ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 851/QĐ-UBND | Bắc Kạn, ngày 24 tháng 5 năm 2018 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “MỖI XÃ, PHƯỜNG MỘT SẢN PHẨM” TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP ngày 05/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề cương Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát;
Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/4/2016 Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ ba (Khóa XI) về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về xây dựng hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 04/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ X (Khóa XI) về nhiệm vụ năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND ngày 06/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018;
Căn cứ Quyết định số 1625/QĐ-UBND ngày 13/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt điều chỉnh Đề cương Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Bắc Kạn” (OCOP- BK) giai đoạn 2017-2020.
Căn cứ Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 08/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2018;
Căn cứ Quyết định số 331/QĐ-UBND ngày 02/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn (OCOP-BK) năm 2018.
Xét đề nghị của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo tại Tờ trình số 145/TTr-VPĐP ngày 10/4/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Mỗi xã, phường” một sản phẩm tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018 - 2020.
Điều 2. Các Sở, ngành, địa phương có liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ, tổ chức triển khai thực hiện Đề án đảm bảo đạt hiệu quả, đúng quy định.
Giao Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện Đề án; chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN |
“MỖI XÃ, PHƯỜNG MỘT SẢN PHẨM” TỈNH BẮC KẠN, GIAI ĐOẠN 2018-2020, ĐỊNH HƯỚNG 2030 ONE COMMUNE ONE PRODUCT BAC KAN (OCOP-BK)
(Kèm theo Quyết định số 851/QĐ-UBND ngày 24/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)
MỤC LỤC
DANH MỤC BẢNG
DANH MỤC HÌNH
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
CĂN CỨ PHÁP LÝ
PHẦN 1:
SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH “MỖI XÃ, PHƯỜNG MỘT SẢN PHẨM TỈNH BẮC KẠN”
I. TÌNH HÌNH NÔNG THÔN BẮC KẠN SAU HƠN 07 NĂM TRIỂN KHAI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI (2010-2017)
1. Tổng hợp những vấn đề cơ bản về khu vực nông thôn Bắc Kạn đến năm 2017
2. Kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo đến năm 2017.
3. Yêu cầu nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ....
II. KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN KHU VỰC NÔNG THÔN Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
1. Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của Nhật Bản
2. Chương trình "Mỗi làng/cộng đồng một sản phẩm" (OTOP) Thái Lan
III. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH OCOP/OVOP TẠI VIỆT NAM
1. Kết quả triển khai OVOP tại các tỉnh
2. Kết quả và bài học kinh nghiệm thực tiễn từ Chương trình "Mỗi xã, phường một sản
phẩm”, giai đoạn 2013 - 2016 của tỉnh Quảng Ninh
2.1. Kết quả thực hiện
2.2. Bài học kinh nghiệm
3. Phương hướng triển khai Chương trình OCOP ở Bắc Kạn
IV. ĐIỂM MẠNH, ĐIỂM YẾU, CƠ HỘI VÀ NGUY CƠ/THÁCH THỨC (SWOT) TRONG TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH OCOP Ở BẮC KẠN
1. Các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong triển khai Chương trình OCOP.
2. Các chiến lược triển khai Chương trình OCOP-BK dựa trên phân tích SWOT
2.1. Tận dụng cơ hội
2.2. Hạn chế nguy cơ, tránh thách thức
PHẦN 2:
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM TỈNH BẮC KẠN
I. QUAN ĐIỂM CỦA CHƯƠNG TRÌNH
II. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu tổng quát
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Giai đoạn 2018-2020
2.2. Giai đoạn 2021-2030
III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH OCOP BẮC KẠN
1. Phạm vi thực hiện
2. Đối tượng thực hiện
3. Nguyên tắc thực hiện
IV. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH OCOP BẮC KẠN
1. Triển khai chu trình OCOP
2. Xác định và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP
2.1. Xác định sản phẩm, dịch vụ OCOP
2.2. Phát triển các sản phẩm, dịch vụ OCOP
2.3. Xác định, nâng cấp sản phẩm/chuỗi sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, huyện
3. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP
3.1. Bộ công cụ
3.2. Kiểm tra, giám sát
4. Hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
4.1. Tổ chức xúc tiến thương mại
4.2. Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP
5. Đào tạo nhân lực
5.1. Tập huấn xây dựng, triển khai kế hoạch kinh doanh
5.2. Tập huấn phát triển sản phẩm
5.3. Tập huấn kỹ năng bán hàng (phân phối, xúc tiến thương mại....)
5.4. Tập huấn cho cán bộ tham gia quản lý, điều hành Chương trình OCOP
5.5. Đào tạo CEO
6. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, Dự án thành phần
6.1. Nhóm Dự án nâng cấp/phát triển sản phẩm thực hiện theo chu trình OCOP thường niên
6.2. Nhóm Dự án xây dựng Trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ...
6.3. Nhóm Dự án khai thác thế mạnh nông nghiệp - nông thôn của Bắc Kạn gắn với phát triển du lịch
V. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Tổng kinh phí thực hiện
2. Nguồn vốn
3. Phần khai kế hoạch vốn ngân sách theo từng năm
VI. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức
2. Xây dựng hệ thống vận hành OCOP
3. Xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP
3.1. Hệ thống tư vấn OCOP
3.2. Hệ thống đối tác OCOP
4. Phát triển tổ chức kinh tế
4.1. Phát triển tổ chức cho các đối tượng đã tham gia OCOP
4.2. Hỗ trợ các tổ chức OCOP nâng cao chất lượng quản trị, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm
5. Chính sách thực hiện
6. Huy động các nguồn lực thực hiện
6.1. Nguồn lực từ cộng đồng
6.2. Nguồn kinh phí thực hiện
7. Khoa học công nghệ
8. Hợp tác trong nước và quốc tế về triển khai Chương trình OCOP
8.1. Hợp tác với các tỉnh thành trong cả nước
8.2. Hợp tác với Thái Lan
PHẦN 3:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM
I. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
II. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức chính: Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn
2. Chính quyền: UBND các cấp huyện, xã
3. Các ban, ngành: Các sở, ban, ngành chịu trách nhiệm
4. Các tổ chức chính trị - xã hội - ngành nghề
5. Các doanh nghiệp
6. Các trường dạy nghề, trung cấp, cao đẳng trong tỉnh
7. Cơ quan tư vấn triển khai Chương trình
PHẦN IV:
HIỆU QUẢ, Ý NGHĨA TÁC ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH OCOP BẮC KẠN
I. HIỆU QUẢ CỦA CHƯƠNG TRÌNH OCOP - BK
1. Hiệu quả kinh tế
2. Hiệu quả về xã hội
3. Các kết quả cụ thể của Chương trình
Il. Ý NGHĨA, TÁC ĐỘNG CỦA OCOP
DANH MỤC BẢNG
Bảng 1: Số lượng sản phẩm nông nghiệp lợi thế phân theo nhóm ngành hàng
Bảng 2: Số lượng các chủ thể sản xuất sản phẩm thuộc các ngành hàng có lợi thế vùng nông thôn
Bảng 3: Các hoạt động hỗ trợ từ Chương trình OCOP
Bảng 4: Dự kiến số lượng Trung tâm/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Bắc Kạn.
Bảng 5: Các kết quả cụ thể của Chương trình OCOP-BK
DANH MỤC HÌNH
Hình 1: Chu trình triển khai OCOP hằng năm
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
VIẾT TẮT | VIẾT ĐẦY ĐỦ |
CEO | : Chief Executive Officer (Giám đốc) |
CLB | : Câu lạc bộ |
Chương trình NTM & GN | : Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo |
DN | : Doanh nghiệp |
DNTN | : Doanh nghiệp tư nhân |
HĐQT | : Hội đồng quản trị |
HTX | : Hợp tác xã |
KD | : Kinh doanh |
KHCN | : Khoa học công nghệ |
KPI | : Key Performance Indicator (Chỉ số đo lường hiệu quả công việc) |
MTQG | : Mục tiêu Quốc gia |
NN | : Nông nghiệp |
NSNN | : Ngân sách Nhà nước |
NTM | : Nông thôn mới |
OCOP | : One Commune One Product (Mỗi xã, phường Một sản phẩm) |
OTOP | : One Tambon One Product (Mỗi làng/cộng đồng một sản phẩm) |
OVOP | : One Village One Product (Mỗi làng xã Một sản phẩm) |
OCOP tỉnh | : Ban điều hành OCOP tỉnh Bắc Kạn |
OCOP huyện | : Thường trực Chương trình OCOP cấp huyện |
OCOP-BK | : Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bắc Kạn |
PPP | : Public Private Partnership (Hợp tác công - tư) |
PTNT | : Phát triển nông thôn |
PTTH | : Phát thanh truyền hình |
R&D | : Nghiên cứu và Phát triển |
SMEs | : Small and Medium Enterprises (Các doanh nghiệp vừa và nhỏ) |
SWOT | : Strengths, Weaknesses, Opportunities and Threats (Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, nguy cơ/ thách thức) |
SX | : Sản xuất |
SX-KD | : Sản xuất kinh doanh |
TCVN | : Tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam |
THT | : Tổ hợp tác |
TNHH | : (Công ty) Trách nhiệm hữu hạn |
TOT | : Training of Trainers (Đào tạo tiểu giảng viên) |
UBND | : Ủy ban nhân dân |
YHCT | : Y học cổ truyền |
CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn;
- Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn;
- Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;
- Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
- Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia;
- Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
- Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/08/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020;
- Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
- Quyết định số 1760/QĐ-TTg ngày 10/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 01/08/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020:
- Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;
- Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 04/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 32/2016/QH ngày 23/11/2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp;
- Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị “Phát triển Mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới, gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức ngày 2/3/2017 tại thành phố Hạ Long;
- Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPCP ngày 05/06/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đề cương Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng 2030 & bộ công cụ điều tra, khảo sát;
- Nghị quyết số 09/2015/NQ-HĐND ngày 03/4/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt định mức hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2015-2020;
- Nghị quyết số 11/2015/NQ-HĐND ngày 03/4/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc Quy định một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;
- Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 11/4/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017-2020,
- Quyết định số 851/QĐ-UBND ngày 14/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn phê duyệt Đề án phát triển Nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, tập trung trồng rừng với cây công nghiệp chế biến số để nâng cao giá trị kinh tế rừng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016-2020;
- Quyết định số 1443/QĐ-UBND ngày 19/9/2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;
- Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 10/3/2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016-2020;
- Quyết định số 1625/QĐ-UBND ngày 13/10/2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt điều chỉnh Đề cương và dự toán tư vấn xây dựng và thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn (OCOP - BK);
- Quyết định số 331/QĐ-UBND ngày 02/3/2018 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn (OCOP-BK) năm 2018.
SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH “MỖI XÃ, PHƯỜNG MỘT SẢN PHẨM TỈNH BẮC KẠN”
I. TÌNH HÌNH NÔNG THÔN BẮC KẠN SAU HƠN 07 NĂM TRIỂN KHAI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI (2010-2017)
1. Tổng hợp những vấn đề cơ bản về khu vực nông thôn Bắc Kạn đến năm 2017
Bắc Kạn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc bộ Việt Nam, có trên 80% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chay) sống tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn. Vì vậy, khu vực này đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần duy trì sự cân bằng về hệ sinh thái và xã hội. Sự đa dạng của các yếu tố tự nhiên, văn hóa, làng nghề truyền thống là yếu tố cốt lõi, nền tảng để phát huy các thế mạnh nội tại tạo ra giá trị kinh tế, xã hội. Ngoài ra, khu vực nông thôn còn là nơi có nguồn lao động dồi dào sẵn sàng đáp ứng nguồn nhân lực ban đầu trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông thôn của tỉnh Bắc Kạn.
Các yếu tố tự nhiên cho thấy tỉnh Bắc Kạn có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là khu vực nông thôn, nơi địa hình có độ dốc lớn, chia cắt mạnh, hệ thống sông suối mật độ dày giúp vùng nông thôn có lợi thế sản xuất hàng hóa theo hướng nông nghiệp sinh thái. Các điểm danh lam thắng cảnh hầu hết tập trung ở vùng nông thôn, có thể kể đến như Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới, nằm trong vườn quốc gia Ba Bể, được công nhận là Vườn di sản ASEAN năm 2011; Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (huyện Na Rì, Bạch Thông); hệ thống hang động lớn (động Puông, động Hua Mạ, động Nàng Tiên, động Thạch Long,...), các yếu tố văn hóa, lịch sử khác như An toàn khu (ATK) - Chợ Đồn, nơi Bác Hồ đã hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Các đền chùa như Đồn Thám, chùa Thạch Long hay các bản làng dân tộc với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Những yếu tố trên tạo cho vùng nông thôn Bắc Kạn tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch kết hợp với văn hóa truyền thống và lịch sử dân tộc.
Trên địa bàn 08 huyện, thành phố thuộc tỉnh Bắc Kạn, theo thống kê có khoảng 124 sản phẩm lợi thế, thống kê 06 nhóm sản phẩm khu vực nông thôn theo Chương trình OCOP, gồm nhóm Thực phẩm có 48 sản phẩm; nhóm Đồ uống có 13 sản phẩm; nhóm Thảo dược có 07 sản phẩm; nhóm Vải và may mặc có 0 sản phẩm; nhóm Lưu niệm - nội thất - trang trí có 03 sản phẩm; nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn có 53 sản phẩm.
Bảng 1: Số lượng sản lợi thế phân theo nhóm ngành hàng vùng nông thôn
TT | Nhóm ngành hàng | Số lượng | Tỷ lệ (%) |
1 | Thực phẩm | 48 | 38,7 |
2 | Đồ uống | 13 | 10,5 |
3 | Thảo dược | 7 | 5,6 |
4 | Vải và may mặc | 0 | 0,0 |
5 | Lưu niệm - nội thất - trang trí | 3 | 2,4 |
6 | Dịch vụ du lịch nông thôn | 53 | 42,7 |
| Tổng | 124 | 100 |
(Nguồn: Số liệu điều tra, khảo sát và Báo cáo của các huyện, thành phố)
Các sản phẩm trên được sản xuất bởi 114 tổ chức/cá nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trong đó có 01 Công ty cổ phần, 01 Công ty TNHH, 25 Hợp tác xã, 22 tổ hợp tác và 62 hộ sản xuất kinh doanh.
Bảng 2: Số lượng các chủ thể sản xuất sản phẩm thuộc các ngành hàng có lợi thế vùng nông thôn
TT | Loại hình | Số lượng | Tỷ lệ (%) | Ghi chú |
1 | Công ty Cổ phần | 1 | 1 |
|
2 | Công ty TNHH | 1 | 1 |
|
3 | Hợp tác xã | 25 | 22 |
|
4 | Tổ hợp tác | 22 | 19 |
|
5 | DNTN | 3 | 3 |
|
6 | Hộ SX-KD | 62 | 54 |
|
| Tổng | 114 | 100 |
|
(Nguồn: Số liệu điều tra, khảo sát và Báo cáo của các huyện, thành phố)
Sản phẩm tại cộng đồng đa dạng, song phần lớn khó tiêu thụ hoặc chưa được thương mại hóa trong và ngoài tỉnh, số lượng sản phẩm đạt chứng nhận đủ tiêu chuẩn còn hạn chế (có 78 sản phẩm có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 62,9% tổng số sản phẩm hiện có).
Các lý do trực tiếp dẫn đến điều này là:
- Bộ máy tổ chức (SMEs, HTX, THT....): Cơ cấu tổ chức thực hiện đúng theo các quy định hiện hành (luật doanh nghiệp, luật hợp tác xã....). Tuy nhiên, cách thức tổ chức và quản trị của các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn còn yếu, đặc biệt các hợp tác xã, tổ hợp tác phần lớn chưa tạo được liên kết sản xuất giữa các thành viên, giữa thành viên với HTX và giữa HTX với tổ chức kinh tế khác, do vậy chưa mở rộng được hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hoạt động ở mức cầm chừng.
- Sản xuất: (1) Phần lớn phát triển theo dạng kinh tế hộ hoặc nhóm hộ, sản xuất theo phong trào hoặc tự phát, ít hiểu biết về thị trường, đặc biệt chưa chú trọng khai thác các lợi thế ở vùng nông thôn. (2) Khả năng sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trình độ kỹ thuật còn hạn chế (công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất còn thô sơ, đơn giản....), dẫn đến chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh, giá thành thấp....(3) Việc phát triển, sản xuất các sản phẩm hiện nay vẫn còn mang tính thụ động theo thị trường, sản xuất quy mô nhỏ, tính bền vững không cao, giá trị gia tăng thấp do chưa biết tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.
- Sản phẩm: Hầu hết ở dạng vật phẩm có sẵn hoặc sản phẩm được làm với công nghệ thô sơ, đơn giản, hoàn thiện sản phẩm (mẫu mã, bao bì, nhãn mác,...) chưa đi đôi với chất lượng và quản lý chất lượng nên khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường còn yếu. Một số sản phẩm tiềm năng trên địa bàn tỉnh như: Cây ăn quả (Lê, dẻ - huyện Ngân Sơn, hồng không hạt - huyện Ba Bể, Cam - huyện Chợ Đồn, quýt - huyện Bạch Thông,...); con (dê, trâu, bò, ngựa - huyện Pác Nặm); công nghệ truyền thống (rượu chuối, rượu men lá, mơ ngâm, thịt hun khói,...); danh thắng địa phương (Hồ Ba Bể, thác Đầu Đẳng, Ao Tiên,...); khu di tích (đền An Mạ, đền Thắm, Nà Tu, Chiến Thắng đèo Giàng,...); văn hóa truyền thống (Lễ hội Lồng Tồng, hát then, hát lượn, kéo co, tung còn, đẩy gậy,...) chưa quy hoạch có hệ thống, bài bản và rõ ràng. Một số sản phẩm đã thương mại hóa cần được bảo vệ, giữ gìn thương hiệu, chống và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.
- Xúc tiến thương mại: Các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai trên phạm vi cấp vùng và tỉnh (hội chợ Công nghiệp - Thương mại vùng Đông Bắc - 2016, hội chợ Thương mại phát triển kinh tế Bắc Kạn - 2017, hội chợ Thương mại kích cầu hàng tiêu dùng Bắc Kạn - 2017), tham gia hội chợ ở các tỉnh, thành phố khác (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ,...) đã thu hút sự tham gia của các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các chủ thể này hầu hết chưa quen với nền kinh tế thị trường và hội nhập, chưa chủ động tiếp cận thị trường và tìm kiếm khách hàng. Tâm lý trông chờ, e dè, ngại đột phá của người dân là điểm yếu cản trở sự phát triển và gia tăng giá trị hàng hóa ở vùng nông thôn.
2. Kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo đến năm 2017
- Phát triển hạ tầng kinh tế:
Về hệ thống hạ tầng nông thôn, có 19 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông; 84 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi; 84 xã đạt tiêu chí số 4 điện nông thôn; 16 xã đạt tiêu chí số 5 trường học; 10 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa; 89 xã đạt chuẩn tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 73 xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin truyền thông; 38 xã đạt tiêu chí số 9 nhà ở dân cư.
- Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp:
Tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn năm 2017 ước đạt 3.367 tỷ đồng, tăng 3,31% so với năm 2016. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đạt 2.546,082 tỷ đồng, chiếm 75,6%, tăng 2,84%, (trồng trọt 1.841,205 tỷ đồng, chiếm 72,3%; chăn nuôi 695,398 tỷ đồng, chiếm 27,3%, dịch vụ nông nghiệp 9,479 tỷ đồng chiếm 0,4 %); lĩnh vực lâm nghiệp đạt 781,532 tỷ đồng, chiếm 23,2%, tăng 1,58%: lĩnh vực thủy sản đạt 39,388 tỷ đồng, chiếm 1,2%, tăng 1,11%.
- Giảm nghèo và an sinh xã hội:
Đến năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn của toàn tỉnh là 18.035/62.723 hộ, chiếm tỷ lệ 28,75%. Thực hiện các chính sách giảm nghèo năm 2017: (1) Tín dụng, có 6.934 hộ nghèo được vay vốn, doanh số 195,918 tỷ; có 1.926 hộ cận nghèo vay vốn, doanh số 76,979 tỷ đồng: có 230 hộ mới thoát nghèo vay vốn, doanh số 10.141 tỷ đồng. Cho hộ nghèo vay làm nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg là 235 hộ với doanh số cho vay 5,875 tỷ đồng; cho vay trồng rừng sản xuất theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP là 218 hộ với số tiền là 7,085 tỷ đồng. (2) Hỗ trợ y tế cho hộ nghèo, thực hiện mua thẻ BHYT cho người nghèo và dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội, với số kinh phí mua thẻ hơn 150 tỷ đồng.
- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Trong năm 2017 đã tổ chức được 42 lớp đào tạo nghề lao động nông thôn (15 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, 27 lớp đào tạo nghề nông nghiệp) với 1.252 học viên tham dự. Năm 2017 đã giải quyết việc làm cho 5.442/4.500 lao động, đạt 120,93 % kế hoạch (trong đó, qua xuất khẩu lao động 380 lao động, qua phát triển kinh tế - xã hội 3.162 lao động, đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh 1.050 lao động); tổ chức tư vấn việc làm cho 5.034 người/3.500 người, đạt 143,83% kế hoạch; giới thiệu việc làm cho 1.430/550 người, đạt 260% kế hoạch.
3. Yêu cầu nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
Với tinh thần, chủ trương cả một quốc gia khởi nghiệp theo phát động của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cần có sự tham gia khởi nghiệp của cả đội ngũ nông dân đông đảo hiện nay, nhưng cần được tổ chức khoa học, bài bản. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để người dân tự đứng trong tổ chức kinh tế của chính họ (là các doanh nghiệp, các hợp tác xã) để nông dân thực sự làm chủ, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế từ những lợi thế của các địa phương trong tỉnh.
Ngày 02/3/2017, tại Hội nghị “Phát triển Mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp” được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong phạm vi toàn quốc nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đồng thời thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Từ những thực tiễn nêu trên cho thấy sự cần thiết phải có một hình thức tổ chức, một giải pháp giúp tỉnh Bắc Kạn tận dụng được tối đa những lợi thế riêng, biến những giá trị tiềm năng trở thành lợi thế, một động lực tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, miền núi. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng 4.0, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để tỉnh Bắc Kạn chuyển mình, phá vỡ các rào cản về không gian, những giới hạn về địa lý, về trình độ để phát triển một cách hài hòa, bền vững, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.
II. KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN KHU VỰC NÔNG THÔN Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
1. Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của Nhật Bản
Cuối những năm 70 của thế kỷ 20, Nhật Bản về cơ bản đã thực hiện xong công cuộc Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với sự phát triển mạnh mẽ ở khu vực thành phố. Tuy nhiên, tình trạng trái ngược lại diễn ra phổ biến ở khu vực nông thôn khi chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ, người nông dân bị mất phương hướng sản xuất phần vì nguồn lao động bị thiếu hụt, phần vì không nắm được xu hướng thị trường, nhu cầu tiêu dùng của “người thành phố”.
Khi trở thành người đứng đầu chính quyền tỉnh Oita, ngài Morihiko Hiramatsu đã tìm nhiều cách để khôi phục nền kinh tế của mảnh đất này, trong đó có Phong trào “Mỗi làng, một sản phẩm”. Theo đó, mỗi địa phương (làng, xã, huyện), mỗi làng lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của địa phương để phát triển như rau, quả, đồ gỗ,... các sản phẩm văn hóa, dịch vụ du lịch,... Để thực hiện nội dung này, hàng loạt vấn đề được đề cập và giải quyết một cách triệt để như xây dựng các nguyên tắc hoạt động của phong trào, tổ chức sản xuất sản phẩm, tổ chức mạng lưới quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, phân phối lợi ích,... Người dân địa phương tham gia một cách tự nguyện vào Phong trào này với tư cách là chủ nhân của các hoạt động. Chính quyền địa phương đóng vai trò trợ giúp chứ không phải là hướng dẫn hoặc ra mệnh lệnh cho họ.
Phong trào này đã gắn kết được các hoạt động sản xuất nông nghiệp với chế biến nông sản, tạo ra nhiều công ăn, việc làm, tăng giá trị gia tăng trong các sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của chúng, từ đó làm tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Nhiều nghề truyền thống được khôi phục lại, nhiều nghề mới được phát triển. Các mặt hàng nông sản phổ biến của địa phương từ chỗ ít được biết đến đã trở nên phổ biến và có giá bán khá cao. Trải qua hơn 20 năm phát triển, Phong trào OVOP đã đạt được những thành công vang dội trong quá trình phát triển nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị cả về kinh tế, văn hóa và lối sống. Thành công lớn nhất của Phong trào là tạo ra niềm tin cho lớp trẻ - những người vốn đã có mặc cảm về sự yếu kém kinh tế của địa phương, về sự phát triển của kinh tế nông thôn.
Do có nhiều tương đồng giữa Phong trào “Mỗi làng, một sản phẩm” của tỉnh Oita với chính sách phát triển nông thôn của các quốc gia, đã có rất nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới quan tâm, tìm hiểu và vận dụng Phong trào này, điển hình như: Cựu Thủ tướng Thái lan Thatsin Siwatra, Thủ tướng Malaysia Mahathir Bin Mohomad, Tổng thống Philippine, Thủ tướng Campuchia Hunsen, Thủ tướng Lào Boun Nhang Vorachith, Trung Quốc đã có nhiều hoạt động liên kết với Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật, Phó chủ tịch Nhà nước Zeng Quigphong tiếp Ngài Hiramatsu tại Đại Lễ đường Nhân dân. Tổng thống Kim Dae Jung của Hàn Quốc, Chủ tịch Nhà nước Mông Cổ Bagabandi....
2. Chương trình “Mỗi làng/cộng đồng một sản phẩm” (OTOP) Thái Lan
OTOP là Chương trình khuyến khích phát triển kinh tế địa phương do cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra khởi xướng và tổ chức. Chương trình OTOP được triển khai dựa trên kinh nghiệm Phong trào OVOP tại Nhật Bản nhưng có điều chỉnh để phù hợp với tình hình của Thái Lan. Chương trình khuyến khích cộng đồng địa phương phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu để cấp chứng nhận thương hiệu từ đó hỗ trợ xúc tiến thương mại trong nước và xuất khẩu.
Các sản phẩm OTOP của các địa phương và được phân thành 6 nhóm gồm: Đồ ăn lương thực thực phẩm: Đồ uống; May mặc: Đồ gia dụng - Trang trí: Lưu niệm và Thủ công mỹ nghệ; Thuốc từ cây cỏ - dược liệu - hương liệu không ăn được. Các cuộc thi, đánh giá, phân hạng sản phẩm được thực hiện liên tục trong các năm, nhằm tôn vinh các sản phẩm chất lượng, nâng cao uy tín, thương hiệu cho các sản phẩm. Các sản phẩm OTOP có thứ hạng cao được hỗ trợ xúc tiến trong hệ thống xúc tiến thương mại của Chương trình như: Hội chợ OTOP cấp tỉnh; Hội chợ OTOP cấp vùng: Hội chợ quốc tế OTOP: Trung tâm trưng bày các sản phẩm OTOP; Trung tâm phân phối các sản phẩm OTOP....
Hệ thống tổ chức Chương trình OTOP gồm: Ủy ban Điều hành OTOP Quốc gia chịu trách nhiệm theo dõi các tiêu chuẩn sản phẩm, hỗ trợ mỗi cộng đồng hiểu biết về sản phẩm và quảng bá chúng trên quy mô đầy đủ (bao gồm lưu trữ dữ liệu thống kê các sản phẩm). Cục Xúc tiến xuất khẩu tổ chức Hội chợ trong nước để thu hút sự chú ý của công chúng, tổ chức triển lãm ở nước ngoài.
Chương trình OTOP đã được triển khai liên tục từ năm 2000 đến nay. Mỗi năm Chương trình OTOP có một điểm nhấn nhằm đưa Chương trình phát triển về chất từ thấp đến cao, như kết nối các ngành cùng thực hiện ngay từ những năm đầu tiên, đến nghiên cứu tìm kiếm các sản phẩm OTOP tiềm năng,... và hướng đến hội nhập các nền kinh tế Asean (AEC) ngay từ năm 2012, khi AEC còn đang được đàm phán.
Đến hết 2013, đã có 37.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình kinh doanh,... tham gia OTOP, tạo ra 72.000 sản phẩm trên toàn quốc.
Đặc điểm nổi bật của OTOP là nó đã được chuyển từ một phong trào ở Nhật Bản thành một chương trình ở Thái Lan. Theo đó nhà nước là người tổ chức, với nguồn lực đầy đủ, cả về con người và ngân sách. Điểm đặc biệt là Chu trình OTOP thường niên, theo đó người dân là người khởi xướng quá trình phát triển, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm bằng cách đăng ký sản phẩm sẽ phát triển với nhà nước. Dựa trên đăng ký của người dân, toàn bộ hệ thống vào cuộc để hỗ trợ, bao gồm Văn phòng Chính phủ, các ngành Công nghiệp, Nông nghiệp - HTX, Văn hóa, Thương mại, Khoa học công nghệ, Môi trường, Thông tin - Truyền thông, Ngoại giao, Y tế, Nội vụ, Lao động. Các sản phẩm đã đăng ký phải được đánh giá và phân hạng.
III. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH OCOP/OVOP TẠI VIỆT NAM
1. Kết quả triển khai OVOP tại các tỉnh
Phong trào OVOP (mỗi làng một sản phẩm) đã được nhiều tỉnh thành tiếp cận từ năm 1997, đã có nhiều hội thảo trong nước và quốc tế về OVOP nhằm đẩy mạnh áp dụng OVOP tại các địa phương, góp phần tìm hướng đi phù hợp cho sự phát triển làng nghề tại các tỉnh thành trong cả nước.
Năm 2012, Câu lạc bộ OVOP Hà Nội được thành lập nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm thủ công - mỹ nghệ tại các làng nghề. CLB đã khảo sát thực trạng các làng nghề, cùng với Sở Công Thương đề xuất giải pháp hỗ trợ cho làng nghề như: Đào tạo (thiết kế, xây dựng thương hiệu,...), xúc tiến thương mại (tham gia hội chợ, kết nối phân phối),... một số nhà sản xuất làng nghề đã tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới (gồm, mây tre đan, sơn mài,...).
Năm 2008, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ Việt Nam triển khai mô hình OVOP gắn với chương trình “Mỗi làng một nghề”, triển khai tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước (Điện Biên, Hòa Bình, Quảng Nam, Bắc Ninh, An Giang, Nam Định, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh). Chương trình đã tạo ra một số sản phẩm có triển vọng như Thổ cẩm tại bản Na Sang II (xã Nứa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), ấp Srây Skốt (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), đúc đồng tại xã Đại Bái (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), thị trấn Lâm (huyện Ý Yên, Nam Định), điêu khắc đá, gỗ tại các làng ở xã Hiền Giang (Thường Tín, Hà Nội),... tạo ra những sản phẩm sơn mài, chạm khắc gỗ, đá, đúc đồng với mẫu mã cải tiến. Nhiều sản phẩm được chuyên gia nước ngoài đánh giá cao, phục vụ tốt cho nhiều thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời, trở thành nơi thu hút khách du lịch đến tham quan và mua đồ lưu niệm.
Tuy nhiên, kết quả từ chương trình OVOP tại các địa phương còn nhiều hạn chế, mới chủ yếu tập trung vào nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống tại các làng nghề, chưa thúc đẩy trở thành phong trào có sức ảnh hưởng lan tỏa đến cộng đồng dân cư, đặc biệt là khu vực nông thôn.
2. Kết quả và bài học kinh nghiệm thực tiễn từ Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, giai đoạn 2013 - 2016 của tỉnh Quảng Ninh
2.7. Kết quả thực hiện
Năm 2012, Chương trình OCOP (Mỗi xã, phường một sản phẩm) tỉnh Quảng Ninh đã được khởi xướng và chính thức triển khai từ 2013. So với Đề án “Mỗi làng một nghề”, Chương trình OCOP Quảng Ninh có sự khác biệt quan trọng là: Lần đầu tiên được triển khai theo cách có hệ thống, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, lấy trọng tâm là Chu trình OCOP thường niên; trung tâm là sản phẩm, không chỉ giới hạn ở thủ công mỹ nghệ mà được mở rộng thành 5 ngành hàng sản phẩm và dịch vụ. Sau 4 năm triển khai, Chương trình đã đạt được một số kết quả quan trọng:
(1) Xây dựng được hệ thống tổ chức quản lý Chương trình OCOP Quảng Ninh
- Cấp tỉnh: Ban Điều hành OCOP cấp Tỉnh (Trưởng Ban là đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo các sở, ngành liên quan); cơ quan thường trực là Ban Xây dựng nông thôn mới; có Phòng Nghiệp vụ OCOP chuyên trách (04 cán bộ); có 4 tiểu ban: Phát triển sản phẩm, Xúc tiến thương mại, Đào tạo - Truyền thông, Hành chính - Tổng hợp (hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm).
- Cấp huyện: Ban Điều hành OCOP cấp huyện (Trưởng Ban là Phó Chủ tịch UBND huyện, các thành viên kiêm nhiệm là lãnh đạo các phòng, ban); cơ quan thường trực là Phòng Nông nghiệp và PTNT (hoặc Phòng Kinh tế - hạ tầng), có bộ phận OCOP (01-02 cán bộ);
- Cấp xã: Lồng ghép trong Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới, do Chủ tịch UBND xã phụ trách.
(2) Hình thành bộ công cụ quản lý chương trình
- Chu trình chuẩn thực hiện chương trình OCOP theo 6 bước, trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm” (đề xuất nhu cầu từ dưới lên, theo nhu cầu và khả năng từ hộ sản xuất, đến SMEs, HTX). Trong đó quan trọng là bước thi đánh giá chất lượng và phân hạng sản phẩm.
- Bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm theo thang điểm 100, bao gồm: Tổ chức sản xuất 35% điểm; khả năng tiếp thị (sức sống của sản phẩm) 20% điểm và tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm 45% điểm). Nội hàm là sản phẩm lợi thế của địa phương, do cộng đồng sản xuất và đạt tiêu chuẩn quy định của Nhà nước.
(3) Hình thành hệ thống tư vấn, hỗ trợ phát triển SMEs, HTX và sản phẩm OCOP
- Xây dựng hệ thống đối tác OCOP để hỗ trợ: Các nhà tư vấn về phát triển, quản trị doanh nghiệp: Tư vấn phát triển sản phẩm (nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, chất lượng tiêu chuẩn, thiết kế kiểu dáng công nghiệp bao bì....): Các nhà khoa học (các Viện nghiên cứu, các trường đại học....); Các ngân hàng thương mại; Các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, vật tư, thương mại; Các cơ quan truyền thông, nhà báo.
- Hiện thực hóa mô hình liên kết 5 nhà (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà tư vấn), đặc biệt là liên kết giữa các nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà nông với nhà tư vấn đã góp phần tạo nên sự thành công của chương trình.
(4) Kết quả phát triển tổ chức kinh tế, sản phẩm OCOP
- Phát triển tổ chức kinh tế: Có 180 tổ chức kinh tế, hộ sản xuất (Có đăng ký kinh doanh), trong đó thành lập mới: 12 DN, 29 HTX, 11 Tổ hợp tác (mục tiêu đề ra là có 20 - 30 tổ chức kinh tế tham gia, trong đó thành lập mới 10-15), tổng vốn thực tế đã huy động để sản xuất là 367.747 triệu đồng/tổng số vốn các Dự án là 480.943 triệu đồng, trong đó: Vốn DN, HTX, THT, Hộ SX: 240.857 triệu đồng (75,4%); vốn vay ngân hàng là 68.656 triệu đồng (chiếm 18,66%), NSNN đã hỗ trợ 58.243 triệu đồng (chiếm 15,84%).
- Phát triển sản phẩm: Có 198 sản phẩm, trong đó có 99 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên (mục tiêu đề ra là phát triển 40 - 60 sản phẩm), tổng doanh số bán hàng trong 03 năm đạt 672.296 triệu đồng (Đề án đề ra 200.000 triệu đồng),
Trên cơ sở phát triển sản phẩm, đã xây dựng quy hoạch 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh và trên 50 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, xã, đưa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương (làng, xã) được đầu tư, khai thác có hệ thống.
(5) Hoạt động xúc tiến thương mại
- Đã và đang xây dựng hệ thống trung tâm, điểm bán hàng OCOP tại các khu du lịch, khu đông dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện đã có 6 trung tâm cấp tỉnh và huyện. Đang triển khai kêu gọi đầu tư các điểm bán hàng tại Hà Nội và tỉnh ngoài.
- Tổ chức hội chợ OCOP cấp tỉnh 02 kỳ/năm (được đánh giá thành công), tham gia 09 cuộc tổ chức triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước.
- Đang thực hiện xuất khẩu sản phẩm OCOP sang thị trường Trung Quốc.
- Đang xây dựng kế hoạch triển khai thương mại điện tử cho chương trình.
(6) Công tác truyền thông, quảng bá
- Tổ chức 3 hội thảo quan trọng cấp tỉnh và 32 hội nghị triển khai cấp huyện về chương trình OCOP cho các đối tượng là cán bộ quản lý, chủ DN, HTX, hộ sản xuất.
- Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo địa phương có chuyên mục riêng về Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” định kỳ theo tuần.
- Đài Phát thanh - Truyền hình có chuyên mục (dạng trailer) phát thường xuyên về từng sản phẩm OCOP (nguyên liệu, quy trình sản xuất, các tiêu chuẩn, cách sử dụng...) phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình, YouTube, facebook. các biển quảng cáo điện tử lớn trên địa bàn tỉnh.
2.2. Bài học kinh nghiệm
Với cách thức tổ chức như vậy, Chương trình OCOP Quảng Ninh thực chất đã vận dụng bài học kinh nghiệm của OTOP Thái Lan, từ đó đã khắc phục được các thiếu sót của Chương trình làng nghề. Các bài học kinh nghiệm rút ra sau khi triển khai giai đoạn 1 của Chương trình OCOP Quảng Ninh bao gồm:
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng về chương trình OCOP, sản phẩm OCOP. Công tác tuyên truyền hướng đến các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh để nâng cao nhận thức về chương trình OCOP về các nội dung, lợi ích khi tham gia chương trình OCOP.
- Nhận thức sớm, đúng đắn và vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, trước hết là người đứng đầu cấp ủy (bí thư tỉnh ủy, huyện ủy, xã), từ đó đưa vào các nghị quyết của các cấp ủy Đảng.
- Vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong chỉ đạo, điều hành. Xây dựng được tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện được trao nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp để thực hiện. Người đứng đầu phải trong Bộ máy Nhà nước có đủ thẩm quyền để điều hành và quyết định công việc.
- Công tác lãnh đạo chỉ đạo phải được thực hiện thường xuyên theo chủ trương của tỉnh. Trong công tác chỉ đạo cần có tính đồng bộ, quyết liệt, liên tục, kiên trì, bền bỉ, có trọng tâm trọng điểm, không nóng vội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần bám sát tình hình thực tiễn, xác định các vấn đề trọng tâm để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện.
- Xây dựng được hệ thống quản lý, công cụ triển khai khoa học. Kế hoạch thực hiện được ban hành sớm để có sự chuẩn bị đối với các cơ quan thực hiện. Kế hoạch cần chi tiết, cụ thể, phân công nhiệm vụ cụ thể cho tập thể, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện, gắn kết quả thực hiện với việc đánh giá, nhận xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ các các tập thể, cá nhân được phân công.
- Đánh giá và lựa chọn đúng sản phẩm lợi thế. Cần có sự chỉ đạo, định hướng sát sao của các cơ quan chuyên môn trong việc định hướng, phát triển các sản phẩm OCOP. Trong quá trình thực hiện cần có trọng tâm (không nên dàn trải), mỗi năm lựa chọn từ 2-3 sản phẩm chủ lực để tập trung nguồn lực đầu tư triển khai thực hiện dứt điểm, có hiệu quả.
- Hình thành, xây dựng hệ thống sản xuất phù hợp (là các SMEs, HTX) thông qua đó thúc đẩy liên kết sản xuất do chính người dân làm chủ quản lý, chủ nhân công nghệ, sở hữu nhãn hiệu hàng hóa và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
- Tích cực thực hiện khâu xúc tiến thương mại và thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ chung cho cả chương trình. Quảng bá rộng rãi chương trình OCOP, tiêu chí của các sản phẩm OCOP đến rộng rãi người tiêu dùng trên địa bàn. Xây dựng thương hiệu OCOP với các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
- Phát huy mô hình 5 nhà: Ngoài 4 nhà thường được nhắc tới là nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học, nhà thứ 5 là nhà tư vấn, cần có vai trò bám sát cộng đồng trong suốt quá trình và kết nối với các nhà khác.
Một số kinh nghiệm ở cấp huyện, xã trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP: (1) Công tác lãnh đạo chỉ đạo phải được thực hiện thường xuyên theo chủ trương của tỉnh. Trong công tác chỉ đạo cần có tính đồng bộ, quyết liệt, liên tục, kiên trì, bền bỉ, có trọng tâm trọng điểm, không nóng vội; (2) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần bám sát tình hình thực tiễn, xác định các vấn đề trọng tâm để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện: (3) Chương trình OCOP không phải là ý chí áp đặt của cơ quan chính quyền, nó phải xuất phát từ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có sản phẩm tham gia. Cơ quan nhà nước không thể đóng vai trò làm thay cho người sản xuất, phải là người sản xuất tự làm, tự quyết định sản phẩm của mình, cơ quan nhà nước chỉ đóng vai trò hướng dẫn, giúp đỡ (vì thực tế người dân cần nguồn vốn hỗ trợ nhưng lại rất ngại va chạm với các thủ tục pháp lý).
3. Phương hướng triển khai Chương trình OCOP ở Bắc Kạn
Dựa trên kinh nghiệm triển khai OVOP Nhật Bản, OTOP Thái Lan và bài học thực tiễn từ OCOP tỉnh Quảng Ninh, Chương trình OCOP ở Bắc Kạn cần vận dụng và triển khai theo cách:
(1) Tổ chức thực hiện Chương trình OCOP là một Chương trình phát triển kinh tế
Chương trình OCOP cần thực hiện như là một phần của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, gắn với phong trào khởi nghiệp, trong đó:
(i) Nhà nước kiến tạo được sự phát triển kinh tế - xã hội tại cộng đồng thông qua OCOP với trung tâm/đối tượng phục vụ là các tổ chức kinh tế của cộng đồng (SMEs, HTX, THT,...).
(ii) Trọng tâm của Chương trình là sản phẩm, bao gồm nghiên cứu phát triển, hoàn thiện sản phẩm, xây dựng mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức sản xuất và xúc tiến thương mại. Sản phẩm bao gồm cả sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ. Kết quả phát triển và thương mại hóa sản phẩm phải được đánh giá hằng năm, từ đó phân hạng để hỗ trợ xúc tiến thương mại và/hoặc cải tiến sản phẩm.
(iii) Chương trình gồm nhiều hợp phần, trong đó các hợp phần quan trọng là hình thành và tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tại cộng đồng, dưới dạng HTX và doanh nghiệp; nghiên cứu và phát triển sản phẩm; xúc tiến thương mại và đào tạo nguồn nhân lực tại cộng đồng tham gia OCOP.
(iv) Thực hiện ba giai đoạn cơ bản: Giai đoạn 1: Hình thành hệ thống tổ chức OCOP từ tỉnh đến cơ sở. Giai đoạn 2: Phát triển và đi vào chiều sâu, nhằm củng cố và phát triển các thành quả đã đạt được ở giai đoạn 1, tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển thị trường trên phạm vi toàn tỉnh, Giai đoạn 3: Phát triển các sản phẩm đỉnh cao, bằng cách chọn lọc các sản phẩm có khả năng xuất khẩu để hỗ trợ xâm nhập thị trường toàn quốc và quốc tế.
(v) Theo chu trình, phối hợp cách tiếp cận từ dưới lên và trên xuống: Việc triển khai OCOP được thực hiện theo chu trình thường niên, thống nhất trên toàn tỉnh, khởi đầu bằng việc cộng đồng đề xuất ý tưởng làm căn cứ để Nhà nước hỗ trợ.
(2) Tuân thủ các nguyên tắc của OCOP
Chương trình OCOP cần được thiết kế và triển khai theo hướng tuân thủ 3 nguyên tắc của OCOP toàn cầu, bao gồm:
(i) Địa phương hướng đến toàn cầu: Để gia nhập vào thị trường thế giới, các sản phẩm cần được thiết kế mới hoặc cải tiến phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng ở thị trường đích, bao gồm cả xuất khẩu tại chỗ, thông qua các địa điểm du lịch và xuất khẩu qua biên giới.
(ii) Độc lập và sáng tạo: Khi tự lực, tự tin và sáng tạo, người dân sẽ có cách hành động phù hợp trong lựa chọn sản phẩm của địa phương mình và tổ chức sản xuất chúng một cách hiệu quả nhất. Nói cách khác, chính sự độc lập lại kích thích tính sáng tạo phát triển một cách tối đa trong cộng đồng dân cư khi tham gia Chương trình.
(iii) Phát triển nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực, đặc biệt là lớp trẻ, là chìa khóa quan trọng để phát triển nông thôn. Khi lớp trẻ địa phương có động lực, được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết, thì việc phát triển nông thôn của khu vực đó sẽ đem lại hiệu quả.
1. Các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong triển khai Chương trình OCOP
Các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ, thách thức trong việc triển khai Chương trình OCOP tại Bắc Kạn được trình bày ở Khung 1.
Khung 1: Khung phân tích SWOT của Bắc Kạn trong việc triển khai Chương trình OCOP
ĐIỂM MẠNH - Điều kiện tự nhiên có địa hình phân tách đa dạng, hệ thống sông ngòi là đầu nguồn 5 con sông lớn của vùng Đông Bắc (sông Lô, sông Gâm, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Cầu), có một trong các hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam (hồ Ba Bể) là điều kiện để tạo nên nhiều thắng cảnh, văn hóa và sản phẩm đặc trưng của vùng. - Tài nguyên du lịch nổi bật: Vườn quốc gia Ba Bể với 21 tuyến du lịch (Động Puông, thác Đầu Đẳng, Ao Tiên, hồ Ba Bể, đền An Mã, đảo Bà Góa, hang Thẳm Khít, động Nà Phoòng, động Hua Mạ...); làng du lịch văn hóa đa dạng, nhiều lễ hội còn gìn giữ nguyên vẹn các phong tục, tập quán xưa, tạo nét phong phú, mới lạ (Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Hin Đăm, Khau Qua, Nặm Dài, Cám Thượng, Cám Hạ...); các khu di tích lịch sử (ATK Chợ Đồn, di tích lịch sử Nà Tu, đồn Chiến thắng Phủ Thông....). - Tài nguyên đất và rừng: Diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 90% diện tích tự nhiên, độ che phủ rừng 71,4% (kiểm kê rừng 2017) là điều kiện tốt phát triển kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu. - Có nhiều sản vật địa phương đặc trưng, đa dạng, nổi bật được nhiều người biết đến như: Miến dong, hồng không hạt, rượu men lá... - Có phong trào thanh niên khởi nghiệp của địa phương: Đây là một chương trình kết nối cộng đồng, tạo cơ hội, môi trường thuận lợi cho tuổi trẻ tiếp cận học tập, phát triển năng lực. - Có nhiều bản/làng du lịch văn hóa truyền thống, thưởng thức đặc sản và thăm quan danh lam thắng cảnh của cộng đồng các dân tộc (bản Pác Ngòi, xã Nam Mầu, huyện Ba Bể,...) - Lực lượng lao động địa phương dồi dào. - Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đồng thời cùng sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, địa phương. | ĐIỂM YẾU - Khả năng tư duy, nhận thức cộng đồng (đặc biệt là cộng đồng Tày, Mông...) về khai thác, phát triển tiềm năng sản vật, du lịch còn hạn chế (du lịch sinh thái, văn hóa, tín ngưỡng,...). - Các sản phẩm truyền thống còn thô sơ, chưa hấp dẫn (hình thức, thiết kế bao bì, nhãn mác,...), phần lớn chưa có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng. - Hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu. - Kiến thức và kỹ năng về thị trường của cộng đồng và đội ngũ cán bộ còn hạn chế. - Năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của địa phương, doanh nghiệp nội sinh còn yếu. - Hình thức tổ chức có sự tham gia của cộng đồng còn ít, hoạt động đơn lẻ, hầu hết chưa liên kết theo chuỗi giá trị. - Tâm lý trông chờ nguồn hỗ trợ từ Nhà nước của cộng đồng. Ngại thay đổi, bằng lòng với quy mô, năng lực hiện tại. - Thói quen phát triển thụ động “từ trên xuống” (theo hướng phát triển nông thôn ngoại sinh). - Tập quán sản xuất lạc hậu, quy mô nhỏ lẻ, không tập trung phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên. - Điều kiện đi lại khó khăn dẫn đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với các mặt hàng tương tự. - Thiếu mạng lưới hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp (đầu vào và đầu ra). - Nông nghiệp nông thôn vẫn là ngành kinh tế chính, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp & du lịch dịch vụ còn nhỏ bé. - Chất lượng nguồn lao động còn thấp, chủ yếu là lao động thủ công, đơn giản. - Nguồn lực hỗ trợ cho phát triển kinh tế còn hạn chế. - Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, phát triển. |
CƠ HỘI - Nhu cầu về các sản phẩm truyền thông, đặc sản của người dân tăng cao. - Tâm lý e ngại các sản phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, độc hại,... của người dân. - Có sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước (tập huấn đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật). - Cơ hội việc làm, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. - Việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM quyết liệt, rõ ràng: Phân bổ ngân sách Nhà nước, thu hút các nguồn lực (ODA) vào phát triển vùng nông thôn miền núi. - Cách mạng công nghệ 4.0 và các tiến bộ khoa học công nghệ tạo nền kinh tế mở, không giới hạn về không gian: tạo nhiều cơ hội, điều kiện thúc đẩy hiện đại hóa, thương mại hóa các sản phẩm truyền thống.
| NGUY CƠ VÀ THÁCH THỨC - Cạnh tranh hàng hóa từ các tỉnh thành khác, hàng nhập ngoại (Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản,...) bán với số lượng lớn, mẫu mã, hình thức đẹp, giá rẻ. - Thị trường vùng đô thị trong tỉnh có quy mô nhỏ. - Khách hàng không tin vào chất lượng các sản phẩm đặc sản, đặc biệt là các vấn đề về nguy cơ không đạt VSATTP (với nhóm thực phẩm, đồ uống). - Khách hàng chưa nhận biết, phân biệt được sản phẩm thật, giả, sản phẩm nhập ngoại hay sản phẩm trong nước dẫn đến tâm lý hoang mang. - Làm hàng nhái, hàng giả do sự tuân thủ pháp luật của cộng đồng và hệ thống hành pháp còn kém. - Lợi ích nhóm, địa phương, gia đình trong quá trình triển khai và đầu tư. - Địa hình phân tách, đa dạng, phức tạp là trở ngại cho việc hình thành những vùng chuyên canh cây công - nông nghiệp diện tích lớn. - Tàn phá môi trường, bóc lột tài nguyên để phát triển và tiếp thị sản phẩm. - Tập quán canh tác, sản xuất truyền thông của cộng đồng khó thay đổi, khai thác sử dụng tài nguyên có sẵn không chú ý đến thế mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu. - Bản sắc văn hóa dần bị mai một hoặc biến dạng. - Thiếu các nguồn lực phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm: Nhân lực, các dịch vụ thiết kế, in ấn, bao bì, nguyên, nhiên vật liệu,... |
2. Các chiến lược triển khai Chương trình OCOP-BK dựa trên phân tích SWOT
2.1. Tận dụng cơ hội
(1) Dùng điểm mạnh:
- Tổng hợp nguồn lực, phân bổ các nguồn tài chính hợp lý thực hiện Chương trình. Xây dựng Đề án tổng thể trên quy mô toàn tỉnh là giải pháp đồng bộ cho sự phát triển, trên cơ sở tổng hợp, cân đối, cơ cấu nguồn lực khả thi thực hiện (ngân sách trung ương, tỉnh, vốn huy động,...) áp dụng cho phát triển sản xuất và hoàn thiện sản phẩm và kết nối tiêu thụ.
- Xây dựng cơ chế khuyến khích đột phá nhằm thu hút sự tham gia của các chuyên gia và nhà khoa học trong việc đào tạo cộng đồng về phát triển và thương mại hóa sản phẩm. Thông qua các chương trình, diễn đàn kết nối doanh nghiệp (như Hội nghị đối tác OCOP), tổ chức kinh tế cộng đồng gặp gỡ các nhà khoa học, đề xuất các chuyên đề khoa học, đặt hàng các nghiên cứu.
- Gắn kết các hoạt động du lịch với phát triển nông thôn như lễ hội, du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá nhằm tối ưu hóa các hoạt động quảng bá và bán sản phẩm. Cụ thể, nâng cấp, phát triển và hoàn thiện các sản phẩm du lịch thôn Pác Ngòi (Ba Bể) làm mẫu để xây dựng và phát triển thêm các mô hình du lịch cộng đồng tại các địa phương khác như Chợ Mới, Na Rì, Ngân Sơn, Chợ Đồn,... hay phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch miệt vườn như vườn Quýt tại huyện Bạch Thông, Na Rì, thành phố Bắc Bạn; vườn Mơ, Mận, Hồng không hạt tại huyện Ba Bể, Chợ Đồn; du lịch thắng cảnh tại huyện Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rì, Chợ Đồn,...
- Gắn kết Chương trình thanh niên khởi nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp vào Chương trình OCOP-BK. Đây là một trong những hoạt động quan trọng giúp Chương trình được triển khai mạnh và hiệu quả hơn vì những lý do sau:
+ Vận dụng được một cách đa dạng, linh hoạt các nguồn lực hỗ trợ thanh niên/phụ nữ khởi nghiệp từ khía cạnh tài chính, tư vấn, khoa học công nghệ đến đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực vào hỗ trợ các Dự án phát triển sản phẩm do thanh niên/phụ nữ đăng ký tham gia;
+ Thông qua Chương trình, các Dự án khởi nghiệp của thanh niên/phụ nữ và đặc biệt là các tổ chức kinh tế do thanh niên/phụ nữ xây dựng và vận hành được định hướng cụ thể về tổ chức kinh tế, về sản xuất kinh doanh, về quản trị doanh nghiệp và xây dựng hình ảnh, văn hóa doanh nghiệp;
+ Tham gia Chương trình, các Dự án khởi nghiệp phải xác định cụ thể về sản phẩm đưa ra thị trường, về sản xuất và phân phối, bán hàng. Đây là điểm mấu chốt giúp các Dự án khởi nghiệp thành công và bền vững.
+ Đưa được nguồn nhân lực trẻ, có trình độ vào Chương trình sẽ giúp đảm bảo một trong 3 nguyên tắc quan trọng nhất của Chương trình là phát triển nguồn nhân lực;
+ Đội ngũ thanh niên trẻ là nhân tố quan trọng để ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là trong cuộc cách mạng 4.0 trong trồng trọt, chế biến, sản xuất cũng như tiếp thị, quảng bá và phân phối bán hàng (là điều kiện thuận lợi để nguyên tắc “hành động địa phương - hướng đến toàn cầu” được thực hiện tốt và mạnh mẽ).
- Trên nền tảng các sản phẩm sẵn có ở Bắc Kạn, tiếp tục nghiên cứu và phát triển để đa dạng hóa, hiện đại hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, như: Chuỗi sản phẩm từ chuối, quýt, giảo cổ lam, hà thủ ô,...
- Xây dựng các Dự án phục vụ du lịch đặc trưng của tỉnh như: Trục du lịch sinh thái, trải nghiệm sản phẩm OCOP.
(2) Khắc phục điểm yếu:
- Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức kinh tế cộng đồng (chủ yếu là các HTX, THT) đã được thành lập trên địa bàn tỉnh theo các quy định hiện hành, nhằm nâng cao hiểu biết và kỹ năng quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Nâng cao hiểu biết, kỹ năng về sản phẩm và năng lực sáng tạo của cộng đồng phù hợp với nền kinh tế thị trường thông qua các chương trình huấn luyện, theo nhu cầu và các tình huống cụ thể của cộng đồng với các nhóm nội dung chủ yếu như: Tập huấn nghiên cứu và phát triển sản phẩm, tập huấn phát triển kinh tế cộng đồng, tập huấn quản trị doanh nghiệp, tập huấn kỹ năng bán hàng, thương mại điện tử,...
- Xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển sản phẩm truyền thống của cộng đồng theo hướng từ dưới lên kết hợp với từ trên xuống, trong đó mấu chốt là từ dưới lên.
- Nâng cao hiểu biết về thị trường cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua các lớp tập huấn cán bộ OCOP.
- Hỗ trợ cộng đồng một cách có hệ thống trong việc nâng cấp/hoàn thiện sản phẩm (thiết kế nhãn mác, bao bì; đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; xây dựng và công bố tiêu chuẩn,...), cải tiến công nghệ, quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
2.2. Hạn chế nguy cơ, tránh thách thức
(1) Dùng điểm mạnh:
- Từng bước kiểm soát hệ thống quản lý thị trường của tỉnh nhằm nâng cao tính công bằng trong phát triển, kinh doanh hàng hóa.
- Xây dựng hệ thống các chỉ tiêu minh bạch, dễ đo lường trong việc hỗ trợ các cộng đồng phát triển sản phẩm như bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm; bộ tiêu chí lựa chọn sản phẩm chủ lực....
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm nông nghiệp địa phương theo hướng tối ưu hóa, tận dụng mọi giá trị của nguyên liệu.
- Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, xây dựng và gắn câu chuyện sản phẩm từ các giá trị văn hóa này nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm.
- Hỗ trợ cộng đồng xúc tiến thương mại sản phẩm thông qua chương trình phát triển du lịch của tỉnh, hệ thống điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại các trung tâm du lịch của tỉnh (Ba Bể, điểm dừng chân, di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh,...) và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh,...).
(2) Khắc phục điểm yếu:
- Tuyên truyền thay đổi tư duy bó hẹp ở phạm vi làng, bản của cộng đồng; phát huy các lợi thế đặc trưng của tỉnh, tiến tới cộng đồng tự chủ động trong phát triển sản phẩm truyền thống.
- Tuyên truyền, tập huấn sâu rộng đối với người dân, cộng đồng thực hiện khai thác bền vững tài nguyên.
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ, PHƯỜNG MỘT SẢN PHẨM TỈNH BẮC KẠN
Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Bắc Kạn” là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị; là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và giảm nghèo.
Trọng tâm của OCOP Bắc Kạn là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn theo hướng gia tăng giá trị, do các tổ chức kinh tế OCOP tại cộng đồng thực hiện. Các sản phẩm tạo ra từ Chương trình có sự khác biệt, mang đặc thù gắn với những nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng có của Bắc Kạn để chiếm ưu thế khi đi ra thị trường phân phối trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ
Cộng đồng dân cư (bao gồm cả doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư sản xuất các sản phẩm trên địa bàn nông thôn) tự tổ chức triển khai thực hiện.
“Mỗi xã, phường một sản phẩm” nghĩa là: Phấn đấu mỗi xã/phường/thị trấn có tối thiểu một sản phẩm OCOP (có thể 2 hay nhiều xã kết hợp tạo ra một loại sản phẩm). Không giới hạn số sản phẩm OCOP của một xã/phường/thị trấn.
Sản phẩm OCOP là: (1) Các sản phẩm, dịch vụ du lịch được phát triển dựa trên lợi thế so sánh của cộng đồng; có tác động/ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng. (2) Các sản phẩm/dịch vụ này cần được đăng ký tham gia Chương trình OCOP.
Tổ chức kinh tế OCOP: Là các SMEs, HTX, THT, hộ gia đình (có đăng ký) đăng ký kinh doanh tại địa phương. Ưu tiên các hình thức tổ chức có sự tham gia sở hữu nhiều hơn của cộng đồng (HTX, công ty cổ phần).
1. Mục tiêu tổng quát
- Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, SMEs) để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020.
- Thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bản khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố, các khu công nghiệp), tận dụng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn Bắc Kạn theo hướng bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Giai đoạn 2018-2020
(1) Phát triển sản phẩm:
- Phát triển sản xuất kinh doanh ít nhất từ 30-40 sản phẩm truyền thống đặc sắc tại các cộng đồng trong tỉnh;
- Xác định, lựa chọn hoàn thiện/nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị ít nhất từ 10-20 sản phẩm truyền thống có tiềm năng và khả năng phát triển theo hướng thương mại hóa có quy mô trung bình và lớn;
(2) Phát triển mới và củng cố các tổ chức kinh tế SX-KD sản phẩm OCOP:
- Hình thành từ 20-30 tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng và tái cơ cấu 10-15 tổ chức đã có để phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống (là các công ty cổ phần, công ty TNHH, HTX, THT,...).
2.2. Giai đoạn 2021-2030
(1) Phát triển sản phẩm: Có 200 sản phẩm OCOP ở thời điểm năm 2030.
(2) Phát triển các tổ chức kinh tế: Phát triển mới ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, tạo ra 100 tổ chức kinh tế OCOP vào năm 2030.
III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH OCOP BẮC KẠN
1. Phạm vi thực hiện
- Phạm vi không gian: Triển khai trên toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
- Phạm vi thời gian: Thực hiện từ năm 2018 - 2020, có định hướng đến năm 2030.
2. Đối tượng thực hiện
- Sản phẩm: Gồm sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương.
- Chủ thể thực hiện: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, trong đó chú trọng các HTX, SMEs.
3. Nguyên tắc thực hiện
Tuân thủ 3 nguyên tắc của OVOP: Trong quá trình triển khai, Chương trình OCOP cần được định hướng và tổ chức thực hiện theo cách tuân thủ đầy đủ 3 nguyên tắc của OVOP là:
1) Hành động địa phương hướng đến toàn cầu:
2) Tự lực, tự tin và sáng tạo;
3) Đào tạo nguồn nhân lực.
IV. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH OCOP BẮC KẠN
1. Triển khai chu trình OCOP
Chu trình OCOP thường niên được thực hiện theo 6 bước, trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm” (đề xuất nhu cầu từ dưới lên, theo nhu cầu và khả năng của hộ sản xuất, HTX và SMEs). Trong đó, quan trọng là bước thi đánh giá và phân hạng sản phẩm.
Hình 1: Chu trình triển khai OCOP hàng năm
Các bước thực hiện theo chu trình bao gồm:
(1) Tuyên truyền về OCOP
Triển khai các hoạt động tuyên truyền về Chương trình OCOP đến hệ thống quản lý các cấp và cộng đồng. Nội dung bao gồm: Sự cần thiết; 3 nguyên tắc của OCOP; bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng; nội dung Chương trình OCOP; chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đề xuất ý tưởng sản phẩm, từ đó khởi đầu chu trình OCOP của cộng đồng.
Các kênh tuyên truyền bao gồm: Các phương tiện truyền thông cấp tỉnh, huyện, xã (truyền thanh, truyền hình, báo chí,...); tại các hội nghị, hội thảo cấp tỉnh, huyện, xã, thôn (lồng ghép); họp, hội nghị của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp (lồng ghép);...
Thời gian thực hiện: Liên tục trong năm, thực hiện hàng năm (trọng tâm vào tháng 2 trong năm).
Cơ quan thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố, các tổ chức đoàn thể.
(2) Nhận ý tưởng sản phẩm
Sau khi được tuyên truyền, cộng đồng khởi đầu tham gia Chương trình OCOP bằng việc đăng ký ý tưởng sản phẩm (theo mẫu) nộp lên cơ quan thường trực OCOP cấp huyện. Từng ý tưởng sản phẩm sẽ được xem xét, lựa chọn các ý tưởng tốt nhất (làm cơ sở để triển khai). Các ý tưởng không được chọn có thể hoàn thiện, nộp lại sau 1 tuần hoặc tham gia cùng thời điểm vào năm sau.
Thời gian thực hiện: Liên tục trong năm, trọng tâm vào tháng 3 hằng năm.
Cơ quan thực hiện: Thường trực Ban chỉ đạo các chương trình MTQG cấp huyện, thành phố (Thường trực Chương trình OCOP cấp huyện, thành phố).
(3) Nhận kế hoạch kinh doanh
Sau khi được tập huấn, chủ nhân các ý tưởng sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh và nộp cho cán bộ OCOP cấp xã, huyện. Kế hoạch kinh doanh không được lựa chọn có thể hoàn thiện, nộp lại hoặc tham gia cùng thời điểm vào năm sau.
Thời gian thực hiện: Liên tục trong năm, trọng tâm vào tháng 4 hằng năm.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Thường trực Ban chỉ đạo các chương trình MTQG cấp huyện, thành phố (Thường trực Chương trình OCOP cấp huyện, thành phố).
(4) Triển khai kế hoạch kinh doanh
Triển khai các kế hoạch kinh doanh được chấp nhận. Trong quá trình triển khai, chủ thể thực hiện sẽ nhận được sự tư vấn tại chỗ, kết nối của cán bộ OCOP cấp huyện hoặc tư vấn của Chương trình OCOP, dưới dạng các chuyến thăm và làm việc định kỳ. Tùy mức độ đơn giản hay phức tạp và điều kiện sẵn có, một sản phẩm có thể nhận một đến tất cả những hỗ trợ từ Chương trình OCOP, bao gồm: Hình thành mới hoặc tái cơ cấu các tổ chức kinh tế đã có; huy động vốn; xây dựng và triển khai các Dự án phát triển sản phẩm; tập huấn về nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D); xây dựng và triển khai các đề tài khoa học công nghệ; hợp đồng với các nhà khoa học; tham gia khóa đào tạo “CEO chân đất”; kết nối thị trường; kết nối với các nhà cung ứng đầu vào.
Bảng 3: Các hoạt động hỗ trợ từ Chương trình OCOP
TT | Các hoạt động triển khai | Các hoạt động hỗ trợ | Kết quả cần có |
1 | Hình thành mới hoặc tái cơ cấu tổ chức kinh tế | Tập huấn và tư vấn tại chỗ | Người dân có thể chủ động hình thành tổ chức mới hoặc tái cơ cấu tổ chức đã có theo tiêu chí OCOP |
2 | Huy động nguồn lực | Tập huấn và tư vấn tại chỗ | Người dân vượt qua các khó khăn nhờ các tư vấn, chỉ dẫn và kết nối sử dụng nguồn lực (kiến thức, kỹ năng, DN, thị trường,...). |
Người dân được chỉ dẫn, kết nối để tiếp cận các nguồn vốn (cách tiếp cận, các yêu cầu, mẫu biểu,...) | |||
3 | Xây dựng cơ bản, mua sắm và lắp đặt trang thiết bị | - Dự án ứng dụng KHCN (có hỗ trợ vốn từ NSNN) - Tư vấn tại chỗ | Người dân có thể chủ động xây dựng nhà xưởng, mua sắm và lắp đặt trang thiết bị phù hợp với quy mô sản xuất và theo luật định |
4 | Sản xuất sản phẩm | (1) Tư vấn tại chỗ; (2) Hợp đồng với các tổ chức/cá nhân | Người dân giải quyết được các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất |
5 | Hoàn thiện quy trình công nghệ | Đề tài nghiên cứu KHCN: Dự án sản xuất thử nghiệm | Người dân được chỉ dẫn, kết nối để xây dựng và phê duyệt các đề tài KHCN. Dự án sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ sản xuất |
6 | Xúc tiến thương mại | (1) Quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng; (2) Hội chợ, triển lãm,... | Sản phẩm sản xuất ra được nhiều người tiêu dùng biết đến; người dân dần chủ động về phân phối |
7 | Nâng cao chất lượng năng lực | (1) Tập huấn ngắn hạn; (2) Đào tạo “CEO chân đất”,... | Người dân có thể từng bước tự triển khai các hoạt động sản xuất - kinh doanh sản phẩm của mình |
Các hình thức tổ chức có sự tham gia vốn rộng rãi hơn của cộng đồng, gồm: HTX, Công ty cổ phần sẽ được ưu tiên hơn các hình thức khác.
Thời gian thực hiện: Liên tục từ khi kế hoạch kinh doanh được duyệt.
Cơ quan thực hiện: Ban Chỉ đạo các CTMTQG cấp tỉnh, huyện (Thường trực Chương trình OCOP cấp tỉnh, huyện); Sở Khoa học và Công nghệ (các Đề tài KHCN); Sở Y tế (công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm); Sở Nông nghiệp và PTNT (phát triển sản xuất, khuyến nông); Sở Công Thương (xúc tiến thương mại, khuyến công); Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (đào tạo); Sở Kế hoạch và Đầu tư (hình thành tổ chức & vốn); Sở Tài chính (vốn); Sở Thông tin và Truyền thông (Truyền thông); Liên minh HTX tỉnh (hình thành các HTX); các Trường Cao đẳng, Trung cấp cấp tỉnh (đào tạo).
Tham gia: Các chủ thể kinh tế tham gia OCOP, các đối tác OCOP, đơn vị tư vấn,...
(5) Đánh giá và phân hạng sản phẩm (Bộ tiêu chí do UBND tỉnh ban hành)
Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bắt buộc tham gia đánh giá/phân hạng tại 2 cấp (cấp huyện, cấp tỉnh), trong đó các sản phẩm đạt từ 3-5 sao ở cấp huyện sẽ tham gia đánh giá ở cấp tỉnh. Các sản phẩm được đánh giá và phân hạng tại các cấp sẽ do Hội đồng đánh giá sản phẩm cấp tương ứng (huyện, tỉnh) thực hiện. Các sản phẩm không được đánh giá cao (1-2 sao) và các sản phẩm đạt 3-4 sao kỳ trước có thể hoàn thiện và dự thi đánh giá và phân hạng vào năm tiếp theo. Các sản phẩm đạt 4-5 sao cấp tỉnh sẽ được đăng ký dự thi đánh giá, phân hạng ở cấp quốc gia theo kế hoạch năm của Chương trình OCOP Quốc gia.
Thời gian thực hiện: Đánh giá cấp huyện vào tháng 6 hằng năm, cấp tỉnh vào tháng 7 hằng năm.
Cơ quan thực hiện: Ban Chỉ đạo các CTMTQG cấp tỉnh, huyện (Cơ quan thường trực Chương trình OCOP cấp tỉnh, huyện).
(6) Xúc tiến thương mại
Các sản phẩm dự thi đạt 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại tại các cấp tương ứng nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường địa phương, tỉnh, quốc gia và quốc tế.
Thời gian thực hiện: Thực hiện liên tục trong năm.
Cơ quan thực hiện: Ban Chỉ đạo các CTMTQG cấp tỉnh, huyện (Cơ quan thường trực Chương trình OCOP cấp tỉnh, huyện); Các cơ quan báo chí, Đài phát thanh và Truyền hình các cấp...
2. Xác định và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP
2.1. Xác định sản phẩm, dịch vụ OCOP
Tập trung vào 6 nhóm/ngành hàng:
(1) Thực phẩm (Food): Nông sản tươi sống (rau bò khai, bí xanh, rau sạch các loại, rau trái vụ,...), quả tươi (hồng không hạt, quýt, mận chín sớm, lê, dẻ,...); sản phẩm thô và sơ chế (dùng để chế biến các sản phẩm như: thịt hun khói, hồng sấy, chuối sấy,...; gạo (gạo nếp Khẩu nua lếch, bao thai,...); thịt tươi, thủy sản tươi ; thực phẩm tiện lợi (đồ ăn nhanh; tương; tương ớt...); chế biến từ rau, củ, quả; chế biến từ thịt, cá (tép chua, lạp xưởng,...); chế biến từ gạo (cốm, bánh gạo, miến,..).
(2) Đồ uống (Drink): Gồm đồ uống có cồn (rượu ngâm ủ, rượu chưng cất, rượu vang,...); đồ uống không cồn (nước trái cây, trà thảo dược, bột quả, bột gừng, trà, sản phẩm lên men,...).
(3) Thảo dược (Herbal): Gồm các sản phẩm có thành phần từ thảo dược như thuốc YHCT, thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, mỹ phẩm từ thảo dược, chế phẩm xua đuổi/diệt trừ côn trùng,... (Các sản phẩm sơ chế/chế biến từ Giảo cổ lam, hoa Hồi, quế, các bài thuốc cổ truyền,...).
(4) Vải và may mặc (Fabric): Gồm các sản phẩm làm từ bông, sợi (Sản phẩm dệt, may người Tày, Nùng, Mông tại Ba Bể, Pác Nặm,...).
(5) Lưu niệm - nội thất - trang trí (Decor): Gồm các sản phẩm từ gỗ (vòng đeo tay....), sợi, mây, cói, tre,... làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng, đồ dùng nhà bếp, đồ nội thất, trang trí các tòa nhà,...
(6) Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng (Service): Gồm các sản phẩm dịch vụ phục vụ khách tham quan, du lịch, giải trí, học tập, nghiên cứu,... (dịch vụ du lịch Hồ Ba Bể, du lịch văn hóa người Tày, du lịch trải nghiệm, thăm quan di tích lịch sử,....); bán hàng OCOP (trung tâm, điểm bán hàng OCOP).
2.2. Phát triển các sản phẩm dịch vụ OCOP
Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu, gồm:
(1) Hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm đã có với các nội dung cụ thể như: Hoàn thiện công bố tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng câu chuyện sản phẩm, xúc tiến thương mại (Danh mục sản phẩm dự kiến lựa chọn hoàn thiện, nâng cấp - Phụ lục 2).
(2) Phát triển ý tưởng sản phẩm mới, đánh giá thị trường, nghiên cứu phát triển tạo sản phẩm mẫu, thiết kế bao bì nhãn mác, xây dựng câu chuyện sản phẩm, sản xuất thử nghiệm, xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm (nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm), công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đánh giá hoạt động phân phối của sản phẩm trên thị trường, hoàn thiện sản phẩm và sản xuất đại trà (Danh mục sản phẩm mới dự kiến tham gia Chương trình OCOP - Phụ lục 3).
Cộng đồng chủ động xây dựng thuyết minh Dự án phát triển sản xuất (sản phẩm đã có), Dự án phát triển sản phẩm mới (từ các ý tưởng đăng ký mới được phê duyệt). Trong quá trình xây dựng cộng đồng sẽ nhận được sự hướng dẫn của cán bộ OCOP, tư vấn hoặc có thể hợp đồng với đơn vị tư vấn trong việc xây dựng và hoàn thiện thuyết minh Dự án. Trình thuyết minh Dự án (hoặc kế hoạch kinh doanh) đến cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cán bộ OCOP các cấp hỗ trợ cộng đồng trong toàn bộ quá trình tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt Dự án.
2.5. Xác định, nâng cấp sản phẩm/chuỗi sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, huyện
Xác định, lựa chọn 1-3 sản phẩm chủ lực tại mỗi huyện (Phụ lục 4, có thể điều chỉnh bổ sung trong quá trình thực hiện). 3-5 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (dự kiến nằm trong các chuỗi: Du lịch Ba Bể, miến dong, hồng không hạt, quýt, chè, mơ vàng, gạo, mận,...) để tập trung củng cố, nâng cấp chuỗi theo hướng gia tăng giá trị, chủ động phân phối, tiếp thị.
3. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP
3.7. Bộ công cụ
Vận dụng bộ công cụ quản lý chất lượng sản phẩm OCOP do cấp Trung ương xây dựng, ban hành gồm: Bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia Chương trình OCOP (cập nhật dữ liệu, khai thác sử dụng theo hướng dẫn), hệ thống báo cáo theo Bộ chỉ số quốc gia OCOP,... Khuyến khích sử dụng mã số mã vạch, mã QR-code (tem điện tử thông minh) trong truy xuất nguồn gốc, thông tin sản phẩm OCOP.
3.2. Kiểm tra, giám sát
Định kỳ kiểm tra, giám sát tình hình triển khai Chương trình OCOP tại các địa phương. Phối hợp với địa phương trong công tác triển khai, tư vấn, hỗ trợ cộng đồng trong quá trình sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP.
4. Hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
4.1. Tổ chức xúc tiến thương mại
Các sản phẩm đạt 3-5 sao cấp tỉnh được hỗ trợ xúc tiến thương mại trên quy mô toàn tỉnh. Các sản phẩm đạt 3-5 sao cấp quốc gia được tham gia các chương trình hỗ trợ xúc tiến cấp quốc gia (trên toàn quốc và quốc tế), các hình thức chủ yếu gồm:
(1) Quảng cáo, tiếp thị sản phẩm
Triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng:
(i) Xây dựng video clip, tin bài quảng bá cho các sản phẩm có thứ hạng sao cao (từ 3-5 sao);
(ii) Phát sóng trên truyền hình hoặc đăng trên các trang báo, tạp chí của tỉnh; thời lượng và tần số phát tin bài, video clip căn cứ theo thứ hạng sao của sản phẩm. Các chủ thể OCOP sẽ được nhận video clip, tin bài về sản phẩm của mình để chủ động thực hiện các chương trình tiếp thị riêng của mình.
(iii) Xây dựng, xuất bản ấn phẩm, tạp chí chuyên đề OCOP quảng bá trên hệ thống tuyến du lịch.
Tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại cấp tỉnh hoặc các doanh nghiệp mang sản phẩm OCOP tiêu biểu (tùy thị trường) đến giới thiệu tại các thị trường trong nước và quốc tế.
(2) Thương mại điện tử
- Lựa chọn, tham gia phân phối sản phẩm OCOP trên các trang mạng giới thiệu và bán sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc sản hiện có. Ví dụ: Các trang facebook (Đặc sản vùng miền, Chợ Đặc sản,...), các trang bán lẻ (Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn,...) hoặc tổ chức kinh tế tự xây dựng trang web của cơ sở để giới thiệu và bán hàng.
- Xây dựng sàn giao dịch, các trang website bán hàng, các trang facebook bán hàng, giới thiệu riêng về sản phẩm OCOP của tỉnh, của huyện.
- Tham gia hệ thống Sàn bán hàng điện tử OCOP theo hướng dẫn của Thường trực OCOP Trung ương. Quản lý số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh trên Sàn bán hàng điện tử.
(3) Tổ chức sự kiện hội chợ, triển lãm
Hội chợ OCOP được tổ chức thường niên tại cấp tỉnh (1 lần/năm 2018; 2 lần/năm 2019, 2020) tập trung vào các sự kiện văn hóa, du lịch lớn của tỉnh và tổ chức tại các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực như Thái Nguyên, Hà Nội,...
Các hội chợ, triển lãm khác: Lồng ghép các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong các hội chợ, triển lãm (Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh, huyện kết nối, các doanh nghiệp chủ động tham gia, có thể được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước tùy theo thực tế).
Cơ quan thực hiện: Sở Công Thương.
Tham gia: Các cơ quan báo chí, thông tin, truyền thông, các doanh nghiệp OCOP trong và ngoài tỉnh (được mời).
4.2. Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP
Xây dựng các trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Kinh phí xây dựng bố trí từ ngân sách nhà nước trên cơ sở phù hợp với quy hoạch, chủ trương của tỉnh và yêu cầu chung của chương trình OCOP, chịu sự giám sát, kiểm tra của hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP.
Hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gồm: (1) Trung tâm OCOP (cấp huyện, cấp tỉnh); (2) Gian hàng OCOP tại các siêu thị, chợ truyền thống, khu dân cư lớn: (3) Điểm bán hàng OCOP tại các khách sạn, nhà hàng; (4) Quầy giới thiệu sản phẩm OCOP tại trung tâm hành chính (cấp huyện, tỉnh). Xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Bắc Kạn tại các trung tâm kinh tế lớn trên cả nước (Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh.... định hướng mở rộng đến các tỉnh trong cả nước…)
Cơ quan thực hiện: Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG các cấp (Giao cho các Cơ quan chuyên môn thực hiện).
5. Đào tạo nhân lực
5.1. Tập huấn xây dựng, triển khai kế hoạch kinh doanh
Tập huấn cộng đồng (đặc biệt là người có ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình được lựa chọn) về phương pháp xây dựng “Kế hoạch kinh doanh”. Nội dung tập huấn bao gồm: Khái niệm về kinh doanh, các loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh, marketing cơ bản, sản phẩm, xây dựng kế hoạch tài chính và nội dung kế hoạch kinh doanh. Kết quả cần có là người dân có thể xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên ý tưởng sản phẩm đã được duyệt.
Tập huấn cộng đồng về phương pháp triển khai kế hoạch kinh doanh. Nội dung tập huấn bao gồm: Chu trình hình thành Doanh nghiệp/HTX; quản trị sản xuất, tiếp thị; nghiên cứu phát triển sản phẩm; tài chính doanh nghiệp nâng cao. Kết quả cần có là người dân có thể triển khai kế hoạch kinh doanh.
5.2. Tập huấn phát triển sản phẩm
Tập huấn cộng đồng về phương pháp phát triển sản phẩm. Nội dung tập huấn gồm: Khái niệm chung về sản phẩm, các bước phát triển sản phẩm mới, bao bì thực phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, an toàn vệ sinh bao bì thực phẩm, vòng đời sản phẩm, marketing trong phát triển sản phẩm mới,... Kết quả: Có phát triển sản phẩm dựa trên tình huống cụ thể tại cơ sở mình.
5.3. Tập huấn kỹ năng bán hàng (phân phối, xúc tiến thương mại,...)
Nhân viên bán hàng của các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, nhân viên làm việc tại các điểm, trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (và sản phẩm nông sản) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được đào tạo các kỹ năng cơ bản về tiếp thị, bán hàng, được cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học.
5.4. Tập huấn cho cán bộ tham gia quản lý, điều hành Chương trình OCOP
Triển khai các hoạt động tập huấn và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước tham gia quản lý, điều hành Chương trình OCOP. Thực hiện các khóa tập huấn ngắn hạn cấp chứng chỉ về: (i) Hình thành và tái cơ cấu các HTX/doanh nghiệp; (ii) Nghiên cứu và phát triển sản phẩm; (iii) Tổ chức sản xuất; (iv) Xúc tiến thương mại; (v) Phương pháp luận và công cụ làm việc với cộng đồng, cho cán bộ trong hệ thống OCOP từ cấp tỉnh, đến cấp huyện.
Nội dung tập huấn này được thực hiện theo từng khóa, mỗi khóa một chủ đề (hoặc tổng hợp), được triển khai định kỳ 1 lần/năm, từ năm 2018- 2020. Các hoạt động này do OCOP tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Giảng viên đến từ (i) tổ chức tư vấn và (ii) các giảng viên trường đại học, các nhà khoa học và cán bộ lãnh đạo của tỉnh.
5.5. Đào tạo CEO
Đào tạo CEO của các doanh nghiệp, HTX, trưởng các tổ hợp tác và chủ hộ đăng ký kinh doanh tham gia OCOP: Mở môn học/chuyên đề mới tại các Trường Cao đẳng, Trung cấp nghề tại tỉnh Bắc Kạn hoặc các lớp đào tạo nghề tổ chức tại địa phương. Đào tạo và cấp chứng chỉ cho các CEO của HTX/công ty/tổ trưởng tổ hợp tác/chủ hộ đăng ký kinh doanh tham gia OCOP.
Cơ quan thực hiện: Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG các cấp (Giao cho các cơ quan chuyên môn thực hiện).
6. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, Dự án thành phần
Xây dựng và triển khai các Dự án thành phần về nâng cấp/phát triển sản phẩm, phát triển sản xuất, phân phối, tiếp thị, xây dựng trung tâm OCOP tại các khu vực trọng điểm, bao gồm:
6.1. Nhóm Dự án nâng cấp/phát triển sản phẩm thực hiện theo chu trình OCOP thường niên
- Dự án nâng cấp/mở rộng/phát triển sản xuất các sản phẩm đã có.
- Dự án phát triển sản phẩm mới.
Các Dự án này do cá nhân/tổ chức kinh tế (SMEs, HTX, THT,...) đề xuất và làm chủ đầu tư. Ban chỉ đạo các CTMTQG cấp huyện, thành phố quản lý đầu tư, chủ trì phối hợp với cơ quan tư vấn, các đối tác hỗ trợ trong quá trình triển khai Dự án. Ngân sách nhà nước hỗ trợ theo cơ chế chính sách hiện hành.
6.2. Nhóm Dự án xây dựng Trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP
(1) Dự án Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh
Dự án được triển khai sẽ hình thành các Trung tâm OCOP quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Dự kiến triển khai mẫu tại thành phố Bắc Kạn và Ba Bể.
(2) Dự án Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp huyện
Dự án được triển khai sẽ hình thành các Trung tâm OCOP quy mô vừa trên địa bàn tỉnh. Dự kiến triển khai mẫu tại tại huyện Chợ Mới, Ngân Sơn, Chợ Đồn.
(3) Dự án xây dựng mới/nâng cấp điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP
Dự án được triển khai sẽ hình thành các Điểm OCOP quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh. Dự kiến triển khai mẫu tại tại thành phố Bắc Kạn, các huyện: Na Rì, Bạch Thông, Chợ Đồn, Pắc Nạm, Ba Bể.
(4) Dự án phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP Bắc Kạn
Dự án được triển khai với tổ hợp các hoạt động xúc tiến cụ thể nhằm phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP Bắc Kạn ngoài tỉnh. Trong đó, có hình thành hệ thống Trung tâm/điểm giới thiệu sản phẩm OCOP Bắc Kạn tại các vùng kinh tế trọng điểm lân cận (Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh,...) và mở rộng ra các tỉnh thành, nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường ngoài tỉnh.
Bảng 4: Dự kiến số lượng Trung tâm/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Bắc Kạn
TT | Huyện, thành phố | Điểm OCOP | Trung tâm OCOP | |
Cấp huyện | Cấp tỉnh | |||
1 | Bắc Kạn | 1 |
| 1 |
2 | Chợ Mới |
| 1 |
|
3 | Na Rì | 1 |
|
|
4 | Ngân Sơn |
| 1 |
|
5 | Bạch Thông | 1 |
|
|
6 | Chợ Đồn | 1 | 1 |
|
7 | Pắc Nặm | 1 |
|
|
8 | Ba Bể | 1 |
| 1 |
| Tổng | 7 | 3 | 2 |
Các Dự án này do Ban chỉ đạo các CTMTQG cấp tỉnh, huyện (Thường trực Chương trình OCOP tỉnh, huyện thực hiện).
6.3. Nhóm Dự án khai thác thế mạnh nông nghiệp - nông thôn của Bắc Kạn gắn với phát triển du lịch
6.3. Nhóm các Dự án cấp tỉnh
(1) Dự án trục du lịch gắn với OCOP Chợ Mới - Bắc Kạn - Bạch Thông - Ba Bể - Ngân Sơn
Dựa trên không gian du lịch nối dài từ Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng, tại Bắc Kạn hình thành cụm, tuyến, điểm du lịch thu hút du khách dừng chân thăm quan và trải nghiệm đồng thời quảng bá, tiếp cận sản phẩm OCOP. Định hướng các điểm thăm quan, dừng chân (cơ sở sản xuất sản phẩm từ Chuối (rượu chuối, chuối sấy,...); vườn cam, quýt, lê,...; các cơ sở sản xuất sản phẩm khu vực hồ Ba bể (hồng, tép chua,...).
Trên cơ sở trục du lịch (Chợ Mới - Bắc Kạn - Bạch Thông - Ba Bể - Ngân Sơn) mở rộng nhánh du lịch Chợ Đồn - Ba Bể gắn với sản phẩm OCOP, hình thành không gian du lịch nối dài từ Chợ Đồn đi Ba Bể nhằm khai thác thế mạnh du lịch từ di tích lịch sử (ATK) và danh lam thắng cảnh (Ba Bể).
Các tiểu Dự án:
- Dự án phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng miền núi phía bắc tại huyện Chợ Mới, thành phố Bắc Kạn, huyện Bạch Thông, huyện Ba Bể, huyện Ngân Sơn gắn với các sản phẩm thế mạnh: Sản phẩm từ chuối, mía... điểm thăm quan di tích: Chùa Thạch Long, đền Thắm, hang Thắm Làng (huyện Chợ Mới); cây ăn quả: Mơ vàng (thành phố Bắc Kạn); cây ăn quả: hồng không hạt, điểm thăm quan: Hồ Ba Bể, thác Đầu Đẳng, Ao Tiên, đảo Bà Góa, động Hua Mạ, thác Bạc Bản Vàng ( Xã Cao Trĩ), di tích: Đền An Mã, động Nả Phoòng (huyện Ba Bể); cây ăn quả: Lê, dẻ; điểm thăm quan: Thác Nà Khoang, đèo Gió (huyện Ngân Sơn).
- Dự án du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm sản phẩm OCOP Bắc Kạn: Thiết kế trên trục du lịch, xác định điểm thăm quan, trưng bày, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, điểm 1 - huyện Bạch Thông (thị trấn Phủ Thông), điểm 2 - huyện Ba Bể (VQG Ba Bể), điểm 3 - huyện Ngân Sơn (Đèo Gió).
- Dự án Bảo tàng các dân tộc Bắc Kạn: Truyền thống, văn hóa của các dân tộc tại Bắc Kạn (nhà ở, nhà sinh hoạt cộng đồng; phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội; các món ăn;...) được phục dựng, bảo tồn, tạo ra các sản phẩm dịch vụ du lịch khám phá, sinh thái, trải nghiệm....
- Dự án củng cố/nâng cấp Khu du lịch An toàn khu Chợ Đồn (di tích lịch sử cách mạng).... tạo sản phẩm dịch vụ du lịch lịch sử cách mạng.
- Dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng tại Chợ Đồn.
- Dự án phát triển Khu du lịch quốc gia Ba Bể.
- Dự án phát triển điểm du lịch thác Roọm (Bạch Thông), thác Nà Khoang (Ngân Sơn).
2) Nhóm các Dự án nâng cấp, mở rộng chuỗi sản phẩm chủ lực cấp tỉnh
Các Dự án nâng cấp, mở rộng chuỗi sản phẩm chủ lực cấp tỉnh được xây dựng (phương án liên kết chuỗi), phê duyệt, triển khai đồng bộ từ vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến đến phân phối, tiếp thị sản phẩm. Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chủ lực. Các nguồn lực (NTM, huy động cộng đồng,...) được ưu tiên, huy động thực hiện.
Dự kiến các chuỗi sản phẩm chủ lực gồm: Dong riềng, Hồng không hạt, Dẻ, Lê, Mơ, Chè, Chuối, cây dược liệu,...
Các Dự án này do Ban chỉ đạo các CTMTQG cấp tỉnh, huyện (Giao cho các cơ quan chuyên môn) thực hiện với sự tham gia của cơ quan tư vấn và các đối tác.
3) Dự án khởi nghiệp OCOP
Gồm các Dự án khởi nghiệp với trọng tâm là sản phẩm OCOP và hình thành các chủ thể OCOP (thành lập mới hoặc nâng cấp), do các hội viên Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và đoàn viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp thực hiện, Các Dự án cụ thể này được Chương trình hỗ trợ như đối với sản phẩm của OCOP khi tuân thủ các bước trong chu trình OCOP. Ưu tiên thực hiện lồng ghép các chương trình, Dự án khởi nghiệp triển khai trên địa bàn tỉnh, OCOP tập trung hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm và xúc tiến thương mại.
Các Dự án cấp tỉnh được triển khai khi có nguồn ngân sách thực hiện riêng.
6.3.2. Nhóm các Dự án cấp huyện
Mỗi huyện xây dựng từ 1 - 2 Dự án phát triển sản phẩm trọng điểm theo chuỗi giá trị và theo hướng khai thác thế mạnh sản phẩm của huyện, tạo ra ít nhất 1-3 sản phẩm OCOP chủ lực cấp huyện.
Hàng năm các huyện chủ động nghiên cứu, đề xuất, xây dựng Dự án nhằm phát triển sản phẩm trọng điểm tham gia hệ thống OCOP (dự kiến đề xuất chuỗi sản phẩm chủ lực cấp huyện tại Phụ lục 4). Các nội dung cần trọng tâm giải quyết như: Nâng cao năng lực tổ chức kinh tế; nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm; nâng cấp nhà xưởng, thiết bị; công nghệ; phát triển vùng nguyên liệu; liên kết chuỗi;... (tùy trường hợp cụ thể).
Hoạt động này do OCOP huyện, thành phố chủ trì thực hiện với sự tham gia của cơ quan tư vấn và các đối tác.
V. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Tổng kinh phí thực hiện
Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 165.479.750.000.000 đồng. Trong đó:
- Kinh phí từ Ngân sách Nhà nước: 50.429.200.000 đồng (chiếm 30,47% tổng kinh phí triển khai Chương trình).
- Kinh phí Lồng ghép từ dự án ODA (Dự án CSSP): 25.000.000.000 đồng (chiếm 15.11 % tổng kinh phí triển khai Chương trình).
- Kinh phí huy động: 90.050.550.000 đồng (chiếm 54.42% tổng kinh phí triển khai Chương trình).
2. Nguồn vốn
- Nguồn vốn ngoài ngân sách, bao gồm: vốn ODA, vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, nguồn vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ Chương trình OCOP.
- Nguồn vốn ngân sách, bao gồm: Ngân sách hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo giai đoạn 2017 - 2020, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại và các nguồn vốn lồng ghép trung ương và địa phương khác, cụ thể:
+ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo cho nội dung phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và phát triển ngành nghề nông thôn 20.979.500.000 đồng, trong đó: Tỉnh trực tiếp thực hiện 11.766.700.000 đồng, huyện thực hiện 9.212.800.000 đồng.
+ Nguồn vốn Khoa học công nghệ: 6.900.000.000 đồng (hàng năm UBND huyện tổng hợp, đăng ký nhiệm vụ Khoa học - Công nghệ của địa phương đến Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp đề xuất UBND tỉnh phê duyệt).
+ Nguồn ngân sách địa phương: 9.329.700.000, trong đó: Chi hạng mục tư vấn 2.833.930.000 đồng, ngân sách tỉnh 6.495.770.000 (UBND tỉnh cân đối nguồn lực hàng năm phân bổ nguồn thực hiện các nội dung Chương trình).
+ Nguồn ODA: 25.000.000.000 (Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh phối hợp với Dự án CSSP rà soát kế hoạch và kinh phí lồng ghép hàng năm)
+ Nguồn vốn lồng ghép khác (khuyến công, khuyến nông, xúc tiến thương mại, Văn hóa, thể thao và du lịch, ngân sách các huyện, thành phố...) 13.220.000.000 đồng.
+ Nguồn huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp địa phương: 90.050.550.000 đồng (Chi tiết tại Phụ lục 6).
3. Phân khai kế hoạch vốn ngân sách theo từng năm (ngân sách tỉnh, huyện)
Vốn ngân sách phân bổ thực hiện 75.429.200.000 đồng (từ nguồn ngân sách trung ương, tỉnh và huyện), trong đó:
- Năm 2018: 21.914.100.000 đồng.
- Năm 2019: 29.253.100.000 đồng.
- Năm 2020: 24.262.000.000 đồng.
(Chi tiết tại Phụ lục 5).
VI. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức
Xác định đầy đủ nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện OCOP Bắc Kạn, hoạt động tuyên truyền cần được chú trọng, với các đối tượng:
(1) Các cấp ủy, chính quyền các cấp
Chương trình OCOP có trong kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền địa phương để triển khai thực hiện lâu dài và thường xuyên.
Việc truyền thông được thực hiện dưới dạng hội nghị, hội thảo chuyên đề tại thời điểm khởi động Chương trình OCOP.
Cơ quan thực hiện: Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG các cấp giao cho các cơ quan chuyên môn thực hiện.
(2) Cộng đồng
Thông tin, tuyên truyền nội dung Chương trình OCOP, chu trình OCOP, Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, những thành tựu và kết quả thực hiện Chương trình; những gương điển hình tiên tiến và mô hình sản xuất tiêu biểu trong tổ chức sản xuất, phát triển thị trường, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Việc thông tin, tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cấp xã, thôn; trang web của Chương trình OCOP, dưới dạng bản tin, chuyên đề, câu chuyện gắn với hình ảnh, khẩu hiệu cụ thể.
Cơ quan thực hiện: Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG các cấp giao cho các cơ quan chuyên môn thực hiện.
2. Xây dựng hệ thống vận hành OCOP
Thành lập hệ thống chỉ đạo điều hành, thực hiện Chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến cơ sở (theo 3 cấp: Tỉnh - huyện - xã), bao gồm:
(1) Cơ cấu nhân sự cấp tỉnh
- Ban điều hành OCOP cấp tỉnh: Do Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạo thực hiện.
- Cơ quan thường trực thực hiện: Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn (gọi tắt là thường trực Chương trình OCOP cấp tỉnh), cơ cấu gồm:
+ Bộ phận nghiệp vụ Phát triển sản phẩm và Phát triển DN/HTX gồm: 1-2 cán bộ chuyên trách (Biên chế của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh); 05 cán bộ kiêm nhiệm (Sở Khoa học và Công nghệ: 1 người, Sở Y tế: 01 người, Sở Nông nghiệp & PTNT: 02 người thuộc Chi cục Phát triển nông thôn và Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm - thủy sản; Liên minh Hợp tác xã: 01 người).
+ Bộ phận nghiệp vụ Xúc tiến Thương mại và Truyền thông gồm: 1-2 cán bộ chuyên trách (Biên chế của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh), 03 cán bộ kiêm nhiệm (Sở Công Thương 1 người, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 01 người, Sở Thông tin và Truyền thông 01 người).
+ Bộ phận hành chính và tổng hợp thông tin: 01 cán bộ chuyên trách (Biên chế của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh).
(2) Cơ cấu nhân sự cấp huyện, thành phố
- Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạo thực hiện. Cơ quan thường trực là Phòng Nông nghiệp và PTNT hoặc Phòng Kinh tế - Hạ tầng (gọi tắt là thường trực Chương trình OCOP cấp huyện).
- Thành lập Tổ OCOP: Có ít nhất 01 cán bộ chuyên trách (Biên chế thuộc phòng chuyên môn), 2-3 cán bộ kiêm nhiệm, thuộc Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo. Phòng Kinh tế - Hạ tầng....
(3) Nhân sự cấp xã: Cán bộ phụ trách lĩnh vực Nông nghiệp - phát triển Nông thôn, thực hiện nhiệm vụ tham mưu, triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTTM và GN, Chương trình OCOP. Do Phó chủ tịch UBND xã phụ trách Nông lâm nghiệp chỉ đạo triển khai Chương trình OCOP tại xã.
(4) Thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm ở các cấp tỉnh, cấp huyện tại mỗi kỳ đánh giá. Hội đồng có chức năng đánh giá và phân hạng các sản phẩm OCOP theo bộ tiêu chí đã ban hành.
Phân công cụ thể cho thành viên trong bộ máy chỉ đạo, điều hành phụ trách theo từng địa bàn, một lĩnh vực công tác cụ thể và có lịch sinh hoạt cụ thể.
Chức năng của hệ thống này là chỉ đạo và điều hành toàn bộ các hoạt động của Chương trình OCOP tại cấp tương ứng của mình, có quy chế hoạt động cụ thể. Các nhân sự tại mỗi vị trí công tác đều phải có bản mô tả công việc và KPI.
3. Xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP
3.1. Hệ thống tư vấn OCOP
Tư vấn OCOP là các tổ chức/cá nhân (doanh nghiệp, viện, trường đại học) có kinh nghiệm và năng lực tư vấn toàn diện (hoặc lĩnh vực cụ thể) các hoạt động của Chương trình OCOP. Các huyện, thành phố có thể chọn một đến nhiều tư vấn hoặc tự tổ chức thực hiện.
Trách nhiệm của tư vấn: Xây dựng và triển khai một, một số hoặc toàn bộ các hạng mục cụ thể của Chương trình OCOP, bao gồm:
(1) Tư vấn Ban Điều hành OCOP các cấp:
- Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP (chu trình OCOP, các nội dung hỗ trợ,...), cơ chế hoạt động của Ban điều hành các cấp.
- Xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết năm.
- Xây dựng và triển khai các Dự án thành phần của Chương trình.
- Xây dựng mô hình điểm tại các xã, huyện từ đó làm cơ sở cho cộng đồng học tập cũng như tập huấn cán bộ OCOP huyện.
- Tư vấn nghiệp vụ trong công tác triển khai Chương trình.
(2) Tư vấn các tổ chức OCOP tại cộng đồng:
- Tư vấn phát triển SMEs, HTX: Tuyên truyền, vận động, hình thành hoặc tái cơ cấu các SMEs, HTX, xây dựng cơ cấu tổ chức, thiết kế mặt bằng, xây dựng các quy chế, phương án SX-KD, xây dựng phần cứng (cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị), phần mềm (hệ thống các quy trình, thao tác chuẩn, hồ sơ, đào tạo nhân lực....) để đạt các tiêu chuẩn nhà sản xuất theo luật định.
- Tư vấn tài chính: Xác định nhu cầu vốn, nguồn vốn, phương pháp tiếp cận, quản lý tài chính vi mô....
- Tư vấn phát triển sản phẩm: Xác định nhu cầu thị trường, thiết kế sản phẩm mới, cải tiến sản phẩm đã có, xây dựng tiêu chuẩn, câu chuyện về sản phẩm....
- Tư vấn kỹ năng phân phối, xúc tiến thương mại: Xây dựng kênh phân phối; tư vấn, tập huấn, đăng ký và hướng dẫn đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu sản phẩm.
- Tư vấn quản trị doanh nghiệp (SMEs, HTX): Quản trị sản xuất, nhân lực, R&D, chất lượng, marketing và bán hàng, các kỹ năng CEO....
- Tư vấn kỹ thuật/công nghệ: Lựa chọn các kỹ thuật/công nghệ phù hợp với điều kiện của các SMEs, HTX.
Cách thức hoạt động: Dưới dạng các hợp đồng tư vấn với Ban điều hành OCOP cấp tương ứng.
3.2. Hệ thống đối tác OCOP
Hệ thống đối tác OCOP bao gồm các tổ chức/cá nhân có quan hệ với các chủ thể OCOP theo cách hợp tác cùng có lợi ích, bao gồm:
- Các doanh nghiệp trong chuỗi SX-KD sản phẩm OCOP, gồm: (i) Cung ứng dịch vụ/vật tư đầu vào, nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, dịch vụ hỗ trợ (thiết kế bao bì, nhãn mác, đăng ký/công bố sản phẩm, tư vấn luật, quản lý sản xuất bằng hệ thống tem điện tử thông minh,...); (ii) chế biến nông lâm sản; (iii) các nhà bán lẻ; (iv) các nhà đầu tư hệ thống trung tâm OCOP. Các doanh nghiệp này liên kết với các SMEs, HTX OCOP theo hợp đồng nhằm cung ứng vật tư/dịch vụ đầu vào và kéo dài chuỗi giá trị các sản phẩm OCOP đến thị trường đích.
- Các Viện, Trường đại học, nhà khoa học trong lĩnh vực ngành hàng của OCOP ở các tổ chức Khoa học - Công nghệ trung ương, vùng và địa phương: Liên kết với các SMEs, HTX OCOP theo các hợp đồng nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai, nhằm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới hoặc nâng cấp sản phẩm đang có, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất,... theo hình thức hợp đồng trực tiếp với các SMEs, HTX OCOP hoặc thông qua các đề tài/Dự án Khoa học - Công nghệ.
- Các tổ chức/doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm, đài phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương: Tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP theo hợp đồng.
- Các ngân hàng, các quỹ đầu tư: Cho vay vốn hoặc đầu tư mạo hiểm theo thỏa thuận với các tổ chức OCOP.
- Các tổ chức quốc tế, tập trung vào tổ chức JICA (Nhật Bản). Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), Tổ chức: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD),...: Tham gia vào các lĩnh vực quan tâm của mình dưới các dạng tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật, nhân lực, kết nối thị trường, nguồn chuyên gia.... cho/với các HTX, SMEs OCOP.
- Các nhà báo: Tuyên truyền về OCOP đến cộng đồng; đưa tin, chia sẻ các điển hình thành công, bài học kinh nghiệm thành công và thất bại để cộng đồng học hỏi.
Tổ chức Hội nghị đối tác OCOP, với sự tham gia của các tổ chức OCOP của tỉnh và các chủ thể chuỗi, các nhà hỗ trợ chuỗi, Các hoạt động bao gồm:
- Xây dựng “Mạng lưới Đối tác OCOP Bắc Kạn” với sự tham gia của các tổ chức OCOP, các đối tác (thu thập thông tin đối tác OCOP, phân tích, tổng hợp năng lực đối tác OCOP);
- Tổ chức Hội nghị kết nối (chia sẻ thông tin, gặp gỡ, đàm phán, ký kết thỏa thuận, hợp đồng....).
Cơ quan thực hiện: Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG các cấp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện.
4. Phát triển tổ chức kinh tế
4.1. Phát triển tổ chức cho các đối tượng đã tham gia OCOP
Hỗ trợ các đối tượng/tổ chức đã tham gia OCOP nâng cấp về tổ chức sản xuất và kinh doanh, bao gồm:
(1) Nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế hiện có, bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh. Tổ chức sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu các tổ chức theo hướng có sự tham gia lớn hơn của cộng đồng, như thêm số thành viên/cổ đông, chuyển đổi loại hình (thành HTX, công ty cổ phần);
(2) Hình thành các hợp tác xã/doanh nghiệp vừa và nhỏ với các nhóm, hộ gia đình tham gia;
(3) Nâng cấp/hoàn thiện cơ sở sản xuất (nhà xưởng, thiết bị, nhân sự,...) đáp ứng các tiêu chuẩn nhà sản xuất theo luật định, như đủ điều kiện sản xuất thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm,....
(4) Mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh với một số HTX/DN có điều kiện và đủ năng lực tổ chức theo hình thức: Quy hoạch và triển khai vùng nuôi/trồng tập trung, mở rộng quy mô nhà xưởng, trang thiết bị, nghiên cứu phát triển và đưa vào sản xuất các sản phẩm mới trên cơ sở khai tác tối đa điều kiện đất đai, cơ sở vật chất (nhà xưởng, thiết bị), nhân lực,... theo nhu cầu thị trường;
(5) Kết nối các tổ chức OCOP với các nhà tư vấn phù hợp với ngành hàng và thúc đẩy các mối quan hệ đối tác này theo nguyên tắc cùng có lợi.
Toàn bộ các hoạt động này do hệ thống OCOP của tỉnh thực hiện, với sự tham gia của tổ chức tư vấn.
4.2. Hỗ trợ các tổ chức OCOP nâng cao chất lượng quản trị, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm
(1) Tư vấn tại chỗ về quản trị Sản xuất - Kinh doanh: Kế hoạch sản xuất và kinh doanh, quản trị đầu vào, quy trình và thao tác chuẩn, hồ sơ sản phẩm, quản trị chất lượng, quản trị nhân lực, xây dựng kênh phân phối, quảng bá sản phẩm,...
(2) Tập huấn, tư vấn tổ chức kinh tế áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến như ISO, HACCP,...
5. Chính sách thực hiện
- Vận dụng cơ chế chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại,...(Phụ lục 8). Biên tập và ban hành, phổ biến cẩm nang các chính sách áp dụng cho Chương trình OCOP nhằm giúp cộng đồng tiếp cận và vận dụng dễ dàng các chính sách này.
- Xây dựng và ban hành các chính sách OCOP thuộc các lĩnh vực phát triển vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất (gồm các khu vực sản xuất tập trung), công nghệ, vốn, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm. phân phối, tiếp thị. liên kết chuỗi trên cơ sở rà soát các chính sách hiện có, từ đó bổ sung các chính sách mới cho Chương trình OCOP. Cân nhắc xây dựng chính sách đặc thù cho phát triển các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, huyện.
6. Huy động các nguồn lực thực hiện
7. Nguồn lực từ cộng đồng
Trong quá trình triển khai OCOP, các chủ thể OCOP là các hộ gia đình, nhóm, pháp nhân có chức năng sản xuất - kinh doanh đăng ký sản phẩm OCOP, dưới các dạng: (i) Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) hoạt động theo Luật doanh nghiệp 2014; (ii) Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật HTX năm 2012; (iii) Các tổ hợp tác và các hộ sản xuất (có đăng ký kinh doanh) theo Luật dân sự 2015. Đây là các chủ thể trực tiếp triển khai OCOP tại cộng đồng, là đối tượng phục vụ của Chương trình OCOP. Các chủ thể này là người đăng ký triển khai sản phẩm OCOP, từ đó đầu tư, tổ chức sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đã đăng ký với sự hỗ trợ của Chương trình OCOP các cấp.
Các nguồn lực tự chủ thể OCOP bao gồm: Tiền, đất đai, sức lao động, nguyên vật liệu, công nghệ,... phù hợp với các quy định của pháp luật, được huy động trong quá trình hình thành các tổ chức OCOP, dưới dạng góp vốn; triển khai các hoạt động theo Chu trình OCOP. Đây là nguồn lực lớn nhất của Chương trình OCOP.
Phương pháp huy động các nguồn lực từ cộng đồng là một trong những nội dung tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia Chương trình OCOP.
6.2. Nguồn kinh phí thực hiện
(1) Vốn tín dụng
Nguồn từ tín dụng ngân hàng, tín dụng cộng đồng, huy động nguồn lực tài chính từ các quỹ đầu tư, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ.
Địa phương chủ động vận dụng cơ chế chính sách hiện hành, hướng dẫn người dân tiếp cận các nguồn lực tài chính ưu đãi từ các tổ chức tín dụng.
(2) Ngân sách nhà nước
- Ngân sách chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo: Bố trí từ nguồn ngân sách Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất.
- Ngân sách Khoa học - Công nghệ, Công thương (xúc tiến thương mại, khuyến công), Nông nghiệp và PTNT (Khuyến nông hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp). Văn hóa, Thể thao và Du lịch (dịch vụ du lịch nông thôn) trong đó, ưu tiên sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
- Huy động các nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện và các nguồn khác cho chương trình OCOP.
7. Khoa học công nghệ
- Ứng dụng triệt để các nội dung của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), đặc biệt thực hiện các ứng dụng công nghệ của Nông nghiệp 4.0 vào tổ chức sản xuất hàng hóa, dịch vụ trong Chương trình OCOP.
- Xây dựng và triển khai các đề tài. Dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP. Các đề tài/Dự án dựa trên nhu cầu cụ thể của các tổ chức kinh tế OCOP (ưu tiên các Hợp tác xã và các Doanh nghiệp nhỏ và vừa, có địa chỉ ứng dụng cụ thể).
- Triển khai thực hiện, hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp, áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến, các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tham gia Chương trình.
- Ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng.
8. Hợp tác trong nước và quốc tế về triển khai Chương trình OCOP
Hợp tác trong nước và quốc tế để tăng cường hiệu quả trong quá trình triển khai chương trình OCOP, thúc đẩy xúc tiến sản phẩm OCOP xuất khẩu.
8.1. Hợp tác với các tỉnh thành trong cả nước
Định kỳ 01 năm/lần tổ chức từ 1-2 chuyến công tác đến các tỉnh thành thực hiện tốt Chương trình OCOP để học hỏi kinh nghiệm, nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành và triển khai tại tỉnh.
Kết nối, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh thành khác, đặc biệt là những trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật của cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM trong công tác tổ chức và quản lý Chương trình OCOP, hỗ trợ cộng đồng phát triển sản phẩm, Khoa học - Công nghệ, đầu tư thương mại và kết nối thị trường.
8.2. Hợp tác quốc tế
Tổ chức từ 1-2 chuyến công tác sang các quốc gia có kinh nghiệm triển khai, như Thái Lan (học tập Chương trình OTOP của Chính phủ Thái Lan, ưu tiên thành phần tham gia là đội ngũ cán bộ nhà nước trực tiếp tham gia quản lý, điều hành Chương trình OCOP).
TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM TỈNH BẮC KẠN
I. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Thời gian thực hiện: 36 tháng (từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2020).
2. Địa bàn thực hiện: Toàn bộ tỉnh Bắc Kạn.
3. Khung thời gian thực hiện chương trình
(Chi tiết tại Phụ lục 1)
II. TRÁCH NHIỆM CÁC CẤP, CÁC NGÀNH
1. Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn
Trách nhiệm chính trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Phối hợp với các sở, ngành điều phối hoạt động của chương trình, một số nội dung cụ thể:
- Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình OCOP Bắc Kạn theo giai đoạn và hàng năm.
- Chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng, triển khai Chương trình OCOP Bắc Kạn ở địa phương, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình ở các huyện, thành phố.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ngành, đơn vị có liên quan khác bố trí, phân bổ, huy động nguồn lực thực hiện Chương trình.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức các kỳ đánh giá xếp hạng sản phẩm.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, nghành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, huyện, xã rà soát các chủ thể sản xuất và sản phẩm tham Chương trình OCOP-BK.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng và triển khai các Dự án thành phần của Chương trình.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan đánh giá, tổng kết thực hiện Chương trình.
- Các nhiệm vụ liên quan khác.
2. Sở Công Thương:
Hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng tham gia Chương trình OCOP tiếp cận nguồn vốn khuyến công; lập kế hoạch và ngân sách hằng năm cho hoạt động khuyến công liên quan đến các tổ chức kinh tế hình thành bởi Chương trình; tổng hợp/báo cáo kết quả công tác khuyến công; Hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn theo quy định: Tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP (hội chợ. triển lãm....): cập nhật thông tin thị trường trong nước và quốc tế liên quan đến sản phẩm OCOP: Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thương mại đối với hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm
OCOP trong và ngoài tỉnh. Lồng ghép các hoạt động của ngành với thực hiện Chương trình OCOP.
3. Sở Khoa học và Công nghệ:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cộng đồng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm thuộc Chương trình OCOP; tiêu chuẩn hóa, đăng ký công bố chất lượng sản phẩm. Tổng hợp đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ hàng năm liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Hỗ trợ các địa phương đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP, tư vấn định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch...Lồng ghép các hoạt động của ngành với thực hiện Chương trình OCOP.
4. Sở Y tế:
Hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn theo quy định (Chi cục VSATTP, Sở Y tế), đăng ký công bố chất lượng sản phẩm; xây dựng và bảo đảm các chỉ tiêu thuốc Y học cổ truyền, vệ sinh an toàn thực phẩm; đánh giá các sản phẩm thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thuốc Y học cổ truyền. Lồng ghép các hoạt động của ngành với thực hiện Chương trình OCOP.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Hỗ trợ tổ chức kinh tế, nhóm cộng đồng nghiên cứu phát triển, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh về danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa của các vùng, miền; xây dựng câu chuyện cho sản phẩm OCOP phục vụ công tác phân phối, tiếp thị sản phẩm. Lồng ghép các hoạt động của ngành với thực hiện Chương trình OCOP.
6. Sở Tài chính:
Cân đối tài chính cho các hoạt động của Chương trình; hỗ trợ các tổ chức kinh tế hình thành trong Chương trình về nghiệp vụ, chế độ quản lý tài chính.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Lồng ghép các nội dung của Chương trình vào quy hoạch tổng thể, kế hoạch hằng năm; phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách.
8. Sở Nông nghiệp và PTNT: Hỗ trợ các tổ chức kinh tế công nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm, thủy sản. Lồng ghép các hoạt động của ngành với thực hiện Chương trình OCOP.
9. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền về Chương trình OCOP. Lồng ghép các hoạt động của ngành với thực hiện Chương trình OCOP.
10. Sở Nội vụ:
Phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh, các Sở, ngành liên quan thành lập hệ thống chỉ đạo điều hành, thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở.
11. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:
Quản lý đào tạo các ngành nghề liên quan (quản trị kinh doanh, tiếp thị,...) cho các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình. Lồng ghép các hoạt động của ngành với thực hiện Chương trình OCOP.
12. Các Sở, ban ngành khác: Lồng ghép các hoạt động của ngành phục vụ việc thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn toàn tỉnh, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các hoạt động có liên quan trong quá trình thực hiện Chương trình
13. Các Ngân hàng: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng Chính sách xã hội:
Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn vay để tham gia thực hiện Chương trình OCOP.
14. Các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội
14.1. Liên minh Hợp tác xã: Hỗ trợ các nhóm hộ gia đình, tổ hợp tác tham gia OCOP hình thành và phát triển hợp tác xã; tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP.
14.2. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh: Chỉ đạo các tổ chức Đoàn từ tỉnh đến cơ sở xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai vận động, hỗ trợ thanh niên ở vùng nông thôn khởi nghiệp OCOP; thanh niên, sinh viên ở các trường đại học/cao đẳng hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình tham gia OCOP về phát triển sản phẩm, ứng dụng công nghệ trong sản xuất - kinh doanh các sản phẩm OCOP, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại,... tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động của các trường.
14.3. Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Kạn: Gắn các hoạt động OCOP Bắc Kạn trong quá trình triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Chính phủ, tích cực tham gia vào các tổ chức kinh tế THT, HTX ... phụ nữ sản xuất tạo sản phẩm.
14.4. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hội, hiệp hội khác (Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Hội nông dân, Hội Đông y,...): Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia Chương trình OCOP; chủ động tham gia vào các chuỗi giá trị hình thành trong Chương trình OCOP.
14.5. Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp Bắc Kạn: Tổ chức các hoạt động, sự kiện, diễn đàn liên quan đến hoạt động khởi nghiệp sáng tạo (đào tạo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội đầu tư,...); tư vấn khởi nghiệp; phối hợp với cơ quan thường trực OCOP tỉnh xây dựng hệ thống đối tác hỗ trợ thực hiện Chương trình: giới thiệu và đánh giá các Dự án khởi nghiệp sáng tạo.
15. UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn
- Xây dựng kế hoạch, ban hành và tổ chức triển khai Chương trình OCOP tại cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn..
- Huy động/phân bố/điều chỉnh các nguồn lực thực hiện trong phạm vi của mình. Sử dụng nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, vốn khoa học công nghệ, khuyến công, khuyến nông, ngân sách địa phương và lồng ghép các nguồn khác để triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại địa phương.
- Tham gia tuyên truyền về OCOP qua hệ thống của mình.
- Tổ chức cuộc thi đánh giá và phân hạng sản phẩm cấp huyện để chọn sản phẩm thi đánh giá và phân hạng; cấp tỉnh.
- Quản lý hoạt động và chi lương, phụ cấp cho các bộ phận/cá nhân thuộc hệ thống tổ chức OCOP.
16. Các doanh nghiệp
Sự tham gia của các doanh nghiệp (trong và ngoài tỉnh) sẽ được xác định cụ thể trong quá trình triển khai.
17. Các Trường, Trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh
Tham gia đào tạo các ngành nghề liên quan, quản trị kinh doanh, tiếp thị cho các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP có nhu cầu.
18. Cơ quan tư vấn triển khai Chương trình
Tư vấn một số nội dung công việc để triển khai Đề án như: Chu trình OCOP; hình thành và tái cấu trúc HTX/doanh nghiệp; tập huấn; phát triển, nâng cấp và tiếp thị sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; tư vấn quản trị doanh nghiệp; xây dựng và triển khai các tiểu Dự án,... Việc lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện theo quy định hiện hành.
HIỆU QUẢ, Ý NGHĨA TÁC ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ, PHƯỜNG MỘT SẢN PHẨM TỈNH BẮC KẠN
I. HIỆU QUẢ CỦA CHƯƠNG TRÌNH OCOP BẮC KẠN
1. Hiệu quả kinh tế
- Tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cấp cộng đồng, từ đó tạo nền tảng để phát triển, nâng cấp thành sản phẩm cấp tỉnh, cấp quốc gia.
- Tạo ra các tổ chức kinh tế OCOP, dưới dạng các HTX, SMEs, tổ hợp tác sản xuất, hộ gia đình đăng ký kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển HTX và quốc gia khởi nghiệp.
- Tạo ra luồng đầu tư của cộng đồng thông qua phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP.
2. Hiệu quả về xã hội
- Tạo ra công ăn việc làm khu vực nông thôn, từ đó giảm dần luồng di cư từ nông thôn ra thành thị, giúp thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.
- Thông qua việc góp vốn hình thành các HTX, SMEs, Chương trình OCOP làm cho một bộ phận lớn dân cư các cộng đồng ở vùng nông thôn trở thành chủ nhân của quá trình phát triển kinh tế, từ đó tạo ra lợi ích kép cho cộng đồng bằng việc được quyết định các quá trình trong sản xuất, phân phối lợi nhuận.
- Kết quả khảo sát, nghiên cứu thực trạng đề xuất chiến lược phát triển các sản phẩm thế mạnh của các địa phương sẽ góp phần định hướng, xây dựng hệ thống chính sách (ưu tiên thúc đẩy liên kết chuỗi), giải pháp hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Từ đó có những tác động, can thiệp mang tính hệ thống trên cả chuỗi (nâng cao mối quan hệ giữa các chủ thể chuỗi, tăng cường ứng dụng KHCN, chia sẻ thông tin liên quan đến thị trường tiêu thụ sản phẩm,...). Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP.
3. Các kết quả cụ thể của Chương trình
Các kết quả cụ thể của Chương trình được trình bày ở Bảng 5.
Bảng 5: Các kết quả cụ thể của Chương trình OCOP-BK
TT | Tên sản phẩm | Yêu cầu cần đạt |
1 | Hệ thống tổ chức “Mỗi xã, phường một sản phẩm” ở Bắc Kạn | Hệ thống tổ chức Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” ở 3 cấp, từ cấp tỉnh đến huyện và xã theo hướng gọn nhẹ gắn với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo của tỉnh. Hệ thống này hỗ trợ các cộng đồng trong tỉnh phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống, từ cấp tỉnh, huyện đến xã theo chu trình thường niên. |
2 | Hệ thống văn bản của Chương trình | Chu trình OCOP tỉnh Bắc Kạn và các mẫu biểu kèm theo; các văn bản chính sách triển khai OCOP Bắc Kạn. Các văn bản này được UBND tỉnh phê duyệt. |
3 | Hệ thống các đối tác của OCOP Bắc Kạn | Bao gồm các nhà tham gia chuỗi (cung ứng đầu vào, tiêu thụ sản phẩm), các nhà hỗ trợ chuỗi (thiết kế bao bì, nhãn mác, công nghệ, tín dụng, quảng bá,...); có cơ sở dữ liệu cơ bản về các đối tác, các bản thỏa thuận hợp tác với các tổ chức kinh tế/nhóm/hộ phù hợp. |
4 | Có khoảng 20-30 tổ chức kinh tế/nhóm/hộ tham gia phát triển sản phẩm truyền thống | Các tổ chức kinh tế/nhóm/hộ được tập huấn tốt về phương pháp, kỹ năng có thể triển khai phát triển sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm truyền thống của mình và có sản phẩm dự thi đánh giá và phân hạng ở thời điểm kết thúc giai đoạn 1 của Chương trình. |
5 | Có khoảng 30-40 sản phẩm được phát triển/nâng cấp và thương mại hóa thành công | Các sản phẩm được dự thi đánh giá và phân hạng cấp tỉnh, công bố tiêu chuẩn chất lượng phù hợp. |
II. Ý NGHĨA, TÁC ĐỘNG CỦA OCOP BẮC KẠN
- Góp phần lớn triển khai các chủ trương xây dựng “Chính phủ kiến tạo và hành động”, “Quốc gia khởi nghiệp” của Chính phủ.
- Góp phần quảng bá, nâng tầm hình ảnh của Bắc Kạn, người dân nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện giảm nghèo bền vững./.
- 1 Kế hoạch 150/KH-UBND năm 2018 thực hiện Quyết định 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 2 Quyết định 2279/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt kế hoạch mua sắm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 3 Quyết định 2290/QĐ-UBND về phê duyệt Phương án thí điểm phát triển sản phẩm OCOP năm 2018 theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 20182020, định hướng đến năm 2030
- 4 Quyết định 978/QĐ-UBND năm 2018 về Bộ Tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP thuộc Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2020
- 5 Quyết định 331/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn (OCOP-BK) năm 2018
- 6 Quyết định 33/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2018 do tỉnh Bắc Kạn ban hành
- 7 Quyết định 2511/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán lập đề án "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030
- 8 Nghị quyết 24/2017/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh năm 2018 của tỉnh Bắc Kạn
- 9 Quyết định 1760/QĐ-TTg năm 2017 về điều chỉnh Quyết định 1600/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10 Quyết định 1443/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 11 Kế hoạch 63/KH-OCOP thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm năm 2017 do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 12 Quyết định 2366/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2020
- 13 Quyết định 2277/QĐ-BNN-VPĐP năm 2017 về phê duyệt Đề cương Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành
- 14 Nghị quyết 08/2017/NQ-HĐND Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017-2020
- 15 Quyết định 414/QĐ-TTg năm 2017 Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16 Quyết định 1722/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 17 Quyết định 1600/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 18 Quyết định 851/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường; tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016-2020
- 19 Bộ luật dân sự 2015
- 20 Nghị định 75/2015/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020
- 21 Quyết định 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 22 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 23 Nghị quyết 09/2015/NQ-HĐND về phê duyệt định mức hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2015-2020
- 24 Luật Doanh nghiệp 2014
- 25 Quyết định 1288/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 26 Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 27 Luật hợp tác xã 2012
- 28 Quyết định 01/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 29 Quyết định 72/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 30 Quyết định 800/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 31 Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 32 Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Chính phủ ban hành
- 33 Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 1 Quyết định 2366/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2020
- 2 Kế hoạch 63/KH-OCOP thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm năm 2017 do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 3 Quyết định 978/QĐ-UBND năm 2018 về Bộ Tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP thuộc Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2020
- 4 Quyết định 2290/QĐ-UBND về phê duyệt Phương án thí điểm phát triển sản phẩm OCOP năm 2018 theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 20182020, định hướng đến năm 2030
- 5 Quyết định 2279/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt kế hoạch mua sắm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 6 Kế hoạch 150/KH-UBND năm 2018 thực hiện Quyết định 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 7 Quyết định 2511/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán lập đề án "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030