BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 851/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC HÓA CHẤT
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hóa chất và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Cục Hóa chất là tổ chức trực thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất theo quy định của pháp luật.
2. Cục Hóa chất có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp; có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội.
Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: Vietnam Chemicals Agency.
Tên viết tắt: VINACHEMIA.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Xây dựng để Bộ trưởng Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền quyết định, ban hành:
a) Dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Dự thảo Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động hóa chất;
b) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn về công nghiệp hóa chất quốc gia; các đề án, chương trình, cơ chế, chính sách về lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp, theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chương trình đàm phán, ký kết gia nhập các điều ước quốc tế về hóa chất;
c) Danh mục hóa chất quốc gia; cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia; danh mục tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp; danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện; danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh, danh mục hóa chất cấm; danh mục hóa chất phải khai báo; danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; danh mục hóa chất phải xây dựng biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất;
d) Hồ sơ cho phép sản xuất, xuất nhập khẩu, sử dụng hóa chất cấm cho các mục đích đặc biệt theo quy định của pháp luật.
2. Trình Bộ trưởng phê duyệt, ban hành:
a) Kế hoạch phát triển hàng năm và 5 năm về công nghiệp hóa chất; về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của pháp luật;
b) Quy định, quy chuẩn kỹ thuật, các quy trình nghiệp vụ chuyên ngành hóa chất; quy định về điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật, chuyên môn nghề nghiệp, khoảng cách an toàn đối với các cơ sở hoạt động hóa chất theo quy định của pháp luật; quy định điều kiện và chỉ định tổ chức đánh giá hóa chất mới; quy chế quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp;
c) Danh mục hóa chất độc và mẫu kiểm soát mua, bán hóa chất độc;
d) Thẩm định thiết kế cơ sở các công trình xây dựng chuyên ngành hóa chất thuộc dự án nhóm A, B không phân biệt nguồn vốn và thẩm định thiết kế cơ sở các dự án sản xuất nitrat amon theo quy định của pháp luật;
đ) Quy định quản lý hoạt động phân loại, ghi nhãn hóa chất theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất; đăng ký, khai báo hóa chất; thông tin an toàn hóa chất.
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của các tổ chức, cá nhân. Theo dõi, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các quy định về Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện, hóa chất nguy hiểm sử dụng trong công nghiệp của các tổ chức, cá nhân.
4. Chủ trì, phối hợp, tham gia hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, chương trình và các quy định về hoạt động hóa chất sau khi được phê duyệt; tuyên truyền, phổ biến, giáo đục pháp luật về hoạt động hóa chất.
5. Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn phân Ioại, ghi nhãn hóa chất nguy hiểm; đăng ký, khai báo hóa chất theo quy định của pháp luật; thông tin an toàn hóa chất.
6. Ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về ngành hóa chất; các văn bản cá biệt; văn bản nội bộ thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật.
7. Cấp, thu hồi các loại giấy phép, chứng nhận, đăng ký về hoạt động hóa chất theo quy định của pháp luật (giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất sử dụng trong các lĩnh vực sản xuất; giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất và danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; quyết định cho phép sản xuất tiền chất thuốc nổ, giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ; giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp).
8. Kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động hóa chất, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động hóa chất, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
9. Xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm đánh giá hóa chất mới tại Việt Nam.
10. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức đào tạo an toàn hóa chất cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất; bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý hoạt động hóa chất; xây dựng mạng lưới kiểm soát hoạt động hóa chất tại các địa phương.
11. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ.
12. Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm của Bộ; Thường trực Tổ công tác liên ngành về thực hiện Công ước cấm vũ khí hóa học và đầu mối của Bộ về các công ước quốc tế liên quan đến hóa chất do Việt Nam tham gia.
13. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động hóa chất theo phân công của Bộ.
14. Chủ trì, phối hợp xây dựng đề án, chương trình, dự án, đề tài phục vụ công tác quản lý và phát triển ngành, tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực hóa chất theo phân công của Bộ.
15. Quy định nội dung, biểu mẫu báo cáo và được yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hóa chất cung cấp thông tin, tài Iiệu để thực hiện nhiệm vụ được giao; tổng hợp, thống kê, lập báo cáo tình hình hoạt động hóa chất trong phạm vi cả nước; xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa chất quốc gia.
16. Tham mưu giúp Bộ trưởng trong lĩnh vực được phân công quản lý về thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty, Công ty 100% vốn nhà nước thuộc Bộ hoặc được giao quản lý, các công ty cổ phần do Bộ được giao là chủ sở hữu phần vốn nhà nước.
17. Sử dụng ngân sách nhà nước được cấp và các khoản thu theo quy định của pháp luật.
18. Thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực hóa chất theo kế hoạch cải cách hành chính của Bộ.
19. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
20. Thực hiện thanh tra chuyên ngành về hoạt động hóa chất thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.
21. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Bộ máy giúp việc Cục trưởng:
b) Phòng Quản lý tiền chất;
c) Phòng Công ước và Hợp tác quốc tế;
d) Phòng Chính sách và Phát triển công nghiệp hóa chất;
đ) Phòng Thông tin hóa chất;
e) Văn phòng đại diện Cục Hóa chất tại Thành phố Hồ Chí Minh;
g) Văn phòng đại diện Cục Hóa chất tại Thành phố Đà Nẵng.
2. Đơn vị sự nghiệp:
Trung tâm Dữ liệu và Hỗ trợ ứng phó sự cố hóa chất.
Việc thành lập, sáp nhập hoặc giải thể các đơn vị trực thuộc Cục Hóa chất do Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét và quyết định theo đề nghị của Cục trưởng.
Điều 4. Lãnh đạo Cục
1. Cục Hóa chất có Cục trưởng và có không quá 03 Phó Cục trưởng.
2. Cục trưởng và Phó Cục trưởng do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.
3. Cục trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật các chức danh lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ trưởng.
4. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục. Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.
Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Quyết định này thay thế Quyết định số 1008/QĐ-BCT ngày 25 tháng 02 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hóa chất.
3. Bãi bỏ các quy định khác trước đây trái với Quyết định này.
4. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1 Nghị định 95/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
- 2 Nghị định 36/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ
- 3 Quyết định 01/QĐ-TTg năm 2009 về việc thành lập Cục Hóa chất trực thuộc Bộ Công thương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 0338/QĐ-BCT về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin do Bộ Công thương ban hành
- 5 Luật Hóa chất 2007