BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 91/2000/QĐ-TCHQ | Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ CUNG CẤP THÔNG TIN, TÀI LIỆU, HỒ SƠ TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996;
Căn cứ Nghị định số 16/CP ngày 07 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ trong hoạt động quản lý Nhà nước về hải quan.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3: Cục trưởng, Vụ trưởng, Thủ tướng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan; Cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| KT/ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN |
QUY CHẾ
CUNG CẤP THÔNG TIN, TÀI LIỆU, HỒ SƠ TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HẢI QUAN
( Ban hành kèm theo Quyết định số 91/2000/QĐ- TCHQ ngày 10 tháng 4 năm 2000 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ.
1. Cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ nêu trong Quy chế này là việc cơ quan, cá nhân trong ngành Hải quan cung cấp, chuyển giao nội dung, tin tức trong hoạt động quản lý Nhà nước về Hải quan cho các cơ quan Nhà nứơc có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và Quy chế này.
2. Trong Quy chế này, các từ ngữ sau đây, được hiểu như sau:
a. “ Thông tin về hoạt động Hải quan “ là việc thông báo, trao đổi, truyền dẫn các nội dung, tin tức trong hoạt động quản lý Nhà nước về Hải quan thông qua việc diễn đạt bằng lời nói, fax, telex, mạng internet hoặc trực tiếp nghiên cứu tại chỗ ( không sao chép lại)
b. " Tài liệu về hoạt động Hải quan " là những văn bản phản ánh các tin tức, số liệu, sự kiện về một vấn đề, một công việc cụ thể trong hoạt động quản lý Nhà nước về Hải quan, đuợc lưu giữ dưới các hình thức cụ thể ( văn bản viết tay, đánh máy, ảnh tư liệu, băng ghi âm, ghi hình, phim ảnh, lưu giữ trong bộ nhớ, hoặc đĩa mềm của máy vi tính, kể cả bản chính hoặc bản sao hoặc các hình thức lưu giữ khác ).
c. “ Hồ sơ về hoạt động Hải quan " là tập hợp các tài liệu về một sự kiện, một vấn đề, một sự việc hoặc một số vấn đề, một số sự việc có liên quan với nhau thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan được lưu giữ, sử dụng tại cơ quan Hải quan." Thông tin", " tài liệu", " hồ sơ" về hoạt động Hải quan, sau đây được gọi chung là tài liệu
Điều 2: Phạm vi cung cấp tài liệu về hoạt động Hải quan gồm:
1. Tài liệu về hoạt động Hải quan thụôc phạm vi bí mật Nhà nước ( quy định tại Quyết định số 209/TTg ngày 6 tháng 4 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật Nhà nước trong ngành Hải quan).
2. Tài liệu về hoạt động Hải quan không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước.
3. Các trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này, bao gồm: quy định về chế độ cung cấp, trao đổi tài liệu giữa các cơ quan Hải quan với nhau, giữa cơ quan Hải quan cấp dưới và cấp trên; giữa cơ quan Hải quan với các tổ chức, công dân Việt Nam khác có liên quan đến công tác hải quan, giữa cơ quan Hải quan và cơ quan Nhà nước cấp trên , cơ quan, Bộ, ngành hữu quan, để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; để phối hợp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Điều 3: Trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong việc cung cấp tài liệu:
1. Trong phạm vi quyền hạn của mình, Thủ tướng các cơ quan Hải quan theo phân cấp của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, có trách nhiệm cung cấp tài liệu cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu và chịu trách nhiệm về việc cung cấp tài liệu đó trước pháp luật.
2. Việc cung cấp tài liệu về hoạt động Hải quan thuộc bí mật Nhà nước phải theo cung quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
3. Cơ quan Hải quan được Tổng cục Hải quan phân cấp quản lý, có trách nhiệm cung cấp tài liệu cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu tại Điều 5 Quy chế này, phải chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về tính trung thực, độ tin cậy và bảo đảm đúng đối tượng, nội dung, phạm vi, thủ tục, thời hạn, theo quy định của pháp luật và quy định của Quy chế này.
Điều 4: Thủ tục cung cấp thông tin :
1. Khi cơ quan Hải quan nhận được công văn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu cung cấp tài liệu nêu tại Điều 2 và Điều 5 Quy chế này thì tiến hành tiếp nhận, xem xét các yêu cầu theo đúng phạm vi, thẩm quyền quy định.
2. Tài liệu cung cấp và chuyển giao hẳn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu phải là " bản sao". Trường hợp yêu cầu cung cấp "bản gốc", "bản chính" thuộc danh mục tài liệu phải lưu giữ lâu dài theo quy định của ngành Hải quan thì phải báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan duyệt. Các yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng.
3. Mọi trường hợp cung cấp tài liệu đều phải đăng ký vào sổ hoặc có biên bản ghi nhận việc chuyển giao, kể cả khi trực tiếp nghiên cứu tài liệu đó. Sổ hoặc biên bản phải ghi rõ thời gian, địa điểm cung cấp; họ ,tên , cấp bậc ( chức vụ), địa chỉ của bên cung cấp và bên được cung cấp; chuyển giao trực tiếp hay thông qua người thứ ba; tên tài liệu, số trang, bản chính hoặc bản sao. Chỉ được cung cấp đúng nội dung phạm vi tàiliệu đã được cấp Hải quan có thẩm quyền duyệt. Đối với tàiliệu "tuyệt mật", " tối mật", " mật" thì người cung cấp phải chuyển giao trực tiếp và yêu cầu bên được cung cấp cam đoan ( tại biên bản ghi nhận viêc chuyển giao ) không được tiết lộ cho cơ quan, tồ chức, cá nhân khác.
4. Mọi trường hợp trực tiếp chuyển giao tài liệu phải tiến hành trong ngày, giờ làm việc chính thức, tại trụ sở của cơ quan Hải quan hoặc tại nơi tiến hành các công việc kiểm sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Chương II
CUNG CẤP TÀI LIỆU CHO CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ THẨM QUYỀN VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC
Điều 5: Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu cung cấp tài liệu về hoạt động Hải quan, gồm:
1. Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật;
2. Toà án nhân dân các cấp tiến hành xét xử các vụ án hình sự, hành chính, dân sự liên quan đến hoạt động Hải quan .
3. Cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thực hiện việc điều tra các vụ án đã khởi tố có nội dung liên quan đến hoạt động Hải quan;
4. Cơ quan Thanh tra Nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra và Thanh tra viên Nhà nước thực hiện các quyết định thanh tra theo quy định của pháp luật thanh tra;
5. Cơ quan Kiểm toán Nhà nước và trưởng đoàn Kiểm toán thực hiện quyết định kiểm toán theo quy định của pháp luật kiểm toán;
6. Cơ quan báo chí và phóng viên báo chí thực hiện việc sưu tập tài liệu theo quy định của pháp luật báo chí;
7. Các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động ở Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 6: Thời hạn giải quyết yêu cầu cung cấp tài liệu :
1. Cơ quan Hải quan có thẩm quyền thực hiện việc cung cấp tài liệu theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thời hạn sau đây:
a. Chậm nhất 30 ngày, kể từ kia nhận được yêu cầu cung cấp của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cơ quan Điều tra, Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước. Đối với trường hợp trong công văn yêu cầu có nêu thời hạn cụ thể thì tuỳ từng trường hợp có thể xem xét giải quyết;
b. Thời hạn giải quyết yêu cầu cung cấp của cơ quan báo chí, phóng viên báo chí, tổ chức nghiên cứu, công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài do Thủ tướng cơ quan Hải quan có thẩm quyền duyệt quyết định.
2. Khi có yêu cầu về thời hạn cung cấp tài liệu ngoài quy định tại khoản 1 Điều này thì Thủ trưởng cơ quan Hải quan có thẩm quyền duyệt việc cung cấp tài liệu hoặc báo cáo xin ý kiến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp quyết định. Trong trường hợp không thể cung cấp tài liệu đúng thời hạn thì phải thông báo kịp thời tới cơ quan, tổ chức, cá nhân đã yêu cầu.
Không được lợi dụng quyền xét duyệt và quyết định để trì hoãn thời hạn cung cấp tài liệu theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 7: Các trường hợp không được cung cấp tài liệu:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp tài liệu nhưng không thuộc đối tượng quy định tại Điều 5 của Quy chế này.
2. Cơ quan Hải quan được yêu cầu cung cấp tài liệu nhưng không thuộc thẩm quyền quản lý, xét duyệt và giải quyết.
Điều 8: Cung cấp tài liệu cho cơ quan, tổ chức nghiên cứu, công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài.
1. Khi có yêu cầu cung cấp tài liệu của cơ quan, tổ chức nghiên cứu, công dân Việt Nam thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế này. Trường hợp yêu cầu cung cấp tài liệu ngoài phạm vi khoản 2 Điều 2 Quy chế phải được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan duyệt.
2. Việc cung cấp tài liệu cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài ( bao gồm cả cơ quan báo chí, phóng viên nước ngoài) phải theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước và quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế này.
3. Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, khi có yêu cầu cung cấp tài liệu có liên quan đến bí mật Nhà nước trong ngành Hải quan cho cơ quan, tổ chức nước ngoài thì phải xem xét, cân nhắc kỹ theo nguyên tắc đảm bảo lợi ích quốc gia; chỉ cung cấp những tài liệu bí mật đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt, như:
a. " Tuyệt mật" do Thủ tướng Chính phủ duyệt
b. " Tối mật" do Bộ trưởng Bộ Công an duyệt;
c. " Mật" do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan duyệt
Chương III:
PHÂN CẤP TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN TRONG VIỆC CUNG CẤP THÔNG TIN
Điều 9: Trách nhiệm và quyền hạn của Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan uỷ quyền cho Cục trưởng, Vụ trưởng, Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan tiến hành việc cung cấp tài liệu khi cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu theo quy định tại Điều 2 và Điều 5 của Quy chế này ( đối với tài liệu " tuyệt mật", "tối mật", thì phải được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan duyệt) và chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc giải quyết yêu cầu đó.
Điều 10: Trách nhiệm và quyền hạn của Cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương.
1. Cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương ( sau đây gọi chung là Cục Hải quan tỉnh ) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước về hải quan của mình, tiến hành việc cung cấp các tài liệu về hoạt động hải quan thuộc địa bàn, khu vực, lĩnh vực do Tổng cục Hải quan phân công quản lý, theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 5 của Quy chế này.
2. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh duyệt và cung cấp các tài liệu theo danh mục, nội dung và phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị mình quy định tại Điều 2 ( đối với tài liệu “ tuyệt mật”, “tối mật” phải được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan duyệt); chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu trong đơn vị mình.
Điều 11: Trách nhiệm của Trưởng Hải quan cửa khẩu và cấp tương đương.
1. Trưởng Hải quan cửa khẩu và cấp tương đương ( sau đây gọi chung là Trưởng Hải quan cửa khẩu) tiến hành việc cung cấp tài liệu cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của đơn vị mình, sau khi đã được xét duyệt của Cục trưởng Hải quan tỉnh trực tiếp quản lý; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng cấp trên trực tiếp về việc cung cấp tài liệu đó.
2. Trưởng Hải quan cửa khẩu có trách nhiệm thực hiện việc cung cấp tài liệu đúng quy định của pháp luật và của Quy chế này theo sự quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12: Điều khoản thi hành.
1. Quy chế này được phổ biến đến cán bộ, công chức, nhân viên toàn ngành Hải quan để quán triệt và thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn hoặc phát sinh khác thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị các cấp báo cáo kịp thời về Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn, chỉ đạo.
2. Cục trưởng, Vụ trưởng, Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan; Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh; Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành bản Quy chế này.