Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG MẠI
*******

SỐ: 856/2003/QĐ-BTM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ ĐIỀU HÀNH THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC.

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Nghị định số 95/CP ngày 04/12/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại;
Căn cứ Công văn số 3328/VPCP-KTTH ngày 07 tháng 7 năm 2003 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Khoan về việc hình thành hệ thống và cơ chế thông tin, dự báo tình hình thị trường;
Căn cứ Quyết định số 751/2003/QĐ-BTM ngày 20 tháng 6 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc thành lập Tổ Điều hành thị trường trong nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định Quy chế hoạt động của Tổ Điều hành thị trường trong nước như Phụ lục kèm theo.

Điều 2. Nhóm chuyên viên thường trực của Tổ Điều hành thị trường trong nước chịu trách nhiệm thiết lập hệ thống và cơ chế thông tin, dự báo tình hình thị trường để nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ theo đúng Quy chế.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các đồng chí Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương nghiệp trong nước; các Vụ, Cục liên quan, Trung tâm thông tin thương mại và các thành viên Tổ Điều hành thị trường trong nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

K.T.BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Phan Thế Ruệ

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ ĐIỀU HÀNH THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
(kèm theo Quyết định số 856/2003/QĐ-BTM ngày 14 tháng 7 năm 2003)

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

 1. Định kỳ (hàng tháng, quý, 6 tháng, cả năm) lập báo cáo phân tích, đánh giá và dự báo quan hệ cung - cầu, giá cả các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (như lương thực, xăng dầu, xi măng, sắt, thép, phân bón, mía đường, muối, giấy và thuốc chữa bệnh), và thống nhất kiến nghị với Chính phủ các giải pháp xử lý để đảm bảo bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước.

 2. Đề xuất các giải pháp và cơ chế chính sách nhằm tạo lập môi trường kinh doanh trong nước lành mạnh và bình đẳng thông qua việc nghiên cứu cơ chế, chính sách; tổ chức khảo sát nghiên cứu hệ thống sản xuất, kinh doanh của các mặt hàng quan trọng, thiết yếu và các mặt hàng nhạy cảm khác; kể cả việc tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài.

 3. Thiết lập hệ thống thu thập thông tin, phân tích, đánh giá và dự báo diễn biến thị trường các mặt hàng nêu trên trong từng Bộ, ngành. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ từ các Tổng công ty, các Hiệp hội, các Bộ quản lý sản xuất và các Bộ Tổng hợp (Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính). Tổ chức tổng hợp phân tích, đánh giá, dự báo và thống nhất đề xuất các giải pháp xử lý để xây dựng thành báo cáo định kỳ trình Chính phủ

II. THU THẬP VÀ PHÂN TÍCH THÔNG TIN

 1. Các doanh nghiệp, các Hiệp hội và các Bộ, ngành thiết lập hệ thống thu thập và phân tích thông tin làm cơ sở cho việc dự báo diễn biến thị trường và giá cả trong nước và thế giới về các mặt hàng quan trọng thiết yếu: Lương thực, phân bón, xăng dầu, xi măng, sắt thép, mía đường, muối, giấy và thuốc chữa bệnh.

 2. Định kỳ từ ngày 20 đến ngày 22 hàng tháng (và đột xuất khi có diễn biến bất thường) các doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng thông báo cho Bộ quản lý ngành hành và Bộ Thương mại tình hình sản xuất, kinh doanh và diễn biến thị trường – giá cả các mặt hàng nêu trên trong kỳ và dự báo kỳ tới. Đồng thời phản ánh các vướng mắc ảnh hưởng đến cân đối cung - cầu và sự bình ổn thị trường cần được các Bộ, ngành và Chính phủ quan tâm can thiệp.

 3. Định kỳ trước ngày 25 hàng tháng, ngày 25 tháng cuối của quý, tháng cuối của 6 tháng và tháng cuối của năm các Bộ quản lý ngành hàng lập báo cáo phân tích tình hình cân đối cung - cầu, diễn biến thị trường – giá cả và dự báo thời gian tới, gửi Bộ Thương mại để tổng hợp và dự kiến các tình huống có thể xảy ra kèm theo các kiến nghị trình Chính phủ để có giải pháp xử lý, nhằm bình ổn và phát triển thị trường trong nước.

 4. Hàng tháng, Bộ Thương mại có trách nhiệm tổ chức họp Tổ Điều hành thị trường trong nước để phân tích, dự đoán và đề xuất các giải pháp nhằm bình ổn thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (toàn bộ các mặt hàng hoặc từng mặt hàng). Đồng thời xây dựng thành báo cáo của Tổ Điều hành thị trường trong nước trình Chính phủ.

 5. Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành hàng, các Hiệp hội, các doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu triển khai các chuyên đề về hệ thống phân phối và tiêu thụ các mặt hàng quan trọng, thiết yếu; hình thành và phát triển các kênh lưu thông, các thị trường theo địa bàn về các mặt hàng này, từng bước thực hiện quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

III. CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM

 1. Các doanh nghiệp, Hiệp hội các ngành hàng quan trọng, thiết yếu chịu trách nhiệm báo cáo và phản ánh kịp thời tình hình thị trường và giá cả trong và ngoài nước đối với các loại nguyên nhiên vật liệu, sản phẩm hàng hoá liên quan đến sự ổn định thị trường của các mặt hàng lương thực, xăng dầu, phân bón, xi măng, sắt thép, mía đường, muối, giấy và thuốc chữa bệnh cho Bộ quản lý ngành hàng và Bộ Thương mại đúng quy định nêu trên.

 2. Các Bộ tổng hợp và quản lý ngành hàng chịu trách nhiệm báo cáo tình hình và chủ trương xử lý các vấn đề liên quan ảnh hưởng đến quá trình bình ổn và phát triển thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu cho Chính phủ và Bộ Thương mại đúng quy định nêu trên.

 3. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm tổ chức một cách có khoa học các hoạt động nghiên cứu và tư vấn về điều hành thị trường trong nước các mặt hàng quan trọng, thiết yếu theo đúng chức năng, nhiệm vụ và các quy định hiện hành. Giúp việc cho Tổ hoạt động là Nhóm chuyên viên chuyên trách và thường trực thuộc Vụ Chính sách thương nghiệp trong nước và các cơ quan khác thuộc Bộ Thương mại do Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước chỉ định./.