Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 851/2006/QĐ-UBND

Bến Tre , ngày 23 tháng 3 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về sử dụng và quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình tham gia sử dụng và quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều phải tuân theo quy định này.

Điều 3. Các Ông (bà): Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Xây dựng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị; thủ trưởng các sở ngành, các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành. Các quyết định trước đây trái với quyết định này đều được bãi bỏ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thanh Hà

 

QUY ĐỊNH
VỀ SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 851/2006/QĐ-UBND ngày 23 tháng 3 năm 2006 của UBND tỉnh Bến Tre )

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, đối tượng, phạm vi áp dụng

1. Mục đích: để các đối tượng sử dụng và quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thực hiện đúng quyền hạn và trách nhiệm của mình, nhằm phát huy tốt hiệu quả, đảm bảo tuổi thọ cho công trình và góp phần xây dựng trật tự, văn minh cho đô thị.

2. Đối tượng và phạm vi áp dụng: cho tất cả tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng và quản lý đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị tại quy định này bao gồm: hệ thống giao thông, công viên, cây xanh mặt nước công cộng, thông tin liên lạc, cung cấp điện và an toàn lưới điện chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, thu gom và xử lý các chất thải, nghĩa trang trong đô thị.

2. Đối tượng tham gia sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật gồm các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên địa bàn nơi có hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

3. Đối tượng tham gia quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật gồm các pháp nhân cá nhân, tổ chức đơn vị, chính quyền các cấp; các sở, ban, ngành và cá nhân có liên quan.

Chương II

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC SỬ DỤNG CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ

Điều 3. Đối với hệ thống cấp nước.

1. Đối tượng sử dụng hệ thống cấp nước được quyền cung cấp đủ nước đúng như hợp đồng đã ký; được quyền yêu cầu đơn vị cấp nước kiểm tra, lắp đặt, sửa chữa, dịch chuyển ống và đồng hồ đo nước trong giới hạn cho phép.

2. Đối tượng sử dụng hệ thống cấp nước không được có hành vi, vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng hệ thống cấp nước. Cụ thể như sau:

-Tự ý đấu nối vào hệ thống cấp nước, thay đổi đường kính ống cấp nước không đúng quy định, sử dụng nước trước đồng hồ đo nước, làm sai lệch đồng hồ đo nước.

- Làm hư hỏng đường ống, thiết bị kỹ thuật trong hệ thống cấp nước, lắp đặt đường ống cấp nước không có giấy phép; sử dụng nước từ mạng lưới cấp nước, trụ nước phòng cháy, chữa cháy vào mục đích khác không đúng quy định.

Điều 4. Đối với hệ thống thoát nước

1. Đối tượng sử dụng hệ thống thoát nước được quyền thoát nước mưa; nước bẩn đã qua xử lý cục bộ đạt yêu cầu (nếu thuộc diện bắt buộc xử lý) trước khi thoát vào hệ thống thoát nước công cộng.

2. Đối tượng sử dụng hệ thống thoát nước không được có hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng hệ thống thoát nước. Cụ thể gồm:

- Đổ đất, đá, rác, dầu, mỡ, chất thải y tế, chất thải rắn khác và chất độc xuống hố ga, cống rãnh thoát nước, kênh, mương, sông, hồ; trồng cây, thả rau, bèo hoặc có hành vi khác làm cản trở dòng chảy của hệ thống thoát nước.

- Tự ý đấu nối chuyển dịch đường cống, hố ga thoát nước; san lấp kênh, mương, ao hồ thoát nước công cộng trái quy định.

Điều 5. Đối với hệ thống thông tin liên lạc

1. Đối tượng sử dụng hệ thống thông tin liên lạc được quyền cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc như hợp đồng đã ký; được quyền yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm tra, lắp đặt, sửa chữa hệ thông thông tin liên lạc khi có sự cố kỹ thuật.

2. Đối tượng sử dụng hệ thống thông tin liên lạc không được sử dụng hệ thống thông tin liên lạc không có giấy phép hoặc không đúng mục đích; tự ý đào bới, dịch chuyển, đấu nối vào hệ thống thông tin liên lạc; vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ an toàn hệ thống thông tin liên lạc.

Điều 6. Đối với hệ thống cung cấp điện và chiếu sáng công cộng

1. Đối tượng sử dụng hệ thống cung cấp điện và chiếu sáng công cộng được quyền cung cấp điện và thụ hưởng chiếu sáng công cộng như hợp đồng đã ký; được quyền yêu cầu đơn vị cung cấp: kiểm tra, lắp đặt, di dời, sửa chữa khi hệ thống cấp điện có sự cố kỹ thuật.

2. Đối tượng sử dụng hệ thống cung cấp điện và chiếu sáng công cộng không được:

- Sử dụng hệ thống cung cấp điện và chiếu sáng công cộng không có hoặc không đúng hợp đồng; tự ý dịch chuyển, đấu nối vào hệ thống cung cấp điện; vi phạm các quy định về sử dụng, quản lý và bảo vệ an toàn hệ thống cung cấp điện và chiếu sáng công cộng;

- Làm hư hỏng, dịch chuyển trái phép; sử dụng các thiết bị trong hệ thống cung cấp điện và chiếu sáng công cộng không đúng quy định;

3. Đối với tất cả tổ chức và cá nhân khi xây dựng các công trình nằm trong hành lang an toàn lưới điện phải triển khai và thực hiện đúng theo trình tự được quy định trong Nghị định của Chính phủ về “ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp”.

Điều 7. Đối với hệ thống giao thông trong đô thị: lòng, lề đường, vỉa hè, nơi dừng xe, đỗ xe, cầu trong đô thị

1. Đối tượng sử dụng hệ thống giao thông đường bộ trong đô thị được quyền tham gia giao thông đúng quy định của Luật giao thông đường bộ.

2. Đối tượng sử dụng hệ thống giao thông đường bộ trong đô thị không được :

- Chở vật liệu, chất phế thải để rơi vãi, làm mất vệ sinh đường phố;

- Làm hư hỏng vỉa hè, lòng, lề đường, nơi dừng xe, đỗ xe, cầu; đào, phá vỉa hè, lòng, lề đường, nơi dừng xe, đỗ xe không có giấy phép hoặc sai giấy phép;

- Lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường làm: nơi mua bán, kinh doanh, quảng cáo, chăn thả súc vật, để xúc vật phóng uế, để xe, làm bãi chứa vật tư, hàng hoá, phế liệu;

- Sử dụng hệ thống giao thông trong đô thị sai mục đích hoặc sử dụng làm mất mỹ quan đô thị.

Điều 8. Đối với công viên, cây xanh - mặt nước công cộng

Công viên, cây xanh - mặt nước công cộng là nơi vui chơi giải trí, thư giãn và tạo bóng mát, mỹ quan cho đô thị. Cây xanh sử dụng công cộng là tất cả các loại cây xanh trên đường phố và ở khu vực sở hữu cộng cộng (công viên, vườn hoa, quảng trường, đài tưởng niệm). Mặt nước sử dụng công cộng là mặt nước tự nhiện và nhân tạo trong đô thị bao gồm: sông, hồ, kênh, đài phun nước… Các tổ chức và cá nhân phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ công viên, cây xanh-mặt nước công cộng. Cụ thể như sau:

- Nghiêm cấm các hành vi xâm hại cây xanh, mặt nước công cộng như: Tự ý chặt hạ, đánh chuyển di dời, bẻ cành, cắt ngọn, khoanh vỏ, chặt rễ, đốt lửa đặt bếp, đổ rác, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây; làm hư hại hoa, cây cảnh thảm cỏ. Tự ý xây bục bệ bao quanh gốc cây, giăng dây, giăng đèn trang trí, đóng đinh, treo biển quảng cáo không đúng quy định. Đổ vật liệu, phế liệu, các loại chất thải xuống mặt nước công cộng và có các hành vi khác làm thay đổi và có ảnh hưởng xấu đến mặt nước công cộng.

- Không được sử dụng các công trình công cộng trong công viên sai chức năng; làm hư hỏng công trình công cộng, dịch vụ, trong khi vui chơi giải trí tại công viên.

Điều 9. Đối với việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải

1. Đối với hộ gia đình và tổ chức nằm trong khu vực thu gom của đơn vị thu gom rác không có điều kiện tự xử lý rác hợp vệ sinh được quyền đăng ký thu gom rác, để rác đúng nơi và thời gian theo quy định của đơn vị thu gom rác.

2. Đối với hộ gia đình và tổ chức nằm trong khu vực thu gom của đơn vị thu gom rác không thực hiện đúng nghĩa vụ đăng ký thu gom rác; bỏ rác thải ra khu vực công cộng, sông rạch…gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.

Đối với hộ gia đình và tổ chức nằm ngoài khu vực thu gom của đơn vị thu gom rác phải có biện pháp tự thu gom và xử lý rác bằng các biện pháp như: chôn lấp, thiêu đốt, ủ phân…nhưng không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Điều 10. Đối với nghĩa trang nhân dân

Thân nhân của người chết được quyền đăng ký để chôn cất theo nội quy quản lý nghĩa trang. Mọi cá nhân và tổ chức không được:

- Tự ý chặt phá, bẻ cành, làm hư hại đến cây xanh trong nghĩa trang;

- Sử dụng các công trình công cộng trong nghĩa trang không đúng mục đích; làm hư hỏng công trình công cộng trong nghĩa trang;

- Tự ý đào bới, chuyển dịch các phần mộ và chôn cất người chết trong nghĩa trang không đúng quy định.

Chương III

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐƯỢC GIAO QUẢN LÝ CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ

Điều 11. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân quản lý:

Đối với các tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị cần phải thực hiện đúng các quy định về quản lý, vận hành, khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị. Cụ thể:

- Cung cấp đầy đủ dịch vụ theo quy định;

- Cần tiến hành duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định; khi thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị cần có hàng rào, biển báo để bảo vệ an toàn trong thi công;

- Cần ban hành các quy định về quản lý, sử dụng, vận hành và khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị;

- Giải quyết khiếu nại tố cáo mọi hành vi vi phạm Quy định về quản lý, sử dụng, vận hành và khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Điều 12. Quyền hạn của các tổ chức, cá nhân quản lý:

Đối với các tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý và khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị được quyền: yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm; ngưng cung cấp các dịch vụ với đối tượng sử dụng khi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng, vận hành và khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và đề nghị xử phạt theo thẩm quyền phù hợp với quy định của pháp luật.

Chương IV

CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ.

Điều 13. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 14. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Bến Tre, với các nhiệm vụ như sau:

1. Thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh, do Uỷ ban nhân dân tỉnh phân cấp;

2. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh các cơ chế chính sách trong việc đầu tư phát triển, quản lý vận hành khai thác và cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị;

3. Hướng dẫn, kiểm tra tổng hợp tình hình quản lý đầu tư xây dựng, khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, vệ sinh, môi trường đô thị và xử lý vi phạm hoặc đề xuất xử lý vi phạm theo thẩm quyền trên địa bàn;

4. Chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ về quản lý đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn theo Luật Xây dựng;

5. Chủ trì thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh các loại đơn giá, phí dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định của pháp luật;

6. Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện và thị xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm hướng dẫn triển khai thực hiện Quy định này.

Điều 15. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn của địa phương, có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

1. Thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn huyện, thị quản lý do Uỷ ban nhân dân tỉnh phân cấp;

2. Phối hợp với các Sở, Ban, ngành tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể của công tác quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị tại địa bàn phụ trách;

3. Chỉ đạo trực tiếp cho các phòng, pan có liên quan và Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn triển khai thực hiện Quy định này;

4. Chỉ đạo kiểm tra, xử lý các vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo về sử dụng và quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị;

5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức tự giác chấp hành tới mọi người dân về quyền lợi và trách nhiệm trong việc sử dụng và quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Điều 16. Phòng Hạ tầng kinh tế huyện, phòng Quản lý đô thị - thị xã có trách nhiệm tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sử dụng và quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị với chức năng và nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Xây dựng và triển khai việc thực hiện: chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch, nguồn vốn được duyệt;

2. Theo dõi, kiểm tra, quản lý các dịch vụ công, đánh giá việc quản lý, khai thác sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn phụ trách theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

3. Kiểm tra, và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo về sử dụng và quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị;

4. Phối hợp với các phòng, ban có liên quan, Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn trong phạm vi chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn triển khai Quy định này.

Điều 17. Ủy ban nhân dân phường, thị trấn có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Tổ chức thực hiện nghiêm Quy định về sử dụng và quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị tới mọi đối tượng theo quy định trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo về sử dụng và quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 18. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng và quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Bến Tre chấp hành tốt quy định này, có thành tích xuất sắc sẽ được biểu dương khen thưởng.

Điều 19. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng và quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh có các hành vi, vi phạm các nội dung của bản Quy định này, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 Về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

Tất cả cơ quan, tổ chức cá nhân tham gia sử dụng và quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều phải thực hiện quy định này.

Điều 21. Theo dõi thực hiện

Cơ quan nhà nước ở tất cả các cấp có liên quan, các tổ chức và cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn Bến Tre phải theo dõi việc thực hiện Quy định này; định kỳ 6 tháng báo cáo về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.