Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 87/1998/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP TỔ NGHIÊN CỨU VỀ KINH TẾ ĐỐI NGOẠI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phối hợp đối với quan hệ hợp tác kinh tế đa phương và quá trình Việt Nam gia nhập và hoạt động trong các tổ chức kinh tế thương mại quốc tế và khu vực;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Chính phủ (Danh sách thành viên có phụ lục kèm theo).

Điều 2. Tổ nghiên cứu về kinh tế đối ngoại có các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Nghiên cứu, đề xuất kiến nghị với Thủ tướng các vấn đề về chiến lược, chính sách kinh tế đối ngoại nói chung và các vấn đề liên quan đến việc Việt Nam gia nhập và hoạt động trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN), khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Diễn đàn hợp tác á - Âu (ASEM), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu á - Thái Bình Dương (APEC) và các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế, khu vực khác; đàm phán hiệp định thương mại Việt - Mỹ.

2. Phân tích, đánh giá tình hình hợp tác kinh tế - thương mại giữa nước ta với các nước và các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế, đề xuất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi những chính sách không còn phù hợp, bổ sung những chính sách mới nhằm đổi mới và tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại.

3. Góp ý kiến vào các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định và một số đề án quan trọng trong hợp tác kinh tế - thương mại quốc tế do các Bộ, ngành liên quan soạn thảo theo yêu cầu của Thủ tướng, các Phó thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Để thực hiện các nhiệm vụ trên Tổ nghiên cứu về kinh tế đối ngoại được:

1. Trực tiếp nhận nhiệm vụ và báo cáo với Thủ tướng, các Phó thủ tướng Chính phủ.

2. Liên hệ với các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp có liên quan tiếp nhận những thông tin cần thiết để giải quyết các vấn đề do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ nêu ra.

3. Mời các nhà khoa học và cán bộ nghiên cứu làm cộng tác viên tham gia từng đề tài nghiên cứu; dự các cuộc trao đổi ý kiến, hội thảo và khảo sát về kinh tế đối ngoại.

Việc mời trí thức người Việt Nam ở nước ngoài làm cộng tác viên của Tổ nghiên cứu phải được sự chấp nhận của Thủ tướng Chính phủ.

4. Tiếp xúc, trao đổi ý kiến với các tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế và khu vực, các chuyên gia nước ngoài, nhằm thu thập thêm thông tin cần thiết cho những công tác mà Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện.

Điều 4.

1. Tổ nghiên cứu về kinh tế đối ngoại có trách nhiệm tuân thủ chế độ bảo mật đối với các tài liệu được cung cấp và tài liệu do Tổ soạn thảo.

2. Tổ trưởng Tổ nghiên cứu về kinh tế đối ngoại quyết định chương trình làm việc và các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của Tổ.

Điều 5.

1. Văn phòng Chính phủ bảo đảm địa điểm làm việc, kinh phí, điều kiện và phương tiện hoạt động của Tổ nghiên cứu về kinh tế đối ngoại.

2. Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm cung cấp các tài liệu có liên quan đến việc làm mà Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện.

3. Uỷ ban nhân dân các cấp, các doanh nghiệp có trách nhiệm giúp Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại về những vấn đề cần nghiên cứu tại địa phương và tại các doanh nghiệp.

Điều 6. Quyết định này thay thế Quyết định số 633-TTg ngày 9 tháng 8 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Nhóm nghiên cứu tư vấn về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các thành viên Tổ nghiên cứu về kinh tế đối ngoại chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

DANH SÁCH

THÀNH VIÊN TỔ NGHIÊN CỨU VỀ KINH TẾ ĐỐI NGOẠI
(kèm theo Quyết định số 87/1998/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Ông Đậu Ngọc Xuân, Tổ trưởng.

2. Ông Đỗ Quốc Sam, thành viên.

3. Ông Nguyễn Mại, thành viên.

4. Ông Trần Việt Phương, thành viên.

5. Ông Nguyễn Trung, thành viên.

6. Ông Bùi Xuân Nhật, thành viên.

7. Ông Võ Đại Lược, thành viên.

Ngoài các thành viên trên, Văn phòng sẽ cử từ 2 đến 3 cán bộ của Văn phòng Chính phủ giúp Tổ làm việc theo đề nghị của Tổ trưởng.