Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

Số: 854/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 08 tháng 4 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC HUYỆN YÊN LẠC TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN NĂM 2012- 2015 CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2020.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND & UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị Định 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;

Căn cứ Quyết định số 1883/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn 2050;

 Căn cứ Quyết định số 42/2005/QĐ-BCN ngày 30 tháng 12 năm 2005 của Bộ Trưởng Bộ Công nghiệp Về việc ban hành Quy định nội dung, trình tự và thủ tục lập và thẩm định quy hoạch phát triển điện lực;

Căn cứ Quyết định số 361/QĐ-BCT ngày 20/01/2011 của Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011- 2015 có xét đến 2020;

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Yên Lạc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Yên Lạc;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 27/TTr-SCT ngày 25 tháng 01 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án Quy hoạch phát triển điện lực huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn năm 2012- 2015 có xét đến năm 2020 gồm các nội dung sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch phát triển điện lực huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn năm 2012- 2015 có xét đến năm 2020.

2. Phạm vi lập quy hoạch: Địa bàn huyện Yên Lạc.

3. Phụ tải điện:

Phê duyệt phương án cơ sở của dự báo nhu cầu điện đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương với tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2011- 2015 là 16,42%, giai đoạn 2016- 2020 là 17,21%. Cụ thể nhu cầu phụ tải điện của huyện Yên Lạc – tỉnh Vĩnh Phúc cho các năm Quy hoạch như sau:

a. Năm 2015

Công suất cực đại Pmax = 53MW, điện thương phẩm 229 triệu kWh, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2012- 2015 là 15,3%/năm, trong đó: Công nghiệp- xây dựng tăng 18,0%/năm, nông- lâm- Thủy sản tăng 6,1%/năm, thương mại- dịch vụ tăng 25,3%/năm, quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 10,9%/năm, phụ tải khác tăng 13,9%/năm. Điện năng thương phẩm bình quân đầu người là 1.500 kWh/người/năm.

b. Năm 2020:

Năm 2020 công suất yêu cầu 83MW, điện thương phẩm 381 triệu kWh, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2016- 2020 là 10,8%/năm, trong đó: Công nghiệp- xây dựng tăng 11,7%/năm, nông- lâm- Thủy sản tăng 2,5%/năm, thương mại- dịch vụ tăng 23,5%/năm, quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 8,4%/năm, phụ tải khác tăng 16,5%/năm. Điện năng thương phẩm bình quân đầu người là 2.300 kWh/người/năm.

5. Quy hoạch phát triển nguồn và lưới điện.

5.1. Quan điểm thiết kế

a. Lưới điện trung thế

- Định hướng phát triển lưới điện trung thế:

+ Cải tạo toàn bộ lưới 10kV sang 22kV, phù hợp với “Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011- 2015 có xét đến 2020” đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

- Cấu trúc lưới điện:

+ Nâng cao một bước độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo chất lượng điện áp ở những điểm bất lợi nhất. Đối với khu vực đô thị và các phụ tải quan trọng được thiết kế mạch vòng vận hành hở, đối với khu vực nông thôn được thiết kế hình tia.

- Tiết diện dây dẫn:

+ Đường dây trục 35, 22kV dùng dây dẫn AC có tiết diện ≥ 95mm2. Đường dây nhánh dùng dây dẫn AC có tiết diện ≥ 50mm2.

+ Các đường dây trung thế mạch vòng được thiết kế sao cho khi vận hành hở tổn thất điện áp tại hộ xa nhất 5% ở chế độ vận hành bình thường và không quá 10% ở chế độ sau sự cố.

+ Tổn thất điện áp cuối các đường dây trung thế hình tia 5%.

- Gam máy biến áp phân phối:

+ Gam máy biến áp phụ tải chọn phổ biến loại (180- 400)kVA cho khu vực thị trấn và (100- 320)kVA cho khu nông thôn. Các trạm chuyên dùng của khách hàng theo quy mô phụ tải sẽ được thiết kế với gam máy thích hợp.

b. Lưới điện hạ thế

Lưới điện hạ thế áp dụng hệ thống hạ áp 220/380V 3 pha 4 dây có trung tính nối đất trực tiếp. Đường trục dùng cáp vặn xoắn hoặc dây nhôm với tiết diện ≥ 70mm2, đường nhánh tiết diện ≥ 50mm2. Bán kính lưới điện hạ thế không vượt quá 500m ở khu vực thị trấn và 800m ở khu vực nông thôn.

5.2. Khối lượng xây dựng đến 2015

a. Lưới điện Trung thế giai đoạn 2012- 2015:

- Xây dựng mới 4km đường dây 35kV.

- Xây dựng mới 39,7km đường dây 22kV.

- Cải tạo đường dây 10kV sang 22kV: 65,8km.

- Xây dựng mới 5 trạm biến áp 35/0,4kV với tổng dung lượng 9.000 kVA.

- Xây dựng mới 78 trạm biến áp 22(10)/0,4kV với tổng dung lượng 30.110 kVA.

- Cải tạo trạm biến áp 10/0,4kV sang 22/0,4kV: 78 trạm với tổng công suất 19.185kVA.

b. Lưới điện hạ thế giai đoạn 2012- 2015:

- Xây dựng mới 179km đường dây hạ thế.

- Cải tạo nâng cấp 118 km đường dây hạ thế.

- Lắp đặt mới và thay thế 24.599 công tơ điện.

c. Vốn đầu tư: 

Tổng vốn đầu tư xây mới, cải tạo công trình lưới điện giai đoạn 2012- 2015 ước tính là: 177,1 tỷ đồng

Chia ra:

+ Vốn xây dựng lưới trung thế: 110,5 tỷ đồng

+ Vốn xây dựng lưới hạ thế: 66,6 tỷ đồng

Trong đó:

+ Vốn dự án RE II mở rộng và KFW: 17,7 tỷ đồng

+ Vốn cần bổ sung: 159,4 tỷ đồng

Nguồn vốn huy động: Vốn huy động thực hiện theo quy định của pháp luật (Luật Điện lực, Luật Ngân sách...) và các quy định cụ thể khác của địa phương.

(chi tiết xem tại Quy hoạch phát triển điện lực huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012- 2015 có xét đến năm 2020 do Viện năng lượng – Bộ Công Thương lập tháng 12/2012).

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Giao Sở Công Thương phối hợp UBND huyện Yên Lạc và các đơn vị có liên quan tổ chức công bố quy hoạch theo quy định.

2. Giao cho Điện lực Vĩnh Phúc phối hợp với UBND huyện Yên Lạc cân đối vốn và đưa và kế hoạch hàng năm để xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Điện lực Vĩnh Phúc hàng năm có trách nhiệm báo cáo kế hoạch đầu tư lưới điện cho UBND tỉnh. Trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải và phân phối, Điện lực Vĩnh Phúc và các doanh nghiệp khác cần tuân thủ đúng cấu trúc lưới điện và quy mô công trình được phê duyệt tại Quyết định này.

3. Sở Công Thương có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, quản lý thực hiện Quy hoạch đảm bảo phát triển lưới điện đúng cấp điện áp, quy mô được duyệt.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc các sở, ngành: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, GTVT, Ban Quản lý các KCN, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, UBND huyện Yên Lạc và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thực hiện Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phùng Quang Hùng

 

QUY HOẠCH

PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC HUYỆN YÊN LẠC TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2012- 2015 CÓ XÉT ĐẾN 2020

Mở đầu

Đề án “Quy hoạch phát triển điện lực huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012 - 2015 có xét đến 2020” do Viện Năng lượng – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc lập theo quyết định số 723/QĐ-CT ngày 27 tháng 3 năm 2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí đồng thời chỉ định Viện Năng lượng lập “Quy hoạch phát triển điện lực huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012 - 2015, có xét đến 2020”. Đề án đã bám sát theo báo cáo “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Lạc đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” do UBND huyện Yên Lạc lập tháng 12 năm 2010. Đồng thời căn cứ vào quyết định số 0361/QĐ-BCN ngày 02 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 - 2015 có xét đến 2020”.

Nội dung đề án đáp ứng các yêu cầu sau:

- Trên cơ sở các kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội năm 2010- 2011 và các mục tiêu phát triển đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 của huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc, đề án tiến hành nghiên cứu tính toán nhu cầu điện trên phạm vi toàn huyện theo từng giai đoạn quy hoạch để đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Yên Lạc.

- Đánh giá về nguồn, lưới điện và phụ tải điện hiện tại trên địa bàn huyện Yên Lạc, đánh giá các ưu nhược điểm của lưới điện hiện trạng.

- Tiến hành tính toán, dự báo nhu cầu điện, thiết kế sơ đồ cải tạo và phát triển lưới điện của huyện đến giai đoạn quy hoạch, đưa ra các giải pháp phát triển hệ thống lưới điện tại các khu vực bao gồm xây mới và cải tạo để giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng cung cấp điện.

- Đưa ra khối lượng xây dựng mới và cải tạo lưới điện, vốn đầu tư xây dựng đến năm 2015.

- Phân tích hiệu quả kinh tế, tài chính của dự án, đưa ra kiến nghị và các giải pháp thực hiện.

Chương I

HIỆN TRẠNG NGUỒN, LƯỚI ĐIỆN VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUY HOẠCH GIAI ĐOẠN TRƯỚC

I.1. Hiện trạng nguồn và lưới điện

1. Các nguồn cung cấp điện năng:

 Huyện Yên Lạc hiện tại chưa có trạm 110kV. Huyện được cung cấp điện từ hệ thống điện quốc gia thông qua trạm 110kV Vĩnh Yên(E4.3) và trạm 110kV Vĩnh Tường(E25.5).

Trạm 110kV Vĩnh Yên đặt huyện Bình Xuyên. Trạm có quy mô công suất (2x63)MVA–110/35/22kV, cấp cho huyện Yên Lạc thông qua trạm trung gian Tam Hồng có quy mô công suất (7500+5600)KVA- 35/10kV, trạm trung gian Hương Canh có quy mô công suất 3200KVA- 35/10kV, và các lộ 35kV: 371, 372, 373. Trạm 110kV Vĩnh Tường đặt tại huyện Vĩnh Tường, trạm có quy mô công suất (40+25)MVA–110/35/22kV. Trạm 110kV Vĩnh Tường hiện cấp cho huyện Yên Lạc thông qua trạm trung gian Ngũ Kiên có quy mô công suất (2x3150)KVA–35/10kV và các lộ 35kV: 371,377 và lộ 22kV 475.

Các thông số kỹ thuật và vận hành các trạm 110kV Vĩnh Yên và Vĩnh Tường cho ở bảng sau:

Bảng I- 1: Đặc điểm các trạm biến áp 110kV cấp cho huyên Yên Lạc

TT

Tên trạm

Sđm (MVA)

Pmax/Pmin (MW)

Mang tải

1

Trạm 110 kV Vĩnh Yên

2x63

 

 

 

máy T1- 110/35/22kV

63

54/26

96%

 

máy T1- 110/35/22kV

63

49/26

Quá tải phía 35kV

2

Trạm 110 kV Vĩnh Tư­ờng

40+25

 

 

 

máy T1- 110/35/22kV

40

32/13

Đầy tải phía 35kV

 

máy T1- 110/35/22kV

25

13/5

65%

 

 

 

 

 

Nguồn: CTy Điện lực Vĩnh Phúc

2. Lưới điện:

 Lưới điện trung thế huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay bao gồm ba cấp điện áp là 35,22 và 10kV. Lưới 35kV chủ yếu cấp điện cho trạm trung gian Tam Hồng, phụ tải các xã Đồng Văn, Yên Đồng, Tề Lỗ, Tam Hồng, Minh Tân, Bình Định. Lưới 22kV cấp điện cho các xã Đồng Văn, Tề Lỗ. Lưới 10kV cấp điện cho hầu hết tất cả các xã. Trên lưới điện phân phối của huyện hiện có 13 điểm bù công suất phản kháng với tổng dung lượng 3.900 KVAR và 54 điểm bù hạ thế (điểm đặt TBA) với tổng dung lượng là 4.515 KVAR.

 Tổng hợp khối lượng đường dây và trạm biến áp trên địa bàn huyện Yên Lạc tính đến tháng 5/2012 cho ở bảng I.2 và I.3.

Bảng I.2: Khối lượng đường dây hiện có

TT

Loại đường dây

Chủng loại- tiết diện

Chiều dài (km)

1

Đ­ường dây 35kV

AC- 120,95,70, 50, 35

42,688

 

Trong đó: - Khách hàng quản lý

AC95,70,50,35

21,703

 

- Ngành điện quản lý

AC120,95,70,50,35

20,985

2

Đ­ường dây 22kV

AC- 95, 70, 50

7,820

 

Trong đó: - Khách hàng quản lý

 

 

 

- Ngành điện quản lý

AC95,70,50

7,820

3

Đường dây 22kV vận hành 10kV

 

7,800

4

Đ­ường dây 10kV

AC- 120,95, 70, 50, 35

73,590

 

Trong đó: - Khách hàng quản lý

AC95,70,50,35

4,505

 

- Ngành điện quản lý

AC120,95,70,50

69,085

5

Đ­ường dây hạ thế

AL, CVX- 150,120,95,70,50,35

236,00

 

Trong đó: - Khách hàng quản lý

AL, CVX- 150,120,95,70,50,35

110,68

 

- Ngành điện quản lý

AL, CVX- 150,120,95,70,50,35

125,32

Nguồn: Điện lực Yên Lạc

Bảng I.3: Khối lượng trạm biến áp hiện có

STT

Loại trạm

Số trạm

Số máy

Tổng CS (KVA)

I

Trạm trung gian

1

2

13.100

 

Trạm 35/10kV Tam Hồng

1

2

13.100

II

Trạm phân phối

161

185

132.505

 

Trong đó: - Khách hàng quản lý

67

91

107.655

 

- Ngành điện quản lý

94

94

24.850

1

Trạm 35/0,4kV

55

79

105.775

 

Trong đó: - Khách hàng quản lý

46

70

103.415

 

- Ngành điện quản lý

9

9

2.360

2

Trạm 22/0,4kV

14

14

4.005

 

Trong đó: - Khách hàng quản lý

2

2

345

 

- Ngành điện quản lý

12

12

3.660

3

Trạm 10/0,4kV & 10(22)/0,4kV

92

92

22.725

 

Trong đó: - Khách hàng quản lý

19

19

3.895

 

- Ngành điện quản lý

73

73

18.830

 

Trong đó: Trạm 10(22)/0,4kV

14

14

3.540

4

Công tơ điện (Chiếc)

 

 

13.838

 

Trong đó: - 3 pha

 

 

1.502

 

- 1 pha

 

 

12.336

Nguồn: Điện lực Yên Lạc

3. Đánh giá về lưới điện hiện tại

Lưới điện 35,22kV huyện Yên Lạc hiện tại nhận điện trực tiếp từ trạm 110kV Vĩnh Yên, Vĩnh Tường còn lưới 10kV nhận điện từ trạm 110kV Vĩnh Yên thông qua trạm trung gian Tam Hồng và trạm trung gian Hương Canh, nhận điện từ trạm 110kV Vĩnh Tường qua trạm trung gian Ngũ Kiên. Các thông số kỹ thuật và vận hành của các trạm trung gian cho ở bảng sau:

Bảng I.4: Mang tải trạm trung gian hiện tại

Tên trạm, máy

Sđm (kVA)

Pmax (MW)

Tình trạng vận hành

Trạm trung gian Tam Hồng

Trạm trung gian Hương Canh

Trạm trung gian Ngũ Kiên

5600+7500

3200

2x3150

10,6

2,7

3,7

Đầy và quá tải

94%

74%

Nguồn: Công ty điện lực Vĩnh Phúc, Điện lực Yên Lạc

+ Lưới điện 35kV

 Đường dây 35kV có tổng chiều dài 42,7km chiếm 32,4% khối lượng đường dây trung thế. Đường dây 35kV có vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền tải điện từ trạm 110kV Vĩnh Yên và trạm 110kV Vĩnh Tường cung cấp cho huyện. Hiện tại huyện Yên Lạc được cấp điện bằng 3 lộ 35kV: 371, 372, 373 từ trạm 110kV Vĩnh Yên và lộ 35kV: 371, 377 từ trạm 110kV Vĩnh Tường như sau:

Lộ 371- Trạm 110kV Vĩnh Yên: Cấp điện cho phụ tải của thành phố Vĩnh Yên và cấp điện cho phụ tải của xã Đồng Văn huyện Yên Lạc và đấu liên hệ mạch vòng với lộ 371 của trạm 110kV Vĩnh Tường qua cầu dao CD101 và lộ 372 của trạm 110kV Vĩnh Yên qua cầu dao CDF7. Chiều dài đường trục là: 20,7km, loại dây AC120,95. Cấp điện cho 7 trạm với tổng dung lượng là: 9.280 KVA của huyện Yên Lạc. Pmax của lộ là: 22,4MW.

Lộ 372- Trạm 110kV Vĩnh Yên: Cấp điện cho phụ tải của thành phố Vĩnh Yên và cấp điện cho phụ tải của xã Đồng Văn huyện Yên Lạc và đấu liên hệ mạch vòng lộ 371 của trạm 110kV Vĩnh Yên qua cầu dao CDF7. Chiều dài đường trục là: 22km, loại dây AC120,95. Cấp điện cho 6 trạm với tổng dung lượng là: 16.960 KVA của huyện Yên Lạc. Pmax của lộ là: 19MW.

Lộ 373- Trạm 110kV Vĩnh Yên: Cấp điện cho phụ tải các xã Đồng Cương, Bình Định, Minh Tân, Tam Hồng và Tề Lỗ của huyện Yên Lạc và trạm trung gian Tam Hồng của huyện Yên Lạc. Liên hệ mạch vòng với lộ 373 của trạm 110kV Vĩnh Tường qua cầu dao CD4. Chiều dài đường trục là: 25km, loại dây AC120,95. Cấp điện cho 27 trạm (bao gồm 26 trạm 35/0,4kV và 1 trạm trung gian 35/10kV) với tổng dung lượng là: 31.795 KVA của huyện Yên Lạc. Pmax của lộ là: 12,6MW.

Lộ 371- Trạm 110kV Vĩnh Tường: Cấp điện cho phụ tải của huyện Vĩnh Tường và cấp điện cho phụ tải của xã Đồng Văn huyện Yên Lạc và đấu liên hệ mạch vòng với lộ 371 của trạm 110kV Vĩnh Yên qua cầu dao CD101. Chiều dài đường trục là: 13,8km, loại dây AC120,95. Cấp điện cho 15 trạm với tổng dung lượng là: 34.590 KVA của huyện Yên Lạc. Pmax của lộ là: 12MW.

Lộ 377- Trạm 110kV Vĩnh Tường: Cấp điện cho phụ tải thép đặc biệt thuộc Công ty Cổ Phần Công Nghiệp Việt Nam với tổng dung lượng 26.250KVA. Chiều dài đường trục là: 8,2km, loại dây AC 150. Pmax lộ: 5MW.

+ Lưới điện 22kV

 Hiện tại trên địa bàn huyện Yên Lạc, đường dây 22kV chiếm tỉ lệ nhỏ với tổng chiều dài 7,82km chiếm tỷ lệ 5,9% khối lượng đường dây trung thế. Hiện tại chỉ có 2 xã Đồng Văn và Tề Lỗ của huyện Yên Lạc được cấp bằng đường dây 22kV qua lộ 475 của trạm 110kV Vĩnh Tường. Cấp điện cho 14 trạm với tổng dung lượng là: 4.005KVA của huyện Yên Lạc. Chiều dài đường trục là: 6km, loại dây AC 185,70. Pmax lộ: 5,5MW

 + Lưới điện 10kV

Đường dây 10kV phát triển tương đối mạnh ở huyện Yên Lạc theo số liệu thống kê đường dây 10kV hiện có tổng chiều dài 81,4km chiếm 61,7% tổng khối lượng đường dây trung thế. Trong đó có 7,8km đã được xây dựng theo tiêu chuẩn 22kV chiếm tỷ lệ 9,6% tổng khối lượng đường dây 10kV. Lưới 10kV cấp điện cho huyện Yên Lạc bằng các lộ 971, 974 của trạm trung gian Tam Hồng, lộ 975 của trạm trung gian Hương Canh và lộ 971 của trạm trung gian Ngũ Kiên như sau:

Lộ 971- TG Tam Hồng: Chiều dài 24,6km, tiết diện đường trục AC95,70 cấp điện cho thị trấn Yên Lạc và các xã Trung Nguyên, Nguyệt Đức, Trung Kiên đấu liên hệ mạch vòng với lộ 975 của trung gian Hương Canh qua cầu dao CD1, cấp điện cho 24 trạm biến áp 10/0,4kV với tổng dung lượng 7.390KVA, Pmax lộ: 5,1MW.

Lộ 974- TG Tam Hồng: Chiều dài 25,9km, tiết diện đường trục AC120,95 cấp điện cho các xã phía nam của huyện Yên Lạc, cấp điện cho 52 trạm biến áp 10/0,4kV với tổng dung lượng 10.745KVA, Pmax lộ: 6,7MW.

Lộ 975- TG Hương Canh: Chiều dài 12,9km, tiết diện đường trục AC95 cấp điện cho các xã Đông Cương, Bình Định, Trung Nguyên của huyện Yên Lạc đấu liên hệ mạch vòng với lộ 971 của trạm trung gian Tam Hồng qua cầu dao CD1. Lộ 975 cấp điện cho 14 trạm biến áp 10/0,4kV với tổng dung lượng 4.020KVA, Pmax lộ: 2,7MW.

Lộ 971- TG Ngũ Kiên: Chiều dài 3,9km, tiết diện đường trục AC95 cấp điện cho huyện Vĩnh Tường và xã Đại Tự của Yên Lạc. Lộ 971 cấp điện cho 2 trạm biến áp 10/0,4kV của huyện Yên Lạc với tổng dung lượng 570KVA, Pmax lộ: 2MW. Mang tải các tuyến đường dây trung thế chính cấp điện cho huyện Yên Lạc xem bảng I.5.

Bảng I.5: Mang tải các đường dây trung thế chính cấp điện cho huyện.

TT

Tên Lộ

Loại dây- Tiết diện

Chiều dài đ­ường trục

Pmax (kW)

Số trạm hạ áp cấp cho H. Yên Lạc /Tổng(KVA)

I

Đư­ờng dây 35kV

 

 

 

 

1

Lộ 371 Trạm 110kV Vĩnh Yên

AC- 120,95

20,7

22,4

7/9.280

2

Lộ 372 Trạm 110kV Vĩnh Yên

AC- 120,95

22

19

6/16.960

3

Lộ 373 Trạm 110kV Vĩnh Yên

AC- 120,95

25

12,6

27/31.795

4

Lộ 371 Trạm 110kV Vĩnh Tư­ờng

AC- 120,95

13,8

12,0

15/34.590

6

Lộ 377 Trạm 110kV Vĩnh Tư­ờng

AC- 150

8,2

5,0

1/26.250

II

Đ­ường dây 22kV

 

 

 

 

1

Lộ475 Trạm 110kV Vĩnh Tư­ờng

AC- 95,70

6,0

5,5

14/4.005

III

Đư­ờng dây 10kV

 

 

 

 

 

Lộ971 Trung gian Tam Hồng

AC- 95,70

24,6

5,1

24/7.390

 

Lộ974 Trung gian Tam Hồng

AC- 120,95

25,9

6,7

52/10.745

 

Lộ975 Trung gian H­ương Canh

AC- 95

12,9

2,7

14/4.020

 

Lộ975 Trung gian Ngũ Kiên

AC- 95

3,9

2,0

2/570

Nguồn: Công ty điện lực Vĩnh Phúc, Điện lực Yên Lạc

+ Trạm biến áp phân phối

Huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 161 trạm biến áp phân phối với tổng công suất đặt 132.505kVA. Trong đó có 55 trạm 35/0,4kV với 79 máy với tổng dung lượng 105.775kVA. Các trạm 35/0,4kV chủ yếu là các trạm công nghiệp nên có công suất đặt lớn. Trạm 22/0,4kV có 14 trạm với 14 máy với tổng dung lượng 4.005kVA. Trạm 10/0,4kV có 92 trạm với 92 máy với tổng dung lượng 22.725kVA, trong đó có 14 trạm 10(22)/0,4kV với tổng dung lượng là 3.540kVA. Các trạm biến áp thường tập trung chủ yếu ở trung tâm các xã, nơi có đông dân cư tập trung.

+ Lưới điện hạ thế

Lưới điện hạ thế huyện Yên Lạc chủ yếu dùng cấp điện áp 380/220V, 3 pha 4 dây. Toàn huyện hiện có khoảng 236 km đường dây hạ thế trong đó ngành điện quản lý 125,32km. Lưới điện hạ thế phát triển đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, quản lý 13.838 công tơ trong đó có 1.502 công tơ 3 pha. Một số nơi đường dây hạ thế kéo quá dài đường dây cũ nát, chắp vá không tuân thủ theo quy chuẩn, dẫn đến tổn thất điện năng lớn.

I.2. Tình hình cung cấp và tiêu thụ điện hiện tại

Tổng điện năng thương phẩm năm 2011 của huyện Yên Lạc là 129,3 triệu kWh. Trong đó thành phần công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất là: 60% quản l‎ý và tiêu dùng dân cư chiếm 38,5%. Các thành phần khác chiếm tỷ trọng không đáng kể. Trong giai đoạn 2009- 2011 điện năng thương phẩm của huyện tăng khá cao bình quân đạt 29,2%/năm. Riêng giai đoạn 2010- 2011 tăng 38,3%. Bình quân điện năng thương phẩm tính theo đầu người của huyện năm 2011 đạt 863 kWh/người/năm. Cơ cấu tiêu thụ điện của huyện năm 2011cho trong bảng I.6.

Bảng I.6: Cơ cấu điện năng tiêu thụ huyện Yên Lạc năm 2011

TT

Thành phần

Điện năng (kWh)

Tỷ lệ

1

Công nghiệp & Xây dựng

77.573.594

60%

2

Nông, lâm, thủy sản

808.215

0,62%

3

Thương mại & Dịch vụ

371.194

0,29%

4

Quản lý & Tiêu dùng dân cư

49.766.721

38,5%

5

Các nhu cầu khác

794.767

0,61%

 

Tổng thương phẩm

129.314.491

100%

6

Tổn thất

14.432.486

10%

 

Điện nhận

143.746.977

 

Nguồn: Công ty điện lực Vĩnh Phúc

Diễn biến tiêu thụ điện của huyện Yên Lạc giai đoạn 2005- 2011 được thể hiện ở bảng I.7.

Bảng I.7: Diễn biến tiêu thụ điện huyện Yên Lạc năm 2005- 2011.

Nguồn: Công ty điện lực Vĩnh Phúc

 

I.3. Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch

Kết quả so sánh và đánh giá thực hiện so với quy hoạch được trình bày ở bảng I.8 như sau:

Bảng I.8. Kết quả so sánh thực hiện quy hoạch giai đoạn trước

Nhìn ở bảng trên cho thấy, điện năng thương phẩm của huyện Yên Lạc năm 2010 bằng 62,4% điện thương phẩm dự kiến theo quy hoạch. Nguyên nhân thấp chủ yếu là thành phần công nghiệp: KCN Yên Lạc, KCN Trung Nguyên lùi tiến độ xây dựng.

 Tiến độ trạm 110kV Yên Lạc vào chậm so với quy hoạch, khối lượng đường dây trung và hạ áp bằng 45,6% so với quy hoạch, tổng công suất trạm biến áp tiêu thụ bằng 184% so với quy hoạch.

I.4. Một số nhận xét đánh giá

+ Nguồn cấp điện: Hiện nay nguồn cấp cho huyện Yên Lạc bao gồm trạm 110 kV Vĩnh Yên và trạm 110kV Vĩnh Tường đang ở tình trạng đầy và quá tải. Với tốc độ tăng phụ tải như hiện nay của tỉnh huyện Vĩnh Tường, TP Vĩnh Yên và Yên Lạc thì với công suất của 2 trạm 110kV Vĩnh Yên và Vĩnh Tường như hiện nay thì không đảm bảo cho việc cấp điện cho huyện Yên Lạc trong tương lai.

 Theo quy hoạch Phát triển điện lực tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011- 2015 có xét đến 2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt sẽ xây dựng trạm 110/22kV Yên Lạc với quy mô công suất 2x40MVA để cung cấp cho huyện Yên Lạc. Theo tiến độ của quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2013 trạm 110kV Yên Lạc sẽ vào vận hành máy đầu tiên với quy mô 1x40MVA. Như vậy cho tới thời điểm này trạm 110kV Yên Lạc đang bị chậm tiến độ.

Vì vậy để đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng của huyện cũng như của khu vực việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm 110kV Yên lạc là việc làm cần thiết và cấp bách.

+ Lưới điện: Lộ 373 của trạm Vĩnh Yên là đường dây 35kV cấp điện chính cho huyện Yên Lạc thông qua các trạm 35/0,4kV và trạm trung gian Tam Hồng. Hiện tại đường dây 373 đang bị quá tải, mặc dù đã lắp tụ bù công suất phản kháng nhưng điện áp vẫn không ổn định, biên độ dao động lớn ảnh hưởng đến chất lượng điện năng. Trạm trung gian Tam Hồng hiện cũng bị quá tải. Lưới 10 kV đang đầy và quá tải ở các lộ 971 và 974 của trạm trung gian Tam Hồng do vậy trong tương lai lưới 10 kV cần có kế hoạch cải tạo nâng cấp thay dần bằng lưới 22 kV nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng và đảm bảo an toàn cấp điện cho huyện trong các năm tới.

Chi tiết kết quả tính toán tổn thất công suất, điện năng, điện áp các lộ đường dây chính cấp điện cho huyện hiện tại cho ở bảng I.9.

Bảng I.9. Kết quả tính tổn thất công suất, điện năng, điện áp lưới điện hiện tại

STT

Tên đường dây

Điện áp (kV)

P max (MW)

Tổn thất CS(%)

Tổn thất ĐN(%)

Tổn thất ĐA(%)

1

Lộ 373- 110kV Vĩnh Yên

35

19,3

6,23

5,1

5,2

2

Lộ 377- 110kV Vĩnh Tư­ờng

35

5,0

1,2

2,3

1,5

3

Lộ 975- TG H­ương Canh

10

2,9

3,3

3,7

4,4

4

Lộ 971- TG Tam Hồng

10

5,4

5,2

5,1

5,3

5

Lộ 974- TG Tam Hồng

10

7,1

6,7

6,5

6,2

+ Trạm biến áp phân phối: Theo số liệu thống kê cho thấy hiện tại còn nhiều trạm biến áp phân phối còn ở tình trạng non tải, chủ yếu tập trung ở các trạm biến áp của khách hàng. Vì công suất đặt của các trạm khách hàng là tương đối lớn, mặt khác phụ tải của các trạm vẫn còn thấp và chưa vào hết công suất. Tuy vậy một số trạm biến áp của ngành điện lại bị quá tải vào giờ cao điểm như: Báo Văn, Hùng Vỹ 2, Văn tiến 2, Trung Kiên 4, Nhật Tiến... điều đó dẫn đến tỷ lệ tổn thất tăng và việc sa thải phụ tải vào những giờ cao điểm vẫn còn mặc dù lưới điện phân phối đã phủ kín trên địa bàn toàn huyện.

+ Tổn thất điện năng: Tổn thất điện năng của huyện đã giảm dần. Theo số liệu thống kê của Công ty điện lực Vĩnh Phúc tổn thất điện năng của huyện Yên Lạc giảm dần. Năm 2007 tổn thất điện năng của huyện là 5,09% thì đến 2010 giảm xuống còn 4,36%. Tuy nhiên đến năm 2011 tổn thất lại tăng lên là 10% do Điện lực Yên Lạc tiếp nhận lưới điện nông thôn.

Để giảm và đạt được tỷ lệ tổn thất điện năng như trên Điện lực Yên Lạc đã áp dụng nhiều biện pháp chống tổn thất như:

- Luôn duy trì chế độ điện áp đầu nguồn, điều chỉnh các nấc phân áp tại các máy biến áp phân phối để giảm bớt tổn thất truyền tải trên lưới trung thế và nâng chất lượng điện áp phía 0,4kV để phục vụ khách hàng.

- Thường xuyên kiểm tra lưới điện để kịp thời phát hiện những nguy cơ gây sự cố, và có các phương án khắc phục kịp thời.

- Tiến hành thí nghiệm định kỳ các thiết bị theo quy định, đúng thời gian đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành.

- Thường xuyên kiểm tra công suất phụ tải, kịp thời cân pha trên lưới, vệ sinh công nghiệp các mối nối, mối tiếp xúc.

- Chuyển đổi máy biến áp giữa các trạm cho phù hợp với công suất.

- Kiểm tra sự sử dụng điện của khách hàng để tránh các hiện tượng lấy cắp điện, kiểm định thay thế công tơ định kì.

- Tiến hành công tác bàn giao lưới điện trung áp nông thôn cho ngành điện và chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn.

 + Về tình hình sự cố: Trong những năm qua Điện lực Yên Lạc đã rất cố gắng trong công tác quản lý vận hành hệ thống lưới điện như thường xuyên kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất lưới điện để kịp thời phát hiện những nguy cơ gây sự cố để có phương án khắc phục kịp thời đảm bảo an toàn cấp điện cho các hộ phụ tải đến mức tối đa. Tuy nhiên khu vực Yên Lạc là một trong những khu vực có mật độ sét lớn nhất tỉnh Vĩnh Phúc nên khi trời mưa giông có sét đánh xảy ra nhiều sự cố thoáng qua trên đường dây, mặt khác khi xảy ra sự cố do ý thức kém của một số bộ phận người dân trên địa bàn không phối hợp tạo điều kiện cho Điện lực kịp thời giải phóng cây trong và ngoài hành lang an toàn lưới điện . Trong năm 2011 lưới điện trung thế do Điện lực Yên Lạc quản lý có 47 sự cố thoáng qua và 12 sự cố vĩnh cửu.

+ Đánh giá hiện trạng quản lý lưới điện hạ thế: Trong những năm gần đây Điện Yên Lạc đã thực hiện nhiều biện pháp chống tổn thất điện năng trên lưới hạ thế, tiến hành cải tạo và nâng cấp các đường dây hạ thế cũ nát tiết diện nhỏ, giảm bán kính cấp điện và tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên lưới hạ thế do các xã quản lý vẫn còn tồn tại nhiều bất cập: Vẫn còn nhiều tuyến đường dây cũ, chắp vá, thường kéo dài tùy tiện, không tuân thủ theo quy chuẩn, tiết diện nhỏ chủ yếu AC- 16, 25, 35 nên thường gây quá tải tổn thất điện áp, điện năng lớn. Kinh phí sửa chữa hạn hẹp nên không đảm bảo cấp điện an toàn và đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt và cho sản xuất của nhân dân. Theo chủ trương của Bộ Công Thương hiện nay Điện Lực Yên Lạc đang thực hiện việc tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn để bán lẻ trực tiếp đến hộ gia đình theo giá quy định của Chính phủ. Tuy nhiên hiện nay số lượng các xã đã bàn giao chưa nhiều. Tính đến hết năm 2011 Điện lực Yên Lạc mới tiếp nhận được 5/14 xã, thị trấn trong huyện

Hiện nay 100% số hộ của huyện đã được sử dụng điện lưới. Giá bán điện trung bình của huyện là: 913đ/kWh.

Chương II

ĐẶC ĐIỂM CHUNG VÀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

II.1. Đặc điểm tự nhiên

1. Vị trí địa lý

Yên Lạc là huyện đồng bằng, phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc. Diện tích tự nhiên là 107,7 km2(Theo điều tra năm 2010), chiếm 7,8% tổng diện tích tự nhiên tỉnh Vĩnh Phúc. Phía Bắc, Yên Lạc giáp thành phố Vĩnh Yên và huyện Tam Dương, phía Tây giáp huyện Vĩnh Tường, phía Đông giáp huyện Bình Xuyên và Mê Linh (Hà Nội), phía Nam là Sông Hồng.

Yên Lạc tiếp giáp với các thị xã và huyện có tốc độ tăng trưởng nhanh, là động lực phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc (Thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, Bình Xuyên), đặc biệt liền kề thành phố Hà Nội. Vị trí địa lý này tạo cho Yên Lạc lợi thế phát triển những sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao, đồng thời phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh nhằm thu hút khách từ thị trường tiêu dùng Hà Nội rộng lớn

2. Hành chính

Huyện Yên Lạc có 16 xã và 1 thị trấn, Dân số tính đến tháng 12 năm 2011 của toàn huyện là 148899 người với mật độ dân số là 1383 người/km2.

Diện tích, dân số và mật độ dân số của các xã, thị trấn cho trong bảng II.1.

3. Địa hình

Địa hình Yên Lạc tương đối bằng phẳng. Độ dốc trung bình từ 3- 5 độ, nghiêng dần từ Bắc xuống Nam. Có một số xã vùng trũng. Nhìn chung, địa hình của huyện rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và Thủy sản. Có 6 xã phía Nam ven Sông Hồng thường xuyên lũ lụt ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Bảng II.1: Diện tích và dân số các xã đến 31/12/2011

tt

Tên Xã

Diện tích
(km2)

Dân số
(ngư­ời)

Mật độ dân số
(ngư­ời/km2)

1

TT Yên Lạc

7.86

13832

1760

2

Tề Lỗ

4.12

7742

1879

3

Trung Nguyên

7.19

10001

1391

4

Đồng Văn

7.01

11289

1610

5

Bình Định

7.63

8830

1157

6

Đồng C­­ương

6.82

7559

1108

7

Tam Hồng

9.14

14207

1554

8

Yên Đồng

7.64

10287

1346

9

Liên Châu

8.5

8470

996

10

Đại Tự

8.98

9530

1061

11

Yên Phư­­ơng

5.27

8530

1619

12

Hồng Ph­­ương

3.2

3875

1211

13

Hồng Châu

5.18

7345

1418

14

Trung Hà

3.57

7351

2059

15

Trung Kiên

4.35

6694

1539

16

Nguyệt Đức

6.49

7453

1148

17

Văn Tiến

4.75

5904

1243

 

Tổng số

107.7

148899

1383

 

 

 

 

 

4. Khí hậu thời tiết

Nằm trong vùng Đồng bằng Sông Hồng, huyện Yên Lạc mang đầy đủ đặc điểm khí hậu của vùng với những nét đặc trưng là nhiệt đới gió mùa. Một số đặc điểm về khí hậu của huyện (đo tại Trạm Vĩnh Yên ) như sau:

- Nhiệt độ trung bình hàng năm: 24,9oC, trong đó, cao nhất là 29,8oC (tháng 6) và nhiệt độ thấp nhất là 16,6oC (tháng 1).

- Độ ẩm trung bình trong năm là 82- 84%, trong đó, tháng cao nhất (tháng 8) là 85%, tháng thấp nhất (tháng 12 ) là 73- 74%.

- Lượng mưa trung bình hàng năm là 1300- 1400mm. trong đó, tập trung vào tháng 8 hàng năm và thấp nhất là tháng 11. Tổng số giờ nắng trong năm: 1000- 1700 giờ

Khí hậu có hai mùa rõ rệt, độ ẩm cao, mưa nhiều, thuận lợi cho phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới và một số loại cây ôn đới chất lượng cao.

5. Đất đai- thổ nhưỡng

Đất đai Yên Lạc đã được sử dụng vào các mục đích khác nhau. Bình quân giai đoạn 2005- 2010, đất nông nghiệp chiếm 65,38%, đất chưa sử dụng và sử dụng vào mục đích khác chỉ có 687,5 ha, chiếm 6,36% tổng diện tích. Với diện tích nhỏ, dân số đông, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người rất thấp, khoảng 537m2/người và 1.146 m2/lao động nông nghiệp. Phần lớn đất của Yên Lạc là đất phù sa sông Hồng, độ phì cao, thích hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây lương thực, rau, đậu và cây ăn quả.

Hệ số sử dụng đất nông nghiệp của Yên Lạc rất cao, đạt 2,4 lần trong thời kỳ 2005- 2009. Trong điều kiện hiện tại, việc nâng cao hơn nữa hệ số sử dụng đất nông nghiệp không dễ dàng. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gia tăng kết quả sản xuất nông nghiệp cần thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đưa vào sử dụng những loại giống cây trồng và vật nuôi mới có giá trị và năng suất cao.

6. Tài nguyên khoáng sản:

Cho đến nay trên địa bàn huyện chưa phát hiện được loại tài nguyên, khoáng sản kim loại gì. Tài nguyên đáng kể nhất là đất sét chất lượng tốt làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra huyện có nguồn nước mặt phong phú gồm nguồn nước từ sông Hồng và các ao, đầm phân bố rải rác khắp các xã trong huyện. Nguồn nước ngầm của huyện cũng phong phú, chất lượng tốt.

7. Danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa

Yên Lạc không nhiều danh lam thắng cảnh nhưng lại có những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng.

Tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử và nhân văn khá phong phú. Trên địa bàn huyện có 65 di tích lịch sử văn hóa được nhà nước xếp hạng, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia. Những di tích nổi tiếng có ý nghĩa lớn đối với phát triển du lịch và các hoạt động văn hóa là khu di chỉ văn hóa Đồng Đậu (bằng chứng về người Việt cổ thời kì hậu đồ đá ở Việt Nam), đền Bắc Cung thờ Đức Thánh Tản Viên, đền thờ trạng nguyên Phạm Công Bình.

Một số di tích lịch sử trên địa bàn huyện khi được trùng tu tôn tạo sẽ trở thành các địa điểm du lịch hấp dẫn.

II.2. Hiện trạng kinh tế - xã hội

Từ khi được tái lập (năm 1996) huyện Yên Lạc đã có những bước phát triển khá nhanh và toàn diện đặc biệt là từ năm 2000 trở lại đây. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế, nhưng tăng trưởng giá trị sản xuất của huyện vẫn cao và vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2006- 2010 đạt 15%/năm, giai đoạn 2010- 2011 tăng 24,4%. Tăng trưởng kinh tế cao nên giá trị sản xuất bình quân đầu người của huyện không ngừng gia tăng theo thời gian. Nếu năm 2005 giá trị sản xuất trên đầu người chỉ đạt 4,5 triệu đồng/người (giá cố định 1994) thì năm 2010 đã là 8,9 triệu đồng/người và năm 2011 là 11 triệu đồng/người , tăng gần gấp 2,5 lần so với năm 2005. Tăng trưởng kinh tế cao, liên tục là cơ sở để huyện đầu tư phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới theo hướng văn minh hiện đại.

Về thực trạng sản xuất kinh doanh của một số lĩnh vực kinh tế- xã hội chủ yếu của huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc như sau:

1. Nông nghiệp - Thủy sản

Trong những năm qua sản xuất nông nghiệp Thủy sản phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng GTSX của ngành đạt 5,2%/năm trong giai đoạn 2005- 2010 và 8,8% trong giai đoạn 2010- 2011.

+ Ngành trồng trọt: Trồng trọt của Yên Lạc khá đa dạng. Các loại cây trồng chính gồm cây lương thực (chủ yếu là lúa, ngô), rau đậu thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, đậu tương), cây ăn quả và một số cây dài ngày khác. GTSX của ngành trồng trọt năm 2011 chiếm 55,2% trong tổng GTSX toàn ngành nông nghiệp.

 Tổng diện tích gieo trồng của huyện năm 2005 đạt 15.590 ha trong đó diện tích gieo trồng cây lương thực là 12.358 ha (chiếm 79%), đến năm 2010 tổng diện tích gieo trồng của huyện là 16.845 ha trong đó diện tích gieo trồng cây lương thực là 12.816 ha(chiếm 76%) đến 2011 tổng diện tích gieo trồng của huyện là 16.331 ha trong đó diện tích gieo trồng cây lương thực là 12.528 ha (chiếm 76,7). Tổng sản lượng lương thực quy thóc năm 2005 đạt 67 ngàn tấn, bình quân lương thực trên đầu người 459kg/người, đến 2011 tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 75,89 ngàn tấn, bình quân lương thực trên đầu người đạt 509kg/người.

Quy hoạch đưa vào sản xuất 41 vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích 1055,3ha, đã triển khai 36 vùng với diện tích 952ha. Các vùng trồng trọt tập trung chuyên canh như: vùng sản xuất lúa tập trung và luân canh cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, đậu tương) ở các xã vùng giữa, vùng sản xuất rau đậu ở các xã vùng phía Bắc; vùng cây dài ngày (dâu tằm, cây ăn quả) và luân canh rau, đậu ở các xã vùng bãi phía Nam. Trong vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa tập trung tiến hành gieo trồng một số giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt như: TBR- 1, HT1, khoai tây Nicolai, đậu tương DT96. Năng suất cây trồng hàng năm đều tăng, năng suất lúa đạt cao nhất từ trước đến nay (lúa 64tạ/ha, ngô 50 tạ/ha).

+ Ngành chăn nuôi: Chăn nuôi của Yên Lạc tăng trưởng khá, phát triển cả về số lượng và chất lượng. GTSX của ngành chăn nuôi năm 2011 chiếm 38,7% trong tổng GTSX toàn ngành nông nghiệp.

Trong những năm gần đây đàn gia súc gia cầm, phát triển mạnh. Năm 2011 tổng đàn trâu bò là 10,2 ngàn con, đàn lợn là 50,2 ngàn con, đàn gia cầm 711 ngàn con. Chăn nuôi đã từng bước được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.

Chăn nuôi ở Yên Lạc chủ yếu là chăn nuôi lấy thịt, trứng. Mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư đang giảm dần, chủ yếu tố chức chăn nuôi tại các trang trại. Đã quy hoạch nhiều khu chăn nuôi tập trung xa dân cư ở Tam Hồng, Tề Lỗ, Hồng Châu, Liên Châu, Nguyệt Đức, Văn Tiến và Đại Tự. Phát triển mô hình chăn nuôi công nghiệp (trang trại chăn nuôi kết hợp), đạt hiệu quả kinh tế cao. Chương trình “Nạc hóa đàn lợn và sind hóa đàn bò” và nuôi các giống gà siêu thịt đã được triển khai rộng.

+ Dịch vụ nông nghiệp: GTSX ngành dịch vụ sản xuất nông nghiệp chiếm 22,6% trong tổng GTSX của ngành nông nghiệp năm 2011. Mạng lưới tổ chức dịch vụ nông nghiệp của huyện phát triển khá tốt, bao gồm: một trạm khuyến nông huyện, một trạm bảo vệ thực vật, một trạm thú y, một xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi và 17 HTX nông nghiệp làm dịch vụ thủy nông, bảo vệ thực vật, cung ứng giống và vật tư nông nghiệp.

Dịch vụ nông nghiệp phát huy tốt vai trò phục vụ nông nghiệp như đảm bảo tưới, tiêu, làm đất, cung ứng giống cây trồng, phòng chống dịch bệnh thực vật và gia súc gia cầm, khuyến nông, khuyến ngư và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Toàn huyện đã có hệ thống bảo vệ thực vật từ huyện xuống xã làm nhiệm vụ dự báo sâu bệnh, có hệ thống dịch vụ vật tư - kỹ thuật đến thôn xóm, từng bước thực hiện cơ giới hóa các công việc nặng nhọc như làm đất (từ 30- 40% diện tích được làm đất bằng cơ giới), vận chuyển (đạt 40- 50% khối lượng) và 100% công việc tuốt lúa, xây xát được cơ giới hóa.

+ Về Thủy sản: Tổng diện tích nuôi trồng Thủy sản của huyện Yên Lạc năm 2011 là 1344,7 ha. Sản lượng cá tôm nuôi đạt 5581,5 tấn, sản lượng Thủy sản khai thác đạt 1200 tấn. GTSX ngành Thủy sản chiếm 12,4% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp Thủy sản. Tuy nhiên nuôi trồng Thủy sản của huyện vẫn mang tính quảng canh nên năng suất thấp, giá trị hàng hóa chưa cao, hầu hết các hộ còn nuôi Thủy sản theo kiểu gia đình, quy mô nhỏ (phổ biến trung bình là 1 ha/hộ), chủng loại sản phẩm đơn điệu, giá trị thấp, chưa phát triển được nhiều mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

2. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng

Ngành CN-TTCN đóng góp ngày càng nhiều và có vị thế ngày càng cao trong phát triển kinh tế của huyện. Mặc dù tỷ trọng công nghiệp của huyện so toàn tỉnh không lớn, song với tốc độ tăng trưởng cao, ngành CN-TTCN huyện Yên Lạc đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thu hút một lực lượng lao động đông đảo, đảm bảo mức thu nhập cho người lao động và cải thiện đời sống nhân dân trong huyện. Tốc độ tăng giá trị sản xuất CN&XD đạt 23,2% trong giai đoạn 2006- 2010 đạt 656,8 tỷ đồng(theo giá cố định 94) năm 2010 và 857,2 tỷ đồng năm 2011 tăng 30,5% trong giai đoạn 2010- 2011.

Trong quá trình CNH HĐH nông nghiệp và nông thôn huyện Yên Lạc, ngành xây dựng luôn tăng trưởng với tốc độ cao và chiến tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành CN&XD. Bình quân giai đoạn 2006- 2010, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất xây dựng là 25,6%, lớn hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất CN&XD (21,5%). Xét theo cơ cấu, tỷ trọng của xây dựng luôn tăng lên. Nếu năm 2005, xây dựng chỉ chiếm 44,9% trong tổng giá trị sản xuất CN&XD thì năm 2010 đã chiếm 49,6% và năm 2011 là 49,1%.

Các hoạt động sản xuất công nghiệp chủ yếu thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, tái chế bao gồm chế biến lương thực thực phẩm, đồ gỗ, các sản phẩm chế biến kim loại, sản phẩm dệt may…ngành sản xuất vật liệu xây dựng và sản phẩm chế biến là các mặt hàng có sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ lớn. Một số ngành và sản phẩm CN-TTCN chủ yếu như sau:

+ Ngành chế biến gỗ, đồ mộc dân dụng và các sản phẩm từ gỗ, tre. Nhóm này có sản phẩm đa dạng, mẫu mã phong phú, trình độ khá tinh xảo.

+ Tái chế phế liệu và sản xuất phôi sắt, sản phẩm kim khí tiêu dùng (khung cửa sắt các loại). Tái chế sắt thép phế liệu để sản xuất phôi sắt và các sản phẩm từ sắt (cửa sắt, đồ dùng tôn, sắt tây…) là ngành mới hình thành và phát triển rất nhanh.

+ Sản xuất vật liệu xây dựng (gạch xây), chủ yếu là gạch tuynen với tổng công suất hơn 100 triệu viên/năm.

+ Chế biến lương thực thực phẩm. Đây là ngành sản xuất truyền thống của huyện với các loại sản phẩm xây xát, làm bún, bánh, đậu phụ, rượu…

Trên địa bàn huyện đã hình thành các cụm công nghiệp, làng nghề. Có 8 trong số 17 xã và thị trấn triển khai quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp và làng nghề. Xã Tề Lỗ và thị trấn Yên Lạc đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Có 5 làng được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống gồm: làng nghề mộc truyền thống Lũng Hạ xã Yên Phương, làng nghề mộc truyền thống Vĩnh Đoài, làng nghề mộc truyền thống Vĩnh Đông thị trấn Yên Lạc, làng chế biến tơ Tảo Phú, xã Tam Hồng, làng nghề chế biến bông vải sợi Thôn Gia xã Yên Đồng.

Một số cụm công nghiệp làng nghề tập trung như sau:

+ Cụm Tề Lỗ. Chuyên môn hóa các sản phẩm phôi sắt, sản phẩm cơ kim khí gia dụng. Sản phẩm chủ yếu là sắt phôi.

+ Cụm thị trấn Yên Lạc. Hướng chuyên môn hóa chính của cụm là đồ gỗ gia dụng, chế biến nông sản.

+ Cụm Đồng Văn. Các ngành sản xuất chính là tái chế kim loại, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, cơ khí…Đặc biệt tại CCN Đồng văn hiện có nhà máy thép đặc biệt thuộc Công ty CPCN Việt Nam đang bước đầu đi vào sản xuất với quy mô 10.000 tấn thép/năm.

+ Làng nghề Yên Đồng. Nghề thủ công chính là tái chế sợi và sản xuất chăn bông sợi.

+ Làng nghề Lũng Hạ (xã Yên Phương). Ngành nghề chính là trạm khảm, đồ gỗ mỹ nghệ…

3. Dịch vụ - Thương mại

Các ngành dịch vụ (thương mại, dịch vụ và du lịch) tuy chiếm tỷ trọng nhỏ nhất trong tổng giá trị sản xuất của huyện, nhưng tốc độ tăng trưởng cao và liên tục đã góp phần quan trọng đưa tổng giá trị sản xuất của huyện tăng cao. Trong giai đoạn 2005 – 2010 tốc độ tăng trưởng GTSX bình quân toàn ngành đạt 17,7%/năm. Tổng giá trị sản xuất của toàn ngành năm 2010 đạt 268,6 tỷ đồng (giá 94), và năm 2011 đạt 355 tỷ đồng. Năm 2011, ngành dịch vụ chiếm 67,8% trong tổng giá trị sản xuất thương mại dịch vụ, ngành thương mại chiếm 32,2%.

Toàn huyện có 2.710 hộ kinh doanh thương mại, 986 hộ dịch vụ, trong tổng số 5.889 hộ sản xuất kinh doanh các thể. Huyện đã đầu tư cải tạo, nâng cấp các chợ, quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại huyện, các thị tứ trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thương mại dịch vụ.

Thị trấn có chợ trung tâm và các cửa hàng tổng hợp với chủng loại hàng hóa khá đa dạng, phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Các hợp tác xã đều làm công tác dịch vụ hàng hóa vật tư nông nghiệp và giúp tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Các xã đều có chợ nhỏ phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân địa phương. Hiện có 4 chợ đóng vai trò chợ liên xã gồm: chợ Lầm (xã Tam Hồng), chợ Lác (xã Tề Lỗ), chợ Lồ (xã Nguyệt Đức) và chợ Rau (xã Liên Châu). Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của các chợ còn thiếu và lạc hậu, không có hệ thống cấp nước sạch, thoát nước, các công trình vệ sinh công cộng và xử lý rác thải. Các xã chưa có chợ là xã Trung Hà, Bình Định, Đồng Cương.

4. Cơ sở hạ tầng:

+ Hệ thống giao thông: Yên Lạc có mạng lưới giao thông phát triển cả về đường bộ và đường sông: Đường bộ có quốc lộ 2, và 3 tuyến tỉnh lộ chạy qua cùng với 17 tuyến đường huyện xã được phân bố khá hợp l‎ý với tổng chiều dài là 192,6km. Hệ thống đường giao thông trong huyện đã được nâng cấp cải tạo, 95% các tuyến đường đổ bê tông hoặc nhựa theo tiêu chuẩn của nhà nước. Đường liên xã, liên thôn với tổng chiều dài đường là 138,9 km. Hầu hết đường liên xã, liên thôn và đường ngõ xóm đã được bê tông hóa hoặc lát gạch, tất cả các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã.

Giao thông đường thủy có vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa của huyện với 18 km sông Hồng chảy qua địa phận huyện được sử dụng làm tuyến giao thông thủy, đóng vai trò quan trọng trong việc giao lưu giữa Yên Lạc với bên ngoài. Các sản phẩm hàng hóa có trọng tải và khối lượng lớn như vật liệu xây dựng (xi măng, sắt, sỏi, đá) gỗ, than…thường được vận chuyển theo đường thủy

Có 2 bến cảng trên Sông Hồng chủ yếu dùng để tiếp nhận hàng hóa là bến Trung Hà (chủ yếu vận chuyển gỗ) và bến Hồng Châu (chủ yếu dùng cho vật liệu xây dựng cát, sỏi).

+ Bưu chính viễn thông: Trên địa bàn huyện có bưu cục trung tâm tại thị trấn huyện lỵ và tất cả 16 xã đều có điểm bưu điện văn hóa xã (100%). Số máy điện thoại tăng nhanh, mật độ bình quân 51 máy/100dân.100% các xã, thị trấn có bưu điện văn hóa. Tổng giá trị dịch vụ bưu chính viễn thông năm 2011đạt 31,6 tỷ đồng tăng gấp 2,2 lần so với năm 2005

 + Thủy lợi: Nằm bên sông Hồng nên nguồn nước tưới trên địa bàn huyện khá phong phú và ổn định. Hệ thống thủy lợi của huyện gồm mạng lưới kênh mương cùng với hệ thống trạm bơm tưới, tiêu về cơ bản đáp ứng yêu cầu thâm canh 2 vụ lúa, 1 vụ đông và nuôi trồng Thủy sản.

Hệ thống các trạm bơm và kênh mương hiện nay có khả năng phục vụ tưới cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của huyện. Tuy vậy, nhiều trạm bơm và hệ thống công trình cầu cống đã xây dựng từ lâu, đáy kênh bị bồi lấp, các thông số kỹ thuật không còn phù hợp, máy móc đã xuống cấp, khoảng 200 km (trên 70%) kênh tưới chưa được cứng hóa, nên khả năng đảm bảo nước tưới cho sản xuất còn bị hạn chế, tỷ lệ thất thoát cao.

 + Hệ thống cấp điện: Đến nay tất cả 17 xã và thị trấn đều có điện và 100% số hộ được dùng điện. Huyện được cấp điện từ lưới điện quốc gia. Hệ thống cấp điện bao gồm 1 trạm trung gian và 161 trạm biến áp khu vực với tổng công suất 132.505 KVA. Tổng chiều dài đường dây trung thế là 131,9 km. Tổng chiều dài đường dây hạ thế là 236 km. Trên cơ sở quy hoạch lưới điện nông thôn trên địa bàn đã được phê duyệt, đã đầu tư chuẩn hóa lưới điện thông qua chương trình điện REII, nâng cấp cải tạo, thay thế từ dây trần bằng nhôm sang bằng dây dẫn bọc cáp vặn xoắn.

+ Cấp nước sinh hoạt: Khu vực thị trấn có trạm cấp nước sạch tập trung, công suất 3.000m3/ngày đêm. Trạm cấp nước sạch tập trung cung cấp nước sạch cho khu trung tâm huyện và vùng lân cận. Các xã chưa có trạm cấp nước sạch tập trung. Hiện nay các công trình cấp nước sạch sinh hoạt tập trung tại các xã Trung Kiên, Trung Hà, Đại Tự, Hồng Phương đã và đang được nghiên cứu và xác định địa điểm theo đề án về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn của sở NN& PTNT .

5. Hoạt động văn hóa - xã hội:

+ Giáo dục và đào tạo: Sự nghiệp giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển toàn diện và vững chắc. Quy mô trư­ờng lớp của các cấp học khá ổn định, tỷ lệ học sinh đến trường đạt mức cao. Tỷ lệ học sinh đến trường ở các lớp học đầu cấp đạt cao, trong đó nhà trẻ 55,8%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,8%. Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%. Trên 80% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 phổ thông. Huyện đã phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS được duy trì ổn định. Cơ sở vật chất đ­ược bổ sung, tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Số phòng học kiên cố đạt tỷ lệ 72,7%. 84,5% số trường đạt chuẩn quốc gia (49/58 trường), trong đó có 3 trường đạt chuẩn mức 2. Huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất tỉnh. Yên Lạc đang triển khai xây dựng 3 trường chất lượng cao. Khối THPT có 1 trường đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, phẩm chất chính trị vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu được giao.

Khó khăn hạn chế trong phát triển giáo dục huyện Yên Lạc hiện nay là: phòng học chức năng còn thiếu, thu nhập và đời sống đội ngũ giáo viên thấp.

+ Y Tế: Sự nghiệp y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được củng cố, nâng cao chất lượng và ngày càng phát triển. Huyện đã làm tốt công tác y tế dự phòng, quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 Yên Lạc hiện có một bệnh viện đa khoa khá hiện đại và một trung tâm y tế. Mười sáu xã và 1 thị trấn đều có trạm y tế. Tỷ lệ bác sỹ/vạn dân là 3. Tất cả các xã và thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Huyện luôn quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế theo hướng hiện đại. 100% trạm y tế các xã, thị trấn đã được đầu tư xây dựng kiên cố. Bệnh viện huyện quy mô 120 giường và đạt 15,9 giường bệnh/vạn dân, đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng III. 100% trạm y tế xã, thị trấn được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị y tế thiết yếu, một số trang thiết bị có chất lượng cao như: máy khí dung, máy châm cứu đa năng, máy siêu âm…đảm bảo tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngoài ra trên địa bàn Yên Lạc còn có 25 cơ sở hành nghề y d­ược tư nhân, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân­ dân trên địa bàn.

Các đơn vị y tế trên địa bàn phối hợp chặt chẽ và làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng dịch. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu y tế Quốc gia. Công tác phòng dịch, vệ sinh môi tr­ường an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện được thực hiện thường xuyên.

+Văn hóa- thể thao: Các hoạt động văn hóa thể thao có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển mạnh, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của huyện Yên Lạc. Hoạt động văn hóa cộng đồng, lễ hội truyền thống được duy trì, hoạt động thể dục thể thao quần chúng được tổ chức thường xuyên và phát triển rộng khắp. Các thiết chế thể thao, văn hóa đã được quan tâm đầu tư và đi vào hoạt động nề nếp. Đến năm 2010, có 15/17 xã, thị trấn có nhà văn hóa xã, 116/162 nhà văn hóa thôn. Cơ sở vật chất trang thiết bị trong các nhà văn hóa được cải thiện từng bước. Phong trào vận động xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hóa mới luôn được duy trì và chú trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh và nâng dần chất lượng. Nhân dân Yên Lạc chấp hành tốt chủ trương, chính sách, tích cực tham gia các phong trào của địa phương, giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng cuộc sống gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Đã có 91% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Có 76 trong 83 làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, chiếm 91,6%. 100% cơ quan đạt tiêu chuẩn “Cơ quan văn hóa”

Huyện có Trung tâm văn hóa thể thao huyện, 2 sân tennis, nhà luyện tập và thi đấu các môn thể dục thể thao, nhà luyện tập và thi đấu bắn súng. Sân vận động huyện diện tích 17.000m2. Phong trào thể dục thể thao phát triển rộng khắp trong nhân dân và phong trào thể thao thành tích cao của huyện cũng từng bước phát triển.

II.3. Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội

Căn cứ vào Báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Lạc đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, kế hoạch phát triển KT-XH huyện Yên Lạc giai đoạn 5 năm 2011- 2015. Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Lạc đến năm 2020 như sau:

II.3.1 Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020

1. Quan điểm phát triển:

+ Quy hoạch phát triển KT-XH huyện phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh Vĩnh Phúc, của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, quy hoạch vùng đồng bằng Sông Hồng và những đặc điểm riêng của huyện.

+ Quy hoạch phát triển KT-XH huyện Yên Lạc phải phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, hiệu quả và bền vững.

+ Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH tạo tiền đề vững chắc cho phát triển.

+ Kết hợp kinh tế với quốc phòng, phát triển kinh tế đi đôi với việc giữ vững ổn định chính trị xã hội.

+ Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH huyện Yên Lạc phải trên quan điểm đảm bảo hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội và môi trường sinh thái.

+ Phát triển KT-XH trên địa bàn phải dựa trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng của mọi cá nhân, thành phần kinh tế trên địa bàn, đồng thời tăng cường quan hệ và thu hút mọi nguồn lực từ bên ngoài để phát triển.

2. Phương hướng và mục tiêu phát triển:

 +Phương hướng phát triển KT-XH đến năm 2020

Đẩy mạnh CNH HĐH nông nghiệp nông thôn. Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp hàng hóa. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách hợp lý. Đẩy mạnh các hoạt động sản xuất công nghiệp một cách có chọn lọc đối với các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, không gây ô nhiễm và ngành công nghiệp truyền thống của huyện. Phát triển mạnh các ngành thương mại dịch vụ, đặc biệt các ngành dịch vụ cao cấp trên địa bàn như dịch vụ ngân hàng, bưu chính viễn thông…Giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái. Phát triển các hoạt động du lịch, đặc biệt loại hình du lịch sinh thái, du lịch lịch sử và nghỉ dưỡng

Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ. Cải tạo và hiện đại hóa hệ thống giao thông nội huyện. Đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Chỉnh trang, mở rộng và xây dựng mới các công trình giáo dục đào tạo và y tế nhằm đáp ứng tốt nhu cầu nhân dân. Ưu tiên đầu tư cho các cơ sở giáo dục phổ thông và dạy nghề chất lượng cao.

Huy động và khai thác tối đa các nguồn lực, trước hết là nội lực. Có chính sách hợp lý để huy động các nguồn lực trong dân, bao gồm cả vốn đầu tư và nhân lực. Tranh thủ tối đa mọi nguồn lực đầu tư của Nhà nước, Tỉnh và liên doanh liên kết quốc tế và trong nước.

Gắn phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái. Giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Tăng cường quốc phòng và an ninh, kiềm chế và từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn.

+ Mục tiêu tổng quát đến năm 2020

Phấn đấu đến năm 2020, Yên Lạc cơ bản trở thành huyện công nghiệp- dịch vụ- nông nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đào tạo lực lượng lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu địa phương. Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Xây dựng Yên Lạc thành huyện có an ninh quốc phòng vững chắc, chính trị ổn định, trật tự xã hội đảm bảo.

+ Lựa chọn phương án phát triển và xác định cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện Yên Lạc đến năm 2020

Căn cứ vào các mục tiêu nêu trên, quy hoạch dự kiến 3 phương án phát triển, như thể hiện trong bảng II.3.

Ba phương án tăng trưởng giá trị sản xuất, trong 3 thời kỳ, nhìn chung đều có tốc độ tăng trưởng giảm dần theo thời gian. Tốc độ tăng trưởng của khu vực CN&XD thường lớn hơn các khu vực còn lại do đầu tư xây dựng lớn.

Bảng II- 3: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2011- 2020

Đơn vị tính: %

 

BQ 2006- 2010

2011- 2015

2016- 2020

PHƯƠNG ÁN THẤP

 

 

 

Công nghiệp - Xây dựng

21,6

19,66

17,32

Nông - Lâm - Thủy sản

5,2

3,72

4,20

Thương mại- Dịch vụ

17,2

17,62

19,48

CHUNG

14,2

15,14

15,87

P ÁN TRUNG BÌNH

 

 

 

Công nghiệp- Xây dựng

21.6

21,09

18,45

Nông - Lâm - Thủy sản

5,2

4,43

3,73

Thương mại- Dịch vụ

17,2

19,07

21,92

CHUNG

14,2

16,42

17,21

PHƯƠNG ÁN CAO

 

 

 

Công nghiệp- Xây dựng

21,6

22,03

20,29

Nông - Lâm - Thủy sản

5,2

4,43

4,74

Thương mại- Dịch vụ

17,2

20,10

21,03

CHUNG

14,2

17,19

18,31

Phương án thấp (Phương án I) được xây dựng trên cơ sở giả định suy thoái kinh tế chậm phục hồi và dựa vào tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2006- 2010, đặc biệt những năm 2007 và 2008. Với nền tảng kỹ thuật hiện có, xu hướng đầu tư tăng thêm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tái diễn như giai đoạn 2006- 2010, nhưng vốn huy động được hạn chế, các tiềm năng phát triển chưa được phát huy đầy đủ, nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan.

Phương án III (phương án cao) có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong cả 3 giai đoạn. Đây là phương án được giả định kinh tế trong nước và thế giới phục hồi nhanh, mọi tiềm năng dần được huy động tốt nhất, môi trường đầu tư thông thoáng, các nguồn lực được phân bổ hợp lý, đầu tư trọng tâm trọng điểm trong từng thời kỳ, đặc biệt giai đoạn đầu (2011- 2015) để tạo đà phát triển cho các giai đoạn sau.

Phương án trung bình (phương án II) được xây dựng trên cơ sở tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn huyện trong 3 năm gần nhất. Thực tế, nhiều luận cứ cho thấy, khả năng đạt được phương án này rất khả thi. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn huyện phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng của khu vực II và III, trong đó, khu vực II lại chiếm tỷ trọng khá lớn. Thứ hai, nếu tập trung đầu tư mạnh cho CN&XD trong giai đoạn 2011- 2015 thì, trước hết, làm cho giá trị sản xuất của khu vực II tăng (đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tương đối cao như phương án II của quy hoạch đề ra), sau đó, chính kết quả đầu tư ở giai đoạn này lại phát huy hiệu quả trong giai đoạn sau, do yếu tố độ trễ thời gian của đầu tư.

Trong thời kỳ quy hoạch, với nhiều biện pháp tích cực, huyện tiếp tục thu hút được nhiều nguồn ngoại lực và động viên khuyến khích các nguồn nội lực để phát triển KT-XH. Nhiều yếu tố mới hình thành, tạo thuận lợi cho sự phát triển của huyện như: một số tuyến giao thông chính đi qua địa bàn, đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật…được hoàn thành vào những năm cuối của giai đoạn 2011- 2015. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt khó khăn vẫn lớn. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển chưa đồng bộ, còn thiếu. Các điều kiện về vốn, công nghệ bị hạn chế. Lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao còn thiếu. Môi trường đầu tư chưa thật thông thoáng…Do vậy, Yên Lạc chưa thể tăng tốc, thực hiện hiệu quả phương án III, nhưng cũng không thể chậm trễ theo phương án I.

Với quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Lạc, với sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh, tập trung xây dựng huyện trở thành huyện công nghiệp- dịch vụ- nông nghiệp phát triển, y tế, giáo dục- đào tạo và TDTT phát triển cao, huyện Yên Lạc chọn phương án II làm cơ sở quy hoạch phát triển KT-XH đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện, sẵn sàng cho bước tăng tốc nhanh hơn khi thời cơ đến.

+ Các chỉ tiêu phát triển KT-XH của huyện Yên Lạc (theo phương án chọn):

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân năm giai đoạn 2011- 2015 đạt 16,42%, giai đoạn 2016- 2020 là 17,21%.

- Phấn đấu đến 2015, tỷ trọng ngành CN&XD đạt 58,92%, nông- lâm- Thủy sản chiếm 17,97%, thương mại - dịch vụ chiếm 23,1%. Năm 2020, tỷ trọng ngành CN&XD đạt 62,1%, nông- lâm- Thủy sản chiếm 9,75%, thương mại - dịch vụ chiếm 28,14%.

- Phấn đấu đưa mức giá trị sản xuất/đầu người từ 16,8 triệu vào năm 2015 lên 26,6 triệu đồng vào năm 2020 (giá cố định).

- Đến năm 2015, 100% số trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó, 40% số trường thuộc các cấp học đạt chuẩn mức 2, trên 20% trường chất lượng cao. Đến năm 2020 có 20 trường chất lượng lượng cao.

- Đến năm 2015, duy trì 100% số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 10%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%, phấn đấu 5 bác sĩ/10.000 dân, 100% trạm y tế cơ sở có bác sĩ

- Giữ vững chỉ tiêu trên 90% gia đình văn hóa, trên 90% làng văn hóa, 100% cơ quan đạt tiêu chuẩn đơn vị văn hóa. Xây dựng 17 làng văn hóa theo tiêu chí nông thôn mới.

- Giảm nghèo một cách bền vững, xuống dưới 3%, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn đạt 93%, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 62% vào năm 2015 và 75% vào năm 2020.

- Toàn huyện đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới.

Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020 của tỉnh được thể hiện ở bảng II.4

Bảng II.4: Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội đến 2020

TT

Các chỉ tiêu

Đơn vị

2015

2020

I

Diện tích

km2

107,7

107,7

II

Dân số TB

103 ng

153

160

III

Tổng GTSX

Tỷ đ

2718

6041

 

+ Nông lâm. TS

Tỷ đ

488

586

 

+ CN- XD

Tỷ đ

1601

3733

 

+ Dịch vụ

Tỷ đ

628

1692

IV

GTSX/ng

Triệu đ

16,8

26,6

V

CC GTSX

%

100

100

 

+ Nông lâm. TS

%

17,97

9,75

 

+ CN- XD

%

58,92

62,10

 

+ Dịch vụ

%

23,11

28,14

VI

Nhịp tăng

 

2011- 2015

2016- 2020

 

GTSX

%

16,42

17,21

 

+ Nông lâm. TS

%

4,43

3,73

 

+ CN- XD

%

21,09

18,45

 

+ Dịch vụ

%

19,07

21,92

Nguồn: Báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Yên Lạc đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 được lập tháng 12 năm 2010

II.3.2. Định hướng phát triển các ngành kinh tế

1. Nông nghiệp, thủy sản

+ Quan điểm phát triển:

Thực hiện tốt chức năng tỉnh giao về đảm bảo an toàn lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chủng loại và chất lượng sản phẩm. Tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa, thâm canh cao, nâng cao giá trị sản xuất/ha. Phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH ở nông thôn, chú trọng xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu, củng cố đê điều, xây dựng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Từng bước xây dựng và phát triển nền nông nghiệp sinh thái công nghệ cao trên địa bàn huyện. Kết hợp phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới và các hình thức du lịch sinh thái. Xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo hướng chuyên môn hóa. Trên cơ sở đó, hình thành nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện là cây lương thực, thực phẩm sạch, chất lượng cao (lúa, rau….), sản phẩm chăn nuôi và Thủy sản sạch.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của toàn ngành nông- lâm- Thủy sản sẽ giảm dần qua các giai đoạn, từ bình quân 5,2%/năm giai đoạn 2006- 2010 xuống 4,43%/năm giai đoạn 2011- 2015 và 3,73 giai đoạn 2016- 2020. trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành trồng trọt đều dưới 1% qua các thời kỳ.

Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của toàn ngành nông- lâm- Thủy sản tăng 4,43%/năm giai đoạn 2011- 2015, trong đó nông nghiệp tăng 4,15%/năm, thủy sản tăng 6,4%/năm và lâm nghiệp tăng 2,0%/năm. Giai đoạn 2016- 2020 tăng 3,73%/năm , trong đó nông nghiệp tăng 3,53%/năm, thủy sản tăng 5,0%/năm và lâm nghiệp tăng 1,0%/năm như trình bày trong bảng II.5.

Bảng II.5: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất khu vực nông- lâm- Thủy sản giai đoạn 2015 đến 2020

 Đơn vị tính: %

Chỉ tiêu

2011- 2015

2016- 2020

Giá trị sản xuất NN-LN-TS

4,43

3,73

1. Nông nghiệp

4,15

3,53

Trong đó + Trồng trọt

0,8

0,70

+ Chăn nuôi

6,1

4,0

+ Dịch vụ nông nghiệp

21,7

13,0

2. Lâm nghiệp

2,0

1,0

3. Thủy sản

6,4

5,0

Với tốc độ tăng trưởng trên, cơ cấu nội bộ ngành nông- lâm- Thủy sản sẽ chuyển dịch theo hướng: tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 87,5% năm 2010 xuống 86,39% năm 2015 và 85,58% năm 2020, trong đó, tỷ trọng ngành trồng trọt giảm mạnh từ 60% năm 2010 xuống 44,45% vào năm 2020, ngành lâm nghiệp giảm từ 0,23% năm 2010 xuống còn 0,18% năm 2020 và tỷ trọng ngành Thủy sản tăng từ 12.21% năm 2010 lên 14,25% năm 2020.

 + Về trồng trọt:

- Cây lương thực: Phát triển hai loại cây lương thực chính là lúa và ngô. Duy trì ổn định diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt từ 10.500ha đến 11.000 ha, giai đoạn 2011- 2015. Tập trung xây dựng những cánh đồng trồng lúa cao sản và chất lượng cao ở các xã vùng giữa (Tam Hồng, Yên Phương, Yên Đồng, Nguyệt Đức, Liên Châu, Văn Tiến ). Dành khoảng 15 % diện tích để gieo trồng các giống lúa đặc sản chất lượng cao. Đảm bảo sản lượng lương thực có hạt từ 64.000- 65.000 tấn. Phấn đấu đạt 473kg lương thực bình quân đầu người vào năm 2015

- Rau, thực phẩm: Phát triển mạnh rau, đậu thực phẩm để tăng tỷ suất hàng hóa và giá trị sản xuất trên 1 ha. Mở rộng thêm diện tích trồng rau, đậu. Nâng diện tích trồng rau, đậu thực phẩm các loại lên 850 ha với sản lượng 15.000 tấn/năm. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Tăng diện tích các loại rau, đậu có giá trị cao như cà chua, gia vị, dưa chuột, ớt, hành tỏi, cà rốt, nấm…Xây dựng các vùng tập trung trồng rau sạch, cao cấp theo công nghệ sinh học tại các xã Hồng Phương, Đại Tự, Trung Kiên, Liên Châu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của huyện và thị trường ngoài huyện cũng như phục vụ cho xuất khẩu.

- Cây công nghiệp ngắn ngày: Tăng nhanh diện tích trồng lạc để đến năm 2015 đạt 600 ha. Đưa các giống mới có năng suất cao và chất lượng tốt vào sản xuất. Mở rộng diện tích trồng đậu tương lên hơn 2.400 ha vào năm 2015. Đưa vào sử dụng các giống mới cho năng suất cao và chất lượng tốt vào sản xuất. Đối với cây ăn quả và các loại cây dài ngày khác, tập trung thâm canh diện tích hiện có, trồng mới thay thế những loại cây có giá trị và năng suất thấp. Đẩy nhanh tiến độ hình thành các trang trại kết hợp nuôi Thủy sản với trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam quýt, nhãn, vải, chuối, đu đủ

+ Về chăn nuôi:

Phương hướng chung là phát triển chăn nuôi hàng hóa theo mô hình trang trại, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Tập trung chăn nuôi các loại gia súc và gia cầm sạch, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thành phố Vĩnh Yên và Hà Nội. Phát triển đàn lợn nạc hóa, phấn đấu đạt tỷ lệ 90- 85% tổng đàn. Đến năm 2015 đưa tổng đàn lợn lên 56.000 con với sản lượng thịt lợn đạt khoảng 7.500 tấn. Tập trung phát triển đàn bò lai. Đến năm 2015 tổng đàn bò trên 15.500 con, được sinh hóa 100%. Sản lượng thịt bò hơi năm 2015 gần 1800 tấn. Chăn nuôi theo hướng sản xuất tập trung, tăng quy mô đàn, xa khu dân cư, sử dụng thức ăn công nghiệp. Phát triển chăn nuôi gia cầm, tập trung vào chăn nuôi gà, vịt. Đến năm 2015 tổng đàn gia cầm có 700 ngàn con với sản lượng thịt hơi đạt 2.500 tấn. Khuyên khích các hộ gia đình nuôi gia cầm quy mô lớn theo phương pháp công nghiệp. Từng bước đưa các trai chăn nuôi gia súc và gia cầm tập trung ra khỏi khu dân cư. Phát triển chăn nuôi gắn liền với việc đầu tư phát triển vùng thức ăn chăn nuôi, hệ thống giết mổ gia súc gia cầm và chế biến thức ăn gia súc.

+ Về Thủy sản:

Phát triển mạnh nuôi trồng Thủy sản hàng hóa theo hướng bán thâm canh, thâm canh, tiến tới nuôi trồng công nghiệp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong huyện và và cung cấp cho các thị trường trong vùng, tiến tới xuất khẩu. Tăng diện tích nuôi trồng Thủy sản lên 1.450 ha năm 2015 (tăng 150 ha so với hiện nay). Tiếp tục cải tạo diện tích đất trũng sản xuất một vụ lúa không chắc chắn sang 1 vụ lúa, 1 vụ cá. Phát triển ngành chăn nuôi cá thịt, sản xuất con giống và nuôi các loại đặc sản cho giá trị và năng suất cao như cá trắm đen, cá chim trắng, cá chép lai….Đưa các tiến bộ khoa học, công nghệ nuôi trồng Thủy sản hiện đại vào sản xuất (giống mới, thức ăn chế biến an toàn, cơ giới hóa việc làm thoáng mặt nước, cấp nước sạch, phòng chống dịch bệnh…). Từng bước tổ chức sản xuất, bảo quản và tiêu thụ hàng hóa theo kiểu công nghiệp. Hình thành các trang trại sinh thái trên cơ sở kết hợp nuôi Thủy sản với chăn nuôi gia cầm, gia súc, trồng cây ăn quả, cây dài ngày và du lịch sinh thái (khu vực Đầm Khanh).

2. Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Xây dựng

+ Quan điểm phát triển:

Đưa CN&XD trở thành ngành kinh tế chính của huyện, tạo điều kiện và tiền đề phát triển KT-XH nhanh, bền vững và trở thành động lực chính cho sự phát triển KT-XH của huyện trong thời kỳ 2016- 2020. Coi phát triển công nghiệp làm khâu đột phá cho sự phát triển. Trong đó, phát triển mạnh lĩnh vực thủ công nghiệp, lấy công nghiệp chế biến làm trọng tâm. Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp. Xây dựng cụm công nghiệp ở các xã có điều kiện, trong đó xây dựng một số cụm công nghiệp, làng nghề làm động lực phát triển kinh tế và hình thành cơ cấu ngành công nghiệp huyện với nhóm sản phẩm chủ lực phù hợp với định hướng phát triển của ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trở thành ngành kinh tế chính của huyện, tạo tiền đề cho kinh tế xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Xây dựng ở mỗi xã từ 1- 2 cụm công nghiệp. Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, làng nghề. Triển khai thi công xây dựng dự án cụm công nghiệp làng nghề xã Đồng Văn, Yên Đồng. Tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư và sớm xây dựng hạ tầng các xã Trung Nguyên, Tam Hồng, Làng nghề Minh Phương (khu trại cá).

Phát triển CN&XD của Yên Lạc thời kỳ quy hoạch theo hướng: giai đoạn đầu, do đầu tư nhiều công trình quan trọng, ở nhiều lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng cao (21,09%/năm thời kỳ 2011- 2015), sau đó giảm dần trong các giai đoạn 2016- 2020, và 2021- 2030, khi quy mô kinh tế đã khá lớn, như thể hiện ở bảng II.6.

Bảng II.6: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN&XD giai đoạn 2016- 2020

Đơn vị tính: %

Chỉ tiêu

2011- 2015

2016- 2020

1. Tăng trưởng giá trị sản xuất CN- XD

21,09

18,45

2.Công nghiệp- TTCN

15,2

13,5

3. Xây dựng

25,5

21

Tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng thường cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của CN&XD. Đây là do yêu cầu CNH nông nghiệp và nông thôn. Trong thời kỳ đầu cần phải đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, vừa phải đầu tư xây dựng nhà xưởng, hiện đại hóa máy móc thiết bị.

Giá trị sản xuất khu vực CN&XD đạt 1601 tỷ đồng năm 2015, tăng trưởng bình quân thời kỳ 2011- 2015 là 21,09%/năm, đạt 3733 tỷ đồng năm 2020, tăng trưởng bình quân 18,45%/ năm giai đoạn 2016- 2020

+ Ngành cơ khí, luyện kim:

 Phát triển với quy mô và tốc độ hợp lý ngành tái chế kim loại và cơ khí. Sản lượng sắt phôi giai đoạn 2011- 2030 đều tăng gần 15%/năm. Đưa tiến bộ công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm sắt tái chế (giảm tỷ trọng sắt phôi, đầu tư công nghệ chế biến sắt phôi thành các sản phẩm thép hình, thép tấm, thép xây dựng….) .Đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao trình độ công nghệ các ngành cơ khí sửa chữa, gò, hàn, khung nhôm kính cao cấp….Cơ cấu lại các cơ sở sản xuất, ngành sản phẩm và tích cực đào tạo nhân lực để tham gia vào quá trình phân công, hợp tác trong ngành cơ khí của tỉnh về sản xuất phụ tùng, linh kiện cho các ngành công nghiệp phụ trợ như cơ khí giao thông, cơ khí xây dựng, cơ khí chế tạo thiết bị, chế biến nông- Thủy sản…

+ Ngành công nghiệp chế biến nông lâm Thủy sản:

 Đa dạng hóa sản phẩm, mẫu, mã, chủng loại sản phẩm và độ tinh xảo của sản phẩm đồ gỗ. Phát triển mạnh trung tâm sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại thị trấn Yên Lạc, xã Yên Phương. Xây dựng các cơ sở chế biến thực phẩm (ép dầu thực vật, rau, quả đóng hộp, chế biến nấm…), sơ chế sản phẩm chăn nuôi (lò mổ gia cầm, gia súc sạch). Xây dựng và phát triển mạnh lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc, thức ăn cho Thủy sản…ở các cụm công nghiệp, thị tứ, thị trấn để sử dụng nguyên liệu địa phương và tạo việc làm.

+ Ngành sản xuất vật liệu xây dựng:

 Phát triển ngành sản xuất VLXD phù hợp với quy hoạch sản xuất VLXD của tỉnh để đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm sản xuất VLXD cao cấp lớn của cả nước. Từng bước giảm dần quy mô sản xuất gạch ngói nung, có hại đối với môi trường. Xây dựng các nhà máy gạch tuynen, gạch không nung và tạo điều kiện để các hộ chuyển đổi sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng của các khu đô thị mới trong tỉnh và của nhân dân trong huyện.

+ Phát triển các cụm công nghiệp:

Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh các cụm CN làng nghề sau:

- Cum công nghiệp ở phía Bắc huyện (tiếp giáp với Quốc lộ 2A và 2C trên địa bàn các xã Đồng Văn, Tề Lỗ, Đồng Cương, Bình Định) với diện tổng diện tích khoảng 300 ha. Đây là cụm công nghiệp có ý nghĩa đột phá cho sự phát triển của huyện giai đoạn 2011- 2015

- Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lạc với diện tích khoảng 20- 30 ha, hướng sản xuất chính là chế biến sản phẩm từ gỗ và sản xuất đồ gỗ. Chuẩn bị xây dựng cơ sở sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, may xuất khẩu.

- Các cụm công nghiệp và làng nghề phía Nam huyện. Tập trung xây dựng và phát triển các làng nghề: Trạm khảm ở xã Yên Phương, chế biến đồ nhựa ở Tam Hồng.

+ Ngành xây dựng

Tập trung xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp làng nghề tại các xã: Đồng Văn, Yên Đồng, Trung Nguyên, Tam Hồng, Làng nghề Minh Phương (khu trại cá).

Triển khai xây dựng các công trình hạ tầng tại thị trấn Yên Lạc như sân vận động thể thao, bể bơi huyện Yên Lạc. Xây dựng khu đô thị mới Yên Lạc theo hướng phát triển thành thị xã trong tương lai. Xây dựng khu du lịch sinh thái Đầm Sáu Vó.

Đầu tư xây dựng trường chất lượng cao, làng văn hóa tại các xã, thị trấn, nhà văn hóa thiếu nhi huyện.

3. Thương mại - Dịch vụ- Du lịch

+ Quan điểm phát triển:

 Đa dạng hóa dịch vụ, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, đảm bảo dịch vụ văn minh, uy tín. ưu tiên phát triển nhanh lĩnh vực dịch vụ mà huyện có lợi thế. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có ý nghĩa tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế nhanh như: đào tạo nguồn nhân lực, tài chính ngân hàng, thông tin, vận tải. Tốc độ tăng trưởng trung bình của khu vực thương mại dịch vụ trong giai đoạn 2011- 2015 là 19,07%/ năm, giai đoạn 2016- 2020 là 21,92%, hàng năm tạo việc làm cho 800- 1000 lao động.

+ Thương mại

Đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại thị trấn và các thị tứ. Nâng cấp chợ liên xã: Chợ Lác (Tề Lỗ), Chợ Rau (Liên Châu) và Chợ Lồ (Nguyệt Đức). Quy hoạch và có kế hoạch triển khai các trung tâm thương mại ven Quốc Lộ 2 mới, đường mới Yên Lạc- Vĩnh Yên. Đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại tại các khu đô thị mới phát triển ở các xã phía Bắc huyện. Đến năm 2015 tất cả các chợ trong huyện đều được đầu tư, nâng cấp đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, thuận tiện, an toàn môi trường và phòng cháy. Sớm có quy chế quản lý khai thác chợ, đảm bảo trật tự, vệ sinh, văn minh, lịch sự.

+ Phát triển du lịch

Cùng với tỉnh triển khai kế hoạch đầu tư phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Đầm Sáu Vó nhằm thu hút khách, đặc biệt khách du lịch từ Hà Nội. Sớm triển khai quy hoạch chi tiết và đầu tư tôn tạo, khu di tích Đền Bắc Cung, đền thờ Trạng nguyên Phạm Công Bình phục vụ phát triển du lịch. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái, du lịch lịch sử. Hình thành các tour du lịch kết hợp du lịch lễ hội, tâm linh với tham quan văn hóa; du lịch văn hóa hướng về cội nguồn; du lịch vui chơi giải trí cuối tuần...

+ Dịch vụ tài chính ngân hàng

Thúc đẩy phát triển mạnh loại hình dịch vụ chất lượng cao như dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, theo hướng vừa hình thành các trung tâm huy động vốn lớn, lại vừa phát triển phân tán gần các khu vực dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp nhằm huy động mọi nguồn vốn nhàn dỗi và cung ứng đủ vốn cho yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

+ Dịch vụ vận tải

Đẩy mạnh phát triển hệ thống dịch vụ vận tải, phát huy thế mạnh dịch vụ vận tải thủy, vận tải hành khách và vận tải hàng hóa. Tăng cường số lượng và đổi mới phương tiện vận tải. Hợp lý hóa vận chuyển và tuyến của các luồng hàng. Tận dụng tối đa đường thủy sông Hồng để vận chuyển các loại hàng hóa siêu trọng và cồng kềnh. Tổ chức tốt vận chuyển hành khách liên huyện (từ Yên Lạc đi các tỉnh khác trong nước).

4. Xây dựng kết cấu hạ tầng:

+ Giao thông

Mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông tỉnh lộ, huyện lộ và đường liên xã nhằm khai thác triệt để tiềm năng kinh tế, các cụm công nghiệp làng nghề, phục vụ cho công tác quốc phòng, lưu thông hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân. Hoàn chỉnh, cứng hóa các tuyến đường liên xã, liên thôn, trục thôn. Làm đường giao thông nội đồng. Kết hợp với bố trí lại ruộng đất và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng tuyến đường mới vào các khu trang trại tập trung phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo mô hình sản xuất công nghiệp. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải quy hoạch các điểm đỗ xe tắc xi tại huyện. Quy hoạch bến đỗ xe buýt tại Km 0+200 đường tỉnh lộ 305 thuộc thôn Lũng Hạ xã Yên Phương, quy hoạch bến đỗ xe khách phía sau bưu điện huyện diện tích 2 ha thành bến xe cấp 3, quy hoạch bến đỗ xe tĩnh dự kiến diện tích 7000m2 tại các xã, thị trấn.

+ Cấp thoát nước

Nâng công suất trạm nước Yên Lạc để mở rộng bán kính phục vụ và đáp ứng nhu cầu do tăng quy mô dân số, phát triển sản xuất và dịch vụ tại thị trấn Yên Lạc.

Xây dựng các trạm cấp nước sạch tập trung ở nông thôn với phương châm mỗi thôn có ít nhất một trạm. Trước mắt tập trung xây dựng trạm nước sạch tại trạm xá, trường học, trụ sở làm việc của xã, các chợ và các cơ sở sản xuất dịch vụ tập trung. Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản các hộ gia đình được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia. Xây dựng các công trình cấp nước sạch sinh hoạt tập trung tại các xã Trung Kiên, Trung Hà, Đại Tự, Hồng Phương theo đề án về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn của sở NN & PTNT với các xã vùng bãi.

+ Mạng lưới phân phối và truyền tải điện

Cải tạo nâng cấp lưới điện và tổ chức vận hành khai thác mạng lưới đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân với chất lượng ngày càng cao, an toàn, hao phí ít, giá bán hợp lý. Tăng dần và đảm bảo phụ tải, giảm tổn thất công suất, điện năng và tổng thất điện áp trên lưới. Phấn đấu đưa điện lưới về tất các vùng dân cư. Từng bước cải tạo hệ thống lưới điện không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo an toàn. Tiếp tục cải tạo và nâng cấp lưới điện hiện có của huyện và xã. Hoàn thành và nâng cấp mạng lưới điện của các xã huyện thuộc dự án RE II( các xã Hồng Châu, Liên Châu, Yên Đồng, Tam Hồng, Nguyệt Đức, Tề Lỗ).

+ Bưu chính viễn thông

Phát triển rộng khắp hệ thống thông tin bưu chính viễn thông trên toàn địa bàn. Tiếp tục hiện đại hóa, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Ngầm hóa hệ thống cáp. Xây dựng mới, nâng cấp hệ thống các điểm bưu điện đến các cụm dân cư, các trung tâm dịch vụ. Tăng dung lượng các tổng đài. Xây dựng hoàn chỉnh tuyến cáp quang, tăng cường mạng cáp treo tại các bưu cục. Xây dựng hiện đại ngay từ đầu hệ thống cáp thông tin (điện thoại, internet, cáp truyền hình…). Song song với việc tăng dung lượng các tổng đài, cần tiếp tục nâng cấp, mở rộng mạng điện thoại di động. Đưa internet đến từng nhà dân, cơ quan, doanh nghiệp.

+ Kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường

Quan tâm đúng mức phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường. Xây dựng đồng bộ hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn...Chú trọng các giải pháp thu gom, xử lý rác thải trong các khu dân cư, khu và cụm công nghiệp, các làng nghề, khu chăn nuôi tập trung...nhằm đảm bảo phát triển KT-XH bền vững. Phấn đấu đến 2015, 100% trạm y tế xã có lò xử lý rác thải y tế, 100% số trường học có công trình về sinh đạt tiêu chuẩn, 100% các xã thị trấn có trạm xử lý rác thải

5. Văn hóa - Xã hội

+ Phát triển giáo dục đào tạo:

Phát triển hệ thống giáo dục ở mọi cấp học để nâng cao dân trí, đào tạo lao động và nhân tài. Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, chất lượng đào tạo. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, tiến hành đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và lĩnh vực mũi nhọn. Đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời kỳ CNH HĐH. Phấn đấu, đến năm 2015, xây dựng được 6 trường trọng điểm chất lượng cao và đến năm 2020 có 20 trường. Đa dạng hóa các loại hình giáo dục tr­ường công lập, tư thục, thực hiện xã hội hóa giáo dục, đào tạo. Nâng cao trình độ và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên các cấp. Đầu tư­ xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất cho hệ thống các trường học trên địa bàn. Xây dựng trường dạy nghề của huyện, từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho quá trình CNH. Đến 2015, 100% số trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 40% số trường đạt chuẩn mức độ 2, 20% số trường chất lượng cao. Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục 5 tuổi ở mầm non, đúng độ tuổi ở tiểu học, THCS. Tiến tới phổ cập THCS trước năm 2015. Đến năm 2020, 100% số trường đạt chuẩn mức độ 2

+ Về y tế:

Phát triển mạng lưới y tế nhằm phục vụ và nâng cao chất l­ượng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện. Tăng cư­ờng công tác bảo vệ môi trư­ờng, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Tổ chức tốt công tác tiêm chủng mở rộng cho các đối tư­ợng, thực hiện có chất lượng các Chư­ơng trình mục tiêu y tế Quốc gia. Tăng cường đầu t­ư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho Bệnh viện đa khoa và Trung tâm y tế huyện, Trạm y tế xã, thị trấn. Chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, y đức cho đội ngũ y bác sỹ. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các các cơ sở hành nghề y d­ược tư nhân trên địa bàn huyện.

Đến năm 2015, 100% trạm y tế có bác sỹ làm việc; đạt tỷ lệ 05 bác sĩ/1 vạn dân. 100% cơ sở hạ tầng trạm y tế các xã, thị trấn được cải tạo, đầu tư xây dựng theo các tiêu chí của Chuẩn Quốc gia về y tế xã. 100% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ. Phấn đấu đến 2015 giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống dưới 10%. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi là 0.01%. Đến 2020, phấn đấu đạt chỉ tiêu 18 gi­ường bệnh/1 vạn dân.

6. Văn hóa, thông tin, thể thao

Đầu tư và hoàn thiện cơ sở vật chất Trung tâm văn hóa thể thao, đưa vào sử dụng nhà luyện tập và nhà thi đấu bắn súng, nhà luyện tập các môn thể thao, nhà truyền thống, thư viện tổng hợp. Đầu tư xây dựng nhà thiếu nhi, bể bơi, sân vận động trung tâm huyện. Mở rộng và phát triển các loại hình văn hóa- văn nghệ, TDTT truyền thống. Xây dựng thiết chế văn hóa phù hợp với đặc điểm của huyện. Xã hội hóa các hoạt động VH- TT nhằm nâng cao mức hưởng thụ của nhân dân. Đầu tư nâng cấp hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở. Đa dạng hóa các chương trình và nâng cao chất lượng phát thanh và truyền hình trên toàn huyện. Nâng cấp các trạm phát thanh, truyền thanh cơ sở. Nâng cấp các thư viện huyện, xã. Song song với việc tăng số lượng đầu sách, cần có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ thư viện đủ về số lượng và có chất lượng chuyên môn cao. Đầu tư, tôn tạo đền thờ Phạm Công Bình, đền Bắc Cung và các di tích văn hóa khác. Phấn đấu 100% các di tích lịch sử văn hóa được sửa chữa, trùng tu, tôn tạo, nâng cấp đảm bảo tính nguyên bản và giá trị văn hóa.

7. Bảo vệ môi trường

Tăng cường phòng ngừa ô nhiễm và đưa ra các giải pháp hữu hiệu để cải thiện chất lượng môi trường. Xây dựng bộ máy quản lý môi trường vững mạnh, thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường. Tổ chức thực hiện Đề án bảo vệ môi trường huyện Yên Lạc, điều tra, khảo sát, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường tại các xã, thị trấn để đưa ra các giải pháp cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, giải pháp xử lý nước thải khu dân cư. Tổ chức các lớp tập huấn cho cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân đối với công tác bảo vệ môi trường. Phấn đấu 100% trạm y tế xã có lò xử lý rác thải y tế, 100% số trường học có công trình vệ sinh đạt chuẩn. 100% các xã, thị trấn có trạm xử lý rác thải.

8. Công tác quốc phòng- an ninh

Xây dựng Yên Lạc mạnh về chính trị, giàu về kinh tế, đảm bảo giữ vững, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong mọi tình huống. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, gắn thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Củng cố quốc phòng an ninh kết hợp với phát triển kinh tế xã hội. Kết hợp các lực lượng công an với dân quân tự vệ ở địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Xây dựng các lực lượng quân đội, công an nhân dân chính quy hiện đại, trong sạch vững mạnh, từng bước chính quy hiện đại, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh.

9. Đô thị hóa và phát triển nông thôn

+ Đô thị hoá

Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và các loại hình dịch vụ đô thị để đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị tại 4 xã phía Bắc huyện theo quy hoạch của tỉnh Vĩnh Phúc (Nằm trong vùng lõi đô thị của thành phố Vĩnh Yên). Quy hoạch chi tiết và đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu đô thị Trung tâm thị trấn Yên Lạc- Tam Hồng. Lập quy hoạch chi tiết khu đô thị, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cả về giao thông, điện, nước, công trình xử lý chất thải… tại trung tâm các xã: Đồng Văn, Tam Hồng, Tề Lỗ, Đồng Cương, Trung Nguyên và Nguyệt Đức, Liên Châu, Bình Định, Yên Đồng…theo hướng phát triển các thị tứ- chùm đô thị vệ tinh. Hình thành các điểm dân cư mô hình đô thị tại các vị trí có đường quốc lộ (Tề Lỗ, Đồng Văn) và các tuyến đường tỉnh lộ chính trên địa bàn huyện: tỉnh lộ 303, 304, 305. Với những định hướng phát triển đô thị như trên, dự báo dân số thành thị của huyện Yên Lạc tăng nhanh, dân số nông thôn giảm. Nếu năm 2010, dân số thành thị chỉ đạt 8.9% thì năm 2015 tăng lên 45% và năm 2020 đạt 70% tổng dân số toàn huyện

+Xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Đến năm 2015, xây dựng 17 làng văn hóa trọng điểm theo tiêu chí nông thôn mới. Huyện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường xá, điện, nước, trường học, bưu điện, các công trình lợi, vệ sinh môi trường...theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Phát triển giáo dục đào tạo, văn hóa, y tế và bảo vệ môi trường. Phấn đấu đạt các tiêu chí về nông thôn mới trong từng lĩnh vực. Tạo môi trường thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế cùng phát triển, đặc biệt quan tâm đến hộ nông dân (có chính sách ưu đãi đối với phát triển các ngành nghề dịch vụ ở nông thôn, mở các phiên chợ giao dịch nông sản cho nông dân....). Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ vốn cho các hộ phát triển các trang trại quy mô lớn.

Chương III

DỰ BÁO NHU CẦU ĐIỆN VÀ PHÂN VÙNG PHỤ TẢI

III.1. Các cơ sở pháp lý để xác định nhu cầu điện:

Nhu cầu điện của huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc được tính toán dự báo căn cứ vào các tài liệu sau:

- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Lạc đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 đã được lập tháng 12 năm 2010.

- Quy hoạch các ngành của tỉnh Vĩnh Phúc trong đó có huyện Yên Lạc.

- Kế hoạch phát triển KT-XH huyện Yên Lạc 5 năm 2011- 2015.

- Các số liệu cơ bản về sử dụng điện trong các năm qua của huyện do Công ty Điện lực Vĩnh Phúc và Điện lực Yên Lạc cung cấp và các kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu điện tại huyện Yên Lạc tháng 5 năm 2012.

- Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 - 2015 có xét đến 2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại quyết định số 0361/QĐ-BCN ngày 02 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

III.2. Lựa chọn mô hình và phương pháp dự báo nhu cầu điện:

1. Các phương pháp dự báo nhu cầu điện năng:

a. Phương pháp hệ số đàn hồi:

Đây là phương pháp thích hợp với các dự báo trung và dài hạn. Phương pháp này dựa trên cơ sở dự báo của các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội. Nhu cầu điện năng được mô phỏng theo quan hệ đàn hồi với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Hệ số đàn hồi (h) được tính theo công thức sau:

Hệ số đàn hồi (h) =

Các hệ số đàn hồi được xác định theo từng ngành theo chuỗi phân tích quá khứ.

b. Phương pháp ngoại suy theo thời gian:

Nội dung của phương pháp là nghiên cứu sự diễn biến của điện năng trong thời gian quá khứ tương đối ổn định để tìm ra một quy luật nào đó, rồi dùng nó để dự đoán tương lai. Phương pháp này thường chỉ sử dụng khi thiếu các thông tin về tốc độ phát triển của các ngành, các phụ tải dự kiến, mức độ hiện đại hóa,... trong tương lai để làm cơ sở dự báo.

Mô hình này thường có dạng hàm mũ: At = A0(1+)t

trong đó: At - điện năng dự báo năm t

A0 - điện năng ở năm chọn làm gốc

 - tốc độ phát triển bình quân năm

t - thời gian dự báo

Nhược điểm của phương pháp này là chỉ cho ta kết quả chính xác nếu tương lai không có nhiễu và quá khứ phải tuân theo một quy luật

c. Phương pháp chuyên gia:

Nội dung chính là sự hiểu biết sâu sắc của các chuyên gia giỏi. Các chuyên gia sẽ đưa ra các dự báo của mình.

d. Phương pháp dự báo trực tiếp:

Nội dung của phương pháp là xác định nhu cầu điện năng của năm dự báo dựa trên tổng sản lượng kinh tế của các ngành năm đó và suất tiêu hao điện năng của từng loại sản phẩm hoặc suất tiêu hao trung bình cho 1 hộ gia đình, bệnh viện, trường học, khách sạn,…. Phương pháp này tỏ ra khá chính xác khi có tương đối đầy đủ các thông tin về tốc độ phát triển kinh tế xã hội, các phụ tải dự kiến mới và phát triển mở rộng của các ngành kinh tế, mức độ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật,... Với các ưu điểm về độ chính xác, bám sát thực tế phát triển của khu vực dự báo, không quá phức tạp nên phương pháp này được dùng phổ biến cho các dự báo tầm ngắn (1- 2) năm và tầm vừa (3- 10) năm trong các đề án quy hoạch quận, huyện, tỉnh, thành phố,...

2. Lựa chọn phương pháp dự báo nhu cầu điện năng:

Phù hợp với hoàn cảnh thực tế của địa phương và số liệu điều tra thu thập được từ các tài liệu pháp lý, nhu cầu điện của huyện Yên Lạc trong giai đoạn quy hoạch được dự báo theo phương pháp tính trực tiếp và được kiểm chứng bằng phương pháp gián tiếp là phương pháp đàn hồi.

III.3. Phân vùng phụ tải điện

- Căn cứ vào đặc điểm địa hình tự nhiên, phân vùng phát triển kinh tế hiện tại và dự kiến phát triển trong tương lai và căn cứ vào các hộ tiêu thụ điện xác định trên địa hình từng vùng.

- Căn cứ vào khả năng cấp điện của các trung tâm nguồn trạm 110kV hiện tại và phương thức vận hành lưới điện cũng như dự kiến xây dựng các nguồn trạm mới trong giai đoạn đến 2010 và 2015. Huyện Yên Lạc được chia thành 2 vùng phụ tải

1. Vùng I:

Là vùng phụ tải phía Bắc của huyện bao gồm các xã: Đồng Văn, Tề Lỗ, Trung Nguyên, Đồng Cương, Bình Định và Thị Trấn Yên Lạc. Đây là vùng trung tâm công nghiệp, kinh tế, chính trị của huyện. Tại đây sẽ xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp Thị trấn Yên Lạc, Tề Lỗ, Đồng văn, Đồng Cương, Bình Định.

Hiện tại vùng I được cấp điện 10kV từ lộ 971 trạm trung gian Tam Hồng, lộ 975 trung gian Hương Canh, 22kV từ lộ 475 trạm 110kV Vĩnh Tường, và 35kV từ các lộ 371, 372, 373 trạm 110kV Vĩnh Yên, lộ 371, 377 trạm 110kV Vĩnh Tường.

2. Vùng II:

Là vùng phụ tải phía Nam của huyện bao gồm các xã còn lại. Đây là vùng thuần nông hiện đang phát triển nuôi trồng Thủy sản, gia súc, gia cầm, lúa cao đặc sản, trồng dâu nuôi tằm, các loại rau, đậu và khai thác cát sỏi ven sông Hồng.

Hiện tại vùng II được cấp điện chủ yếu từ lộ 974 trạm trung gian Tam Hồng, 971 trạm trung gian Ngũ Kiên và từ lộ 373 của trạm 110kV Vĩnh Yên.

III.4. Dự báo nhu cầu điện

Nhu cầu điện của huyện Yên Lạc được dự báo theo phương pháp trực tiếp trên cơ sở dự báo nhu cầu cho từng thành phần phụ tải sau đó tổng hợp thành nhu cầu điện của toàn huyện.

Quá trình tính toán dự báo nhu cầu điện của huyện theo cơ cấu 5 thành phần theo Quyết định số 389/1999/QĐ- TCTK của Tổng cục thống kê về việc ban hành bản danh mục phân tổ điện thương phẩm cung cấp cho các hoạt động kinh tế - xã hội ngày 4/6/1999 bao gồm:

- Nhu cầu điện cho công nghiệp - xây dựng.

- Nhu cầu điện cho nông - lâm nghiệp - Thủy sản.

- Nhu cầu điện cho thương mại dịch vụ.

- Nhu cầu điện cho quản lý và tiêu dùng dân cư.

- Nhu cầu điện phục vụ các hoạt động khác.

Việc tính toán dự báo được tiến hành từ các xã, thị trấn và tập hợp cho toàn huyện theo các mốc năm 2015, 2020.

Nhu cầu phụ tải giai đoạn 2015- 2020, đề án tính toán dự báo nhu cầu phụ tải theo 2 phương án: Phương án cơ sở và phương án cao.

+ Phương án cơ sở:

Là phương án đáp ứng tối đa cho các khu vực dân cư, khu vực công nghiệp có tính khả thi cao, các đề án đã được Nhà nước chấp thuận, phê duyệt và bảo lãnh tài chính.

+ Phương án cao:

Là phương án đáp ứng tối đa cho các nhu cầu phụ tải phát triển kinh tế - xã hội của huyện khi kinh tế xã hội phát triển mạnh, các dự án đầu tư được đẩy nhanh tiến độ và đời sống nhân dân được nâng cao.

1. Tính toán dự báo nhu cầu điện theo phương án cơ sở( Dự báo trực tiếp):

a. Nhu điện cho công nghiệp và xây dựng:

Nhu cầu điện ngành công nghiệp, xây dựng được tính trên cơ sở dự kiến mở rộng, xây dựng mới các khu, cụm công nghiệp tập trung, các nhà máy xí nghiệp với quy mô sản phẩm và công suất lắp đặt của thiết bị ở từng giai đoạn được hoạch định trong quy hoạch và định hướng phát triển công nghiệp xây dựng của huyện. Ngành công nghiệp đóng vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế huyện Yên Lạc, nó tạo ra môi trường phát triển các ngành nghề truyền thống trong huyện, tạo điều kiện áp dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước công nghiệp hóa và hiện đại hóa tạo việc làm cho người lao động. Phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên các ngành nghề sử dụng nguồn nguyên liệu, nhiên liệu và lao động địa phương, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp , mở mang ngành nghề, duy trì và mở rộng quy mô các cơ sở công nghiệp hiện có. Phát triển công nghiệp phải thúc đẩy ngành dịch vụ thương mại, phải gắn với phát triển nông nghiệp, góp phần cơ khí hóa nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường. Xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp Thị trấn Yên Lạc, Tề Lỗ, Đồng văn, Đồng Cương và Trung Nguyên. Xây dựng các làng nghề truyền thống ở các xã Tam Hồng, Yên Phương, Thị trấn Yên Lạc Kết quả tính toán nhu cầu điện cho ngành công nghiệp, xây dựng theo phương án cơ sở như sau:

Bảng III.1: Nhu cầu điện công nghiệp và xây dựng.

Năm

Thành phần

Nhu cầu

% so với TP

2015

Công suất (MW)

Điện năng A (MWh)

Tốc độ tăng trưởng BQ(2012- 2015)

31,3

150.288

18%/năm

65,7%

2020

Công suất (KW)

Điện năng A (MWh)

Tốc độ tăng trưởng BQ(2016- 2020)

51,3

261.783

11,7%/năm

68,7%

Danh mục phụ tải công nghiệp, xây dựng xem trong phụ lục 1.

b. Nhu cầu điện cho Nông - Lâm - Thủy sản

Chủ yếu là nhu cầu điện cho các trạm bơm thủy lợi tưới tiêu. Hiện tại hệ thống các trạm bơm thủy lợi ở Yên Lạc đã phát triển rộng khắp ở hầu hết tất cả các xã đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp trong tỉnh. Vì vậy nhu cầu điện cho tưới tiêu thủy lợi của huyện Yên Lạc đã dần đi vào ổn định, tăng trưởng hàng năm không nhiều. Ngoài ra còn tính đến nhu cầu điện cho các nông, lâm trường, trạm, trại chăn nuôi, thủy sản được tính theo quy mô sản phẩm hoặc theo diện tích. Kết quả tính toán nhu cầu điện cho ngành nông lâm nghiệp Thủy sản theo phương án cơ sở như sau:

Bảng III.2: Nhu cầu điện nông lâm nghiệp - Thủy sản.

Năm

Thành phần

Nhu cầu

% so với TP

2015

Công suất (MW)

Điện năng A (MWh)

Tốc độ tăng trưởng BQ(2012- 2015)

1,3

1.024

6,1%/năm

0,45%

2020

Công suất (KW)

Điện năng A (MWh)

Tốc độ tăng trưởng BQ(2016- 2020)

1,4

1.156

2,5%

0,30%

Danh mục phụ tải nông lâm nghiệp, thủy sản xem trong phụ lục 2.

c. Nhu cầu điện cho thương mại dịch vụ

Được tính theo định mức trên diện tích hoặc công suất lắp đặt thiết bị dùng điện của từng cơ sở. Bao gồm điện cấp cho các hoạt động bán buôn bán lẻ, các công ty, cửa hàng, sửa chữa bảo dưỡng vật phẩm tiêu dùng, các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng và nhà nghỉ,... Thương mại, du lịch ở Yên Lạc còn rất nhỏ bé, trong giai đoạn tới huyện chủ trương phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ phục vụ cho sản xuất và đời sống. Triển khai quy hoạch và xây dựng mạng lưới chợ trên địa bàn, xây dựng các dự án phát triển du lịch. Khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân trong và ngoài huyện tham gia phát triển dịch vụ du lịch. Tập trung vào du lịch sinh thái và văn hóa, lịch sử dân tộc. Dự kiến đến năm 2015 các phụ tải thương mại và dịch vụ du lịch sẽ phát triển ngày càng nhiều trên địa bàn huyện tại trung tâm huyện lỵ, các xã và các điểm du lịch, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Kết quả tính toán nhu cầu điện cho Thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng như sau:

Bảng III.3: Nhu cầu điện cho thương mại dịch vụ.

Năm

Thành phần

Nhu cầu

% so với TP

2015

Công suất (MW)

Điện năng A (MWh)

Tốc độ tăng trưởng BQ(2012- 2015)

0,6

915

25,3%/năm

0,4%

2020

Công suất (MW)

Điện năng A (MWh)

Tốc độ tăng trưởng BQ(2016- 2020)

1,6

2.624

23,5%/năm

0,7%

Danh mục phụ tải thương nghiệp - khách sạn - nhà hàng xem trong phụ lục 3

d. Nhu cầu điện cho quản lý và tiêu dùng dân cư

Nhu cầu điện cho mảng phụ tải này bao gồm điện cấp cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, các văn phòng làm việc của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và điện cấp cho sinh hoạt gia đình dân cư.

Phụ tải điện cấp cho quản lý được xác định theo quy mô diện tích và trang thiết bị của văn phòng. Phụ tải điện cấp cho sinh hoạt gia đình được tính theo định mức tiêu thụ điện năng cho từng hộ gia đình trong 1 năm theo từng khu vực đặc trưng (thị trấn, nông thôn). Định mức này được tính theo quy định kỹ thuật điện nông thôn QĐKT.ĐNT- 2006 do Bộ Công nghiệp ban hành ngày 08 tháng 12 năm 2006 có căn cứ và hiệu chỉnh theo tiêu thụ điện thực tế năm 2011 của huyện Yên Lạc. Định mức tiêu thụ điện năng cho tiêu dùng dân cư được trình bày bảng III.4

Bảng III.4:Chỉ tiêu ánh sáng sinh hoạt.

Khu vực

Năm 2015

Năm 2020

W/hộ

kWh/hộ.năm

W/hộ

kWh/hộ.năm

3. Thị trấn

1000

1600

1400

2400

5. Nông thôn đồng bằng

900

1350

1200

1900

Kết quả tính toán nhu cầu điện cho quản lý và tiêu dùng dân cư như sau:

Bảng III.5: Nhu cầu điện cho quản lý và tiêu dùng dân cư.

Năm

Thành phần

Nhu cầu

% so với TP

2015

Công suất (MW)

Điện năng A (MWh)

Tốc độ tăng trưởng BQ(2012- 2015)

32,7

75.196

10,9%/năm

32,9%

2020

Công suất (MW)

Điện năng A (MWh)

Tốc độ tăng trưởng BQ(2016- 2020)

47

112.806

8,4%/năm

29,6%

Danh mục phụ tải quản lý và tiêu dùng dân cư xem trong phụ lục 4.

e. Nhu cầu điện cho hoạt động khác:

Là nhu cầu điện cho rạp chiếu phim, nhà văn hóa, triển lãm, khu di tích lịch sử, vui chơi giải trí, sân bãi thể thao, trường học, bệnh viện, chiếu sáng công cộng, kho bãi, thông tin liên lạc,... được tính theo quy mô diện tích hoặc công suất thiết bị lắp đặt. Kết quả tính toán nhu cầu điện cho các hoạt động khác như sau:

Bảng III.6: Nhu cầu điện cho các hoạt động khác.

Năm

Thành phần

Nhu cầu

% so với TP

2015

Công suất (MW)

Điện năng A (MWh)

Tốc độ tăng trưởng BQ(2012- 2015)

0,96

1.338

13,9%

0,6%

2020

Công suất (MW)

Điện năng A (MWh)

Tốc độ tăng trưởng BQ(2016- 2020)

1,91

2.868

16,5%/năm

0,8%

Danh mục phụ tải các hoạt động khác xem trong phụ lục 5.

2. Kết quả tính toán nhu cầu điện theo 2 phương án( trực tiếp):

Bảng III.7: Nhu cầu điện huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc theo 2 phương án:

Năm

Thành phần

P.án cơ sở

P.án cao

2015

Công suất (MW)

Điện thương phẩm (GWh)

Điện nhận (GWh)

Tăng trưởng ĐTP BQ(2012- 2015)

53

228,8

249

15,3%/năm

57

251,3

273

18,1%/năm

2020

Công suất (MW)

Điện thương phẩm (GWh)

Điện nhận (GWh)

Tăng trưởng ĐTP BQ(2016- 2020)

83

381,2

406

10,8%/năm

91

433,5

461

11,5%/năm

3. Dự báo nhu cầu điện huyện Yên Lạc đến năm 2020 (PP gián tiếp):

 Đề án dùng phương pháp đàn hồi là phương pháp dự báo dựa vào các tiêu chí phát triển kinh tế của huyện (theo kịch bản cơ sở) để dự báo và kiểm chứng kết quả của dự báo trực tiếp, và để lựa chọn phương án phụ tải phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của huyện trong tương lai.

Kết quả dự báo nhu cầu điện của huyện theo phương pháp gián tiếp được trình bày ở bảng III.8.

Bảng III.8: Kết quả dự báo nhu cầu điện huyện Yên Lạc theo phương pháp gián tiếp

 

Đơn vị

Năm 2011

Năm 2015

Năm 2020

Tổng thương phẩm

103 kWh

129.314

239.055

399.537

Điện nhận

103 kWh

143.747

259.843

425.039

Pmax

MW

37

55

87

Bảng III.9: So sánh dự báo nhu cầu điện theo 2 phương pháp (trực tiếp & gián tiếp)

 Nhu cầu điện đến 2020 được dự báo theo phương pháp dự báo gián tiếp sai khác so với phương pháp trực tiếp ( Phương án cơ sở) không quá 5% , điều đó cho thấy rằng dự báo nhu cầu điện của phương án cơ sở của phương pháp trực tiếp phù hợp và sát thực với phát triển kinh tế trong tương lai ( theo phương án chọn của tỉnh).

Bảng III.13: Kết quả phân vùng phụ tải điện theo phương án cơ sở.

TT

Vùng phụ tải

Pmax(kW)

 

 

2015

2020

I

Vùng I

41314

65573

1

Đồng Văn

23417

34922

2

Tề Lỗ

3712

5628

3

Trung Nguyên

2835

4426

4

TT Yên Lạc

6527

13202

5

Bình Định

4626

7038

6

Đồng Cư­­ơng

2372

3808

II

Vùng II

18973

29465

1

Tam Hồng

3213

5277

2

Yên Đồng

2314

3584

3

Liên Châu

2123

3105

4

Đại Tự

2469

3770

5

Yên Phư­­ơng

2049

3211

6

Hồng Phư­­ơng

983

1528

7

Hồng Châu

1747

2630

8

Trung Hà

1579

2406

9

Trung Kiên

1385

2090

10

Nguyệt Đức

1951

3210

11

Văn Tiến

1268

1928

 

 

 

 

 

Pmax toàn huyện

53000

83000

III.5. Nhận xét kết quả dự báo nhu cầu điện giai đoạn 2010- 2015- 2020:

Bảng III.14: Đánh giá tăng trưởng điện thương phẩm qua các giai đoạn.

Tỷ số điện th­ương phẩm (GWh)

2015/2010

2020/2015

2020/2010

228,8/93,5

381,2/228,8

381,2/93,5

Mức độ tăng (lần)

2,45

1,66

4,1

Tốc độ tăng tr­ưởng bình quân (%/năm)

2011- 2015

2016- 2020

2011- 2020

19,6

10,8

15,1

 Qua bảng trên ta thấy tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2011- 2015 của huyện Yên Lạc 19,6%/năm. Sở dĩ tốc độ tăng cao như vậy là do trong giai đoạn này tại huyện Yên Lạc xuất hiện thêm các phụ tải công nghiệp và cụm công nghiệp tạo nên những bước đột biến lớn về phụ tải của huyện.

Năm 2010, điện năng thương phẩm bình quân đầu người của huyện Yên Lạc là 630kWh/người. Theo kết quả dự báo tới năm 2015 điện năng tiêu thụ bình quân đầu người của huyện sẽ đạt gần 1500 kWh/người, tăng xấp xỉ gần 2,4 lần so với năm 2010.

Chương IV

SƠ ĐỒ CẢI TẠO VÀ PHÁT TRIỂN LƯỚI ĐIỆN HUYỆN YÊN LẠC GIAI ĐOẠN 2011- 2015, CÓ XÉT ĐẾN 2020

IV.1. Các quan điểm và tiêu chuẩn thiết kế.

+ Lưới trung thế 35, 22, 10kV được tính chi tiết tới 2015.

+ Xây dựng kết cấu lưới giai đoạn trước không bị phá vỡ ở giai đoạn sau.

+ Kết cấu lưới điện của huyện phải đảm bảo yêu cầu cung cấp điện trước mắt, đáp ứng được nhu cầu phát triển phụ tải trong tương lai, phù hợp với “Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011- 2015 có xét đến 2020” đã được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 20 tháng 1 năm 2011.

+ Nâng cao một bước độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo chất lượng điện áp ở những điểm bất lợi nhất.

+ Thực hiện đúng theo tiêu chí chung trong quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Vĩnh Phúc: Cải tạo toàn bộ lưới điện 10kV sang 22kV trong giai đoạn 2011- 2015.

+ Đường dây trục 35, 22kV dùng dây dẫn trần AC có tiết diện ³ 95mm2. Đường nhánh dùng dây dẫn có tiết diện ³ 50mm2.

+ Các đường dây trung thế mạch vòng được thiết kế sao cho khi vận hành hở tổn thất điện áp tại hộ xa nhất ≤ 5% ở chế độ vận hành bình thường và không quá 10% ở chế độ sau sự cố.

+ Tổn thất điện áp cuối các đường dây trung thế hình tia ≤ 5%.

+ Gam máy biến áp phụ tải chọn phổ biến loại (100- 320) cho khu vực nông thôn đồng bằng và (180- 400)kVA cho khu vực thị trấn. Các trạm chuyên dùng của khách hàng theo quy mô phụ tải sẽ được thiết kế với gam máy thích hợp.

+ Lưới điện hạ thế áp dụng hệ thống hạ áp 220/380V ba pha 4 dây có trung tính nối đất trực tiếp. Đường trục dùng cáp vặn xoắn hoặc dây nhôm với tiết diện ³ 70mm2, đường nhánh tiết diện ³ 50mm2. Bán kính lưới điện hạ thế không vượt quá 400m ở khu vực thị trấn và 800m ở khu vực nông thôn dân cư phân tán.

IV.2. Cân đối nguồn và phụ tải:

Theo phương án phụ tải cơ sở đến năm 2015 phụ tải toàn huyện là 53MW và đến 2020 là 83MW. Hiện tại huyện Yên Lạc được cấp điện từ trạm 110kV Vĩnh Yên và trạm 110kV Vĩnh Tường.

Theo “Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011- 2015 có xét đến 2020” đã được Bộ Công Thương phê duyệt dự kiến sẽ xây dựng trạm 110kV Yên Lạc 110/22kV quy mô công suất 2x40MVA (trước mắt lắp một máy năm 2013).

Theo tiến độ xây dựng trạm 110kV trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc, dự kiến các trạm 110kV cấp cho huyện Yên Lạc giai đoạn 2011- 2015 như sau:

+ Trạm 110KV Vĩnh Yên 110/35/22kV- 2x63MVA.

+ Trạm 110KV Vĩnh Tường 110/35/22kV- (40+63) MVA.

+ Trạm 110KV Hội Hợp 110/35/22kV- 1x63MVA.

+ Trạm 110KV Yên Lạc 110/22kV- 1x40MVA.

Giai đoạn 2016 - 2020 huyện Yên Lạc sẽ được cấp điện từ các trạm 110kV như sau:

+ Trạm 110KV Hội Hợp 110/35/22kV- 2x63MVA.

+ Trạm 110KV Vĩnh Tường 110/35/22kV- 2x63 MVA.

+ Trạm 110KV Yên Lạc 110/35/22kV- 2x40MVA.

IV.3. Thiết kế sơ đồ cung cấp điện huyện Yên Lạc

IV.3.1. Lưới trung thế:

Định hướng chung: Trong giai đoạn 2011- 2015 ( phù hợp với quy hoạch tỉnh đã được Bộ Công Thương phê duyệt) dự kiến cải tạo toàn bộ lưới điện 10kV của huyện sang cấp điện áp tiêu chuẩn 22kV được cấp điện trực tiếp từ trạm 110kV Yên Lạc, các khu vực chưa kịp cải tạo thì đường dây phải phát triển theo tiêu chuẩn 22kV, các trạm biến áp phân phối phải có đầu phân áp 22kV. Lưới trung thế xây dựng mới chủ yếu phát triển lưới 22kV, lưới 35kV xây dựng mới chủ yếu là các đường dây và trạm đã có trong dự án năng lượng nông thôn II, các dự án khác đã có hoặc các khu vực không có lưới 22kV. Đề án cũng đã cập nhật toàn bộ dự án năng lượng nông thôn II (RE II- Mở rộng), KFW trong toàn huyện.

Lưới trung thế sau trạm 110 kV Yên Lạc: Dự kiến các lộ 22 kV của trạm 110 kV Yên Lạc cấp cho huyện Yên Lạc đến 2015 như sau:

- Lộ 471 cấp cho điện cho các xã Liên Châu, Tam Hồng, Yên Đồng, Đại Tự, Hồng Châu.

- Lộ 473 cấp cho điện cho thị trấn Yên Lạc, các xã Nguyệt Đức, Trung Kiên, Hồng Phương.

- Lộ 475 cấp cho điện cho thị trấn Yên Lạc, các xã Bình Định, Đông Cuông, Trung Nguyên, Đồng Văn, Tề Lỗ.

Lưới trung thế 35,22kV của huyện Yên Lạc:

Dự kiến lưới 35 kV và 22 kV của huyện Yên Lạc giai đoạn 2012- 2015 như sau:

1. Lưới 35kV

Dự kiến đến 2015 huyện Yên Lạc sẽ được cấp điện từ các lộ 371, 375 của trạm 110KV Hội Hợp, lộ 371, 377 của trạm 110kV Vĩnh Tường, lộ 373 trạm 110kV Vĩnh Yên, cụ thể như sau:

+ Lộ 375- Trạm 110kV Hội hợp: Cấp điện cho phụ tải công nghiệp xã Đồng Văn, đấu liên hệ mạch vòng với lộ 371 của trạm 110kV Vĩnh Tường qua cầu dao CD101 và với lộ 372 của trạm 110kV Hội Hợp qua cầu dao CDF7. Chiều dài đường trục 6 km, dây dẫn AC- 120,95 cấp điện cho 8 trạm 35/0,4kV với tổng dung lượng 13.780 kVA, . Pmax lộ =5,5MW.

+ Lộ 371- Trạm 110kV Hội hợp: Cấp điện cho phụ tải công nghiệp xã Đồng Văn, đấu liên hệ mạch vòng với lộ 375 của trạm 110kV Hội Hợp qua cầu dao CDF7. Chiều dài đường trục 6 km, dây dẫn AC- 120,95 cấp điện cho 6 trạm 35/0,4kV với tổng dung lượng 16.960 kVA, . Pmax lộ =5,4MW.

+ Lộ 371- Trạm 110kV Vĩnh Tường: Cấp điện chủ yếu cho huyện Vĩnh Tường và đi tiếp cấp điện cho phụ tải công nghiệp xã Đồng Văn, đấu liên hệ mạch vòng với lộ 371 của trạm 110kV Hội Hợp qua cầu dao CD101. Chiều dài đường trục 13,8 km, dây dẫn AC- 120,95 cấp điện cho 15 trạm 35/0,4kV với tổng dung lượng 34.590 kVA. Công suất của trạm 110kV Vĩnh Tường cấp cho huyện là: 9,6MW.

+ Lộ 377- Trạm 110kV Vĩnh Tường: Cấp điện cho phụ tải công nghiệp Công ty CP CN Việt Nam thuộc xã Đồng Văn. Chiều dài đường trục 8,2 km, dây dẫn AC- 150, với tổng dung lượng 26.250 kVA, . Pmax lộ =10MW; ∆U=2,1%.

Lộ 373- Trạm 110kV Vĩnh Yên: Cấp điện cho phụ tải các xã Đồng Cương, Bình Định, Minh Tân, Tam Hồng và Tề Lỗ của huyện Yên Lạc, đấu liên hệ mạch vòng với lộ 373 của trạm 110kV Vĩnh Tường qua cầu dao CD4. Chiều dài đường trục là: 25km, loại dây AC120,95. Cấp điện cho 30 trạm với tổng dung lượng là: 23.195 KVA của huyện Yên Lạc. Pmax của lộ là: 7,4MW.

Tổng khối lượng xây dựng lưới điện 35kV huyện Yên Lạc đến 2015: Xây dựng mới 0,4km đường dây 35kV và 5 trạm 35/0,4kV với tổng dung lượng 9000 kVA.

2. Lưới 22kV

 Khi có trạm 110kV Yên Lạc, dự kiến bỏ trạm trung gian Tam Hồng, cải tạo toàn bộ lưới 10kV sau trung gian Tam Hồng sang 22kV nhận điện trực tiếp từ trạm 110kV Yên Lạc như sau:

+ Lộ 471: Cấp cho điện cho các xã Liên Châu, Tam Hồng, Yên Đồng, Đại Tự, Hồng Châu, đấu liên hệ mạch vòng với lộ 473 của trạm 110kV Yên lạc qua cầu dao CD5. Chiều dài đường trục 10km, dây dẫn AC- 120,95 cấp điện cho 60 trạm 22/0,4kV với tổng dung lượng 19260 kVA. Pmax lộ =6,8MW; ∆U=3,92%.

+ Lộ 473: cấp cho điện cho thị trấn Yên Lạc, các xã Nguyệt Đức, Trung Kiên, Hồng Phương, đấu liên hệ mạch vòng với lộ 471, 475 của trạm 110kV Yên lạc qua cầu dao CD5 và CD6, và với lộ 474 của trạm 110kV Vĩnh Yên qua cầu dao CD8. Chiều dài đường trục 15 km, dây dẫn AC- 120,95 cấp điện cho 59 trạm 22/0,4kV với tổng dung lượng 15550 kVA. Pmax lộ =5,6MW; ∆U=4,5%.

+ Lộ 475: Cấp cho điện cho thị trấn Yên Lạc, các xã Bình Định, Đông Cuông, Trung Nguyên, Đồng Văn, Tề Lỗ, đấu liên hệ mạch vòng với lộ 473 của trạm 110kV Yên lạc qua cầu dao CD6, và với lộ 475 của trạm 110kV Vĩnh Tường qua cầu dao CD7. Chiều dài đường trục 10,5 km, dây dẫn AC- 120,95 cấp điện cho 51 trạm 22/0,4kV với tổng dung lượng 18025 kVA. Pmax lộ =6,7MW; ∆U=3,72%.

Tổng khối lượng xây dựng lưới điện 22kV huyện Yên Lạc đến 2015: Xây dựng mới 39,7km đường dây 22kV và 78 trạm 22(10)/0,4kV với tổng dung lượng 30110 kVA. Cải tạo 65,8km đường dây 10kV sang 22kV, cải tạo 78 trạm biến áp phân phối 10/0,4kV với tổng dung lượng 19185 kVA sang 22/0,4kV.

Kết quả tính toán tổn thất công suất, điện áp và điện năng lưới điện trung thế của huyện Yên Lạc được thể hiện trong phụ lục 8.

3. Lưới hạ thế

- Lưới hạ thế được thiết kế hình tia, trừ các phụ tải có yêu cầu đặc biệt phải thiết kế mạch vòng có liên kết dự phòng.

- Bán kính lưới 0,4 kV cho các phụ tải dân sinh phù hợp với tiêu chuẩn đã nêu ở phần trên.

- Mỗi trạm biến áp hạ áp sẽ có từ 2 đến 4 đường dây trục chính 0,4kV và các nhánh rẽ. Các đường dây trục chính sử dụng hệ thống 3 pha 4 dây trung tính nối đất trực tiếp, điện áp 380/220V. Các nhánh rẽ tùy theo nhu cầu phụ tải mà đi 1; 2 hoặc 3 pha.

- Khu vực thị trấn dùng cáp vặn xoắn XLPE hoặc dây AV- 95; 70 cho các đường trục, AV- 50; 35 cho các nhánh rẽ.

- Khu vực nông thôn dùng cáp vặn xoắn XLPE hoặc dây A- 95; 70 cho các đường trục, A- 50; 35 cho các nhánh rẽ.

- Cột hạ thế: Đối với khu vực thị trấn dùng cột bê tông ly tâm 8,5m và 10m để có thể kết hợp lắp đặt đèn đường. Còn đối với khu vực nông thôn: dùng phổ biến loại cột bê tông vuông 8,5m cho các đường trục. Có thể kết hợp đi chung cột với đường dây cao thế.

- Công tơ: Các hộ sử dụng điện đều phải lắp đặt công tơ nhằm ngăn ngừa tổn thất, đảm bảo công bằng trong kinh doanh bán điện và an toàn sử dụng điện. Sử dụng các hòm công tơ nhựa loại cho 1,2 hoặc 4 công tơ chuyên dùng.

- Dây dẫn sau công tơ vào các hộ dùng điện dùng dây PVC- M2x6mm2

 Dự kiến khối lượng xây dựng mới đường dây hạ thế và công tơ toàn huyện Yên Lạc đến 2010 như sau:

+ Đường dây hạ thế: Xây dựng mới 179 km

 Cải tạo nâng cấp 118 km.

+ Công tơ lắp đặt mới và thay thế 24599 cái.

Chương V

KHỐI LƯỢNG XÂY DỰNG VÀ VỐN ĐẦU TƯ

Để thực hiện theo đề án “Quy hoạch phát triển Điện lực huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012- 2015, có xét đến 2020” như đã trình bày ở trên cần phải thực hiện khối lượng xây dựng và vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện như sau:

V.1. Khối lượng và vốn đầu tư xây dựng đường dây, công tơ đến 2015

Tổng hợp khối lượng xây dựng mới và cải tạo đường dây, công tơ của huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc đến 2015 được cho trong bảng V.1.

Bảng V.1: Tổng hợp khối lượng xây dựng và vốn đầu tư đường dây, công tơ đến 2015

Chi tiết khối lượng tính toán được thể hiện trong phụ lục 9.

V.2. Khối lượng và vốn đầu tư xây dựng trạm biến áp đến 2015

Tổng hợp khối lượng xây dựng mới và cải tạo trạm biến áp của huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc đến 2015 được cho trong bảng V.2.

Bảng V.2: Tổng hợp khối lượng xây dựng và vốn đầu tư trạm biến áp đến 2015

V.3. Tổng hợp và phân vốn đầu tư.

 Tổng hợp vốn đầu tư xây dựng và cải tạo lưới điện toàn huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc đến 2010 được thể hiện ở bảng V.3.

V.4. Cơ chế huy động vốn đầu tư:

Tại điều 11, mục 3 luật Điện lực nêu rõ: Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm xây dựng trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ để bán điện.

Tại điều 3, mục 2 nghị định của chính phủ về việc hướng dẫn thi hành luật Điện lực quy định: Đơn vị truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm biến áp, trạm cắt, trạm bù công suất phản kháng trong phạm vi quản lý của mình.

Phù hợp với luật Điện lực ban hành, phù hợp với điều kiện thực tế tại huyện Yên Lạc. Cơ chế huy động vốn đầu tư như sau:

- Công ty Điện Lực Vĩnh Phúc đầu tư lưới điện trung áp, công tơ và lưới điện hạ thế ở khu vực Điện Lực bán trực tiếp

- Đối với khách hàng lớn ngành điện đầu tư đến hàng rào công trình

- Lưới hạ thế và công tơ ở khu vực mà Điện Lực bán tổng do các tổ chức quản lý, kinh doanh điện hạ thế đầu tư hoặc huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác.

Chương VI

PHÂN TÍCH KINH TẾ - TÀI CHÍNH

Vi.1 Cơ sở phân tích kinh tế tài chính

+ Luật điện lực do Quốc hội thông qua ngày 3/12/2004.

+ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 của Quốc hội ban hành ngày 3/6/2008.

+ Dự thảo hướng dẫn nội dung phân tích kinh tế – tài chính các dự án đầu tư lưới điện số 1647/EVN/TĐ ngày 4/4/2001 của Tổng Công ty Điện lực Việt nam.

+ Thông tư 17/2012/TT- BCT ngày 29/6/2012 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện năm 2012 và hướng dẫn thực hiện.

+ Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường.

+ Các văn bản hướng dẫn phân tích kinh tế – tài chính dự án của WB, ADB, đối với các dự án nâng cao hiệu quả hệ thống điện.

+ Các tài liệu khác có liên quan.

VI.2 Phân tích kinh tế tài chính

VI.2.I. Phân tích kinh tế

Mục tiêu của đánh giá kinh tế dự án là tính toán xem xét, so sánh các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp của dự án để lựa chọn giải pháp, phương pháp tối ưu để thực hiện dự án trên góc độ lợi ích quốc gia về sử dụng tài nguyên, nhân lực của mình.

Hiệu quả kinh tế của dự án được đánh giá qua các chỉ tiêu sau:

- Giá trị hiện tại hóa của lợi nhuận kinh tế dự án (NPV).

- Hệ số nội hoàn về kinh tế (EIRR).

- Tỷ số B/C.

Đề án “Quy hoạch phát triển điện lực huyện Yên Lạc giai đoạn 2012- 2015, có xét đến năm 2020” với mục tiêu kinh tế - kỹ thuật nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện dân sinh kinh tế của tỉnh trong những năm tới đây cả về số lượng và chất lượng, đồng thời đáp ứng nhu cầu phụ tải của các nhà máy và khu công nghiệp khả thi đi vào hoạt động, cần thiết đánh giá hiệu quả kinh tế của đề án khi nhu cầu dùng điện của tỉnh ngày càng tăng.

Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả trên được xác định trên cơ sở các dòng chi phí, lợi ích của dự án. Tuy nhiên, vì đánh giá kinh tế đứng trên quan điểm Quốc gia mang ý nghĩa lợi ích cho xã hội, nên vốn đầu tư đưa vào phân tích sẽ không quan tâm đến nguồn gốc và không bao gồm những khoản mục sau:

- Các loại thuế.

- Chi phí nhân công.

Do đó vốn đầu tư kinh tế của dự án dự tính giảm đi 10% khoản mục chi phí trên.

VI.2.2. Phân tích tài chính

Mục đích của phân tích tài chính là đánh giá hiệu quả tài chính của chủ đầu tư dự án. Do đó phân tích tài chính là bảng báo cáo dòng tiền được tính theo quan điểm cho chủ đầu tư dự án. Khi phân tích tài chính cho chủ đầu tư dự án là xem xét đến nguồn gốc các nguồn vốn đầu tư và nhu cầu vay cho dự án, cùng với các điều kiện vay, trả gốc và trả lãi đảm bảo hoạt động tài chính của dự án. Hiệu quả tài chính được đánh giá qua các chỉ tiêu:

- Giá trị hiện tại hóa của lợi nhuận ròng của dự án (FNPV).

- Hệ số nội hoàn về tài chính (FIRR).

- Chỉ tiêu lợi ích- chi phí B/C

Phân tích dòng tài chính dự án là đánh giá thu - chi các hoạt động tài chính, xem xét đến các nguồn vốn và sử dụng vốn, cùng các điều kiện vay trả vốn, khả năng cân đối tài chính của chủ đầu tư dự án. Bao gồm các bảng: Tính thu nhập và cân đối nguồn vốn.

VI.2.3. Các điều kiện dùng trong tính toán

+ Vốn đầu tư: Theo tổng vốn đầu tư và khối lượng đã được tính cho phần lưới trung thế và hạ thế của đề án quy hoạch.

+ Điện thương phẩm và điện nhận đầu nguồn: được tính trong phần dự báo nhu cầu phụ tải huyện Yên Lạc

Bảng VI.1: Chỉ tiêu điện năng thương phẩm của huyện Yên Lạc giai đoạn quy hoạch

Các chỉ tiêu

2011

2015

2020

Điện thương phẩm(GWh)

129

228,8

381

Điện tổn thất (%)

10

8,0

6,0

Điện đầu nguồn(GWh)

143,7

249

406

+ Giá trị tài sản cố định còn lại năm gốc 2011 dự kiến là 25 tỷ đồng.

+ Chi phí bảo dưỡng vận hành (O&M) cho từng loại trung thế, hạ thế, bình quân gia quyền chi phí (O&M) của công trình bằng 3,75% tổng vốn đầu tư.

+ Giá bán điện thương phẩm bình quân: Giá thực hiện năm gốc 2011 của huyện Yên lạc là 913 đ/kWh (chưa kể thuế VAT).

- Giá bán điện bình quân những năm sau đó đến năm 2020 sẽ được xác định theo cơ cấu biểu giá điện hiện hành, phụ thuộc và tương ứng với tốc độ tăng cơ cấu điện năng thương phẩm dự báo cho 5 thành phần các giai đoạn: 2011, 2015 và 2020. Đồng thời xét cả với tốc độ tăng giá bán bình quân dự kiến của huyện, tương ứng với tốc độ tăng giá bán bình quân toàn quốc từ nay đến năm 2015 và 2020, sao cho giá bán điện thương phẩm toàn quốc kỳ vọng đạt chi phí biên để các khâu đáp ứng cơ chế chi phí thị trường: từ sản xuất, truyền tải và phân phối điện đến cấp hạ áp. Theo tính toán dự thảo trong Tổng sơ đồ 7 thì chi phí biên sẽ đạt là 8 UScent/kWh vào năm 2015 và 8,5 UScent/kWh vào năm 2020.

Do đó, giá bán điện bình quân tính được ở năm 2015 là 1709 đ/kWh (bao gồm thuế VAT). Tốc độ tăng giá bán điện bình quân giai đoạn 2011- 2015 theo tính toán là 14,2%/năm (do tăng tốc độ giá điện theo cơ cấu). Giai đoạn 2016- 2020, tốc độ tăng giá bán bình quân chung dự kiến thấp hơn giai đoạn trước, theo tính toán khoảng 2,0%/năm. Do đó giá bán điện bình quân năm 2020 là 1883 đ/kWh.

- Từ sau năm 2020, điện thương phẩm và giá bán điện bình quân tạm cố định như năm 2020, vì nếu nhu cầu điện thương phẩm tăng lên thì đồng thời cũng phải tăng lượng đầu tư đáp ứng. Do đó đề án dự kiến giữ nguyên lượng điện năng thương phẩm và giá bán bình quân cho phân tích kinh tế - tài chính từ sau năm 2020 trở đi đến hết thời gian tính toán quy hoạch của đề án.

+ Giá mua điện đầu nguồn: Theo thông tư quy định của Bộ Công Thương, giá bán buôn điện bình quân cho các công ty điện lực bán lẻ tại thanh cái trung thế tương đương giá bán lẻ điện sản xuất tại điện áp trung thế tương ứng trừ lùi 2%. Giá bán điện bình quân của huyện Yên Lạc năm 2011 thấp hơn giá bán điện của toàn quốc, do điện sử dụng giá sinh hoạt ở những bậc thang thấp hơn. Nhưng những năm sau đó, do sản lượng điện bán công nghiệp tăng khá cao, nên tỷ lệ giá bán buôn/giá bán lẻ năm 2012 của huyện Yên Lạc vẫn tương ứng tỷ lệ chung là 84,8%. Từ tỷ lệ giá mua và bán điện năm gốc và giá bán điện bình quân các năm tương ứng, xác định cho giá mua điện bình quân các năm tiếp theo của thời kỳ quy hoạch.

+ Hệ số chiết khấu là hệ số chiết khấu xã hội, i = 10%.

Thời gian tính toán:

- Năm đầu tư dự án: 2012.

- Năm đầu tư cuối cùng của dự án: 2015

+ Đời sống kinh tế của công trình:

- 15 năm đối với lưới trung thế

- 10 năm đối với lưới hạ thế

Thuế suất VAT: 10%; thuế suất thu nhập doanh nghiệp 25%.

+ Hệ số chiết khấu tài chính chủ đầu tư dự án là bình quân các lãi suất vay vốn.

Bảng VI.2.: Các điều kiện vay vốn cho dự án dự kiến

 

Lãi suất

Ân hạn

Thời gian trả vốn

Vay TM trong nước

Vay REII và theo KH

13%

6,9%

5 năm

5 năm

15 năm

20 năm

VI.2.4. Kết quả tính toán (Phương án cơ sở)

Bảng VI.3: Kết quả các chỉ tiêu phân tích kinh tế và tài chính (P/a cơ sở)

Phân tích

NPV
(Tỷ đồng)

IRR
%

B/C

1. Phân tích kinh tế

2. Phân tích tài chính chủ đầu tư

402

27,2

31,5

18

1,16

1,01

Bảng VI.4: Kết quả phân tích dòng tài chính

Các chỉ tiêu tài chính

 

Giá bán bình quân (đ/kWh)

Giá thành bình quân (đ/kWh)

Tổng vốn đầu tư dự án (2011- 2015) (Tỷ đồng)

Tổng nhu cầu vay (Tỷ đồng)

Trả nợ gốc vay (Tỷ đồng)

Lợi nhuận ròng tích lũy (Tỷ đồng)

Mức sinh lợi toàn giai đoạn (%)

1835

1741

177,067

168,021

168,021

421

41,3

Bảng VI.5: Kết quả các chỉ tiêu phân tích kinh tế và tài chính ở phương án tính độ nhạy

· Khi Vốn đầu tư tăng 10%

Phân tích

NPV
(Tỷ đồng)

IRR
%

B/C

1. Phân tích kinh tế

2. Phân tích chủ đầu tư

389

9,3

29,5

14,4

1,15

1,004

· Khi điện thương phẩm giảm 10%

Phân tích

NPV
(Tỷ đồng)

IRR
%

B/C

1. Phân tích kinh tế

2. Phân tích chủ đầu tư

331

- 7

28,1

11,02

1,16

0,996

· Khi tổ hợp điện thương phẩm giảm, vốn đầu tư tăng: 10%

Phân tích

NPV
(Tỷ đồng)

IRR
%

B/C

1. Phân tích kinh tế

2. Phân tích chủ đầu tư

317

- 31

26,3

6,6

1,15

0,98

Nhận xét 

Đối với phương án cơ sở, các chỉ tiêu kinh tế - tài chính của dự án rất tốt, với khả năng đầu tư lưới trung hạ thế và lượng điện năng bán. Phân tích độ nhạy xét với tất cả các yếu tố riêng lẻ và tổ hợp các yếu tố thay đổi bất lợi về vốn đầu tư tăng lên hay điện thương phẩm giảm đi 10%, cho kết quả dự án vẫn đạt khả thi về kinh tế. Tuy nhiên đối với chủ đầu tư chỉ còn khả thi cho trường hợp vốn tăng, còn điện thương phẩm của huyện là yếu tố rất nhạy cảm và có ảnh hướng nhiều đến chỉ tiêu tài chính chủ đầu tư. Do đó, dự án có hiệu quả về kinh tế và đạt chỉ tiêu tài chính chủ yếu ở phương án cơ sở.

VI.2.5. Kết luận về kết quả phân tích kinh tế tài chính

 Qua kết quả phân tích kinh tế tài chính, có thể nhận thấy là dự án rất khả thi về kinh tế và tài chính ở phương án cơ sở và phân tích độ nhạy kinh tế. Dự án đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cung cấp điện và giảm tổn thất, giảm sự cố lưới điện trung và hạ thế. Để dự án có hiệu quả tài chính tốt hơn khi xét đến độ nhạy, thì dự án cần được sự hỗ trợ thêm về mặt tài chính cho chủ đầu tư như phần vốn vay ưu đãi của chương trình điện khí hóa nông thôn, (vay JBIC, vay KFW…) cho lưới điện trung và hạ thế trong giai đoạn quy hoạch.

Chương VII

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

I. Kết luận.

Yên Lạc là một huyện đồng bằng của tỉnh Vĩnh Phúc. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh huyện Yên Lạc đang có những bước chuyển mình. Trong tương lai huyện Yên Lạc sẽ có nhiều biến đổi với sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp.

Đề án “Quy hoạch phát triển Điện lực huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011- 2015, có xét đến 2020” có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội của huyện. Đề án đã tính toán dự báo nhu cầu điện của huyện đến năm 2015 và 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện và đưa ra sơ đồ phát triển lưới điện dựa trên sự phân tích tổng hợp lưới điện hiện trạng cũng như sự phát triển dự kiến trong giai đoạn quy hoạch.

Nội dung chủ yếu của đề án bao gồm:

1. Dự báo nhu cầu phụ tải:

TT

Hạng mục

Đơn vị

2015

2020

1

Điện thương phẩm

GWh

228,7

381,2

2

Điện nhận

GWh

249

406

3

Pmax

MW

53

83

4

Điện TP b.quân đầu người

kWh/ng/n

1500

2300

2. Khối lượng xây dựng đến 2015:

Để đạt được mục tiêu phát triển lưới điện của huyện tới năm 2015 cần xây dựng lưới điện như sau:

- Xây dựng mới 0,4km đường dây 35kV.

- Xây dựng mới 39,7km đường dây 22kV.

- Cải tạo đường dây 10kV sang 22kV: 65,8km.

- Xây dựng mới trạm biến áp 35/0,4kV: 5 trạm với tổng dung lượng 9000 kVA.

- Xây dựng mới trạm biến áp 22(10)/0,4kV: 78 trạm với tổng dung lượng 30110 kVA.

- Cải tạo trạm biến áp 10/0,4kV sang 22/0,4kV: 78 trạm với tổng công suất 19185 kVA.

- Xây dựng mới 179km đường dây hạ thế.

- Cải tạo nâng cấp 118 km đường dây hạ thế.

- Lắp đặt mới và thay thế 24599 công tơ điện.

3. Vốn đầu tư:

Tổng nhu cầu vốn đầu tư đến 2015: 177,1 tỷ đồng

Chia ra: + Vốn xây dựng lưới trung thế: 110,5 tỷ đồng

+ Vốn xây dựng lưới hạ thế: 66,57 tỷ đồng

 Trong đó:

 +Vốn dự án RE II MR và KFW: 17,66 tỷ đồng

 + Vốn cần bổ sung: 159,4 tỷ đồng.

II. Kiến nghị

Sau khi đề án được phê duyệt, Sở Công Thương Vĩnh Phúc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về Quy hoạch phát triển các công trình điện trên địa bàn nhằm xây dựng các công trình điện theo đúng quy hoạch (theo Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 7 tháng 2 năm 2005; nghị định 45/2001/NĐ-CP ngày 2 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ và Quyết định số 42/2005/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp ngày 30 tháng 12 năm 2005).

Kiến nghị các sở, ban ngành chức năng của tỉnh và UBND huyện quan tâm bố trí quỹ đất để phục vụ công tác phát triển lưới điện trên địa bàn. Theo tính toán tổng quỹ đất cần để xây dựng mới các công trình điện trên phạm vi toàn huyện Yên Lạc giai đoạn 2012- 2015 khoảng 53,4 ha trong đó:

Đất để xây dựng đường dây 110kV là: 11,7 ha

Đất để xây dựng trạm 110kV là: 0,45 ha

Đất để xây dựng các đường dây trung thế là: 39,2 ha

Đất để xây dựng các đường dây hạ thế là: 1,8 ha

Đất để xây dựng các trạm biến áp hạ thế là: 0,14 ha

Về phía ngành Điện: Cần đẩy nhanh tiến độ trạm 110kV Yên Lạc để đảm bảo cung cấp điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện và thực hiện cải tạo lưới điện 10kV sang cấp điện áp tiêu chuẩn 22kV theo đúng tiến độ quy hoạch đã đề ra.

Kiến nghị UBND tỉnh phối hợp với ngành điện để huy động vốn bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả việc cho phép các tổ chức, cá nhân có điều kiện đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện hạ áp và kinh doanh bán điện theo mức giá quy định của Chính phủ.