BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 849/2004/QĐ-BCA | Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CÔNG DÂN TRUNG QUỐC SỬ DỤNG GIẤY PHÉP NHẬP, XUẤT CẢNH DO TRUNG QUỐC CẤP VÀO VIỆT NAM THAM QUAN, DU LỊCH
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP, ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 29/VPCP-KTTH, ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Văn phòng Chính phủ;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế về tổ chức và quản lý công dân Trung Quốc sử dụng Giấy phép nhập, xuất cảnh do Trung Quốc cấp vào Việt Nam tham quan, du lịch”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thực hiện Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN |
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CÔNG DÂN TRUNG QUỐC SỬ DỤNG GIẤY PHÉP NHẬP, XUẤT CẢNH DO TRUNG QUỐC CẤP VÀO VIỆT NAM THAM QUAN, DU LỊCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 849/2004/QĐ-BCA ngày 27 tháng 08 năm 2004 của Bộ CA)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Khách du lịch Trung Quốc quy định trong Quy chế này là công dân Trung Quốc sử dụng Giấy phép nhập, xuất cảnh do Trung Quốc cấp (Peoples Republic of China - Entry and Exit Permit) vào Việt Nam với mục đích tham quan, du lịch theo chương trình trọn gói, theo hợp đồng ký kết giữa các doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế Trung Quốc có chức năng đưa người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài (gọi tắt là doanh nghiệp lữ hành quốc tế Trung Quốc); họ được cấp “Thẻ du lịch” để sử dụng trong thời gian tham quan, du lịch Việt Nam.
Điều 2. Thẻ du lịch là loại giấy tờ riêng do cơ quan Xuất nhập cảnh Công an Việt Nam cấp cho công dân Trung Quốc có Giấy phép nhập, xuất cảnh do Trung Quốc cấp sử dụng vào Việt Nam tham quan du lịch theo hợp đồng đã ký kết giữa các doanh nghiệp du lịch lữ hành quốc tế của Việt Nam và Trung Quốc.
Thẻ du lịch có giá trị sử dụng một lần và chỉ có giá trị khi người dùng thẻ có Giấy phép nhập, xuất cảnh do Trung Quốc cấp kèm theo, thời hạn không quá 30 ngày, không gia hạn, trừ trường hợp bất khả kháng.
Điều 3. Khách du lịch Trung Quốc sử dụng Giấy phép nhập, xuất cảnh chỉ được nhập, xuất cảnh Việt Nam bằng đường bộ, đường sắt, đường biển qua 07 cửa khẩu của các tỉnh biên giới Trung Quốc (Móng Cái, Hữu Nghị, Tân Thanh, Thanh Thủy, Tà Lùng, Lào Cai, Ma Lu Thàng) và các cảng biển quốc tế. Khách nhập cảnh cửa khẩu này được xuất cảnh qua cửa khẩu khác phù hợp với chương trình du lịch đã đăng ký.
Mọi hoạt động của khách trên lãnh thổ Việt Nam và mọi hoạt động về quản lý, tổ chức việc đưa đón khách phải tuân thủ pháp luật và các quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam và những quy định trong Quy chế này.
Điều 4. Khách du lịch Trung Quốc sử dụng Giấy phép nhập, xuất cảnh do Trung Quốc cấp được tới tham quan du lịch tất cả các địa phương trong cả nước Việt Nam (trừ những khu vực không cho người nước ngoài tới tham quan du lịch theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Điều 5. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế được thành lập và đăng ký kinh doanh có đủ điều kiện dưới đây đều được hoạt động kinh doanh đưa đón khách du lịch Trung Quốc sử dụng Giấy phép nhập, xuất cảnh:
5.1. Có phương án hoạt động đón khách du lịch sử dụng Giấy phép nhập, xuất cảnh; có hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế Trung Quốc được phép đưa khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam.
5.2. Có 03 hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn trở lên.
5.3. Có hợp đồng vận chuyển khách ký với các tổ chức cá nhân có đăng ký kinh doanh vận chuyển, có xác nhận đăng ký bảo hiểm.
5.4. Có chương trình du lịch cho từng đoàn khách vào Việt Nam tham quan, du lịch.
5.5. Có văn bản cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của Quy chế này.
Điều 6. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế có đủ các điều kiện nêu ở Điều 5 gửi hồ sơ đăng ký về Tổng cục Du lịch; Tổng cục Du lịch thẩm định và thông báo với Bộ Công an, các cơ quan hữu quan và các địa phương danh sách các doanh nghiệp có đủ điều kiện được hoạt động kinh doanh đưa đón khách du lịch Trung Quốc sử dụng Giấy phép nhập, xuất cảnh.
Điều 7. Các cơ sở lưu trú (từ 1 - 5 sao) được thành lập và đăng ký kinh doanh ở các địa phương trong cả nước được đón khách du lịch Trung Quốc sử dụng Giấy phép nhập, xuất cảnh tạm trú.
Chương 2.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC DOANH NGHIỆP KINH DOANH ĐÓN KHÁCH DU LỊCH TRUNG QUỐC SỬ DỤNG GIẤY PHÉP NHẬP, XUẤT CẢNH
Điều 8. Trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh đón khách du lịch Trung Quốc sử dụng Giấy phép nhập, xuất cảnh:
8.1. Các doanh nghiệp được kinh doanh loại hình này phải đăng ký thời điểm hoạt động với cơ quan Công an và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn.
8.2. Giám đốc doanh nghiệp phải trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của các đơn vị phụ thuộc, chi nhánh và cán bộ dưới quyền.
8.3. Mỗi doanh nghiệp có một đầu mối trực tiếp làm thủ tục duyệt nhân sự cho khách (khi xin duyệt nhân sự phải có chương trình kèm theo và cam kết thực hiện đúng chương trình). Không được ủy thác, nhượng bán hợp đồng, chương trình du lịch cho bất cứ đơn vị hoặc cá nhân nào. Không được thu gom khách tại các cửa khẩu hoặc thỏa thuận đón khách qua điện thoại.
8.4. Doanh nghiệp có chi nhánh tại địa phương có cửa khẩu với Trung Quốc (quy định ở Điều 3) thì chi nhánh là đầu mối duy nhất của doanh nghiệp thực hiện đón khách qua cửa khẩu đó.
8.5. Doanh nghiệp đón khách căn cứ vào tuyến điểm du lịch đã quy định ở các địa phương để xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình du lịch.
Tổ chức cho khách đi theo chương trình và tạm trú tại cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quy định ở các địa phương đã đăng ký khi xin duyệt nhân sự. Không thực hiện chương trình phát sinh ở các địa phương khác.
8.6. Chịu trách nhiệm quản lý khách theo chương trình du lịch từ khi nhập cảnh đến khi xuất cảnh khỏi cửa khẩu quy định tại Điều 3 của Quy chế này. Có trách nhiệm hướng dẫn khách du lịch thực hiện đúng luật pháp Việt Nam. Phối hợp với cơ quan chức năng kiểm danh và kiểm diện khi khách xuất cảnh, nộp lại Thẻ du lịch cho Công an tỉnh nơi cấp thẻ để đảm bảo khách xuất cảnh đủ và đúng với khách đã nhập cảnh. Chỉ khi có xác nhận của biên phòng cửa khẩu và cơ quan xuất nhập cảnh là khách đã xuất cảnh hết, chương trình du lịch mới được xem là kết thúc.
8.7. Sử dụng hướng dẫn viên có thẻ. Hướng dẫn viên phải mang theo chương trình hoạt động của đoàn khách đã đăng ký với cơ quan Xuất nhập cảnh Công an Việt Nam và bản sao hợp lệ hợp đồng lao động với doanh nghiệp đón đoàn khách đó.
8.8. Ký hợp đồng vận chuyển khách với các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh vận chuyển. Phương tiện vận chuyển phải đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng và độ an toàn theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Xe vận chuyển khách này phải có biển ghi tên, địa chỉ, số điện thoại của doanh nghiệp đưa đón khách.
8.9. Hợp tác chặt chẽ và cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin cần thiết cho các cơ quan chức năng về những vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nảy sinh trong quá trình đưa đón khách.
8.10. Thực hiện chế độ báo cáo và lưu trữ hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên du lịch.
Điều 9. Trách nhiệm của cơ sở lưu trú kinh doanh đón khách du lịch Trung Quốc sử dụng Giấy phép nhập, xuất cảnh:
9.1. Các cơ sở lưu trú chỉ được phục vụ nhu cầu về lưu trú của khách, không được tổ chức các dịch vụ cho khách mà Nhà nước không cho phép, không được tổ chức chương trình tham quan riêng hoặc đón khách của những doanh nghiệp hoặc cá nhân chưa được phép đón khách theo Quy chế này.
9.2. Phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đưa đón khách trong việc quản lý và đảm bảo an toàn cho khách.
9.3. Báo cáo kịp thời cho các cơ quan chức năng những vi phạm hoặc nghi vấn về việc thực hiện các quy định về quản lý hoạt động, đi lại, tạm trú đối với nước ngoài của các tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến loại khách này.
Chương 3.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ trì:
10.1. Trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và trật tự kinh doanh trên địa bàn.
10.2. Phối hợp với Bộ Công an, Tổng cục Du lịch và Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) thống nhất tổ chức, quản lý kinh doanh trên địa bàn: chỉ đạo hướng dẫn và kiểm tra các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở lưu trú, các tổ chức, cá nhân, vận chuyển khách du lịch trên địa bàn thực hiện đúng các yêu cầu của Quy chế này và các quy định luật pháp có liên quan. Kịp thời phát hiện để ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc mọi hành vi xâm phạm đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
10.3. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng), Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc nhập, xuất cảnh của khách theo quy định hiện hành.
Điều 11. Tổng cục Du lịch chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:
11.1. Chỉ đạo cơ quan quản lý du lịch ở địa phương giám sát, quản lý hoạt động, kiểm tra thường kỳ (1 năm một lần) hoặc đột xuất các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tham gia đón khách theo Quy chế này.
11.2. Giải quyết, xử lý các vi phạm của các doanh nghiệp và những vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Điều 12. Bộ Công an có trách nhiệm:
12.1. Quy định mẫu “Thẻ du lịch”, ban hành, cấp phát và quản lý “Thẻ du lịch”. Xét duyệt nhân sự cho khách vào tham quan du lịch theo chương trình theo đề nghị các các doanh nghiệp.
12.2. Ủy quyền và hướng dẫn để công an các địa phương thực hiện việc cấp “Thẻ du lịch” theo đề nghị của các doanh nghiệp; kiểm tra, kiểm soát khách nhập, xuất cảnh; đồng thời giải quyết, xử lý những vi phạm về trật tự, an ninh của các tổ chức, cá nhân Việt Nam và của khách du lịch xảy ra trên địa bàn.
12.3. Kiểm tra, hướng dẫn Công an các địa phương phối hợp với các cơ quan có chức năng tổ chức lực lượng kiểm tra việc thực hiện Quy chế của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế và các cơ sở lưu trú tham gia đón loại khách này; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của khách du lịch và các doanh nghiệp.
Điều 13. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, Tổng cục Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát làm thủ tục cho khách nhập, xuất cảnh tại cửa khẩu và xử lý các vi phạm của khách và các doanh nghiệp tại cửa khẩu và trên địa bàn khu vực biên giới.
Chương 4.
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 14. Các doanh nghiệp kinh doanh đón khách Trung Quốc sử dụng Giấy phép nhập, xuất cảnh vi phạm các quy định về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch và kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch hoặc vi phạm các hành vi dưới đây, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành hoặc cơ quan công an tạm ngừng xét duyệt nhân sự cho khách du lịch nhập cảnh, hoặc bị chấm dứt hoạt động kinh doanh loại hình này. Nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mọi phát sinh về tài chính có liên quan đến xử lý vi phạm do trách nhiệm của doanh nghiệp thì doanh nghiệp đón khách phải chi trả.
14.1. Không đăng ký thời điểm hoạt động với cơ quan chức năng; sau thời điểm đăng ký 06 tháng mà không hoạt động hoặc ngừng hoạt động 06 tháng mà không báo cáo.
14.2. Khoán trắng, buông lỏng quản lý đối với hoạt động của các đơn vị, phụ thuộc như chi nhánh, văn phòng đại diện.
14.3. Mua bán tư cách pháp nhân, chỉ làm thủ tục duyệt nhân sự mà không thực hiện chương trình trọn gói cho khách.
14.4. Thực hiện đón khách không có chương trình du lịch; không theo chương trình du lịch đã cam kết với khách hoặc tổ chức chương trình phát sinh ngoài địa phương đã đăng ký.
14.5. Không quản lý khách từ khi nhập cảnh đến khi xuất cảnh để khách trốn, ở lại, hoạt động sai mục đích, hoặc có hoạt động vi phạm pháp luật bị xử lý, hoạt động ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội của nước CHXHCN Việt Nam; không phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết hậu quả sai phạm.
14.6. Sử dụng hướng dẫn viên không có thẻ để hướng dẫn các đoàn khách du lịch.
14.7. Không có hợp đồng vận chuyển khách với các tổ chức và cá nhân có chức năng kinh doanh vận chuyển khách.
14.8. Đưa khách đến tạm trú tại các cơ sở lưu trú không đủ tiêu chuẩn quy định.
14.9. Không ký hợp đồng đón khách và không thực hiện thanh lý hợp đồng đúng quy định.
14.10. Không báo cáo kịp thời Tổng cục Du lịch và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có sự cố nảy sinh trong quá trình đón khách Trung Quốc sử dụng Giấy phép nhập xuất cảnh.
14.11. Không thực hiện chế độ báo cáo và lưu trữ hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch.
14.12. Các cá nhân, tổ chức không đăng ký tham gia đón loại khách này mà tổ chức kinh doanh (đưa, đón, lưu trú …).
14.13. Vi phạm các quy định luật pháp hiện hành khác của Nhà nước.
Điều 15. Việc xử lý vi phạm của khách du lịch sử dụng Giấy phép nhập xuất cảnh được áp dụng như khách du lịch là người nước ngoài khác và các quy định trong Quy chế này.
Điều 16. Mọi tổ chức và cá nhân có thẩm quyền giải quyết các công việc liên quan đến việc tổ chức, quản lý hoạt động đón khách Trung Quốc sử dụng Giấy phép nhập, xuất cảnh nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi hoặc làm cản trở đến hoạt động hợp pháp của các doanh nghiệp kinh doanh loại hình khách du lịch này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ra quyết định Quy chế này thay cho Quy chế tạm thời về quản lý và tổ chức đối với người Trung Quốc có Giấy thông hành xuất nhập cảnh do Trung Quốc cấp vào nước ta tham quan du lịch được ban hành kèm theo Quyết định số 229/1998/QĐ-TCDL ngày 02/7/1998 của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.
Điều 18. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có những vấn đề mới phát sinh, cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý, các bộ ngành, địa phương trao đổi thống nhất với Bộ Công an và Tổng cục Du lịch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.