Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 892/1999/QĐ-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 6 tháng 8 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM, CẤP THẺ THANH TRA VIÊN LAO ĐỘNG.

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

- Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30/9/1992;

- Căn cứ Khoản 2, Điều 191 của Bộ luật lao động giao cho Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, tuyển chọn, bổ nhiệm, thuyên chuyển, miễn nhiệm, cách chức Thanh tra viên, cấp thẻ Thanh tra viên lao động;

- Căn cứ Nghị định 96/CP ngày 07/12/1993 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Căn cứ văn bản số 127/CP-VX ngày 08/02/1999 của Chính phủ giao cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ Thanh tra viên lao động để thực hiện công tác quản lý Nhà nước về lao động và văn bản số 792/CP-VX ngày 30/7/1999 của Chính phủ về chế độ đối với Thanh tra viên lao động;

- Sau khi trao đổi với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Thanh tra Nhà nước:

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Thanh tra viên lao động (gồm Thanh tra viên chính sách lao động và Thanh tra viên an toàn lao động) theo Quyết định này là công chức Nhà nước làm việc tại cơ quan Thanh tra thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

Điều 2: Thanh tra viên lao động khi tiến hành các hoạt động thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Bộ luật lao động, được quyền xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động theo quy định tại Nghị định 38/CP ngày 25/6/1996 và Nghị định 88/CP ngày 14/12/1995 của Chính phủ.

Điều 3: Hoạt động của Thanh tra viên lao động chỉ được thực hiện:

1- Theo quyết định của Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hoặc theo lệnh của Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ.

2- Tuân theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luật, kiến nghị và quyết định của mình.

Điều 4: Người được bổ nhiệm Thanh tra viên lao động phải có đủ các điều kiện sau đây:

1- Có phẩm chất chính trị tốt, có ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh và khách quan.

2- Đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định tại Quyết định số 1159/LĐTBXH-XH ngày 8/8/1995 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức của một số lĩnh vực thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

3- Có đủ sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 5: Thẩm quyền bổ nhiệm Thanh tra viên lao động:

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ nhiệm Thanh tra viên, Thanh tra viên chính thuộc Bộ trực tiếp quản lý; Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm Thanh tra viên, Thanh tra viên chính thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ bổ nhiệm Thanh tra viên cao cấp theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 6: Thủ tục bổ nhiệm Thanh tra viên lao động:

1- Thủ tục bổ nhiệm Thanh tra viên lao động thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

a/ Chánh thanh tra hoặc Thủ trưởng cơ quan Thanh tra chính sách lao động - xã hội, Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thanh tra viên lao động. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm gồm:

- Bản khai đề nghị xét bổ nhiệm Thanh tra viên lao động (theo mẫu đính kèm);

- Kết quả thi tuyển hoặc thi nâng ngạch;

- Hai ảnh màu (3x4);

- Nhận xét đánh giá của Chánh thanh tra hoặc Thủ trưởng cơ quan Thanh tra.

b/ Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo tiếp nhận hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định bổ nhiệm hoặc đề nghị Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ bổ nhiệm theo thẩm quyền.

2- Thủ tục bổ nhiệm Thanh tra viên lao động thuộc các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thanh tra viên lao động gồm:

- Bản khai đề nghị xét bổ nhiệm Thanh tra viên lao động (theo mẫu đính kèm);

- Hai ảnh màu (3x4);

- Nhận xét, đánh giá của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với người được đề nghị bổ nhiệm;

- Văn bản đề nghị bổ nhiệm của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 7: Thẻ Thanh tra viên lao động và cấp thẻ Thanh tra viên lao động:

1- Thẻ Thanh tra viên lao động.

a- Thẻ Thanh tra viên lao động xác định tư cách pháp lý để Thanh tra viên sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

b- Thẻ Thanh tra viên lao động màu hồng tươi; bề rộng 75mm, dài 110mm mặt trước ghi:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------------------

THẺ THANH TRA VIÊN
LAO ĐỘNG

Số thẻ:.....................................

Họ tên:.....................................

Cơ quan....................................

 

Ngày       tháng      năm

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - TBXH

 

Góc trái phía dưới có ảnh của người được cấp thẻ (3x4) và có đóng dấu nổi. Phía dưới ảnh có ghi thời hạn sử dụng của thẻ. Từ góc trên bên trái đến góc dưới bên phải có gạch chéo rộng 10mm màu đỏ tươi.

Mặt sau ghi: các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, sản xuất kinh doanh và người lao động phải thực hiện yêu cầu liên quan đến hoạt động thanh tra lao động theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để Thanh tra viên hoàn thành nhiệm vụ.

c- Thẻ Thanh tra viên lao động do Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức in và quản lý.

2- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp thẻ Thanh tra viên lao động sau khi có Quyết định bổ nhiệm. Thời hạn sử dụng thẻ không quá 5 năm. Trước khi hết thời hạn sử dụng 1 tháng, Chánh Thanh tra hoặc Thủ trưởng cơ quan Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động. Thanh tra chính sách lao động - xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị đổi thẻ, kèm theo thẻ đã cấp và hai ảnh màu (3x4) của người được đề nghị đổi thẻ gửi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 8: Việc miễn nhiệm đối với Thanh tra viên lao động được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau đây:

- Không đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 4 của Quyết định này;

- Bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên theo quy định tại Nghị định số 97/1998/CP-NĐ của Chính phủ;

- Khi thôi không làm nhiệm vụ Thanh tra Nhà nước về lao động.

Điều 9: Thanh tra viên lao động khi có quyết định hoặc nghỉ hưu phải nộp lại thẻ Thanh tra viên lao động. Trường hợp cố tình không nộp lại thẻ, Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thông báo đến cơ quan, tổ chức có liên quan.

Chánh Thanh tra hoặc Thủ trưởng cơ quan Thanh tra chính sách lao động - xã hội, Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thu hồi thẻ đối với Thanh tra viên thuộc Bộ; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thu hồi thẻ đối với Thanh tra viên thuộc Sở.

Thẻ Thanh tra viên lao động sau khi thu hồi được lưu giữ tại Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 10: Thanh tra viên lao động được hưởng chế độ tiền lương, trang phục và các chế độ khác theo quy định hiện hành áp dụng đối với Thanh tra viên Nhà nước.

Điều 11: Thanh tra viên lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được xét khen thưởng theo quy định đối với cán bộ, công chức Nhà nước.

Điều 12: Thanh tra viên lao động nếu lợi dụng chức vụ và quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật thì tuỳ theo mức độ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Pháp lệnh cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành.

Điều 13: Cán bộ, công chức đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ Thanh tra lao động và Thanh tra an toàn lao động thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nếu đủ tiêu chuẩn quy định tại Quyết định này thì được xem xét bổ nhiệm, cấp thẻ Thanh tra viên lao động.

Điều 14: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 15: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Đào tạo, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương và Giám đốc các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI




Nguyễn Thị Hằng

 

MẪU BẢN KHAI XÉT ĐỀ NGHỊ BỔ NHIỆM THANH TRA VIÊN LAO ĐỘNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số ngày tháng năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------------

BẢN KHAI

ĐỀ NGHỊ XÉT BỔ NHIỆM THANH TRA VIÊN LAO ĐỘNG

Họ và tên:……………………………………………….

Ngày tháng năm sinh:............................................... Nam, nữ: ……………………

Chức vụ, công việc đang làm:………………………………………………………….

Đơn vị công chức:……………………………………………………………………….

Tiền lương: Mã ngạch đang hưởng:.................. Hệ số lương:.............................

Tháng năm xếp lương vào bậc lương đang hưởng:............................................

I- QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO

1/ Trình độ đào tạo:

- Chuyên môn:

+ Tốt nghiệp đại học:... Chuyên ngành:...

Thời gian đào tạo... năm, năm tốt nghiệp:...

Hình thức đào tạo:...

+ Trên đại học:

Cao học, thạc sỹ, năm... thời gian học... chuyên ngành:...

Bảo vệ Phó tiến sỹ, năm... chuyên ngành:...

Nơi nghiên cứu bảo vệ:

- Chính trị:

+ Trung cấp:...

+ Cao cấp (cử nhân):...

2/ Các lớp bồi dưỡng đã qua (ghi rõ cơ quan mở, thời gian học và loại chứng chỉ).

3/ Trình độ ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga)

II- KẾT QUẢ CÔNG TÁC

1/ Về quản lý:

- Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các văn bản:

+ Nghị định

+ Thông tư

+ Chỉ thị

+ Quyết định

+ Báo cáo tổng kết

+ Đề tài nghiên cứu khoa học

- Chủ trì tổ chức Hội nghị:

2/ Về công tác Thanh tra:

- Nội dung công tác chính được giao:...

- Kết quả thực hiện trong hai năm liền kề với thời gian làm tờ khai:

+ Trưởng đoàn hoặc thành viên đoàn thành tra, điều tra tai nạn lao động hoặc xét giải quyết khiếu nại tố cáo.

+ Kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận thanh tra, điều tra (kể cả việc xử phạt hành chính về pháp luật lao động).

III- TỰ NHẬN XÉT ƯU, KHUYẾT ĐIỂM VÀ ĐỀ NGHỊ BỔ NHIỆM THANH TRA VIÊN LAO ĐỘNG

 

 

... Ngày      tháng     năm 19..
Người khai
(Ký và ghi rõ họ tên)

 

IV- NHẬN XÉT CỦA THỦ TRƯỞNG TRỰC TIẾP QUẢN LÝ NGƯỜI LÀM BẢN KHAI

 

 

... Ngày     tháng     năm 19..
Người khai
(Ký và ghi rõ họ tên)