Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 845-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT "KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG BẢO VỆ ĐA DẠNG SINH HỌC CỦA VIỆT NAM"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại Tờ trình số 2423/MTg ngày 25 tháng 9 năm 1995,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.- Phê duyệt "Kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH) của Việt Nam" với mục tiêu lâu dài, mục tiêu trước mắt và những nội dung chính như văn bản kèm theo.

Điều 2.- Tổ chức thực hiện.

1. Các hành động cụ thể phải thực hiện dưới hình thức dự án với mục tiêu, nội dung, địa bàn, quy mô, thời hạn, sản phẩm cụ thể. Các dự án phải được thẩm định trước khi cấp vốn thực hiện, nghiệm thu từng bước và kết thúc.

2. Nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương:

- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan đầu mối thực hiện kế hoạch hành động ĐDSH, Bộ có trách nhiệm chủ động bàn bạc với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để từng bước thực hiện kế hoạch này. Hàng năm Bộ tổng hợp chung báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện các nội dung kế hoạch.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ vào nguồn lực trong nước và tài trợ từ nước ngoài, căn cứ vào các nội dung chính của kế hoạch đã nêu trên, trao đổi thống nhất với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để bố trí kế hoạch cụ thể hàng năm cho các ngành và các địa phương thực hiện từng nội dung.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản và Trung tâm Khoa học tự nhiện và công nghệ quốc gia là những cơ quan chủ yếu thực hiện kế hoạch này. Hàng năm các cơ quan nói trên có trách nhiệm trao đổi thống nhất với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các kế hoạch hành động cụ thể, thông báo cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường biết kết quả thực hiện để tổng hợp chung trình Thủ tướng Chính phủ.

- Các Bộ giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi trong các chương trình kinh tế - xã hội do mình quản lý phải lưu ý ưu tiên cho những nội dung, địa bàn liên quan đến bảo vệ ĐDSH đồng thời chủ động bàn bạc với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những vấn đề liên quan chung.

3. Nhiệm vụ của các địa phương:

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Uỷ ban nhân dân tỉnh) chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch này trên địa bàn quản lý của mình.

- Hàng năm Uỷ ban nhân dân các tỉnh lập kế hoạch cụ thể, trao đổi thống nhất với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ liên quan để thực hiện, đồng thời hàng năm thông báo kết quả thực hiện cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường biết để tổng hợp chung trình Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3.- Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký .

 

 

Nguyễn Khánh

(Đã ký)

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG ĐA DẠNG SINH HỌCCỦA VIỆT NAM
(Đã được phê duyệt tại Quyết định số 845/TTg, ngày 22/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ)

Việt Nam là nước được thiên nhiên ưu đãi về sự phong phú, đa dạng của các hệ sinh thái, đa dạng của các loài và đa dạng của tài nguyên di truyền, gọi chung là đa dạng sinh học (ĐDSH). Các kết quả điều tra cho thấy, nước ta cóp khoảng 12.000 loài thực vật có mạch, trong đó đã định tên được khoảng 7.000 loài, 275 loài thú, 800 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng cư, 2470 loài cá, 5.500 loài côn trùng... Tính độc đáo của ĐDSH này khá cao: 10% số loài thú, chim và cá của Thế giới tìm thấy ở Việt Nam, hơn 40% số loài thực vật thuộc loại đặc hữu, không tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Việt Nam, nhiều loài gia súc, gia cầm đã được thuần dưỡng và tuyển chọn từ hàng ngàn năm nay.

Về giá trị kinh tế, các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản... thực chất là khai thác từ nguồn ĐDSH, ước tính hàng năm đem lại cho đất nước ta khoảng 2 tỷ USD. Nhiều nơi, nhất là miền núi, nguồn lương thực - thực phẩm, nguồn thuốc chữa bệnh và mọi thu nhập chủ yếu đều dựa vào khai thác ĐDSH.

Tuy nhiên, việc gia tăng quá nhanh dân số nước ta, việc diện tích rừng bị thu hẹp, việc khai thác quá mức tài nguyên sinh vật biển, việc áp dụng quá rộng rãi các giống mới trong sản xuất nông nghiệp... đã dẫn tới sự thu hẹp hoặc mất đi các hệ sinh thái, dẫn tới nguy cơ tiêu diệt 28% loài thú, 10% loài chim, 21% loài bò sát và lưỡng cư. Sự mất đi của một loài là mất vĩnh viễn, đồng thời mất luôn cả nguồn tài nguyên di truyền. Trên thực tế tốc độ suy giảm ĐDSH của ta nhanh hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực.

Nhận thức được các giá trị to lớn về kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội... của ĐDSH đối với sự phát triển hiện tại và tương lai của cả loài người, thấy được trách nhiệm nặng nề về việc phải bảo vệ ĐDSH, nước ta đã cùng nhiều nước trên thế giới ký vào Công ước ĐDSH và làm cho Công ước có hiệu lực từ giữa năm 1993.

Từ những năm 1960 nước ta đã tiến hành những bước chính thức đầu tiên nhằm bảo tồn thiên nhiên. Năm 1972, sắc lệnh về Bảo vệ rừng đã dẫn đến việc tuyển mộ 10.000 kiểm lâm viên được phiên chế vào mọi cấp ở hầu khắp đất nước. Từ những năm 1980, những cố gắng chung về bảo vệ môi trường trong đó có bảo vệ ĐDSH đã được tiến hành ngày một nhiều hơn và hệ thống hơn.

Năm 1985, Chiến lược Bảo tồn quốc gia của Việt Nam đã được soạn thảo, một chiến lược đầu tiên được xây dựng ở một nước đang phát triển. Chiến lược đã được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.

Năm 1991, Chính phủ thông qua Kế hoạch quốc gia về Môi trường và Phát triển bền vững 1991 - 2000. Kế hoạch đã dẫn đến việc xây dựng và thông qua Luật Bảo vệ Môi trường năm 1994, việc hình thành Bộ KHCN & Môi trường và các Sở KHCN & Môi trường ở các địa phương.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước ĐDSH và theo tinh thần đó Việt Nam cũng như tất cả các nước khác phải hành động để bảo vệ ĐDSH.

Ở quy mô quốc gia, nhất thiết phải xây dựng và ban hành một Kế hoạch hành động ĐDSH.

I. TÌNH TRẠNG BẢO VỆ ĐDSH Ở VIỆT NAM

1/ Tình trạng sử dụng các loài về mặt kinh tế:

Việc sử dụng về mặt kinh tế của các loài trước hết là khai thác gỗ, khoảng 1,3-1,4 triệu m3 gỗ được khai thác hàng năm, các lâm sản khác cũng được khai thác cho mục đích kinh tế bao gồm song, mây, tre nứa và củi. Khoảng 100.000 T tre nứa được khai thác làm nguyên liệu giấy. Trong tổng nhu cầu năng lượng của đất thì 75% là củi, ước tính hàng năm khai thác 22-23 triệu tấn nhiên liệu khai thác từ rừng tự nhiên. Ngoài ra có khoảng 2300 loài thực vật và một số loài động vật hoang dại được khai thác làm dược liệu, thức ăn cho người và gia súc, nguyên liệu cho công nghiệp và thủ công nghiệp... một khối lượng sản phẩm ngày càng tăng hiện đang được trao đổi mậu dịch với các nước láng giềng.

Hàng năm các sản phẩm ngư nghiệp ước tính 1 triệu tấn/năm, trong đó 60-70% là cá đánh bắt trên biển, cung cấp một nửa lượng đạm động vật quốc gia. Môi trường nước ngọt cung cấp khoảng 20 -30 ngàn tấn/năm cá, ba ba, ếch, các loài cá nuôi cũng cung cấp sản lượng 200 tấn/năm.

2/ Những đe doạ đối với ĐDSH:

Cùng với quá trình thu hẹp dần các hệ sinh thái, làm mất dần nơi cư trú, nhiều loài đang trong nguy cơ bị tiêu diệt. Trong sách đỏ Việt Nam, các nhà khoa học đã thống kê được hơn 300 loài động vật và 350 loài thực vật bị đe doạ và có nguy cơ tuyệt chủng. Nguyên nhân chung là:

- Khai thác quá mức:

Việc khai thác gỗ và các lâm sản khác ngoài gỗ vẫn còn là một mối đe doạ lớn, mặc dù khu vực khai thác gỗ hợp pháp rất hạn chế và việc xuất khẩu gỗ cây, khai thác tại những khu vực quan trọng, khai thác một số loài nhất định đã bị hạn chế nhiều. Việc khai thác nhiên liệu trên quy mô lớn rất khó kiểm soát là mối đe doạ lớn nhất đối với ĐDSH ở nhiều nước. Chất lượng và sản lượng rừng ngày càng giảm ở những nơi gần dân. Rừng nhiều vùng bị xé lẻ và trở nên nhỏ hơn, tách biệt ra khỏi những khu rừng khác, chúng không còn khả năng hỗ trợ tạo sinh cảnh cho sự phong phú của các loài như ban đầu.

Nạn đánh bắt cá quá mức là một sự thật trong cuộc sống ở khắp mọi nơi. Hơn nữa phương pháp đánh bắt không được áp dụng một cách có lựa chọn, thậm chí mang tính tàn phá như bẫy cá, thả đăng, lưới mắt quá nhỏ, chất nổ và có nơi sử dụng cả chất độc.

Nạn khai thác san hô là điều đáng lo ngại nhất ở ven biển miền Trung từ Đà Nẵng đến Thuận Hải. Khai thác san hô chết ở những vùng thuỷ triều thường dùng chất nổ lấy nguyên liệu sản xuất xi măng (Khánh Hoà, Ninh Thuận) đã tác động lớn tới môi trường sống của nhiều sinh vật biển và hạn chế khả năng ngăn chặn xói mòn vùng ven biển.

- Du canh và xâm lấn đất của canh tác nông nghiệp.

Từ nhiều đời nay, một số dân tộc thiểu số thực hiện du canh luân phiên ổn định theo chu kỳ. Cánh đồng được làm đất canh tác trong vài năm tiếp theo cho đất nghỉ vài năm cho rừng phục hồi lại rồi lại đốt nương dùng canh tác lại. Hệ thống canh tác này chỉ mở một tỷ lệ rừng rất nhỏ và có tác dụng làm giầu loài thông qua việc cho phép những loài mới đến cư trú. Cùng với quá trình gia tăng dân số, hệ thống canh tác này không còn ổn định, chu kỳ sử dụng đất rút ngắn dần đồng thời diện tích rừng cũng bị thu hẹp dần. Việc di dân, khai hoang lấy đất canh tác nông nghiệp hoặc nuôi trồng thuỷ sản... cũng làm giảm dần diện tích các hệ sinh thái rừng.

Du canh cũng là một nguyên nhân thường dẫn đến cháy rừng, trong số 9 triệu ha rừng hiện còn thì có khoảng 56% thuộc diện rừng dễ cháy vào mùa khô, hàng năm cháy mất khoảng 20-30 ngàn ha rừng thậm chí có năm lên đến 100 ngàn ha rừng. Mất rừng đã gây thất thoát không nhỏ cho ĐDSH.

- Nạn ô nhiễm nước:

Ô nhiễm dầu được coi là một hiểm hoạ lớn nhất đối với môi trường biển. Mức dầu lẫn trong nước biển ven bờ từ 0,4 - 1,0 mg/lít đã thường xuyên vượt quá mức cho phép nhiều lần, đó là do hoạt động khai thác dầu khí và giao thông vân tải biển tạo ra. Tỉnh Quảng Ninh cũng chịu những vấn đề lắng bùn nghiêm trọng ở vùng nước ven biển do hoạt động khai thác than và đất sét. Hàng triệu tấn bùn cát do nạo vét các cảng (cảng Hải Phòng nạo vét 3 - 5 triệu tấn/năm) thường tạo ra bùn lắng ở cửa sông và ven biển có lẫn dầu và các độc tố, gây hại cho các hệ sinh thái ven biển và sinh vật biển.

- Sự xuống cấp của vùng bờ biển:

Quá trình xây dựng các ao hồ nuôi trồng thuỷ sản dọc bờ biển, khai hoang lấn biển làm đồng muối hay canh tác nông nghiệp, xây dựng khu dân cư ... thường dẫn đến làm giảm diện tích vùng thuỷ triều, tăng độ chua phèn, thay đổi quá trình bùn lắng ... làm rất nhiều đầm lầy thuỷ triều bị phá huỷ hay giảm cấp nghiêm trọng. Việc khai thác ở quy mô lớn cát, đá cho xây dựng và các khoáng sản khác là nguyên nhân gây ra sói mòn vùng ven biển miền Nam Trung Bộ, đồng thời làm nghèo nước và tác động đến thành phần tầng dưới của hệ sinh thái biển.

- Sự chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Quá trình chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường đã tác động mạnh tới suy nghĩ của người nông dân, thị trường thúc đẩy họ áp dụng nhiều giống, loài mới có năng suất và chất lượng mà thị trường yêu cầu, quá trình này cũng là mối đe doạ lớn cho những giống, loài canh tác truyền thống đã thích ghi lâu đời với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương, có nhiều tính trạng di truyền quý nhưng bị lãng quên vì không đáp ứng được thị trường trước mắt.

Tình trạng khai thác sử dụng các loài như hiện nay làm cho nhiệm vụ bảo vệ ĐDSH chung của đất nước càng trở nên cấp bách.

II. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG ĐDSH CỦA VIỆT NAM .

1/ Mục tiêu lâu dài của kế hoạch là:

Bảo vệ ĐDSH phong phú và đặc sắc của Việt Nam trong khuôn khổ phát triển bền vững.

2/ Mục tiêu trước mắt của kế hoạch là:

- Bảo vệ các sinh thái đặc thù của Việt Nam , các hệ sinh thái nhạy cảm đang bị đe doạ thu hẹp hay huỷ hoại do hoạt động kinh tế của con người.

- Bảo vệ các bộ phận của ĐDSH đang bị đe doạ do khai thác quá mức hay bị lãng quên.

- Phát huy và phát hiện các giá trị sử dụng của các bộ phận ĐDSH trên cơ sở phát triển bền vững các giá trị tài nguyên, phục vụ các mục tiêu kinh tế của đất nước.

III. NỘI DUNG CHÍNH CỦA KẾ HOẠCH.

Bảo vệ ĐDSH là một nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi tiến hành trong nhiều kế hoạch 5 năm. Một số hành động cấp bách sau đây cần được đưa vào kế hoạch cụ thể.

1/ Về chính sách và luật pháp:

Luật Bảo vệ Môi trường được Quốc hội thông qua đã cung cấp hướng dẫn chung về bảo vệ môi trường, nhưng cần có thêm nhiều văn bản dưới luật và phụ trợ để tăng cường khả năng cưỡng chế thi hành luật và các văn bản pháp quy khác.

Cưỡng chế thi hành luật là một trong những vấn đề cấp thiết cần được lưu tâm. Điều này đòi hỏi sự tăng cường khả năng về kỹ thuật và quản lý của các cơ quan và tổ chức liên quan, đào tạo cán bộ cho các cơ quan này. Một số thể chế và luật pháp cũng cần được đổi mới, các biện pháp kinh tế trên cơ sở cơ chế thị trường và việc áp dụng các biện pháp xử phạt cần được nghiên cứu và đưa ra thực hiện.

Các văn bản dưới luật cần đề cập đến vấn đề khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát việc buôn bán các bộ phận của ĐDSH thuộc diện quý hiếm hay đặc thù của Việt Nam, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm. Các điều này bao gồm trong cả các quy định về đánh giá tác động môi trường.

Việc bảo vệ ĐDSH một cách có hiệu quả đòi hỏi phải làm rõ, điều chỉnh hoặc củng cố chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Quy định hoạt động của các tổ chức kinh tế có ảnh hưởng đến môi trường. Do vậy, cần ưu tiên đánh giá tổng quan lại cách bố trí chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý các khu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

2/ Xây dựng và quản lý các khu bảo vệ:

1- Xây dựng ngay và quản lý tốt các khu bảo vệ có giá trị cao về ĐDSH . Quy hoạch mở rộng thêm rừng và đất rừng ở 87 khu rừng đặc dụng đã được xác định, ưu tiên hàng đầu cho các khu có giá trị cao về ĐDSH là: Pù Mát (Nghệ An), Vụ Quang (Hà Tĩnh ), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai), Ba Bể (Cao Bằng), Cát Bà (Hải Phòng), Cúc Phương (Ninh Bình), Hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế), Nam Ca (Đắc Lắc), Yok Đôn (Đắc Lắc), Chư Giang Sinh (Đắc Lắc), Bi Đúp (Lâm Đồng), Cát Tiên (Đồng Nai).

Củng cố và phát triển các vùng đệm xung quanh khu bảo vệ, khuyến khích canh tác thâm canh trên đất dốc, hạn chế dần du canh, ổn định đời sống nhân dân kết hợp với tuyên truyền giáo dục để họ dần tự giác trở thành lực lượng bảo vệ chung.

2- Quy hoạch xây dựng một số vùng bảo vệ đất ướt quan trọng ở Cà Mâu, ven đồng bằng sông Hồng, các tràm chim, phá Tam Giang... Đây là những vùng nằm ngoài các khu rừng đặc dụng, lại gần dân có nhiều yêu cầu khai thác sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như nuôi trồng thuỷ sản, trồng rừng bảo vệ chắn sóng, phát triển giao thông thuỷ... do vậy, phải coi trọng ngay từ đầu việc bảo vệ ĐDSH tại các vùng đất ướt này, ngăn chặn các nguồn ô nhiễm, đặc biệt ô nhiễm nước, chống tiêu thoát nước quá mức.

3- Xây dựng một số khu bảo vệ biển và vực nước trong nội địa. Các vùng biển có giá trị về ĐDSH biển thường cũng là vùng có giá trị kinh tế cao, do vậy cần ưu tiên bảo vệ một số vùng biển có giá trị ĐDSH cao nhất.

4- Xây dựng các ngân hàng gien thực vật, vật nuôi, vi sinh vật. Cung cấp vật liệu di truyền cho công tác lai tạo, tuyển chọn giống phục vụ các mục tiêu kinh tế đồng thời "bảo hiểm" cho các nguồn gien trong tự nhiên. Tăng cường năng lực các vườn thú là nơi tham quan, đào tạo, giáo dục ý thức môi trường chung, nghiên cứu khoa học, bảo tồn những loài hoang dại đang có nguy cơ tuyệt chủng và khi có điều kiện, cung cấp trở lại những loài này cho các khu bảo vệ thiên nhiên.

5- Tổ chức quản lý tổng hợp theo nguyên tắc phát triển bền vững đối với vùng duyên hải là vùng lãnh thổ pha trộn nhiều loại hình hoạt động như trồng rừng phòng hộ, khai thác rừng ngập mặn, nuôi trồng thuỷ sản, khai hoang làm nông nghiệp, phát triển dân cư, phát triển các ngành công nghiệp và xây dựng ven biển...

6- Tăng cường các biện pháp bảo vệ ĐDSH nông nghiệp, phát huy hình thức "bảo tồn nông trại" thu hút người nông dân tham gia nhiệm vụ bảo vệ chung, đặc biệt chú ý gìn giữ những giống cây/con cổ truyền đã thích nghi lâu đời với điều kiện địa lý và khí hậu địa phương, rất phổ biến ở các vùng khác nhau của nước ta.

3/ Nâng cao nhận thức chung:

1- Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo chí, tranh cổ động v.v... để nâng cao nhận thức về ĐDSH trong đời sống, khuyến khích quần chúng bảo vệ những lợi ích chung của ĐDSH .

2. Cung cấp các thông tin cần thiết thông qua các hội thảo chuyên đề ngắn ngày hoặc tham quan học tập các cơ sở bảo vệ ĐDSH ở trong và ngoài nước cho các cấp lãnh đạo và những người ra quyết định để tăng cường hiểu biết về tầm quan trọng của bảo vệ ĐDSH .

3- Tuyên truyền, phổ biến các kiến thức và biện pháp sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc hữu cho các nhóm cộng đồng các dân tộc miền núi để họ vừa khai thác sử dụng, vừa bảo vệ các nguồn tài nguyên đó. Đặc biệt khuyến khích và giúp đỡ kỹ thuật cho người bảo vệ các nguồn thực vật, động vật làm thuốc truyền thống, chuyển dần từ phương thức khai thác trong tự nhiên sang phương thức nuôi trồng, thông qua nhận thức sử dụng lâu bền các giá trị tài nguyên của họ đã được nâng lên.

4- Soạn thảo chương trình giáo dục ĐDSH cho hệ thống nhà trường phổ thông, kết hợp trong các chương trình sinh học hoặc giáo dục môi trường chung.

4/ Tăng cường tiềm lực, đào tạo cán bộ:

1- Ưu tiên tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ĐDSH ở các cấp, cán bộ kỹ thuật trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ ĐDSH. Ngoài ra các tổ chức, các đoàn thể quần chúng, các hiệp hội, các hộ nông dân có tham gia vào hệ thống bảo vệ ĐDSH cũng được lưu ý đào tạo.

2- Xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia, tiến tới hình thành ngân hàng dữ liệu ĐDSH với mạng lưới thông tin toàn quốc phục vụ công tác quản lý và nghiên cứu, đồng thời trao đổi thông tin quốc tế trong lĩnh vực này.

3- Xây dựng hệ thống giám sát những biến động của nguồn tài nguyên ĐDSH, cung cấp kịp thời những thông tin cần thiết cho các cơ quan quản lý nhà nước.

5/ Nghiên cứu khoa học:

Những hướng khoa học, công nghệ sau đây cần được chú ý:

1- Nghiên cứu khai thác, sử dụng lâu bền các bộ phận của ĐDSH với những công nghệ phù hợp. Ưu tiên cho những nghiên cứu khoa học - công nghệ khai thác, sử dụng các bộ phận ĐDSH trong nông nghiệp và y dược.

2- Nghiên cứu các tiêu chí và tiêu chuẩn đánh giá sự biến động của các bộ phận ĐDSH, làm cơ sở đánh giá các giá trị của tài nguyên này.

3- Nghiên cứu những vấn đề liên quan đến an toàn sinh học, đảm bảo an toàn cho việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này.

4- Nghiên cứu, tổ chức nuôi trồng những sinh vật biển và động vật rừng quý hiếm, đó là những loài có giá trị kinh tế đã bị đánh bắt quá mức đang có nguy cơ bị cạn kiệt.

5- Nghiên cứu các vấn đề ĐDSH của khu vực quanh ta là nơi có các đặc điểm tự nhiên giống ta, có nhiều vấn đề ĐDSH liên quan giữa các nước láng giềng trong việc bảo vệ quyền lợi chung, cũng như trao đổi kỹ thuật.

6/ Vấn đề kinh tế xã hội của kế hoạch:

Vấn đề cốt yếu của kế hoạch bảo vệ ĐDSH là phải mang lại lợi ích lâu bền cho đất nước, phải xem xét và lường trước những tác động hai chiều giữa Kế hoạch và điều kiện kinh tế xã hội của đất nước để điều chỉnh cho phù hợp. Kế hoạch phải tạo được cơ sở để người dân sống gần các sinh cảnh tự nhiên chấp nhận và hỗ trợ, vì lợi ích được hưởng nhiều hơn. Do vậy, phải ưu tiên những dự án hỗ trợ dân xây dựng các vùng đệm, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện các phúc lợi công cộng... để cân bằng thu nhập của người dân và họ không xâm lấn vào khu bảo vệ.

Các chương trình kinh tế xã hội do các Bộ, ngành quản lý được thực hiện trên địa bàn gần các vùng bảo vệ ĐDSH phải lưu ý kết hợp với kế hoạch bảo vệ ĐDSH, khai thác sử dụng các bộ phận ĐDSH phải đảm bảo tính bền vững.

Một số vùng phát triển kinh tế trong những môi trường mới, gần những khu bảo vệ ĐDSH hay những khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm phải đóng góp chi phí bảo vệ chất lượng môi trường.

7/ Phát triển hợp tác quốc tế:

Việt Nam đã là thành viên chính thức của Công ước ĐDSH, đó là cơ sở để mở rộng mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực này. Kêu gọi các tổ chức quốc tế, các Chính phủ và các cá nhân người nước ngoài... tham gia giúp đỡ thiết thực về kỹ thuật, đào tạo cán bộ và trợ giúp tài chính cho việc thực hiện từng bước kế hoạch này.

Với những nước láng giềng trong khu vực, vì quyền lợi chung của mỗi quốc gia cần tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi thông tin, trao đổi kỹ thuật, thống nhất hành động để bảo vệ và phát triển các giá trị của ĐDSH.

IV. NHỮNG VIỆC CẦN THỰC HIỆN TRONG KẾ HOẠCH 1996 - 2000

Trong kế hoạch 5 năm 1996 - 2000 căn cứ vào nguồn lực của Nhà nước cần tập trung các nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng các dự án hành động sau đây:

1/ Về chính sách và luật pháp: Hoàn chỉnh hệ thống văn bản dưới luật để có cơ sở pháp lý cho việc thi hành Luật Bảo vệ Môi trường và thực hiện các Công ước quốc tế có liên quan đến ĐDSH:

1- Xây dựng Quy chế về bảo vệ, sử dụng, khai thác, trao đổi các nguồn gien và giống cây trồng, vật nuôi, nhằm:

- Quản lý một nguồn tài nguyên quý hiếm của đất nước, có giá trị kinh tế thiết thực trước mắt và lâu dài.

- Bảo vệ chủ quyền quốc gia và phù hợp với Công ước quốc tế mà ta đã cam kết về tài nguyên này .

2- Hệ thống hoá các văn bản pháp luật hiện hành về quản lý, khai thác, sử dụng ... các tài nguyên sinh vật với mọi mục đích, nhằm:

- Phát hiện những khoảng trống, những hạn chế của những văn bản này do nhiều Bộ, Ngành ban hành trước đây.

- Bổ sung, sửa đổi những văn bản này cho phù hợp với những đổi mới trong cơ chế quản lý kinh tế, đồng thời đảm bảo việc khai thác và sử dụng tài nguyên sinh vật trên quan điểm phát triển bền vững .

3- Công bố những hệ sinh thái kém bền vững ở những khu vực "nhạy cảm" với môi trường trên cạn và dưới nước và những quy định bảo vệ kèm theo nhằm ngăn ngừa sự suy thoái hay huỷ diệt của những hệ sinh thái này do tác động gây ô nhiễm môi trường của quá trình phát triển công nghiệp.

2/ Xây dựng và quản lý các khu bảo vệ:

1- Định vị việc mở rộng các khu bảo vệ rừng và đất rừng, nhằm:

- Trên cơ sở 87 khu rừng đặc dụng đã được duyệt, mở rộng quy mô và diện tích của từng khu.

- Chính thức hoá các văn bản sử dụng đất cho những khu này.

2- Củng cố, xây dựng các khu bảo vệ có giá trị cao về ĐDSH đã được xác định.

Đây là những khu vực có giá trị cao về ĐDSH, có ý nghĩa quan trọng ở tầm quốc gia và quốc tế, cần được ưu tiên đầu tư trước. Đồng thời với việc củng cố, xây dựng khu vực bảo vệ nghiêm ngặt phải xây dựng kế hoạch phát triển vùng đệm đồng bộ để ổn định đời sống nhân dân địa phương.

3- Lựa chọn quy hoạch, xây dựng một số vùng đất ướt quan trọng trong những vùng đã được xác định.

Đây là những vùng rất nhạy cảm với ô nhiễm môi trường, lại giầu có về ĐDSH và cũng thường gắn liền với nhiều hoạt động kinh tế, cần ưu tiên bảo vệ.

4- Lựa chọn quy hoạch và xây dựng một số vùng bảo tồn biển quan trọng thuộc các khu vực: Vịnh Hạ Long, ven biển từ Khánh Hoà đến Bình Thuận, vùng Côn Đảo, vùng Phú Quốc.

Đây là những vùng phong phú về ĐDSH, nơi cư trú của nhiều loài sinh vật biển, có liên quan trực tiếp tới bảo vệ nguồn thuỷ sinh và nhiều bãi cá quan trọng của đất nước.

5- Củng cố, xây dựng các Trung tâm bảo tồn gien: thực vật, động vật nuôi, vi sinh vật, nhằm giữ những gien quý, hiếm và có giá trị kinh tế. Cung cấp vật liệu di truyền cho công tác giống.

6- Củng cố và tăng cường năng lực cho các vườn thú Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhằm làm nơi giáo dục ý thức bảo vệ môi trường chung và bảo vệ ĐDSH. Đồng thời làm nơi nghiên cứu nuôi dưỡng những loài thú quý, hiếm đang có nguy cơ bị tiêu diệt trong tự nhiên, để khi có điều kiện sẽ thả trở lại nơi sống của chúng.

3/ Nâng cao nhận thức chung:

1- Thường xuyên thông tin về giá trị của ĐDSH trong đời sống xã hội nhằm nâng cao dần nhận thức cho nhân dân về giá trị của ĐDSH để có ý thức tự giác bảo vệ tài nguyên ĐDSH.

2- Cung cấp các thông tin cần thiết về ĐDSH cho các cấp lãnh đạo, nhằm nâng cao nhận thức chung về giá trị của ĐDSH cho các cấp lãnh đạo trọng tâm là lãnh đạo các địa phương, đồng thời giúp các cấp lãnh đạo có thông tin khi ra những quyết định cần thiết bảo vệ nguồn tài nguyên này.

4/ Tăng cường tiềm lực và đào tạo cán bộ:

1- Tổ chức những khoá tập huấn ngắn ngày, những cuộc hội thảo trong nước và gửi người tham gia ở nước ngoài nhằm đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đang làm công tác quản lý và kỹ thuật ở các cấp và các ngành liên quan đến ĐDSH.

2- Xây dựng mạng lưới cơ sở dữ liệu Quốc gia về ĐDSH, nhằm thống nhất hệ thống thông tin dữ liệu về ĐDSH trong toàn quốc và thuận lợi cho việc tăng cường tiềm lực chung.

5/ Kế hoạch nghiên cứu khoa học:

1- Nghiên cứu khoa học và công nghệ khai thác, sử dụng lâu bền các bộ phận của ĐDSH, ưu tiên những đối tượng có giá trị sử dụng trong nông nghiệp và y dược, nhằm nâng cao giá trị sử dụng của các bộ phận ĐDSH và đóng góp thiết thực cho các mục tiêu kinh tế - xã hội.

2- Nghiên cứu tiêu chí và tiêu chuẩn đánh giá các biến động của các bộ phận ĐDSH, nhằm xây dựng cơ sở khoa học lâu dài cho việc bảo vệ, giám sát, đánh giá những biến động của nguồn tài nguyên ĐDSH.

3- Nghiên cứu những vấn đề quản lý và kỹ thuật liên quan đến an toàn sinh học, nhằm tiếp nhận và chuyển giao công nghệ đảm bảo an toàn cho các giá trị ĐDSH, đặc biệt chú ý lĩnh vực công nghệ sinh học.

V. KẾT LUẬN

Kế hoạch hành động ĐDSH là một kế hoạch quốc gia, vì lợi ích lâu dài của đất nước đồng thời thể hiện ý thức trách nhiệm của ta trước cộng đồng quốc tế đối với nhiệm vụ bảo vệ di sản tự nhiên chung. Tất cả các ngành, các cấp có liên quan cần quan tâm tổ chức thực hiện.