Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 88/QĐ.UB

Long Xuyên, ngày 04 tháng 02 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐKKD CHO DNTN, CÔNG TY; CẤP GIẤY PHÉP MỞ CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 30.06.1989.

Căn cứ Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty ngày 2.01.1991.

Căn cứ Thông tư số 07/TT.ĐKKD ngày 29.7.1991 của Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn thực hiện đăng ký kinh doanh.

Căn cứ Thông tư số 472/PLDS.KT ngày 20.05.1993 của Bộ Tư Pháp hướng dẫn thủ tục và thời hạn cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân và Công ty.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư Pháp, Giám đốc Sở Thương mại và du lịch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định “về việc cấp giấy phép thành lập, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân, công ty; cấp giấy phép mở chi nhánh, văn phòng đại diện.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chấm dứt hiệu lực pháp lý của quyết định số 13/QĐ.UB ngày 09.01.1992 và thông báo số 21/TB.UB ngày 16.06.1992 của UBND tỉnh về việc sửa đổi một số điều trong bản quy định ban hành kèm theo quyết định số 13/QĐ.UB của UBND tỉnh.

Điều 3. Giám đốc các Sở Thương Mại và Du Lịch, Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật, Sở Tư Pháp và Chủ tịch Trọng Tài Kinh tế tỉnh chịu trách nhiệm phối hợp tổ chức thực hiện quyết định này.

Điều 4. Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các xã phường, thị trấn trong chức năng nhiệm vụ quyền hạn được giao, chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh
- Các Sở, ban, ngành
- UBND các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn.
- Lưu VPUB.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Kim Hồng

 

BẢN QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KINH DOANH CHO DNTN, CÔNG TY; CẤP GIẤY PHÉP MỞ CHI NHÁNH HOẶC VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN.
(Ban hành kèm theo quyết định số: 88/QĐ.UB ngày 04 tháng 02 năm 1994 của UBND tỉnh An Giang ban hành).

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hoặc các doanh nghiệp ngoài tỉnh An Giang xin thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty hoặc xin đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại tỉnh An Giang. Nay UBND tỉnh An Giang quy định cụ thể về thủ tục và thời hạn cấp giấy phép thành lập, cấp giấy phép mở chi nhánh, văn phòng đại diện và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như sau:

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Công dân Việt Nam, tổ chức kinh tế Việt Nam có tư cách pháp nhân hoặc tổ chức xã hội có đủ điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty có quyền lập hồ sơ xin thành lập DNTN, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Các DNTN, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) ở ngoài tỉnh An Giang muốn tổ chức hoạt động kinh doanh tại địa bàn tỉnh An Giang, phải lập hồ sơ xin đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.

Điều 2. Các doanh nghiệp nêu tại điều 1 của bản quy định này, chỉ được phép hoạt động kinh doanh sau khi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục và các điều kiện sau đây:

1. Lập hồ sơ xin phép thành lập doanh nghiệp, xin phép đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện nộp cho Sở Thương Mại và Du Lịch.

2. Sau khi nhận được giấy phép thành lập Doanh nghiệp, giấy phép mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện, Doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký kinh doanh tại Trọng Tài Kinh Tế tỉnh.

3. Khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Doanh nghiệp phải đăng ký thuế tại Chi cục thuế nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở và đăng trên Báo An Giang (5 số liên tiếp) về tổ chức và nội dung đăng ký kinh doanh của Doanh nghiệp.

Điều 3. Sở Thương Mại và Du Lịch là cơ quan tiếp nhận các loại hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp, xin đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.

Các Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật chịu trách nhiệm thẩm định các hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp, xin đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện có ngành nghề kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý.

Điều 4. Phòng Công chứng Nhà nước có trách nhiệm chứng nhận vốn là hiện vật của người xin phép thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc của các sáng lập viên thành lập công ty. Việc chứng nhận vốn được thực hiện khi công dân, tổ chức lập hồ sơ xin thành lập DNTN, công ty.

Điều 5. Sở Tư Pháp chịu trách nhiệm phát hành các loại biểu mẫu của hồ sơ xin thành lập DNTN, công ty, xin mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện và các giấy phép thành lập DNTN, công ty, giấy phép cho mở chi nhánh, văn phòng đại diện.

Chương II

THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP DNTN, CÔNG TY VÀ CẤP GIẤY PHÉP MỞ CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN.

Điều 6. Hồ sơ xin thành lập DNTN được lập thành 03 bộ, mỗi bộ hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

1. Đơn xin phép thành lập DNTN (sử dụng mẫu 01-GPTLDN do Sở Tư pháp phát hành), người xin phép phải khai đúng sự thật, đầy đủ, rõ ràng theo đúng mẫu đơn.

2. Sơ yếu lý lịch, trong đó có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn về địa chỉ thường trú và việc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc nếu bị kết án tù, thì đã được xóa án.

3. Giấy chứng nhận của Phòng Công chứng Nhà nước về giá trị tài sản là hiện vật.

4. Giấy xác nhận của Ngân hàng nơi đã gửi các tài sản là kim khí quý, đá quý và tiền.

5. Giấy xác nhận của bệnh viện về tình trạng thần kinh bình thường.

6. Đối với người kinh doanh ngành nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề hoặc bằng cấp chuyên môn, thì phải có bản sao chứng chỉ hành nghề hoặc bằng cấp chuyên môn có chứng nhận của Công chứng Nhà nước.

7. Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp địa điểm làm trụ sở.

Điều 7. Các sáng lập viên muốn thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty Cổ phần phải lập ba bộ hồ sơ, mỗi hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

1. Đơn xin phép thành lập Công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần làm theo mẫu 02-GPTLDN do Sở Tư Pháp phát hành. Các sáng lập viên phải khai đúng sự thật, đầy đủ, rõ ràng và theo đúng mẫu đơn.

2. Sáng lập viên là cá nhân phải có sơ yếu lý lịch, trong đó có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn về địa chỉ thường trú và việc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc nếu bị kết án tù, thì đã được xóa án.

Sáng lập viên là tổ chức phải có bản sao quyết định thành lập, bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chứng nhận của cơ quan Công chứng Nhà nước.

Đối với sáng lập viên là doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức làm kinh tế của các tổ chức xã hội, thì còn phải có quyết định của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp về việc cho phép tham gia thành lập công ty, mức vốn góp vào công ty và người đại diện cho tổ chức đó khi tham gia thành lập công ty.

Đối với sáng lập viên là hợp tác xã thì còn phải có Nghị quyết của Đại hội xã viên hoặc Đại hội đại biểu xã viên về việc tham gia và số vốn tham gia thành lập công ty.

3. Đối với người dự định tham gia quản lý, điều hành công ty kinh doanh trong những ngành nghề theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề hoặc bằng cấp chuyên môn, thì phải có bản sao chứng chỉ hành nghề hoặc bằng cấp chuyên môn đã có chứng nhận của cơ quan Công chứng Nhà nước.

4. Dự thảo điều lệ công ty.

5. Giấy chứng nhận của cơ quan Công chứng nhà nước về giá trị tài sản là hiện vật.

6. Giấy xác nhận của Ngân hàng nơi đã nhận gửi các tài sản là kim khí quý, đá quý, và tiền của các sáng lập viên để góp vốn thành lập công ty.

7. Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp địa điểm làm trụ sở.

8. Phương án kinh doanh ban đầu.

Điều 8. Các DNTN, Công ty ở ngoài tỉnh khi muốn đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại địa bàn tỉnh An Giang phải lập ba bộ hồ sơ, mỗi hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

1. Đơn xin đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện theo mẫu 03-CN/VP do Sở Tư Pháp phát hành. Người làm đơn phải khai đúng sự thật, đầy đủ, rõ ràng và theo đúng mẫu đơn.

2. Bản sao giấy phép thành lập doanh nghiệp, bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đã được Công chứng Nhà nước chứng nhận.

3. Giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp địa điểm làm trụ sở đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.

Điều 9. UBND tỉnh giao cho Sở Thương mại và du lịch thực hiện các chức năng nhiệm vụ cụ thể sau đây:

1. Hướng dẫn cho công dân, tổ chức việc lập hồ sơ xin thành lập DNTN, công ty hoặc hồ sơ xin đặt chi nhánh, văn phòng đại diện.

2. Tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp, xin đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.

3. Phân loại và chuyển giao các hồ sơ thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành cho các Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật để các cơ quan này thực hiện việc thẩm định hồ sơ.

4. Thực hiện việc thẩm định các hồ sơ dự định kinh doanh những ngành nghề thuộc lĩnh vực thương mại và du lịch.

5. Trực tiếp trình UBND tỉnh các hồ sơ đã được các Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật thẩm định, để UBND tỉnh quyết định việc cấp hoặc từ chối cấp giấy phép.

6. Giao giấy phép thành lập, giấy phép mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện cho các doanh nghiệp và hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ đăng ký kinh doanh.

7. Đối với những trường hợp mà UBND tỉnh từ chối cấp giấy phép, thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do để công dân, tổ chức đã nộp hồ sơ được biết.

Điều 10. Chức năng, nhiệm vụ của các Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật:

1. Thực hiện việc thẩm định các hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp, hồ sơ xin đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện do Sở Thương mại và du lịch chuyển tới;

2. Có ý kiến chuyên ngành cụ thể bằng văn bản, đối với từng hồ sơ, sau khi có kết quả thẩm định.

3. Gửi văn bản xin ý kiến của Bộ chủ quan chuyên ngành, đối với những hồ sơ dự kiến kinh doanh những ngành nghề bắt buộc phải có ý kiến của Bộ chủ quản.

4. Có quyền từ chối việc thẩm định đối với những hồ sơ không đầy đủ giấy tờ hoặc không đảm bảo các yếu tố pháp lý.

Điều 11. Tiếp nhận hồ sơ:

Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải giao cho người nộp hồ sơ phiếu nhận hồ sơ và ghi rõ ngày hẹn trả lời kết quả. Không tiếp nhận những hồ sơ chưa đầy đủ giấy tờ theo quy định tại các điều 6, 7, 8 của bản quy định này.

Điều 12. Phân loại và chuyển giao hồ sơ:

Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, Sở Thương mại và du lịch phải tiến hành phân loại hồ sơ và chuyển giao hồ sơ theo nguyên tắc và trình tự sau đây:

1. Những hồ sơ dự định kinh doanh ngành nghề thuộc lãnh vực quản lý của Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật nào thì chuyển giao hồ sơ cho Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật đó thẩm định.

2. Những hồ sơ dự định kinh doanh nhiều ngành nghề thuộc lãnh vực quản lý của nhiều Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật, thì chuyển giao hồ sơ cho Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật mà ngành nghề dự định kinh doanh có số vốn đầu tư lớn nhất.

3. Trường hợp số vốn đầu tư của nhiều ngành nghề dự định kinh doanh bằng nhau, thì Sở Thương mại và du lịch chọn một Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật để chuyển giao hồ sơ.

4. Khi chuyển giao hồ sơ cho một Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật để thẩm định, Sở Thương mại và du lịch phải gửi văn bản xin ký kiến tham khảo (văn bản phải nêu rõ các nội dung của hồ sơ) cho các Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật để thẩm định, Sở Thương mại và du lịch phải gửi văn bản xin ý kiến tham khảo (văn bản phải nêu rõ các nội dung của hồ sơ) cho các Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật có liên quan đến những ngành nghề dự định kinh doanh còn lại.

Điều 13. Thời hạn thẩm định hồ sơ:

1. Thời hạn thẩm định hồ sơ xin thành lập DNTN là 15 ngày.

2. Thời hạn thẩm định hồ sơ xin thành lập Công ty là 35 ngày.

3. Thời hạn thẩm định hồ sơ xin mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện là 10 ngày.

4. Trong thời hạn 2 ngày, kể từ ngày có kết quả thẩm định, Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật phải chuyển trả hồ sơ kèm theo văn bản có ý kiến của mình cho Sở Thương mại và du lịch

Điều 14. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến tham khảo của Sở Thương mại và du lịch (theo quy định tại khoản 4, điều 12 của bản quy định này), Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật phải có ý kiến trả lời bằng văn bản. Quá thời hạn nêu trên mà không nhận được ý kiến trả lời, thì Sở Thương mại và du lịch trình hồ sơ cho UBND tỉnh quyết định việc cấp giấy phép.

Điều 15. Sau khi đã nhận lại hồ sơ được thẩm định và ý kiến của Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật, trong thời hạn 05 ngày Sở Thương mại và du lịch phải tổng hợp ý kiến - soạn tờ trình, tập hợp hồ sơ để trình UBND tỉnh quyết định việc cấp giấy phép.

Điều 16. Sau khi nhận được tờ trình và hồ sơ do Sở Thương mại và du lịch trình tới, UBND tỉnh xét cấp giấy phép trong thời hạn như sau:

1. Trong thời hạn 05 ngày đối với hồ sơ xin thành lập DNTN.

2. Trong thời hạn 10 ngày đối với hồ sơ xin thành lập Công ty.

3. Trong thời hạn 05 ngày đối với hồ sơ xin thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.

Điều 17. Trong trường hợp ý kiến của các Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật không thống nhất, thì UBND tỉnh sẽ triệu tập cuộc họp với các Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật có liên quan. Kết quả cuộc họp là cơ sở để UBND tỉnh quyết định việc cấp hoặc từ chối cấp giấy phép.

Điều 18. Việc cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp theo sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện theo trình tự như sau:

1. Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, Sở Thương mại và du lịch thực hiện việc phân loại, chuyển giao hồ sơ, thẩm định hồ sơ theo quy định tại các điều 12, 13 của bản quy định này.

2. Sau khi tiếp nhận hồ sơ do Sở Thương mại và du lịch chuyển tới, Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật phải tiến hành thẩm định hồ sơ và gửi văn bản tham khảo ý kiến của Bộ chủ quản hoặc cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngành, lãnh vực có liên quan.

3. Khi đã nhận được ý kiến tham khảo của Bộ chủ quản hoặc cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngành, Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật phải chuyển trả hồ sơ đã được thẩm định kèm theo các văn bản có ý kiến của Bộ chủ quản và của sở cho Sở Thương mại và du lịch.

4. Khi đã nhận đủ hồ sơ và các văn bản tham khảo ý kiến, Sở Thương mại và du lịch thực hiện các công việc nêu tại điều 15 của bản quy định này.

Điều 19. Ngoài các quy định nêu tại điều 18 của bản quy định này, việc cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp theo sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện đúng các quy định tại mục III của Thông tư số 472/PLDSKT ngày 20.05.1993 của Bộ Tư Pháp.

Điều 20. Khi chứng nhận vốn là hiện vật của người xin thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc của các sáng lập viên thành lập Công ty, Công chứng Nhà nước chỉ chứng nhận tài sản đưa vào kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân, tài sản của các sáng lập viên góp vào thành lập công ty mà không chứng nhận toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc của sáng lập viên.

Chương III

HỒ SƠ ĐĂNG KÝ KINH DOANH VÀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KINH DOANH

Điều 21. Hồ sơ đăng ký kinh doanh (ĐKKD) đối với doanh nghiệp tư nhân bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

1. Giấy phép thành lập DNTN (bản chính + 01 bản sao).

2. Giấy chứng nhận của Ngân hàng nơi DNTT mở tài khoản về số tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng của chủ DNTN có trong tài khoản tại Ngân hàng (5 bản).

3. Giấy chứng nhận của cơ quan Công chứng Nhà nước về trị giá tài sản bằng hiện vật thuộc sở hữu chủ DNTN (5 bản).

4. Giấy chứng thực trụ sở của DNTN. (Nếu là nhà riêng thì phải có giấy chứng nhận sở hữu nhà của DNTN; nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà do chủ doanh nghiệp ký và có xác nhận của Công chứng Nhà nước). Các giấy tờ này phải là bản chính.

5. Giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu thường trú của chủ DNTN (nếu chủ DNTN ở nông thôn thì phải có giấy xác nhận hộ khẩu thường trú do công an huyện cấp).

Điều 22. Hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

1. Giấy phép thành lập công ty (bản chính + 01 bản sao) kèm theo danh sách sáng lập viên.

2. Điều lệ công ty đã được toàn thể thành viên hoặc Đại hội đồng thành lập thông qua (5 bản) kèm theo biên bản cuộc họp toàn thể thành viên hoặc Đại hội đồng thành lập.

3. Danh sách Hội đồng quản trị, kiểm soát viên, Ban giám đốc hoặc biên bản phân công đảm nhiệm các chức trách quản lý và kiểm soát (trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn có số thành viên không quá 11 người (5 bản)).

4. Giấy chứng thực trụ sở giao dịch của công ty (nếu là nhà riêng của thành viên thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu của người đó và bản cam kết của người đó cho công ty sử dụng làm trụ sở giao dịch; nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà của công ty có xác nhận của Công chứng Nhà nước. Các giấy tờ này đều phải là bản chính).

5. Giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu thường trú của các sáng lập viên (nếu ở nông thôn thì phải có giấy xác nhận hộ khẩu thường trú do Công an huyện cấp).

Điều 23. Hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với Chi nhánh hoặc văn phòng đại diện bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

1. Giấy phép cho đặt chi nhánh, văn phòng đại diện do UBND tỉnh An Giang cấp.

2. Giấy phép thành lập DNTN, công ty và giấy chứng nhận ĐKKD đã được cấp ở nơi DNTN, công ty đặt trụ sở chính.

3. Giấy chứng thực trụ sở định đặt chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu là nhà riêng thì phải có giấy chứng nhận sở hữu của chủ DNTN, của một trong số thành viên Hội đồng quản trị hoặc sáng lập viên và giấy cam kết của người đó cho công ty dùng làm sở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện, nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà của doanh nghiệp có sự xác nhận của cơ quan Công chứng Nhà nước – Tất cả phải là bản chính).

Điều 24. Thời hạn lập hồ sơ để tiến hành đăng ký kinh doanh, kể từ ngày nhận được giấy phép thành lập, giấy phép cho mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện đến ngày nộp hồ sơ ĐKKD là:

1. Trong thời hạn 60 ngày đối với DNTN.

2. Trong thời hạn 180 ngày đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.

3. Trong thời hạn 01 năm đối với công ty cổ phần

4. Trong thời hạn 60 ngày đối với chi nhánh, văn phòng đại diện

Nếu quá thời hạn trên mà chưa đăng ký kinh doanh thì phải làm thủ tục xin phép thành lập lại, xin đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện lại. Trường hợp có lý do chính đáng thì đề nghị UBND tỉnh gia hạn giấy phép.

Điều 25. Trọng tài kinh tế tỉnh tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh và thực hiện việc đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp. Khi tiếp nhận hồ sơ ĐKKD, Trọng tài kinh tế tỉnh phải giao cho người nộp hồ sơ một phiếu nhận hồ sơ ĐKKD có hẹn ngày trả lời cụ thể.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ ĐKKD hợp lệ, Trọng tài kinh tế tỉnh phải xem xét cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho doanh nghiệp.

Điều 26. Không chấp nhận đăng ký kinh doanh:

Trường hợp hồ sơ ĐKKD không đầy đủ hoặc không phù hợp với các điều quy định của Luật DNTN, Luật công ty thì Trọng tài kinh tế tỉnh từ chối, không chấp nhận ĐKKD và trả lại toàn bộ hồ sơ ĐKKD cho doanh nghiệp kèm theo văn bản giải thích, lý do không chấp nhận đăng ký kinh doanh, đồng thời gởi 1 bản cho STM.

Việc xem xét về hồ sơ và quyết định không chấp nhận đăng ký kinh doanh phải được thực hiện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ ĐKKD.

Điều 27. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho doanh nghiệp, Trọng tài kinh tế tỉnh phải gửi đến các cơ quan: Sở Thương mại và du lịch, Sở Tài chính, Cục Thuế và Cục Thống kê hồ sơ ĐKKD gồm các loại giấy tờ sau đây:

1. Đối với doanh nghiệp tư nhân:

+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,

+ Giấy chứng nhận của Ngân hàng về vốn bằng tiền, ngoại tệ, vàng của chủ DNTN.

+ Giấy chứng nhận của cơ quan Công chứng Nhà nước về trị giá tài sản bằng hiện vật thuộc sở hữu của chủ DNTN.

2. Đối với công ty:

+ Bản giấy giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,

+ Điều lệ công ty,

+ Danh sách Hội đồng quản trị, kiểm soát, giám đốc công ty hoặc biên bản phân công đảm nhận chức trách quản lý công ty

3. Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện:

+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 28. Trong thời gian hoạt động, các doanh nghiệp có sự thay đổi về mục tiêu, ngành nghề, vốn đầu tư ban đầu, trụ sở giao dịch, tên gọi của doanh nghiệp hoặc thay đổi các thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, kiểm soát viên, thì doanh nghiệp phải khai báo lại bằng văn bản với Trọng tài kinh tế tỉnh và đăng trên báo An Giang (05 số liên tiếp) về nội dung thay đổi của doanh nghiệp.

Chương IV

THỦ TỤC ĐỔI GIẤY PHÉP

Điều 29. Các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thành lập, giấy phép cho mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện trước ngày ban hành bản quy định này, đều phải tiến hành làm thủ tục xin đổi lại giấy phép theo mẫu giấy phép do Bộ Tư Pháp ban hành.

Thời hạn đổi lại giấy phép được tiến hành từ ngày ban hành bản quy định này cho đến hết ngày 31.03.1994. Mọi trường hợp không xin đổi lại giấy phép mới đều bị đình chỉ hoạt động kinh doanh.

Điều 30. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp bị mất, bị hư hỏng giấy phép thành lập, giấy phép cho mở chi nhánh, văn phòng đại diện phải xin cấp lại giấy phép.

Điều 31. Khi đổi hoặc xin cấp lại giấy phép, doanh nghiệp phải làm đơn theo mẫu 04-GPTLDN do Sở Tư Pháp phát hành và gởi đến Sở Thương mại và du lịch.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận đơn, Sở Thương mại và du lịch phải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 32. Sở Thương mại và du lịch căn cứ vào biên chế của Sở, tổ chức tổ chuyên viên thực hiện các nhiệm vụ đã được nêu tại điều 9 của bản quy định này.

Điều 33. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày quyết định ban hành bản quy định này có hiệu lực, Trọng tài kinh tế tỉnh chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan của các doanh nghiệp đã được thành lập sau khi ban hành bản quy định này cho Sở Thương mại và du lịch.

Điều 34. Các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền toàn văn nội dung bản quy định này.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG