BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 904/QĐ-BNN-KH | Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN: TĂNG CƯỚNG NĂNG LỰC HỆ THỐNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CHUYÊN NGÀNH THÚ Y, GIAI ĐOẠN 2007-2010
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Pháp lệnh Thú y, ban hành theo công bố của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12 tháng 5 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Xét đề nghị của Cục Thú y tại tờ trình số 326/TY-KH ngày 13 tháng 3 năm 2007 về việc phê duyệt Đề án: Tăng cường năng lực hệ thống quản lý Nhà nước chuyên ngành Thú y, giai đoạn 2007-2010;
Theo đề nghị cũa Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Tài Chính;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án: Tăng cường năng lực hệ thống quản lý nhà nước chuyên ngành Thú y, giai đoạn 2007-2010, với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN.
Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý nhà nước ngành thú y xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi cả nước. Đồng thời, từng bước nâng cao năng lực quản lý nhà nước của ngành Thú y, để đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA HỆ THỐNG THÚ Y.
1. Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành Thú y đồng bộ và phù hợp với luật pháp và quy định quốc tế;
2. Kiện toàn hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở theo hướng gọn nhẹ, thông suốt, đảm bảo có hiệu quả hoạt động của cả hệ thống đáp ứng nhanh nhậy nhu cầu dự báo, phòng trừ dịch bệnh, an toàn dịch bệnh góp phần tăng nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi một cách bền vững.
3. Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn:
a. Về công tác phòng chống dịch:
Từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý dữ liệu, thông tin, dự báo dịch bệnh, xây dựng bản đồ dịch tễ; tăng cường công tác quản lý, giám sát dịch bệnh, đánh giá rủi ro trên phạm vi cả nước;
Xây dựng, thực hiện các chương trình khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lây sang người như bệnh cúm gia cầm, bệnh lỡ mồm long móng, bệnh dại, nhiệt thán, dịch tả lợn, niu cát xơn, bò điên; phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, trước mắt an toàn dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn do OIE công nhận; nâng cao năng lực chuẩn đoán bệnh.
b. Về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y:
Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống kiểm dịch động vật xuất, nhập khẩu; kiểm dịch vận chuyển trong nước.
Xây dựng quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung, hướng dẫn và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư theo quy hoạch được duyệt; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm động vật (thịt, trứng, sữa, mật ong,...); xử lý các trường hợp vi phạm theo luật định;
c. Về công tác quản lý thuốc thú y: Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y; ban hành tiêu chuẩn chất lượng thuốc thú y; thực hiện việc kiểm tra, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y nhập khẩu, sản xuất trong nước, xử lý các trường hợp vi phạm theo luật định.
d. Thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ thú y:
Thực hiện các đề tài điều tra cơ bản dịch bệnh gia súc, gia cầm, quy hoạch hệ thống thú y, giết mổ tập trung cả nước; xây dựng bản đồ dịch bệnh.
Hàng năm xây dựng kế hoạch đặt hàng với các cơ quan khoa học nghiên cứu những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực phòng trừ dịch bệnh, gia súc, gia cầm, thuốc thú y; tổ chức chuyển giao các kết quả khoa học công nghệ vào phòng trừ dịch bệnh, sản xuất thuốc.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Hoàn thiện hệ thống pháp lý đối với lĩnh vực thú y:
Giao Cục Thú y, phối hợp với các Vụ, Cục chức năng rà soát lại các văn bản pháp quy thuộc lĩnh vực thú y; bổ sung các văn bản cần thiết đảm bảo Pháp lệnh Thú y được thực hiện có hiệu quả trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và phát triển chăn nuôi bền vững, phù hợp các thông lệ quốc tế.
Xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng các loại thuốc thú y, quy trình, quy phạm sản xuất, bảo quản thuốc, hướng dẫn các địa phương, cơ sở thực hiện.
2. Kiện toàn hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở và đào tạo.
Hệ thống tổ chức ngành Thú y được kiện toàn theo hướng:
a. Trung ương: Cục Thú y, với 7 Phòng chức năng, 5 Trung tâm Thú y chuyên ngành, 7 cơ quan Thú y vùng, 3 Chi cục Kiểm dịch động vật vùng (Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh) và các Trạm kiểm dịch cửa khẩu biên giới, sân bay, bến cảng, ga, bưu điện quốc tế.
b. Địa phương:
Đối với cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chi cục Thú y trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với cơ cấu tổ chức: Các phòng chức năng: Dịch tễ thú y, Kiểm dịch, Kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, Chuẩn đoán xét nghiệm; phòng Thanh tra pháp chế, phòng Tổ chức - Hành chính - Tổng hợp; các Trạm Kiểm dịch trực thuộc.
Đối với cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là các Trạm Thú y thuộc Chi cục Thú y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với cấp xã: Mỗi xã bố trí một nhân viên thú y phụ trách mạng lưới thú y cấp xã (gọi là Trưởng thú y xã) và các nhân viên thú y khác có đủ điều kiện và tiêu chuẩn được hành nghề thú ý tại thôn, bản, ấp.
Vụ Tổ chức cán bộ hướng dẫn Cục Thú y xây dựng kế hoạch đào tạo dài hạn, ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thú y toàn ngành, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu phát triển thú y trong thời kỳ hội nhập.
3. Tăng cường năng lực quản lý ngành Thú y.
3.1 Đối với phòng chống dịch bệnh:
a. Tăng cường năng lực thông tin, giám sát dịch bệnh:
Đầu tư xây dựng Trung tâm cơ sở dữ liệu cơ bản về tình hình dịch bệnh, dự báo, cảnh báo dịch bệnh, đánh giá nguy cơ khi nhập khẩu và cung cấp các bằng chứng khoa học khi đưa ra các biện pháp vệ sinh kiểm dịch, tiến tới hướng dẫn kiểm dịch qua mạng, thu nhập và cung cấp thông tin trong ngành.
Đầu tư xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bao gồm: Phòng dịch tễ, cơ quan Thú y vùng, Trung tâm chẩn đoán (Cục Thú y); Phòng Dịch tễ, Phòng Chẩn đoán - Xét nghiệm (Chi cục Thú y tỉnh); Trạm Thú y huyện; Mạng lưới Thú y xã.
b. Tăng cường năng lực phòng chống dịch bệnh.
Đầu tư nâng cấp, mở rộng và hiện đại hoá các cơ sở nghiên cứu đủ các điều kiện nghiên cứu các phương pháp khống chế, thanh toán những bệnh nguy hiểm, bệnh lây giữa người và động vật, như bệnh cúm gia cầm, bệnh LMLM, bệnh dại, nhiệt thán, dịch tả lợn, niu cát xơn, bò điên...
Đầu tư xây dựng và mở rộng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; trong thời gian từ nay đến năm 2010 hướng vào bệnh LMLM, dịch tả lợn do OIE công nhận.
3.2 Đối với kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.
a. Về kiểm dịch:
Giao Cục Thú y phối hợp với các địa phương rà soát hệ thống các Trạm kiểm dịch ở tất cả các cửa khẩu, để có cơ sở đầu tư các trạm kiểm dịch còn thiếu; đầu tư nâng cấp các trạm đã có theo hướng đảm bảo các trang thiết bị cần thiết từng bước được hiện đại hoá.
Đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại các khu cách ly phục vụ việc xuất nhập khẩu động vật ở một số cửa khẩu lớn, như: sân bay Nội Bài, thành phố Hồ Chí Minh, cửa khẩu Lạng Sơn, Tây Nam Bộ, cảng Hải Phòng...
Giao Cục Thú y chủ trì xây dựng quy hoạch hệ thống các trạm, chốt kiểm dịch nội địa; phân cấp các trạm thuộc địa phương, các trạm thuộc Trung ương theo tiêu chí và địa bàn để có kế hoạch xây dựng nhằm đảm bảo cho công tác kiểm soát có hiệu quả việc vận chuyển nhằm hạn chế và tiến tới không có nguy cơ lây lan dịch bệnh; gắn liền với việc đầu tư xây dựng khu cách ly nuôi nhốt động vật ở một số tỉnh trọng điểm phục vụ kiểm dịch vận chuyển trong nước.
b. Kiểm soát giết mổ.
Giao Cục Thú y phối hợp với các địa phương quy hoạch hệ thống giết mỗ gia súc, gia cầm tập trung; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện Quyết định số 394/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp.
Tăng cường trang thiết bị kỹ thuật và cán bộ chuyên môn để thực hiện kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ.
c. Đối với kiểm tra vệ sinh thú y:
Quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống kiểm tra vệ sinh thú y tư Trung ương đến cấp huyện, đảm bảo đủ năng lực kiểm tra, giám sát, phân tích ô nhiễm vi sinh vật và hoá chất tồn dư trong sản phẩm động vật; hướng dẫn các cơ sở giết mổ tập trung xử lý chất thải.
Đầu tư nâng cấp hiện đại hoá 2 Trung tâm Kiểm tra vệ sinh Thú y trung ương đạt tiêu chuẩn phòng thí nghiệm ISO. Mở rộng hợp tác quốc tế để tranh thủ về kỹ thuật, trao đổi thông tin, tiêu chuẩn, quy trình mới, chuyên gia và các dự án hỗ trợ bổ sung thiết bị, đào tạo.
3.3 Về quản lý thuốc thú y:
Hướng dẫn và tuyên truyền việc sử dụng thuốc có hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích các cơ sở sản xuất thực hiện Thực hành sản xuất tốt (GMP), Thực hành xét nghiệm tốt (GLP).
Xây dựng cơ sở dữ liệu cơ bản về quản lý thuốc; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc và chế phẩm sinh học thú y.
Xây dựng hệ thống cảnh báo được học thú y; duy trì sự hoạt động của Quỹ gen vi sinh vật dùng trong thú y. Đầu tư nâng cấp hiện đại hoá 2 Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y và nâng cao năng lực quản lý thuốc của các Chi cục thú y.
4. Đầu tư xây dựng
4.1 Đối với các cơ sở trung ương:
Đầu tư nâng cấp Văn phòng làm việc Cục Thú y đáp ứng cho yêu cầu chỉ đạo, điều hành hệ thống thú y cả nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập.
Đầu tư theo hướng hiện đại các phòng thí nghiệm đảm bảo yêu cầu an toàn sinh học và vệ sinh môi trường. Đầu tư xây dựng 5 khu cách ly tại các cửa khẩu lớn: Nội Bài. Hải Phòng, Lạng Sơn, TP. Hồ Chí Minh, Tây Nam Bộ. Đầu tư xây dựng mới Trung tâm Chẩn đoán thú y; Cơ quan Thú y vùng V và Trạm Chẩn đoán dịch bệnh thuộc Cơ quan Thú y vùng I theo hướng hiện đại.
Rà soát, đầu tư bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở Chẩn đoán, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm tra chất lượng thuốc theo hướng hiện đại.
4.2 Đối với địa phương:
Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập phương án báo cáo UBND tỉnh, thành phố đầu tư nâng cấp Văn phòng, các phòng thí nghiệm,các khu nuôi nhốt cách ly động vật đối với một số tỉnh trọng điểm.
Danh mục các Dự án ưu tiên, có danh sách kèm theo.
5. Về khoa học công nghệ.
Công tác khoa học công nghệ thú ý tập trung vào các đề tài nghiên cứu đối với những vấn đề cấp bách sản xuất đang đặt ra, như an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, chẩn đoán bệnh, xây dựng các quy trình tiêu chuẩn.
Tranh thủ sự hợp tác quốc tế để tăng cường công tác nghiên cứu, áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới vào ngành thú y như: các phần mềm trong thông tin, giám sát dịch bệnh, đánh giá nguy cơ; quy trình, công nghệ trong chẩn đoán, xét nghiệm.
6. Đầu tư triển khai các Chương trình.
Các chương trình cần triển khai thực hiện, bao gồm: Quỹ phòng chống dịch bệnh, Quỹ gen vi sinh vật dùng trong thú y; Chương trình khống chế, thanh toán các bệnh nguy hiểm, bệnh lây sang người như: bệnh cúm gia cầm, bệnh LMLM, bệnh dại, nhiệt thán, dịch tả lơn, niu cát xơn, bò điên...; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, giám sát chất lượng thuốc thú y; Chiến dịch tuyên truyền chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, tài liệu kỹ thuật.
7. Tăng cường công tác nghiên cứu đề xuất chính sách
Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích việc khai báo, phát hiện dịch bệnh gia súc, gia cầm;
Xây dựng chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.
8. Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền.
Các cơ quan Thú y phối hợp với các cơ quan truyền thông để phổ biến kiến thức về vệ sinh thú y, cách phòng chống các bệnh thông thường, sử dụng thuốc,...; tuyên truyền giáo dục cho người dân hiểu biết về Pháp lệnh Thú y, các quy định và chính sách nhà nước về Thú y.
Tổ chức các lớp tập huấn về phòng chống dịch, vệ sinh thú y trong chăm sóc nuôi dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu chăn nuôi, giết mổ; soạn thảo và phát hành tờ rơi, tài liệu kỹ thuật hướng dẫn phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
9. Tăng cường công tác hợp tác quốc tế.
Mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, nhất là các nước thành viên của WTO, các nước trong khu vực ASEAN, các nước có quan hệ buôn bán động vật, sản phẩm động vật với Việt Nam, các nước có chung đường biên giới như: Trung Quốc, Lào và Campuchia thông qua việc ký kết các hiệp định hoặc văn bản ghi nhớ về hợp tác thú y.
Tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác của các Tổ chức quốc tế như: Tổ chức Thú y thế giới (IOE), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO); thực hiện các nghĩa vụ của Hiệp đinh SPS, WTO, nghĩa vụ nước thành viên IOE.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Đối với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cục Thú y triển khai thực hiện Đề án: Tăng cường hệ thống quản lý Nhà nước chuyên ngành Thú y với các nội dung trên.
Các Vụ, Cục chức năng theo các nội dung được duyệt trong Đề án hướng dẫn các đơn vị thú y triển khai việc kiện toàn tổ chức lại hệ thống, đào tạo đội ngũ cán bộ thú y, nghiên cứu khoa học công nghệ, các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi tập trung, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, giết mổ tập trung, vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm , đầu tư nâng cao năng lực cơ sở vật chất ngành thú y.
2. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chỉ đạo Chi cục Thú y triển khai thực hiện Đề án: Tăng cường năng lực hệ thống quản lý Nhà nước chuyên ngành Thú y trên địa bàn tỉnh, thành phố, lập phương án kiện toàn tổ chức, biên chế, đào tạo cán bộ thú y, nhất là cán bộ thú y cơ sở, đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây mới và trang thiết bị cho các văn phòng Chi cục, Trạm thú y huyện, phòng dịch tễ, chẩn đoán – xét nghiệm, kiểm tra thuốc, các khu nuôi nhốt cách ly cần thiết, các Trạm kiểm dịch xuất nhập khẩu, nội địa,…
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Thú y, các Vụ trưởng, Cục trưởng và Thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
- 1 Quyết định 50/2007/QĐ-BNN Công bố danh mục bổ sung vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam đợt I năm 2007 do Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn ban hành
- 2 Quyết định 394/QĐ-TTg năm 2006 về việc khuyến khích đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Nghị định 33/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Thú y
- 4 Pháp lệnh Thú y năm 2004
- 5 Nghị định 86/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn