Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 874/QĐ-UBND

Vũng Tàu, ngày 22 tháng 4 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

THÀNH LẬP ĐOÀN KIỂM TRA LIÊN NGÀNH KIỂM TRA, KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG, GIÁ CẢ, HÀNG HOÁ LƯU THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội;

Căn cứ Chỉ thị số 08/2011/CT-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công thương – Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 127/ĐP tại Tờ trình số 24 /TTr-BCĐ ngày 18 tháng 4 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả, hàng hoá lưu thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Quản lý Thị trường chủ trì, gồm các ông, bà có tên sau đây:

1. Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chi cục trưởng, Đội trưởng Đội Quản lý Thị trường số 1, Chi cục Quản lý Thị trường: Trưởng đoàn.

2. Bà Phan Thị Hằng - Chuyên viên Phòng Quản lý giá Công sản, Sở Tài chính tỉnh: Phó Trưởng đoàn.

3. Ông Nguyễn Văn Ý - Thanh tra viên Thanh tra Sở Y tế: Thành viên;

4. Ông Phùng Văn Hoài - Bộ đội Biên phòng tỉnh: Thành viên;

5. Bà Quách Thị Thuý - Chuyên viên Thanh tra, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm: Thành viên;

6. Ông Phan Đình Huy - Cán bộ thanh tra Cục Thuế tỉnh: Thành viên;

7. Ông Thái Văn Thành - Kiểm soát viên, Đội Quản lý Thị trường số 1, Chi cục Quản lý Thị trường: Thành viên;

8. Ông Lê Tấn Nhân - Kiểm định viên đo lường, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Thành viên;

9. Ông Nguyễn Thế Quế - cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh: Thành viên;

10. Ông Ngô Trung Hiếu - cán bộ Đội kiểm soát Hải quan, Cục Hải Quan tỉnh: Thành viên;

11. Ông Lâm Văn Đức - Chuyên viên Thanh tra, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch: Thành viên.

Điều 2. Địa bàn, đối tượng, nội dung, thời gian kiểm tra và xử lý vi phạm:

1. Địa bàn kiểm tra:

Địa bàn kiểm tra thuộc phạm vi toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó tập trung chủ yếu các khu vực, địa bàn trọng điểm như: thành phố Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa, huyện Tân Thành, Xuyên Mộc, Long Điền; các tuyến giao thông tiếp giáp liên tỉnh, các khu vực chợ đầu mối, nơi tập trung kinh doanh phát luồn hàng hoá, các cơ sở sản xuất, kho bãi chứa hàng hoá của đơn vị xuất nhập khẩu và các khu du lịch, di tích, điểm tổ chức lễ hội, bãi biển, bến xe, bến tàu; khu vực phao số “0”, khu trung tâm thương mại, siêu thị, nơi tổ chức hội chợ triển lãm, các khu công nghiệp tập trung. Chú ý địa bàn giáp ranh với các tỉnh lân cận, những địa bàn có tình hình giá cả, hàng giả và gian lận thương mại diễn biến phức tạp và các khu vực có thể không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm, các khu vực có nguy cơ tái phát dịch bệnh gia súc, gia cầm,…

2. Đối tượng kiểm tra:

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế có kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và xuất nhập khẩu, trong đó chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng, cung ứng các loại dịch vụ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quy định khung giá, mức giá cụ thể, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, đăng ký, kê khai giá trên địa bàn; các cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm, dược phẩm, văn hoá phẩm, xăng dầu,…cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh vàng, thu đổi ngoại tệ, kinh doanh dịch vụ phục vụ vận tải, vé cước, phí đối với khách du lịch..., các hoạt động quảng cáo, khuyến mãi, bán hàng đa cấp, hoạt động kinh doanh trong các hội chợ triển lãm,…Riêng đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu, cần lưu ý kiểm tra cả nguồn cung và hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối và các tổng đại lý có hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức và cá nhân nước ngoài có hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh hàng hoá và cung ứng dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Nội dung kiểm tra:

- Nắm tình hình cung cầu hàng hóa, lượng hàng dự trữ của các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đối với các mặt hàng thiết yếu: gạo, lương thực, thực phẩm; các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá: xăng dầu, xi măng, sắt thép, thuốc chữa bệnh, than, đường, muối, phân bón,…để kịp thời có biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường, không để thiếu hàng, gây tăng giá đột biến.

- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế và giá, việc thực hiện niêm yết giá đúng quy định và bán hàng hoá, dịch vụ theo giá niêm yết; việc đăng ký, kê khai giá và công khai thông tin về giá hàng hoá, dịch vụ phải theo đúng quy định của pháp luật, không để các doanh nghiệp, cá nhân tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật.

- Kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, loan tin bịa đặt không có cơ sở để tăng giá; các hành vi liên kết chiếm lĩnh vị trí độc quyền để tăng giá, ép giá gây bất ổn thị trường nhằm thu lợi bất chính. Chú ý kiểm tra các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký giá, niêm yết giá như: xăng dầu, gas, xi măng, sắt thép, thuốc chữa bệnh, đường, sữa, phân bón thức ăn chăn nuôi, cước vận tải và hàng hoá, dịch vụ thiết yếu khác thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá tại địa phương; kiểm soát chi phí, yếu tố hình thành giá ở các kênh chi tiêu từ ngân sách nhà nước thanh toán cho các mức giá hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất; hàng dự trữ nhà nước; hàng hoá, dịch vụ còn trợ cước, trợ giá,…

- Kiểm tra việc chấp hành các quy định về thu đổi, mua bán ngoại tệ, vàng, chống kinh doanh vàng và ngoại tệ trái phép.

- Kiểm tra tình hình kinh doanh, mua bán xăng, dầu và lượng hàng tồn của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu (kể cả của doanh nghiệp đầu mối và tổng đại lý), chống đầu cơ, găm hàng nhằm tạo sự khan hiếm giả tạo, tung tin thất thiệt, tăng giá trái phép, gian lận về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Mọi trường hợp dừng bán hàng, cắt giảm thời gian bán hàng, lượng hàng bán ra đều phải xác minh lý do rõ ràng và chính đáng; kiểm tra về điều kiện kinh doanh xăng, dầu của tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

- Kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hóa (cân, đong, đóng gói), chất lượng và ghi nhãn hàng hóa; các điều kiện kinh doanh và việc thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo chất lượng sau công bố; chú trọng các mặt hàng mà dư luận xã hội quan tâm và Nhà nước đang tăng cường quản lý về chất lượng hàng hoá.

- Kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến và lưu thông; kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, rau củ quả, nước giải khát, đường, sữa, bột ngọt, thực phẩm công nghiệp,…

- Kiểm tra phát hiện hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng: dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng, phân bón giả, kém chất lượng, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống, vật nuôi, cây trồng, rượu ngoại, điện thoại di động, hàng điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng khác và việc sử dụng hoá chất phụ gia, phẩm màu trong chế biến thực phẩm,…

4. Thời gian kiểm tra:

90 ngày làm việc, kể từ ngày 22 tháng 4 năm 2011.

5. Xử lý vi phạm:

- Các hành vi vi phạm bị phát hiện đều phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

- Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các hành vi vi phạm để mọi người biết và giám sát kiểm tra, tránh bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Điều 3. Trách nhiệm, quyền hạn của Đoàn kiểm tra liên ngành:

1. Trách nhiệm:

- Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Công thương và Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh chỉ đạo hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành.

- Căn cứ vào các quy định của pháp luật, tiến hành việc kiểm tra theo Điều 2 của Quyết định này.

- Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành phải lập kế hoạch công tác cụ thể, dự toán kinh phí hoạt động báo cáo Sở Công thương, Chi cục Quản lý Thị trường và có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kiểm tra của Đoàn theo đúng kế hoạch và quy định của pháp luật.

- Kết thúc đợt kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành tổng hợp tình hình và kết quả kiểm tra báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công thương và Chi cục Quản lý Thị trường.

- Xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

+ Các vụ việc vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của Đoàn kiểm tra liên ngành do Trưởng đoàn xử lý theo thẩm quyền của Đội trưởng Đội quản lý Thị trường, nếu vượt thẩm quyền xử lý của Đội trưởng Đội quản lý Thị trường thì báo cáo, đề xuất Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh xem xét xử lý theo quy định.

+ Đối với những vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử lý của Chi cục Quản lý Thị trường, nhưng thuộc chức năng của các ngành có thành viên tham gia thì giao cho ngành đó xử lý theo quy định.

+ Những vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử lý của các ngành có thành viên tham gia hoặc phát hiện nhiều hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều ngành thì cơ quan chủ trì lập hồ sơ xử lý theo quy định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Quyền hạn:

- Đoàn kiểm tra liên ngành được quyền sử dụng ấn chỉ, con dấu của Quản lý Thị trường trong quá trình kiểm tra.

- Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành được quyền trưng dụng lực lượng quản lý thị trường khi cần thiết.

- Đoàn kiểm tra liên ngành được sử dụng kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách cấp tỉnh. Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh dự toán thông qua Sở Công thương - Thường trực Ban Chỉ đọa 127/ĐP trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo 127/ĐP; Giám đốc các Sở, ngành: Công thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh; Chi cục Quản lý Thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng kiểm tra và các ông (bà) có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Văn Niên