Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 913/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG KHÔNG GIAN XÂY DỰNG NGẦM ĐÔ THỊ TRUNG TÂM - THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050, TỶ LỆ 1/10.000.

ĐỊA ĐIỂM: THÀNH PHỐ HÀ NỘI.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Nghị định 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 39/2010/ NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị;

Căn cứ Thông tư số 11/2010/TT-BXD ngày 17/8/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quản lý cơ sở dữ liệu công trình ngầm đô thị;

Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng về hồ sơ của Nhiệm vụ và Đồ án Quy hoạch xây dựng vũng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng các khu chức năng đặc thù;

Căn cứ Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội;

Căn cứ Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 06/4/2021;

Căn cứ Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Giao thông vận tải thủ đô Hà Nội;

Căn cứ Quyết định số 4720/QĐ-BCT ngày 02/12/2016 của Bộ Công thương phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110KV thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035 (Hợp phần I);

Căn cứ Quyết định số 6649/QĐ-UBND ngày 03/12/2015 của UBND Thành phố phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000.

Căn cứ thông báo số 1143-TB/BCSĐ ngày 14/12/2021 của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố về chủ trương đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000.

Căn cứ thông báo số 654-TU/TB ngày 14/02/2022 của Thành ủy Hà Nội kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Xét đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại Tờ trình số 474/TTr-QHKT ngày 27/01/2022, Báo cáo thẩm định số 475/BC-QHKT-HTKT ngày 27/01/2022 và báo cáo bổ sung tại văn bản số 835/QHKT-HTKT ngày 04/03/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000 với những nội dung chính như sau:

1. Vị trí, ranh giới, quy mô nghiên cứu quy hoạch:

a) Vị trí:

- Khu vực nghiên cứu chính: Đô thị trung tâm thành phố Hà Nội, thuộc địa giới hành chính 20 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín.

- Khu vực nghiên cứu định hướng, kết nối tại 05 đô thị vệ tinh gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên.

b) Ranh giới, quy mô:

- Đô thị trung tâm giới hạn bởi: phía Bắc giáp sông Cà Lồ, phía Đông giáp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên, các phía Tây, Tây Nam và phía Nam giáp đường vành đai 4. Diện tích nghiên cứu khoảng 75.600ha (756 km2).

- Các đô thị vệ tinh: Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Hòa Lạc ranh giới xác định theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng các đô thị vệ tinh đã được UBND Thành phố phê duyệt. Tổng diện tích khoảng 46.164ha (461km2).

2. Mục tiêu quy hoạch:

- Cụ thể hóa và bổ sung nội dung quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Kế thừa kết quả nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm tại các đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu đô thị được duyệt.

- Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng công trình ngầm khu vực đô thị trung tâm Thành phố.

- Khớp nối, kết nối đồng bộ các không gian xây dựng ngầm trên địa bàn Thành phố.

- Làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu không gian xây dựng ngầm đô thị, lập quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm cho các khu vực đô thị, lập dự án đầu tư xây dựng ngầm trong khu vực đô thị trung tâm Thành phố.

- Góp phần xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh, phát triển đô thị bền vững.

3. Nội dung quy hoạch:

a) Nhu cầu xây dựng công trình ngầm:

Nhu cầu xây dựng công trình ngầm được xác định phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Phù hợp với điều kiện địa kỹ thuật của khu vực đô thị trung tâm; Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật của các ngành có liên quan, bao gồm:

- Hệ thống giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm: xác định theo định hướng tại các đồ án quy hoạch chuyên ngành giao thông, hạ tầng kỹ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội được Bộ Công thương phê duyệt và các đồ án quy hoạch phân khu đô thị đã và đang được UBND Thành phố phê duyệt.

- Các công trình công cộng ngầm: xác định không gian xây dựng ngầm tương thích với các công trình công cộng ngầm (trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, vui chơi giải trí trong nhà, kho tàng, lưu trữ, đỗ xe...) và bố trí ngầm trong các dự án đầu tư xây dựng công trình cao tầng, các khu chung cư cao tầng ...

b) Phân vùng chức năng để xây dựng công trình ngầm:

- Theo chiều ngang: trong đô thị trung tâm các khu vực có tiềm năng xây dựng công trình ngầm gồm: khu vực nội đô (nội đô lịch sử và nội đô mở rộng); khu vực phát triển mới cao tầng tại Bắc Sông Hồng và chuỗi đô thị Đông vành đai 4, các dự án trong vành đai xanh và tại các trục không gian Hồ Tây - Ba Vì, Tây Hồ Tây, Hồ Tây - Cổ Loa và khu vực dọc theo hành lang các tuyến đường sắt đô thị.

- Theo chiều đứng thành 03 lớp gồm: lớp nông từ 0 - 5m, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, lối vào tầng hầm của các công trình, các tuyến hầm đi bộ; lớp trung bình từ 5-15m xây dựng các công trình công cộng ngầm, bãi đỗ xe ngầm; lớp sâu từ 15-30m xây dựng hệ thống giao thông ngầm, đường sắt đô thị, tuy nen kỹ thuật chính.

- Vùng hạn chế xây dựng công trình ngầm: Khu phố Cổ Hà Nội.

- Cấm xây dựng, khai thác không gian ngầm tại Khu vực bảo vệ I các công trình, khu vực được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ở đô thị trung tâm: Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Khu Cổ Loa; Khu Đền Hai Bà Trưng; Khu Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn. Việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II phải được cấp thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật.

- Cấm xây dựng công trình công cộng ngầm, tuynel trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ các khu đất quốc phòng - an ninh. Công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm khác có yêu cầu xây dựng cần được Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chấp thuận, giám sát, kiểm tra đảm bảo các quy định riêng.

- Hạn chế xây dựng hệ thống tuynel kỹ thuật tại khu vực ngoài đê sông Hồng, sông Đuống. Không xây dựng tuynel kỹ thuật chính và các công trình công cộng ngầm, công trình có hầm ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng tiêu thoát lũ.

c) Quy hoạch không gian xây dựng ngầm:

* Nguyên tắc chung:

- Công trình xây dựng ngầm phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, các đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan.

- Các đầu mối giao thông công cộng lớn của Thành phố (TOD, ga đường sắt đô thị, ga đường sắt quốc gia) là hạt nhân phát triển không gian xây dựng công cộng ngầm. Trong phạm vi 500m từ đầu mối TOD, sử dụng tối đa chiều sâu để hình thành không gian công cộng ngầm ngầm tại: các công trình cao tầng, trung tâm thương mại, thể dục thể thao, quảng trường, sân vận động ...

- Ngoài các nội dung quy hoạch không gian ngầm đã xác định trong đồ án, quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng cụ thể nếu có hình thành công trình xây dựng ngầm được cấp thẩm quyền phê duyệt thì cho phép bổ sung cập nhật các nội dung được duyệt vào đề án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

* Giao thông ngầm:

- Các tuyến giao thông đường bộ ngầm chủ yếu bố trí tại các nút giao thông khác mức, các quảng trường (quảng trường sân vận động quốc gia Mỹ Đình...), qua các khu vực công trình đầu mối sân bay, đường sắt quốc gia (sân bay Gia Lâm, khu vực ga Hà Nội, ga Ngọc Hồi, ga Giáp Bát...).

- Mạng lưới đường sắt đô thị ngầm gồm: các tuyến số 2, số 3, số 4, số 5, số 7 và số 8 xây dựng kết hợp giữa đi trên cao, trên mặt đất và đi ngầm với tổng chiều dài phần xây dựng ngầm khoảng 86,5km và 81 ga ngầm trên các tuyến. Phương án xây dựng (ngầm, nổi, đi bằng), vị trí, số lượng ga ngầm các tuyến đường sắt đô thị được xác định chính xác theo dự án riêng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Yêu cầu kết nối đường sắt đô thị ngầm: Các tuyến xây dựng trước phải tính toán dự phòng và quy hoạch các vị trí kết nối ngầm tại ga dự kiến giao cắt với tuyến xây dựng sau. Các tuyến xây dựng sau phải hình thành kết nối đồng bộ với tuyến đã xây dựng để tạo dựng hoàn chỉnh liên kết theo quy hoạch.

- Định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD: phát triển đô thị nén, mật độ cao trên cả không gian nổi không gian ngầm xung quanh các ga đường sắt đô thị, với chức năng hỗn hợp. Trong đó, ưu tiên phát triển xây dựng không gian ngầm trong các công trình công cộng, trung tâm thương mại đô thị. Tạo lập đầu mối giao thông, theo hướng lấy ga đường sắt đô thị ngầm làm hạt nhân liên kết các trạm dừng, nghỉ, bến đầu cuối của các tuyến giao thông công cộng: đường sắt nhẹ một ray, xe buýt và bãi đỗ xe công cộng. Chú trọng phát triển các liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp các công trình xây dựng ngầm với ga ngầm thông qua hầm bộ hành. Xây dựng một số quảng trường, không gian công cộng ngầm gắn với các ga đường sắt đô thị quan trọng.

- Nút giao thông ngầm: Bố trí hầm đường bộ tại các nút giao thông khác mức trong các trường hợp khó khăn về quỹ đất, các yếu tố không gian, cảnh quan kiến trúc. Tập trung chủ yếu tại các nút giao thông từ vành đai 3 trở vào.

- Hầm ngầm dành cho người đi bộ: Xây dựng trên các tuyến đường giao thông cấp đô thị, tại các ngã tư, các quảng trường lớn, các khu vực tập trung hành khách (các nhà ga tàu điện ngầm, tàu hỏa, sân vận động, bến xe khách,..), các nút giao thông khác mức và tại các giao cắt với tuyến đường sắt... Đường ngầm cho người đi bộ phải được trang bị hệ thống thông gió, chiếu sáng, chống thấm, thoát nước theo quy định. Trong đường ngầm cho người đi bộ khuyến khích kết hợp bố trí diện tích phục vụ các nhu cầu thương mại, giải trí, ăn uống và kết nối với phần ngầm của các công trình xây dựng xung quanh.

* Bãi đỗ xe công cộng ngầm:

- Đối với khu vực nội đô lịch sử: Tận dụng tối đa các bãi đỗ xe đã có để xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, nhiều tầng, khuyến khích sàn đỗ xe kiểu cơ giới hóa để tiết kiệm quỹ đất. Cho phép bổ sung các bãi đỗ xe ngầm dưới các khu vực vườn hoa, công viên, quảng trường và các công trình công cộng.

- Đối với khu vực nội đô mở rộng và các khu vực cải tạo trên các trục hướng tâm thuộc khu vực mở rộng phía Đông vành đai 4: tận dụng tối đa các bãi đỗ xe hiện có cải tạo xây dựng bãi đỗ xe cao tầng, ngầm.

- Các quỹ đất chuyển đổi chức năng trong khu vực nội đô cần bố trí bãi đỗ xe ngầm phục vụ nhu cầu bản thân và đáp ứng một phần nhu cầu công cộng.

- Quy hoạch các bãi đỗ xe công cộng ngầm bố trí tại khu vực 04 quận nội thành cũ với 78 địa điểm xây dựng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 104ha, công trình xây dựng từ 3-4 tầng hầm (tối đa đến 5 tầng hầm đỗ xe và cho phép bố trí kết hợp với các chức năng thương mại dịch vụ). Vị trí, quy mô, công suất các bãi đỗ xe ngầm sẽ được xác định chính xác theo đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đxe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thành phố, các đồ án quy hoạch phân khu hoặc các dự án đầu tư riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt.

* Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm:

- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm dạng tuyến:

+ Khu nội đô lịch sử: Giữ nguyên trạng mạng lưới cống bể, hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung đã cơ bản đảm bảo yêu cầu quy hoạch. Xây dựng hào kỹ thuật trên các tuyến đường mới mở phục vụ hạ ngầm 100% hệ thống đường dây, đường ống.

+ Khu nội đô mở rộng và khu mở rộng phía Nam sông Hồng: Giữ nguyên mạng lưới hào kỹ thuật đã xây dựng theo quy hoạch, kết hợp xây dựng tuy nen kỹ thuật, hào kỹ thuật trên các tuyến đường mới mở phục vụ hạ ngầm 100% hệ thống đường dây, đường ống.

+ Khu mở rộng phía Bắc sông Hồng: Xây dựng đồng bộ tuy nen kỹ thuật chính, nhánh, hào kỹ thuật trên các tuyến đường mới mở để bố trí 100% hệ thống đường dây, đường ống.

+ Đối với các tuyến đường sắt đô thị ngầm: Bố trí tích hợp các khoang kỹ thuật tương đương với tuynel kỹ thuật để bố trí hệ thống đường dây, đường ống.

+ Đối với các tuyến đường quy hoạch xây dựng mới quy mô B ≥ 30m nghiên cứu xây dựng hệ thống tuynen kỹ thuật để bố trí hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.

- Các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật ngầm:

+ Công trình xử lý nước thải ngầm: Xây dựng 01 trạm xử lý nước thải ngầm trong Công viên Thống Nhất; Các trạm xử lý nước thải khác khuyến khích xây dựng ngầm để tạo dựng cảnh quan và tăng hiệu quả sử dụng không gian trên mặt đất cho các chức năng công cộng, cây xanh. Đối với các khu đô thị mới nằm trong khu vực chưa hình thành trạm xử lý và hệ thống thu gom nước thải tập trung, cho phép xây dựng các trạm xử lý cục bộ ngầm dưới các khu đất hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh... Khi không còn nhu cầu sử dụng trạm xử lý cục bộ, được phép nghiên cứu chuyển đổi thành các chức năng khác.

+ Trạm biến áp cao thế xây dựng ngầm: trạm cầu Giấy trong công viên - hồ điều hòa CV1, quận Cầu Giấy và trạm Giảng Võ trong khu đất 148 Giảng Võ, quận Ba Đình. Các trạm biến áp khác trong khu vực hạn chế về quỹ đất khuyến khích nghiên cứu bố trí ngầm tại các công viên cây xanh, vườn hoa, khu đất xây dựng dự án.

* Hệ thống công trình công cộng ngầm:

- Khu vực phát triển không gian công cộng xây dựng ngầm: được xác định tại các khu vực tổ hợp ga chuyến tàu hoặc các ga đường sắt đô thị có kết nối với nhau phục vụ hành khách trung chuyến tàu, bao gồm 39 khu vực phát triển không gian công cộng xây dựng ngầm, tập trung trong khu vực nội đô từ vành đai 3 vào trung tâm với tổng quy mô diện tích 954ha, bố trí các chức năng chính gồm: dịch vụ, thương mại, câu lạc bộ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, ga ra ngầm ...

- Khu vực khuyến khích hình thành không gian công cộng xây dựng ngầm gồm: Các khu vực nằm ngoài phạm vi 500m từ đầu mối giao thông công cộng, các khu vực hiện hữu có nhu cầu xây dựng lại như: khu tập thể cũ, các khu vực phải di dời ra khỏi nội đô... là các khu vực khuyến khích xây dựng tầng hầm để sử dụng đất hiệu quả, triệt để. Định hướng quy hoạch 65 khu vực khuyến khích hình thành không gian công cộng ngầm với tổng quy mô diện tích khoảng 2.171ha.

Vị trí, ranh giới phạm vi, quy mô các khu vực phát triển không gian công cộng ngầm sẽ được xác định chính xác theo Quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm hoặc các dự án đầu tư riêng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong phạm vi các khu vực không gian công cộng xây dựng ngầm, chiều sâu xây dựng không gian ngầm có con người hoạt động tối đa -15m, số tầng hầm tối đa 5 tầng. Các trường hợp khác xây dựng vượt quá chiều sâu tối đa trên phải được cơ quan quản lý chuyên ngành xem xét, chấp thuận.

- Đối với phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất (bao gồm cả tầng hầm của nhà ở riêng lẻ), sẽ được xác định theo các đồ án quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng các dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt. Việc xây dựng phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất phải tuân thủ các quy định về: quy hoạch đô thị, quy chuẩn về xây dựng ngầm, giấy phép xây dựng, đảm bảo trong ranh giới sử dụng đất hợp pháp, không vi phạm chỉ giới đường đỏ, hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại Nghị định 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ.

* Đấu nối kỹ thuật và kết nối không gian ngầm:

- Đấu nối tại điểm trung chuyển giữa các tuyến đường sắt đô thị ngầm (đấu nối kỹ thuật): sử dụng mô hình tháp kết nối trực tiếp, hai nhà ga đường sắt đô thị giao cắt khác cột tại cùng một vị trí, tại nơi có không gian đô thị lớn, cảnh quan đô thị phù hợp. Đối với những điểm giao cắt tại khu vực không gian nhỏ, yêu cầu cảnh quan đô thị khắt khe thì sử dụng mô hình tách rời, hai nhà ga của hai tuyến giao cắt đặt rời nhau, sử dụng cầu dẫn hoặc đường hầm kết nối hành khách.

- Kết nối ga ngầm đường sắt đô thị với các không gian xung quanh (kết nối không gian): Trong phạm vi 100m xung quanh ga đường sắt đô thị ngầm, xây dựng các lối đi bộ ngầm để kết nối với phần ngầm của các công trình. Thiết lập các quảng trường ngầm gắn kết trực tiếp với ga đường sắt đô thị làm đầu mối của các liên kết ngầm (nổi) giữa ga với các chức năng đô thị khác.

- Đấu nối hệ thống tuynel, hào, cổng bể kỹ thuật: Đấu nối hệ thống tuynel, hào, cống bể kỹ thuật được thực hiện tại các nút giao của hầm. Nút giao sử dụng kết hợp làm nơi quản lý, vận hành, sửa chữa duy tu bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi qua. Việc đấu nối các công trình hạ tầng trong tuynel, hào, cống bể kỹ thuật phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch được duyệt, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của từng loại đường dây, đường ống, đáp ứng nhu cầu sử dụng đồng bộ.

d) Định hướng phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị vệ tinh:

- Tại các đô thị vệ tinh Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên khuyến khích phát triển không gian công cộng ngầm xung quanh các tuyến đường sắt dự kiến kết nối với đô thị trung tâm.

- Đối với đô thị vệ tinh Hòa Lạc và các khu vực dự kiến xây dựng các trường đại học, cơ sở nghiên cứu tại các đô thị vệ tinh khác, khuyến khích xây dựng các công trình ngầm tại các khu thí nghiệm công nghệ cao, kho tàng - cơ sở lưu trữ và các khu sản xuất thử nghiệm hiện đại.

- Phát triển đồng bộ hệ thống tuynel, hào kỹ thuật dọc các tuyến đường chính đô thị trong phạm vi phát triển đô thị vệ tinh, cấm xây dựng các tuyến đường dây đi nối tại các khu đô thị mới, hạn chế và từng bước hạ ngầm các tuyến đường dây đi nổi hiện có tại các khu vực xây dựng hiện hữu trong các khu dân cư.

e) Đánh giá môi trường chiến lược: Các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu và cải thiện các vấn đề môi trường gồm:

- Khai thác hiệu quả các yếu tố tự nhiên, vị trí địa lý, giao thông, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đất xây dựng công trình ngầm, tránh đầu tư nhỏ lẻ.

- Xây dựng hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm: mạng lưới đường giao thông đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật, tạo điều kiện giao thông thuận lợi, thông suốt làm giảm tiếng ồn và khói bụi; Hệ thống thoát nước xây dựng trên cơ sở phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường, đảm bảo các chức năng thoát nước đô thị theo quy chuẩn, không gây ngập úng cục bộ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm và nước mặt; Hệ thống cấp điện đáp ứng đầy đủ nhu cầu năng lượng điện của đô thị; Hệ thống cấp nước đảm bảo việc bảo vệ và sử dụng tổng hợp các nguồn nước về chất lượng và nhu cầu theo quy chuẩn.

f) Các hạng mục ưu tiên và nguồn lực thực hiện:

* Các hạng mục ưu tiên đầu tư theo thứ tự:

- Các tuyến đường sắt đô thị ngầm, hầm đường bộ.

- Trạm biến áp cao thế, ga ra đỗ xe xây dựng ngầm trong khu vực nội đô.

- Hệ thống tuynel, hào kỹ thuật dọc các tuyến đường chính đô thị.

- Hạ ngầm các tuyến đường dây đi nổi.

- Hệ thống công trình công cộng ngầm và hầm kết nối xung quanh mạng lưới ga đường sắt đô thị ngầm.

* Dự báo nguồn lực thực hiện:

- Nguồn vốn từ trong nước và nước ngoài, thông qua các khoản vay dự án ODA, phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị ngầm.

- Vốn đầu tư công từ các nguồn thu của Thành phố: đầu tư phát triển các tuyến đường giao thông đồng bộ với việc xây dựng hệ thống tuynel, hào kỹ thuật; các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối xây dựng ngầm

- Vốn ngoài ngân sách: Xây dựng công trình công cộng ngầm, ga ra đỗ xe, các hành lang liên kết không gian ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất với các công trình công cộng ngầm và ga đường sắt đô thị ngầm.

g) Các yêu cầu quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị theo quy hoạch:

Đối với các công trình hiện có, đã được đầu tư xây dựng không gian ngầm tiếp tục sử dụng theo hiện trạng. Khuyến khích thực hiện theo quy hoạch được duyệt tại đồ án này khi có nhu cầu cải tạo, nâng cấp công trình hoặc bổ sung các giải pháp kết nối không gian ngầm với khu vực xung quanh để đảm bảo đồng bộ.

Đối với các công trình xây dựng mới, việc xây dựng không gian ngầm đô thị ngoài việc phải tuân thủ quy hoạch được duyệt, các quy định pháp luật hiện hành cần đảm bảo các yêu cầu đối với từng đối tượng công trình như sau:

- Đối với mạng lưới đường sắt đô thị ngầm:

+ Quản lý các hoạt động xây dựng tại không gian ngầm trong hành lang bảo vệ các tuynel đường sắt đô thị để đảm bảo an toàn.

+ Cần đấu nối kỹ thuật, đấu nối không gian tại ga chuyến tàu của các tuyến đường, giữa ga ngầm với các công trình xây dựng ngầm, hoặc phần ngầm của các công trình xây dựng xung quanh trong phạm vi 100m tính từ ga.

+ Các kiến trúc đấu nối, công trình công cộng ngầm dưới các không gian công cộng, ngoài phạm vi chỉ giới đường đỏ phải được quản lý theo quy định đặc thù, thuộc sở hữu công cộng.

+ Các không gian trống xung quanh các công trình trên mặt đất (đối với các khu đất có chủ sở hữu công trình), xung quanh ga ngầm các tuyến đường sắt đô thị phải được coi là bán công cộng, cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối với nhà ga.

+ Kết hợp đồng bộ giữa quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị ngầm với các khu vực có tiềm năng phát triển xung quanh ga ngầm (mô hình TOD).

- Đối với các công trình công cộng ngầm: Phải đảm bảo đủ độ dày lớp đất để trồng cây xanh bóng mát bên trên.

- Đối với công trình xây dựng trong khu vực phát triển không gian xây dựng ngầm, khu vực khuyến khích hình thành không gian xây dựng ngầm cần nghiên cứu không gian ngầm của bản thân công phù hợp với định hướng quy hoạch chung của Thành phố, đảm bảo yêu cầu kết nối với không gian ngầm công cộng chung của khu vực hoặc có các giải pháp dự phòng kết nối trong trường hợp công trình xây dựng trước khi hình thành không gian công cộng ngầm chung.

- Đối với gara xây dựng ngầm:

+ Phải có phương án tổ chức lối ra vào hầm thuận tiện, không gây ùn tắc giao thông, khuyến khích thiết kế cơ giới, tự động hóa việc cất giữ phương tiện giao thông.

+ Kiến trúc không gian gara phải tính đến việc chuyển đổi chức năng thuận tiện sang công trình công cộng ngầm, khi có yêu cầu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân hoặc khi có nhu cầu phát triển mới.

- Đối với hệ thống tuynel, hào, cống bể kỹ thuật và việc hạ ngầm các đường dây đi nổi trong đô thị:

+ Đảm bảo đồng bộ theo quy hoạch được duyệt.

+ Đảm bảo cho việc vận hành, sử dụng và duy tu sửa chữa đường dây, đường ống trong hệ thống được thuận lợi.

+ Hạn chế tối đa việc đào hè, đường.

+ Thiết kế các nút giao phục vụ đấu nối giữa các loại hình đường dây, đường ống trong hệ thống.

+ Nghiêm cấm xây dựng lấn chiếm không gian, lấn chiếm hành lang xanh, phá vỡ cảnh quan, các điểm di tích lịch sử văn hóa, công trình tôn giáo tín ngưỡng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

- Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc: chịu trách nhiệm kiểm tra, xác nhận hồ sơ Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - Thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp nội dung Quyết định này. Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm trong các đồ án quy hoạch và quy định quản lý liên quan đã ban hành trước đây phù hợp với đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - Thành phố Hà Nội được duyệt.

- Giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội: tổ chức công bố công khai nội dung đồ án được duyệt cho các tổ chức, cơ quan, cá nhân và nhân dân biết, thực hiện; Bàn giao hồ sơ đồ án được duyệt cho Sở Xây dựng để lưu trữ và triển khai các công việc có liên quan theo quy định; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất danh mục các khu vực lập quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm cho các khu vực đô thị, báo cáo UBND Thành phố xem xét quyết định.

- Giao Sở Xây dựng: chịu trách nhiệm triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu công trình ngầm đô thị; lưu trữ hồ sơ Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - Thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của pháp luật.

- Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trên cơ sở quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị được duyệt, triển khai các đề án, dự án đầu tư xây dựng công trình ngầm có liên quan theo phân cấp đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giao thông vận tải; Công an thành phố Hà Nội; Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Xây dựng (để b/c);
- Ban TVTU, TTTU (để b/c);
- Thường trực HĐND TP (để b/c);
- Đ/c Chủ tịch UBND TP (để b/c);
- Các đ/c PCT UBND TP;
- VPUBTP: CVP, PCVP Phạm Văn Chiến, các phòng: TKBT, KT, ĐT;
- Lưu: VT, ĐT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Chu Ngọc Anh