Ở TRONG NƯỚC VÀ Ở NGOÀI NƯỚC
Điều 22
Tổ chức quản lý công tác hợp tác chuyên gia gồm:
a) Ban hợp tác chuyên gia của Hội đồng Bộ trưởng.
b) Tại các Bộ, tuỳ theo khối lượng công việc mà tổ chức bộ phận công tác chuyên gia trực thuộc Bộ trưởng hay nằm trong Vụ hợp tác quốc tế của Bộ.
c) Tại các nước có chuyên gia công tác, nếu có 50 chuyên gia trở lên thì có một cán bộ quản lý chuyên gia. Tuỳ nhu cầu quản lý chuyên gia tại các nước, Ban Chuyên gia của Hội đồng Bộ trưởng bàn với các Bộ, ngành có chuyên gia để quyết định số cán bộ quản lý chuyên gia tại từng nước. ở các nước có 3 cán bộ quản lý trở lên thì thành lập tổ chức quản lý chuyên gia.
Cán bộ quản lý chuyên gia chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Đại sứ. Đối với trong nước chịu trách nhiệm trước Bộ chủ quản và Ban hợp tác chuyên gia của Hội đồng Bộ trưởng.
d) Cán bộ quản lý chuyên gia phải có khả năng sử dụng ngoại ngữ thông dụng ở nước sở tại, có trình độ chuyên môn, có hiểu biết chung về tính chất các ngành nghề của các loại chuyên gia. Cán bộ quản lý chuyên gia phải:
- Nắm tình hình hoạt động của chuyên gia để báo cáo với Đại sứ, báo cáo và nhận chỉ thị của Bộ chủ quản và Ban hợp tác chuyên gia của Hội đồng Bộ trưởng, đề xuất những biện pháp giải quyết trong những hoàn cảnh cụ thể. - Làm việc với các cơ quan chức năng của bạn về các vấn đề có liên quan đến công tác chuyên gia, báo cáo và đề nghị về nước những nội dung hợp tác với bạn về công tác chuyên gia.
- Giúp đỡ chuyên gia giải quyết khó khăn trong quá trình công tác và sinh hoạt; quản lý việc chấp hành nội quy và quy chế về hợp tác chuyên gia, đôn đốc và kiểm tra việc thi hành chế độ đãi ngộ đối với chuyên gia và quản lý phần đóng góp ngoại tệ vào ngân sách Nhà nước.
Điều 23
a) Các chuyên gia cùng làm việc trong một nước chia thành từng đoàn, do Trưởng đoàn và Phó trưởng đoàn phụ trách. Trưởng đoàn và Phó trưởng đoàn chuyên gia từng ngành, do Bộ trưởng chỉ định, có nhiệm vụ:
- Tổ chức và quản lý chuyên gia trong đoàn để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được quy định trong kế hoạch đã thoả thuận với bạn.
- Liên hệ với các cơ quan chức năng của bạn về các vấn đề chuyên môn, trong khuôn khổ những điều khoản đã ký với bạn. Nếu có điểm mới, ngoài văn bản, phải báo cáo với đồng chí cán bộ quản lý chuyên gia, để xin ý kiến Đại sứ hoặc Bộ chủ quản trong nước, trước khi làm việc với bạn.
- Tổ chức việc sơ kết, tổng kết và rút kinh nghiệm của đoàn, báo cáo tình hình và đề đạt ý kiến của đoàn lên Đại sứ, Bộ trưởng và Ban hợp tác chuyên gia của Hội đồng Bộ trưởng, sau khi bàn với cán bộ quản lý chuyên gia.
- Quản lý việc thực hiện nội dung và quy chế tài chính.
- Đề nghị khen thưởng và kỷ luật (có văn bản gửi về nước cho Bộ chủ quản và Ban hợp tác chuyên gia).
Điều 24
Về tài chính. Theo Quyết định số 263-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 24-7-1984, công tác hợp tác chuyên gia hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế. Mọi thành viên trong hệ thống tổ chức điều hành công tác hợp tác chuyên gia ở trong nước và ngoài nước, và tất cả chuyên gia đều phải nghiêm khắc thực hiện chế độ quản lý tài chính, nhất là chế độ quản lý ngoại tệ của Nhà nước, quy định cụ thể trong các quy chế của Nhà nước đã ban hành và trong các điều kỷ luật về tài chính.
VI. KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 25
Cán bộ quản lý chuyên gia ở nước ngoài, các chuyên gia đạt thành tích xuất sắc trong thời gian công tác ở nước ngoài, đều được xét khen thưởng như khi làm việc ở trong nước. Đoàn chuyên gia nhận xét và đề nghị hình thức khen thưởng; đồng chí quản lý chuyên gia báo cáo và xin ý kiến của Đại sứ, để báo cáo về các Bộ và Ban hợp tác chuyên gia trong nước.
Chuyên gia vi phạm nghiêm trọng những điều khoản của hiệp nghị, vi phạm pháp luật nước bạn và nội quy, quy chế thì tuỳ theo lỗi nhẹ hay nặng sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ công tác đưa về nước hoặc truy tố trước pháp luật trong nước. Nếu vi phạm pháp luật của Nhà nước thì còn bị xử lý theo pháp luật của bạn.
Trong trường hợp bị kỷ luật đưa về nước trước thời hạn, chuyên gia phải bồi hoàn phí tổn như trả tiền vé máy bay, và các khoản chi phí khác nếu có.
VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 26
Các Bộ, các ngành chức năng có liên quan, trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác chuyên gia và các chuyên gia có trách nhiệm thực hiện những điều trong bản quy chế này.