Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 846/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 13 tháng 3 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008; Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15/6/2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT ngày 17/01/2012 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn nội dung, trình tự lập quy hoạch phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh.

Căn cứ Nghị quyết số 133/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của HDND tỉnh Quảng Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 12 về quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 180/TTr-SGTVT ngày 11/02/2015 về phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Theo kết quả họp Hội đồng thẩm định quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 46/TTr-SKHĐT ngày 26/02/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; với các nội dung chính sau:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam phù hợp với chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam.

- Đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa ở hai tiêu chí: (1) giải quyết được đường giao thông đến được tất cả các trung tâm xã, khu dân cư, các vùng cây nghiên liệu, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp...; (2) nâng cao năng lực vận tải, tăng vận tốc xe chạy, giảm tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải, phát triển bền vững giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.

- Phát triển hài hòa giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không.

- Kết hợp hài hòa giữa phát triển cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải và tổ chức khai thác các loại hình vận tải một cách có hiệu quả.

- Đảm bảo phục vụ an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu đến năm 2020

- Đối với quốc lộ và cao tốc: Hoàn thành nâng cấp, mở rộng đạt quy mô theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Đối với đường tỉnh (ĐT): Phát triển mạng lưới, mở rộng, nâng cấp, đưa vào cấp kỹ thuật với quy mô tối thiểu đường cấp IV ở vùng đồng bằng; cấp IV, cấp V ở miền núi; đoạn qua các đô thị đạt quy mô theo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị.

- Giao thông đường bộ đô thị: Đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch phát triển không gian, kiến trúc đô thị, đảm bảo tính thống nhất, cân đối, đồng bộ, liên hoàn với hệ thống giao thông vùng.

- Đường huyện (ĐH) và giao thông nông thôn: 100% đường huyện, đường xã (ĐX) đi lại thuận lợi quanh năm; đến năm 2020 kiên cố hóa thêm 320km mặt đường các tuyến ĐH trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ đường xã đạt tối thiểu 70% mặt đường cứng (bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng). Đưa dần vào cấp kỹ thuật, đường ĐH đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp VI ở vùng đồng bằng và tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A ở miền núi. Đối với các đường trục xã, đường thôn, ngõ xóm đạt quy mô theo tiêu chuẩn nông thôn mới.

- Phát triển vận tải: Phát huy lợi thế của vận tải đường bộ, nâng cao năng lực vận tải đường thủy nội địa, vận tải đường sắt và đường hàng không để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách. Nâng cao chất lượng các loại hình vận tải đường bộ, đường thủy với giá cước hợp lý; phát triển vận tải hành công cộng bằng xe buýt.

2.2. Mục tiêu đến năm 2030

- Nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và dịch vụ vận tải theo các tiêu chí nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và hiệu quả; phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại.

- Phát triển các tuyến đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, tiểu vùng Mê Kông mở rộng; hệ thống cảng biển đáp ứng tốt nhu cầu thông quan về hàng hóa xuất nhập khẩu và nội địa. Cơ giới hóa bốc xếp và hoạt động có hiệu quả tại các cảng, bến thủy nội địa; phát triển các tuyến đường thủy nội địa ra các đảo.

- Cơ bản hoàn thiện mạng lưới cảng hàng không với quy mô hiện đại; hệ thống quản lý hoạt động bay hiện đại, đảm bảo tầm phủ của các trang thiết bị liên lạc, dẫn đường và giám sát theo yêu cầu nhiệm vụ trong toàn bộ vùng FIR của Việt Nam theo đúng kế hoạch không vận của ICAO.

3. Quy hoạch phát triển vận tải

3.1. Quy hoạch phát triển vận tải, hàng hóa đến 2020

a) Về vận tải hàng hóa: Vận tải bằng đường bộ chiếm tỷ trọng chủ yếu, khối lượng hàng hóa vận chuyển trên các tuyến bộ chiếm tỷ lệ 90,91%; vận tải đường sắt, hàng không và đường thủy chiếm tỷ lệ 9,09%.

b) Về vận tải hành khách: Đến năm 2015, triển khai tất cả các tuyến xe buýt nối trung tâm tỉnh đến các huyện và một số tỉnh lân cận theo quy hoạch. Trong giai đoạn đến năm 2020 và đến 2030, vận tải hành khách bằng đường bộ vẫn là phương thức chủ yếu.

3.2. Định hướng quy hoạch phát triển vận tải đến năm 2030

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển vận tải; nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ vận tải và trình độ quản lý; đảm bảo an toàn về người và hàng hóa trong quá trình vận chuyển, chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật giao thông.

4. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

4.1. Quy hoạch giao thông đường bộ

a) Hệ thống quốc lộ và các đường trục quốc gia:

- Đường bộ ven biển Việt Nam: Hoàn thành xây dựng cầu Cửa Đại và tuyến đường từ Cửa Đại đến huyện Núi Thành đạt tiêu chuẩn đường cấp II, quy mô 4 làn xe. Xây dựng tuyến đường dẫn vào cầu Cửa Đại về phía Bắc kết nối với tuyến đường ĐT603A, hình thành tuyến đường bộ ven biển Việt Nam đoạn qua tỉnh Quảng Nam từ Điện Bàn đến Núi Thành.

- Quốc lộ 1A: Hoàn thành việc mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Nam đạt quy mô đường cấp II, 4 làn xe cơ giới trong năm 2015.

- Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Đang đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, 06 làn xe. Đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam dài 91km, theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2018.

- Đường Đông Trường Sơn: Hoàn thiện, nâng cấp tuyến đường đoạn qua tỉnh Quảng Nam dài 145km, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.

- Đường Hồ Chí Minh: Thực hiện theo Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh số 194/QĐ-TTg của ngày 15/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

- Quốc lộ 14G: Đến năm 2020 nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV.

- Quốc lộ 14B và quốc lộ 14D: Nâng cấp tuyến QL14B đạt tiêu chuẩn đường cấp III, tuyến QL14D (từ Bến Giằng đến Cửa khẩu Đắc Ốc) đạt tiêu chuẩn cấp IV; đề xuất Bộ Giao thông vận tải quyết định việc kết nối hai tuyến QL14B và QL14D thành một tuyến QL14B từ Tiên Sa đến Đắc Ốc với chiều dài 161km.

- Quốc lộ 14E: Nâng cấp đoạn tuyến từ Quốc lộ 1A đến nút giao liên thông với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 6km đạt tiêu chuẩn đường cấp II, quy mô 4 làn xe; đoạn từ nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến đường Hồ Chí Minh nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV; xây mới đoạn tuyến Quốc lộ 14E kéo dài từ Cây Cốc đến đường bộ ven biển Việt Nam dài 11km đạt tiêu chuẩn đường cấp III, quy mô 2 làn xe.

- Quốc lộ 40B: Nâng cấp, mở rộng đoạn từ thành phố Tam Kỳ đến trung tâm huyện Nam Trà My đạt tiêu chuẩn đường cấp IV; các đoạn qua thị trấn, thị tứ đạt tiêu chuẩn đường cấp III; đoạn từ Quốc lộ 1 đến nút giao với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đạt tiêu chuẩn đường cấp II.

- Quốc lộ 24C: Giữ nguyên theo quy mô hiện trạng với tiêu chuẩn đường cấp V.

- Các tuyến đường biên giới: Thực hiện theo quy hoạch chung của Bộ Quốc phòng, tuyến chạy dọc theo biên giới của Việt Nam, với chiều rộng nền đường 5,5m, mặt đường 3,5m, chiều dài tuyến qua tỉnh Quảng Nam là 145km.

b) Hệ thống tỉnh lộ:

- Tuyến ĐT603: Đoạn từ giáp ranh thành phố Đà Nẵng đến nút ngã tư Điện Ngọc, quản lý theo hiện trạng mặt cắt 48m. Đoạn từ nút ngã tư Điện Ngọc đến cầu Tứ Câu, đầu tư nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn đường phố chính đô thị, nền đường 33m, mặt đường 21m.

- Tuyến ĐT603A: Là một phần của tuyến đường bộ ven biển Việt Nam, đến năm 2020 giữ nguyên cấp đường hiện trạng.

- Tuyến ĐT605: Nằm trong quy hoạch phát triển đô thị huyện Điện Bàn, thực hiện theo quy hoạch chung đô thị Điện Bàn được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 518/QĐ-UBND ngày 07/02/2013.

- Tuyến ĐT606: Đến năm 2020 phát triển về phía Tây đến cửa khẩu Ka Lừm theo tuyến ĐH1.TG, nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.

- Tuyến ĐT607: Đoạn từ ngã tư Điện Ngọc đến đường Hai Bà Trưng, thành phố Hội An xây dựng theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị, nền đường 33m, mặt đường 21m. Đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến cuối tuyến xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị, nền đường rộng 13,5m, mặt đường 7,5m.

- Tuyến ĐT607B, ĐT608: Đến năm 2020 nâng cấp mở rộng tuyến đạt tiêu chuẩn đường phố chính đô thị, nền đường 33m, mặt đường 21m.

- Tuyến ĐT609: Phát triển về hướng Tây đến giáp đường Hồ Chí Minh; nâng cấp đoạn tuyến từ QL1A đến thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) đạt tiêu chuẩn đường cấp II, quy mô 4 làn xe; đoạn tuyến từ Ái Nghĩa đến An Điềm đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng; đoạn kéo dài từ An Điềm - KaDăng - ASờ (nối vào đường Hồ Chí Minh) đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.

- Tuyến ĐT609B: Đến năm 2020 nâng cấp toàn tuyến dài 14,6km đạt tiêu chuẩn cấp III, nền 12m, mặt 11m, xây dựng cầu Giao Thủy để kéo dài tuyến về phía Nam nối với ĐT610 tại Kiểm Lâm (huyện Duy Xuyên).

- Tuyến ĐT610: Đến năm 2020 nâng cấp đoạn Nam Phước (QL1A) - Mỹ Sơn đạt tiêu chuẩn đường đô thị, nền đường rộng 20,5m; đoạn tuyến Mỹ Sơn - Trung Phước đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, nền đường rộng 7,5m, mặt rộng 5,5m.

+ Kéo dài tuyến ĐT 610 tại Cống Định (Nam Phước) nối Quốc lộ 1A (tại nút giao phía Bắc đường tránh QL1A cầu Bà Rén) và đi xuống vùng Đông (nối với đường bộ ven biển Việt Nam) đạt tiêu chuẩn đường đô thị, nền đường rộng 18,5m, mặt đường rộng 10,5m (theo quy hoạch xây dựng Khu KTM Chu Lai).

+ Kéo dài tuyến về phía Tây nối với đường Đông Trường Sơn trên cơ sở đường ĐH1.NS (Nông Sơn - Quế Lâm) và dọc theo sông Thu Bồn nối vào Quốc lộ 14E tại thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức (trên cơ sở nâng cấp tuyến đường xã Quế Lâm, Hiệp Hòa, Hiệp Thuận) đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.

- Tuyến ĐT610B: Nằm trong quy hoạch phát triển đô thị huyện Điện Bàn, thực hiện theo quy hoạch chung đô thị Điện Bàn được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 518/QĐ-UBND ngày 07/02/2013. Xây dựng cầu Ông Đốc qua sông Thu Bồn để kéo dài tuyến nối vào Quốc lộ 14B (tại phía Nam cầu Hà Nha) trên cơ sở nâng cấp tuyến ĐH3.ĐL (huyện Đại Lộc) đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 7m.

- Tuyến ĐT611: Kéo dài về phía Đông đến giáp với đường Thanh niên ven biển; đến năm 2020 nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng.

- Tuyến ĐT 613: Kéo dài theo đường Thanh niên ven biển hiện có đến xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, đến năm 2020 nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng.

- ĐT611B, ĐT 614: Đến năm 2020 nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng.

- Tuyến ĐT 615: Kéo dài đến Tiên Hà, vượt sông Khang nối vào Quốc lộ 14E tại xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, đến năm 2020 nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng.

- Tuyến ĐT 617: Kéo dài đến xã Trà Nú huyện Bắc Trà My và nối vào Quốc lộ 40B tại xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, đến năm 2020 nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.

- Tuyến ĐT618: Đến năm 2020 nâng cấp toàn bộ tuyến đường đạt tiêu chuẩn đường cấp I, quy mô 4 làn xe.

- Quy hoạch phát triển các tuyến đường thành tỉnh lộ (ĐT):

+ Tuyến đường ĐH3.PN (Tam Kỳ - Tam Vinh - Tiên Phong) kết nối với ĐH1.TP (Tiên Phong - Tiên Mỹ - Tiên Kỳ) thành đường ĐT kết nối đô thị Tam Kỳ với đô thị Phú Thịnh và đô thị Tiên Kỳ dài 20km;

+ Tuyến ĐH8.TB (Bình Quý - Tiên Sơn), huyện Thăng Bình và Tiên Phước thành đường ĐT, tạo thành đường ngang nối QL14E (huyện Thăng Bình) với ĐT614 (xã Tiên Sơn huyện Tiên Phước) dài 18km;

+ Tuyến đường huyện ĐH6.TP (Tiên Hiệp - Tiên Lãnh), huyện Tiên Phước kết nối với tuyến ĐH2.HĐ (Quế Lưu - Phước Gia), huyện Hiệp Đức thành ĐT, tạo hành lang nối QL40B với QL14E đạt tiêu chuẩn đường cấp IV;

+ Nâng cấp mở rộng tuyến đường nối QL1A đi sân bay Chu Lai và cảng Kỳ Hà và xây dựng mở rộng về phía Tây đến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đạt tiêu chuẩn đường đô thị 4 đến 6 làn xe và chuyển thành đường ĐT.

- Quy hoạch phát triển thêm 02 tuyến kết nối theo hướng Bắc - Nam: Ngoài các tuyến quốc lộ, trong giai đoạn quy hoạch này phát triển mới thêm 2 tuyến kết nối Bắc - Nam gồm tuyến giao thông kết nối Bắc - Nam ở vùng trung du (BN1) và tuyến giao thông kết nối Bắc - Nam ở vùng núi phía Tây (BN2) như sau:

+ Hành lang giao thông Bắc - Nam ở vùng trung du (BN1): Kết nối các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc và Đông Giang trên cơ sở nâng cấp các tuyến đường hiện hữu ĐT614, ĐT611B, ĐT611, ĐT610.

+ Hành lang giao thông kết nối Bắc - Nam ở vùng núi phía Tây (BN2): Đoạn tuyến kết nối 02 huyện Tây Giang - Nam Giang theo đường tuần tra biên giới và đoạn tuyến kết nối huyện Phước Sơn với huyện Nam Trà My đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi.

c) Hệ thống đường trục chính trong khu kinh tế

Đầu tư hệ thống giao thông đường bộ để phục vụ phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai, tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hoá, nguyên, nhiên, vật liệu. Trong đó ưu tiên xây dựng các trục đường chính: Đường trục chính phía Bắc Khu kinh tế mở Chu Lai; Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị Việt Hàn; Khu công nghiệp, cảng Tam Hiệp; đường Điện Biên Phủ.

d) Hệ thống đường huyện và giao thông nông thôn:

- Đường huyện (ĐH): Tiếp tục đầu tư kiên cố hóa mặt đường (rải nhựa hoặc bê tông xi măng) các tuyến đường ĐH đạt tiêu chuẩn đường GTNT loại A (nền đường 5m, mặt đường 3,5m), đường cấp VI (nền đường 6,5m, mặt đường và lề gia cố rộng 5,5m) hoặc đường cấp V (nền đường 7,5m, mặt đường 5,5m). Chiều dài đường ĐH được đầu tư kiên cố hóa mặt đường thêm trong giai đoạn 2015 - 2020 khoảng 320km.

- Đường giao thông nông thôn (ĐX và đường dân sinh): Tiếp tục đầu tư bê tông hóa mặt đường các tuyến đường GTNT, đến năm 2020 phấn đấu đạt 75% đường GTNT trên địa bàn tỉnh được kiên cố hóa.

đ) Hệ thống bến xe khách: Theo quy hoạch phát triển hệ thống đô thị của tỉnh Quảng Nam, mỗi đô thị có tối thiểu một bến xe. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 30 bến xe khách, gồm 02 bến loại I, 02 bến loại II, 03 bến loại III, 16 bến loại IV và 07 bến loại V.

4.2. Giao thông đường thủy nội địa

a) Quy hoạch cải tạo nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa:

Quy hoạch nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Quyết định số 13/2008/QĐ-BGTVT ngày 06/8/2008 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa đến năm 2020.

b) Quy hoạch xây dựng các bến sông:

- Cảng đường thủy do Cục Đường sông quản lý: Thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1071/QĐ-BGTVT ngày 24/4/2013 của Bộ Giao thông vận tải.

- Các bến do tỉnh quản lý: Xây dựng cầu cảng tại bến Tam Kỳ tiếp nhận tàu có trọng tải 30 tấn.

- Bến do huyện quản lý: Xây dựng với quy mô kết cấu kỹ thuật phù hợp để phục vụ cho vận tải hàng hóa và hành khách với loại phương tiện: Tàu hàng loại 5 - 50 tấn, tàu khách loại 10 - 50 ghế. Giai đoạn đến năm 2020 xây dựng kết cấu hạ tầng tại 13 bến nằm trên các sông Vĩnh Điện, Thu Bồn, Vu Gia, sông Cái, Trường Giang và An Tân.

4.3. Quy hoạch giao thông đường sắt, cảng hàng không, sân bay, cảng biển, luồng hàng hải: Thực hiện theo các quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

5. Dự kiến nguồn vốn đầu tư và danh mục dự án tiên đầu tư

5.1. Nguồn vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển giao thông vận tải giai đoạn đến năm 2020 khoảng 39.502 tỷ đồng và đến năm 2030 khoảng 67.414 tỷ đồng; bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn vay, vốn huy động từ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Đơn vị tính: Tỷ đồng

STT

Hạng mục

Giai đoạn đến 2020

Giai đoạn 2021-2030

1

Kết cấu hạ tầng giao thông

15.468

30.228

a

Mạng lưới giao thông đường bộ

12.845

25.760

 

- Quốc lộ

2.992

5.053

 

- Tỉnh lộ

3.254

8.618

 

- Đường huyện (ĐH)

3.050

6.000

 

- Đường GTNT

1.500

3.100

 

- Đường đô thị và chuyên dùng

890

1.830

 

- Đường quốc phòng

1.160

1.160

b

Hệ thống bến xe

95

95

c

Đường thủy và cảng biển

2.527

4.372

2

Phát triển vận tải

24.034

37.186

a

Đường bộ

23.041

35.649

b

Đường thủy

993

1.537

 

Tổng cộng

39.502

67.414

5.2. Danh mục dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020:

(Chi tiết theo phụ lục đính kèm)

6. Cơ chế, chính sách chủ yếu để phát triển giao thông vận tải

6.1. Cơ chế huy động vốn

a) Giải pháp huy động vốn

Tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, đa dạng hoá các hình thức đóng góp của nhân dân, các thành phần kinh tế khác trên địa bàn, huy động vốn từ các tổ chức quốc tế (ODA, viện trợ không hoàn lại…), kết hợp đầu tư theo hình thức BOT, BT, PPP.

b) Cơ chế huy động vốn

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển mạng lưới giao thông đường bộ bao gồm: Ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh; vốn ODA, các nguồn vay khác; huy động vốn đóng góp của nhân dân, các tổ chức phi chính phủ,… Tăng cường huy động nguồn lực đất đai để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thông qua khai thác quỹ đất; cho thuê quyền khai thác có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ; triển khai “Quỹ Bảo trì đường bộ” để huy động nguồn thu cho công tác bảo trì các công trình đường bộ.

- Đối với hệ thống bến xe, phương tiện vận tải: Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

2. Các chính sách chủ yếu phát triển giao thông vận tải

- Đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ và công nhân lành nghề đồng bộ cả trong quản lý dự án, thi công, tư vấn các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông vận tải; nâng cao chất lượng đào tạo ngành nghề trong giao thông vận tải đường bộ, đường thủy.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế có đủ điều kiện tham gia kinh doanh vận tải, các dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đường thủy. Tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, có sự quản lý của Nhà nước, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế tham gia vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.

- Hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp vận tải hoạt động ở vùng khó khăn; có chính sách ưu tiên phát triển vận tải công cộng. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giao thông vận tải tổ chức công bố công khai quy hoạch, đồng thời chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các Sở, ngành có liên quan tổ chức quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch. Trong quá trình thực hiện cần tiến hành xem xét, đánh giá để kịp điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển từng giai đoạn.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ định hướng quy hoạch giao thông thuộc địa giới hành chính quản lý của mình phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường thủy, đường sắt theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- TT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc
UBND tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, KTTH, NC, VX, KTN.
(E:\Dropbox\HUNG\Giao thong\quyet dinh\QD 2015\3.PD Quy hoach phat trien GTVT den nam 2020 dinh huong den 2030.doc)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Văn Thu

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 846/QĐ-UBND ngày 13/3/2015 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Stt

Tên công trình

I

Hệ thống quốc lộ và đường cao tốc

1

Mở rộng Quốc lộ 1A đạt tiêu chuẩn 4 làn xe

2

Nâng cấp Quốc lộ 14D

3

Quốc lộ 14E

 

- Mở rộng, nâng cấp QL14E đoạn từ Cây Cốc đến đường Hồ Chí Minh

 

- Xây mới QL14E kéo dài (Cây Cốc - đường ven biển)

4

Nâng cấp Quốc lộ 14G

5

Tiếp tục đầu tư nâng cấp Quốc lộ 40B

6

Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

II

Hệ thống tỉnh lộ

1

Xây dựng cầu Giao Thuỷ và kéo dài ĐT609B nối với ĐT610

2

Xây dựng đường ĐT610 đoạn từ Km25+680 đến Km38+050 nối Duy Xuyên - Nông Sơn.

3

Nâng cấp mặt đường các tuyến đường tỉnh lộ

4

Xây dựng, nâng cấp đường ĐT609

5

Mở rộng nâng cấp đường ĐT608 đoạn Vĩnh Điện - Hội An và xây dựng cầu Phước Trạch

6

Mở rộng, nâng cấp đường ĐT607 (đoạn từ ĐH8.ĐB - Hội An)

7

Xây dựng cầu Ông Đốc và đường dẫn phía Tây nối ĐT610B với ĐT609B

8

Tiếp tục mở rộng, nâng cấp đường ĐT605

9

Xây dựng đường từ Trung tâm xã A xan đến tiếp giáp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm

10

Đường nối ĐT610 đến đường ven biển (xây dựng đoạn nối từ ĐH3.DX đến đập ngăn mặn Duy Thành (ĐH6.DX) dài 01km để nối thông hành lang từ QL1A - Nam Phước đến đường Ven biển Việt Nam)

11

Nâng tuyến Tam Kỳ - Tam Vinh - Tiên Kỳ lên tỉnh lộ

12

Nâng cấp ĐT609B

13

Nâng cấp mặt đường ĐT617 và xây dựng cầu tại Km14

14

Nâng cấp mặt đường Thanh niên ven biển (dự kiến thành ĐT613)

15

Xây dựng cầu Tỉnh Thủy, nâng cấp tuyến ĐT615 từ Km0 đến Km9

16

Nâng cấp đường Bình Quý - Tiên Sơn (dự kiến thành ĐT612)

17

Nâng cấp đường Tiên Kỳ - Tiên Phong (dự kiến thành ĐT616)

18

Mở rộng nâng cấp đường Tiên Hiệp - Tiên Lãnh - Phước Gia - QL14E (dự kiến thành đường ĐT615B trên cơ sở tuyến ĐH6.TP và ĐH2.HĐ, đoạn nối giữa hai tuyến dài 5km và cầu Sông Tiên)

19

Nối dài đường ĐT615 từ Sơn Cẩm Hà đến QL14E (mở rộng các tuyến ĐH hiện trạng gồm ĐH15.TP huyện Tiên Phước, ĐH8.HĐ, ĐH10.HĐ huyện Hiệp Đức)

20

Kéo dài ĐT610B nối với QL14B tại Hà Nha

21

Xây dựng cầu Bến Dầu (Đại Lộc)

22

Đường ĐT617 nối dài đến QL40B

23

Nâng cấp, mở rộng trục đường kết nối cảng phi thuế quan, sân bay Chu Lai đến nối với đường cao tốc Đà Nẵng-Dung Quất (dự kiến thành ĐT620)

24

Nâng cấp sân bay Chu Lai

III

Hệ thống đường huyện và đường giao thông nông thôn

1

Kiên cố hóa mặt đường các tuyến đường ĐH theo Nghị quyết của HĐND tỉnh

2

Tiếp tục bê tông hóa đường GTNT giai đoạn đến năm 2020

3

Xây dựng các cầu treo dân sinh

IV

Các dự án khác

1

Nâng cấp, mở rộng hệ thống bến cảng số 2, số 3 Kỳ Hà đạt tải trọng 20.000 - 30.000 ĐWT

2

Nạo vét cảng Kỳ Hà, Tam Hiệp

3

Nạo vét sông Cổ Cò, sông Trường Giang

4

Xây dựng kết cấu hạ tầng các bến đò ngang