ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 870/QĐ-UBND | Tiền Giang, ngày 10 tháng 04 năm 2015 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Xét Biên bản họp Hội đồng thẩm định thông qua nội dung Quy hoạch phát triển đường thủy nội địa tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Xét báo cáo Quy hoạch phát triển đường thủy nội địa tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được chỉnh sửa hoàn chỉnh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển đường thủy nội địa tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
- Giao thông thủy nội địa có vai trò quan trọng và là một bộ phận không thể tách rời trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh Tiền Giang. Quy hoạch nhằm đảm bảo phát huy tối đa lợi thế của vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, kết hợp có hiệu quả các cảng, bến, kho bãi đóng hàng container, hỗ trợ và kết nối hiệu quả với vận tải đường bộ, đường biển.
- Quy hoạch phát triển giao thông thủy nội địa tỉnh Tiền Giang theo hướng tận dụng mạng lưới sông kênh hiện có, đồng thời chú trọng cải tạo nâng cấp một cách hợp lý để đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo khả năng giao thông thông suốt trong phạm vi tỉnh, giữa Tiền Giang và các tỉnh khác của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh.
- Đảm bảo sự phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật của mạng lưới và vận tải, bao gồm quy hoạch chuẩn tắc luồng lạch, quy hoạch mạng lưới cảng, bến, quy hoạch các cơ sở sửa chữa - đóng mới phương tiện thủy cũng như định hướng phát triển đội tàu thủy nội địa.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng đường thủy nội địa gắn kết với mạng lưới đường bộ, cảng biển tạo thành hệ thống liên hoàn. Đối với các công trình vượt sông phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật phù hợp cấp luồng được quy hoạch.
- Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư (đặc biệt sử dụng nguồn vốn ODA, WB v.v...) để phát triển cơ sở hạ tầng. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng và tham gia kinh doanh vận tải. Kết hợp hài hòa giữa phát triển giao thông đường thủy nội địa với thủy lợi, thủy sản và an ninh quốc phòng.
- Phát triển đội tàu phù hợp với điều kiện luồng lạch, có tính năng kỹ thuật cao nhằm đẩy nhanh tốc độ đưa hàng, bảo đảm an toàn vận tải và bảo vệ môi trường sinh thái.
a) Mục tiêu chung
- Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và của tỉnh nói riêng, đảm bảo phát triển bền vững ngành giao thông vận tải đường thủy.
- Xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể theo quy mô, cấp kỹ thuật và đề xuất phương án cải tạo, chỉnh trị, nâng cấp các tuyến sông, kênh chính trong địa bàn tỉnh để nâng cao khả năng khai thác vận tải liên hoàn giữa các tỉnh trong khu vực hỗ trợ vận tải đường bộ; xác định các công trình ưu tiên đầu tư và quan tâm vấn đề an toàn giao thông vận tải thủy.
b) Mục tiêu cụ thể
- Mục tiêu kinh tế - xã hội: Nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả kinh tế của giao thông thủy bằng việc phát huy năng lực hoạt động của các tuyến vận tải chính của địa phương kết nối với các tuyến liên tỉnh và với các tuyến đường thủy quốc gia. Quy hoạch sắp xếp lại vận tải thủy trên cơ sở luồng hàng, nguồn hàng, lượng hàng đi và đến trên cơ sở bố trí và cải tạo hợp lý về hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận tải.
- Mục tiêu kỹ thuật: Đánh giá và xây dựng lại mạng lưới giao thông thủy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cùng cơ sở hạ tầng kỹ thuật một cách hợp lý theo cấp kỹ thuật và theo nhiệm vụ vận tải để đảm bảo tính kết nối liên hoàn trong khu vực và giữa các khu vực với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, các vùng kinh tế trong cả nước, bảo đảm vận tải thông suốt, an toàn và hiệu quả.
- Mục tiêu quản lý: Nâng cao năng lực và hiệu lực trong công tác quản lý chuyên ngành nhằm hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý và bảo đảm tính hệ thống tính toàn diện và tính tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tạo môi trường pháp lý làm cơ sở từng bước cải tạo môi trường vùng nước và vùng dân cư ven sông, đảm bảo vệ sinh môi trường luồng lạch, an toàn trong vận tải đường thủy nội địa (ĐTNĐ).
II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TỈNH TIỀN GIANG ĐẾN NĂM 2020
1. Quy hoạch phát triển vận tải
a) Quy hoạch tuyến vận tải
Các tuyến vận tải và tuyến đường thủy trung ương quản lý bao gồm 05 tuyến liên vùng: Cửa Tiểu - Campuchia; TP. Hồ Chí Minh - Cà Mau (qua kênh Xà No); TP. Hồ Chí Minh - Kiên Lương (qua kênh Lấp Vò); TP. Hồ Chí Minh - Kiên Lương (kênh Tháp Mười số 2); Phước Xuyên - Kênh 28.
Các tuyến vận tải do địa phương quản lý theo trục Bắc - Nam hoặc Đông - Tây phục vụ riêng nhu cầu nội tỉnh và liên tỉnh lân cận là các tuyến Mỹ Tho - Mộc Hóa (sông Tiền - sông Bà Rài - Kênh 12), Mỹ Tho - Tân An (sông Tiền – sông Bảo Định), Cái Bè - Mộc Hóa - Mỹ An (sông Tiền - sông Phú An - rạch Bà Tồn - sông Ba Rài - kênh 12), Cai Lậy - Mộc Hóa (Sông Ba Rài - Kênh 12).
b) Quy hoạch đội tàu vận tải:
Các tuyến vận tải thủy lớn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng là các tuyến chính của khu vực phía Nam nên quy hoạch phát triển đội tàu cũng phải bám sát với quy hoạch chung của quốc gia. Theo đó phát triển cơ cấu đội tàu theo đầu phương tiện 65% tàu tự hành, 35% là đoàn kéo đẩy. Về trọng tải, đoàn kéo đẩy từ 600÷2.000 tấn, tàu tự hành ≤ 2.000 tấn, tàu pha sông biển 1.000÷2.000 tấn; tàu khách thường 50÷120 ghế, tàu khách nhanh 30÷120 ghế.
Phát triển đội tàu theo hướng đa dạng nhưng ưu tiên, khuyến khích phát triển các loại tàu theo hướng chuyên dụng. Đối với tàu hàng, gồm có tàu chở container, chở hàng rời, hàng lỏng với khối lượng lớn đáp ứng luồng hàng tương đối ổn định. Đối với tàu khách, ưu tiên phát triển các loại tàu khách theo hướng hiện đại, an toàn để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và vận tải phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Từng bước nghiên cứu và chuẩn hóa về hình thức các loại tàu theo các “mẫu” tàu định hình phù hợp với điều kiện từng tuyến vận tải và yêu cầu vận chuyển.
c) Định hướng phát triển mạng lưới cơ sở sửa chữa đóng mới phương tiện thủy nội địa:
Khuyến khích phát triển các cơ sở công nghiệp đóng tàu đảm bảo đóng mới và sửa chữa được tất cả các loại phương tiện vận tải thủy nội địa lưu hành trên địa bàn.
d) Quy hoạch tổng thể về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa:
Tăng cường các hoạt động quản lý, kỹ thuật và tuyên truyền giáo dục đảm bảo giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông đường thủy trên địa bàn. Tập trung vào các giải pháp đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn, kiểm tra giám sát các hoạt động vận tải, đầu tư hệ thống báo hiệu, thanh thải luồng lạch.
2. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng
a) Quy hoạch các tuyến đường thủy nội địa
- Tuyến do Trung ương quản lý: Tập trung nạo vét thông luồng, xây dựng bờ kè chống sạt lở: sông Tiền, kênh Xáng - Long Định, kênh 28, sông Tiền đặc biệt ở các khu nội ô đô thị, khu dân cư tập trung.
Đến năm 2020, nâng cấp 8 tuyến đường thủy nội địa do Trung ương quản lý đạt cấp kỹ thuật từ cấp III đến cấp đặc biệt.
+ Tuyến Sông Tiền: bao gồm 2 đoạn
Đoạn từ cửa Tiểu đến thượng lưu cảng Mỹ Tho là luồng hàng hải: Quy hoạch đến năm 2020 đạt cấp đặc biệt - ĐTNĐ.
Đoạn từ cảng Mỹ Tho đến biên giới Campuchia: Quy hoạch đến năm 2020 tuyến đạt cấp đặc biệt - ĐTNĐ.
+ Tuyến sông Vàm Cỏ: Quy hoạch đến năm 2020 đạt cấp đặc biệt - ĐTNĐ.
+ Tuyến kênh Chợ Gạo (rạch Lá, rạch Kỳ Hôn, kênh Chợ Gạo): Quy hoạch đến năm 2020 đạt cấp II - ĐTNĐ.
+ Tuyến kênh Nguyễn Văn Tiếp (kênh Tháp Mười số 2): quy hoạch đến năm 2020 đạt cấp III - ĐTNĐ.
+ Tuyến kênh 28: Quy hoạch đến năm 2020 cải tạo tuyến đạt đồng cấp III - ĐTNĐ.
+ Tuyến Kênh Nguyễn Tấn Thành (kênh Xáng): Quy hoạch đến năm 2020 nâng cấp cải tạo tuyến thành cấp III - ĐTNĐ.
- Đối với các tuyến đường thủy nội địa do tỉnh quản lý, quy hoạch danh mục 38 tuyến đường thủy do cấp tỉnh quản lý.
(Danh mục các tuyến đường thủy nội địa do tỉnh quản lý chi tiết tại phụ lục 1)
- Đối với các tuyến đường thủy nội địa khác, sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý về tuyến, kết nối với các tuyến khác để tăng chiều dài đường thủy nội địa, để quản lý và khai thác vận tải đạt 100% vào năm 2020. Rà soát, bổ sung danh mục đường thủy do cấp huyện quản lý. Các kênh phục vụ thủy lợi do ngành thủy lợi quản lý có kết hợp giao thông thủy theo từng thời điểm trong năm nhằm tăng cường khai thác các điều kiện sẵn có của kết cấu hạ tầng giao thông thủy lợi.
- Về phân cấp kỹ thuật các tuyến đường thủy nội địa địa phương: Thực hiện đảm bảo đồng cấp trên những tuyến chính theo nguyên tắc các tuyến trục chính, quan trọng của tỉnh phải đạt cấp III - IV, các tuyến còn lại đạt cấp V. Các trục đường thủy chính của tỉnh ngoài các tuyến trùng với các tuyến do Trung ương quản lý thì được xác định là các tuyến theo hướng Bắc Nam nối từ kênh Nguyễn Văn Tiếp xuống phía sông Tiền ở các khu vực Mỹ Tho, Cai Lậy, Cái Bè và Gò Công và cũng là các tuyến nối Mỹ Tho - Tân An, Mỹ Tho - Mộc Hóa, Cái Bè - Mộc Hóa.
- Đối với các tuyến đường thủy nội địa đi qua khu vực thành phố Mỹ Tho, trung tâm thị trấn, thị xã từng bước thực hiện việc di dời các hộ dân hai bên bờ sông, tiến hành kè bờ để tạo cảnh quan đô thị.
b) Quy hoạch hệ thống phao tiêu báo hiệu đường thủy nội địa
- Đối với các tuyến đường thủy nội địa do Trung ương quản lý đã được trang bị hệ thống phao tiêu, tín hiệu, báo hiệu theo quy hoạch sẽ được hiện đại hóa từng bước theo các quy hoạch từng tuyến sông kênh và từng dự án cụ thể của Trung ương.
- Đối với các tuyến đường thủy nội địa do tỉnh quản lý định hướng đến năm 2020 đều được trang bị hệ thống phao tiêu, báo hiệu giao thông đường thủy đầy đủ theo quy chuẩn ngành (QCVN 39:2011/BGTVT).
- Đối với các tuyến đường thủy nội địa do cấp huyện quản lý, từng bước trang bị hệ thống phao tiêu, báo hiệu theo hướng ưu tiên các tuyến chính.
c) Quy hoạch hệ thống cảng thủy nội địa
- Cảng Mỹ Tho:
Quy hoạch là cảng chính của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm 03 chức năng: cảng biển, cảng tổng hợp, cảng khách. Nâng cấp công suất thiết kế 500.000 tấn/năm và mở rộng ra dọc theo sông Tiền phục vụ nhu cầu tiếp nhận và xếp dỡ hàng hóa thông qua cảng.
Quy mô quy hoạch: nâng khả năng tiếp nhận tàu lên tới 5.000 DWT; xây dựng thêm bến mới, kho hàng container mới, bãi hàng container và bãi công nghệ mới. Về lâu dài khi lượng hàng hóa đạt trên 500.000 tấn/năm sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống cần cẩu trên ray.
Đầu tư trang thiết bị: bổ sung thiết bị bốc xếp như cần trục 40T, tầm với R=20m; đầu kéo và rơ-moóc container loại 20ft và 40ft, xe nâng chạy điện đến 2,5T.
- Khu Cảng tổng hợp Gò Công trên sông Soài Rạp:
Chức năng: là bến vệ tinh của cảng đầu mối khu vực thành phố Hồ Chí Minh, với chức năng vừa là cảng chuyên dùng vừa là cảng tổng hợp trên địa bàn xã Bình Đông đến Vàm Láng, phục vụ các khu công nghiệp khu vực Gò Công và bến vệ tinh cho cụm cảng thành phố Hồ Chí Minh.
Quy mô: gồm bến tổng hợp và chuyên dùng cho tàu 20.000 - 50.000 DWT và 70.000 DWT giảm tải.
Công suất: 2 - 2,5 triệu tấn/năm 2015 và 5 - 6 triệu tấn/năm 2020.
Diện tích dự kiến từ 4 - 5 ha cùng các thiết bị âu, triền đà, ụ nổi và các thiết bị chuyên dùng cho bốc xếp, cẩu hàng vật tư nguyên liệu máy móc phục vụ đóng tàu biển.
- Khu neo đậu tàu thuyền tránh bão trên sông Soài Rạp
Chức năng: tuân thủ theo Quy hoạch khu neo đậu tránh bão cho tàu cá đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1349/QĐ-TTg ngày 9/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cấp khu neo đậu tránh bão kết hợp bến cá Vàm Láng nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tránh bão tại thị trấn Vàm Láng, sức chứa lên 500 tàu thuyền.
Quy mô quy hoạch: diện tích 5ha
- Khu neo đậu tàu thuyền tránh bão Đèn Đỏ
Chức năng: nâng cấp khu neo đậu tránh bão nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tránh bão tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, sức chứa lên 350 tàu thuyền trú bão.
Quy mô quy hoạch: diện tích 2ha
- Các cảng nội địa trên các sông kênh chính:
Hệ thống cảng cá: tiếp tục giữ quy mô Cảng cá Mỹ Tho khoảng 2,2 ha và mở rộng Cảng cá Vàm Láng (Gò Công Đông) nằm trong Khu vực neo đậu tránh bão với diện tích khoảng 5ha.
Tùy theo tình hình phát triển các khu, cụm công nghiệp liên quan đến sông Tiền, dự kiến sẽ xây dựng thêm Cảng tổng hợp địa phương để trung chuyển đến các cảng lân cận và cảng nước sâu. Về vị trí, dự kiến khu vực bờ trái đoạn sông Tiền từ cảng Mỹ Tho tới khu vực Cái Bè, vị trí cụ thể cần có dự án nghiên cứu riêng.
Tiếp tục nghiên cứu đề xuất xây dựng các cảng như: bến xăng dầu Hiệp Phước, cảng tổng hợp năng lượng Tiền Giang, khu bến cảng tiềm năng Tiền Giang khu vực trên sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ, cảng hàng hóa Lê Thạch, cảng nông sản thực phẩm Tiền Giang, cảng hành khách Mỹ Tho.
d) Quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa
- Bến tổng hợp hàng hóa - hành khách ĐTNĐ:
+ Nâng cấp 11 bến tại các vị trí trung tâm giao thông ĐTNĐ của các địa phương thành bến tổng hợp hàng hóa và hành khách gồm thị trấn Cái Bè, thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, thị trấn Mỹ Phước - Tân Phước, Chợ Giữa - Châu Thành, thành phố Mỹ Tho, thị trấn Chợ Gạo, Phú Thạnh - Tân Phú Đông, thị xã Gò Công, Vàm Láng - Gò Công Đông, Gò Công Tây.
+ Đầu tư xây dựng bến tổng hợp hàng hóa phục vụ Khu công nghiệp Long Giang tại xã Tân Lập, huyện Tân Phước.
+ Đa dạng các hình thức đầu tư vào các bến tổng hợp hàng hóa - hành khách, bao gồm cả Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm để chủ động tập trung đầu mối vận tải thủy, nâng cao chất lượng dịch vụ.
- Bến hàng hóa, vật liệu ĐTNĐ:
+ Ưu tiên đầu tư, nâng cấp các bến hàng hóa hiện có trên các tuyến sông chính cấp tỉnh quản lý tại các khu vực trung tâm huyện.
+ Đầu tư bổ sung một số bến tàu hàng hóa trên 2 tuyến ĐTNĐ trung ương quản lý là sông Tiền và kênh Nguyễn Văn Tiếp để phục vụ các cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất nông sản.
+ Di chuyển một số bến thủy nội địa trong khu vực nội ô thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy và các đô thị có hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng để bảo đảm môi trường cảnh quan và dành lại quỹ đất cho các công trình công cộng.
- Bến hành khách ĐTNĐ:
+ Phối hợp, hỗ trợ các cơ quan trung ương trong việc phát triển bến khách của cảng Mỹ Tho thành cảng khách của khu vực như quy hoạch quốc gia.
+ Bên cạnh bến tổng hợp hàng hóa - hành khách ở trung tâm mỗi huyện, quy hoạch phát triển ổn định một số ít bến khách hiện có tại thành phố Mỹ Tho, Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phú Đông, Gò Công Đông thành bến khách đường thủy chính của địa phương đúng quy chuẩn, có quản lý thường xuyên.
- Bên khách ngang sông:
Quy hoạch quỹ đất, tập trung phát triển ổn định công tác quản lý, hỗ trợ đầu tư cho 17 bến khách ngang sông quan trọng nhằm đảm bảo giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông.
(Danh mục các bến khách ngang sông chi tiết tại phụ lục 2)
Tiếp tục kiểm tra rà soát trước khi cấp phép tái hoạt động các bến và đối với các bến mở mới cần có sự bố trí sắp xếp tại các vị trí hợp lý các bến khách ngang sông phải tuân thủ quy định về khoảng cách để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy như sau:
- Đối với các tuyến đường thủy do Trung ương quản lý khi cấp giấy phép phải tuân thủ đúng khoảng cách từ 3 km trở lên mới có một bến hoạt động.
- Đối với các tuyến đường thủy do địa phương quản lý khi cấp giấy phép phải tuân thủ đúng khoảng cách từ 2km trở lên một bến.
đ) Quy hoạch các bến phà vượt sông
Phà Mỹ Lợi: Tiếp tục duy trì hoạt động của phà đến khi hoàn thành cầu Mỹ Lợi. Tiếp tục bảo trì kết cấu hạ tầng bến như: phần cầu dẫn, sửa chữa đường nội bộ bến. Điều động thêm phà 100T đáp ứng lưu lượng thông qua. Sau khi hoàn thành cầu Mỹ Lợi thì chuyển chức năng bến sang phục vụ Bến cá và các hoạt động dịch vụ xếp dỡ hàng cho các phương tiện thủy ra vào bến.
Phà Rạch Miễu: Chuyển giao diện tích đất cho các dự án của thành phố Mỹ Tho, chuyển đổi khai thác lại một phần bến phà với quy mô nhỏ hơn phục vụ giao thông ra vào các cù lao, đầu tư bến tàu du lịch và phục vụ vận chuyển hậu cần cho các phương tiện thủy. Duy trì bến phà dự phòng cho công tác phòng chống lụt bão và an ninh quốc phòng của tỉnh.
Các bến phà hiện có: tiếp tục duy trì hoạt động của bến phà Ngũ Hiệp theo hình thức BOT, tiếp tục đầu tư bến Sơn Định sang huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre bằng hình thức BOT. Nạo vét, điều chỉnh dòng chảy tránh bồi lắng, duy trì bến phà Tân Long hoạt động ổn định.
Đầu tư xây dựng thêm các bến phà nhỏ phục vụ nhu cầu đi lại của những địa phương chưa có phương thức giao thông đường bộ thay thế vượt sông lớn theo hướng đa dạng hình thức đầu tư, tập trung chính là huy động nguồn vốn xã hội hóa.
(Danh mục các phà quy hoạch chi tiết tại phụ lục 3)
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2030
Hoàn thành nâng cấp, duy tu, nạo vét các tuyến vận tải thủy cả Trung ương và địa phương quản lý đảm bảo lưu thông, chạy tàu an toàn 24/24h.
Tùy theo tình hình phát triển, nghiên cứu đầu tư nâng cấp toàn tuyến đạt tối thiểu tiêu chuẩn cấp II đối với tuyến do Trung ương quản lý, tiêu chuẩn cấp IV đối với tuyến do Địa phương quản lý.
Mở rộng phạm vi quản lý đối với các tuyến do Địa phương quản lý, phấn đấu đưa tất cả các tuyến có nhu cầu vận tải vào quản lý.
Tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp mở rộng các cảng, bến thủy nội địa và hiện đại hóa công nghệ quản lý, xếp dỡ, nâng cao chất lượng dịch vụ, có giá thành hợp lý và bảo vệ môi trường.
Tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại hóa và trẻ hóa, cơ cấu đội tàu theo đầu phương tiện (đoàn tàu kéo đẩy chiếm khoảng 20% và tàu tự hành chiếm khoảng 80%).
4. Công nghiệp sửa chữa và đóng mới phương tiện
Nâng cấp, mở rộng nâng cao năng lực các cơ sở hiện có. Đầu tư phát triển các cơ sở mới đáp ứng nhu cầu phát triển đội tàu theo hướng hiện đại hóa phương tiện; huy động các nguồn lực xã hội để phát triển.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN VÀ CƠ CẤU NGUỒN VỐN
1. Đối với các tuyến đường thủy nội địa và cảng do Trung ương quản lý, nguồn vốn để đầu tư nâng cấp sẽ từ nguồn kinh phí của Trung ương theo các quy hoạch và dự án được phê duyệt.
2. Nguồn vốn ngân sách của tỉnh chủ yếu đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng quan trọng như: nạo vét, duy tu, trang bị phao tiêu báo hiệu cho các tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý, kè bờ sông kênh chống sạt lở, các cảng chính tại trung tâm các huyện và một số dự án dân sinh cấp thiết khác. Dự kiến nguồn vốn đầu tư đến năm 2020 khoảng 1.000 tỷ.
3. Nguồn vốn huy động của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng các cảng thủy nội địa, bến khách và hàng hóa, các bến phà, bến khách ngang sông dự kiến đến năm 2020 vào khoảng 500 tỷ.
(Danh mục vốn đầu tư chi tiết tại phụ lục 4)
V. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRONG GIAI ĐOẠN ĐẾN 2015
1. Các dự án kè bờ chống sạt lở, tạo cảnh quan môi trường tại các đoạn sông qua nội thị thành phố Mỹ Tho, trung tâm các thị trấn và một số đoạn sạt lở nghiêm trọng.
2. Đầu tư hệ thống phao tiêu báo hiệu tại các tuyến đường thủy nội địa chính của tỉnh như: sông Năm Thôn, sông Cửa Trung, tuyến sông Ba Rài - kênh 12, sông Cái Cối, Cổ Cò, Rạch Gầm, sông Bảo Định, sông Gò Công.
3. Đầu tư xây dựng mới cảng biển chuyên dùng trên sông Soài Rạp.
4. Nâng cấp 11 bến tại các vị trí trung tâm giao thông ĐTNĐ của các địa phương thành bến tổng hợp hàng hóa và hành khách gồm thị trấn Cái Bè, thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, thị trấn Mỹ Phước - Tân Phước, Chợ Giữa - Châu Thành, thành phố Mỹ Tho, thị trấn Chợ Gạo, Phú Thạnh - Tân Phú Đông, thị xã Gò Công, Vàm Láng - Gò Công Đông, Gò Công Tây.
5. Nâng cấp bến phà Tân Long và đầu tư xây dựng mới các bến phà sau: Vàm Giồng, Ngũ Hiệp - Chợ Lách, Hiệp Đức - Tân Phong, Phước Trung - Phú Đông, Tân Trung - Long Hựu, Lý Quàn - Bình Đại (bến Bình Tân), Tân Phú - Tân Thạnh, Ngũ Hiệp - Tân Phú.
VI. GIẢI PHÁP, CHÍNH SÁCH CHỦ YẾU
1. Giải pháp, chính sách phát triển vận tải thủy nội địa
- Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia dịch vụ vận tải thủy nội địa và đổi mới phương tiện, công nghệ, trang thiết bị dịch vụ vận tải.
- Tổ chức đầu mối vận tải tại thành phố Mỹ Tho, nâng cao năng lực khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng và phương tiện hiện có nhằm hỗ trợ vận tải đường bộ.
2. Giải pháp, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
- Ưu tiên đầu tư phát triển các dự án trọng điểm có tính chất đột phá, tạo hiệu quả cao.
- Huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước với nhiều hình thức đầu tư khác nhau (BOT, BT, BO, PPP, ... ); cân đối bố trí ngân sách nhà nước hàng năm để hoàn thành các dự án chuyển tiếp sớm đưa vào khai thác phát huy hiệu quả đầu tư.
- Huy động mọi nguồn lực trong các tổ chức kinh tế, xã hội và người dân tham gia bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa; chỉnh trị, nạo vét các tuyến đường thủy nội địa đảm bảo khai thác hiệu quả.
- Dành quỹ đất phát triển cơ sở hạ tầng lâu dài.
3. Giải pháp, chính sách đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kết hợp với tăng cường cưỡng chế việc thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
- Tổ chức thẩm định an toàn giao thông đối với tất cả các công trình nâng cấp và xây dựng mới, tăng cường áp dụng các công nghệ hỗ trợ và kiểm soát giao thông tiên tiến như ITS, hệ thống camera,...
- Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý giao thông đường thủy nội địa tại Sở Giao thông vận tải, các huyện và Cảng vụ đường thủy nội địa.
- Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý người điều khiển phương tiện vận tải, chất lượng kiểm định phương tiện thủy nội địa.
4. Các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủy nội địa
Để triển khai và tổ chức thực hiện theo đúng quy hoạch sau khi đã được phê duyệt, nên thực hiện các giải pháp sau:
Công bố quy hoạch để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện, đồng thời kêu gọi đầu tư.
Đảm bảo về chính sách tài chính cho hệ thống quản lý giao thông đường thủy nội địa.
Nghiên cứu đề xuất một số đề án thực hiện Quy hoạch như: Đề án bảo vệ hành lang an toàn đường thủy, tổ chức sắp xếp lại bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, các dự án đầu tư nạo vét luồng lạch, chỉnh trị luồng, chống sạt lở ...
Giao nhiệm vụ theo dõi thống kê thường xuyên và duy trì chế độ báo cáo thường xuyên về giao thông đường thủy nội địa.
Thường xuyên bám sát các chủ trương, dự án từ cấp Trung ương (Bộ Giao thông vận tải, Cảng vụ, Cục đường thủy nội địa, các đoạn quản lý đường sông).
Tạo điều kiện cung cấp thông tin và tiếp xúc với các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào cảng, bến.
Tranh thủ các nguồn lực từ ngân sách và các nguồn từ doanh nghiệp để lập các phương án quy hoạch, thiết kế chi tiết để giới thiệu với các nhà đầu tư tiềm năng về dự án, tạo điều kiện triển khai thu hút đầu tư.
Có các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai nhanh chóng, hoàn vốn được.
(Nội dung chi tiết đính kèm theo báo cáo Quy hoạch phát triển đường thủy nội địa tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030)
Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch
1. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương công bố và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Quy hoạch phát triển đường thủy nội địa tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
2. Các sở, ngành tỉnh có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của sở, ngành mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ có liên quan trong quy hoạch.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Mỹ tho căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của địa phương mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ liên quan trong quy hoạch.
4. Trong quá trình thực hiện quy hoạch này, nếu tình hình và điều kiện có phát sinh mới thì Sở Giao thông vận tải chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy và thành phố Mỹ Tho và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
QUY HOẠCH CÁC TUYẾN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA DO TỈNH QUẢN LÝ
(Kèm theo Quyết định số 870/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2015)
STT | Danh mục sông, kênh | Chiều | Cấp | Công tác quy hoạch |
| Tổng số: 38 tuyến | 496,0 |
|
|
1 | Kênh Nguyễn Văn Tiếp B | 20,00 | IV | Duy trì ổn định |
2 | Rạch Ruộng | 4,50 | IV | Duy trì ổn định |
3 | Sông Cái Cối | 21,00 | III | Duy trì ổn định |
4 | Kênh Cổ Cò | 11,00 | IV | Hạ cấp để đảm bảo xây dựng các cầu qua kênh |
5 | Sông Cái Thia | 9,50 | IV | Duy trì ổn định |
6 | Kênh 5 | 9,60 | IV | Duy trì ổn định, có đoạn cấp V |
7 | Kênh 6 - Bằng Lăng (có đoạn Rạch Ông Vẽ) | 21,50 | IV | Duy trì ổn định, có đoạn cấp V |
8 | Sông Mỹ Thiện | 14,00 | V | Duy trì ổn định |
9 | Sông Trà Lọt (Có nhánh phụ ngã 4 Thông Lưu) | 14,70 | IV | Duy trì ổn định |
10 | Kênh số 7 | 11,60 | IV | Duy trì ổn định |
11 | Rạch Bà Đắc (có đoạn Kênh Mới) | 6,60 | IV | Duy trì ổn định |
12 | Kênh 8 | 11,50 | IV | Duy trì ổn định |
13 | Kênh Đường Nước (có đoạn sông Bà Tồn) | 6,00 | IV | Duy trì ổn định |
14 | Kênh 10 | 14,50 | IV | Duy trì ổn định |
15 | Sông Lưu (có nhánh sông Cái Bè) | 14,90 | IV | Duy trì ổn định |
16 | Sông Ba Rài | 21,70 | IV | Duy trì ổn định |
17 | Kênh 12 | 9,20 | IV | Duy trì ổn định |
18 | Kênh Xáng | 4,00 | IV | Duy trì ổn định |
19 | Kênh Cũ (sông Bà Bèo) | 8,00 | IV | Duy trì ổn định |
20 | Sông Trà Tân | 7,70 | IV | Duy trì ổn định |
21 | Kênh Mỹ Long - Bà Kỳ | 14,50 | V | Duy trì ổn định |
22 | Rạch Rau Răm | 3,00 | IV | Duy trì ổn định |
23 | Rạch Gầm | 11,50 | IV | Duy trì ổn định |
24 | Sông Bảo Định | 20,60 | IV | Nạo vét nâng đồng cấp IV ngoài vùng dân cư, khơi sâu luồng, kè bờ trong nội thị |
25 | Rạch Bến Chùa | 5,40 | V | Duy trì ổn định |
26 | Kênh Năng (kênh Chợ Bưng) | 12,20 | IV | Duy trì ổn định |
27 | Kênh Lộ Mới | 12,90 | V | Duy trì ổn định |
28 | Kênh 1 (xã Thạnh Hòa) | 9,30 | IV | Duy trì ổn định, chuyển từ cấp huyện lên cấp tỉnh quản lý |
29 | Kênh Bắc Đông (bờ phía Tiền Giang) | 20,50 | V | Duy trì ổn định |
30 | Kênh Tràm Mù | 22,20 | V | Duy trì ổn định |
31 | Kênh Hai Hạt - Trương Văn Sanh | 41,20 | V | Duy trì ổn định |
32 | Sông Gò Công | 22,5 | IV, V | - Đoạn hiện hữu (12,3km) duy trì cấp IV ổn định - Đoạn kéo dài (10,2km) quy hoạch cấp V |
33 | Rạch Gò Gừa | 2,90 | V | Duy trì ổn định, nạo vét khơi sâu luồng |
34 | Sông Cửa Trung (bờ phía Tiền Giang) | 23,00 | II | Duy trì ổn định |
35 | Sông Năm Thôn | 14,90 | III | Duy trì ổn định |
36 | Nhánh cù lao Tân Phong | 11,40 | I | Duy trì ổn định |
37 | Nhánh sông Cồn Tròn | 2,50 | II | Duy trì ổn định |
38 | Nhánh sông Cồn Qui | 4,00 | II | Duy trì ổn định |
QUY HOẠCH CÁC BẾN KHÁCH NGANG SÔNG
(Kèm theo Quyết định số 870/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2015)
TT | Tên bến | Địa điểm | Diện tích (m2) |
1 | Bến Cái Bè | Khu 1, thị trấn Cái Bè | 450 |
2 | Bến An Hữu | Xã An Hữu, Cái Bè | 150 |
3 | Bến Thanh Hòa | Xã Thanh Hòa, đấu nối vào đường tránh Quốc lộ 1 | 300 |
4 | Bến Vĩnh Kim | Rạch Gầm - xã Vĩnh Kim, Châu Thành | 300 |
5 | Bến Bình Đức | Sông Tiền - xã Bình Đức, thành phố Mỹ Tho | 50 |
6 | Bến Tân Long 1 | Sông Tiền, phường 1, thành phố Mỹ Tho | 100 |
7 | Bến Tân Long 2 | Sông Tiền, phường 2, thành phố Mỹ Tho | 100 |
8 | Bến Song Thuận | Ngã 3 kênh Xáng Long Định - sông Tiền, xã Song Thuận, Châu Thành | 50 |
9 | Bến Phú Phong | Rạch Rau Răm - Sông Tiền, xã Phú Phong, Châu Thành | 50 |
10 | Bến Long Định | Kênh Nguyễn Tấn Thành, xã Long Định, Châu Thành | 30 |
11 | Bến Long Hưng | Kênh Nguyễn Tấn Thành, xã Long Hưng, Châu Thành | 50 |
12 | Bến Thới Sơn | Sông Tiền, xã Thới Sơn, Châu Thành | 50 |
13 | Bến Lộ Vàm | Tân Hòa - Xuân Đông, Chợ Gạo | 50 |
14 | Bến An Cư (Nhơn Hòa) | Sông Cửa Tiểu, An Cư - Hòa Định, Chợ Gạo | 50 |
15 | Bến Rạch Vách | Sông Cửa Trung, Vĩnh Hựu - Tân Phú, Tân Phú Đông | 400 |
16 | Bến Nhà Thờ | Tân Phú - Tân Thạnh, Tân Phú Đông | 200 |
17 | Bến Đồng Sơn | Rạch Lá - Đồng Sơn - Thạnh Văn Đông, Gò Công Tây (giáp Long An) | 400 |
QUY HOẠCH CÁC BẾN PHÀ
(Kèm theo Quyết định số 870/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2015)
TT | Tên bến phà | Địa điểm | Quy hoạch |
1 | Bến phà Rạch Miễu | Thành phố Mỹ Tho | Chuyển chức năng bến |
2 | Bến phà Mỹ Lợi | Thị xã Gò Công | Chuyển chức năng bến |
3 | Bến phà Ngũ Hiệp - Long Trung | Xã Ngũ Hiệp, Cai Lậy, qua sông Năm Thôn | Duy trì bến hiện có |
4 | Bến phà Tân Long - Phú Thạnh | Xã Long Bình, Gò Công Tây (qua sông Cửa Tiểu sang Tân Phú Đông) | Duy trì bến phao hiện có, nghiên cứu giải quyết hiện tượng bồi lắng thường xuyên để bến hoạt động ổn định |
5 | Bến phà Bình Ninh - Tân Thới | Xã Bình Ninh, Chợ Gạo (qua sông Cửa Tiểu sang Tân Phú Đông) | Đầu tư cầu dẫn, bến phao và các công trình phụ trợ, đưa phà có tải trọng 25T - 60T |
6 | Hiệp Đức - Tân Phong | Xã Hiệp Đức, Cái Bè qua sông Tiền sang cù lao Tân Phong | Đầu tư mới bến nhỏ phục vụ phương tiện 2 bánh và người là chính |
7 | Vàm Giồng | Xã Vĩnh Hựu - Tân Phú, Gò Công Tây (qua sông Cửa Tiểu sang Tân Phú Đông) | Đầu tư mới, diện tích bến 400 m2 |
8 | Bến Ngũ Hiệp - Chợ Lách | Xã Ngũ Hiệp, Cai Lậy, qua sông Tiền sang Chợ Lách, Bến Tre | Đầu tư mới trên tuyến Đường tỉnh 868, đầu tư bến Sơn Định qua Chợ Lách tỉnh Bến Tre, diện tích bến 1.000 m2 |
9 | Bến Ngũ Hiệp - Tân Phú | Xã Ngũ Hiệp, Cai Lậy, qua sông Tiền sang Tân Phú, Bến Tre | Đầu tư mới trên tuyến đường huyện Tân Sơn - Tân Đông với diện tích bến 1.000 m2 |
10 | Bến Phước Trung - Phú Đông | Xã Phước Trung, Gò Công Đông qua sông Cửa Tiểu sang Tân Phú Đông | Đầu tư mới, diện tích 1.000 m2 cho xe con qua |
11 | Bến Gia Thuận - Lý Nhơn | Xã Gia Thuận, Gò Công Đông qua sông Soài Rạp sang thành phố Hồ Chí Minh | Đầu tư mới, diện tích 1.000 m2 |
12 | Bến Tân Trung - Long Hựu | Xã Tân Trung, thị xã Gò Công qua sông Vàm Cỏ sang Long An | Đầu tư mới, diện tích 1.000 m2 |
13 | Bến Lý Quàn - Bình Đại (Bình Tân) | Xã Phú Đông, Tân Phú Đông qua sông Cửa Đại sang Bến Tre | Đầu tư mới, diện tích 1.000 m2, phà 25T đến 60T |
14 | Tân Phú - Tân Thạnh | Nối 2 xã của huyện Tân Phú Đông, qua sông cửa Trung | Đầu tư mới phục vụ chủ yếu 2 xã |
DANH MỤC VỐN ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 870/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2015)
TT | Hạng mục | Tổng mức đầu tư | |
2014 - 2015 | 2016 - 2020 | ||
I | Công tác nạo vét luồng lạch | 315 | 550 |
1 | Nạo vét duy trì hoạt động các tuyến đường thủy nội địa | 50 | 100 |
2 | Nạo vét nâng cấp, cải tạo tuyến đường thủy nội địa | 50 | 100 |
II | Kè bờ sông kênh chống sạt lở | 200 | 300 |
III | Xây dựng và trang bị các trạm quản lý đường thủy nội địa | 5 | 0 |
IV | Đầu tư hệ thống phao tiêu - báo hiệu | 10 | 50 |
V | Đầu tư cho bến bãi | 400 | 425 |
1 | Mở rộng, nâng cấp Cảng Mỹ Tho | 50 | 100 |
2 | Đầu tư xây dựng cụm cảng biển khu vực sông Soài Rạp | 100 | 350 |
3 | Đầu tư xây dựng cảng sông địa phương trên sông Tiền | 100 | 100 |
4 | Đầu tư bến tổng hợp hành khách - hàng hóa | 10 | 20 |
5 | Nâng cấp các bến hàng hóa | 20 | 30 |
6 | Nâng cấp các bến hành khách | 10 | 20 |
7 | Hỗ trợ cải tạo bến đò ngang | 10 | 5 |
VI | Đầu tư bến phà | 5 | 5 |
| Tổng: | 620 | 1.180 |
- 1 Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2015 tổ chức thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 2 Quyết định 731/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Lai Châu giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2030
- 3 Quyết định 1199/QĐ-UBND năm 2014 về phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 4 Quyết định 922/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải đường thủy nội địa tỉnh Quảng Bình đến năm 2020
- 5 Quyết định 1349/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 1325/QĐ-UBND năm 2011 cho phép lập Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Quảng Bình đến năm 2020
- 7 Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 8 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 9 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2015 tổ chức thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 2 Quyết định 731/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Lai Châu giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2030
- 3 Quyết định 922/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải đường thủy nội địa tỉnh Quảng Bình đến năm 2020
- 4 Quyết định 1325/QĐ-UBND năm 2011 cho phép lập Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Quảng Bình đến năm 2020