THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 881/TTg | Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO LỤT Ở CÁC TỈNH THANH HOÁ, NGHỆ AN, HÀ TĨNH, QUẢNG BÌNH, QUẢNG TRỊ, THỪA THIÊN - HUẾ, QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG, QUẢNG NGÃI, BÌNH ĐỊNH, NINH THUẬN, BÌNH THUẬN, GIA LAI, KON TUM, ĐẮC LẮC
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân các tỉnh có tên trên đây và đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất và ổn định đời sống, Uỷ ban nhân dân các tỉnh bị bão lụt và các Bộ ngành liên quan phải khẩn trương tiến hành các công việc cần thiết theo hướng sau đây:
- Giải quyết ngay những vấn đề cấp bách để nhân dân chăm sóc vụ đông và kịp làm vụ đông xuân, phòng chống đói giáp hạt, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm những dịch vụ thiết yếu cho nhân dân...
- Đưa vào kế hoạch năm 1997 những khối lượng sửa chữa lớn các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội chưa có điều kiện giải quyết được ngay.
- Phối hợp với các đoàn thể quần chúng vận động nhân dân giúp đỡ lẫn nhau khắc phục khó khăn, quan tâm các gia đình thuộc diện chính sách xã hội, các gia đình bị thiệt hại nặng.
Điều 2. Trích dự phòng ngân sách Trung ương trợ giúp các tỉnh:
- Thanh Hoá 2.500 triệu đồng - Nghệ An 2.000 triệu đồng - Hà Tĩnh 2.500 triệu đồng - Quảng Bình 1.000 triệu đồng - Quảng Trị 1.000 triệu đồng - Thừa Thiên - Huế 2.500 triệu đồng - Quảng Nam - Đà Nẵng 2.500 triệu đồng - Kon Tum 2.000 triệu đồng - Quảng Ngãi 2.000 triệu đồng - Bình Định 1.500 triệu đồng - Bình Thuận 500 triệu đồng - Ninh Thuận 500 triệu đồng - Gia Lai 500 triệu đồng
- Đắc Lắc 500 triệu đồng.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn các tỉnh sử dụng khoản kinh phí trên đây để cứu trợ các gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản, các gia đình bị thiếu đói.
- Chi trả Công ty chế biến và kinh doanh lương thực Sông Hồng đã xuất mì ăn liền cứu trợ khẩn cấp đồng bào bị lũ ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh): 91 triệu đồng.
Điều 3. Trích các ngồn vốn dưới đây để giúp các tỉnh tu sửa các công trình cơ sở hạ tầng và phục hồi sản xuất:
1. Bộ Kế hoạch và đầu tư trích nguồn vốn bổ sung tại văn bản số 237/KTTH ngày 20/9/1996 của Chính phủ trợ cấp đợt này cho các tỉnh để tu sửa các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu (đê điều, giao thông, thuỷ lợi, trường học, bệnh xá):
- Thanh Hoá 2.000 triệu đồng
- Nghệ An 2.000 triệu đồng
- Hà Tĩnh 2.000 triệu đồng
- Quảng Bình 2.000 triệu đồng
- Quảng Trị 2.000 triệu đồng
- Thừa Thiên - Huế 2.000 triệu đồng
- Quảng Nam - Đà Nẵng 7.000 triệu đồng
- Quảng Ngãi 4.000 triệu đồng
- Bình Định 3.000 triệu đồng
- Ninh Thuận 1.500 triệu đồng
- Bình Thuận 1.500 triệu đồng
- Gia Lai 1.000 triệu đồng
- Kon Tum 4.000 triệu đồng
- Đắc Lắc 1.000 triệu đồng.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế hướng dẫn các tỉnh sử dụng khoản kinh phí này.
2. Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương phòng chống dịch bệnh, trích quỹ dự phòng để trợ giúp các tỉnh thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế cần thiết.
Trích dự phòng ngân sách Trung ương 1.500 triệu đồng cấp cho Bộ Y tế để tiến hành ngay công tác phòng chống dịch bệnh ở các tỉnh bị bão lụt.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương chăm sóc vụ đông, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về giống, phân bón... cho vụ đông xuân, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và trong trường hợp cần thiết thì xuất quỹ dự trữ quốc gia về thuốc thú y để nhanh chóng dập tắt dịch bệnh.
Trích dự phòng ngân sách Trung ương 4.500 triệu đồng để trợ giúp các gia đình nông dân vừa qua có diện tích lúa màu bị mất trắng, hiện đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ và hướng dẫn các tỉnh sử dụng khoản kinh phí này.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài chính kiểm tra tình hình, giải quyết tiền điện bơm nước tiêu úng cho các tỉnh thực sự có yêu cầu.
5. Để giúp nông dân, ngư dân phục hồi sản xuất, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại cho các gia đình bị thiệt hại được hoãn nợ, khoanh nợ đối với nợ cũ và được vay mới; bàn với Bộ Tài chính cho các gia đình bị thiệt hại nặng, quá khó khăn được vay vốn ưu đãi.
6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương bàn với Bộ Ngoại giao để thông báo tình hình bão lụt ở các tỉnh miền Trung cho các Đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức quốc tế. Chính phủ ta hoan nghênh mọi sự giúp đỡ có thiện chí.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh có tên trên đây có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1 Quyết định 736/TTg năm 1995 về việc tiếp tục phòng chống và khắc phục hậu quả bão, lụt ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên -Huế, Quảng Nam -Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 720/TTg năm 1996 về việc khắc phục hậu quả bão lụt ở một số tỉnh phía bắc do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 13/2004/QĐ-BGTVT về Quy chế phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, lụt trong ngành Hàng không do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành