- 1 Quyết định 378/QĐ-TTg về bổ sung kinh phí hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 1627/QĐ-TTg năm 2021 về ký Thỏa thuận bổ sung giữa Việt Nam và Ô-xtrây-lia về Chương trình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Ô-xtrây-lia giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 146/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 916/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2024 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV;
Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật là khâu then chốt trong nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
3. Phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật phải gắn với việc thực hiện các chính sách về công tác cán bộ, bám sát các yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
1. Mục tiêu chung
Xây dựng đội ngũ làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, chuyên môn phù hợp, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành và địa phương đối với công tác xây dựng pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
- Hoàn thiện các quy định pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; về thu hút, trọng dụng người có tài năng, tạo cơ sở để thu hút người có tài năng làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật.
- Đến năm 2027, bảo đảm ít nhất 70% và đến hết năm 2030, phấn đấu đạt 100% các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật của bộ, ngành, địa phương.
- Đến năm 2027, đạt 70% và đến hết năm 2030, phấn đấu đạt 100% cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật được bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
- Đến năm 2027, trên cơ sở biên chế được giao, các bộ, ngành, địa phương xây dựng đội ngũ khoảng 200 công chức (tương ứng với 03 công chức/bộ, ngành và 02 công chức/địa phương) và đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 300 công chức (tương ứng với 05 công chức/bộ, ngành và 03 công chức/địa phương) có đủ kiến thức, năng lực vượt trội và kinh nghiệm để trở thành lực lượng nòng cốt bồi dưỡng, dẫn dắt, phát triển nguồn nhân lực tham mưu xây dựng pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương.
III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Phạm vi của Đề án
Đề án được thực hiện trong phạm vi các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Đối tượng của Đề án
Nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật mà Đề án này đề cập đến là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác nghiệp vụ tại các đơn vị chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
1. Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc xây dựng, phát triển nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật
a) Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về tầm quan trọng của công tác tham mưu xây dựng pháp luật; vị trí, vai trò của cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật và trách nhiệm trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ này.
b) Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật; không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh nhằm cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
c) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật của bộ, ngành, địa phương.
d) Ưu tiên chọn cử cán bộ, công chức đã được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng xây dựng pháp luật phù hợp hoặc có kinh nghiệm trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật tham gia tổ biên tập, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
đ) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật.
2. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng trong các ngành, lĩnh vực góp phần bảo đảm chất lượng đầu vào của nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật.
3. Thu hút, tuyển dụng, trọng dụng người có tài năng vào làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật
a) Tìm kiếm, phát hiện người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực, có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, có trình độ năng lực sáng tạo, vượt trội để thu hút, tuyển dụng vào làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương.
b) Có chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng ở khu vực ngoài nhà nước vào làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương.
c) Khuyến khích, đề cao trách nhiệm của người phát hiện, giới thiệu, tiến cử người có tài năng vào làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật.
d) Xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước và nước ngoài để đào tạo, bồi dưỡng người có tài năng làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật theo yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị.
4. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật
a) Coi chất lượng nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật là một trong những đột phá để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.
b) Xây dựng, duy trì đội ngũ khoảng 300 công chức có đủ kiến thức, năng lực vượt trội và kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật để trở thành lực lượng nòng cốt bồi dưỡng, dẫn dắt, phát triển nguồn nhân lực tham mưu xây dựng pháp luật tại các bộ, ngành và địa phương.
c) Xây dựng chương trình, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ
- Tăng dung lượng kiến thức, kỹ năng xây dựng pháp luật trong chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý.
- Đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức tham mưu xây dựng pháp luật, tăng cường kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị. Việc bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cần căn cứ vào nhu cầu thực tế, xử lý các vấn đề đặt ra trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật.
- Xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn có cơ cấu nội dung hợp lý, kết hợp học lý thuyết và trao đổi, thảo luận, thực hành tình huống; kết hợp học trên lớp và tìm hiểu thực tiễn.
- Xây dựng, hoàn thiện các bộ tài liệu, sổ tay, bài giảng điện tử về kiến thức, kỹ năng xây dựng pháp luật.
- Tổ chức hội thảo khoa học, khảo sát tình hình thực tế để nghiên cứu xây dựng khung chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn đáp ứng yêu cầu.
5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin và các công nghệ khác của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong việc hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật
a) Tăng cường hợp tác với một số cơ sở đào tạo, tổ chức quốc tế có uy tín để xây dựng các chương trình tập huấn có chất lượng về kỹ năng xây dựng pháp luật; thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng pháp luật trong nước và quốc tế.
b) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin và các công nghệ khác của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong việc hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, cơ sở dữ liệu Điều ước quốc tế bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, cập nhật, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận.
c) Đẩy mạnh thông tin, truyền thông về vai trò của nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật, về Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật; xây dựng, thiết lập và duy trì thường xuyên các chuyên mục, chuyên trang về xây dựng pháp luật trên một số phương tiện thông tin đại chúng.
6. Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật, nhằm tạo động lực cho cán bộ, công chức phát huy trí tuệ, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
7. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai Đề án. Tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án.
1. Bộ Tư pháp
a) Xây dựng, biên soạn các bộ tài liệu chuyên sâu hướng dẫn kỹ năng xây dựng pháp luật cho các cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật.
b) Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, cập nhật, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận.
c) Tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ, công chức tham mưu xây dựng pháp luật về kiến thức, kỹ năng xây dựng pháp luật.
d) Tổ chức hội thảo khoa học, khảo sát tình hình thực tế để nghiên cứu xây dựng khung chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn đáp ứng yêu cầu.
đ) Theo dõi, đôn đốc, sơ kết và tổng kết việc thực hiện Đề án này ở các bộ, ngành, địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai Đề án.
2. Bộ Nội vụ
a) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức; quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng, góp phần phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
b) Xây dựng, hoàn thiện chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, trong đó chú trọng đến kỹ năng xây dựng pháp luật.
3. Bộ Tài chính
Bố trí kinh phí chi thường xuyên trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm cho các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án này theo Luật Ngân sách nhà nước.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin và các công nghệ khác của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công tác xây dựng pháp luật.
5. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành và địa phương.
b) Sử dụng, phát huy có hiệu quả nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật; trên cơ sở biên chế được giao, các bộ, ngành, địa phương chọn lựa một số công chức có đủ kiến thức, năng lực vượt trội và kinh nghiệm để trở thành lực lượng nòng cốt nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng pháp luật; đồng thời có giải pháp thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng để phát triển đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu xây dựng pháp luật kế cận, bảo đảm tính kế thừa.
c) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng xây dựng pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức các buổi hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật.
d) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin và các công nghệ khác của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong việc hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật.
đ) Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật.
e) Ban hành kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm hiệu quả, đồng bộ với kế hoạch, chương trình phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, địa phương.
g) Bố trí kinh phí hàng năm để tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao trong Đề án.
h) Báo cáo kết quả triển khai Đề án khi có yêu cầu.
Kinh phí thực hiện đề án được bố trí từ ngân sách nhà nước và kinh phí huy động từ các nguồn lực tài chính hợp pháp khác (nếu có) theo quy định pháp luật.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
- 1 Quyết định 378/QĐ-TTg về bổ sung kinh phí hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 1627/QĐ-TTg năm 2021 về ký Thỏa thuận bổ sung giữa Việt Nam và Ô-xtrây-lia về Chương trình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Ô-xtrây-lia giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 146/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành