Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRUNG ƯƠNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 86/QLTT-TW

Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 1991

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRUNG ƯƠNG SỐ 86/QLTT-TW NGÀY 02 THÁNG 8 NĂM 1991 VỀ VIỆC LẬP TRẠM KIỂM SOÁT CỐ ĐỊNH LIÊN NGÀNH TRÊN CÁC TRỤC ĐƯỜNG VÀO KHU VỰC BIÊN GIỚI PHÍA BẮC

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Quyết định số 54-CT ngày 3 tháng 3 năm 1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sửa đổi, bổ sung Quyết định số 190-CT ngày 16 tháng 7 năm 1982;
Thực hiện điểm c Điều 5 trong Chỉ thị số 405-CT ngày 19 tháng 11 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chấn chỉnh quản lý việc trao đổi hàng hoá qua biên giới Việt - Trung;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Thành lập các trạm kiểm soát cố định liên ngành tại các điểm trên các trục đường sau đây để kiểm soát việc ra vào khu vực biên giới phía Bắc (dưới đây gọi tắt là trạm):

Tại Quảng Ninh:

- Trên đường biển: Trạm Vạn Gia thuộc xã Vĩnh Thực, huyện Hải Ninh.

- Trên đường bộ: Trạm Tiên Yên, đặt tại ngã ba đường 18 và đường 4B.

Tại Lạng Sơn: Trạm Đồng Bành trên quốc lộ 1 A.

Tại Hà Tuyên: Trạm dốc Vĩnh Tuy trên quốc lộ số 2, đường Tuyên Quang - Hà Giang.

Tại Hoàng Liên Sơn:

- Trạm Bắc ngầm, trên đường 70.

- Trạm Kim Tân, đặt tại ngã ba đường 4E và 4D, thị xã Lào Cai.

Tại Cao Bằng:

- Trạm Khẩu Đồn tại cây số 8, quốc lộ số 3.

- Trạm Đông Khê trên quốc lộ số 4A, đặt tại ngã ba đường thị xã Cao Bằng và Tà Lùng.

Tại Sơn La: Trạm cây số 56, quốc lộ số 6.

Tại Lai Châu: Trạm Tuần Giáo thuộc huyện Tuần Giáo.

Điều 2: Trạm là một tổ chức kiểm tra liên ngành gồm đại diện các cơ quan Công an, Thuế vụ, Thương nghiệp (quản lý thị trường) và tuỳ theo nhu cầu công tác có thể thêm đại diện các cơ quan: Hải quan, Kiểm soát quân sự, Kiểm lâm, Kiểm dịch động vật, thực vật, do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định tổ chức và chỉ đạo hoạt động thông qua Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh.

Điều 3: Trạm phải có biển đặt ở chỗ dễ thấy. Trên biển viết rõ: "Trạm kiểm soát cố định liên ngành..." (địa danh của trạm).

Điều 4: Nhiệm vụ và quyền hạn của trạm:

A- Trạm có nhiệm vụ:

1- Theo đúng các quy định của pháp luật, giám sát, kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán hàng hoá ra, vào khu vực biên giới Việt - Trung, chống buôn lậu qua biên giới.

2- Thông qua việc kiểm soát, phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước về các chủ trương và biện pháp ngăn ngừa và khắc phục các hành vi kinh doanh trái phép.

3- Tổ chức quản lý tài sản, tiền, hàng tạm giữ theo đúng quy định của pháp luật.

B- Trạm có quyền:

1- Ra hiệu dừng xe trước cửa trạm, yêu cầu chủ hàng, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện xuất trình giấy tờ vận chuyển hàng hoá nếu trên xe có vận chuyển hàng hoá để buôn bán.

2- Khi phát hiện có dấu hiệu phạm pháp, trưởng trạm được quyền ra lệnh kiểm soát phương tiện vận tải, hàng hoá và người trên phương tiện vận tải ấy. Trong trường hợp đặc biệt cần thiết, được quyền yêu cầu chủ hàng, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện bốc dỡ hàng hoá xuống để kiểm tra.

3- Lập biên bản các vụ vi phạm và tạm giữ tang vật theo đúng quy định của pháp luật.

4- Căn cứ vào mức độ vi phạm, Trưởng trạm được quyền áp dụng các hình thức xử lý sau đây:

- Cảnh cáo.

- Phạt tiền đến 200.000 đồng.

- Ra quyết định truy thu thuế, chuyển giao cho cơ quan thuế thực hiện, nếu đương sự trốn thuế, lậu thuế.

- Tịch thu những mặt hàng Nhà nước cấm xuất và cấm nhập khẩu.

Đối với các trường hợp phải xử lý cao hơn thẩm quyền của trạm thì trạm chuyển hồ sơ về Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh xử lý kèm theo kiến nghị của mình.

Điều 5:

1- Trạm phải niêm yết công khai những quy định về:

- Danh mục mặt hàng cấm xuất, cấm nhập.

- Thủ tục vận chuyển hàng hoá trên đường.

2- Việc kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm phải theo đúng quy định sau đây:

- Khi kiểm tra và xử lý, phải có mặt ba người của trạm.

- Thủ tục kiểm tra và xử lý phải theo đúng quy định tại chương IV Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

- Ra quyết định xử lý theo thẩm quyền của trạm nói ở điều 4 trên đây.

- Sử dụng các ấn chỉ theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

Điều 6:

Nghiêm cấm trạm:

- Vô cớ giữ và lục soát phương tiện vận tải, làm ách tắc giao thông và hư hỏng hàng hoá.

- Bắt giữ trái phép người, hàng hoá và các phương tiện vận tải.

- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu hoặc gây phiền hà cho nhân dân, cho chủ hàng, chủ phương tiện.

- Có thái độ hống hách, thiếu lễ độ đối với người bị kiểm soát.

- Xử lý trái pháp luật, sử dụng trái phép tiền, hàng bị xử lý.

Điều 7: Người có thành tích công tác được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước và được thưởng tiền theo quy định hiện hành.

Người vi phạm những điều nghiêm cấm thì tuỳ theo tính chất, mức độ của vi phạm bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại về vật chất cho Nhà nước, cho tổ chức kinh tế, hoặc công dân thì phải bồi thường.

Điều 8: Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức và quản lý hoạt động của trạm; lựa chọn những đồng chí nắm vững chính sách và luật pháp, bảo đảm phẩm chất đạo đức, hiểu biết nghiệp vụ đối với vấn đề cần kiểm tra để đưa vào trạm; không đưa vào trạm những người mà vợ (chồng) và con đang hoạt động kinh doanh buôn bán trên các tuyến đường đặt trạm; thường xuyên bồi dưỡng chính sách và pháp luật cho cán bộ, nhân viên trong trạm; thường xuyên kiểm tra các hoạt động của trạm. Tuỳ theo yêu cầu công tác, Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh có kế hoạch định kỳ thay đổi cán bộ trạm hoặc luân phiên cán bộ giữa các trạm của địa phương.

Điều 9: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay các quyết định trước đây của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương về việc đặt trạm kiểm soát cố định liên ngành trên các trục đường vào khu vực biên giới Việt - Trung.

Các đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Hoàng Minh Thắng

(Đã ký)