- 1 Quyết định 541/QĐ-UBND năm 2022 về Quy chế phối hợp thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 2 Quyết định 273/QĐ-UBND năm 2023 về Quy chế phối hợp thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 3 Quyết định 715/QĐ-UBND năm 2023 về Quy chế phối hợp thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn tỉnh Yên Bái
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 913/QĐ-UBND | Hòa Bình, ngày 08 tháng 5 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG, TIẾP NHẬN, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN HỖ TRỢ KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN DO THIÊN TAI, DỊCH BỆNH, SỰ CỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 09 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Hoạt động chữ thập đỏ ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 1163/STC-QLNS ngày 17 tháng 4 năm 2023; ý kiến thống nhất của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tại Công văn số 2563/MTTQ-BTT ngày 10 tháng 4 năm 2023; Hội Chữ thập đỏ tỉnh tại Công văn số 72/CTĐHB-CTXH ngày 11 tháng 4 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp thực hiện Quy chế. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG, TIẾP NHẬN, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN HỖ TRỢ KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN DO THIÊN TAI, DỊCH BỆNH, SỰ CỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
(Kèm theo Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 08/5/2023 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định nguyên tắc phối hợp, hình thức, nội dung phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện công tác vận động tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cá nhân có liên quan đến công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, kịp thời có phân công trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện.
2. Việc phối hợp dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị, địa phương; bảo đảm triển khai đầy đủ, chặt chẽ, đúng quy định nhằm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện trên địa bàn tỉnh; tuân thủ quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan.
3. Công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác các hoạt động có liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện theo quy định.
Chương II
QUY CHẾ PHỐI HỢP CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THỰC HIỆN CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG, TIẾP NHẬN, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN
Điều 3. Nhiệm vụ phối hợp của các cơ quan, đơn vị
1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
a) Thành lập Ban Cứu trợ cấp tỉnh (lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh là Trưởng ban, Trưởng ban quyết định thành phần Ban Cứu trợ gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan); ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban cứu trợ cấp tỉnh.
b) Thực hiện kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện khi có thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản hoặc ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân theo quy định của pháp luật; thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp không quá 90 ngày, trường hợp cần thiết thì có thể quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
c) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác vận động, cứu trợ; thời gian, địa điểm, tài khoản tiếp nhận trên hệ thống thông tin truyền thông tạo thuận lợi cho việc đóng góp ủng hộ Quỹ.
d) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện đến các địa phương, nhân dân vùng thiên tai, dịch bệnh, sự cố đảm bảo kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và minh bạch. Việc tiếp nhận, phân phối, nội dung và mức chi được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của Ban cứu trợ cấp tỉnh, cụ thể:
- Đối với tiếp nhận hiện vật, việc giao, nhận phải đảm bảo đầy đủ về số lượng, chủng loại, bảo quản, lưu trữ theo đúng quy định;
- Đối với những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể thì thực hiện theo đúng cam kết với nhà tài trợ;
- Nguồn đóng góp tự nguyện chưa sử dụng hết theo Kế hoạch dự kiến ban đầu, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh xin chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy sử dụng cho các nhiệm vụ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố của đợt tiếp theo. Trường hợp cuối năm tiền đóng góp tự nguyện còn dư thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện.
đ) Thực hiện báo cáo tình hình và kết quả vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện theo chế độ quy định.
e) Mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong thời gian tiếp nhận.
2. Hội Chữ thập đỏ tỉnh
a) Hội Chữ thập đỏ tỉnh tham gia làm thành viên của Ban Cứu trợ cấp tỉnh. Thực hiện nhiệm vụ tham mưu địa bàn, định mức, số lượng, phương thức sử dụng và trực tiếp tham gia triển khai các hoạt động cứu trợ trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thống nhất, hiệu quả, tránh trùng lắp, chồng chéo theo quy định của pháp luật trong hoạt động Chữ thập đỏ.
b) Sau khi có chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện kêu gọi, vận động quyên góp tiền, hiện vật, công sức, trí tuệ của tổ chức, cá nhân để thực hiện hoạt động chữ thập đỏ; kêu gọi tổ chức chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước ủng hộ theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động Chữ thập đỏ.
c) Báo cáo kết quả tiếp nhận, phân phối, sử dụng và công khai nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố của Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện theo quy tại Điều 16 và Điều 21 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP.
d) Mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận các khoản đóng góp ủng hộ theo hệ thống Chữ thập đỏ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh quản lý và sử dụng theo quy chế.
3. Các cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xác định nhu cầu và đề xuất phân bổ kinh phí, hiện vật để hỗ trợ dân sinh cho các đối tượng, gia đình bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố theo chức năng, thẩm quyền quy định; phân bổ, công khai và báo cáo tình hình kinh phí hỗ trợ theo quy định; thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận và sử dụng kinh phí hỗ trợ thuộc thẩm quyền theo quy định.
b) Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan xác định nhu cầu và đề xuất phân bổ kinh phí để hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hàng hóa cần thiết phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ các đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế trong thời gian cách ly y tế tại các cơ sở y tế công lập do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phân bổ, công khai và báo cáo tình hình kinh phí hỗ trợ; thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận và sử dụng kinh phí hỗ trợ thuộc thẩm quyền theo quy định.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổng hợp nhu cầu và đề xuất phân bổ kinh phí, hiện vật để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu; công cụ, phương tiện sản xuất bị mất, hư hỏng nặng do thiên tai, sự cố gây ra để phục hồi sản xuất và hỗ trợ cải tạo diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị xói mòn, bồi lấp; sửa chữa, khôi phục công trình phòng, chống thiên tai,... và công trình hạ tầng thiết yếu khác bị thiệt hại theo chức năng, thẩm quyền quy định; phân bổ, công khai và báo cáo tình hình kinh phí hỗ trợ; thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận và sử dụng kinh phí hỗ trợ thuộc thẩm quyền theo quy định.
d) Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí - truyền thông và các ngành, địa phương có liên quan thực hiện đưa tin chính xác, kịp thời trong quá trình vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
đ) Sở Tài chính
Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan quản lý đối với nguồn đóng góp tự nguyện được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước; thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận và sử dụng kinh phí hỗ trợ thuộc thẩm quyền theo quy định.
e) Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện, theo dõi, đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ các vấn đề về ô nhiễm môi trường, cung cấp điện, nước sinh hoạt, cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường, công trình giao thông, thông tin, trường học, phương tiện vận chuyển,... do thiên tai, dịch bệnh, sự cố gây ra; phân bổ, công khai và báo cáo tình hình kinh phí hỗ trợ theo quy định; thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận và sử dụng kinh phí hỗ trợ thuộc thẩm quyền theo quy định.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn; thực hiện đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ- CP và theo Quy chế này.
b) Phối hợp các Sở, ngành, và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phường, xã và thị trấn xác định nhu cầu và đề xuất hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
c) Thực hiện tiếp nhận, sử dụng và báo cáo tình hình và kết quả vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện theo chế độ quy định (kể cả nguồn đóng góp tự nguyện tại phường, xã).
d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã thực hiện theo dõi tình hình diễn biến thiên tai, dịch bệnh, sự cố để cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
5. Các đơn vị tổ chức, cá nhân khác có liên quan
- Theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
- Đối với nguồn đóng góp tự nguyện, các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiếp nhận hỗ trợ để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện vận động được theo mục đích, phạm vi hoạt động và thông báo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức, cá nhân đóng góp; thông báo với Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã nơi tiếp nhận hỗ trợ theo phân cấp để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện vận động tránh trùng lắp, chồng chéo; thực hiện công khai các khoản đóng góp, sử dụng và quyết toán theo quy định.
Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề mới cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh, kiến nghị về Sở Tài chính để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.
- 1 Quyết định 541/QĐ-UBND năm 2022 về Quy chế phối hợp thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 2 Quyết định 273/QĐ-UBND năm 2023 về Quy chế phối hợp thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 3 Quyết định 715/QĐ-UBND năm 2023 về Quy chế phối hợp thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn tỉnh Yên Bái