Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 846/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 06 tháng 8 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HOÀN THIỆN CÁC BIỂN BÁO GIAO THÔNG ĐỂ TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT TẢI TRỌNG TRÊN CÁC TUYẾN ĐÊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;

Căn cứ Thông tư số 54/2013/TT-BNNPTNT ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phân cấp đê và quy định tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đi trên đê;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 299/TTr-SNN ngày 30 tháng 7 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án hoàn thiện các biển báo giao thông để tăng cường kiểm soát tải trọng trên các tuyến đê trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông Vận tải; Tài chính; Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, VP4,2,3,5.
ĐVT_VP4_08.02.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Trần Song Tùng

 

ĐỀ ÁN

HOÀN THIỆN CÁC BIỂN BÁO GIAO THÔNG ĐỂ TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT TẢI TRỌNG TRÊN CÁC TUYẾN ĐÊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
(Kèm theo Quyết định số 846/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết xây dựng đề án

Tỉnh Ninh Bình có tổng cộng 424,509 km đê giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân trước thiên tai bão, lũ. Trong các năm qua, các tuyến đê trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đầu tư nâng cấp, tu bổ, mở rộng, mặt đê được cứng hóa bằng bê tông, Asphalt phục vụ công tác hộ đê, cứu hộ cứu nạn, kết hợp giao thông và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua thường xuyên xảy ra tình trạng xe quá tải trọng chạy trên đê làm hư hỏng, lún sụt mặt đê, nguy cơ gây mất an toàn đê trong mùa lũ, bão.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng xe quá tải trọng chạy trên các tuyến đê. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị đã tổ chức cắm biển hạn chế trọng tải toàn bộ xe và cắm mốc hạn chế khẩu độ xe quá tải trên các tuyến đê. Công an tỉnh đã đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an toàn đê điều trên các tuyến đê. Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, đã phát hiện và xử phạt 906 trường hợp vi phạm trên các tuyến đê với số tiền xử phạt là 2,83 tỷ đồng. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, chủ xe, lái xe trên địa bàn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện xử lý vi phạm trên các tuyến đê còn phát sinh các tồn tại, vướng mắc đó là: Một số tuyến đê chưa được cắm biển báo giới hạn tải trọng xe, chưa có biển chỉ dẫn tên tuyến đê nên gây khó khăn cho người tham gia giao thông trong việc chấp hành quy định pháp luật, cũng như khó khăn cho việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng; một số tuyến đã có biển báo hạn chế phương tiện nhưng theo thời gian bị hư hỏng, mất mát dẫn đến tình trạng các phương tiện có kích thước, trọng tải vượt quá quy định vẫn đi vào các tuyến đê; một số tuyến đang trong thời gian thi công xảy ra tình trạng các doanh nghiệp, nhà thầu thi công sử dụng phương tiện có tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng đi qua các tuyến đê để vào khu vực thi công. Mặt khác, hiện nay nhiều tuyến đê đã được đầu tư nâng cấp cứng hóa mặt bằng bê tông, nên tải trọng xe cơ giới được phép đi trên đê tăng lên, dẫn đến một số biển báo cắm trước đây đã không còn phù hợp, cần phải thay thế. Các tuyến đê nếu không được lắp đặt đầy đủ biển báo giới hạn tải trọng xe sẽ rất khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm.

Để khắc phục tình trạng trên, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh thì việc xây dựng Đề án hoàn thiện các biển báo giao thông để tăng cường kiểm soát tải trọng trên các tuyến đê là cần thiết và quan trọng.

2. Căn cứ xây dựng đề án

- Luật Đê điều ngày 29/11/2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17/6//2020;

- Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;

- Thông tư số 54/2013/TT-BNNPTNT ngày 17/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phân cấp đê và quy định tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đê trên đê;

- Quyết định số 1629/QĐ-BNN-TCTL ngày 10/7/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phân loại, phân cấp đê trên địa bàn tỉnh Ninh Bình;

- Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ.

Phần 2

MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung

Đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, an toàn giao thông trên đê, kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ ngăn nước lũ của đê và giao thông trên đê trong việc bảo vệ và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Lắp đặt hoàn thiện hệ thống biển báo hạn chế trọng tải toàn bộ xe, biển chỉ dẫn tên tuyến đê nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuần tra, canh gác, phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng xe quá tải chạy trên đê của các cơ quan chức năng.

- Nâng cao trách nhiệm, ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật về đê điều, an toàn giao thông.

Phần 3

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÁC TUYẾN ĐÊ VÀ BIỂN BÁO TRÊN ĐÊ

Theo Quyết định số 1629/QĐ-BNN-TCTL ngày 10/7/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phân loại, phân cấp đê trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, toàn tỉnh có tổng số 424,509 km đê, trong đó: Có 9 tuyến đê cấp II, cấp III với tổng chiều dài 175,558 km; có 25 tuyến đê cấp IV, V với tổng chiều dài 248,951 km. Các tuyến đê cấp II, cấp III do lực lượng chuyên trách quản lý đê điều thuộc Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý. Các tuyến đê cấp IV, cấp V giao cho UBND các huyện, thành phố quản lý theo địa bàn phạm vi địa giới hành chính.

1. Thực trạng các tuyến đê

1.1. Tuyến đê hữu Đáy (cấp II, III)

- Tổng chiều dài 75,401 km từ K0 00 tại cống Địch Lộng, huyện Gia Viễn đến cửa cống Như Tân, huyện Kim Sơn; trong đó: Đoạn đê cấp II từ K0 00 - K71 204 chiều dài 71,204 km từ cống Địch Lộng, huyện Gia Viễn đến cửa Kim Đài, huyện Kim Sơn; đoạn đê cấp III từ K7 204 - K75 401 chiều dài 4,197 km, từ cửa Kim Đài đến cống Như Tân, huyện Kim Sơn.

- Cao trình mặt đê toàn bộ tuyến đê hữu Đáy từ K0 00 đến K75 401 có cao trình từ 6,9m đến 4,2m đáp ứng được yêu cầu chống lũ. Chiều rộng mặt đê từ (5-15)m, đã cứng hóa mặt đê bằng bê tông được 64,811/75,401 km, trong đó có nhiều đoạn mặt bê tông vỡ nứt cần phải duy tu, sửa chữa.

- Trên tuyến đoạn từ K61 335 - K68 500 đang triển khai thi công đắp đất, mở rộng mặt cắt.

1.2. Tuyến đê Trường Yên (cấp III): Chiều dài 6,735 km, điểm đầu K0 00 tại Cầu Đen đến Quốc lộ 1A, cao trình mặt đê từ 6,3m đến 6,50m cơ bản đáp ứng yêu cầu chống lũ, chiều rộng mặt đê 10m, phía đồng có cơ đê rộng (13-20)m, cao trình cơ 3,5m; toàn tuyến đã được cứng hóa mặt đê bằng bê tông.

1.3. Tuyến đê tả Hoàng Long (cấp III): Chiều dài 23,988 km, từ K0 00 là điểm tiếp giáp với đê Đầm Cút đến cầu Gián Khẩu, cao trình mặt đê toàn tuyến từ 6,8m đến 6,2m đáp ứng yêu cầu chống lũ; đoạn từ K0 00 - K3 500 đi qua khu dân cư, mặt đê rộng 5m; đoạn từ K3 500 - K23 988 mặt đê rộng 7m. Toàn tuyến mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông, nhựa asphalt, có nhiều đoạn bị lún, nứt dọc cần phải sửa chữa.

1.4. Tuyến đê hữu sông Hoàng Long (cấp III): Chiều dài 19,40 km từ K0 00 (hồ Thường Xung) đến Cầu Đen, cao trình mặt đê từ 6,2m đến 5,9m đáp ứng yêu cầu chống lũ. Trên tuyến có đoạn từ K18 206 - K19 400 (Cầu Đen) là đoạn đê kết hợp làm đường giao thông vào chùa Bái Đính. Chiều rộng mặt đê 7m, toàn tuyến đã được cứng hóa bằng bê tông, nhiều đoạn mặt bê tông bị hư hỏng cần duy tu sửa chữa.

1.5. Tuyến đê Đầm Cút (cấp III): Chiều dài 14,0 km từ K0 00 (cống Mai Phương) đến cống Địch Lộng, cao trình mặt đê từ 6,80m đến 6,6m đáp ứng yêu cầu chống lũ; chiều rộng mặt đê (5-7)m, tuyến đê cơ bản đã được cứng hóa bằng bê tông, nhiều đoạn mặt bê tông vỡ vụn, sụt lún. Năm 2021, đoạn từ K3 395 - K6 695 và đoạn K8 425 - K9 945 đang đắp đất, mở rộng mặt đê.

1.6. Tuyến đê tả Vạc (cấp III): Chiều dài 5,903 km từ K22 00 (cầu Trì Chính) đến K27 903 (cửa Kim Đài), cao trình mặt đê 4,0m đáp ứng yêu cầu chống lũ, chiều rộng mặt đê 5m. Toàn tuyến được cứng hóa mặt đê bằng bê tông, một số đoạn mặt bê tông bị nứt vỡ cần phải sửa chữa.

1.7. Tuyến đê Hữu Vạc (cấp III): Chiều dài 4,931 km từ K22 00 (cầu Trì Chính) đến K26 931 (cửa Kim Đài), cao trình 4,0m, đáp ứng yêu cầu chống lũ. Đoạn từ K22 00 - K22 542 mặt đê rộng 10 m; đoạn K22 542 - K23 042 đi qua khu dân cư mặt đê rộng 3,5m; đoạn K23 267 - K23 267 chiều rộng mặt 5m và đoạn K23 042 - K26 931 mặt đê rộng 7m. Mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông với chiều dài 3,531/4,931 km.

1.8. Tuyến đê Bình Minh II (cấp III): Chiều dài 25,2 km từ cống Như Tân đến cống Càn Cụt, cao trình mặt đê 4,5m, tường kè tại mặt đê phía biển cao trình 5,2m đáp ứng yêu cầu chống lũ, chiều rộng mặt đê 7m. Toàn tuyến đã được cứng hóa bằng bê tông, mặt bê tông nhiều đoạn bị lún sụt, vỡ nứt cần được duy tu sửa chữa.

1.9. Tuyến đê Đức Long - Gia Tường - Lạc Vân (cấp IV): Chiều dài 11,8 km, cao trình mặt đê 6,3m đến 6,1m đáp ứng yêu cầu chống lũ, chiều rộng mặt đê 7m. Toàn tuyến mặt đê được bê tông hóa.

1.10. Tuyến đê Năm Căn (cấp IV): Chiều dài 16,03 km đảm bảo cao trình chống lũ theo quy hoạch được duyệt. Toàn tuyến đã được bê tông hóa, mặt đê nhiều đoạn bị sụt lún, vỡ nứt.

1.11. Tuyến đê tả, hữu Vạc (cấp IV): Chiều dài mỗi bên là 22,0 km, từ cầu Yên đến cầu Trì Chính. Các đoạn K0 00 - K1 750, K21 200 - K22 00 đê tả Vạc và đoạn K21 150 - K22 00 đê hữu Vạc đã được được cứng hóa bằng bê tông; các đoạn còn lại mặt đê bằng cấp phối.

1.12. Tuyến đê Bình Minh I (cấp IV): Chiều dài 7,85 km, cao trình đê đáp ứng yêu cầu chống lũ. Toàn bộ tuyến đã được cứng hóa bằng bê tông.

1.13. Tuyến đê sông Bôi khu vực Xích Thổ-Gia Sơn- Gia Lâm (cấp V): Chiều dài 16,7 km, mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông.

1.14. Tuyến đê Bắc sông Rịa (cấp V): Chiều dài 3,90 km, mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông.

1.15. Tuyến đê Nam sông Rịa (cấp V): Chiều dài 8,0 km, mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông.

1.16. Tuyến đê tả Cầu Hội (cấp V): Chiều dài 4,88 km, mặt đê bằng cấp phối.

1.17. Tuyến đê hữu Cầu Hội (cấp V): Chiều dài 7,06 km, mặt đê bằng cấp phối.

1.18. Tuyến đê tả Ghềnh (cấp V): Chiều dài 12,35 km, mặt đê bằng cấp phối.

1.19. Tuyến đê hữu Ghềnh (cấp V): Chiều dài 11,895 km, mặt đê bằng cấp phối và đất.

1.20. Tuyến đê tả Bút Đức Hậu (cấp V): Chiều dài 7,15 km, mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông.

1.21. Tuyến đê hữu Bút Đức Hậu (cấp V): Chiều dài 6,599 km, mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông.

1.22. Tuyến đê tả Thắng Động (cấp V): Chiều dài 3,105 km, mặt đê bằng cấp phối.

1.23. Tuyến đê hữu Thắng Động (cấp V): Chiều dài 3,423 km, mặt đê bằng cấp phối.

1.24. Tuyến đê tả Trinh Nữ (cấp V): Chiều dài 6,00 km, mặt đê bằng cấp phối.

1.25. Tuyến đê hữu Trinh Nữ (cấp V): Chiều dài 7,30 km, đoạn xóm 4, xã Yên Hòa mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông; đoạn gần cầu Ghềnh xã Yên Mạc mặt đê bằng cấp phối.

1.26. Tuyến đê tả sông Mới (cấp V): Chiều dài 11,776 km, mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông.

1.27. Tuyến đê tả sông Mới (cấp V): Chiều dài 9,976 km, mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông.

1.28. Tuyến đê Bình Minh III (cấp V): Từ cống CT3 đến cống CT1 dài 15 km, mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông.

1.29. Tuyến đê hữu sông Bến Đang (cấp V): Chiều dài 18,592 km, mặt đê bằng đất.

1.30. Đê tả, hữu Hệ Dưỡng (cấp V): Đê tả dài 5,936 km, đê hữu dài 4,621 km, mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông.

2. Thực trạng cắm biển hạn chế trên đê

- Năm 2014, lắp đặt được 121 biển hạn chế trọng tải toàn bộ xe trên các tuyến đê cấp II, III trên địa bàn tỉnh, trong đó tuyến đê Đầm Cút kết hợp là tuyến đường ĐT477D được phân cấp đường loại VI, do Sở Giao thông Vận tải và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng quản lý.

- Năm 2019, cắm biển báo, chôn mốc hạn chế khẩu độ xe quá tải trên các tuyến đê Đầm Cút, đê tả Hoàng Long và đê hữu Đáy đoạn từ K0 - K8 380 địa phận huyện Gia Viễn, Nho Quan.

- Hiện nay, một số tuyến đê đã và đang được đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, mặt đê được cứng hóa nên nhiều biển báo đã không còn phù hợp cần phải thay thế. Một số tuyến đê chưa có biển chỉ dẫn tên tuyến đê nên gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Phần 4

GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Quy định cụ thể việc xác định tải trọng cho phép xe cơ giới đi trên đê

- Theo Điều 7 Luật đê điều, Điều 13 Thông tư số 54/2013/TT-BNNPTNT ngày 17/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phân cấp và quy định tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đi trên đê, quy định:

Đoạn đê kết hợp làm đường giao thông theo quy định tại Điều 28 Luật đê điều có tính toán xác định tải trọng thiết kế, cho phép xe cơ giới đi trên đê theo tải trọng thiết kế được phê duyệt.

Đoạn đê chưa có tính toán xác định tải trọng cho phép xe cơ giới đi trên đê nhưng mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông hoặc rải nhựa, cho phép xe cơ giới đi trên đê có tổng tải trọng không vượt quá 12 tấn.

Đoạn đê không thuộc quy định tại 2 khoản nêu trên, cho phép xe cơ giới đi trên đê có tổng tải trọng không vượt quá 10 tấn.

- Nghiêm cấm sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sử dụng xe cơ giới đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa (khoản 6 Điều 7 Luật Đê điều).

- Việc thực hiện giao thông trên đê theo quy định tải trọng cho phép chỉ thực hiện trong điều kiện đê không có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão. Khi đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, tùy tình hình cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc hạn chế xe cơ giới đi trên đê.

2. Khối lượng thực hiện lắp đặt biển báo

Kiểm tra, rà soát, thống kê các vị trí cần lắp đặt biển hạn chế trọng tải toàn bộ xe, biển chỉ dẫn tên tuyến đê đối với các tuyến đê trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Vị trí lắp đặt biển tại đầu, cuối, dọc các tuyến đê và tại các đường dốc chính lên đê; cụ thể:

- Trên các tuyến đê cấp II, III: Có 185 vị trí cần lắp đặt biển hạn chế trọng tải toàn bộ xe và biển tuyến đê, gồm: Huyện Gia Viễn 82 vị trí, huyện Nho Quan 9 vị trí, huyện Hoa Lư 03 vị trí, TP. Ninh Bình 04 vị trí, huyện Yên Khánh 44 vị trí, huyện Kim Sơn 43 vị trí.

- Trên các tuyến đê cấp IV, V: Có 286 vị trí cần lắp đặt biển hạn chế trọng tải toàn bộ xe và biển tuyến đê, gồm: Huyện Nho Quan 40 vị trí, huyện Hoa Lư 28 vị trí, TP. Ninh Bình 2 vị trí, huyện Yên Khánh 52 vị trí, huyện Kim Sơn 22 vị trí, huyện Yên Mô 128 vị trí, TP. Tam Điệp 14 vị trí.

3. Hình thức, thiết kế biển báo

- Biển hạn chế trọng tải toàn bộ xe cho phép (gồm biển 10 tấn, biển 12 tấn): Thiết kế theo biển số P.115 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT.

- Biển chỉ dẫn tên tuyến đê: Thiết kế theo biển số I.449 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ.

Phần 5

KINH PHÍ, THỜI GIAN THỰC HIỆN

- Kinh phí thực hiện: 2,8 tỷ đồng.

- Nguồn kinh phí: Ngân sách của tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Năm 2021-2022.

Phần 6

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì triển khai thực hiện Đề án đảm bảo tuân thủ theo quy định hiện hành và điều kiện thực tế; phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức lắp đặt các biển hạn chế trọng tải toàn bộ xe, biển chỉ dẫn tên tuyến đê để tổ chức, cá nhân biết, chấp hành và phục vụ công tác xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng; chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Sở tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý, xử phạt các hành vi sử dụng xe cơ giới, xe máy chuyên dùng vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê theo thẩm quyền.

2. Công an tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, TP và các đơn vị có liên quan tăng cường thực hiện công tác xử lý xe quá tải trên các tuyến đê. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban ngành liên quan và các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người dân, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia giao thông trên đê.

3. Sở Giao thông vận tải

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cắm biển hạn chế trọng tải trên các tuyến đê kết hợp làm đường giao thông. Đồng thời tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi chở hàng vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên các tuyến đê kết hợp làm đường giao thông theo thẩm quyền. Kiểm soát chặt chẽ việc bốc xếp hàng hóa, xử lý vi phạm trọng tải ngay tại cảng, khu vực tập kết hàng hóa để ngăn chặn kịp thời trước khi xe lưu thông; phát hiện, ngăn chặn xử lý đối với các xe quá tải trọng trên đê.

4. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí ngân sách cho công tác triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

5. UBND các huyện, Thành phố

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai cắm biển báo; Tiếp nhận quản lý và bảo vệ các biển báo được lắp đặt trên địa bàn. Khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp để mới phải đưa hạng mục cắm biển hạn chế trọng tải toàn bộ xe; biển báo chỉ dẫn tên tuyến đê và cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê vào dự án để thực hiện. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện, UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý đối với các xe quá tải trọng trên tuyến đê.

6. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai cắm biển báo. Yêu cầu khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp đê mới phải đưa hạng mục cắm biển hạn chế trọng tải toàn bộ xe biển báo chỉ dẫn tên tuyến đê và cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê vào dự án để thực hiện./.